Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Về Việt Nam tôi lại nhớ Mỹ

Tina Tran

"Về Việt Nam 4 tuần lễ, tôi mới cảm nhận những sự việc trước giờ thấy rất bình thường trong đời sống hằng ngày của Mỹ mà mình không để ý: xếp hàng, nhường đường cho người đi bộ, không xả rác bừa bãi nơi công cộng, giữ cửa cho người đi sau, nói lời cảm ơn và xin lỗi... bỗng nhiên thành quan trọng. Thiếu những cái đó mình cảm thấy bực bội và khó chịu, cứ tự hỏi tại sao những việc rất nhỏ, đơn giản mà không ai chịu làm."

Ở Việt Nam ba tuần lễ đầu vui vẻ, nhưng dần dần tôi cảm thấy nhớ nhà bên Mỹ, nhớ cuộc sống êm đềm sáng lái xe đưa con đi học, chiều tan sở về hai vợ chồng cùng nhau nấu cơm, cho con cái ăn uống, làm bài tập xong đi ngủ.
 Nhà thờ Đức Bà, TP HCM. Ảnh: Google.
Tôi xa Việt Nam năm 20 tuổi, thoáng chốc đã 1/4 thế kỷ sống nơi xứ người. Năm đầu sang Mỹ, đêm nào cũng khóc, nhớ bạn bè, nhớ con hẻm nhỏ, nhớ người bán hàng rong. Ngày ấy người Việt Nam ở Mỹ còn ít, không có báo điện tử, không có Internet liên lạc dễ dàng như bây giờ, nên nỗi nhớ càng da diết.
Buổi sáng trong nhà ăn của khu nội trú đại học, nhìn bát cháo mạch lỏng bỏng, xám xịt, nhớ quay quắt đĩa bánh cuốn nóng với những khoanh chả trắng muốt điểm mấy nhúm hành phi vàng ruộm. Buổi trưa nhai miếng hambuger khô khan thèm bát phở tái chín thơm lừng. Buổi tối ánh đèn vàng leo lắt nhớ ánh điện neon sáng xanh mát mắt. Nhìn xung quanh nhà cửa lúc nào cũng đóng cửa im ỉm, nhớ Việt Nam hàng xóm đông đúc chạy qua, chạy lại lúc tối lửa tắt đèn. Cái gì cũng làm cho tôi nhớ và khóc.
Năm thứ hai, tiếng Anh đã khá hơn nhiều, bài vở cũng nhiều hơn, thêm việc làm part-time nên về đến nhà là ngủ say như chết. Nỗi nhớ Việt Nam vẫn còn đó nhưng không còn nhiều thì giờ để nghĩ đến nữa.
Năm thứ tư, thứ năm... mỗi năm một trôi qua, công việc cứ ngày càng nhiều, cuộc sống như một vòng xoay khổng lồ, con người cũng quay tròn. Bên cạnh đó, tình yêu đến và gia đình, con cái tiếp theo. Ngày tháng trôi nhanh như chớp mắt, thoáng chốc đã 25 năm trời.
Vừa rồi tôi cùng gia đình về thăm lại Việt Nam lần đầu tiên. Cái cảm giác đầu tiên là Sài Gòn đông đúc, náo nhiệt và giàu mạnh hơn ngày xưa rất nhiều. Về lại con phố xưa, tôi ngỡ ngàng nhìn không ra, không biết đâu là nhà cũ của mình. Nhà nào cũng xây mới, cao ngất nghểu, sơn phết đủ màu sắc theo ý thích của mỗi chủ nhà. Những con đường ngập lá me bay của một thời mơ mộng giờ tràn đầy hàng quán ồn ào, nhộn nhịp. Sài Gòn bây giờ có nhiều tòa nhà thương mại tràn ngập các mặt hàng cao cấp, xe hơi nườm nượp trên đường. Có nhiều cái đẹp hơn, tốt hơn, nhưng cũng có nhiều thứ xấu hơn, tệ hơn. Tôi như lạc lõng giữa Sài Gòn, 25 năm -một thời gian khá dài cho một đời người và cho một thành phố đầy sức sống như Sài Gòn.
Ở Việt Nam ba tuần lễ đầu vui vẻ, nhưng dần dần tôi cảm thấy nhớ nhà, nhớ cuộc sống êm đềm sáng lái xe đưa con đi học, chiều tan sở về hai vợ chồng cùng nhau nấu cơm, cho con cái ăn uống, làm bài tập xong đi ngủ. Nhớ ngày nào khóc vì thèm nghe tiếng rao hàng, tiếng xe cộ buổi sáng ở Việt Nam, giờ lại khó chịu vì sự ồn ào. Nhớ buổi sáng thức sớm thật yên tĩnh bên Mỹ, xung quanh không có tiếng động ngoài mấy con chím hót ríu rít trên cao, hai vợ chồng lại làm cà phê, bữa sáng, coi tin tức rồi đưa con đi học, mình đi làm. Cuộc sống có vẻ tẻ nhạt, đơn điệu so với người Sài Gòn có nhiều bạn bè đông vui, náo nhiệt. Nhà cửa ở Việt Nam san sát nhau lúc xưa thấy vui, giờ thấy thèm một khoảng không gian xanh, một mảnh vườn nhỏ như Mỹ.
Ở Mỹ gia đình là chủ yếu, ngoài giờ làm việc, mọi người về thẳng nhà ít có người nào phải đi xã giao, quan hệ công việc làm ăn. Hợp đồng ít khi được ký kết trên bàn tiệc nên không có việc ngoài giờ làm ra còn phải đi ăn nhậu. Có những người đi làm thêm hai công việc hay làm ngoài giờ, nhưng đó là làm việc thật sự và có trả lương (double nếu overtime). Bạn bè không tự động đến nhà, rủ rê đi chơi nhất là trong ngày làm việc. Vợ chồng phải giúp đỡ lẫn nhau, người nấu cơm thì người rửa bát, dọn dẹp. Các ông chồng ở đây rất giỏi việc nhà, cơm nước, lo lắng cho các con không thua gì một phụ nữ. Ở đây cũng hiếm người mướn osin nên mọi việc đều san sẻ với nhau. Về Việt Nam thấy cảnh chiều nào quán ăn, quán nhậu cũng đông nghẹt người, nhất là các ông. Tôi tự hỏi giờ đó vợ con của các ông ở đâu mà ông chồng không về dùng cơm tối với gia đình?
Về Việt Nam 4 tuần lễ, tôi mới cảm nhận những sự việc trước giờ thấy rất bình thường trong đời sống hằng ngày của Mỹ mà mình không để ý: xếp hàng, nhường đường cho người đi bộ, không xả rác bừa bãi nơi công cộng, giữ cửa cho người đi sau, nói lời cảm ơn và xin lỗi... bỗng nhiên thành quan trọng. Thiếu những cái đó mình cảm thấy bực bội và khó chịu, cứ tự hỏi tại sao những việc rất nhỏ, đơn giản mà không ai chịu làm.
25 năm sống ở xứ người, giờ về lại xứ ta để hiểu rõ lại mình. Thì ra thời gian sống ở Mỹ đã dài hơn ở Việt Nam, hội nhập và hòa tan đã khiến mình thay đổi lúc nào không hay.
Quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn chỉ có một, nhưng hạnh phúc thì ở nơi nào mình tìm thấy niềm vui và sự yên bình trong tâm hồn.

