Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Ông Sáu Dân với biểu tượng Thống Nhất tổ quốc

Tác giả: PHẠM VĂN HẠNG  
Câu chuyện về biểu tượng Thống Nhất giữa lòng Sài Gòn - TP.HCM, tâm huyết của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cũng là những suy tư của ông Sáu Dân về quá trình hòa hợp, hòa giải đất nước sau chiến tranh.
 
LTS: Ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 23/11 là dịp để nhớ về ông, nhớ về một nhân cách lớn của dân tộc. Bài viết của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng là những mẩu kỉ niệm nhỏ của ông với ông Sáu Dân, người dành nhiều trăn trở với sự nghiệp hòa hợp và hòa giải dân tộc sau chiến tranh.
Có lẽ câu chuyện xây dựng tượng đài Chiến thắng hay biểu tượng Thống Nhất tổ quốc và sự ủng hộ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là minh chứng sống động nhất của tư duy Sáu Dân về hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

"Cái gì còn dùng được thì cố tìm cách để dùng"

Sau khi thống nhất đất nước, Thành phố (Hồ Chí Minh) mở đợt sáng tác mẫu tượng đài chiến thắng (1976 - 1977) gần 30 đơn vị tập thể tham dự, gồm có các Vụ, Viện, Sở, Hội Mỹ thuật, Hội Kiến trúc sư... không có cá nhân đứng tên. Sau 2 tháng đưa về Bảo tàng Thành phố đường Phó Đức Chính để báo cáo với nhiều cấp lãnh đạo.
Hăng say hào khí, có nhiều đơn vị đề nghị san bằng, đập bỏ công trình Đài Tưởng niệm Việt - Mỹ đang xây dựng chưa xong tại Công viên cửa ngõ ra vào phi trường Tân Sơn Nhất của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, để minh chứng cho sự chiến thắng, phá bỏ tàn dư...
Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Thành phố, nghe xong xoay qua nói với ông Mai Chí Thọ: "Nói như tác giả kiến trúc sư thì phải đập phá luôn cả dinh Độc Lập..." rồi ông cười cởi mở và nói tiếp... "Cái gì còn dùng được thì cố tìm cách để sử dụng..."
Câu nói đó của ông Võ Văn Kiệt như một sự kết dính vô hình không chỉ một số tác giả đang có mặt mà sau này tôi đã nghe nhiều lần qua những người thân quen như Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Tiến sĩ Trần Kim Thạch, Giáo sư Triết Nguyễn Trọng Văn, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bác sĩ Phạm Biểu Tâm (Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Sài Gòn trước khi định cư ở nước ngoài còn nhờ tôi nếu có dịp gặp ông Kiệt cho ông ấy gởi lời chào và mong ông Sáu Dân cố lo việc cho dân).



Cuộc chọn mẫu tượng Đài chiến thắng được 4 phương án vào chung kết, có nhóm của chúng tôi, sau 2 tháng tham dự sáng tác tập thể... Quả thực sáng tác làm sao tập thể được! Từ đó mỗi tác giả cố tìm cách thể hiện cá tính của mình.
Riêng tôi sau khi phục vụ lo cho anh em cái ăn, cái ngủ... còn 2 tuần hứng chí sáng tác một phác thảo Bà mẹ Việt Nam mặc áo dài, búi tóc, ôm ấp đứa bé, giương cao ngọn cờ độc lập... được Hội đồng chọn nâng cao báo cáo đợt 2 tại Cung Lao động vườn Tao Đàn. Khi đang trình bày có tin khẩn báo cáo đến ông Kiệt là đã giải phóng Campuchia. Ông Kiệt tức tốc đề nghị dừng lại và xin nợ sẽ gặp lại sau.
Sau 18 năm (1977 - 1995) mới gặp lại khi ông đến thăm công trường Đài tưởng niệm tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhắc lại chuyện cũ, ông thâm tình cù rủ tôi về Thành phố tham gia tượng đài Chiến thắng.
Thật may là kết quả tượng đài Chiến thắng Thành phố thời bấy giờ đến nay chưa làm để còn có thời gian suy ngẫm về hình tượng, chất liệu, nội dung... bởi nếu đã làm thì sẽ hao hao giống nhau đưa tay lên, súng đạn để phục vụ tuyên truyền nhiều hơn, còn biểu trưng văn hóa mang tính nhân văn chắc có những điều tiếp tục nghĩ suy.

