Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Lời trăn trối của bác sĩ qua đời vì ung thư

Lời trăn trối của bác sĩ qua đời vì ung thư

Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, 40 tuổi, triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore, phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng.
Từ nhỏ, bác sĩ Richard Teo luôn đứng đầu trường trong mọi môn học, từ khoa học đến thể thao. Khi vào ngành y, ông chọn giải phẫu thẩm mỹ vì lợi nhuận của nó vượt qua các ngành nghề khác. Ông trở thành một triệu phú chóng vánh.
Tháng 3/2011, bác sĩ Richard Teo được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Ông qua đời cuối năm 2012. Câu chuyện cảm động và những lời chia sẻ của ông trước khi mất vài ngày đã và đang được thanh niên khắp nơi theo dõi, lan truyền trên các trang mạng xã hội, được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Dưới đây là trích đoạn những tâm sự của bác sĩ Richard Teo về tiền tài, danh vọng, hưởng thụ... với sinh viên tại khóa Nha khoa D1 ở Singapore, tháng 11/2011, 8 tháng sau khi bị chẩn đoán ung thư:
"Tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới trung bình. Tôi học được từ mọi người xung quanh và môi trường sống rằng có thành công thì mới hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi luôn ganh đua ngay từ nhỏ.
Không chỉ học ở trường giỏi, tôi cần thành công trong mọi lĩnh vực, từ các hoạt động tập thể đến chạy đua. Tôi cần đoạt được cúp, phải được giải cao nhất. Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ. Chắc một số em biết rằng trong ngành y, giải phẫu mắt là một trong những chuyên khoa khó vào nhất. Tôi đã vào được và đạt học bổng nghiên cứu của Đại học quốc gia Singapore.
dr-richard-teo1-9851-1404124250.jpg
Bác sĩ Richard Teo tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ của mình trước khi biết bị ung thư. Ảnh: Richardteo.com.
Trong khi nghiên cứu, tôi có hai bằng phát minh, một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng tất cả các thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có. Sau khi học hoàn tất, tôi thấy theo đuổi ngành phẫu thuật mắt mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi quyết định bỏ ngành giải phẫu mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong tỉnh.
Một người có thể không vui vẻ khi trả 20 USD cho một bác sĩ tổng quát nhưng không ngần ngại trả 10.000 USD để hút mỡ bụng, 15.000 USD sửa ngực… Do vậy, thay vì chữa bệnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp. Công việc làm ăn rất khấm khá. Bệnh nhân đến rất đông. Tôi mướn một, hai, ba rồi bốn bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất, chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thể nào là đủ vì tôi trở nên mê muội. Tôi bắt đầu bành trướng sang thị trường Indonesia để làm phẫu thuật cho những người giàu ở đó. Họ phung phí tiền bạc một cách dễ dàng. Làm tiền ở đó quá dễ...
Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi. Thỉnh thoảng tôi dự đua xe ở Sepang, Malaysia. Tôi mua một chiếc Ferrari 430. Sau khi có xe, tôi mua nhà, khu nghỉ mát. Tôi nghĩ phải hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng và bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.
Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp. Đó là tôi của một năm trước đây. Khoảng tháng 3 năm ngoái, đột nhiên tôi bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại mình hay vận động mạnh. Tôi đến Bệnh viện đa khoa Singapore và nhờ bạn học chụp cộng hưởng từ để xem có phải bị trật đốt sống hay không. Rồi tôi thực hiện PET scans và được phát hiện đang ở giai đoạn 4 của ung thư phổi. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn được 3,4 tháng tối đa. Tôi chán nản, tuyệt vọng.
Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có - sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa - tất cả những thứ tôi nghĩ mang hạnh phúc - khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari ngủ. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua.
Để tôi chia sẻ với các em một câu chuyện khác. Khi tôi bằng tuổi các em, tôi ở khu King Edward VII. Tôi có một người bạn khá lạ lùng tên là Jennifer. Khi chúng tôi đi bộ, nếu thấy một con ốc sên trên đường, cô ta sẽ nhặt nó lên và đặt lại trong thảm cỏ. Tôi thắc mắc tại sao phải làm thế, sao phải bẩn tay chỉ vì một con ốc sên? Sự thật là cô ta đã cảm được rằng con ốc có thể bị đạp nát chết nếu nằm đó. Đối với tôi, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, chỉ là luật tự nhiên thôi. Đối ngược nhau quá, phải không?
Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm nhưng tôi không có. Là một bác sĩ trực trong bệnh viện chuyên trị ung thư NUH (National University Hospital) tôi từng chứng kiến bao nhiêu người chết. Tôi đã thấy họ đau đớn và chịu sự tàn phá của cơ thể vì cơn đau. Tôi cũng đã chứng kiến bệnh nhân nhấn nút morphine tiêm vào máu từng giờ từng phút vì không chịu nổi sự đau đớn dày vò. Nhiều bệnh nhân phải dùng oxygene để thở hơi thở cuối cùng. Nhưng đó là công việc. Khi xong việc tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà vì nghĩ là đã hoàn tất công việc hằng ngày.
Tôi thực sự không hiểu họ đau đớn như thế nào cho đến khi tôi là bệnh nhân. Nếu được làm lại từ đầu với cương vị một bác sĩ, tôi sẽ đổi khác. Vì tôi đã trải qua cơn đau đớn mà bệnh nhân vấp phải nên tôi rất hiểu họ chịu đựng sự dày vò của đau đớn như thế nào.
Ngay khi các em vào năm thứ nhất, bắt đầu hành trình để trở thành nha sĩ giải phẫu, cho phép tôi thử thách các em hai điều.
Hiển nhiên, tất cả các em ở đây sẽ bắt đầu đi làm tư. Các em sẽ thành giàu có. Tôi bảo đảm với các em rằng, chỉ trồng răng, các em kiếm được bạc ngàn, mớ tiền không tưởng được. Và thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có. Điều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được.
Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Tôi trở nên mê muội đến nỗi chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ.
Nhiều khi chúng ta quên mất mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai ngoài chính mình. Điều đó đã xảy ra với tôi. Trong khi khám bệnh, đôi khi chúng ta khuyên bệnh nhân chữa trị bệnh không hẳn có, không rõ rệt và ngay cả khi không cần thiết.
Ngay tại thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, chân thành lo lắng cho tôi và ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán buôn “hy vọng” cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền.
Tệ hại hơn, tôi có thể kể cho các em nghe, vài năm vừa qua, chúng tôi đã nói xấu đồng nghiệp, hạ thấp họ xuống để nâng mình lên. Điều đó đang xảy ra trong ngành y và ở mọi nơi. Tôi thử thách các em không để đánh mất lương tâm mình. Tôi trả giá đắt cho bài học này. Và tôi hy vọng các em sẽ không bao giờ phải như vậy.
Thứ hai là đa số chúng ta khi bắt đầu công việc đều chưa có "cảm giác" đối với bệnh nhân. Cho dù trong bệnh viện hay nhà thương tư cũng có vô số bệnh nhân để chữa trị. Tôi chỉ muốn bệnh nhân rời phòng làm việc của tôi càng sớm càng tốt. Đó là sự thật và trở thành một công việc bình thường hằng ngày.
Tôi đã thực sự hiểu bệnh nhân nghĩ về mình thế nào chăng? Thực ra là không. Nỗi lo sợ và lo âu của bệnh nhân và những thứ khác mà họ đã trải qua. Thực ra tôi cũng không biết đến khi tôi lâm trọng bệnh và đó là một sai lầm to nhất của hệ thống y khoa tân tiến. Chúng ta được huấn luyện để trở thành những chuyên gia y cũng như nha khoa nhưng chúng ta lại không hiểu bệnh nhận cảm nhận chúng ta như thế nào.
Tôi không đòi hỏi các em phải xúc động, vì như vậy cũng không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau đớn của họ không? Phần lớn là không, tôi có thể chắc chắn như vây. Do đó, tôi thử thách các em luôn đặt mình vào cương vị của bệnh nhân.
Bởi vì sự đau đớn, nỗi lo lắng, sợ hãi rất thực với họ mặc dù không thực đối với các em. Ngay hiện giờ, tôi đang chữa hóa trị lần thứ 5. Tôi có thể cho các em biết nó rất kinh khủng. Hóa trị là thứ các em không muốn ngay cả kẻ thù của mình phải trải qua vì bị hành, đau đớn, ói mửa. Cảm giác khủng khiếp. Và bây giờ, với chút năng lực còn lại, tôi tìm đến các bệnh nhân ung thư khác vì tôi thật sự hiểu được họ đau đớn, chịu đựng như thế nào. Hơi muộn màng và ít ỏi.
Các em có cả tương lai sáng lạn phía trước với tất cả tài năng và nhiệt huyết. Tôi thử thách các em, ngoài bệnh nhân của mình, hiểu thêm rằng có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, vật chất... Chúng ta lựa chọn làm lơ hoặc chúng ta không muốn biết đến sự hiện hữu của họ.
Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, hãy với tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm điều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.
Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vây. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.
Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự tốt đẹp cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình. Sự thật không như tôi đã tưởng.
Tôi xin tóm lược, trong cuộc sống, chúng ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt. Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài học...".
Vương Linh (Theo Bacsinoitru.vn, heavenaddress.com)

