Thứ Tư, 8 tháng 3, 2023

Hai 'bệnh nhân người Anh' đi chuyến bay VN0054 quay lại Việt Nam - Bệnh nhân 91: hành trình 100 ngày trở về từ cửa tử

 THANH ĐẶNG

Tròn ba năm sau khi nhiễm COVID-19 trên chuyến bay 0054 từ Anh đến Việt Nam (chuyến bay ghi nhận bệnh nhân COVID-19 số 17), hai vợ chồng bệnh nhân người Anh đã quay lại Việt Nam và thăm lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Hai bệnh nhân người Anh đi chuyến bay VN0054 quay lại Việt Nam - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Dixong John Garth ngày trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương 8-3-2023 - Ảnh: BVCC

Hai bệnh nhân người Anh đi chuyến bay VN0054 quay lại Việt Nam - Ảnh 2.

Và ba năm trước, khi được rời bệnh viện trở về Anh

Sau đúng ba năm nhập viện điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (nhập viện hôm 8-3-2020), hôm nay 8-3-2023 đôi vợ chồng người Anh, bà Shan và ông Dixong đã quay trở lại khoa hồi sức tích cực để cùng cảm ơn và trò chuyện với các y, bác sĩ. 

Ông bà là hai trong số những người đi trên chuyến bay VN0054 cùng bệnh nhân 17, thời điểm đó theo số thứ tự phát hiện ca dương tính, bà là bệnh nhân số 24 và ông là bệnh nhân số 28.

Ngày trở lại, ông bà cảm động, vui mừng vì đã được trò chuyện, ngắm nhìn gương mặt của các y, bác sĩ, điều mà ông bà không thể khi còn điều trị: y bác sĩ lúc đó luôn trong trang phục bảo hộ kín mít, nhưng họ đã tận tụy hàng ngày để cứu sống ông bà cùng các bệnh nhân COVID-19.

Theo bệnh viện, "bệnh nhân 28" là ông Dixong John Garth, thời điểm đó 74 tuổi, cùng vợ đến Việt Nam du lịch ngày 2-3-2020. Ông bà đi cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân 17, bệnh nhân 21 và rất nhiều bệnh nhân người Anh mắc COVID-19 sau này được phát hiện ở Việt Nam.

Sau khi đến Hà Nội, vợ chồng ông Dixong đã đi du lịch Hạ Long và sau ca bệnh số 17, tất cả những người đi cùng chuyến bay VN0054 hôm đó đều được tìm để xét nghiệm.

Ngày 6-3, bệnh nhân được cách ly theo dõi tại Quảng Ninh. Ngày 13-3, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, cả hai vợ chồng được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Đến ngày 22-3, khó thở tăng lên, ông Dixong được hỗ trợ thở oxy. Ngày 27-3, bệnh chuyển biến xấu, suy hô hấp nặng, không đáp ứng với thở oxy, phải chuyển khoa hồi sức tích cực để đặt nội khí quản và thở máy.

Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, và tám ngày sau (ngày 5-4) bệnh có chuyển biến tốt, bỏ được máy thở, chuyển thở oxy qua mặt nạ. Ngày 8-4, bệnh nhân tự thở tốt, ngưng được trợ thở oxy. Ngày 13-4, xét nghiệm âm tính lần 4, toàn trạng ổn định, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện.

Vợ ông Dixong, vốn là một điều dưỡng, cũng nhiễm COVID-19 và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nhưng tình trạng bệnh nhẹ hơn, đã được công bố khỏi bệnh từ trước.

Khuya 13-4-2020, hai ông bà rời Việt Nam trên chuyến bay do Chính phủ Anh tổ chức để đưa các công dân Anh đang ở Việt Nam về nước.

Trước khi rời Việt Nam, hai ông bà đã kể lại câu chuyện xúc động.

"Chúng tôi rất yêu nhau và chưa bao giờ xa nhau quá 24 giờ, bệnh tật đã làm chúng tôi có những ngày vừa qua không được ở gần nhau, tôi không muốn điều đó. Cảm ơn các bác sĩ Việt Nam, nếu ở nơi khác, chắc chúng tôi sẽ không còn sống. Thật may mắn chúng tôi được điều trị ở Việt Nam" - vợ ông Dixong nói với các bác sĩ trước khi rời bệnh viện, mắt hoe đỏ.

