(VnMedia) - Khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản chào Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Wang Guanzhong tại một diễn đàn an ninh khu vực đang diễn ra trong mấy ngày nay, ông này đã thẳng thừng phớt lờ.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (bên trái) và người đồng cấp Nhật Bản
|
Trung tướng Wang Guanzhong giải thích, ông rất tức giận trước những phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản khi cho rằng Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Vị quan chức quân sự Trung Quốc cũng phẫn nộ khi sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel công khai cáo buộc Bắc Kinh đang gây bất ổn trong khu vực.
"Khi Thủ tướng Abe phát biểu, ông ấy đã ngầm hướng mục tiêu chỉ trích về phía Trung Quốc. Những cáo buộc đó là sai lầm và đi ngược lại với các tiêu chuẩn trong mối quan hệ quốc tế”, hãng tin bán chính thức China News Service dẫn lời ông Wang đã nói như vậy với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera.
Những cuộc khẩu chiến qua lại giữa 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc ở diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore được đánh giá là diễn ra gay gắt nhất, căng thẳng nhất trong nhiều năm trở lại đây và có thể là một cú thụt lùi trong các nỗ lực nhằm đưa những mối quan hệ trở lại con đường phát triển đúng đắn. Diễn đàn Shangri-La là nơi quy tụ sự có mặt của các quan chức chính phủ, các sĩ quan quân sự cấp cao và những chuyên gia quân sự hàng đầu của khu vực.
Shangri-La là hội nghị quốc tế lớn đầu tiên kể từ khi căng thẳng bắt đầu leo thang nghiêm trọng ở Biển Đông trong suốt tháng 5. Tình trạng này gây ra từ hành động Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam. Những tranh chấp ở Biển Đông đang trở thành những cuộc tranh chấp khó giải quyết nhất ở Châu Á và nó biến Biển Đông trở thành khu vực dễ bùng nổ xung đột nhất.
Đáng chú ý là bất chấp khoảng 100 các cuộc gặp song phương và ba bên diễn ra trong tuần qua, các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản nhất quyết không chịu ngồi lại với nhau.
Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc bác bỏ lời đề nghị đối thoại với Nhật Bản, nói rằng: "Điều đó phụ thuộc vào việc liệu Nhật Bản có sẵn sàng sửa chữa chính sách sai lầm đối với Trung Quốc hay không và có nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản hay không. Nhật Bản nên sửa chữa lỗi lầm càng sớm càng tốt để cải thiện quan hệ Trung-Nhật”.
Ông Wang sau đó cáo buộc Mỹ thể hiện tư tưởng bá quyền, đe dọa và dọa dẫm họ.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền chính đáng của các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan ở vùng biển này. Trung Quốc cũng tranh chấp với Nhật Bản quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà Tokyo đang nắm quyền kiếm soát.
Với những hành động ngày một hung hăng, quyết liệt và lấn tới trong các cuộc tranh chấp trong khu vực mà cao trào là gần đây Trung Quốc đưa cả một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam, cường quốc Châu Á này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Trong diễn đàn Shangri-La, Trung Quốc đã bị cả Mỹ và Nhật Bản “đồng tâm hiệp lực” chỉ trích, lên án gay gắt vì những hành động của nước này ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thủ tướng Abe tuyên bố muốn tìm kiếm một vai trò an ninh lớn hơn cho Nhật Bản trong khu vực và trên thế giới để làm đối trọng với Trung Quốc đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ ở mức cao nhất cho các nước Đông Nam Á – nhiều trong số này đang có tranh chấp với Trung Quốc. Ông Abe cũng ngầm chỉ trích Trung Quốc không tuân theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, Mỹ sẽ không làm ngơ để các nước như Trung Quốc gây cản trở đến hoạt động tự do hàng hải và vi phạm luật pháp, tiêu chuẩn quốc tế. Ông chủ Lầu Năm Góc còn thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn cho khu vực Châu Á.