Từ tượng đài Chiến thắng đến biểu tượng Thống nhất

Sau vài lần tiếp cận về chủ đề tượng đài Chiến thắng, mường tượng công trình dựng lên giữa Trung tâm Thành phố vào thời điểm hội nhập giao lưu, rung động trong tâm thức thống nhất, tôi đi sâu vào ước vọng bằng một phác thảo: "Triệu trái tim trong một trái tim", chất liệu công trình bằng thủy tinh, khung titan, kích thước không lớn, vị trí ngay trước dinh Độc Lập cũ....
Để tăng lòng tin, tôi đã tìm nhiều chuyên gia kết cấu thời đại, kỹ thuật gia thủy tinh, mời các kiến trúc sư Vũ Đại Hải, Nguyễn Văn Tất, họa sĩ Hồi Hương cùng tham gia quy hoạch thiết kế, anh Trịnh Công Sơn suy tư về âm nhạc công trình.
Tìm ý xong, anh Trịnh Công Sơn hẹn đến 16 Tú Xương cùng kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất trong bữa cơm thân mật với ông Võ Văn Kiệt.
Rôm rả trong bữa ăn, đặc biệt cá bống nhà ông Kiệt không có xương, hỏi ra mới rõ là những người phục vụ thương ông nên lấy xương cá trước khi kho. Hết chai rượu vang thứ nhất, Ông hỏi ý tưởng tượng đài Chiến thắng suy nghĩ đến đâu rồi.
Hứng chí, móc trong quần yếm ra một mẩu poly hình trái tim mài nhẵn, đưa lên và nói: Dạ đây, mời anh xem.
Ông Kiệt cầm lên xem rồi định trao cho anh Trịnh Công Sơn và Nguyễn Văn Tất, anh Sơn nói, đã xem và nghe Phạm Văn Hạng nói ý tưởng rồi, còn Nguyễn Văn Tất thì tế nhị, cười thầm lặng. Ông Kiệt gợi ý trình bày.
Tôi đáp: Tượng đài Chiến thắng dành cho những người chiến thắng xem, hãnh diện lịch sử đã đề ghi... Tôi rung động chủ đề thống nhất, thống nhất là ước vọng của cả dân tộc, cao hơn chiến thắng. Bởi xây dựng giữa Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh cho cả người chiến thắng và người thất bại xem... Dẫu sao ở đây cũng là thủ đô của một thời, chúng ta xây dựng công trình phải lạ, đẹp, hàm chứa nhiều ý tưởng nhân văn để mọi người cùng hưởng, cùng nghĩ suy...
Chất liệu thời đại bằng thủy tinh lung linh trong sáng như từng tấm lòng của người Việt Nam. Triệu trái tim trong một trái tim mang hình ảnh như một đóa sen, như một viên ngọc... không có hình tượng con người cụ thể, tránh không giống bất cứ nơi nào... thành biểu tượng trong sáng ai đến thăm ngắm cũng hãnh diện...



Không khí trong bữa ăn từ vui nhộn sang trầm lắng... Ông Kiệt lấy tay đẩy ly rượu vang về phía trước và nói: "Câu chuyện khép lại ở đây, chưa để lọt ra ngoài..".
Chúng tôi ra về trong im lặng, lo nghĩ. Sau hơn 6 tháng anh Trịnh Công Sơn lại nhắn bảo tôi đến nhà ông Kiệt một mình có công việc....
Gõ cửa đúng giờ hẹn, có người mở, anh Sáu Dân đã chờ sẵn, ôm quàng vai thân tình kéo vào phòng khách uống trà và tâm sự.
Anh cho hay câu chuyện bỏ lửng hôm nào về tượng đài Chiến Thắng hay biểu tượng Thống nhất.... Sau đó ông có trình bày với ông Trần Văn Giàu, ông Trần Bạch Đằng và một số vị ở Hà Nội... Các anh ấy đề nghị nên nghiên cứu thật kỹ về chủ đề và nhất là hình tượng đáp ứng được lòng người, tính thời đại, vị trí.
Anh cũng cho hay đã tham khảo kiến trúc sư Ngô Đức Thụ về vị trí công trình, cũng như lãnh đạo Thành phố đã nhất trí cao công trình dựng trước dinh Thống Nhất kể cả tên gọi biểu tượng Thống nhất thay cho tượng đài Chiến thắng.
Trong lòng thấy mừng. Anh khuyến khích xúc tiến phác thảo hoàn chỉnh ý tưởng. Tôi mời họa sĩ Hồi Hương lên không gian 3D, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất sơ phát vị trí. Sau khi chúng tôi đã bằng lòng ý tưởng phác thảo của mình, gợi ý thử mời ông đến xem để biết thêm tấm lòng của nhà lãnh đạo...
Chưa đầy 2 ngày, Ông đã quyết định lên tận nhà ở làng hoa Gò Vấp nghe trình bày ý tưởng... và sau đó Ông đề nghị hoàn thành tập hồ sơ một cách trang trọng để Ông có dịp giới thiệu...
Trước khi ông đi xa, chưa quá 60 ngày, Ông đề nghị tôi tìm chuyên gia thủy tinh giải trình kỹ mỹ thuật và chính Ông cũng sơ phác ý tưởng vị trí công trình nằm giữa ngã tư Pasteur - Lê Duẩn với kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất...
Nghệ thuật cùng ý tưởng biểu tượng Thống nhất đến nay sau 15 năm trăn trở kết hợp "TRIỆU TRÁI TIM TRONG MỘT TRÁI TIM"... bỗng dưng một trái tim lớn sáng ngời như thủy tinh đã ra đi... vẫn còn phản ánh trong tâm tưởng của những người có dịp gần Ông trong công việc...