Và hôm nay 8-3, đúng ba năm sau ngày nhập viện, ông bà đã quay trở lại, cũng trong một chuyến du lịch mới. Ông Dixong cho biết ông bà sẽ đi Sa Pa, Hạ Long và những địa điểm chưa thực hiện được trong chuyến đi trước. 

Và điều đặc biệt trong chuyến đi này, bà Shan đã mang đến một cuốn sách 103 trang mà bà viết về chuyến đi du lịch ba năm trước, những ngày bất ngờ nhập viện, nỗi lo lắng, nỗi sợ và hy vọng: A diverse Nurse, thanks Vietnam (Người y tá làm tất cả cho bệnh nhân, cảm ơn Việt Nam). 

Hai bệnh nhân người Anh đi chuyến bay VN0054 quay lại Việt Nam - Ảnh 4.

Giây phút gặp gỡ với y bác sĩ - Ảnh: BVCC

Hai bệnh nhân người Anh đi chuyến bay VN0054 quay lại Việt Nam - Ảnh 5.

Và lời cảm ơn về những ngày có nụ cười, nước mắt và tình yêu - Ảnh: BVCC


Vợ chồng cựu F0 người Anh: Bác sĩ Việt Nam quá phi thường!

Minh Nhật-Nam Phương
00:00/06:00

(Dân trí) - 3 năm trước, hai vợ chồng bà Shan đã được các y bác sĩ Việt Nam giành giật sự sống trong cuộc chiến với Covid-19. Điều đó đã viết nên câu chuyện kỳ diệu giữa thời dịch.

Chuyến bay định mệnh VN0054 rạng sáng 2/3/2020

Chuyến bay VN0054 từ Anh đáp xuống sân bay Hà Nội rạng sáng 2/3/2020 có lẽ là một ký ức khó quên với nhiều người dân Việt, đặc biệt là người Hà Nội. Với bệnh nhân số 17, chúng ta bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến với dịch Covid-19 sau ổ dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc).

Hai vợ chồng người Anh, bà Shan Coralie Barker khi đó 67 tuổi và chồng là ông Dixong John Garth, 74 tuổi là những người có mặt trên chuyến bay này. Họ cũng là bệnh nhân Covid-19 thứ 24 và 28 vào thời điểm đó.

Thời điểm đó, hai vợ chồng bà Shan từ Anh sang Việt Nam thăm con trai tại Đà Nẵng nhưng chưa kịp gặp con thì cả 2 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) điều trị.

Vợ chồng cựu F0 người Anh: Bác sĩ Việt Nam quá phi thường! - 1

Hình ảnh bà Shan ngày được xuất viện (Ảnh: Minh Nhật).

Khi đó, bà đã rất sốc. Là một y tá về hưu nên bà Shan cảm nhận được tình trạng sức khỏe của mình. Chỉ một vài ngày sau khi mắc Covid-19 bà đã nghĩ rằng mình sẽ chết. Tình trạng sức khỏe của bà nặng dần, ho nhiều, khó thở, viêm phổi.

Trong những giờ phút "ngàn cân treo sợi tóc" này, chính các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lại đem đến niềm hy vọng cho người phụ nữ 67 tuổi này. Sau quá trình điều trị tích cực, sức khỏe bà dần hồi phục và đã có kết quả âm tính 3 lần liên tiếp.

Ngày 30/3/2020, bà được xuất viện. "Tôi nghĩ rằng mình sẽ chết nhưng rồi chính các bác sĩ Việt Nam lại cứu sống tôi. Họ là những con người thật tuyệt vời", là những chia sẻ của bà trong ngày được ra viện.

"Con trai tôi yêu Việt Nam, tôi cũng yêu Việt Nam và tình yêu đó còn lớn hơn sau câu chuyện lần này. Khi trở về Anh, tôi sẽ kể về những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên về các y, bác sĩ ở Việt Nam cho bạn bè và người thân. Còn bây giờ tôi sẽ tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi được bước ra ngoài trời và hít thở bầu không khí, sau 3 tuần cách ly điều trị", bà Shan nói.