Thư của Thủ Tướng Gởi Cho Con..

Theo Facebook của Trần Anh

Đọc bức thư của Ông thủ tướng Đài Loan ( Tôn Vận Tuyền) gửi con, Mới hiểu vì sao Đài Loan thành công như thế.

daddy

Con trai yêu dấu!
Đời người phúc họa vô thường! Không một ai biết trước mình sẽ sống được bao lâu. Có một số việc tưởng nên sớm nói ra thì hay hơn.
Cha là cha của con, nếu cha không nói với con, có lẽ không ai nói rõ với con những điều này!
Những lời khuyên để con ghi nhớ này, là kết quả bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời, mà bản thân cha đã trải nghiệm. Nó sẽ giúp con tiết kiệm nhiều những nhầm lẫn hoang phí trên bước đường trưởng thành của con sau này.
Dưới đây là những điều con nên ghi nhớ trong cuộc đời:
- Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng bận tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con, ngoại trừ Cha và Mẹ của con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc con phải biết ơn và trân quý, con cũng nên thận trọng suy xét, vì người đời làm việc gì thường có mục đích và nguyên nhân. Con chớ vội vàng xem đối phương là chân bằng hữu .
- Con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với con. Con đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy, nếu con không hiểu rõ được điểm này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình mai sau.
- Trên đời không phải không có người nào mà không thể thay thế được, không có vật gì mà nhất định mình phải sở hữu được. Con nên hiểu rõ ở điểm này. Nếu mai sau rủi người bạn đời không còn muốn cùng con chung sống, hoặc giả con vừa mất đi những gì trân quý nhất trong đời, thì con nên hiểu rằng: Đây cũng không phải là chuyện lớn lao gì cho lắm!
- Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chỉ qua là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà thay đổi. Nếu người yêu rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi , để thời gian từ từ gột rửa, để tâm tư mình dần dần lắng đọng thì nỗi đau thương cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi . Không nên cứ ôm ấp hoài niệm mãi cái ảo ảnh yêu thương, cũng không nên quá bi lụy vì tình.
- Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay con đã lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì con sẽ được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng con cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.
- Cha không yêu cầu con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại. Ngược lại, Cha cũng không thể bảo bọc nửa quãng đời sau này của con, khi mà con đã trưởng thành và tự lập. Đây là lúc Cha đã làm tròn trách nhiệm của mình. Sau này con có đi xe buýt hay đi xe hơi riêng; ăn súp vi cá hay ăn mì gói, tự con lo liệu lấy.
- Gia đình thân nhân chỉ là duyên phận một đời. Bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu và như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian sum họp, gia đình đoàn tụ. Kiếp sau, dù ta có thuơng hay không, cũng không chắc sẽ còn gặp lại nhau.
- Tuy có nhiều người thành công trên đường đời mà học hành chẳng đến đâu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành mà vẫn thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng không thể thiếu sự hiểu biết. Nên nhớ kỹ điều này!
- Hơn mười mấy, hai mươi mấy năm nay, Cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng đến nay, ngay đến giải 3 vẫn chưa từng trúng. Điều này chứng tỏ rằng: Muốn phát đạt phải siêng năng làm ăn, nỗ lực phấn đấu chứ không phải chờ đợi điều may mắn đến với con. Trên thế gian này không có buổi ăn trưa nào miễn phí cả. Nếu may mắn có đến với con, đấy là điều tốt, còn nếu không thì cũng chẳng có vấn đề gì, bởi tất cả phải dựa vào chính bản thân con.
- Con hãy BIẾT ƯỚC MƠ, nhưng để trở thành hiện thực thì ước mơ đừng xa rời thực tế, đừng hão huyền và ảo tưởng. Con phải LUÔN CÓ NIỀM TIN. Không chỉ là niềm tin vào chính bản thân mình mà con cũng cần có niềm tin vào mọi người, niềm tin vào cuộc sống. Nếu không có niềm tin, con sẽ chẳng thể làm được việc gì. Công việc, cuộc sống đôi lúc sẽ có những khó khăn, trở ngại đòi hỏi con phải LUÔN NỖ LỰC. Để có được những thành công thì không thể thiếu sự cố gắng và say mê, con ạ. Hãy nhớ rằng THÀNH CÔNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT ĐÍCH ĐẾN MÀ LÀ MỘT QUÁ TRÌNH. Vì thế, con hãy tiếp tục ước mơ, tiếp tục tin tưởng và không ngừng nỗ lực, con nhé.

