Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Xây dựng Đảng - trăn trở lớn của anh Sáu Dân

Tác giả: Vũ Quốc Tuấn
 
"Một thực tế đáng buồn là không ít đảng viên biến thành "quan cách mạng"; thậm chí một số "quan cách mạng" ấy trở thành "quan cai trị dân" - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết.

LTS: Ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 23/11 là dịp để cùng nhìn lại và suy ngẫm về những tư tưởng, trăn trở của ông về sự phát triển đi lên của đất nước, trong đó có vấn đề Xây dựng Đảng. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1985 - 1994) về vấn đề này.
Anh Sáu Dân nghĩ về một Quốc hội thật sự đại diện dân
Ông Sáu Dân với biểu tượng Thống Nhất tổ quốc
Có thể khẳng định rằng không ai nghi ngờ về lòng trung thành với Đảng của Anh Sáu Dân, người đã tham gia cách mạng từ 16 tuổi, giác ngộ từ thân phận nhà nghèo, phải đi làm thuê, làm mướn, đã trưởng thành qua những chặng đường hoạt động dưới sự dìu dắt của Đảng, cho đến khi được giao trọng trách trong Đảng và Nhà nước, luôn luôn thể hiện lòng tin sâu sắc về sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người theo tôn chỉ, mục đích của Đảng. Qua suy nghĩ của Anh và những ý kiến mà Anh đã phát biểu, càng thấy rõ sự trăn trở lớn của Anh: làm sao xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng với lòng tin yêu, sự tín nhiệm của dân.
Về chính trị, tư tưởng, Anh Sáu là người luôn đi sát cuộc sống, tôn trọng thực tế, nghe dân trong việc đề xuất các chủ trương, chính sách, không chịu những suy nghĩ sơ cứng, giáo điều.



Anh cũng là người không lặp lại những ý cũ, sáo mòn, mà chỉ nói những điều thiết thực, có tác dụng gợi mở những suy nghĩ mới, những đột phá trong tư duy.
Từ những hoạt động được coi là "phá rào" của Anh trong thời kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho đến những kiến nghị sâu sắc của Anh về xây dựng Đảng những năm sau này đều mang dấu ấn của một bộ óc luôn suy nghĩ về những giải pháp đổi mới.
Trong Anh Sáu Dân, luôn luôn có sự dị ứng với những giáo điều sai lầm. Anh cho rằng nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực là biểu hiện nghiêm trọng nhất về "chệch hướng xã hội chủ nghĩa" và thường nung nấu về những quyết sách hợp lòng dân để khắc phục nguy cơ đó.
Những suy nghĩ ấy không phải không có lúc đã bị một số người phê phán; nhưng những người thiện chí đều nhận rõ cái tâm trong sáng của Anh. Như anh đã có lần tâm sự: khi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, tôi phải đi giữa "hai làn đạn"; một bên là để dân đói, để sản xuất đình đốn là có tội với dân, với Đảng; một bên là để cơ sở bung ra tự cứu là phạm vào nhiều điều cấm kỵ. Nhưng nhờ hơn 20 năm chống Mỹ kiên cường, không ai nỡ quy cho chúng tôi cái tội phản bội, đó là cái áo chống đạn giúp chúng tôi thoát hiểm và thành công.
Xin nêu một kỷ niệm nhỏ: khi mới bắt đầu giúp việc anh Sáu, trong một bài viết trình Anh, tôi đã trích một số câu, Mác nói thế này, Lê-nin nói thế kia (theo cách viết của những nhà nghiên cứu thời đó, trích dẫn đề chứng minh cho lập luận của mình), Anh Sáu nhẹ nhàng: tôi không thích viết kiểu này, không phải vì tôi không thích lý luận, nhưng tôi thấy lý luận phải thật sát hợp với thực tế Việt Nam ta. Với nếp suy nghĩ ấy, Anh luôn mong muốn các nghị quyết của Đảng nêu được những chủ trương, chính sách cụ thể, tránh những câu chung chung, nhắc lại những ý cũ không có nội dung mới, những vấn đề quan trọng mà chỉ nêu như khẩu hiệu.
Khi nhận xét về nhiều cuộc hội nghị cấp dưới để chuẩn bị Đại hội X của Đảng, anh cho rằng: trong các báo cáo chính trị tại đại hội cấp dưới, không thấy có gì mới, chỉ lặp lại dự thảo của cấp trên một cách giáo điều; báo cáo của cấp tỉnh, thành phố cũng gần giống như của Trung ương, báo cáo của cấp huyện, quận cũng na ná như của cấp tỉnh; thời gian thảo luận các văn kiện đảng cũng quá ngắn, như vậy là hạn chế sự suy nghĩ, làm thui chột tư duy sáng tạo của dân và địa phương, mà theo Anh, sức sáng tạo của dân là vô hạn.
Khi được hỏi về vấn đề Đảng đối với đổi mới chính trị, Anh Sáu Dân đã thẳng thắn trả lời: "Không có công cuộc đổi mới nào đòi hỏi Đảng phải hy sinh vai trò của mình lãnh đạo đất nước. Ngược lại, chính đổi mới luôn luôn là nhân tố nâng cao vai trò và vị thế của Đảng. Đảng nâng cao vai trò lãnh đạo của mình bằng khả năng thể hiện vai trò tiên phong của chính mình vì lợi ích tối cao của dân tộc"[1].
Hệ thống chính trị phải được xây dựng trên cơ sở phát huy tối đa mọi nguồn lực của dân tộc, của người Việt cho mục tiêu phát triển và bảo vệ đất nước. Đảng cần thể hiện trách nhiệm của mình trước lịch sử, nắm lấy cơ hội để gắn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại để tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách của thời kỳ mới.
Tư tưởng "đại đoàn kết dân tộc", "hòa hợp dân tộc" gắn với phát huy dân chủ trong đời sống xã hội luôn thường trực trong Anh. Theo Anh, dân chủ đến đâu thì đại đoàn kết đến đó; dân chủ thực sự thì đại đoàn kết thực sự; dân chủ giả thì đại đoàn kết cũng giả.
Theo Anh Sáu, không nên đồng nhất một cách máy móc yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội; không thể buộc người đã yêu nước thì nhất thiết phải yêu chủ nghĩa xã hội; đối với những người chỉ yêu nước mà chưa yêu chủ nghĩa xã hội, nhất là sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, chúng ta vẫn cần chân thành đoàn kết với họ; điều này chỉ có lợi cho công cuộc phát triển đất nước.
Chính với tư tưởng ấy, Anh Sáu Dân đã có lời phát biểu nổi tiếng trong cuộc gặp mặt kiều bào lần đầu tiên trong dịp Tết Quý Dậu (2-1993): "Ý thức dân tộc và lòng yêu nước, đoàn kêt, tập hợp mọi người Việt Nam hướng vào mục tiêu đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân, là thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội thật sự dân chủ, nhân ái, có văn hóa, có kỷ cương, xóa bỏ áp bức và bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Mục tiêu đó kết hợp hài hòa lợi ích của mỗi người với lợi ích chung của cả dân tộc. Yêu nước, đoàn kết, hòa hợp dân tộc là chung lòng, chung sức phấn đấu theo mục tiêu đó, vượt lên trên những sự khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến"[2]. Điều Anh muốn nhấn mạnh là "kể cả sự khác nhau về chính kiến" và được kiều báo đón nhận, hoan nghênh nhiệt liệt.
Anh Sáu Dân thường quan tâm đặc biệt về phát huy dân chủ trong Đảng. Theo Anh, muốn tiếp thu những tư duy mới, để sức chiến đấu của Đảng luôn được nâng cao, không thể không mở rộng dân chủ, mà trước hết là dân chủ trong Đảng.