Trong khi trò chuyện, bà Shan còn nhiều lần nữa nhắc đến sự tuyệt vời của các y bác sĩ Việt Nam, và cứ mỗi lần như vậy, nước mắt của người phụ nữ Anh lại bất giác trào ra.

Khi đó, chồng bà vẫn đang được điều trị tại phòng Hồi sức tích cực nhưng bà tin rằng, rồi các y, bác sĩ của bệnh viện cũng sẽ chữa khỏi cho chồng mình.

Hơn một tháng giành giật sự sống cho chồng nữ y tá người Anh

Chồng bà Shan, ông Dixong John Garth khi đó 74 tuổi, có tiền sử u lympho 10 năm. Ngày 6/3/2020, ông được cách ly theo dõi tại Quảng Ninh. Ngày 13/3/2020, ông có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nên được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo dõi.

Ngày 22/3/2020, bệnh nhân khó thở phải thở oxy, đến ngày 27/3/2020 thì suy hô hấp nặng không đáp ứng với oxy lưu lượng cao, phải chuyển khoa Hồi sức tích cực, đặt ống nội khí quản thở máy. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực.

Khi khỏi bệnh, bà đã xin được vào phòng bệnh để chăm sóc chồng. Bà kể lại, lúc đó khi nhìn thấy chồng bà đã rất sốc vì chồng không còn tóc.

"Khi biết chồng được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, bà biết tình trạng của chồng rất nguy kịch, nguy cơ đe dọa tính mạng cao. Nguy cơ mất mạng càng cao làm nỗi sợ càng tăng. Chúng tôi chưa bao giờ xa nhau, thế mà 10 ngày rồi tôi chưa được gặp anh ấy cũng không kịp nói lời tạm biệt...", bà Shan Coralie Barker nghẹn ngào nhớ lại.

Đến ngày 5/4//2020 tình trạng bệnh nhân tốt hơn, bỏ được máy thở, chuyển thở oxy qua mặt nạ, rồi oxy qua gọng. Ngày 8/4//2020, bệnh nhân ngừng được oxy, tự thở tốt. Ngày 13/4//2020 xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 âm tính 4 lần, toàn trạng ổn định hơn, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện. 

"Tôi rất biết ơn nỗ lực của các y bác sĩ ở đây. Thật tuyệt vời, cận kề sinh tử mà chúng tôi vẫn còn sống. Tôi chỉ muốn nói cảm ơn rất nhiều… Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống tôi. Tôi nghĩ nếu không ở đây, chưa chắc tôi đã sống được ", bà Shan chia sẻ ngày chồng được xuất viện.

Vợ chồng cựu F0 người Anh: Bác sĩ Việt Nam quá phi thường! - 2

Bà Shan cùng chồng trong tại khoa Hồi sức tích cực, lúc này tình trạng của chồng bà đã dần ổn định (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Sau hơn một tháng điều trị, chồng bà vượt cửa tử, đoàn viên cùng với người vợ của mình. 22h đêm 13/4/2020, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã làm thủ tục xuất viện cho ông.

Ngay sau khi ra viện, cả hai vợ chồng bà Shan đáp chuyến bay về nước vào rạng sáng 14/4 do Chính phủ Anh bố trí dành riêng cho các công dân Anh.

Vợ chồng cựu F0 người Anh: Bác sĩ Việt Nam quá phi thường! - 3

Hình ảnh vợ chồng bà Shan ngày được xuất viện (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Chia sẻ niềm vui ngày ra viện với họ, BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Chúng tôi thực sự hạnh phúc mà không có gì diễn tả được. Trong đợt dịch này có nhiều khoảnh khắc làm tôi không thể cầm nước mắt. Một trong những khoảnh khắc đó là hình ảnh vợ chồng người Anh gặp nhau khi khỏi bệnh Covid-19. Chúng tôi rất vui vì những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp, người bệnh được khỏi bệnh và đoàn tụ với gia đình...".

Cuộc hội ngộ sau 3 năm

Ngày 8/3/2023, sau đúng 3 năm nhập viện điều trị, đôi vợ chồng người Anh, bà Shan Coralie Barker và chồng là ông Dixong John Garth đã quay trở lại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để cùng cảm ơn và trò chuyện với các y, bác sĩ của khoa.

