Bài nói chuyện với sinh viên hai Đại học Quốc gia (HN và TPHCM ngày 12-13/6/2014)
Alexandre Émile Jean Yersin không chỉ là một nhà sinh học lớn, một nhà phát minh vĩ đại của thế giới mà còn là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, là tấm gương sáng của thanh nhiên nước ta, nhất là với các nhà khoa học trẻ tuổi. Ông sinh ra cách đây 151 năm tại Aubone, thuộc tổng Vaud của đất nước Thụy Sĩ tươi đẹp. Ông mồ côi cha từ trước khi chào đời và với cố gắng phi thường của người mẹ tảo tần một mình nuôi ba con thơ ông vẫn có thể tốt nghiệp trường Đại học Y khoa tại Lausanne của Thụy Sĩ . Đó là bước khởi đầu để sau đó trở thành nhà nghiên cứu Vi sinh vật học khi gia nhập vào Viện nghiên cứu của nhà bác học vĩ đại Pháp Louis Pasteur tại trường Đại học danh tiếng École Normale Supérieure năm mới 23 tuổi. Chính vì thế ông gia nhập quốc tịch Pháp và sau đó năm mới 27 tuổi ông đã xung phong nhận nhiệm vụ sang Việt Nam- một nơi còn rất lạc hậu và cách xa quê hương hàng nghìn dặm.
Năm 1894 Yersin là người lần đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, nhờ đó ông đã giải thích được phương thức truyền bệnh dịch hạch. Từ năm 1895 đến 1897, Yersin nghiên cứu thêm về bệnh dịch hạch. Năm 1895 ông trở về Viện Pasteur tại Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh, (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur). Năm 1896, ông thành lập trại chăn nuôi Suối Dầu, nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh
Từ ngày ấy đến nay ngành Sinh học Việt Nam đã có biết bao tiến bộ để khống phụ lòng người khởi đầu cho các nghiên cứu sinh học ở nước ta. Hội các ngành Sinh học Việt Nam hiện là một Liên hiệp của trên 10 các Hội chuyên ngành về Sinh học và chuyên ngành nào cũng đã đạt được những thành tựu thật đáng khích lệ. Chúng ta đã giảng dạy tất cả các lĩnh vực Sinh học bằng tiếng Việt, có các Viện nghiên cứu cấp Nhà nước về từng ngành Sinh học và hàng năm liên tục đào tạo ra các Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ theo các chuyên ngành Sinh học. Trong một số lĩnh vực chúng ta đã hội nhập được với thế giới nhờ sự cộng tác với các chuyên gia nước ngoài hoặc cử cán bộ ra làm việc tại nước ngoài.
Ngôi nhà của Yersin ở Đà Lạt
Về Vi sinh vật học, trong đó có Vi khuẩn học- chuyên môn sâu của Yersin chúng ta có thể tự hào về việc khám phá nhanh chóng được các mầm bệnh do vi sinh vật gây ra ở người , ở gia súc, gia cầm và cây trồng. Chúng ta đã xây dựng được các Bảo tàng giống chuẩn về vi sinh vật, trong đó có VTCC ở Đại học Quốc gia Hà Nội là thành viên của WFCC ( Liên đoàn các Bảo tàng giống vi sinh vật thế giới). Hội Vi sinh vật học Việt Nam đã là thành viên chính thức của IUMS (Liên đoàn quốc tế các Hội vi sinh vật học). Chúng ta đã có thể liên tục phát hiện các loài, các chi vi sinh vật mới nhờ các kỹ thuật phân lập hiện đại và định tên nhờ giải trình tự ADN bằng các thiết bị tân tiến. Các loài và chi mới này được mang tên Việt Nam và được thế giới công nhận. Mặc dầu chúng ta đã có thể tự sản xuất được hầu hết các loại vaccin, kể cả các vaccin từ các chủng mang gen tái tổ hợp như vaccin chống Viêm gan B, vaccin chống Viêm não Nhật Bản, nhưng do sự biến đổi nhanh chóng của các chủng vi khuẩn, virut gây bệnh mà nhu cầu về vaccin của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phòng tránh được một số bệnh tật cho người , gia cầm và cây trồng. Cũng thật đáng tiếc khi một nước với dân số trên 90 triệu người, đứng hàng thứ 13 trên thế giới, mà cho đến tận hôm nay vẫn chưa sản xuất được bất kỳ một loại kháng sinh và vitamin nào- những thứ đã được sản xuất lớn từ thời Yersin. Chúng ta có hàng loạt các nhà máy dược phẩm to lớn, trang bị hiện đại nhưng hầu hết chỉ là các xí nghiệp bào chế các dược phẩm gốc nhập từ nước ngoài. Một điểm sáng mới xuất hiện là Công ty Nanogen của anh Hồ Nhân- một Việt kiều từ Mỹ trở về đầu tư và bắt đầu làm ra được những dược phẩm thay thế cho nhập khẩu.
