Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Giáo chức thời Việt Nam Độc Lập (9 tháng 3 năm 1945) và Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975)

GS Phạm Đức Liên

    Tháng 9 năm 1939, đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945) bùng nổ!. Trong khi Đức và Ý làm chủ tình hình ở Châu Âu và Bắc Phi thì ngược lại người Nhật kiểm soát Á Châu - nhất là Việt Nam, yết hầu vùng Đông Nam Á. Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương (Nhật đã vào Việt Nam từ năm 1939 và áp đảo người Pháp), chấm dứt gần 100 năm - thực dân Pháp "bớp tai/đá đít" dân Việt!. Chỉ hai ngày sau đó - thừa lệnh Nhật Hoàng, Đại Sứ Nhật tại Việt Nam, Yokoyama - xin yết kiến vua Bảo Đại và : "Muôn tâu Hoàng Đế, chúng tôi xin dâng nền độc lập lên Ngài và dân tộc Việt Nam" - " Xin Việt Nam ở trong khối thịnh vượng Châu Á - do Nhật Hoàng lãnh đạo". Bản tuyên ngôn Việt Nam Độc Lập được vua Bảo Đại và Viện Cơ Mật ký ngày 12/3/1945.
    Biết bao xương máu của nhân dân Lạc Hồng - tranh đấu cho nền độc lập - từ phong trào Cần Vương/Văn Thân - Phan Bội Châu/Phan Chu Trinh ... đến Việt Nam Quốc Dân Đảng khởi nghĩa năm 1930, và ngay cả phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh do Việt Nam Cộng Sản Đảng ...  đã được đãi ngộ xứng đáng: Lãnh thổ và nền độc lập Việt Nam bất khả phân.
    Hoàng đế Bảo Đại chỉ định GS Trần Trọng Kim lập chánh phủ Việt Nam Độc Lập. Nội các trí thức gồm các kỹ sư, luật sư, thạc sĩ, bác sĩ ... đã trình diện Hoàng Đế và quốc dân (giữa tháng 4/1945). Bộ Trưởng Giáo Dục đầu tiên của Việt Nam độc lập là Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn (Thạc Sĩ Toán Học). Bình minh cho lịch sử dân tộc Rồng Tiên (cận và hiện đại) Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu xa của Pháp - cho dầu đã độc lập (ngày 9/3/1945) - trên mọi lãnh vực: hành chánh (1) , tài chánh, kinh tế, và nhất là giáo dục. Mà giáo dục Pháp - cũng như Trung Hoa - rất kính trọng thầy cô (Quân, Sư, Phụ). Đó cũng là truyền thống Vạn Xuân.

I. Thầy cô dạy bậc tiểu học (lớp năm đến lớp nhất - sau năm 1963 đổi thành lớp 1 đến lớp 5):    - Là giáo sinh, tốt nghiệp trường Sư Phạm (École Normale), được gọi là giáo viên (instituteur, institutrice) tiểu học. Điều kiện để vào học trường Sư Phạm là có bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp và qua kỳ thi tuyển.
    - Từ niên khóa 1961/1962, phòng ốc của những trường trung học không đủ cung cấp cho sự gia tăng lũy tiến của số học sinh (đệ thất, đệ lục). Bộ Giáo Dục đào tạo thêm giáo sinh. Thí sinh phải có Tú Tài Phần Nhất được thi vào học trường Sư Phạm trong hai năm. Khi tốt nghiệp được gọi là Giáo Học Bổ Túc (ngạch trật lương bổng tương đương cấp Trung Úy trong quân đội với chỉ số lương 350). Quí vị được bổ nhiệm về dạy các lớp đệ thất, đệ lục ... ở các trường trung tiểu học (là những trường tiểu học lớn - mở thêm nhiều lớp tiếp liên, đệ thất, đệ lục). Trường Sư Phạm đào tạo Giáo Học Bổ Túc có ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Quy Nhơ, Cần Thơ ...