Vợ chồng cựu F0 người Anh: Bác sĩ Việt Nam quá phi thường! - 4

Cuộc hội ngộ của vợ chồng bà Shan với những y bác sĩ đã điều trị cho họ cách đây 3 năm (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Đến ngày hôm nay, họ mới có dịp nói lời cảm ơn, có cuộc trò chuyện thật trọn vẹn với các y, bác sĩ cũng như ngắm nhìn gương mặt của những ân nhân cứu mạng mà họ chưa từng biết mặt.

"Tôi rất vui, hạnh phúc khi được gặp lại những người đã điều trị cho mình bởi thời điểm đó chúng tôi không biết họ là ai, trông như thế nào vì đồ bảo hộ và khẩu trang che kín mặt", bà Shan chia sẻ.

Vợ chồng cựu F0 người Anh: Bác sĩ Việt Nam quá phi thường! - 5

Cuốn sách kể về hành trình vợ chồng bà Shan trong quãng thời gian được điều trị tại Việt Nam (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Trong 2 giờ trò chuyện cùng nhân viên y tế của khoa, hai vợ chồng bà Shan cũng tặng các y bác sĩ cuốn sách dày hơn 100 trang kể về hành trình của chính họ, trong quãng thời gian được chăm sóc và cứu sống bởi các bác sĩ, điều dưỡng Việt Nam.

"Tôi rất biết ơn các bạn, các y bác sĩ đều là người rất phi thường. Họ thật tuyệt vời, cám ơn các bạn", bà Shane nói.

Trong chuyến hành trình ở lại Việt Nam, vợ chồng nữ y tá người Anh đã có bữa tối đặc biệt với BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng là người đã đồng hành cùng ông Dixong John Garth trong những ngày cận kề cửa tử.

"Sau khi ông bà xuất viện, chúng tôi trở thành những người bạn thường xuyên liên lạc với nhau. Khi biết tin ông bà sang Việt Nam, tôi ngỏ lời mời hai vợ chồng về nhà ăn tối", BS Phúc chia sẻ, "Hai vợ chồng rất vui vẻ nhận lời".

Trên mâm cơm ấm cúng với những món ăn Việt Nam hôm đó, cuộc trò chuyện giữa 2 gia đình xoay quanh những chuyến du lịch, hoạt động thường ngày. Những trang cuộc đời của hai con người được viết tiếp bởi bác sĩ Việt Nam.

"Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Covid-19 như một điều gì đó của dĩ vãng, chỉ còn lại những điều tươi đẹp ở phía trước", BS Phúc chia sẻ.

Ông Dixong John Garth dành một ít phút cuối bữa nhắc lại những ngày nằm tại khoa Hồi sức tích cực. "May mắn tôi được điều trị ở Việt Nam, thời điểm đó tại Anh đang là đỉnh dịch", ông nói.

Với người đàn ông gần 80 tuổi này, một tháng điều trị tại khoa Cấp cứu, hơn 10 ngày đặt ống nội khí quản thở máy đặt trọn sự sống trong tay của các bác sĩ Hồi sức tích cực, là một mảnh ghép không thể nào quên trong cuộc đời.

Phi công người Anh bị nhiễm Covid-19, được biết đến ở Việt Nam như bệnh nhân 91, được ra viện hôm 11/7 để lên đường hồi hương.

Từng là bệnh nhân nguy kịch nhất trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, ông Stephen Cameron đã phục hồi ngoạn mục sau 10 tuần hôn mê.

Ông bay ra Hà Nội hôm thứ Bảy, và sau đó bay sang Frankfurt, Đức trước khi về Anh trên chính chiếc máy bay mình từng cầm lái.

"Tôi choáng ngợp trước lòng hảo tâm của người Việt Nam và sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sỹ và y tá, cả ở đây, [bệnh viện] Chợ Rẫy và BV Bệnh Nhiệt đới," ông Stephen Cameron nói.

"Đáng lẽ ra tôi đã không còn sống, nên tôi chỉ biết cảm ơn tất cả mọi người ở đây về những gì họ đã làm.

"Tôi về nhà với niềm vui trong tim, vì tôi về nhà, nhưng cũng buồn vì tôi rời rất nhiều người tôi đã kết bạn với ở đây. Cảm ơn các bạn một lần nữa."

Khi Bác sỹ Trần Thanh Linh ở Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi Cameron ông có muốn trở lại Việt Nam không, ông đáp:

"Có, 100%, tôi sẽ quay lại ngay khi tôi khỏe."

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Bệnh nhân 91 tập đi trở lại.

NGUỒN HÌNH ẢNH,THÔNG TIN CHÍNH PHỦ

Chụp lại hình ảnh,

Bệnh nhân 91 tập đi trở lại.

Từng có lúc cận kề cửa tử, một phi công đến từ Vương quốc Anh đã hồi phục ngoạn mục và đang trở thành tâm điểm của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Trong phòng hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP HCM, bệnh nhân 91 đang tập vật lý trị liệu cùng bác sĩ. Dù chức năng cơ và sức khỏe nói chung chưa hoàn toàn bình phục, nhưng trí não, tinh thần của ông đã gần như bình thường. Ông đã có thể sử dụng điện thoại, nói chuyện với bác sĩ và bạn bè, đi vài bước dưới sự hỗ trợ của chuyên gia trị liệu.

"Quả thật phải nói đây là ca bệnh vô cùng đặc biệt, sự phục hồi vô cùng ngoạn mục", báo Tuổi Trẻ trích lời bác sĩ Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Chợ Rẫy).

"Ngoạn mục" hay "diệu kỳ" là nhận xét chung của nhiều người về bệnh nhân 91, bởi chỉ khoảng một tháng trước, ông này còn ở trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Chuyến bay đầu tiên

Bệnh nhân 91, thường được báo chí Việt Nam gọi là "phi công người Anh", đến từ vùng North Lanarkshire, Scotland.

"Anh ấy bắt đầu công tác và đang được huấn luyện về tiêu chuẩn làm việc của Vietnam Airlines từ tháng 12/2019. Ngày 16/3/2020, phi công thực hiện chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Việt Nam với tư cách cơ phó máy bay Boeing 787", ông Nguyễn Đăng Quang - Phó đoàn trưởng Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines - chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Chuyến bay đầu tiên cũng là chuyến bay cuối cùng trước khi bệnh nhân này nhập viện do nhiễm Covid-19 vào ngày 18/3.

Đây là một ca phức tạp, do ngay trước khi phát bệnh, phi công người Anh từng thực hiện hai chuyến bay trong ngày 16/3, khứ hồi TP HCM - Hà Nội, từng đến dự tiệc tại quán bar Buddha ở quận 2 và nhiều địa điểm khác.

Quán bar Buddha sau đó được xác định là một ổ dịch, với 12 người nhiễm trực tiếp và 6 người nhiễm gián tiếp do tiếp xúc với những người nhiễm ở đây.

"Buổi tiệc lễ thánh Patrick hôm đó thu hút khoảng 200 người. Đó là đêm cuối cùng trước khi có lệnh cấm quán bar hoạt động trong thời kỳ giãn cách xã hội. Còn giãn cách ở quán thì chủ yếu là ý thức cá nhân, chúng tôi không thể ép buộc khách được", một nam nhân viên của quán bar kể lại với BBC News Tiếng Việt. Nhân viên này về sau cũng được xác định nhiễm Covid-19, là bệnh nhân 127.

Vào thời điểm nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, sức khỏe của bệnh nhân vẫn còn tốt, nhưng sau đó xấu đi rất nhanh.

"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được sự phối hợp của bệnh viện Chợ Rẫy 24/7 tham gia cứu chữa ngay từ đầu. Bệnh viện bố trí bệnh nhân ở phòng áp lực âm, dùng Hydrochloroquin, kháng sinh, trợ giúp hô hấp bằng thở máy qua mặt nạ, dinh dưỡng, dự phòng huyết khối tắc mạch, động viên tinh thần", PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, chia sẻ với BBC News tiếng Việt.

Nhớ lại thời kỳ khó khăn, ông Khuê cho biết: "Bệnh nhân có diễn biến nặng dần lên đến suy đa tạng. Giai đoạn bi quan nhất là khi người bệnh tổn thương toàn bộ hai bên phổi rất nhanh, kèm theo đó là sự suy giảm chức năng của các tạng khác như thận, gan và rối loạn đông máu".