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

RAW FOOTAGE!!! Teahupoo 2013 HD!



Giấc Mơ Hồi Hương - Vũ Thành



 

Những bức ký họa nước ngoài về quân đội Việt Nam trong kháng chiến.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã để lại dấu ấn không thể phai mờtrong lịch sử thế giới. Các họa sĩ nước ngoài đã ghi lại những vũ khí trang bị và con người, những nhân tố làm lên sự vĩ đại của một dân tộc anh hùng.
 

Theo Trịnh Thái Bằng /Quocphonganninh

"Liệt sĩ" Yersin

Hoàng Thiếu Phủ
 



 
Bác sĩ Alexandre Amile John Yersin (1863-1943), người Pháp gốc Thụy Sĩ là người có công lớn trong việc chế ngự bệnh bạch hầu, bệnh dịch hạch. Ông cũng là người đầu tiên sáng lập Viện Pasteur, phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên, và ươm hạt giống cao nguyên ở Việt Nam. Là công dân Pháp, ông không thể thoát ly khỏi chế độ bảo hộ của chính quyền thực dân, tuy nhiên Yersin đã coi Việt Nam như quê hương của mình. Nguyện vọng của ông là sau khi chết được yên nghỉ vĩnh viễn ở Suối Dầu, Nha Trang. Nhân dân Việt Nam cũng coi ông như đồng bào ruột thịt. Ở Suối Dầu, nhiều người thân mật gọi ông là ông Năm Yersin. Ở Đà Lạt, ông được thờ cúng như một bị Bồ Tát trong các chùa Linh Sơn và Long Tuyền. Trên đây là một phần lý lịch trích ngang của Yersin, cam đoan đúng sự thật.
 
Còn dưới đây là những giai thoại mới, chưa kịp ghi vào lý lịch, nhưng cũng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Trong một buổi họp giao ban vào thời kỳ mới Giải Phóng, một vị thủ trưởng hỏi tả hữu:

- Vậy chứ ở đây, có ai biết Y-ẹc-xanh là thằng cha nào mà bọn địch lấy tên đó đặt cho con đường lớn nhất của thành phố. Một số trường học, nhà thương, công viên còn bày đặt tạc tượng y đặt tùm lum.

Một cán bộ phụ trách Văn Xã ứng tiếng trả lời:

- Tay này chắc là một loại nhà văn phản động nào đó mà cũng không có tên tuổi gì mấy, chứ không thì tôi phải biết chớ. Trong cái tên Y-ẹc-xanh, có chữ ẸC đủ biết sách vở y viết cũng dở ẹc.

