Vĩnh Nguyên
Chưa có cách chi để viết về khóa viết văn Quảng Bá thuộc Hội Nhà văn Việt Nam 1974-1975 (khóa VII), thì mới đây, tháng 3/2013, nhà thơ Hoàng Việt Hằng từ Hà Nội vào Huế tặng tôi tập thơ “ Xóa đi và không xóa”.
Thế là có đề tài rồi!
Cái gì nên xóa thì phải xóa đi, xóa gấp. Còn làm sao mà xóa đi được khóa viết văn “nổi đình đám” ấy của chúng tôi.
Bởi học viên khóa này gần như 100% đã thành danh. Thành danh của những kẻ đang sống và thành danh cả những người đã khuất. Ví dụ: Nhà văn Bùi Nguyên Khiết sau khóa học, anh về tỉnh Hoàng Liên Sơn công tác, khi chiến tranh biên giới ( 2/1979) xảy ra, Bùi Nguyên Khiết là phóng viên mặt trận. Trận đánh trên điểm chốt Tả Ngải Chồ - Mường Khương - Lào Cai, Bùi Nguyên Khiết đã bỏ bút mà cầm súng bắn trả quyết liệt về phía quân thù, và anh đã anh dũng hi sinh. Báo văn nghệ và nhiều tờ báo khác thời đoạn ấy đã đăng nhiều bài viết ca ngợi sự can đảm, chí khí quật cường Bùi Nguyên Khiết như một ngươi lính thực thụ của nhà văn, nhà báo họ Bùi này. Khóa học của chúng tôi ai nấy đều sung sướng tự hào rằng: Bùi Nguyên Khiết của chúng ta sẽ là vị Anh hùng của dân tộc!
Vào khoảng đầu tháng 11 năm 1974, tiết trời se se lạnh, học viên chúng tôi lần lượt kéo về tập trung ở trường Quảng Bá (Giờ là Nhà Bảo tàng Văn học Việt Nam). Học viên tính từ trong Nam ra thì Sài Gòn có các anh chị: Nguyễn Văn Hiến, Trương Quốc Khánh (đã mất), Lê Duy Hạnh, Nguyễn Tư Thái. Huế có Võ Quê, Nguyễn Quang Hà. Quảng Bình có Dương Thu Hương và tôi. Hà Tĩnh có Xuân Hoài (đã mất). Nghệ An có Thạch Quỳ. Thanh Hóa có Đặng Ái. Ninh Bình có Bùi Nguyên Khiết. Các dân tộc anh em miền Bắc, Cao Bằng có Triều Ân (lớp trưởng học kỳ II). Lao Cai có Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh. Quảng Ninh có Lý Biên Cương (lớp trưởng học kì I). Hải Dương có: Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Thị Bích. Thái Bình có Nguyễn Khoa Đăng. Hai sĩ quan quân đội là Đào Nguyên Bảo (Đã mất) và Nguyễn Xuân Thái. Hà Nội đông nhất có các anh chị: Phong Thu, Nguyễn Văn Thinh, Lưu Nghiệp Quỳnh, Vũ Đình Minh (đã mất), Vương Tâm, Đỗ Bảo Châu, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Phương Liên và Hoàng Việt Hằng.
Khóa này nam nhiều, nữ ít. Ít nên dễ nhớ. Ở họ lại có tính cách đặc biệt hoặc khả năng nghề nghiệp nên càng nổi bật. Nguyễn Thị Hồng Ngát vốn là diễn viên hát chèo nên đoàn nào đến thăm lớp (cả Tây lẫn ta), đến lúc giao lưu văn nghệ, Nguyễn Thị Hồng Ngát đều hát tặng đoàn một bài, khi thì “Ngồi đợi mạn thuyền”, khi thì “Bèo dạt mây trôi”, khi thì “Trèo lên quán dốc”… Còn Hoàng Việt Hằng thì mơn mởn trắng xinh, trẻ nhất lớp và hay cười khanh khách nên thành con “chim khách” của lớp. Có lúc nàng cười khanh khách khi thầy đang giảng bài. Có lẽ thầy cũng nghe nhưng lờ đi không hề nhắc nhủ gì. Nhà thơ Xuân Diệu vừa giảng thơ vừa đọc và bình luôn thơ mình: Chị Hằng ta không ở cung trăng/ Chị Hằng ta ở Nam Ngạn… Hàm…Rồng! Mọi người im lặng. Một mình Hoàng Việt Hằng khanh khách cười rất tự nhiên. Nhà văn Nguyên Hồng giảng về cách viết tiểu thuyết. Ông nâng bản thảo đọc trọn cả chương, bỗng ông khóc sướt mướt, nước mắt tràn xuống ướt đầm cả bộ râu cằm. Ông mếu máo nói trong nước mắt: Là bởi tôi thương quá, tôi đã cho nhân vật tôi “chết” ấy mà! Cả lớp im lặng. Nhiều người tái mặt. Riêng Hoàng Việt Hằng vẫn nở nụ cười rất hồn nhiên…
Lớp chia đôi học ngoại ngữ. Nửa học tiếng Anh, nửa học tiếng Pháp. Thầy Vũ Đình Liên, tác giả “Ông Đồ” dạy tiếng Pháp. Đến giờ kiểm tra các từ cũ, thầy hỏi bằng tiếng Việt, học viên trả lời bằng tiếng Pháp: Phật là? Cả lớp đang yên lặng. Một mình tôi trả lời: Bù Đà. Cả lớp cười rộ lên. Tôi nghe rõ tiếng Lý Biên Cương: nhớ ghê nhỉ. Được dịp, Hoàng Việt Hằng cười khanh khách rất to át cả tiếng mọi người.
Bước sang năm 1975, tin chiến sự miền Nam được cập nhật rất khả quan. Quân Giải phóng đang bao vây Tây Nguyên. Rồi Ban giám hiệu xuống tận lớp học thông báo: Quân và dân ta đã chiến thắng và đã làm chủ Buôn Mê Thuột. Lê Duy Hạnh nói với tôi: Với đà này ta có thể đánh thốc chiếm luôn Sài Gòn và khi bộ não đã đầu hàng thì Huế, Đà Nẵng, Nha Trang khỏi phải đánh.
Ngày 26/3 Huế giải phóng. Quá náo nức, Võ Quê, Nguyễn Quang Hà xin nhà trường vào thăm Huế vài ngày, nói là sẽ ra học tiếp, nhưng hai vị ở hẳn Huế không theo học nữa.
Chiến thắng vang dội giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4, các anh chị Nguyễn Văn Hiến, Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Tư Thái bỏ hẳn lớp về luôn Sài Gòn.
Lớp có vợi đi nhưng vẫn học bình thường…
Đến thời đoạn đi thực tập để “nộp quyển”. Một hôm, hai thầy trong Ban giám hiệu, nhà văn Đỗ Quang Tiến, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên đến vỗ vai tôi và nói: Biết anh đã đăng kí mũi nông nghiệp Hải Dương nhưng chúng tôi thấy thế này, Huế đã giải phóng, nhưng sông Bến Hải vẫn chưa được phép tự do qua lại. Nhưng có một tốp đăng kí đi Vĩnh Linh. Chúng tôi muốn anh nên đi tốp này và làm tốp trưởng. Vào Hội văn nghệ chỗ anh rồi liên hệ đi Vĩnh Linh chắc là thuận tiện lắm?