Màn song kiếm hợp bích của Mỹ, Nhật tại diễn đàn Shangri-la khiến Trung Quốc nổi xung đáp trả.
Ngày hôm nay (1/6), Phó Tổng tham mưu trưởng Wang đã tiếp tục lên tiếng chỉ trích nước láng giềng cứng rắn Nhật Bản.
"Thủ tướng Abe – với tư cách là người đứng đầu một nước và là người được ban tổ chức mời đọc bài diễn văn quan trọng tại diễn đàn, được cho là phải đưa ra mục tiêu tăng cường an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Abe lại đi ngược lại với mục đích trên bằng cách kích động các cuộc tranh chấp”, ông Wang đã cáo buộc như vậy.
Bất chấp những lời gay gắt được tung vào nhau giữa ba cường quốc Mỹ, Nhật, Trung Quốc, giới phân tích tin rằng, mối quan hệ giữa 3 nước này sẽ không bị ảnh hưởng xấu đến mức vượt khỏi tầm kiểm soát.
"Trong quá khứ, chúng ta có cảm giác chúng ta đang tiến tới sự ổn định. Hiện tại, mọi người cảm thấy lo lắng. Nói chung, mọi chứ vẫn đang theo đúng hướng. Không ai nghĩ sẽ có chiến tranh xảy ra nhưng sẽ có một mức độ bất ổn nhất định nổi lên”, ông Kishore Mahbubani – một chuyên gia cấp cao ở trường Đại học Quốc gia Singapore, đã nhận định như vậy.
Nhật Bản bước ra đối trọng với Trung Quốc
Trung Quốc đặc biệt tức giận trước việc Nhật Bản đang tìm mọi cách lôi kéo khu vực Đông Nam Á.
Trong bài diễn văn quan trọng tại Diễn đàn Shangri-La, Thủ tướng Abe đã công khai thông báo kế hoạch tìm kiếm cho Nhật Bản một vai trò an ninh lớn hơn trên trường quốc tế đồng thời tuyên bố sẽ “hậu thuẫn hết mình” cho các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ biển và không phận của những nước này. Đây là một phần trong chương trình nghị sự của ông Abe nhằm nới lỏng giới hạn của hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và mở ra một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn, chủ động hơn cho nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cho rằng, người ta đã biết rõ về chính sách của ông Abe nhưng chính sách này đang gây ra phản ứng từ phía Trung Quốc vì nó được công bố công khai. "Chắc chắn, đây là lần đầu tiên tôi nghe ông ấy nói rõ ràng trước một diễn đàn công khai theo cách này", ông Hammond nói.
Sự thân thiết ngày một lớn giữa Nhật Bản với Washington cũng gây lo lắng rất nhiều cho Bắc Kinh.
"Điều thực sự gây lo lắng cho Trung Quốc là Nhật Bản với Mỹ đang trở thành một liên minh ngày càng mạnh mẽ và bền chắc. Họ đang được kéo lại gần nhau hơn và điều này có thể được thấy rõ trong cuộc đối thoại Shangri-La”, ông Tim Huxley, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Châu Á -nhà tổ chức diễn đàn, đã cho biết như vậy.
"Đúng hay sai thì điều đó cũng được Trung Quốc coi là mối đe dọa đối với họ bởi nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một liên minh ngày càng gắn kết", ông Huxley nói thêm.
Ông William Cohen – một cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng, những lời phát biểu mạnh mẽ của Nhật Bản và Mỹ nhằm vào Trung Quốc là cần thiết.
"Trung Quốc đang lớn mạnh và đang trưởng thành, vì thế nước này cảm thấy ta đây và muốn thể hiện sức mạnh và sự ảnh hưởng ở khắp nơi. Điếu đó là bình thường nếu họ không thấy có đối trọng. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc nói với họ rằng, mọi thứ đều phải có giới hạn. Những điều đó cần phải được nói ra”.
Vân Linh - (theo Reuters)
|