Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Ý nghĩa các mã sân bay nổi tiếng trên thế giới

Bên cạnh số hiệu chuyến bay, mã sân bay là một trong những thông tin mà hành khách cần phải biết để nắm rõ hành trình bay của mình. Những mẫu ký tự nhìn sơ qua có vẻ đơn giản và không có gì đáng để thu hút nhưng nếu tìm hiểu về lịch sử cũng như quá trình hình thành sẽ có rất nhiều điều thú vị.
Vào thập niên 30, mã sân bay được hình thành nhằm tạo sự thuận lợi cho các phi công trong việc xác định vị trí. Đầu tiên, các phi công ở Mỹ sử dụng mã hai ký tự được tạo bởi cơ quan dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ để xác định tên các thành phố. Hệ thống này dần trở nên quá tải do số lượng các sân bay hình thành cũng như sự trùng lặp về tên gọi, vì thế hệ thống mã ba ký tự dành cho sân bay được thiết lập.
Hệ thống này cho phép hoán vị được tới 17.576 lần, sử dụng được tất cả các ký tự kết nối với nhau. Hầu hết, các mã sân bay trên thế giới hiện nay đều theo mã xác định từ Tổ chức Vận chuyển hàng không thương mại thế giới IATA cùng với một số mã xác định từ FAA (Federal Aviation Administration) dành cho các sân bay tại Mỹ.
Thường các cơ quan thiết lập sẽ cố gắng để những mã sân bay do IATA xác lập không trùng với các mã sân bay của FAA. Hầu hết các mã sân bay của IATA đều được FAA chấp nhận trừ một số trường hợp như sân bay tại Saipan được FAA đưa ra mã là GSN trong khi theo IATA là SPN.
Nhiều thành phố vẫn giữ nguyên ký tự từ tên cũ trong mã sân bay mặc dù hiện thành phố đã mang tên khác. Điển hình như tại Ấn Độ: BOM vẫn là mã sân bay của thành phố Mumbai (có tên cũ là Bombay), CCU là mã sân bay của thành phố Kolkata (có tên cũ là Calcutta), hay MAA là mã sân bay của thành phố Chennai (có tên cũ là Madras).

Tương tự LED vẫn được giữ là mã sân bay của thành phố St.Peterburg (trước đó là Leningrad), GOJ là mã sân bay của thành phố Nizhny Novgorod (tên cũ là Gorky) và SGN vẫn được giữ là mã sân bay của TP.HCM (có tên cũ là Sài Gòn)…

Vài mã sân bay được thiết lập dựa trên tên cũ và tên hiện tại, ví dụ như ORD của sân bay Chicago O’Hare là mã kết hợp giữa cái tên cũ là Orchard Field và O’Hare. Tương tự, sân bay quốc tế Orlando sử dụng mã MCO được kết hợp từ tên cũ là McCoy Air Force Base và tên mới là Orlando.
Trong khi đó, hầu hết các sân bay ở Canada đều có mã sân bay bắt đầu bằng ký tự “Y” như: YOW của Ottawa, YYC của Calgary, YVR của Vancouver hay hai sân bay lớn nhất Canada là YYZ tại Toronto-Pearson và YUL của Montreal-Trudeau.
Vài mã sân bay tại New Zealand được đưa ký tự “Z” vào để phân biệt với các thành phố cùng tên khác như HLZ của Hamilton, ZQN của Queenstown và WSZ của Westport…
Nói một cách tổng quát, mã sân bay thường được lấy từ ba ký tự đầu tiên trong tên đầy đủ của thành phố mà nó tọa lạc như chúng ta thường thấy. Vài sân bay do nằm trên vị trí thuộc nhiều tỉnh thành hay khu vực khác nhau thường pha trộn những ký tự lại với nhau để tạo thành mã cho sân bay. Nhưng cũng có nhiều lý do để mã sân bay không tuân theo cách này và những điều này ẩn chứa không ít sự thú vị đáng để hành khách khám phá.

1. Được lấy từ ba ký tự đầu tiên trong tên thành phố
Một vài mã sân bay tham khảo: AMS – thành phố Amsterdam, sân bay Schiphol, Hà Lan; BAU – thành phố Bauru, sân bay Bauru (Brazil); CAI – thành phố Cairo, sân bay quốc tế Cairo (Ai Cập), DIU – thành phố DIU, sân bay quốc tế DIU (Ấn Độ); FRA – thành phố Frankfurt, sân bay quốc tế Frankfurt (Đức), GOT – thành phố Gothenburg, sân bay Gothenburg Landvetter (Thụy Điển); HEL – thành phố Helsinki, sân bay quốc tế Helsinki (Phần Lan)…
2. Kết hợp các ký tự có trong tên thành phố
Thường chọn theo nguyên tắc ký tự đầu tiên của mỗi âm trong tên thành phố như: MDL – thành phố Mandalay, sân bay Annisaton (Myanmar); NGS – thành phố Nagasaki, sân bay Nagasaki (Nhật Bản); RYK – thành phố Rahim Yar Khan, sân bay Rahim Yar Khan (Parkistan)…
3. Một thành phố có nhiều sân bay
Nổi bật nhất về mã sân bay có lẽ là thành phố London của Anh với sự xuất hiện ký tự “L” tại vị trí đầu tiên của các mã sân bay trong thành phố này như: LHR – thành phố London, sân bay Heathrow; LGW – sân bay Gatwick, LCY – sân bay London City; LTN – sân bay Luton; trường hợp cá biệt tại thành phố này là sân bay Stansted với mã STN.
Còn lại hầu hết các sân bay nằm cùng một thành phố thường được lấy ký tự mã hóa theo tên gọi của sân bay như thành phố New York có bốn sân bay được mã hóa không theo tên thành phố như JRA – sân bay thành phố New York, TSS – sân bay trực thăng tại đường 34, JFK – sân bay John F. Kenedy, và LGA – sân bay Laguardia…
4. Ký tự bí ẩn
Khi nhắc đến mã ký tự của sân bay quốc tế Los Angeles – LAX, câu hỏi thường được đưa ra là ký tự “X” trong mã có từ đâu? Nó không chỉ xuất hiện trong mã LAX mà còn nhiều mã sân bay khác như: BPX – sân bay Bangda (Trung Quốc), SCX – sân bay Salina Municipal (Mexico)… Điều này được lý giải là hậu quả của việc chuyển từ mã hai ký tự sang ba ký tự, để dễ dàng cho việc chuyển đổi, một số sân bay người ta chỉ việc bỏ thêm ký tự “X” vào sau hai ký tự đã đặt trước đó.
Một vài lý do khác là do trùng mã ký tự giữa các thành phố có tên tương tự nhau, nên sử dụng ký tự “X” để việc đặt mã nhanh chóng hơn. Như trường hợp của thành phố Dubai nếu đặt theo chuẩn thì lấy ba ký tự đầu là DUB nhưng vì trùng với mã của thành phố Dublin trước đó nên nó được chuyển nhanh thành DXB.
> Những sân bay tấp nập nhất thế giới> Thư giãn, giải trí, học hỏi ở... sân bay
>
Những điều thú vị có thể gặp tại sân bay
> Những cửa hàng tại sân bay đừng nên bỏ qua


H.K/DNSGCT