II. Thầy cô dạy ở trung học(đệ thất đến đệ nhất - sau 1963 đổi là lớp 6 đến lớp 12):    - Được gọi là giáo sư (professeur) dù là phụ trách những lớp bậc Trung Học Đệ Nhứt Cấp (đệ thất, lục, ngũ tứ). Những danh xưng đều từ tiếng Pháp mà dịch ra, rất chính xác, trí thức.
    - là sinh viên tốt nghiệp Trường Cao Đẳng hay Đại Học Sư Phạm (École Normale Superieure = Faculté de Pédagogie). Cao Đẳng thường học 2 năm và Đại Học Sư Phạm thường học 4 năm:
        - Họ phải có Tú Tài toàn phần, đậu kỳ thi tuyển, và được huấn luyện sau 2 năm học (Cử Nhân Bán Phần), được bổ nhiệm là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhứt Cấp (Professeur de L'enseignement Secondaire du Premier Cycle). Ngạch trật lương bổng : chỉ số 370, ngang Đại Úy thực thụ bậc 1.
        - Hoặc phải có Tú Tài phần hai, đậu kỳ thi tuyển, và được đào tạo sau 4 niên khóa (Cử Nhân Giáo Khoa) là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp (2) . (Professeur de l'Énseignement Secondaire du Deuxième Cycle), dạy đệ tam, nhị, nhất, tức là lớp 10, 11, 12). Ngạch trật và lương bổng : chỉ số 470 ngang Thiếu Tá. Đó là những Giáo Sư Cử Nhân (Professeur Licencié) - ngang hàng với kỹ sư tốt nghiệp từ Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ (chỉ số 470). Xin lưu ý, sinh viên tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (Phó Đốc Sự) - kỹ sư Nông Lâm Súc có chỉ số lương là 430 mà thôi (đó là Cử Nhân tự do như Cử Nhân Luật - coi như BA ở Mỹ ngày nay - trong khi ĐHSP và KS Phú Thọ là BS).
    Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn khai giảng khóa 1 vào tháng 9 năm 1958 (đó là trường Sư Phạm Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sau Hiệp Định Geneve 1954 và được nâng cấp). Vì nhu cầu - mấy khóa đầu - trường phải đào tạo cấp tốc (1 năm cho GS Trung Học Đệ Nhứt Cấp và 3 năm cho GS Trung Học Đệ Nhị Cấp). Rồi Đại Học Sư Phạm Huế, Cần Thơ ra đời. Đó là những đại học công lập. Người viết vinh hạnh được học trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn hai lần. Lần đầu cho bậc cử nhân và lần sau từ tháng 9/1970 cho Cao Học Thống Kê Giáo Dục (Master Education in Statistics).
  

Sinh viên ĐHSP Saigon trong một chuyến du khảo tại Đà Lạt (Giáng Sinh năm 1964),
Đề tài bài học Địa Lý: Thế Đất Vùng Cao Nguyên Mầu Mỡ của Việt Nam

 Các trường ĐHSP bậc cử nhân thường chia ra hai ban: Văn Chương (Triết, Việt Hán, Anh Văn, Pháp Văn, Sử Địa  - và Luật để dạy Công Dân Giáo Dục,) và Khoa Học (Toán, Lý Hóa, Vạn Vật).