Nói đến hai tiếng Vĩnh Linh, với tôi là một sự gợi cảm. Hồi chiến tranh ác liệt, khoảng những năm 1967, 1968 phân đội tàu tôi đã rượt đuổi tàu Vơ-đéc ngụy ngang qua Vĩnh Linh. Pháo cối dân quân Vĩnh Mốc phát hiện tưởng chỉ có tàu ngụy nên đã cấp tập nã pháo tới phân đội tàu chúng tôi… Bây giờ, tôi được đến đó là rất tuyệt. Nhưng tôi phải lựa chọn? Có một chút băn khoăn. Cuối cùng tôi trả lời rằng, tôi đã báo cho cơ quan tôi là kế hoạch thực tập của tôi không thay đổi. Được đà , tôi nói thêm: Như các thầy biết đó, Tết vừa qua, tôi không về quê Quảng Bình mà tự nguyện ở lại trường (cùng Đặng Ái) là để đỡ tốn tiền một vòng tàu xe… Thực ra, lúc này muốn đổi kế hoạch vẫn được. Cứ điện báo về cơ quan Hội nói rõ lý do thay đổi là xong. Nhưng mà trong thâm tâm tôi với sự chọn lựa nông nghiệp từ đầu là một hàm nghĩa khác và không kém phần quan trọng. Ấy là: Gia đình tôi trước đây nhiều ruộng. Ruộng sâu, ruộng cạn đến hơn ba mẫu. Chưa tính đến một ha rẫy và khu vườn còn rộng hơn rẫy (Khu vườn hiện tại hai gia đình chị tôi và em trai tôi đang ở). Vốn gốc gác nông thôn-nông dân nhưng tôi không hề biết đến việc nhà nông là ngang dọc thế nào. Gia cảnh nhà tôi là một mình vú (mẹ) tôi quán xuyến tất tần tật. Từ việc thuê người cày bừa, gieo cấy, gặt đập, phơi khô, sàng sẩy và đưa lúa lên cho vào bồ, cót trên tra trong năm gian đóng đố. Thầy tôi đi bắt mạch kê đơn cho nhiều người bệnh quanh vùng nhưng không bao giờ lấy tiền của họ. Mọi khoản chi tiêu đi lại, ăn ở cho thầy tôi đều do vú tôi chu cấp. Tôi và hai em tôi lớn lên đi học trường xã, trường huyện đến trường tỉnh, rồi tôi tiếp đi lính hải quân mười ba năm bồng bềnh trên sóng nước nên bây giờ là thời cơ để tôi biết nghề nông và nông thôn miền Bắc? Nông nghiệp Hải Dương đang lên (sau cánh đồng năm tấn Thái Bình) nên tôi phải đến tận nơi.
Và, tôi đã đến làng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Tôi ở trong một gia đình chỉ có hai mẹ con. Anh Tuân chưa vợ. Anh làm chủ nhiệm Hợp tác xã nên đi suốt ngày, có khi bỏ cả cơm trưa, cơm chiều. Tôi ăn cơm với cụ như hai mẹ con trong nhà. Anh Tuân hay đọc hai câu thơ của ai đó nói về làng Cốc: Làng Cốc có gốc trồng đa/ Nhiều con gái đẹp nhiều nhà ngói xây. Nghe lời chủ nhiệm Tuân, tôi theo các chị gánh mạ ra đồng. Như trong lời ca ca ngợi cánh đồng năm tấn Thái Bình, ruộng ở đây bùn đã ngấu và các chị đã căng dây thật thẳng tắp trước khi cấy nên hàng mạ cấy xuống cũng thẳng tắp như dây. Ở đây các chị bước xuống ruộng cấy, đôi chân đều quấn xà cạp còn ở quê tôi thì không. Mặc đỉa hút máu căng tròn đỉa rụng lúc nào khi lên bờ mới biết nơi bắp chân một vệt máu chảy dài…Tôi rúc vào ruộng đay mịt mù tăm tối còn hơn đi trong rừng rậm. Bùn vấy bẩn hết cả tóc tai, quần áo…
Tôi nằm trong tốp học giỏi có giấy khen khi ra trường (Thầy hiệu trưởng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ký). Phần “nộp quyển” của tôi có chùm thơ ba bài. Bài “Ánh sáng ngày mùa” nhiều bạn trong lớp khen được. Trích:
Như không tắt nắng bao giờ
Lúa chín làm đêm không xuống nữa
Mặt trời ở trong hạt lúa
Lặng lẽ mà thiên liêng
Mặt trời ở trong lòng đất
Sinh sôi đồng mùa đồng chiêm…
Đó là bài thơ viết về đề tài nông nghiệp đầu tiên của tôi làm ở làng Cốc.
Bẵng đi khá lâu, khóa viết văn ngày ấy mỗi người mỗi nơi ít khi gặp nhau. Chỉ có Nguyễn Thị Hồng Ngát vào Huế và tới thăm Tạp chí sông Hương sớm. Và tôi phải chịu trách nhiệm đưa bạn thơ thăm thú đất Thần kinh. Khốn nỗi chiếc xe đạp hay tuột xích, đường dốc, cứ lắp vô tuột ra hoài, ấy mà người đẹp vẫn tới được hai lăng Tự Đức, Khải Định. Chiều về, tôi trả Hồng Ngát lại cho Lâm Mỹ Dạ. Hồng Ngát vừa tài thơ vừa tài phim. Tiếp sau đó, nữ tác giả này mấy lần đến Huế làm phim về Bác Hồ, tôi hân hạnh là bạn học cùng lớp với Nguyễn Thị Hồng Ngát nên khá rôm rả với các anh chị trong đoàn làm phim… Còn các bạn khác như Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Lê Phương Liên…nói là sẽ vào Huế chơi sao không thấy? Hay là các bạn đi “tua” khác đã tới Huế nhưng không thể gặp nhau?
Giữa năm 1984 thì tôi và Hoàng Việt Hằng có một cuộc “gặp nhau” rất thú vị: cùng in chung trong một tập sách. Đó là tập thơ “Những miền đất nhớ” gồm 14 tác giả: THI SẮC - NGUYỄN BÁCH - PHAN THẾ CẢI - PHẠM MINH DŨNG - DƯƠNG TRỌNG DẬT - HOÀNG VIỆT HẰNG - ĐỖ HOÀNG - QUANG KHẢI - MAI HỒNG NIÊN - ĐÀO XUÂN NGÀ - VĨNH NGUYÊN - BÙI VIỆT PHONG - HÀ VĂN THÙY - TRẦN NGỌC TẢO do nhà thơ Nguyễn Thái Vận (1941-1991) tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài, Nxb Lao Động ấn hành tháng 5/1984, số lượng in 5.000 bản, nhạc sĩ Văn Cao vẽ bìa nên mọi người rất quý nó. Tôi được biết khi đã thành tác giả, trong số ấy có người liệt kê đầu sách đã đưa “Những miền đất nhớ” (thơ in chung) lên đầu bảng. Hoàng Việt Hằng thì không.
