Đinh Kim Phúc
Phát biểu bên lề Đại hội VI Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội vào 11/11/2010), ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội cho biết: “2 vấn đề thời sự đang đặt ra cho ngành sử học là việc truyền bá kiến thức sử học cho giới trẻ và bảo vệ các di tích, di sản văn hóa. “Vấn đề thứ nhất là khó khăn mang tính toàn cầu trong xã hội hiện đại chứ không chỉ ở Việt Nam. Còn vấn đề thứ hai là một quá trình tương tác 2 chiều, vừa đòi hỏi về dân trí, vừa đòi hỏi giới bảo tồn phải tìm được tiếng nói chung về thẩm mỹ với đại chúng”.
Bình luận về mệnh đề này, Giáo sư Trần Hữu Dũng của Wright State University, Hoa Kỳ đã nói: “Vấn đề quan trọng nhất hôm nay là ghi lại việc gì đang thật sự xảy ra cho đất nước này, ai có công, ai có tội, để lưu lại cho hậu thế. Sử gia không chỉ là người tìm tòi, nghiên cứu quá khứ, nhưng còn có nhiệm vụ của một chứng nhân cho thời đại mình đang sống…”.
Ai có công, ai có tội? Quả là quá khó cho giới sử học Việt Nam hiện nay.
Thử bàn về vấn đề này, chúng tôi xem xét một con người cụ thể: Trần Văn Hữu (1895-1985), một người không xa lạ trong giới nghiên cứu biển Đông và hải đảo Việt Nam.
Về nhân vật này, trong phần nhân vật chí trên trang web của Đài Phát thanh-Truyền hình Vĩnh Long đã viết:
“Năm 1950, Trần Văn Hữu giữ chức Thủ hiến Nam phần, đặt cơ quan tại Sài Gòn. Bấy giờ, làn sóng phản đối trong học sinh – sinh viên tiếp tục dâng cao. Ngày 9/1/1950, một đoàn biểu tình khoảng 15.000 người kéo đến Dinh Thủ hiến Trần Văn Hữu đòi thực hiện lời hứa trả tự do cho 12 học sinh bị bắt trong cuộc bãi khóa vừa xảy ra trước đó. Cuộc biểu tình được hàng vạn đồng bào nhanh chóng hưởng ứng. Thủ hiến Trần Văn Hữu nuốt lời hứa, và theo lệnh của Tướng Chansons – Tư lệnh quân đội Pháp, 500 lính và cảnh sát xông vào đàn áp dã man cuộc biểu tình. Trần Văn Ơn bị sát hại, nhiều người khác bị thương và bị bắt. Ngày 12/1/1950, 500 người từ các tỉnh đổ về Sài Gòn, cùng đồng bào ở đây đưa đám tang Trần Văn Ơn. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta ngày càng lớn mạnh.
Ngày 6/4/1950, hệ thống ngụy quyền rệu rã mất hiệu lực. Pháp gạt Nguyễn Phan Long, đưa Trần Văn Hữu lên giữ chức vụ Thủ tướng. Nhưng nội các của ông không cứu vãn nổi tình thế. Thực dân Pháp ngày càng thua khắp các chiến trường từ nông thôn đến thành thị. Chúng buộc lòng phải cho thay Trần Văn Hữu, nhưng xem chừng tình hình chẳng tiến triển gì hơn nên ngày 8/3/1952, Trần Văn Hữu một lần nữa được đặt lên chiếc ghế Thủ tướng. Trong thời gian này, ông đã góp phần xây dựng cái gọi là “quân đội quốc gia”, mở trường đào tạo sĩ quan người Việt nhằm thay thế cho sĩ quan Pháp, vũ trang cho các lực lượng giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa… và quân Bình Xuyên.
Năm 1954, thực dân Pháp thất bại ở khắp nơi, Trần Văn Hữu bị truất phế, Hoàng thân Bửu Lộc được lên thay. Rồi Mỹ hất cẳng Pháp khỏi Việt Nam, đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn, thực hiện chính sách thực dân kiểu mới. Từ đây, Trần Văn Hữu bị loại khỏi chính trường. Ông sang Pháp, sống ở Paris với Tướng Minh, Bảy Viễn và mất ngày 15/12/1985.