    Lớp Việt Hán thường tuyển mỗi khóa 40 sinh viên - đông nhất. Lớp Vạn Vật ít nhất - chỉ có 15 (có khóa không tuyển). Sinh viên trường ĐHSP Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960 được lãnh học bổng 1.500 đồng/tháng. Giá sinh hoạt lúc đó là 2-3 đồng một tô phở hay lít xăng. Lúc đó mỗi chỉ số lương bổng là khoảng 15 đồng. Ai bảo thầy cô nghèo!.
    Viện Đại Học Đà Lạt (trực thuộc Giáo Hội Thiên Chúa do Linh Mục Nguyễn Văn Lập làm Viện Trưởng) vì mới được thành lập, ít sinh viên đã vận động với Bộ Giáo Dục để Đại Học Sư Phạm gởi lên huấn luyện (có ký túc xá) hai ban Triết và Pháp Văn (ít nhất là 4 khóa đầu). Quý vị GS Triết Học như Lê Tấn Lộc, Nguyễn văn Phúc ... (Trịnh Hoài Đức - Bình Dương) , Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn văn Lục (Ngô Quyền - Biên Hòa) ... là cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ là niềm kiêu hãnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi giới thiệu với ngoại giao đoàn là Harvard of Việt Nam và MIT of South Vietnam.
    Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn chỉ khai giảng khóa Cao Học Giáo Dục đầu tiên vào tháng 9/1970 sau khi đã mời được những Giáo Sư Tiến Sĩ uy tín, tốt nghiệp từ các Đại Học Âu Mỹ. Đó là quý vị: Dương Thiệu Tống, Huỳnh Văn Quảng, Huỳnh Huynh, Đoàn Viết Hoạt ... Vào thời điểm nầy, Đại Học Luật Khoa và Khoa Học đã cấp phát văn bằng Tiến Sĩ, Đại Học Văn Khoa đã khai giảng những học trình cho sinh viên ban Tiến Sĩ. Từ những năm đầu của thập niên 1970, miền Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm giáo dục Mỹ. Sinh viên Cao Học hay Tiến Sĩ chỉ viết Luận Văn (Memoir) hay Luận Án (Thesis) sau khi đã hoàn tất khoảng 45 tín chỉ cho năm đầu. Đậu xong 45 tín chỉ (15 lớp) thì cũng nhẹ nhõm lắm, sinh viên coi như đã nắm được nửa văn bằng Cao Học hay Tiến Sĩ. Năm sau, ứng viên làm việc trực tiếp với Giáo Sư Bảo Trợ cho luận văn, luận án.
    Đại Học Sư Phạm không cung cấp đủ Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp cho bậc Tú Tài II. Bộ Giáo Dục đã tuyển những Cử Nhân từ Đại Học Khoa Học, Văn Khoa và Luật. Đó là quý vị GS dạy giờ hay khế ước. Thù lao dạy giờ của Cử Nhân Giáo Khoa là 199 đồng/giờ (những năm đầu của thập niên 1960). Đôi khi thu nhập hàng tháng của GS dạy giờ còn cao hơn giáo sư chánh ngạch.
    Miền Nam cưỡng bách giáo dục bậc tiểu học. Sau khi đậu tiểu học, học sinh phải thi tuyển vào đệ thất trường công. Thế nhưng phòng ốc bậc trung học chỉ đủ cho khoảng 15% số thí sinh (85% còn lại phải học nơi tư thục hay đành thất học!). Trường công lập còn thiếu giáo sư (3) - làm gì mà hệ thống tư thục - chẳng thiếu thầy cô trầm trọng (nhiều thầy cô chỉ có Tú Tài, chủ trường xếp dạy lớp đệ nhị, đệ nhất! - danh từ giáo sư bị lạm dụng là thế !. Giáo sư ít nhất phải có 2 năm đại học).
    -Số giờ dạy học hàng tuần được ấn định như sau:
    Giáo Viên Tiểu Học 24 giờ (4 giờ x 6 buổi sáng hay chiều - thứ hai đến thứ bảy),    
    Giáo Sư Trung Học Đệ Nhứt Cấp: 18 giờ.

    Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp: 15 giờ.
    Giáo Sư Tiến Sĩ (Professeur Docteur): 6 giờ.
    Giáo Sư Thạc Sĩ (Professeur Agrégé, Prof. Postdoctor): 4 giờ.

III. Thầy cô dạy đại học được gọi là Giáo Sư (Professeur), và chắc chắn - theo cấp số:    - Quý vị có học vị cao hơn Cử Nhân (ít nhất là đỗ Cao Học) gọi là Giáo Sư Cao Học (Professeur Maitrise). Lý tưởng là Professeur Docteur (Giáo Sư Tiến Sĩ) rồi lên Giáo Sư Thạc Sĩ (Professeur Agrégé). Bên trường Luật chỉ có mấy vị Thạc Sĩ là: Nguyễn Cao Hách, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc. Đại học Y Khoa Sài Gòn cho tới 1975 cũng chỉ có 5 vị Giáo Sư Thạc Sĩ (Professeur Postdoctor) là: Trần Quang Đệ, Nguyễn Hữu, Ngô Gia Hy, Trần Ngọc Ninh và Phạm Biểu Tâm.
    Học trình của Giáo Sư Thạc Sĩ lúc đó là 8 năm đại học: 3+2+2+1 cho Luật Khoa, và 1+6+1 cho Y Khoa. (học trình giáo sư đại học ở Mỹ hiện nay dài lê thê: 4+2+2+2=10 cho các ngành, 4+$+3+2=13 cho Y Khoa, đặc biệt, Giáo Sư Thạc Sĩ chuyên giải phẫu lồng ngực (Cardiothoracic Surgeon) là 18 năm=4+4+5+2+3.