Ông thủ trưởng ra lệnh:

- Nếu vậy phải xóa bỏ tên y trên các bảng tên đường phố cũng như trên tất cả các công trình công cộng, nhanh chóng thay đổi bộ mặt văn hóa của địa phương ta.

Mười lăm năm sau, trong một phiên họp giao ban vào thời kỳ Đổi Mới. Cũng vẫn những cán bộ chủ chốt ấy, đồng chí Văn Xã báo cáo:

- Sắp tới có một đoàn khách Pháp muốn đến thăm địa phương mình để tham quan một số di tích liên quan đến Y-ẹc-xanh.

Một vị trong bàn giật mình hỏi:

- Y-ẹc-xanh là cha nào? À, thôi nhớ ra rồi. Có phải cha nhà văn nào dở ẹc, hồi đó mình đã xóa tên mất tiêu rồi còn gì đâu mà tham quan?

- Thế mới kẹt chứ. Kỳ này họ muốn thăm lại những con đường, trường học, bệnh viện mang tên Y-ẹc-xanh trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra còn có một ngôi nhà, nơi Y-ẹc-xanh đã sống và ngôi mộ, nơi Y-ẹc-xanh đã chết...

- Ủa, có mấy thứ đó nữa à? Ở đâu, sao trước giờ không nghe ai nói?

- Dạ, nhà và mộ đều ở Nha Trang. Mộ thì hình như nằm trong lô cao su già ở Suối Dầu. Còn nhà thì đâu miệt ngoài Xóm Cồn, những chỗ đó bây giờ đã xây thành nhà nghỉ mát dành cho cán bộ.

- Thôi dẹp! Nếu khách tới thì nói với họ, Việt Nam mình đã xóa sạch mọi tàn tích của thực dân đế quốc. Họ muốn tham quan, còn thiếu gì chỗ?

Ông Văn Xã nhăn nhó:

- Dạ không phải vậy đâu. Vừa qua, có công văn của Bộ TTVH và DLTT xác nhận Y-ẹc-xanh là người có công lớn. Lại có thư của UBMTTQ kêu gọi cả nước tham gia phục hồi, trùng tu các di tích liên quan tới thời kỳ Y-ẹc-xanh sống ở Việt Nam.

- Trả lời với Bộ là địa phương mình không có kinh phí.

Ông Văn Xã chưa kịp trả lời, ông Tài mậu vội lên tiếng:

- Ấy chết. Kỳ này, khách là đoàn đại biểu doanh nhân của Pháp đến dự hội thảo FORUM ở thành phố Hồ Chí Minh, triển vọng sẽ ký kết một số hợp đồng làm ăn lâu dài với ta. Nếu để bạn mất niềm tin thì rất bất lợi.

Đồng chí chủ trì gật đầu ra vẻ đồng ý:

- Nếu vậy thì để coi. Hay là cứ mạnh dạn trích ngân sách đóng góp kinh phí. Còn ba cái bảng tên đường thì đổi lại cũng dễ thôi.

Ông Văn Xã lộ vẻ mừng rỡ, nhưng vẫn còn băn khoăn:

- Việc này, chung qui vẫn còn chút vướng mắc.

- Vướng chỗ nào?

- Trước đây, mình ra lệnh xóa bỏ tên đường, nay phục hồi lại, sợ các địa phương hoang mang, không chừng họ còn cản trở công việc. Phải giải thích sao cho thông dưới cơ sở mới được.

Đồng chí chủ trì nhíu mày suy nghĩ một lát rồi quay qua bảo người phụ tá bên cạnh:

- Làm ngay cho tôi một xấp giấy giới thiệu.

- Dạ ghi nội dung ra sao ạ?

Đồng chí chủ tịch nhấp một ngụm nước trà thấm giọng rồi thong thả đọc từng chữ.

- Phòng Thương binh - Xã hội xác nhận đồng chí Năm Y-ẹc-xanh là liệt sĩ cách mạng đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Đề nghị các cơ quan, đoàn thể, chính quyền và cấp Ủy địa phương tích cực hỗ trợ, làm tốt công tác "đền ơn đáp nghĩa".
 