Từ năm 1946 đến năm 1954, Trần Văn Hữu đã giữ vai trò quan trọng nhất của chính phủ bù nhìn do Pháp dựng lên. Người ta tiếc cho một kỹ sư canh nông Trần Văn Hữu, một trí thức, một nhà khoa học hiếm có hồi ấy không làm gì công ích cho đất nước, mà luôn luôn bám theo bọn thực dân làm một nhân vật quan trọng trong bộ máy tay sai phản dân, hại nước”(1).
Với nhận xét “Người ta tiếc cho một kỹ sư canh nông Trần Văn Hữu, một trí thức, một nhà khoa học hiếm có hồi ấy không làm gì công ích cho đất nước, mà luôn luôn bám theo bọn thực dân làm một nhân vật quan trọng trong bộ máy tay sai phản dân, hại nước”, chúng tôi cho rằng tác giả bài viết chưa biết và chưa có một cái nhìn toàn diện về con người này.
Thủ tướng Trần Văn Hữu ký Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951. Ảnh: Tư liệu.
Đầu tiên cần phải khẳng định rằng vai trò của Thủ tướng Trần Văn Hữu và tuyên bố của phái đoàn quốc gia Việt Nam (2) tại Hội nghị hòa bình San Francisco 1951 về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam khẳng định chủ quyền và đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ở hai quần đảo này ra các hội nghị, diễn đàn quốc tế và thậm chí đưa vào hồ sơ pháp lý để kiện các bên tranh chấp ra tòa án quốc tế.
Cần nhắc lại rằng, đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, 51 quốc gia trước kia đã từng tham gia hay có liên hệ tới cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham dự Hội nghị Hòa bình nhóm họp ở thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản. Điểm đáng chú ý là cả Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời tham dự hội nghị. Trong hội nghị, vấn đề chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do hai nước Anh và Hoa Kỳ đề nghị ngày 12.7.1951. Ngày 8.9.1951, ngoại trừ Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc, các nước tham dự hội nghị đã ký hòa ước với Nhật Bản. (3)
Vì thấy mình bị Hoa Kỳ gạt ra ngoài hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay từ cuối năm 1950 đã có phản ứng. Một mặt họ ra một số tuyên bố chính thức, mặt khác họ cho đăng các bài báo để lên án việc không mời Trung Quốc tham dự hội nghị và để trình bày quan điểm của Trung Quốc về một số vấn đề cần phải được thảo luận, trong đó có vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 5.9.1951, trong phiên họp khoáng đại hội nghị thứ 2 của hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ trích tính cách bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của Anh - Mỹ để ký với Nhật Bản đã đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Điểm 6 đề nghị trao trả hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cho Trung Quốc. Nhưng hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này với 48 phiếu chống.
Hai ngày sau, ngày 7.9.1951 Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao như sau:
"Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam".(“Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet Nam”)
(4)Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái đoàn nào phản đối.
Việc phái đoàn quốc gia Việt Nam tham gia Hội nghị San Francisco (9-1951) và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là sự kiện có ý nghĩa quan trọng chứng minh cho sự xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, trong đó không thể phủ nhận vai trò của Thủ tướng Trần Văn Hữu.
Những người viết sử xin hãy công bằng.
Chú thích:
(1) Kiều Chinh, Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long ( nguồn: http://thvl.vn/?p=14233)(2) Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị tồn tại trong giai đoạn 1949-1956, ra đời sau Hiệp ước ngày 8-3-1949 giữa Pháp và cựu vương Bảo Đại (Hiệp ước Elysee). Cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm – lúc này là Thủ tướng Quốc gia Việt Nam – lên làm tổng thống sau cuộc “Trưng cầu dân ý” ngày 23-10-1955. Đến năm 1956, Quốc gia Việt Nam “cải đổi” thành Việt Nam Cộng hòa, công bố Hiến pháp mới (26-10-1956). Như vậy có thể nói Quốc gia Việt Nam là “tiền thân” của Việt Nam Cộng hòa.
(3) Toàn văn bản Hòa ước San Francisco đăng trong: (a) United Nations Treaty Series, tập 136, tr. 46 và tiếp theo, và (b) American Foreign Policy, 1950 1955: Basic Documents do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xuất bản năm 1957, ấn bản số 5446, tr. 425 439.
(4) Tạp chí France – Asia, số 66-67, tháng 11-12-1951, tr.505
*Bài viết do Học giả Đinh Kim Phúc gửi Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả.