Như tin đã đưa, ngày 9.1 vừa qua, tại trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đã khai mạc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”. Đây là đợt đầu tiên trong 3 đợt triển lãm cùng chủ đề do Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng và ĐH Đông Á tổ chức tại các trường ĐH trên địa bàn TP từ nay đến tháng 4.2014.
Trong khuôn khổ cuộc triển lãm này, lần đầu tiên TP Đà Nẵng đưa ra trưng bày 6 tư liệu gốc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH - trước năm 1975) có liên quan đến việc xác lập, khẳng định và bảo vệ một cách hợp pháp, liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trước khi quần đảo này bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép ngày 19.01.1974.
Ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa cho hay, trong thời gian qua UBND huyện Hoàng Sa đã sưu tập được hàng chục tư liệu tương tự, nhưng nay mới đến thời điểm phù hợp để đưa ra trưng bày.
Do không gian trưng bày tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng có hạn nên chỉ mới giới thiệu 6 tư liệu. Đến cuộc triển lãm tại Bảo tàng Đà Nẵng vào ngày 19.1.2014 sẽ tiếp tục có thêm nhiều tư liệu trong số đó được đưa ra trưng bày.
Trước đó, cuối năm 2012, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cũng đã hoàn thành và chính thức được nghiệm thu báo cáo khoa học: “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu tữ của chính quyền VNCH (1954 – 1975)”.
Trong đó đã tham khảo hàng ngàn trang tư liệu và thực tế đã tập hợp hơn 500 trang tư liệu với 72 văn bản hành chính, 30 bài báo, 1 bản đồ và nhiều hình ảnh tư liệu mà như kết luận của báo cáo đã nêu rõ là “khẳng định tính liên tục về chủ quyền đối với một phần lãnh thổ (quần đảo Hoàng Sa) của Việt Nam đã được chiếm hữu lâu đời một cách hòa bình của một quốc gia (VNCH) đã được Liên hiệp quốc công nhận”.
Công điện số 25 của Chỉ huy đảo Ducan (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) gửi Tỉnh đoàn Bảo an Quảng Nam và Nha Bảo an TNTP về việc ngày 26.2.1961 xuất hiện một chiếc thuyền hai lườn cách khoảng 3 cây số từ hướng Đông Bắc chạy vào eo biển của đảo Ducan. Trên đảo đã cho bắn chỉ thiên để gọi nhưng chiếc thuyền này không vào mà chạy luôn về hướng Bắc rồi cập lên một đảo nhỏ cách đảo Ducan chừng 10 cây số. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) 
 Công điện mật của đảo Ducan gửi Bảo an Quảng Nam trình báo về nhân thân của 9 người Trung Quốc trên một chiếc thuyền từ đảo Hải Nam cập vào đảo Hoàng Sa lúc 05h35 ngày 01.03.1961, gồm 01 sĩ quan truyền tin, 01 giáo sĩ, 7 người dân. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”)
Tờ trình của Cơ quan đảo Hoàng Sa gửi Đại úy Phó tỉnh trưởng Quảng Nam phụ trách nội an về việc giao và dẫn giải 9 người Trung Quốc kể trên vào đất liền. Trong đó nêu rõ, đảo Hoàng Sa do các đơn vị hải quân của Việt Nam chiếm đóng. Cơ quan trên đảo đã tiếp đón 9 người Trung Quốc. Đồng thời tỉnh Quảng Nam đã trình Bộ Nội vụ (VNCH) và Bộ đã chỉ thị cho dẫn giải 9 người này đến trạm tiếp đón ở Huế. Cơ quan trên đảo Hoàng Sa đề nghị Hải khu Đà Nẵng cho tàu đưa 9 người này vào đất liền. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) 
Cũng theo kết luận này: “Đến cuối năm 1954, Trung Quốc vẫn không hề có một sự hiện diện nào hay hoạt động nào tại Hoàng Sa. Việc Trung Quốc lén lút đã quân đội chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm (đảo Boisée) tiến đến chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là một hành động dựa trên uy lực của một nước lớn, đi ngược lại công pháp quốc tế về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ phải được tiến hành bằng thương lượng hòa bình. Và trong quá trình đó, VNCH đã đấu tranh và có những hoạt động khẳng định, thực thi chủ quyền liên tục trên tất cả các lĩnh vực quân sự, kinh tế, hành chính, ngoại giao…”.
