Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Vài nhầm lẫn về sự giầu có

Một cụ Franklin. Ảnh: Pearlegg
Một cụ Franklin. Ảnh: Pearlegg

Bài này viết lâu rồi, hết đề tài, ta quay sang bàn về tiền :)
Người ta bảo khi nghèo lúc nào cũng mơ đến tiền. Khi giầu có, bàn chuyện tiền hay bị coi thường. Nhưng tôi sang Mỹ thấy dân đi ăn với nhau chia tiền tới từng xu là thường. Càng giầu càng phải bàn về tiền.

Tôi có bà chị họ từng mơ cho con trai đi lao động nước ngoài. Nghe thằng cha cò mồi vẽ hay lắm. Vốn ban đầu chỉ 45 triệu (cỡ 3000USD) năm 2007, nhưng sang đó chỉ cần vào nhà máy, ngồi ghế, điều hòa chạy ầm ầm, hàn vi mạch, lương cỡ 20 cụ Franklin (2000$), trừ ăn ở, trừ chi tiêu ban đầu, mỗi tháng ít nhất 5 vé.
Nghe thế, nông dân nào chả choáng. Chưa đi xa bao giờ nên cứ thấy trời Hà Nội đẹp hơn trời Ninh Bình, trăng Mỹ tròn hơn trăng Việt Nam.
Mỗi lần về quê, bạn cùng thời đang là nông dân reo lên, a người thành phố, giầu có lắm, chiêu đãi anh em một bữa nhòe đi. Cố ra vẻ hào hoa, nhờ mẹ đi chợ mua một cái thủ lợn về luộc, mấy anh say sưa đến tối.
Đi nước ngoài về, bạn ở Hà Nội reo lên, a Việt kiều nhiều đô la, khao đi khao đi. Lại đi nhà hàng, đập phá cho đỡ xấu hổ, mang tiếng là người đi tây về, đô la nhiều như đất.
Các bạn có biết họ nhầm lẫn gì không? Không phải ai ra thành phố cũng giầu có và thành đạt. Không phải ai đi Mỹ, Pháp, Đức, Nga… đều có nhiều đô la.
Nhầm lẫn tai hại từ đó mà ra.
Nhầm lẫn số 1: Ra thành phố là giầu
Các cụ có câu “Giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” theo một nghĩa nào cũng đúng. Vì nhiều người từ quê ra thành phố một thời gian khi quay về làng có vẻ giầu có hơn.
Trong thực tế, theo thống kê chung trên thế giới, so sánh thành thị và nông thôn, số giầu không nhiều (1%-5%), bậc trung và đủ ăn chiếm khá đông (30-35%), số nghèo cũng chẳng ít (30%-40%).
Từ quê ra thành phố, do điều kiện học hành, hiểu biết, không có nhà cửa, không có người nâng đỡ, người quê phải cố gắng gấp 2-3 lần so với dân phố thị, may ra mới đuổi kịp họ.
Số người lập nghiệp từ nhặt rác, làm ở chợ lao động, làm osin hay dọn nhà, sau thành tỷ phú chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn vào vài người giầu mà quên đi 100 người nheo nhóc khác.
“Ngồi lê thành phố” không thể giầu nếu không tự nhiên nhặt được vàng trong bãi rác hay trúng sổ số.
Nhầm lẫn số 2: Đi nước ngoài rất giầu
Từ thời Pháp thuộc, ai đã dính đến tây đều có lương bổng cao hơn người. Chưa kể sau này đi tây, kể cả là sinh viên du học, với học bổng èo uột. Tưởng là giầu nhưng thực chất đôi khi chỉ là lương tối thiểu đủ sống cho một công chức hạng quèn, nhưng vì chênh lệch với điều kiện nghèo, nên họ thành…giầu.
Chế độ phân phối xe đạp, 10 năm mới đến lượt, đi nước ngoài về, thằng cu con mua cho bố cái xe cũ, hẳn phải giầu rồi. Nhưng có ai biết rằng cái xe đó bên nước ngoài chỉ là đồ bãi rác. Mua được cho bố cái xe đạp, không có nghĩa là thằng cu đó ở nước ngoài rất…giầu.
Nếu chỉ làm công ăn lương, chi tiêu phải tằn tiện lắm mới đủ cho tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà, cho con đi học, một năm một lần đi chơi, thế là tài khoản đã dễ âm.
Không phải ai đi nước ngoài cũng tiền như nước. Tỷ lệ giầu nghèo cũng giống như người nhà quê ra thành phố, tùy nơi, tùy người, tùy hoàn cảnh.
Nhầm lẫn sô 3: Giấc mơ Mỹ là tìm cách có nhiều tiền
Cả thế giới cứ tưởng dân Mỹ thích nhiều tiền, dù điều đó là sự thực…một phần. Vì thế, dân ta cho rằng, đi sang Mỹ tương đương với vàng và đô la xanh đỏ. Cứ sang đó là kiểu gì cũng đô la chất như núi.
Theo một điều tra của Pew  phỏng vấn 1300 người lớn vào tháng 3-2012, chỉ có 6% dân Mỹ coi của cải là một giấc mơ của họ. 45% cho rằng cuộc sống tốt đẹp cho gia đình là quan trọng nhất trong khi 34% coi sự an toàn về kinh tế là quan trọng, nhưng không tới mức như Bill Gates với mấy chục tỷ đô la trong tài khoản.
32% co rằng tự do là giấc mơ của người Mỹ, 29% thấy cơ hội là quan trọng, và 21% coi đi tìm hạnh phúc là điều họ quan tâm, đúng như Tuyên ngôn Độc lập của Jefferson.
Nhầm lẫn sô 4: Việt kiều nhiều đô la như đất
Việt kiều là nhiều đô la. Việt kiều Mỹ là giầu nhất vì Mỹ giầu nhất thế giới.
Cách đây mấy chục năm, khi trong nước đói kém, chia nhau từng bơ bo bo, bánh mỳ hôi, từng mét vải, gia đình nào có người vượt biên, gửi về mỗi tháng vài tờ, thì đó là cuộc đời thần tiên. Vì thế Việt kiều nhất định phải giầu lắm.
Hãy trừ đi 5% những người thành đạt do tài năng, buôn bán, gặp may, có hàng triệu đô la. Còn lại làm công ăn lương.
Lương một kỹ sư mới ra trường cứ cho là 5000$/tháng (100 triệu tiền VN). Giầu không, khá giầu, nếu ở Việt Nam. Nhưng bên Mỹ bạn phải mua nhà trả góp. 70-75% dân Mỹ thuê và mua nhà trả dần, chiếm khoảng 1500-2000$/tháng.
Còn lại khoảng 3 ngàn bạn làm gì với số tiền đó. 200$ cho tivi, internet, phone, 150-200$ cho điện nước, ăn uống khoảng 1000-1500 cho 4 người, xe pháo, bảo hiểm, tiền học cho con, nhờ vào 500$ ở một nơi mà mớ thì là 4 cọng giá 2$. Tháng nào mà ốm, không đi làm, treo niêu là cái chắc.
Về nước, Việt kiều chiêu đãi bà con vài buổi ở tầng 50 tại Sài Gòn, sang Virginia đi làm cả năm chưa chắc đủ trả món nợ do chi mấy chai Chivas limited mua ở pub.
Nhầm lẫn số 5:
Nhường lời cho bạn đọc bàn tiếp, nhớ là chỉ liên quan đến tiền hay giầu có thôi nhé.
HM. 24-6-2014