Đại Học Luật Khoa Sài Gòn

    Thạc Sĩ được dịch từ chữ Agrégé là học vị cao hơn Tiến Sĩ và cao nhất của khoa cử - là kỳ thi Đình ngày xưa để lấy Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa và Hoàng Giáp. Đó là Postdoctorate Degree của Mỹ, chớ không phải Thạc sĩ là những sinh viên chỉ học xong 5, 6 năm đại học như cách gọi trong nước từ năm 2000. Đó chỉ là Cao Học (Master) mà thôi. Thí dụ MBA: Master of Business Administration là Cao Học Kinh Thương chứ không phải là Thạc Sĩ Kinh Doanh!. Ngẩn ngơ như thế - nên năm 2013 - không một đại học nào của Việt Nam ở trong The TOP 100 của Châu Á!. Theo Nhà Bác Học Ngô Bảo Châu và Tiến Sĩ Chu Hảo thì: "Đại học nước ta đang đi vào ngõ cụt!". "Không khéo thì bị xếp hạng sau cả Miến Điện, Ai Lao, Cao Miên!", trong khi Việt Nam là dòng giống thông minh, chăm chỉ và kỷ luật. Đại học phải tự trị để tự do phát triển, khảo cứu ...

Đại Học Văn Khoa Saigon
đóng góp một phần không nhỏ trong việc đào tào những Giáo Sư Cử Nhân cho nền giáo dục

    - Dạy Đại Học, quý vị phải có bằng Tiến Sĩ (Doctorat) và cao hơn là Thạc Sĩ (Agrégé). Thế nhưng ngay đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1976-1975) chúng ta không đủ giáo sư. Thầy cô đa số chỉ là Cao Học. Điển hình là Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, có nhiều ngành, giáo sư chỉ có Cử Nhân và học giả (quý vị không có học vị đại học - dù chỉ là Cử Nhân -  nhưng có tác phẩm nghiên cứu giá trị như: Nguyễn Hiến Lê, Lê Ngọc Trụ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Duy Cần, Bửu Cầm ...) Trong khi ban Triết lại dư thừa: có đến 6, 7 vị Tiến Sĩ, đa số là linh mục. Trong trường hợp nầy, nhân viên giảng huấn được xếp bậc như sau: (trường hợp học giả, cử nhân, cao học):
        - Giảng Viên (Charge d'Enseignement) là quý vị dạy giờ/học giả/cử nhân.
        - Giảng Sư (Charge de Cours) quý vị dạy theo khế ước. Đó là những Cao Học (ngạch trật và lương bổng: chỉ số 550, tương đương Trung Tá). Sau 5, 7 năm quý vị khế ước cũng vào chánh ngạch.
        - Giáo Sư Tiến Sĩ: (ngạch trật và lương bổng: chỉ số lương 690 - ngang Đại Tá thực thụ bậc 1, Y Khoa Bác Sĩ). Đó là Tiến Sĩ Quốc Gia (Docteur d'Etat) là ngạch Tiến Sĩ Cao Nhất (Tiến Sĩ Đại Học - Docteur de l'Université), thấp nhất là Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp (Docteur 3ème Cycle mà trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn (4) tới tháng 4/75 chỉ cấp phát chưa tới 10 bằng Tiến Sĩ đó).
    Có đến 95% Giáo Sư Tiến Sĩ tốt nghiệp từ ngoại quốc. Giáo Sư Tiến Sĩ có 3 bậc:
        - Giáo Sư Ủy Nhiệm (Assistant Professor).
        - Giáo Sư Diễn Giảng (Associate Professor).
        - Giáo Sư Thực thụ (Professeur Titulaire).
    Từ bậc thấp lên bậc trên, quý vị giáo sư phải có nhiều công trình khảo cứu (research for teaching - teaching to research) nhất là khoa học kỹ thuật (STEM= Science, Technology, Engineering, Math) cụ thể bằng những phát minh, sáng tạo là những bằng sáng chế, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế quốc gia, cho văn minh nhân loại. Đó là Tiến Sĩ Kỹ Sư, Khoa Học Gia ...
    - Giáo Sư Thạc Sĩ thì hiếm lắm. Ngạch trật và lương bổng tương đương tướng lãnh. Mà quả thật, quý vị ấy là tướng lãnh trong khoa bảng và 1 sao, 2 sao là tùy thâm niên công vụ. Cả miền Nam Việt Nam chỉ đếm được 8 vị (3 cho Luật và 5 cho Y Khoa) như đã nói ở trên. Học vị Thạc Sĩ quả là quý, thật là cao.