ÔNG NĂM YERSIN

Bài nói chuyện với sinh viên hai Đại học Quốc gia (HN và TPHCM ngày 12-13/6/2014)
Alexandre Émile Jean Yersin không chỉ là một nhà sinh học lớn, một nhà phát minh vĩ đại của thế giới mà còn là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, là tấm gương sáng của thanh nhiên nước ta, nhất là với các nhà khoa học trẻ tuổi. Ông sinh ra cách đây 151 năm tại Aubone, thuộc tổng Vaud của đất nước Thụy Sĩ tươi đẹp. Ông mồ côi cha từ trước khi chào đời và với cố gắng phi thường của người mẹ tảo tần một mình nuôi ba con thơ ông vẫn có thể tốt nghiệp trường Đại học Y khoa tại Lausanne của Thụy Sĩ . Đó là bước khởi đầu để sau đó trở thành nhà nghiên cứu Vi sinh vật học khi gia nhập vào Viện nghiên cứu của nhà bác học vĩ đại Pháp Louis Pasteur tại trường Đại học danh tiếng École Normale Supérieure năm mới 23 tuổi. Chính vì thế ông gia nhập quốc tịch Pháp và sau đó năm mới 27 tuổi ông đã xung phong nhận nhiệm vụ sang Việt Nam- một nơi còn rất lạc hậu và cách xa quê hương hàng nghìn dặm.
Năm 1894 Yersin là người lần đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, nhờ đó ông đã giải thích được phương thức truyền bệnh dịch hạch. Từ năm 1895 đến 1897, Yersin nghiên cứu thêm về bệnh dịch hạch. Năm 1895 ông trở về Viện Pasteur tại Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh, (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur). Năm 1896, ông thành lập trại chăn nuôi Suối Dầu, nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh
Từ ngày ấy đến nay ngành Sinh học Việt Nam đã có biết bao tiến bộ để khống phụ lòng người khởi đầu cho các nghiên cứu sinh học ở nước ta. Hội các ngành Sinh học Việt Nam hiện là một Liên hiệp của trên 10 các Hội chuyên ngành về Sinh học và chuyên ngành nào cũng đã đạt được những thành tựu thật đáng khích lệ. Chúng ta đã giảng dạy tất cả các lĩnh vực Sinh học bằng tiếng Việt, có các Viện nghiên cứu cấp Nhà nước về từng ngành Sinh học và hàng năm liên tục đào tạo ra các Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ theo các chuyên ngành Sinh học. Trong một số lĩnh vực chúng ta đã hội nhập được với thế giới nhờ sự cộng tác với các chuyên gia nước ngoài hoặc cử cán bộ ra làm việc tại nước ngoài.

Ngôi nhà của Yersin ở Đà Lạt

Về Vi sinh vật học, trong đó có Vi khuẩn học- chuyên môn sâu của Yersin chúng ta có thể tự hào về việc khám phá nhanh chóng được các mầm bệnh do vi sinh vật gây ra ở người , ở gia súc, gia cầm và cây trồng. Chúng ta đã xây dựng được các Bảo tàng giống chuẩn về vi sinh vật, trong đó có VTCC ở Đại học Quốc gia Hà Nội là thành viên của WFCC ( Liên đoàn các Bảo tàng giống vi sinh vật thế giới). Hội Vi sinh vật học Việt Nam đã là thành viên chính thức của IUMS (Liên đoàn quốc tế các Hội vi sinh vật học). Chúng ta đã có thể liên tục phát hiện các loài, các chi vi sinh vật mới nhờ các kỹ thuật phân lập hiện đại và định tên nhờ giải trình tự ADN bằng các thiết bị tân tiến. Các loài và chi mới này được mang tên Việt Nam và được thế giới công nhận. Mặc dầu chúng ta đã có thể tự sản xuất được hầu hết các loại vaccin, kể cả các vaccin từ các chủng mang gen tái tổ hợp như vaccin chống Viêm gan B, vaccin chống Viêm não Nhật Bản, nhưng do sự biến đổi nhanh chóng của các chủng vi khuẩn, virut gây bệnh mà nhu cầu về vaccin của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phòng tránh được một số bệnh tật cho người , gia cầm và cây trồng. Cũng thật đáng tiếc khi một nước với dân số trên 90 triệu người, đứng hàng thứ 13 trên thế giới, mà cho đến tận hôm nay vẫn chưa sản xuất được bất kỳ một loại kháng sinh và vitamin nào- những thứ đã được sản xuất lớn từ thời Yersin. Chúng ta có hàng loạt các nhà máy dược phẩm to lớn, trang bị hiện đại nhưng hầu hết chỉ là các xí nghiệp bào chế các dược phẩm gốc nhập từ nước ngoài. Một điểm sáng mới xuất hiện là Công ty Nanogen của anh Hồ Nhân- một Việt kiều từ Mỹ trở về đầu tư và bắt đầu làm ra được những dược phẩm thay thế cho nhập khẩu.