Hình ảnh cuối tuần ở TP HCM trên báo Mỹ
Song Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, hay Sài Gòn như người dân vẫn gọi, là một thành phố luôn nhìn về phía trước, lấp lánh các tòa nhà chọc trời và sôi động một cuộc sống về đêm, theo nhận xét của New York Times.
New York Times đã ghi lại hình ảnh về thành phố lớn nhất Việt Nam dưới con mắt một du khách đến tham quan vào kỳ nghỉ cuối tuần.
TP HCM có mức độ âm thanh náo nhiệt vừa khiến người ta háo hức vừa dễ gây mệt mỏi. 
Tại Việt Nam, cà phê sữa đá là một cách giải khát tuyệt vời và cũng giúp nạp lại năng lượng. Tại quán Café Terrace - một điểm hút khách tại trung tâm thành phố, bạn có thể uống cà phê bên ngoài dưới những chiếc ô, hay rút vào bên trong gian phòng có điều hòa và được trang trí bởi những rèm đỏ, với các bình hoa ly trắng và rất nhiều người xinh đẹp ngồi thư giãn trong những chiếc ghế tựa thoải mái.
Điều gì xảy ra khi bạn tập trung mọi đầu bếp đường phố tinh tú nhất Sài Gòn vào trong cùng một địa điểm? Hãy tìm hiểu điều đó tại Quán Ăn Ngon, một nhà hàng ngoài trời với thực đơn bao gồm các món ăn sở trường của mỗi đầu bếp. Quán luôn nhộn nhịp vào đêm với thực khách là dân địa phương hoặc những người nước ngoài đến chờ đợi thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam.
Tại đất nước mà quần áo đi may là một sở thích hợp túi tiền, các nhà may mọc lên như nấm. Tiệm may Tricia and Verona do hai chị em mở ra và lấy tên tiếng Anh để phản ánh phong cách phương Tây của tiệm.
Nếu âm nhạc tại quán Vasco không hợp gu bạn, hãy chui vào quán bar trầm tĩnh hơn ở bên dưới, nơi bạn có thể tìm thấy rất nhiều người nước ngoài nhấm nháp ly rượu.
Với tất cả mọi thứ từ trứng vịt cho tới dép tông, hãy đến chợ Bình Tây, một khu chợ huyên náo giống như một góc Ảrập.
Những người bán hàng tại chợ Bình Tây.   
Các bà bán rau trong chợ.
Một người bán chuối dạo kéo xe trên dòng đường hối hả.   
 Cô gái bán bóng bay trú mưa bên ngoài một tòa nhà thương mại. 
Tại chùa Quan Âm, xây vào năm 1818, những vòng hương trầm treo khắp nơi, tỏa hương khắp không gian, cùng với những nén hương vàng mà người đi chùa cắm lại để cầu nguyện. Trước bệ thờ chính là tượng Quan Âm. .
 Âm thanh thư thái của tiếng sáo tại tiệm spa L'Apothiquaire xen lẫn với tiếng còi xe vang vang bên ngoài cửa ra vào - một dấu hiệu nhắc nhở bạn vẫn đang ở trong thành phố.