Lời kết:    Hoa Kỳ là nước mà ai ai cũng là businessmen - khách hàng là Thượng Đế - role model cho giới trẻ là những cô biểu diễn thời trang phô mông hở tí, là những anh đầu đặc, tung bóng đập banh. Họ có lợi tức hàng chục triệu mỗi năm nên thầy cô không được nể vì thù lao rẻ như bèo:
    - Dạy Tiểu, Trung Học - có Cử Nhân, Cao Học .. thầy cô được gọi là Teacher (giáo viên). Giáo viên có Master's Degree với 10 năm nghề lương chỉ có khoảng 50.000 đô/năm!.
    - Dạy Cao Đẳng, Đại Học mà chỉ có Cao Học thầy cô được gọi là Instructor (Giảng Sư) , nếu có Tiến Sĩ thì gọi là Professor (Giáo Sư). Lương khoảng 80.000 đô/năm.
    Thực tế lắm, vật chất quá !. Trong khi giáo dục là chìa khóa của tiến bộ (Education is Power) mà tiến bộ là Technology. Technology is built on Science, Engineering, Math. Nước Mỹ hiện nay thiếu trầm trọng những nhà STEM. Tháng 5/2013 trong số 70.000 Tiến Sĩ (PhD.) tốt nghiệp, chỉ có 12.000 là Khoa Học Kỹ Thuật (1/7).

Chú Thích:

(1): Cũng thế, về hành chánh - chánh phủ Trần Trọng Kim- mô phỏng theo hệ thống thời Pháp thuộc. Đó cũng chính là cơ cấu tổ chức từ Paris mang qua Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ 19- từ trung ương tới địa phương (dĩ nhiên có cải tổ cho phù hợp với một nước Việt Nam độc lập sau 9/3/1945).
    - Đơn vị nhỏ nhất là Phòng (Bureau). Mỗi phòng có 5, 6 đến 9, 10 nhân viên mà Trưởng Phòng hay Chủ Sự là công chức lâu năm, có bằng Tiểu Học, về sau là Trung Học Đệ Nhứt Cấp, thời VNCH là Tú Tài.
    - Nhiều Phòng hợp lại thành Sở (Service): Sở Y Tế, Tài Chánh ... Đó là ở trung ương hay những thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ ... Các tỉnh hay đại phương gọi là Ty: Ty Công Chánh, Ty Cảnh Sát ... Đứng đầu là Chánh Sở (Chánh Sự Vụ) hay Trưởng Ty.. Đây là những công chức có nhiều kinh nghiệm. Thời Cộng Hòa, là quý vị tốt nghiệp từ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh hay Cử Nhân các ngành (chỉ số lương 430 trở lên).
    - Nhiều Sở thành Nha: Nha Kế Toán, Nha Cải Cách Điền Địa ... Đứng đầu là Giám Đốc (Directeur), đó là những Chánh Sở có thâm niêm công vụ, đạo dức ... được cấp trên chọn lựa. Địa phương là Tỉnh Trưởng (Bình Dương, Biên Hòa...), vào thời bình, là quý vị Quốc Gia Hành Chánh đầy kinh nghiệm hay Cao Học Hành Chánh. Tỉnh Trưởng ngang hàng với Giám Đốc (ở trung ương), thế nhưng khi Giám Đốc Trung Học đến chủ tọa một buổi lễ ở địa phương thì Tỉnh Trưởng ở vị thế thứ hai (ghế ngồi ở bên trái vị Giám Đốc).
    - Nhiều Nha họp lại thành Tổng Nha: Tổng Nha Quan Thuế ... đứng đầu là Tổng Giám Đốc (Directeur Génénal). Directeur là to, Directeur Génénal là to lắm (và trách nhiệm cũng to lớn lắm), tương đương Tư Lệnh Quân Khu.
    - Nhiều Tổng Nha là một Bộ: Bộ Quốc Phòng, Bộ Giáo Dục ... đứng đầu là Bộ Trưởng (Ministre). Bộ hay Tổng Trưởng là quý vị phải giỏi về chuyên môn (Giáo dục, Công chánh ...), cụ thể là bằng cấp chuyên ngành. Thế nhưng chánh trị (đảng phái) nhiều lắm. Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục thời VNCH đa số (90%) lại là quý vị Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ ( Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Văn Thơ, Ngô Khắc Tĩnh...) . Họ tương đương tướng ba sao.