Về y học cơ sở chúng ta đã có những bước tiến lớn trong việc nghiên cứu và triển khai các công trình về miễn dịch học, tế bào gốc, ghép tạng và ghép đa tạng, can thiệp tim mạch, thụ tinh nhân tạo, đẩy lùi các bệnh nhiệt đới, bệnh ung thư phát hiện sớm và phát triển rộng rãi một nền y tế cộng động... Tuy nhiên do dân số tăng nhanh, đầu tư không đáp ứng được so với yêu cầu nên đã xảy ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn và do Bảo hiểm y tế chưa phổ cập khiến cho người nghèo khó lòng tiếp cận được với các giải pháp cứu chữa các bệnh hiểm nghèo. Tấm gương của Yersin trong việc dấn thân tìm ra bằng được mầm bệnh dich hạch (Yersinia pestis) luôn thôi thúc tâm trí của các bác sĩ trẻ trong việc nâng cao y đức, trị bệnh cứu người và thường xuyên tình nguyện đế với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta thường nhắc nhau ghi nhớ lời của Yersin trong một bức thư gửi về cho mẹ: "...Không bao giờ con có thể đòi tiền người bệnh trong việc chăm sóc họ. Con coi y khoa như là một chuyên môn và là một mục vụ. Đòi tiền để chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào nói với người đó rằng: Tiền hay Mạng sống?" Là một Tiến sĩ y khoa danh giá nhưng Yersin đã dành rất nhiều năm tháng sống gần gũi với dân nghèo vùng Nha Trang và để lại cả hài cốt trên mảnh đất này. Ông lập nông trại ở Suối Dầu, lập trang trại ở Hòn Bà để di nhập các loài cây thuốc quý, như cây Canh-ki-na chống sốt rét, trồng cỏ để nuôi ngựa nhằm sản xuất Kháng huyết thanh... Làng Tân Xương ở Suối Dầu đã lập đền thờ cúng ông như vị Thành hoàng của làng.
Lycée Yersin, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Chúng ta may mắn có một thiên nhiên nhiệt đới với tính đa dạng sinh học rất cao. Các kết quả điều tra cho thấy, nước ta có khoảng 12.000 loài thực vật có mạch, trong đó đã định tên được khoảng 7.000 loài, 275 loài thú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 2470 loài cá, 5.500 loài côn trùng... Tính độc đáo của Đa dạng sinh học này là khá cao: 10% số loài thú, chim và cá của Thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loài đặc hữu, không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam, nhiều loài gia súc, gia cầm đã được thuần dưỡng và tuyển chọn từ hàng ngàn năm nay . Riêng Thiền sư Tuệ Tĩnh đã tập hợp được rất nhiều y án với 182 chứng bệnh và được chữa bằng 3.873 phương thuốc đông dược, phần lớn là của nước ta thời đó. Chúng ta hiện đã phát hiện được rất nhiều ít các dược liệu có thể giúp dân chúng phòng và chữa bệnh. Nhưng thật tiếc, trong số 50 loài cây có tác dụng kháng ung thư mà người nước ngoài phát hiện thấy ở Việt Nam có tồn tại, không ít loài đã bị người nước ngoài thu mua đến gần như cạn kiệt (ví dụ như cây Bảy lá một hoa- Thất diệp nhất chi hoa).
Ngày nay khi đến thăm Đà Lạt mộng mơ và tươi đẹp chúng ta đều không thể quên Yersin chính là người đã khám phá ra vùng đất quý giá này với tên gọi là cao nguyên Lâm Viên. Ngày 23 tháng 9 năm 1892, đoàn thám hiểm gồm bảy thành viên dưới sự lãnh đạo của Yersin khởi hành từ Nha Trang ra Ninh Hòa rồi lên Ban Mê Thuột, đến Stung Treng bên bờ sông Mekong, về Phnom Penh rồi theo đường thủy ra Phú Quốc về cảng Sài Gòn. Yersin chụp ảnh, vẽ họa đồ, và khảo sát phong tục tập quán các bộ tộc sinh sống trong vùng ông đi qua. Tháng 6 năm 1893, với sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, Yersin tổ chức đoàn thám hiểm có bốn người Việt theo đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai, lên Di Linh, cuối cùng khám phá Cao nguyên Lâm Viên. Trong nhật ký đề ngày 21 tháng 6 năm 1893, Yersin ghi nhận có vài làng của người sắc tộc D'Lat nằm rải rác trong vùng, "Từ trong rừng thông bước ra tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này." Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, Toàn quyền Paul Doumer cho thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người Âu châu, sau trở thành Đà Lạt.
