Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

"Liệt sĩ" Yersin

Hoàng Thiếu Phủ
 



 
Bác sĩ Alexandre Amile John Yersin (1863-1943), người Pháp gốc Thụy Sĩ là người có công lớn trong việc chế ngự bệnh bạch hầu, bệnh dịch hạch. Ông cũng là người đầu tiên sáng lập Viện Pasteur, phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên, và ươm hạt giống cao nguyên ở Việt Nam. Là công dân Pháp, ông không thể thoát ly khỏi chế độ bảo hộ của chính quyền thực dân, tuy nhiên Yersin đã coi Việt Nam như quê hương của mình. Nguyện vọng của ông là sau khi chết được yên nghỉ vĩnh viễn ở Suối Dầu, Nha Trang. Nhân dân Việt Nam cũng coi ông như đồng bào ruột thịt. Ở Suối Dầu, nhiều người thân mật gọi ông là ông Năm Yersin. Ở Đà Lạt, ông được thờ cúng như một bị Bồ Tát trong các chùa Linh Sơn và Long Tuyền. Trên đây là một phần lý lịch trích ngang của Yersin, cam đoan đúng sự thật.
 
Còn dưới đây là những giai thoại mới, chưa kịp ghi vào lý lịch, nhưng cũng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Trong một buổi họp giao ban vào thời kỳ mới Giải Phóng, một vị thủ trưởng hỏi tả hữu:

- Vậy chứ ở đây, có ai biết Y-ẹc-xanh là thằng cha nào mà bọn địch lấy tên đó đặt cho con đường lớn nhất của thành phố. Một số trường học, nhà thương, công viên còn bày đặt tạc tượng y đặt tùm lum.

Một cán bộ phụ trách Văn Xã ứng tiếng trả lời:

- Tay này chắc là một loại nhà văn phản động nào đó mà cũng không có tên tuổi gì mấy, chứ không thì tôi phải biết chớ. Trong cái tên Y-ẹc-xanh, có chữ ẸC đủ biết sách vở y viết cũng dở ẹc.

Ông thủ trưởng ra lệnh:

- Nếu vậy phải xóa bỏ tên y trên các bảng tên đường phố cũng như trên tất cả các công trình công cộng, nhanh chóng thay đổi bộ mặt văn hóa của địa phương ta.

Mười lăm năm sau, trong một phiên họp giao ban vào thời kỳ Đổi Mới. Cũng vẫn những cán bộ chủ chốt ấy, đồng chí Văn Xã báo cáo:

- Sắp tới có một đoàn khách Pháp muốn đến thăm địa phương mình để tham quan một số di tích liên quan đến Y-ẹc-xanh.

Một vị trong bàn giật mình hỏi:

- Y-ẹc-xanh là cha nào? À, thôi nhớ ra rồi. Có phải cha nhà văn nào dở ẹc, hồi đó mình đã xóa tên mất tiêu rồi còn gì đâu mà tham quan?

- Thế mới kẹt chứ. Kỳ này họ muốn thăm lại những con đường, trường học, bệnh viện mang tên Y-ẹc-xanh trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra còn có một ngôi nhà, nơi Y-ẹc-xanh đã sống và ngôi mộ, nơi Y-ẹc-xanh đã chết...

- Ủa, có mấy thứ đó nữa à? Ở đâu, sao trước giờ không nghe ai nói?

- Dạ, nhà và mộ đều ở Nha Trang. Mộ thì hình như nằm trong lô cao su già ở Suối Dầu. Còn nhà thì đâu miệt ngoài Xóm Cồn, những chỗ đó bây giờ đã xây thành nhà nghỉ mát dành cho cán bộ.

- Thôi dẹp! Nếu khách tới thì nói với họ, Việt Nam mình đã xóa sạch mọi tàn tích của thực dân đế quốc. Họ muốn tham quan, còn thiếu gì chỗ?

Ông Văn Xã nhăn nhó:

- Dạ không phải vậy đâu. Vừa qua, có công văn của Bộ TTVH và DLTT xác nhận Y-ẹc-xanh là người có công lớn. Lại có thư của UBMTTQ kêu gọi cả nước tham gia phục hồi, trùng tu các di tích liên quan tới thời kỳ Y-ẹc-xanh sống ở Việt Nam.

- Trả lời với Bộ là địa phương mình không có kinh phí.

Ông Văn Xã chưa kịp trả lời, ông Tài mậu vội lên tiếng:

- Ấy chết. Kỳ này, khách là đoàn đại biểu doanh nhân của Pháp đến dự hội thảo FORUM ở thành phố Hồ Chí Minh, triển vọng sẽ ký kết một số hợp đồng làm ăn lâu dài với ta. Nếu để bạn mất niềm tin thì rất bất lợi.

Đồng chí chủ trì gật đầu ra vẻ đồng ý:

- Nếu vậy thì để coi. Hay là cứ mạnh dạn trích ngân sách đóng góp kinh phí. Còn ba cái bảng tên đường thì đổi lại cũng dễ thôi.

Ông Văn Xã lộ vẻ mừng rỡ, nhưng vẫn còn băn khoăn:

- Việc này, chung qui vẫn còn chút vướng mắc.

- Vướng chỗ nào?

- Trước đây, mình ra lệnh xóa bỏ tên đường, nay phục hồi lại, sợ các địa phương hoang mang, không chừng họ còn cản trở công việc. Phải giải thích sao cho thông dưới cơ sở mới được.

Đồng chí chủ trì nhíu mày suy nghĩ một lát rồi quay qua bảo người phụ tá bên cạnh:

- Làm ngay cho tôi một xấp giấy giới thiệu.

- Dạ ghi nội dung ra sao ạ?

Đồng chí chủ tịch nhấp một ngụm nước trà thấm giọng rồi thong thả đọc từng chữ.

- Phòng Thương binh - Xã hội xác nhận đồng chí Năm Y-ẹc-xanh là liệt sĩ cách mạng đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Đề nghị các cơ quan, đoàn thể, chính quyền và cấp Ủy địa phương tích cực hỗ trợ, làm tốt công tác "đền ơn đáp nghĩa".