Bùi Văn Phú
Năm nay Hà Nội nghìn năm tuổi. Tôi đã đến Hà Nội nhiều lần, đầu tiên là khi thành phố này đang ở tuổi 985.
Máy bay lượn vào thủ đô từ biển. Phi cơ nhỏ loại cánh quạt, bay thấp nên từ trên cao tôi thấy rõ sông Hồng đỏ nước phù sa, quanh co hiện trên những cánh đồng lúa xanh rì. Lòng tôi reo vui vì giấc mơ được đến Hà Nội đã thành hiện thực.
Sinh ra và lớn lên ở miền Nam trong thời chiến tranh nên nhắc đến Hà Nội tôi thường nhớ câu hát của Trịnh Công Sơn: “Huế Sài Gòn Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa.” Ba địa danh nổi tiếng nhất của Việt Nam nhưng tôi chỉ biết được Sài Gòn, nơi mình sinh ra và lớn lên. Lời hát đã là ước mơ của tôi, của nhiều người Việt Nam.
Sau năm 1975 tôi sống xa quê hương. Xa Sài Gòn, xa Huế, Hà Nội và tưởng như không còn ngày gặp lại.
Hoả Lò, nơi tù binh Mỹ gọi là Hanoi Hilton
Ở Mỹ thỉnh thoảng nghe đến Hanoi Hilton, nhưng không phải là nơi đón du khách như một khách sạn năm sao sừng sững giữa lòng thủ đô bây giờ. Ba mươi năm trước cái tên đó là chỉ Hoả Lò, nơi giam những tù binh Mỹ. Những phi công Mỹ bị bắt được đưa vào đây và họ đã mỉa mai đặt cho nơi chốn ngục tù này một cái tên nghe thật sang và đẹp.
Bài toán Cột cờ Hà Nội
Hơn hai mươi năm trước, khi bắt đầu dạy cao đẳng tôi gặp bài toán có tên Tower of Hanoi. Thời đó Internet chưa phổ thông, đọc tên bài toán tôi đoán đó phải là công trình của một người Hà Nội. Tôi nghĩ có thể là của Giáo sư Hoàng Tụy vì ông đã có dịp đến Đại học Berkeley nói chuyện về toán và được giới thiệu là một nhà toán học danh tiếng của Việt Nam thời bấy giờ.
Sau này tôi được biết Tower of Hanoi do nhà toán học Pháp Édouard Lucas viết vào năm 1883. Nhìn Cột cờ Hà Nội có lẽ đã cho ông cảm xúc đặt tên cho bài toán.
Bài toán cột cờ như sau: Ba cột cờ, trong cột thứ nhất có bốn hình vành khăn lớn nhỏ khác nhau chồng lên theo thứ tự lớn ở dưới cùng, nhỏ nhất ở trên. Câu hỏi là cần phải di chuyển những hình vành khăn đó ít nhất là bao nhiêu lần, mỗi lần chỉ được di chuyển một hình, để chuyển từ cột thứ nhất qua cột thứ ba với kết quả theo thứ tự lớn bé như đã xếp như trong cột thứ nhất. Điều kiện phải tuân thủ là trong khi di chuyển giữa ba cột không khi nào có một hình vành khăn lớn nằm trên một hình nhỏ.
Tower of Hanoi lên trình độ cao hơn khi số hình vành khăn tăng. Theo một tính toán, nếu có tất cả 64 vành khăn thì sẽ mất nhiều trăm tỉ năm di chuyển rất nhanh mới giải được bài toán. Trò chơi toán học này ở mức giản đơn nhất ngày nay rất phổ thông ở những trung tâm giải trí khoa học tại Mỹ.
Cột cờ Hà Nội
Hơn thế kỉ trước bài toán Tower of Hanoi là của người Pháp. Năm 2010 một người gốc Hà Nội là giáo sư Ngô Bảo Châu, du học Pháp, đã đem vinh dự về cho thủ đô và cả nước khi ông đoạt Giải Toán học Quốc tế Fields. Đây là dấu ấn đáng nhớ nhất của việc đón mừng Thăng Long Nghìn năm tuổi.
Là thủ đô của nước Việt từ nghìn năm qua, Hà Nội nay vẫn còn nét cổ kính riêng. Hà Nội có nhiều cây xanh hơn Sài Gòn: sấu, sữa, me, bàng, hoàng lan, sà cừ. Hà Nội có nhiều bảo tàng viện hơn Huế, nhiều đền đài, nhiều hồ. Đẹp nhất là Hồ Gươm với bài học lịch sử mà người Việt Nam nào cũng nhớ. Đó là điều khiến tôi trở lại Hà Nội nhiều lần. Tôi trở lại vì phong cảnh đẹp và những di tích cổ.