Cận kề cái chết

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết ngành y tế Việt Nam đã huy động toàn bộ các phương tiện hồi sức tích cực hiện đại như thở máy chức năng cao, ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc thận và các can thiệp giải quyết hậu quả của bệnh Covid-19 như rối loạn đông máu, tắc mạch…

Theo ông Khuê, bệnh nhân đã trải qua nhiều giai đoạn nguy hiểm. Ngày 5/4, các bác sĩ cho đặt ống nội khí quản, lọc máu liên tục. Do bệnh nhân thở máy không hiệu quả, ngày hôm sau phải dùng hệ thống ECMO.

Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân càng nghiêm trọng hơn khi xuất hiện hội chứng giảm tiểu cầu do Heparin, chạy máy ECMO bị đông máu và tắc màng lọc liên tục.

"Bốn ngày đầu phải thay ba màng lọc, trong khi chúng tôi không có thuốc chống đông khác. Một mặt chúng tôi cho bệnh nhân cầm cự với thuốc Xarelto (Rivaroxaban) đường uống nhưng chỉ đủ dùng trong bốn ngày, mặt khác Bộ Y tế chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp thuốc chống đông Agatroban nên hệ thống ECMO của bệnh nhân vẫn được duy trì đến sau này", ông Khuê chia sẻ.

Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Ian Gibbons cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm bệnh nhân số 91 vào chiều 17.6 tại Bệnh viện Chợ Rẫy

NGUỒN HÌNH ẢNH,TỔNG LÃNH SỰ ANH

Chụp lại hình ảnh,

Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Ian Gibbons cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm bệnh nhân số 91 vào chiều 17/6 tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Thời điểm nguy hiểm tiếp theo là khi phổi bệnh nhân đông đặc gần hết, chỉ còn chừng 10% hoạt động, lại thêm biến chứng tràn khí màng phổi phải và nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh đa kháng.

Sau nhiều lần xét nghiệm âm tính hồi nửa đầu tháng 5, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 22/5, giữa lúc tình trạng sức khỏe cực kỳ xấu.

Trong giai đoạn này, các bác sĩ đã tính tới giải pháp ghép hai lá phổi và thậm chí ghép cả thận cho bệnh nhân. Tuy nhiên, dù có khoảng 60 người tình nguyện hiến tạng, việc thực hiện ca ghép lúc đó là không thể xét trên điều kiện nội tạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và nấm nghiêm trọng.

Thêm vào đó, ghép phổi cũng được coi là kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất, phức tạp hơn cả ghép tim, cơ hội thành công thấp. Trong trường hợp ghép thành công, thì việc thích nghi của cơ thể với nội tạng mới cũng là thách thức lớn.

Dốc toàn lực cứu người

Trong giai đoạn này, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam có chiều hướng đỡ nghiêm trọng hơn, khi các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng giảm và không có ca tử vong nào. Thành tích chống dịch của Việt Nam được truyền thông và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì con số "không người chết" trở nên cực kỳ quan trọng, nó là biểu tượng trung tâm của công cuộc "chống dịch như chống giặc".

Quyết tâm cứu sống bệnh nhân 91 được thể hiện tới cấp cao nhất của chính phủ: trang Facebook chính phủ Việt Nam liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của "phi công người Anh", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo cấp cao đã nhiều lần đề cập đến việc cứu chữa bệnh nhân này.

Các cuộc hội chẩn ba miền để xử trí ca 91 luôn có sự tham gia của các quan chức đầu ngành y tế và các chuyên gia giỏi nhất lĩnh vực này của Việt Nam.

Các bác sĩ từ các bệnh viện trên cả nước hội chuẩn tình trạng bệnh của BN91.

NGUỒN HÌNH ẢNH,THÔNG TIN CHÍNH PHỦ

Chụp lại hình ảnh,

Các bác sĩ từ các bệnh viện trên cả nước hội chuẩn tình trạng bệnh của BN91.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết bệnh viện đã phải nhập thêm nhiều loại kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân.

Trong thời điểm bệnh nhân 91 nguy kịch, khi sử dụng thuốc an thần sẵn có ít tác dụng, cần phải tăng liều truyền liên tục, Bộ Y tế đã chỉ đạo cho nhập khẩu khẩn cấp thuốc an thần Dexmedetomidine.