Về y học cơ sở chúng ta đã có những bước tiến lớn trong việc nghiên cứu và triển khai các công trình về miễn dịch học, tế bào gốc, ghép tạng và ghép đa tạng, can thiệp tim mạch, thụ tinh nhân tạo, đẩy lùi các bệnh nhiệt đới, bệnh ung thư phát hiện sớm và phát triển rộng rãi một nền y tế cộng động... Tuy nhiên do dân số tăng nhanh, đầu tư không đáp ứng được so với yêu cầu nên đã xảy ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn và do Bảo hiểm y tế chưa phổ cập khiến cho người nghèo khó lòng tiếp cận được với các giải pháp cứu chữa các bệnh hiểm nghèo. Tấm gương của Yersin trong việc dấn thân tìm ra bằng được mầm bệnh dich hạch (Yersinia pestis) luôn thôi thúc tâm trí của các bác sĩ trẻ trong việc nâng cao y đức, trị bệnh cứu người và thường xuyên tình nguyện đế với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta thường nhắc nhau ghi nhớ lời của Yersin trong một bức thư gửi về cho mẹ: "...Không bao giờ con có thể đòi tiền người bệnh trong việc chăm sóc họ. Con coi y khoa như là một chuyên môn và là một mục vụ. Đòi tiền để chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào nói với người đó rằng: Tiền hay Mạng sống?" Là một Tiến sĩ y khoa danh giá nhưng Yersin đã dành rất nhiều năm tháng sống gần gũi với dân nghèo vùng Nha Trang và để lại cả hài cốt trên mảnh đất này. Ông lập nông trại ở Suối Dầu, lập trang trại ở Hòn Bà để di nhập các loài cây thuốc quý, như cây Canh-ki-na chống sốt rét, trồng cỏ để nuôi ngựa nhằm sản xuất Kháng huyết thanh... Làng Tân Xương ở Suối Dầu đã lập đền thờ cúng ông như vị Thành hoàng của làng.
Lycée Yersin, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Chúng ta may mắn có một thiên nhiên nhiệt đới với tính đa dạng sinh học rất cao. Các kết quả điều tra cho thấy, nước ta có khoảng 12.000 loài thực vật có mạch, trong đó đã định tên được khoảng 7.000 loài, 275 loài thú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 2470 loài cá, 5.500 loài côn trùng... Tính độc đáo của Đa dạng sinh học này là khá cao: 10% số loài thú, chim và cá của Thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loài đặc hữu, không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam, nhiều loài gia súc, gia cầm đã được thuần dưỡng và tuyển chọn từ hàng ngàn năm nay . Riêng Thiền sư Tuệ Tĩnh đã tập hợp được rất nhiều y án với 182 chứng bệnh và được chữa bằng 3.873 phương thuốc đông dược, phần lớn là của nước ta thời đó. Chúng ta hiện đã phát hiện được rất nhiều ít các dược liệu có thể giúp dân chúng phòng và chữa bệnh. Nhưng thật tiếc, trong số 50 loài cây có tác dụng kháng ung thư mà người nước ngoài phát hiện thấy ở Việt Nam có tồn tại, không ít loài đã bị người nước ngoài thu mua đến gần như cạn kiệt (ví dụ như cây Bảy lá một hoa- Thất diệp nhất chi hoa).
Ngày nay khi đến thăm Đà Lạt mộng mơ và tươi đẹp chúng ta đều không thể quên Yersin chính là người đã khám phá ra vùng đất quý giá này với tên gọi là cao nguyên Lâm Viên. Ngày 23 tháng 9 năm 1892, đoàn thám hiểm gồm bảy thành viên dưới sự lãnh đạo của Yersin khởi hành từ Nha Trang ra Ninh Hòa rồi lên Ban Mê Thuột, đến Stung Treng bên bờ sông Mekong, về Phnom Penh rồi theo đường thủy ra Phú Quốc về cảng Sài Gòn. Yersin chụp ảnh, vẽ họa đồ, và khảo sát phong tục tập quán các bộ tộc sinh sống trong vùng ông đi qua. Tháng 6 năm 1893, với sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, Yersin tổ chức đoàn thám hiểm có bốn người Việt theo đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai, lên Di Linh, cuối cùng khám phá Cao nguyên Lâm Viên. Trong nhật ký đề ngày 21 tháng 6 năm 1893, Yersin ghi nhận có vài làng của người sắc tộc D'Lat nằm rải rác trong vùng, "Từ trong rừng thông bước ra tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này." Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, Toàn quyền Paul Doumer cho thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người Âu châu, sau trở thành Đà Lạt. 
Ngày nay chúng ta đã có không ít Đại học y khoa, hàng năm đào tạo ra hàng nghìn bác sĩ, nhưng xin chớ quên Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l'Indochine) -tiền thân Đại học Y Hà Nội, chính là do Yersin cố gắng xin thành lập vào năm 1902 và ông đã làm Hiệu trưởng cho đến năm 1904. Trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên, 15 người đến từ Bắc Kỳ, 5 từ Trung Kỳ, 8 từ Nam Kỳ, và 1 từ Cao Miên. Tất cả đều được nhận học bổng 8 đồng mỗi tháng. Ông có công di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược, cho xây dựng ngôi trường ở phố Bobillot (Lê Thánh Tông ngày nay), và xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc.