Giờ đây, đọc tập “Xóa đi và không xóa”, Hoàng Việt Hằng đã có những bước nhảy dài và nhảy cao rất ngoạn mục. Mười hai đầu sách mà Hoàng Việt Hằng somme ở bìa ba thì nửa thơ, nửa văn, thì phải nói rằng “Lao động nhà văn” của Hoàng Việt Hằng là đáng khâm phục.
Đọc xong tập thơ, tôi đặt bút viết lên trang giấy “Thơ đã ngắn mà còn để lửng…”, chẳng biết bạn có chấp nhận không ta? Bởi Hoàng Việt Hằng đến Huế quá vội vã. Gặp nhau ở nhà nhà văn Hà Khánh Linh (đã in mấy tập thơ mang tên Nguyễn Khoa Như Ý), Hằng nói Hằng vừa mới giải phẫu tim. Trái tim ta thở dốc lâu rồi/ và ta đã bao lần mỏi mệt (Lâu lắm rồi). Mang trọng bệnh trong người lâu ngày nhưng Hằng hăng viết nên buộc phải đi. Nhưng đi như lần này là liều quá. Và tôi, Hà Khánh Linh đều khuyên Hằng nên về Hà Nội ngay. Và Hoàng Việt Hằng đã chấp thuận đề nghị này và Hằng chỉ thăm mỗi chùa Thiên Mụ và gửi lời chào tôi qua di động khi Hằng đã ở trên chuyến tàu ra trước Đoàn phụ nữ Thủ đô đang viếng cảnh núi Ngự sông Hương…
Nhưng Hoàng Việt Hằng đi rồi tôi mới thấy hẫng hụt. Bạn học lâu ngày gặp nhau đáng lẽ cũng phải có đôi lời về gia đình, về viết lách, về học thuật, đằng này không lại hoàn không. Vì hẫng hụt nên tôi phải lục tìm “Những miền đất nhớ” đang “trốn” đâu đây trong tủ sách quá lộn tùng phèo của tôi. Và, tôi đã bắt “thóp” Hoàng Việt Hằng cũng có nghĩa là tác giả vẫn trung thành nghệ thuật cấu trúc tứ thơ để lửng… ở câu cuối, ngay từ những bài thơ đầu tiên Hoàng Việt Hằng viết về người thợ khi mà Hằng đang là công nhân nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo - Hà Nội:
Anh lại vào ca ba
Em đợi anh mà không được cùng về trên đường phố
Hoa sữa tỏa hương đầu gió
Thứ hoa này có bỡ ngỡ như em?
Tôi lược bớt đoạn giữa (ba khổ), miêu tả hình ảnh người thợ cùng những ước mơ của họ:
Ơi chùm hoa sữa rơi nghiêng
Trao niềm vui cho em sau một ca bền bỉ
Hết giờ rồi ai ai cũng nghỉ
Em muốn làm hai ca với anh. (Ý nghĩ lúc tan ca)
Thì, Hoàng Việt Hằng đã ý thức việc lập tứ thơ để lửng câu cuối. Tác giả những mong người đọc cũng ngỡ ra và đồng điệu cùng mình mà phán đoán về ý tưởng thơ? Càng về sau, cũng với nghệ thuật này, nhưng tác giả qua quá trình chiêm nghiệm nên cao tay hơn, nhà thơ dùng chữ và nghĩa mờ nhòa bớt nhưng độc giả vẫn rỡ ràng nhận ra nội tâm của người viết.
Này đây:
.....
Ngày ấy anh ôm em
Cây cũng trẻ
Và cây nghiêng ngả
Bây giờ cây đã già
Và anh trở về với đất
Em đi qua hàng cây cơm nguội
Những hạt cơm nguội màu xanh
Vẫn choàng chuỗi hạt trên kí ức ấy thôi
Sâm Cầm bay như dấu ngã bên trời (Dấu ngã bên trời)
Là người thơ khá tinh tế về nỗi tổn thất quá lớn của chính mình qua hình ảnh cánh Sâm Cầm bay như dấu ngã!...
Đây nữa:
Lý ra cha con phải dạy con điều này
Con không học đi đường bằng cũng vấp
Chỉ nói một câu, làm sao mẹ nhớ
Phải dạy con trai đi đường dài thật khó
Nhưng mẹ không thể thay giọng cha con
Nghiêm khắc ở cung đàn
Lệch một bờ vai mẹ ngồi so trong đục...
Tả tơi cùng mưa gió
Thôi thì đàn không lời... (Lệch một bờ vai)
Sự đồng cảm của độc giả với nhà thơ được nhân lên gấp bội; nhất là những ai thuộc phe nước mắt. Tôi thuộc phe này!
Tôi cố ý đọc nhiều lần, những bài Hoàng Việt Hằng viết về Thanh Hóa - Người thân yêu nhất của nhà thơ - Nhà văn, tác giả Mầm Sống - Triệu Bôn (1938-2003) bản quán nơi này:
... Này hoa lau nói gì đi
Cô đơn bên núi mấy khi giải bầy?
Chỉ toàn thấy lá khô bay
Mùa hoa dổi tím còn đầy mặt sông
Vượt ghềnh lũ xoáy gió giông
Chân em lội ngược nước trong thầm thì
Rẽ suối Mùn hái quế chi
Hoa lau vẫn thả bùa mê đôi bờ
Xin rừng núi cứ hoang vu
Để hoang vu
Lại hoang vu tìm về... (Ngược sông Mã)
Và đây nữa:
Em vừa viết thư cho anh
Gửi thế giới bên kia
Gặp mưa
Hoa ngâu vàng quá
Em tãi hoa
Ngỡ mưa sẽ xóa
Hoa ngâu li ti vàng
Li ti nhiều dấu chấm
Dấu chấm than của đời em... (Mưa làm sao xóa đi)
Nghệ thuật cấu tứ để lửng ở cuối bài đã thẩm thấu nhường bao cõi lòng bạn đọc?
Tập thơ “Xóa đi và không xóa” có hai câu làm “đề từ” in trang lụa ở đầu tập Ai đó sống suốt đời vì người khác/ Đã tàn tro mà thời gian không tro tàn là đã rõ chủ đích của tác giả...
Trong cuộc hành trình dài lâu của Phật giáo có ba thời kì: Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp. Hai thời kì trước đã qua lâu rồi khỏi phải bàn ở đây vì nó sẽ rất dài mà chỉ nói đến thời thứ ba. Thời Mạt Pháp là thời đại mà chúng ta đang tồn tại trên trái đất này. Vậy, sao là Mạt Pháp? Xin trả lời ngắn: Là thời mà chúng sanh tạo nghiệp ác quá nhiều, bởi những quyền lợi riêng ích kỷ, đã liên tiếp không nương tay gieo đau thương tang tóc cho bao chúng sanh hướng thiện. Nghiệp ác đang bao vây rình rập quanh ta, như quân gây hấn, quân xâm lược bạo cường làm cho chúng sanh, đất đai, cây cỏ (như nước ta và nhiều nước khác) bất an...
Vậy phải làm sao đây? Nhà thơ Hoàng Việt Hằng đã lên tiếng thẳng thừng- Phải xóa đi! Và xóa luôn những kẻ run sợ, đầu hàng giặc, đã bị lộ, nhưng không chịu đứng ra nhận tội trước nhân dân bởi quá trẽn (xấu hổ), lại bày trò ù lì, học theo câu dân gian “Để lâu cứt trâu hóa bùn” cho tội ác khuất lấp theo thời gian... Đã thế mà còn một đám lau chau vuốt ve, bao che rồi tiếp đánh bóng tên tuổi cho kẻ từng có tội với nhân dân... thì thật xấu xa mạt rệp hết chỗ nói... Cái đám này cũng xóa ngay, xóa gấp!
Nhà thơ Bôrít Pastécnắc viết:
Mục đích sáng tạo là xả thân
Không phải trò rùm beng không phải mưu thành đạt
Thật nhục nhã khi anh chẳng ra gì
Mà tên tuổi anh lại lừng lẫy khắp...
Thì thi sĩ B. Pastécnắc đã chỉ rõ những kẻ chẳng ra gì, những kẻ chẳng vì dân tộc, giống nòi...mà chỉ dùng quyền chức, diễn đàn để tạo tên tuổi... đó là những trò bịp bợm lừa mị chúng sanh hướng thiện thì phải xóa ngay! Còn không thể nào xóa đi lòng tốt của nhân dân, những người quả cảm, trung thực, nói thẳng, nói thật và dám chịu trách nhiệm những gì họ đã nói, đã làm, đã dám mất mạng sống vì người khác, thì không thể xóa mà cần phải tôn vinh họ!...
Trở lại tập thơ “Xóa đi và không xóa” của Hoàng Việt Hằng, lúc này chỉ nói vế sau Không xóa - là không thể xóa cả trong ý nghĩ, giấc mơ, và hồi tưởng dẫu quá đau buồn...
Chuyện leo núi ba lô và túi xách
Ăn nói ào ào như nước chảy thác mây
Cứ lộc ngộc như bầy chim cánh cụt
Tuyên bố yêu nhau mặt thì đỏ rực
Rồi cốc bát làm rơi vỡ cả chuỗi cười (Rực rỡ tuổi hai mươi)
Tuổi hai mươi hồn hậu như vậy thì ai mà không luyến tiếc. Nhưng, sông có khúc, người có lúc. Từ khi thôi công tác Công ty xây dựng số 1, Hoàng Việt Hằng nhảy qua làm báo (1993) rồi gặp nhà văn Triệu Bôn, Hoàng Việt Hằng viết rất lên tay:
Anh ngồi viết
Em ngồi viết
Li ti những dấu chấm vàng
Mưa không xóa được dấu chấm vàng...
Rồi Triệu Bôn ra đi. Lệch một bờ vai. Tình yêu - nỗi buồn cô quánh đặc, Hoàng Việt Hằng viết hay hơn nữa:
... Ngày xưa bố tỏ tình thế nào
Trong mắt mẹ
Con vẫn còn khờ khạo
Lời tỏ tình không ai vay mượn
Mà trái tim bao người
Nổi chìm bên mép vực
Cây tỏ tình và lá sẽ nghe
Con nhìn thôi, chỉ nhìn thôi
Là tỏ tình rồi đấy (Lời tỏ tình)
Đây nữa:
… Này người dưng - người dưng ơi
Bắt ta nhớ lại một người đã quên
Cho dù quên hay vờ quên
Nỗi đau như nứa vẫn xiên tim mình (Vờ quên)
Đây nữa:
Một bài thơ tình bỏ sót
Anh viết từ đêm trăng
Còn sáng rỡ cho em
Một lời ru nghẹn ngào
Em không biết
Một hạnh phúc bầm dập bỏ quên
Anh đã từng che chắn rét cho em
Giấy úa vàng
Mực tím nhạt nhòa xem
Em trắng tay rồi (Thơ tình bỏ sót)
Đây nữa:
Đồng cũng thuê máy đào ruộng dở
Cũng ầm ì khó thở, trốn nơi nào
Trốn lên rừng
Rừng Tây Bắc cháy
Trốn ra hồ
Hồ nạo vét thi công
Muốn yên tĩnh thôi ngước nhìn trăng cong
Muốn yên tĩnh
Nước mắt chảy vào trong... (Yên tĩnh)
Và đây nữa:
Hoa cỏ tím đã thu
Mà mưa ngâu giỏ giọt
Em đã cố quên sầu
Như thể mười năm sau
Như thể anh mới về
Mắc lại cái dây phơi
Để hong khô mắt ướt
... Anh vẫn chiếc ba lô
Một gia tài thật cũ
Anh về hỏi một câu
- Mắt ướt này mắt ướt...
Làm sao gặp được nhau? (Mắt ướt)
Thì sự mất mà như chưa mất. Muốn quên mà không thể quên. Sứ mệnh của thi ca quả là mầu nhiệm!
Đến nay, Hoàng Việt Hằng đã ra mắt công chúng sáu tật thơ (Đều in Nhà xuất bản Phụ nữ). Tập thơ mang tên Một mình khâu những lặng im (2005). Cái tên gợi quá. Tình yêu cô đúc?! Tôi tin tập thơ ấy có nhiều bài hay. Thôi thì nói mãi cũng không cùng, với 57 bài trong tập Xóa đi và không xóa(2012) mà tôi đã trích dẫn những câu, những đoạn thơ tôi thích cũng đủ để “gói” làm món quà nhỏ tặng lại bạn đồng môn - nhà thơ Hoàng Việt Hằng.
Tôi muốn nói thêm điều này: Cái khóa VII viết văn của chúng ta, nhiều eng, nhiều ả (Nói theo giọng đặc sệt Quảng Bình quê tôi), xem ra cũng đáng mặt anh hào, nhưng chỉ sáng tác mà không có ai viết phê bình thì phải? (Vĩnh Nguyên có chủ quan không?). Nếu có thì thật có lợi cho lớp ta quá. Bởi hay hay dở cứ nện búa thẳng như người thợ rèn dao sắc, họa may bỏ bớt cái thói “Văn mình” chủ quan, bảo thủ để mà vượt lên nữa. Tôi cũng nói thật với các bạn rằng, tôi cũng đam mê đọc đông tây kim cổ, và đọc tác phẩm của các bạn trong khóa học ấy... nhưng chưa bao giờ có ý định đặt bút viết phê bình. Còn bài Thơ đã ngắn mà còn để lửng... này thì tự biết... nó chỉ là một ghi chép về một kỷ niệm mà nó lỗ mỗ thế nào ấy có phải không? Nếu thế thì Hoàng Việt Hằng cứ việc “Xóa đi”!