(2): Cho tới biến cố Mậu Thân (tháng 2/1968), Miền Nam có khoảng 2.500 giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp (cử nhân, tốt nghiệp 4 năm từ các trường Đại Học Sư Phạm Công Lập như Sài Gòn , Huế ...). Trong đó có khoảng 2.200 nam GS và 300 nữ GS. Quý vị nữ GS vẫn ở trường dạy học. Quý vị nam GS đi học quân sự 8 tuần rồi trở về nhiệm sở (động viên tại chỗ - tương đương 4 tiểu đòan giáo chức trên 4 vùng chiến thuật) . Trong khi đó quý vị Giáo Sư Trung Học Đệ Nhứt Cấp bị động viên đi học quân sự tại Thủ Đức, ra chuẩn úy, đi tác chiến như nhân viên các Bộ khác, rồi có được biệt phái hay không thì tính sau. Quý vị  Giáo Học Bổ Túc cũng thế.

(3): Từ niên khóa 1970/1971 số học sinh trung học đệ nhứt cấp gia tăng mau quá, phần vì dân số gia tăng, phần vì áp lực của Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Hạ Viện vận động để có thêm kinh phí 220 triệu đồng) trong nổ lực tăng số học sinh được nhận vào lớp đệ thất trường công lên gấp đôi: so với năm trước - sẽ là 44.000 thay vì 22.000 trong tổng số 147.000 thí sinh toàn quốc. Đó là thời gian Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên là Phó thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Giáo Dục và GS Dương Minh Kính, Dân Biểu. Bộ Giáo Dục trực tiếp mở những khóa huấn luyện cấp tốc (dạy bán thời gian và từ 3 đến 6 tháng) để đào tạo Giáo Sư Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Học viên là quý vị giáo viên tiểu học, giáo học bổ túc (đã được huấn luyện những môn học như : tâm lý, triết lý giáo dục, vệ sinh, quản trị học đường ... từ những trường Sư Phạm trước đó), nhưng họ phải có Tú Tài Toàn Phần. Thầy cô dạy là những Thanh Tra Trung Học (vốn là Hiệu Trưởng, Giám Học những trường Trung Học Đệ Nhị Cấp), và những Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp uy tín.
    Phẩm chất của học sinh trung học trường công - thời VNCH đáng tin cậy, nhất là ở bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp (Tú Tài). Cụ thể là sau khi đậu Tú Tài II, du học sinh Việt Nam tại các cường quốc kinh tế bắt kịp sinh viên sở tại. Trong nhiều trường hợp, du sinh Sài Gòn, đã xong Cử Nhân chỉ sau 3 niên khóa (cho dẫu đã mất 6 tháng đến 1 năm do trở ngại sinh ngữ) . Học xong chưa đủ mà còn đậu cao ở các thứ hạng Bình, Ưu .. để được chọn lựa học lên Cao Học. Những du sinh được biết nhiều ở Mỹ là Nguyễn duy Dũng (Võ trường Toản), Đỗ ý Ngọc (Gia Long), Nguyễn xuân Hương (Nguyễn Trãi) ... Các du sinh nầy thật đáng khen ngợi vì đã nâng cao ngọn cờ xứ sở làm thơm quê mẹ Việt Nam.