Thiếu dân chủ với dân và thiếu dân chủ trong Đảng có quan hệ hữu cơ. Nói đúng ra, nếu thiếu dân chủ trong Đảng thì sẽ khó khắc phục được thực trạng thiếu dân chủ trong xã hội, thiếu dân chủ với dân.
Thời gian trước Đại hội X của Đảng, Anh đã phát biểu: Đại hội Đảng là một dịp để nhìn lại mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân như cá với nước. Đảng xa dân là một trong những biểu hiện khá rõ của tình trạng thiếu dân chủ và là một nguy cơ.
"Một thực tế đáng buồn là không ít đảng viên biến thành "quan cách mạng"; thậm chí một số "quan cách mạng" ấy trở thành "quan cai trị dân"; đó là sự tha hóa của những cán bộ có chức có quyền - cái mà người ta gọi là sự tha hóa của quyền lực, sự tha hóa của người cầm quyền. Biểu hiện của tình trạng thiếu dân chủ trầm trọng ngày càng rõ trong sinh hoạt đảng trước hết là trong tổ chức và trong cách làm việc, cách ra quyết định. Vì thiếu dân chủ nên cũng thiếu tập trung. Nhưng trầm trọng và đáng ngại hơn là tập trung quan liêu; càng tập trung quan liêu bao nhiêu thì càng dễ dẫn đến độc quyền, độc đoán, không cách xa bao nhiêu với độc tài và chuyên quyền của một số cá nhân đứng trên Đảng"[3].
Theo Anh Sáu Dân, "Hiện tượng thiếu dân chủ dẫn đến tập trung quan liêu làm cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân bị tổn thương và là một trở ngại lớn cho việc đẩy tới sự nghiệp đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện; việc thực hiện dân chủ là cách làm hay nhất để làm cho dân tin Đảng, củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng"[4].
Trong Đảng, khi Đảng đã ra nghị quyết, cấp dưới và đảng viên phải làm theo nghị quyết, nhưng họ vẫn phải có quyền tiếp tục suy nghĩ, căn cứ vào thực tiễn mà đề đạt những suy nghĩ mới, cách làm khác; không nên dựa vào nguyên tắc "tập trung dân chủ" mà hạn chế quyền tự do tư tưởng của đảng viên. Theo Anh, dân chủ trong Đảng là điều kiện hàng đầu để thực hành dân chủ trong dân; "bao cấp" về tư duy là một loại bao cấp mang lại những tác hại lớn hơn nhiều so với bao cấp về vật chất.



Trong những dịp đi công tác đến các địa phương, gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Anh thường ít nói đến việc "phổ biến nghị quyết" theo kiểu chỉ đạo một chiều từ bên trên. mà thường khêu gợi những tư tưởng mới, sáng kiến mới của địa phương, từ thực tế mà làm phong phú các quyết sách của Trung ương, đề ra được những chủ trương, chính sách sát hợp với địa phương. Anh thường không nêu vấn đề một cách chung chung, kiểu như khẩu hiệu mà ai cũng đã biết, mà đi thẳng vào những vấn đề thiết thực.
Anh cũng băn khoăn: tại sao mỗi khi họp Ban Chấp hành trung ương, bên cạnh báo cáo của Bộ Chính trị ra Trung ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị không có quyền phát biểu ý kiến riêng của mình, có thể để bổ sung, làm rõ thêm ý kiến đã nêu trong Báo cáo, và cũng có thể có những ý kiến khác?
Đối với công tác cán bộ, điều Anh Sáu Dân thường băn khoăn là làm sao tìm được người tài cho những cương vị quan trọng của Đảng và Chính phủ. Anh cho rằng: "Người tài chỉ có thể xuất hiện thông qua sự lựa chọn dân chủ, ngay cả trong Đảng. Nếu một Đảng cầm quyền mà không tập hợp được những người ưu tú, để "đảng trí" không cao bằng "dân trí" thì rất dễ xảy ra tình trạng Đảng chiếm lấy quyền hành để quyết định thay vì dùng khả năng thuyết phục và vai trò tiên phong của mình để lãnh đạo. Không có cơ chế để lựa chọn người tài, không có công cụ để giám sát và chế ước quyền lực một cách hữu hiệu thì không thể nào có một hệ thống chính trị trong sạch và phục vụ tốt cho dân"[5].