Huế, tháng 7/2013
Vĩnh Nguyên
Hội Nhà văn 26 Lê Lợi Tp Huế
Tel: 0126 2566 822
Chưa có cách chi để viết về khóa viết văn Quảng Bá thuộc Hội Nhà văn Việt Nam 1974-1975 (khóa VII), thì mới đây, tháng 3/2013, nhà thơ Hoàng Việt Hằng từ Hà Nội vào Huế tặng tôi tập thơ “ Xóa đi và không xóa”.
Thế là có đề tài rồi!
Cái gì nên xóa thì phải xóa đi, xóa gấp. Còn làm sao mà xóa đi được khóa viết văn “nổi đình đám” ấy của chúng tôi.
Bởi học viên khóa này gần như 100% đã thành danh. Thành danh của những kẻ đang sống và thành danh cả những người đã khuất. Ví dụ: Nhà văn Bùi Nguyên Khiết sau khóa học, anh về tỉnh Hoàng Liên Sơn công tác, khi chiến tranh biên giới ( 2/1979) xảy ra, Bùi Nguyên Khiết là phóng viên mặt trận. Trận đánh trên điểm chốt Tả Ngải Chồ - Mường Khương - Lào Cai, Bùi Nguyên Khiết đã bỏ bút mà cầm súng bắn trả quyết liệt về phía quân thù, và anh đã anh dũng hi sinh. Báo văn nghệ và nhiều tờ báo khác thời đoạn ấy đã đăng nhiều bài viết ca ngợi sự can đảm, chí khí quật cường Bùi Nguyên Khiết như một ngươi lính thực thụ của nhà văn, nhà báo họ Bùi này. Khóa học của chúng tôi ai nấy đều sung sướng tự hào rằng: Bùi Nguyên Khiết của chúng ta sẽ là vị Anh hùng của dân tộc!
Vào khoảng đầu tháng 11 năm 1974, tiết trời se se lạnh, học viên chúng tôi lần lượt kéo về tập trung ở trường Quảng Bá (Giờ là Nhà Bảo tàng Văn học Việt Nam). Học viên tính từ trong Nam ra thì Sài Gòn có các anh chị: Nguyễn Văn Hiến, Trương Quốc Khánh (đã mất), Lê Duy Hạnh, Nguyễn Tư Thái. Huế có Võ Quê, Nguyễn Quang Hà. Quảng Bình có Dương Thu Hương và tôi. Hà Tĩnh có Xuân Hoài (đã mất). Nghệ An có Thạch Quỳ. Thanh Hóa có Đặng Ái. Ninh Bình có Bùi Nguyên Khiết. Các dân tộc anh em miền Bắc, Cao Bằng có Triều Ân (lớp trưởng học kỳ II). Lao Cai có Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh. Quảng Ninh có Lý Biên Cương (lớp trưởng học kì I). Hải Dương có: Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Thị Bích. Thái Bình có Nguyễn Khoa Đăng. Hai sĩ quan quân đội là Đào Nguyên Bảo (Đã mất) và Nguyễn Xuân Thái. Hà Nội đông nhất có các anh chị: Phong Thu, Nguyễn Văn Thinh, Lưu Nghiệp Quỳnh, Vũ Đình Minh (đã mất), Vương Tâm, Đỗ Bảo Châu, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Phương Liên và Hoàng Việt Hằng.
Khóa này nam nhiều, nữ ít. Ít nên dễ nhớ. Ở họ lại có tính cách đặc biệt hoặc khả năng nghề nghiệp nên càng nổi bật. Nguyễn Thị Hồng Ngát vốn là diễn viên hát chèo nên đoàn nào đến thăm lớp (cả Tây lẫn ta), đến lúc giao lưu văn nghệ, Nguyễn Thị Hồng Ngát đều hát tặng đoàn một bài, khi thì “Ngồi đợi mạn thuyền”, khi thì “Bèo dạt mây trôi”, khi thì “Trèo lên quán dốc”… Còn Hoàng Việt Hằng thì mơn mởn trắng xinh, trẻ nhất lớp và hay cười khanh khách nên thành con “chim khách” của lớp. Có lúc nàng cười khanh khách khi thầy đang giảng bài. Có lẽ thầy cũng nghe nhưng lờ đi không hề nhắc nhủ gì. Nhà thơ Xuân Diệu vừa giảng thơ vừa đọc và bình luôn thơ mình: Chị Hằng ta không ở cung trăng/ Chị Hằng ta ở Nam Ngạn… Hàm…Rồng! Mọi người im lặng. Một mình Hoàng Việt Hằng khanh khách cười rất tự nhiên. Nhà văn Nguyên Hồng giảng về cách viết tiểu thuyết. Ông nâng bản thảo đọc trọn cả chương, bỗng ông khóc sướt mướt, nước mắt tràn xuống ướt đầm cả bộ râu cằm. Ông mếu máo nói trong nước mắt: Là bởi tôi thương quá, tôi đã cho nhân vật tôi “chết” ấy mà! Cả lớp im lặng. Nhiều người tái mặt. Riêng Hoàng Việt Hằng vẫn nở nụ cười rất hồn nhiên…
Lớp chia đôi học ngoại ngữ. Nửa học tiếng Anh, nửa học tiếng Pháp. Thầy Vũ Đình Liên, tác giả “Ông Đồ” dạy tiếng Pháp. Đến giờ kiểm tra các từ cũ, thầy hỏi bằng tiếng Việt, học viên trả lời bằng tiếng Pháp: Phật là? Cả lớp đang yên lặng. Một mình tôi trả lời: Bù Đà. Cả lớp cười rộ lên. Tôi nghe rõ tiếng Lý Biên Cương: nhớ ghê nhỉ. Được dịp, Hoàng Việt Hằng cười khanh khách rất to át cả tiếng mọi người.
Bước sang năm 1975, tin chiến sự miền Nam được cập nhật rất khả quan. Quân Giải phóng đang bao vây Tây Nguyên. Rồi Ban giám hiệu xuống tận lớp học thông báo: Quân và dân ta đã chiến thắng và đã làm chủ Buôn Mê Thuột. Lê Duy Hạnh nói với tôi: Với đà này ta có thể đánh thốc chiếm luôn Sài Gòn và khi bộ não đã đầu hàng thì Huế, Đà Nẵng, Nha Trang khỏi phải đánh.
Ngày 26/3 Huế giải phóng. Quá náo nức, Võ Quê, Nguyễn Quang Hà xin nhà trường vào thăm Huế vài ngày, nói là sẽ ra học tiếp, nhưng hai vị ở hẳn Huế không theo học nữa.
Chiến thắng vang dội giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4, các anh chị Nguyễn Văn Hiến, Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Tư Thái bỏ hẳn lớp về luôn Sài Gòn.
Lớp có vợi đi nhưng vẫn học bình thường…
Đến thời đoạn đi thực tập để “nộp quyển”. Một hôm, hai thầy trong Ban giám hiệu, nhà văn Đỗ Quang Tiến, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên đến vỗ vai tôi và nói: Biết anh đã đăng kí mũi nông nghiệp Hải Dương nhưng chúng tôi thấy thế này, Huế đã giải phóng, nhưng sông Bến Hải vẫn chưa được phép tự do qua lại. Nhưng có một tốp đăng kí đi Vĩnh Linh. Chúng tôi muốn anh nên đi tốp này và làm tốp trưởng. Vào Hội văn nghệ chỗ anh rồi liên hệ đi Vĩnh Linh chắc là thuận tiện lắm?