Ngày nay chúng ta đã có không ít Đại học y khoa, hàng năm đào tạo ra hàng nghìn bác sĩ, nhưng xin chớ quên Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l'Indochine) -tiền thân Đại học Y Hà Nội, chính là do Yersin cố gắng xin thành lập vào năm 1902 và ông đã làm Hiệu trưởng cho đến năm 1904. Trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên, 15 người đến từ Bắc Kỳ, 5 từ Trung Kỳ, 8 từ Nam Kỳ, và 1 từ Cao Miên. Tất cả đều được nhận học bổng 8 đồng mỗi tháng. Ông có công di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược, cho xây dựng ngôi trường ở phố Bobillot (Lê Thánh Tông ngày nay), và xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc.
Ngày nay chúng ta đã có không ít Đại học y khoa, hàng năm đào tạo ra hàng nghìn bác sĩ, nhưng xin chớ quên Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l'Indochine) -tiền thân Đại học Y Hà Nội, chính là do Yersin cố gắng xin thành lập vào năm 1902 và ông đã làm Hiệu trưởng cho đến năm 1904. Trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên, 15 người đến từ Bắc Kỳ, 5 từ Trung Kỳ, 8 từ Nam Kỳ, và 1 từ Cao Miên. Tất cả đều được nhận học bổng 8 đồng mỗi tháng. Ông có công di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược, cho xây dựng ngôi trường ở phố Bobillot (Lê Thánh Tông ngày nay), và xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc.
Chúng ta ghi nhớ công ơn Yersin không chỉ với các tên đường (tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt,Thủ Dầu Một và Thành phố Hồ Chí Minh) , lập Bảo tàng và Công viên mang tên Yersin... mà quan trọng hơn chính là tấm gương về cuộc đời tận tụy vì khoa học, vì nhân dân của Yersin sẽ mãi là ngọn lửa trong trái tim mỗi thanh niên chúng ta. Đó là tấm gương sáng sẽ sống mãi không chỉ với nhân dân thế giới mà còn với nhân dân Việt Nam chúng ta.
Yersin để lại nhiều ký ức sâu đậm tại Việt Nam, nơi người dân trong vùng gọi ông cách thân mật là Ông Năm, theo cấp bậc Đại tá Quân y (quân hàm có năm gạch ngang). Năm 1891, khi đặt chân đến Nha Trang, Yersin yêu mến vùng đất này, và quyết định lưu trú tại đây. Trong một lá thư gởi Émile Roux, ông viết, "Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm." Ông sống gần gũi với cư dân trong vùng, và tận tụy giúp đỡ những ngư dân nghèo khó trong xóm chài nhỏ bé. Ông sống trong một ngôi nhà cổ ba tầng, trên tầng thượng ông đặt kính thiên văn để quan sát báo bão cho làng chài. Khi có bão, ông gọi dân làng đến trú ngụ ở nhà ông, và cung cấp thực phẩm cho họ. Ông khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Đừng quên trước lúc lâm chung vào ngày 1-3-1943 Yersin đã viết Di chúc, trong đó ghi rõ: "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn. " Người dân Nha Trang đã làm theo di chúc của ông trừ việc đã có một đám tang rất đông và ai cũng khóc , tiễn đưa Ông Năm như một người thân yêu nhất của mình.
Yersin để lại nhiều ký ức sâu đậm tại Việt Nam, nơi người dân trong vùng gọi ông cách thân mật là Ông Năm, theo cấp bậc Đại tá Quân y (quân hàm có năm gạch ngang). Năm 1891, khi đặt chân đến Nha Trang, Yersin yêu mến vùng đất này, và quyết định lưu trú tại đây. Trong một lá thư gởi Émile Roux, ông viết, "Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm." Ông sống gần gũi với cư dân trong vùng, và tận tụy giúp đỡ những ngư dân nghèo khó trong xóm chài nhỏ bé. Ông sống trong một ngôi nhà cổ ba tầng, trên tầng thượng ông đặt kính thiên văn để quan sát báo bão cho làng chài. Khi có bão, ông gọi dân làng đến trú ngụ ở nhà ông, và cung cấp thực phẩm cho họ. Ông khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Đừng quên trước lúc lâm chung vào ngày 1-3-1943 Yersin đã viết Di chúc, trong đó ghi rõ: "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn. " Người dân Nha Trang đã làm theo di chúc của ông trừ việc đã có một đám tang rất đông và ai cũng khóc , tiễn đưa Ông Năm như một người thân yêu nhất của mình.