(4): Tiến Sĩ Cao Xuân An ... Bên trường Luật có Tiến Sĩ Lê Kim Ngân, Phan Thiện Giới.. Đại Học Văn Khoa Sài Gòn: Tiến Sĩ Lưu Kim Sanh. Ông là vị Tiến Sĩ đầu tiên và duy nhứt (sau đó là biến cố 30/4/75). Khóa Tiến Sĩ đầu tiên ở Đại Học Văn Khoa: thi xong năm thứ nhất phần học chung cho các ban năm 1974. Quý vị sẵn sàng trình luận án Tiến Sĩ mỗi ngành chuyên môn vào hè 1975 thì VNCH tan rã. Riêng sinh viên Lưu Kim Sanh, ngay sau kỳ thi chung năm 1974 đã có luận án (Thèse Doctorat) viết sẵn . Ông trình Hội Đồng Khoa và Hội Đồng Giám Khảo làm việc gấp rút. Ông thật may mắn.

GS Phạm Đức Liên
Former Instructor, Central Piedmont Community College, NC
Ngày đầu mùa thu (22 tháng 9 năm 2013)

*******

Rẻ Như Bèo


Mây Ngàn

1. Cử nhân, Cao học - rẻ như bèo,
Đến như Tiến sĩ cũng chèo queo
Kỹ sư, Khoa học còn nhúc nhích,
Nhân văn, tài chánh (1) - quả là teo !

2. Cử nhân, Cao học - rẻ như bèo,
Đại học nơi nơi - gọi, mời, reo.
Cử nhân (2) rút lại - còn ba khóa,
Cao học kinh doanh - thẳng một lèo !

3. Cử nhân, Cao học - rẻ như bèo,
Tiến sĩ lăng nhăng - cũng dễ leo
Ôn lại (3), hàm thụ - mười tám tháng
Hai, ba chục xếp - có bằng treo !

4. Cử nhân, Cao học - rẻ như bèo,
Thế nhưng - ta vẫn cố mà leo
Để cho có chút - hương cao đẳng,
Muốn nói năng gì - có kẻ theo !

(1) Tháng 5 năm 2013, trên dưới 1.500 viện đại học ở Mỹ cung cấp cho thị trường nhân dụng: 1.719.000 Cử Nhân (BA/BS), 684.000 Cao Học (MA/MS) ... thế nhưng chỉ 55% có việc làm!.
(2) Cử Nhân (BA/BS) = Hương Cống : Bình thường là 4 năm đầu đại học (khoảng 120 tín chỉ). Kiến thức nhân loại ngày nay (2013) là nhiều lắm và nhiều quá - nhất là khoa học kỹ thuật (STEM: Science, Technoloy, Engineering, Math). Kỹ sư phải học 5 năm trở lên. Thế nhưng các ngành văn chương, chánh trị, kinh tài ... nhiều đại học co lại dạy trong 3 niên khóa!. Cao học (MA/MS) sinh viên phải học ít nhất 2 năm (Master in Engineering là 3, 4 năm) - thế mà quý vị dạy gấp rút chỉ 12 tháng!.
(3) Online University, Correspondence School ... Học Tiến sĩ (Doctor's Degree) trong 18 tháng (Tiến sĩ  - tối thiểu là 2 năm/ học bổng thường cấp cho 2 năm học, riêng STEM phải 3, 4 năm nghiên cứu, nhiều trường hợp không ra đáp số!: không phát minh, không bằng sáng chế/patents ...)