Nói đến hai tiếng Vĩnh Linh, với tôi là một sự gợi cảm. Hồi chiến tranh ác liệt, khoảng những năm 1967, 1968 phân đội tàu tôi đã rượt đuổi tàu Vơ-đéc ngụy ngang qua Vĩnh Linh. Pháo cối dân quân Vĩnh Mốc phát hiện tưởng chỉ có tàu ngụy nên đã cấp tập nã pháo tới phân đội tàu chúng tôi… Bây giờ, tôi được đến đó là rất tuyệt. Nhưng tôi phải lựa chọn? Có một chút băn khoăn. Cuối cùng tôi trả lời rằng, tôi đã báo cho cơ quan tôi là kế hoạch thực tập của tôi không thay đổi. Được đà , tôi nói thêm: Như các thầy biết đó, Tết vừa qua, tôi không về quê Quảng Bình mà tự nguyện ở lại trường (cùng Đặng Ái) là để đỡ tốn tiền một vòng tàu xe… Thực ra, lúc này muốn đổi kế hoạch vẫn được. Cứ điện báo về cơ quan Hội nói rõ lý do thay đổi là xong. Nhưng mà trong thâm tâm tôi với sự chọn lựa nông nghiệp từ đầu là một hàm nghĩa khác và không kém phần quan trọng. Ấy là: Gia đình tôi trước đây nhiều ruộng. Ruộng sâu, ruộng cạn đến hơn ba mẫu. Chưa tính đến một ha rẫy và khu vườn còn rộng hơn rẫy (Khu vườn hiện tại hai gia đình chị tôi và em trai tôi đang ở). Vốn gốc gác nông thôn-nông dân nhưng tôi không hề biết đến việc nhà nông là ngang dọc thế nào. Gia cảnh nhà tôi là một mình vú (mẹ) tôi quán xuyến tất tần tật. Từ việc thuê người cày bừa, gieo cấy, gặt đập, phơi khô, sàng sẩy và đưa lúa lên cho vào bồ, cót trên tra trong năm gian đóng đố. Thầy tôi đi bắt mạch kê đơn cho nhiều người bệnh quanh vùng nhưng không bao giờ lấy tiền của họ. Mọi khoản chi tiêu đi lại, ăn ở cho thầy tôi đều do vú tôi chu cấp. Tôi và hai em tôi lớn lên đi học trường xã, trường huyện đến trường tỉnh, rồi tôi tiếp đi lính hải quân mười ba năm bồng bềnh trên sóng nước nên bây giờ là thời cơ để tôi biết nghề nông và nông thôn miền Bắc? Nông nghiệp Hải Dương đang lên (sau cánh đồng năm tấn Thái Bình) nên tôi phải đến tận nơi.
Và, tôi đã đến làng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Tôi ở trong một gia đình chỉ có hai mẹ con. Anh Tuân chưa vợ. Anh làm chủ nhiệm Hợp tác xã nên đi suốt ngày, có khi bỏ cả cơm trưa, cơm chiều. Tôi ăn cơm với cụ như hai mẹ con trong nhà. Anh Tuân hay đọc hai câu thơ của ai đó nói về làng Cốc: Làng Cốc có gốc trồng đa/ Nhiều con gái đẹp nhiều nhà ngói xây. Nghe lời chủ nhiệm Tuân, tôi theo các chị gánh mạ ra đồng. Như trong lời ca ca ngợi cánh đồng năm tấn Thái Bình, ruộng ở đây bùn đã ngấu và các chị đã căng dây thật thẳng tắp trước khi cấy nên hàng mạ cấy xuống cũng thẳng tắp như dây. Ở đây các chị bước xuống ruộng cấy, đôi chân đều quấn xà cạp còn ở quê tôi thì không. Mặc đỉa hút máu căng tròn đỉa rụng lúc nào khi lên bờ mới biết nơi bắp chân một vệt máu chảy dài…Tôi rúc vào ruộng đay mịt mù tăm tối còn hơn đi trong rừng rậm. Bùn vấy bẩn hết cả tóc tai, quần áo…
Tôi nằm trong tốp học giỏi có giấy khen khi ra trường (Thầy hiệu trưởng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ký). Phần “nộp quyển” của tôi có chùm thơ ba bài. Bài “Ánh sáng ngày mùa” nhiều bạn trong lớp khen được. Trích:
Như không tắt nắng bao giờ
Lúa chín làm đêm không xuống nữa
Mặt trời ở trong hạt lúa
Lặng lẽ mà thiên liêng
Mặt trời ở trong lòng đất
Sinh sôi đồng mùa đồng chiêm…
Đó là bài thơ viết về đề tài nông nghiệp đầu tiên của tôi làm ở làng Cốc.
Bẵng đi khá lâu, khóa viết văn ngày ấy mỗi người mỗi nơi ít khi gặp nhau. Chỉ có Nguyễn Thị Hồng Ngát vào Huế và tới thăm Tạp chí sông Hương sớm. Và tôi phải chịu trách nhiệm đưa bạn thơ thăm thú đất Thần kinh. Khốn nỗi chiếc xe đạp hay tuột xích, đường dốc, cứ lắp vô tuột ra hoài, ấy mà người đẹp vẫn tới được hai lăng Tự Đức, Khải Định. Chiều về, tôi trả Hồng Ngát lại cho Lâm Mỹ Dạ. Hồng Ngát vừa tài thơ vừa tài phim. Tiếp sau đó, nữ tác giả này mấy lần đến Huế làm phim về Bác Hồ, tôi hân hạnh là bạn học cùng lớp với Nguyễn Thị Hồng Ngát nên khá rôm rả với các anh chị trong đoàn làm phim… Còn các bạn khác như Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Lê Phương Liên…nói là sẽ vào Huế chơi sao không thấy? Hay là các bạn đi “tua” khác đã tới Huế nhưng không thể gặp nhau?
Giữa năm 1984 thì tôi và Hoàng Việt Hằng có một cuộc “gặp nhau” rất thú vị: cùng in chung trong một tập sách. Đó là tập thơ “Những miền đất nhớ” gồm 14 tác giả: THI SẮC - NGUYỄN BÁCH - PHAN THẾ CẢI - PHẠM MINH DŨNG - DƯƠNG TRỌNG DẬT - HOÀNG VIỆT HẰNG - ĐỖ HOÀNG - QUANG KHẢI - MAI HỒNG NIÊN - ĐÀO XUÂN NGÀ - VĨNH NGUYÊN - BÙI VIỆT PHONG - HÀ VĂN THÙY - TRẦN NGỌC TẢO do nhà thơ Nguyễn Thái Vận (1941-1991) tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài, Nxb Lao Động ấn hành tháng 5/1984, số lượng in 5.000 bản, nhạc sĩ Văn Cao vẽ bìa nên mọi người rất quý nó. Tôi được biết khi đã thành tác giả, trong số ấy có người liệt kê đầu sách đã đưa “Những miền đất nhớ” (thơ in chung) lên đầu bảng. Hoàng Việt Hằng thì không.