Anh thường tâm sự: chỉ có người phụ trách cấp trên trực tiếp mới hiểu sâu sắc thực chất năng lực và phẩm chất của cán bộ dưới quyền, họ phải có quyền tuyển chọn cán bộ cho bộ máy của họ; bộ máy phụ trách tổ chức cán bộ của Đảng chỉ nên làm nhiệm vụ thẩm tra về những lĩnh vực liên quan đến an ninh chính trị. Nếu người đứng đầu Chính phủ, người đứng đầu một bộ, ngành không có quyền chọn lựa người cho bộ máy của mình, không có quyền kỷ luật họ khi họ có sai phạm, thì người đứng đầu bộ máy cũng khó trong việc điều hành hoạt động của bộ máy, càng khó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.
Anh thường băn khoăn: người khác chọn cán bộ cho mình, khó tránh khỏi không sát, nhưng nguy hại hơn với Đảng là không chọn được người tài vào bộ máy.
Anh Sáu Dân rất coi trọng trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu tổ chức. Anh nói: "Đặt vấn đề thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cũng là biện pháp khắc phục bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra đang là một tác phong khá phổ biến trong công tác quản lý hiện nay. Làm được như thế không những hạn chế được mức độ thiệt hại do tham nhũng, lãnh phí gây ra.à còn làm tăng hiệu lực của luật pháp, hiệu lực kỷ luật của Đảng"[6].
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa IX (tháng 10-1992), sau khi danh sách các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới được Quốc hội thông qua, trong bài phát biểu với tư cách là Thủ tướng, Anh Sáu đã nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân, khẳng định dứt khoát mỗi thành viên Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ, để Bộ do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, buôn lậu hoăc tiêu cực nghiêm trọng khác phải từ chức hoặc bị cách chức.
Trao đổi với báo chí sau đó, Anh Sáu khẳng định: không gắn quyền hạn với trách nhiệm cá nhân là sơ hở lớn nhất, cũng là chỗ yếu lớn nhất của chúng ta. Do không có trách nhiệm cá nhân, cán bộ tài đức rất khó được trọng dụng, vì trắng đen lẫn lộn, người phạm sai lầm nghiêm trọng không bị kỷ luật, vẫn an toàn tại chức; nếu không có trách nhiệm cá nhân, sẽ không có cơ sở để đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ và như vậy, Chính phủ không thể phát hiện được nhân tài để trọng dụng.
Anh cũng đề xuất với Bộ Chính trị cần xem xét, rút kinh nghiệm về việc thành lập các "Ban cán sự Đảng" ở các cơ quan hành chính, để khắc phục tình trạng đang diễn ra trong thực tế là làm giảm trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu tổ chức vì họ dễ dựa vào "ý kiến tập thể" và cũng dễ dẫn đến giảm sút hiệu lực chỉ đạo của hệ thống hành chính vì hạn chế quyền của cấp trên trong việc xử lý những sai phạm của người đứng đầu cấp dưới.
Nhân kỷ niệm Ngày sinh của Anh Sáu Dân năm nay, xin ghi lại một số điều cảm nhận - chắc chắn là còn rất sơ sài về những suy nghĩ của Anh trong công tác xây dựng Đảng, - một vấn đề mà Anh luôn trăn trở cho đến những ngày cuối đời.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Theo Tạp chí Cộng sản, số báo Xuân 2007
[2] Bài nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Hội nghị Việt kiều ngày 8-2-1993
[3] Theo Tạp chí Xây dựng Đảng, ngày 29-4-2005
[4] Theo Báo Lao động số 116, ra ngày 27-4-2005
[5] Theo Tạp chí Cộng sản, số báo Xuân 2007
[6] Theo Báo Lao động, số 264, ngày 24-9-2005