Những gì tôi được biết về giọng nói, phong cách Hà thành từ ngày còn ở trong Nam thì tôi không tìm thấy nhiều ở Hà Nội nữa. Nhiều người cũng đã có cùng nhận xét như thế. Hôm rồi xem BBC phỏng vấn cô Hồng Hạnh, phát thanh viên đài Hà Nội, thì thấy đó là giọng Hà Nội thời nay tuy cách ăn mặc của cô theo phong cách Hà Nội của đầu thế kỉ trước. Ở Mỹ xem VTV-4 với giọng xướng ngôn viên cũng như thế. Không phải giọng Hà Nội trước 1954.
Người Hà Nội tôi biết là mẹ của một bạn học thời cấp ba mà những ngày lễ tết khi đi chùa bà mặc áo dài cao cổ, đeo kiềng, tóc búi tó và dĩ nhiên là giọng nói rất Hà Nội. Giọng Hà Nội là như trong gia đình của cụ Nguyễn Hùng Cường, nay đã qua đời, mà tôi có quen biết. Cụ từng làm việc ở Thư viện Quốc gia trước năm 1954, sau di cư vào Nam rồi di tản sang Mỹ năm 1975 và chưa bao giờ về lại Hà Nội. Khi tôi đi, hỏi cụ có cần gì, cụ nhờ đến thư viện chụp một tấm hình đem về cho cụ. Và tôi đã làm. Cụ không muốn trở về vì biết nơi đó đã rất khác. Cụ và gia đình chỉ muốn giữ mãi những kỉ niệm đẹp của Hà Nội xa xưa.
Thời đã mất ?
Hà Nội những năm từ 1954 đến 1975 đã khác ra sao so với trước đó để cho nhiều người thường luyến nhớ quãng thời gian đã mất?
Xem phim “Mùa ổi” của Đặng Nhật Minh tôi nhận ra một phần. Đó là thời gian Hà Nội không pháp luật, là thời gian giới tiểu tư sản, trí thức bị trấn áp. Nhưng Hà Nội trong những năm giữa thập niên 1990 theo cách nhìn của một số người miền Nam, trong đó có gia đình và bạn bè vẫn còn là nơi phức tạp, khó thở. Nhiều người chẳng muốn ra Hà Nội làm gì, trong khi tôi lại thích đến. Đến Hà Nội tôi nhận ngay ra một điều là người Hà Nội ít cười hơn người Sài Gòn và có nét mặt u uẩn hơn.
Mỗi lần đến Hà Nội tôi thích ra Hồ Gươm hóng mát như người dân thủ đô
Đọc sách “Shadows and Wind” của Robert Templer để thấy người Hà Nội muốn ăn ngon cũng phải che dấu, sợ hàng xóm biết được là có vấn đề. Đó là những chuyện có thật để rồi sau những năm đổi mới Hà Nội bùng lên hàng quán và ngày nay tạo nên nét văn hoá ẩm thực của thủ đô. Phở Lý Thái Tổ, bún chả Hàng Mành, vịt lộn Hàng Mã, bánh cuốn Hàng Gà, bún ốc Đồng Xuân, chả cá Thăng Long, nộm gà phố cổ, thịt chó Nhật Tân.
Một ghi nhận khác là người Hà Nội văng tục rất tự nhiên, từ bác đạp xích lô, người đánh cờ, đám trẻ con nô đùa bên bờ hồ đến anh tài xế cơ quan nhà nước. Có lần vợ chồng tôi đi chơi bằng xe xích lô đạp. Một anh chạy Honda ngược chiều, không biết do luồn lách thế nào mà đụng vào xích lô, té trước mặt làm chúng tôi một phen hú vía. Bác đạp xích lô không nói nhiều, chỉ phát một câu: “Đ.M. Xe tao to thế này mà mày không thấy à.” Còn anh chạy Honda vội dựng xe lên rồi chạy tiếp.
Tôi đã du lịch qua nhiều quốc gia. Nhưng nếu có nơi nào hấp dẫn tôi trở lại thì đó là Hà Nội. Chỉ vì cảnh đẹp, các món ăn và lịch sử của chốn ngàn năm văn vật này.
Bây giờ không còn “Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam” mà trong tôi có một “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”. Cám ơn Trịnh Công Sơn và giọng hát Trịnh Vĩnh Trinh. Đẹp quá. Như một bức tranh cổ của Bùi Xuân Phái vậy.
Tháng này Hà Nội mừng sinh nhật nghìn năm. Lễ lạt gì cũng không mang lại ý nghĩa hay cảm nhận nhiều cho tôi bằng giọng hát Hồng Nhung, với ca từ của Trọng Đài, Chu Lai nghe được trong một hôm trời se lạnh ở Thăng Long cũ: “Hà Nội ơi nhớ về mùa thu tháng Mười, áo học trò xanh những hàng me. Hà Nội ơi ta nhớ không quên. Hà Nội ơi trong trái tim ta…”
(ảnh trong bài của tác giả)
© Buivanphu 10.2010
[Bài đã đăng trên BBCVietnamese.com 04.10.2010]