Giờ đây, đọc tập “Xóa đi và không xóa”, Hoàng Việt Hằng đã có những bước nhảy dài và nhảy cao rất ngoạn mục. Mười hai đầu sách mà Hoàng Việt Hằng somme ở bìa ba thì nửa thơ, nửa văn, thì phải nói rằng “Lao động nhà văn” của Hoàng Việt Hằng là đáng khâm phục.
Đọc xong tập thơ, tôi đặt bút viết lên trang giấy “Thơ đã ngắn mà còn để lửng…”, chẳng biết bạn có chấp nhận không ta? Bởi Hoàng Việt Hằng đến Huế quá vội vã. Gặp nhau ở nhà nhà văn Hà Khánh Linh (đã in mấy tập thơ mang tên Nguyễn Khoa Như Ý), Hằng nói Hằng vừa mới giải phẫu tim. Trái tim ta thở dốc lâu rồi/ và ta đã bao lần mỏi mệt (Lâu lắm rồi). Mang trọng bệnh trong người lâu ngày nhưng Hằng hăng viết nên buộc phải đi. Nhưng đi như lần này là liều quá. Và tôi, Hà Khánh Linh đều khuyên Hằng nên về Hà Nội ngay. Và Hoàng Việt Hằng đã chấp thuận đề nghị này và Hằng chỉ thăm mỗi chùa Thiên Mụ và gửi lời chào tôi qua di động khi Hằng đã ở trên chuyến tàu ra trước Đoàn phụ nữ Thủ đô đang viếng cảnh núi Ngự sông Hương…
Nhưng Hoàng Việt Hằng đi rồi tôi mới thấy hẫng hụt. Bạn học lâu ngày gặp nhau đáng lẽ cũng phải có đôi lời về gia đình, về viết lách, về học thuật, đằng này không lại hoàn không. Vì hẫng hụt nên tôi phải lục tìm “Những miền đất nhớ” đang “trốn” đâu đây trong tủ sách quá lộn tùng phèo của tôi. Và, tôi đã bắt “thóp” Hoàng Việt Hằng cũng có nghĩa là tác giả vẫn trung thành nghệ thuật cấu trúc tứ thơ để lửng… ở câu cuối, ngay từ những bài thơ đầu tiên Hoàng Việt Hằng viết về người thợ khi mà Hằng đang là công nhân nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo - Hà Nội:
Anh lại vào ca ba
Em đợi anh mà không được cùng về trên đường phố
Hoa sữa tỏa hương đầu gió
Thứ hoa này có bỡ ngỡ như em?
Tôi lược bớt đoạn giữa (ba khổ), miêu tả hình ảnh người thợ cùng những ước mơ của họ:
Ơi chùm hoa sữa rơi nghiêng
Trao niềm vui cho em sau một ca bền bỉ
Hết giờ rồi ai ai cũng nghỉ
Em muốn làm hai ca với anh. (Ý nghĩ lúc tan ca)
Thì, Hoàng Việt Hằng đã ý thức việc lập tứ thơ để lửng câu cuối. Tác giả những mong người đọc cũng ngỡ ra và đồng điệu cùng mình mà phán đoán về ý tưởng thơ? Càng về sau, cũng với nghệ thuật này, nhưng tác giả qua quá trình chiêm nghiệm nên cao tay hơn, nhà thơ dùng chữ và nghĩa mờ nhòa bớt nhưng độc giả vẫn rỡ ràng nhận ra nội tâm của người viết.
Này đây:
.....
Ngày ấy anh ôm em
Cây cũng trẻ
Và cây nghiêng ngả
Bây giờ cây đã già
Và anh trở về với đất
Em đi qua hàng cây cơm nguội
Những hạt cơm nguội màu xanh
Vẫn choàng chuỗi hạt trên kí ức ấy thôi
Sâm Cầm bay như dấu ngã bên trời (Dấu ngã bên trời)
Là người thơ khá tinh tế về nỗi tổn thất quá lớn của chính mình qua hình ảnh cánh Sâm Cầm bay như dấu ngã!...
Đây nữa:
Lý ra cha con phải dạy con điều này
Con không học đi đường bằng cũng vấp
Chỉ nói một câu, làm sao mẹ nhớ
Phải dạy con trai đi đường dài thật khó
Nhưng mẹ không thể thay giọng cha con
Nghiêm khắc ở cung đàn
Lệch một bờ vai mẹ ngồi so trong đục...
Tả tơi cùng mưa gió
Thôi thì đàn không lời... (Lệch một bờ vai)
Sự đồng cảm của độc giả với nhà thơ được nhân lên gấp bội; nhất là những ai thuộc phe nước mắt. Tôi thuộc phe này!
Tôi cố ý đọc nhiều lần, những bài Hoàng Việt Hằng viết về Thanh Hóa - Người thân yêu nhất của nhà thơ - Nhà văn, tác giả Mầm Sống - Triệu Bôn (1938-2003) bản quán nơi này:
... Này hoa lau nói gì đi
Cô đơn bên núi mấy khi giải bầy?
Chỉ toàn thấy lá khô bay
Mùa hoa dổi tím còn đầy mặt sông
Vượt ghềnh lũ xoáy gió giông
Chân em lội ngược nước trong thầm thì
Rẽ suối Mùn hái quế chi
Hoa lau vẫn thả bùa mê đôi bờ
Xin rừng núi cứ hoang vu
Để hoang vu
Lại hoang vu tìm về... (Ngược sông Mã)
Và đây nữa:
Em vừa viết thư cho anh
Gửi thế giới bên kia
Gặp mưa
Hoa ngâu vàng quá
Em tãi hoa
Ngỡ mưa sẽ xóa
Hoa ngâu li ti vàng
Li ti nhiều dấu chấm
Dấu chấm than của đời em... (Mưa làm sao xóa đi)
Nghệ thuật cấu tứ để lửng ở cuối bài đã thẩm thấu nhường bao cõi lòng bạn đọc?
Tập thơ “Xóa đi và không xóa” có hai câu làm “đề từ” in trang lụa ở đầu tập Ai đó sống suốt đời vì người khác/ Đã tàn tro mà thời gian không tro tàn là đã rõ chủ đích của tác giả...
Trong cuộc hành trình dài lâu của Phật giáo có ba thời kì: Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp. Hai thời kì trước đã qua lâu rồi khỏi phải bàn ở đây vì nó sẽ rất dài mà chỉ nói đến thời thứ ba. Thời Mạt Pháp là thời đại mà chúng ta đang tồn tại trên trái đất này. Vậy, sao là Mạt Pháp? Xin trả lời ngắn: Là thời mà chúng sanh tạo nghiệp ác quá nhiều, bởi những quyền lợi riêng ích kỷ, đã liên tiếp không nương tay gieo đau thương tang tóc cho bao chúng sanh hướng thiện. Nghiệp ác đang bao vây rình rập quanh ta, như quân gây hấn, quân xâm lược bạo cường làm cho chúng sanh, đất đai, cây cỏ (như nước ta và nhiều nước khác) bất an...