Báo cáo khoa học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Tư liệu của đề tài này là những cứ liệu quan trọng để chúng ta phản bác lại nhiều luận điểm của Trung Quốc, phản bác lại sự viện dẫn Công hàm ngoại giao ngày 14.9.1958 do Thủ tướng Chính phủ Nước VNDCCH Phạm Văn Đồng ký, để Trung Quốc dựa vào đó cho rằng Công hàm này là sự thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc.
Tư liệu cũng cho thấy nhiều văn bản ngoại giao, luật biển, sắc lệnh thành lập đơn vị hành chính của chính quyền VNCH dành cho Hoàng Sa lúc bấy giờ không hề gặp sự phản kháng của bất kỳ nước nào, kể cả Trung Quốc. Và sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay chính quyền VNCH là bất hợp pháp; trách nhiệm để mất Hoàng Sa là từ chính quyền VNCH… Tất cả những cứ liệu đó sẽ cung cấp cho Việt Nam những lý lẽ vững chắc để đấu tranh theo công pháp quốc tế trong thời gian tới”.
Tờ “Sự vụ lệnh” ký ngày 14.10.1969 do Đại tá Lê Trí Tín, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng Nam, cấp cho Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức (số quân: 805.580, đơn vị gốc: Trung đội Hoàng Sa thuộc Tiểu khu Quảng Nam) về việc thay quân Hoàng Sa đợt 38. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) 
Danh sách 35 quân nhân thuộc Trung đội Hoàng Sa đợt 38 (dự trù thay quân ngày 15.10.1969) do Đại tá Lê Trí Tín, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng Nam, ký ngày 13.10.1969. Trong đó, Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức là đảo trưởng, còn lại là các trung sĩ, binh nhất và binh nhì. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”)  
 Tờ “Sự vụ lệnh” do Đại tá Lê Trí Tín, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng Nam, ký ngày 03.02.1970, cấp cho 35 quân nhân (có tên trong danh sách) thuộc Trung đội Hoàng Sa đợt 38 mãn nhiệm kỳ. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”)
Qua nghiên cứu, báo cáo khoa học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ: “Tư liệu liên quan đến Hoàng Sa của chính quyền VNCH trong đề tài này có một vị trí quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, ý chí quốc gia của nhân dân Việt Nam đối với phần lãnh thổ thiêng liêng này của Tổ quốc và cho thấy, bất kỳ chế độ chính trị nào, bất kỳ chính phủ nào của người Việt Nam đều xem Hoàng Sa là phần lãnh thổ máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam như đã được gìn giữ, khẳng định từ bao đời nay”.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng kiến nghị: “Cho đến nay, khối lượng tư liệu về quần đảo Hoàng Sa sản sinh ra dưới chính quyền VNCH từ năm 1954 đến năm 1975 vẫn chưa được khai thác, sử dụng một cách đúng mức. Đây là giai đoạn lịch sử mà các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc quyền quản lý của chính quyền VNCH, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, được Liên hiệp quốc công nhận.
Vì vậy, tư liệu của chính quyền VNCH liên quan đến Hoàng Sa giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định tính liên tục, ý chí chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của công pháp quốc tế.
Thế nhưng, do sự ràng buộc bởi quy chế bảo quản, bảo mật tư liệu theo quy định của Nhà nước nên việc tiếp cận, nghiên cứu, khai thác, sử dụng khối tư liệu này còn rất hạn chế (về đối tượng được sử dụng). Điều này gây trở ngại rất nhiều cho các cá nhân, đơn vị muốn nghiên cứu và công bố tư liệu về Hoàng Sa để phục vụ cho công cuộc đấu tranh đòi chủ quyền của nước ta hiện nay.
Chúng tôi đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những quy định thông thoáng hơn cho mọi người dân, học giả trong và ngoài nước được tiếp cận, nghiên cứu khối lượng tài liệu quý giá này”.