Nỗ lực của ngành y tế được đông đảo dân mạng cổ vũ. Trên trang facebook của chính phủ Việt Nam, sau mỗi một bài viết về bệnh nhân 91 là hàng trăm bình luận.

"Bệnh nhân này phải vượt qua để còn nói lời cảm ơn các bác sĩ".

"Nỗ lực của các bác sĩ thật tuyệt vời. Anh phi công cố gắng sống để làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước"…

Cũng có vài ý kiến cho rằng chính phủ đã tốn quá nhiều nguồn lực để cố cứu sống bệnh nhân 91.

"Ca này phức tạp, tốn kém tiền của, nhân lực và thuốc men nhiều nhất, lên báo cũng nhiều nhất", một người viết trên trang facebook của mình, và người này cho rằng nên "trả về Anh cho mồ yên mả đẹp".

Việc cứu chữa cho bệnh nhân 91 cũng phát sinh nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí lên đến nhiều tỉ đồng sau hàng tháng trời chữa trị.

Hồi phục 'diệu kỳ'

Dù có nhiều tranh cãi và có lúc rất bi quan, nhưng sau khi bệnh nhân 91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 22/5, quá trình hồi phục được miêu tả là "diệu kỳ". Bệnh nhân không cần cấy ghép nội tạng nữa và đang được điều trị chờ ngày về nước.

Ngày 23/6, báo Pháp luật TP HCM dẫn lời bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết với tình hình sức khỏe hiện tại, bệnh nhân đã đủ điều kiện để rời khỏi khoa Hồi sức cấp cứu.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, sự hồi phục của bệnh nhân 91 trước hết là nhờ tinh thần quyết tâm không buông bỏ người bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế và của các bệnh viện.

"Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các diễn biến của người bệnh, kịp thời báo cáo xin ý kiến Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, huy động trí tuệ toàn bộ nhân lực y tế của cả nước để phán đoán, tiên lượng và có biện pháp hỗ trợ, điều trị người bệnh", ông Khuê chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

"Việt Nam đã huy động toàn bộ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc men tốt nhất, kể cả nhập thuốc từ nước ngoài về để điều trị cho người bệnh".

Ông cũng nói rằng việc chăm sóc tận tình, thực hiện phục hồi chức năng và chế độ dinh dưỡng hợp lý đã góp phần giúp bệnh nhân hồi phục tốt.

"Việc chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị hồi phục là một bước đi đúng đắn trong quá trình điều trị cho người bệnh", ông Khuê chia sẻ thêm.

"Là người trực tiếp điều trị và theo dõi sức khỏe hằng ngày của BN91, tôi rất vui khi thấy hiện giờ bệnh nhân đã có thể tự cạo râu, đánh răng, nhấn bàn phím điện thoại… Điều này cho thấy hoạt động của hai bàn tay bệnh nhân đã trở về bình thường", báo Pháp luật TP HCM dẫn lời bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.

Phi công Anh ngồi xe lăn phơi nắng mỗi sáng

NGUỒN HÌNH ẢNH,THÔNG TIN CHÍNH PHỦ

Chụp lại hình ảnh,

Phi công Anh ngồi xe lăn phơi nắng mỗi sáng

Bác sĩ Linh kể rằng bệnh nhân từng nói sau khi bình phục, sẽ chở các y bác sĩ bay trên bầu trời Việt Nam, như một lời cảm ơn dành cho ân nhân cứu mạng.

Nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân 91 còn thể hiện ở những khía cạnh ít ngờ tới hơn.

"Đa phần người châu Á ăn sáng tầm 5 giờ, ăn trưa 11 giờ và ăn tối lúc 17 giờ. Thế nhưng bệnh nhân 91 ngủ tới 8 giờ mới dậy đánh răng rồi ăn sáng. Giờ ăn trưa của bệnh nhân là 14 giờ và ngồi vào bàn ăn tối lúc 20 giờ. Bệnh viện phải mời đầu bếp người châu Âu để nấu nướng những món theo yêu cầu của bệnh nhân", bác sĩ Linh nói thêm.