Vậy phải làm sao đây? Nhà thơ Hoàng Việt Hằng đã lên tiếng thẳng thừng- Phải xóa đi! Và xóa luôn những kẻ run sợ, đầu hàng giặc, đã bị lộ, nhưng không chịu đứng ra nhận tội trước nhân dân bởi quá trẽn (xấu hổ), lại bày trò ù lì, học theo câu dân gian “Để lâu cứt trâu hóa bùn” cho tội ác khuất lấp theo thời gian... Đã thế mà còn một đám lau chau vuốt ve, bao che rồi tiếp đánh bóng tên tuổi cho kẻ từng có tội với nhân dân... thì thật xấu xa mạt rệp hết chỗ nói... Cái đám này cũng xóa ngay, xóa gấp!
Nhà thơ Bôrít Pastécnắc viết:
Mục đích sáng tạo là xả thân
Không phải trò rùm beng không phải mưu thành đạt
Thật nhục nhã khi anh chẳng ra gì
Mà tên tuổi anh lại lừng lẫy khắp...
Thì thi sĩ B. Pastécnắc đã chỉ rõ những kẻ chẳng ra gì, những kẻ chẳng vì dân tộc, giống nòi...mà chỉ dùng quyền chức, diễn đàn để tạo tên tuổi... đó là những trò bịp bợm lừa mị chúng sanh hướng thiện thì phải xóa ngay! Còn không thể nào xóa đi lòng tốt của nhân dân, những người quả cảm, trung thực, nói thẳng, nói thật và dám chịu trách nhiệm những gì họ đã nói, đã làm, đã dám mất mạng sống vì người khác, thì không thể xóa mà cần phải tôn vinh họ!...
Trở lại tập thơ “Xóa đi và không xóa” của Hoàng Việt Hằng, lúc này chỉ nói vế sau Không xóa - là không thể xóa cả trong ý nghĩ, giấc mơ, và hồi tưởng dẫu quá đau buồn...
Chuyện leo núi ba lô và túi xách
Ăn nói ào ào như nước chảy thác mây
Cứ lộc ngộc như bầy chim cánh cụt
Tuyên bố yêu nhau mặt thì đỏ rực
Rồi cốc bát làm rơi vỡ cả chuỗi cười (Rực rỡ tuổi hai mươi)
Tuổi hai mươi hồn hậu như vậy thì ai mà không luyến tiếc. Nhưng, sông có khúc, người có lúc. Từ khi thôi công tác Công ty xây dựng số 1, Hoàng Việt Hằng nhảy qua làm báo (1993) rồi gặp nhà văn Triệu Bôn, Hoàng Việt Hằng viết rất lên tay:
Anh ngồi viết
Em ngồi viết
Li ti những dấu chấm vàng
Mưa không xóa được dấu chấm vàng...
Rồi Triệu Bôn ra đi. Lệch một bờ vai. Tình yêu - nỗi buồn cô quánh đặc, Hoàng Việt Hằng viết hay hơn nữa:
... Ngày xưa bố tỏ tình thế nào
Trong mắt mẹ
Con vẫn còn khờ khạo
Lời tỏ tình không ai vay mượn
Mà trái tim bao người
Nổi chìm bên mép vực
Cây tỏ tình và lá sẽ nghe
Con nhìn thôi, chỉ nhìn thôi
Là tỏ tình rồi đấy (Lời tỏ tình)
Đây nữa:
… Này người dưng - người dưng ơi
Bắt ta nhớ lại một người đã quên
Cho dù quên hay vờ quên
Nỗi đau như nứa vẫn xiên tim mình (Vờ quên)
Đây nữa:
Một bài thơ tình bỏ sót
Anh viết từ đêm trăng
Còn sáng rỡ cho em
Một lời ru nghẹn ngào
Em không biết
Một hạnh phúc bầm dập bỏ quên
Anh đã từng che chắn rét cho em
Giấy úa vàng
Mực tím nhạt nhòa xem
Em trắng tay rồi (Thơ tình bỏ sót)
Đây nữa:
Đồng cũng thuê máy đào ruộng dở
Cũng ầm ì khó thở, trốn nơi nào
Trốn lên rừng
Rừng Tây Bắc cháy
Trốn ra hồ
Hồ nạo vét thi công
Muốn yên tĩnh thôi ngước nhìn trăng cong
Muốn yên tĩnh
Nước mắt chảy vào trong... (Yên tĩnh)
Và đây nữa:
Hoa cỏ tím đã thu
Mà mưa ngâu giỏ giọt
Em đã cố quên sầu
Như thể mười năm sau
Như thể anh mới về
Mắc lại cái dây phơi
Để hong khô mắt ướt
... Anh vẫn chiếc ba lô
Một gia tài thật cũ
Anh về hỏi một câu
- Mắt ướt này mắt ướt...
Làm sao gặp được nhau? (Mắt ướt)
Thì sự mất mà như chưa mất. Muốn quên mà không thể quên. Sứ mệnh của thi ca quả là mầu nhiệm!
Đến nay, Hoàng Việt Hằng đã ra mắt công chúng sáu tật thơ (Đều in Nhà xuất bản Phụ nữ). Tập thơ mang tên Một mình khâu những lặng im (2005). Cái tên gợi quá. Tình yêu cô đúc?! Tôi tin tập thơ ấy có nhiều bài hay. Thôi thì nói mãi cũng không cùng, với 57 bài trong tập Xóa đi và không xóa(2012) mà tôi đã trích dẫn những câu, những đoạn thơ tôi thích cũng đủ để “gói” làm món quà nhỏ tặng lại bạn đồng môn - nhà thơ Hoàng Việt Hằng.
Tôi muốn nói thêm điều này: Cái khóa VII viết văn của chúng ta, nhiều eng, nhiều ả (Nói theo giọng đặc sệt Quảng Bình quê tôi), xem ra cũng đáng mặt anh hào, nhưng chỉ sáng tác mà không có ai viết phê bình thì phải? (Vĩnh Nguyên có chủ quan không?). Nếu có thì thật có lợi cho lớp ta quá. Bởi hay hay dở cứ nện búa thẳng như người thợ rèn dao sắc, họa may bỏ bớt cái thói “Văn mình” chủ quan, bảo thủ để mà vượt lên nữa. Tôi cũng nói thật với các bạn rằng, tôi cũng đam mê đọc đông tây kim cổ, và đọc tác phẩm của các bạn trong khóa học ấy... nhưng chưa bao giờ có ý định đặt bút viết phê bình. Còn bài Thơ đã ngắn mà còn để lửng... này thì tự biết... nó chỉ là một ghi chép về một kỷ niệm mà nó lỗ mỗ thế nào ấy có phải không? Nếu thế thì Hoàng Việt Hằng cứ việc “Xóa đi”!
Huế, tháng 7/2013
Vĩnh Nguyên
Hội Nhà văn 26 Lê Lợi Tp Huế
Tel: 0126 2566 822