Chúng ta ghi nhớ công ơn Yersin không chỉ với các tên đường (tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt,Thủ Dầu Một và Thành phố Hồ Chí Minh) , lập Bảo tàng và Công viên mang tên Yersin... mà quan trọng hơn chính là tấm gương về cuộc đời tận tụy vì khoa học, vì nhân dân của Yersin sẽ mãi là ngọn lửa trong trái tim mỗi thanh niên chúng ta. Đó là tấm gương sáng sẽ sống mãi không chỉ với nhân dân thế giới mà còn với nhân dân Việt Nam chúng ta.
Yersin để lại nhiều ký ức sâu đậm tại Việt Nam, nơi người dân trong vùng gọi ông cách thân mật là Ông Năm, theo cấp bậc Đại tá Quân y (quân hàm có năm gạch ngang). Năm 1891, khi đặt chân đến Nha Trang, Yersin yêu mến vùng đất này, và quyết định lưu trú tại đây. Trong một lá thư gởi Émile Roux, ông viết, "Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm." Ông sống gần gũi với cư dân trong vùng, và tận tụy giúp đỡ những ngư dân nghèo khó trong xóm chài nhỏ bé. Ông sống trong một ngôi nhà cổ ba tầng, trên tầng thượng ông đặt kính thiên văn để quan sát báo bão cho làng chài. Khi có bão, ông gọi dân làng đến trú ngụ ở nhà ông, và cung cấp thực phẩm cho họ. Ông khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Đừng quên trước lúc lâm chung vào ngày 1-3-1943 Yersin đã viết Di chúc, trong đó ghi rõ: "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn. " Người dân Nha Trang đã làm theo di chúc của ông trừ việc đã có một đám tang rất đông và ai cũng khóc , tiễn đưa Ông Năm như một người thân yêu nhất của mình.