Trận chiến Hoàng Sa và dư luận quốc tế


Thấm thoắt 40 năm đã trôi qua, lớp bụi thời gian đã phần nào làm lu mờ sự kiện hải quân Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974, song quá khứ đau thương ấy, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc về một Hoàng Sa của Việt Nam bị kẻ thù chiếm đóng trái phép. Việc Trung Quốc đang đóng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Ngang nhiên xóa di tích lịch sử người Việt
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Chính phủ bảo hộ Pháp trao trả chủ quyền trước khi rút khỏi Đông Dương vào tháng 10/1950. Ngay sau đó, chính quyền Bảo Đại cho quân đóng giữ và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này. Đến năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hoa Kỳ cho quân rút khỏi quần đảo Hoàng Sa. Việc phòng thủ Hoàng Sa bị suy yếu. Ngày 11/1/1974, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ, mặc dù trên thực tế hai quần đảo này vào thời điểm đó đang được chính quyền Sài Gòn quản lý và thực thi chủ quyền. Ngay sau đó, hải quân Trung Quốc đưa nhiều chiến hạm và tàu đánh cá có vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Nhân dân Đà Nẵng đón chiến hạm HQ-4 trở về đất liền.
Nhân dân Đà Nẵng đón chiến hạm HQ-4 trở về đất liền.
Ngày 12/1/1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn cũ đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc, đồng thời Bộ Tư lệnh Hải quân của Việt Nam Cộng hòa đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ lãnh thổ. Ngày 17 và 18/1/1974, Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào hải phận phía tây quần đảo Hoàng Sa. Sớm ngày 19/1, Trung Quốc ngang nhiên nổ súng tấn công đảo Hoàng Sa một cách trái phép.

Ngày 20/1, bốn phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc và Hoàng Sa... Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo này, chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. 58 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa. Sau khi chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt.

Phản ứng của phía Việt Nam

Ngày 20/1/1974, ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cử ủy ban đặc biệt tới kiểm tra và đề nghị có những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa. Ngay sau đó, ngày 26/1/1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “Về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Mặc dù chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, song Trung Quốc không chỉ dừng lại mà còn tiến hành xây dựng và củng cổ phòng thủ bất hợp pháp trên quần đảo này.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), hàng nghìn người đón các binh sĩ hải quân trở về từ trận chiến Hoàng Sa.
Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), hàng nghìn người đón các binh sĩ hải quân trở về từ trận chiến Hoàng Sa.
Sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngày 5/6/1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa - Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền Việt Nam, từ trước đến nay đều do người Việt Nam quản lý.

Sự kiện Hoàng Sa nhìn từ luật pháp quốc tế

Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn trái pháp luật. Nhìn nhận sự kiện này dưới bình diện của luật pháp quốc tế, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:

Một là, những hành động đánh chiếm các đảo và quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, đều phải tuân thủ. Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hóa trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác (coi đe dọa hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Hai là, hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.

Ba là, theo luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Từ thực tiễn và minh chứng lịch sử, chiếu theo các quy định của luật pháp quốc tế, có thể nói rằng hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào các năm 1956 và năm 1974 là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “cấm việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” và bị coi là “hành động xâm lược”. Dù có chiếm đóng thêm một trăm năm nữa thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam phải trả về cho Việt Nam. Đó là một sự thật lịch sử, không thể nào thay đổi.
Theo Mai Thắng
Baotintuc.vn