Một trong những vướng mắc là chi phí điều trị, đến nay cũng đã có hướng giải quyết.

Theo cập nhật mới nhất trên Facebook của chính phủ Việt Nam, chi phí điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã được công ty bảo hiểm chi trả 3,5 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí điều trị hơn một tháng qua tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa được thống kê, tính toán đầy đủ.

"Chúng tôi hy vọng người bệnh sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường, như một kỳ tích với nỗ lực không ngừng của Chính phủ, Bộ Y tế và các bệnh viện, để không ai bị bỏ lại phía sau", PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nói với BBC News Tiếng Việt.

Kỳ tích cứu sống phi công người Anh: Ca bệnh nổi tiếng thế giới

Sự hồi phục kỳ diệu của viên phi công người Anh mắc Covid-19 cho thấy Việt Nam là một trong những hình mẫu điển hình chống dịch Covid-19 thành công nhất thế giới.

Đến từ Motherwell, xứ Scotland, Vương quốc Anh nên bệnh nhân số 91 (tên S.C, 43 tuổi) nhận được sự quan tâm lớn của báo giới đất nước này.

Rời quê hương vì thích sống ở Việt Nam

Một tuần trước, hãng thông tấn Reuters (trụ sở chính tại Anh) đã nhanh chóng thông tin: Phi công Anh mắc Covid-19 ở Việt Nam có thể được xuất viện sớm.

Reuters phân tích trường hợp của anh S.C đã thu hút sự chú ý của cả đất nước Việt Nam – nơi sự kết hợp giữa xét nghiệm có mục tiêu và cách ly kiểm dịch tích cực đã kiểm soát số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức thấp ấn tượng và không có trường hợp tử vong.

Với phần lớn bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã hồi phục, tin tức về trường hợp có nguy cơ trở thành ca tử vong đầu tiên đã thúc đẩy sự hỗ trợ quốc gia, trong đó hàng chục người đã đề nghị được hiến phổi. Reuters không quên nhắc đến đoạn clip ngắn chứng tỏ sự hồi phục đáng kinh ngạc của bệnh nhân 91 sau đó: Cảnh anh giơ chiếc khăn của câu lạc bộ bóng đá Motherwell quê hương để tạo dáng chụp hình khi gặp lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP HCM cùng một nhà ngoại giao Anh.

Nhiều tờ báo Anh khác như Daily Mail, Scottish Daily Mail, Mothewell Times… cũng cập nhật tin tức về bệnh nhân đặc biệt này.

Cuối tháng 5, khi bệnh nhân người Anh còn nguy kịch, tờ Scottish Daily Mail đã có bài báo lớn với nhan đề: “Các bác sĩ hàng đầu Việt Nam đang chiến đấu để giữ tính mạng cho phi công Scotland, 43 tuổi”. Trả lời phỏng vấn của Scottish Daily Mail, một người bạn của bệnh nhân 91 chia sẻ anh S.C đã có một vài công việc ở Anh nhưng quyết định chuyển đến Việt Nam từ tháng 3-2020 vì thích sống ở đây và được đề nghị mức lương cao hơn.

“Anh ấy có căn hộ riêng, ở một mình, không có bạn đời hay con cái. Chúng tôi từng nói chuyện khi S.C còn tỉnh. Anh ấy hầu như mất ngủ trong 6 ngày và bắt đầu bị ảo giác – đó là khi anh ấy được đặt nội khí quản…” – người này cho hay.

Rất tiếc, sau chuyến bay đầu tiên cho Vietnam Airlines, anh đã mắc bệnh và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy gần 100 ngày. Bài báo kể về tình trạng tồi tệ của anh lúc đó cũng như sự nỗ lực của cả đất nước Việt Nam để giành lấy sự sống. Scottish Daily Mail không quên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: “Các chuyên gia và bác sĩ giỏi nhất sẽ cố gắng cứu ông C.”; đồng thời trân trọng nhắc đến việc nhiều người Việt Nam đã đề nghị hiến phổi cứu viên phi công, trong đó có một cựu quân nhân đã 70 tuổi.

Kỳ tích cứu sống phi công người Anh: Ca bệnh nổi tiếng thế giới
Sự hồi phục của viên phi công người Anh thu hút sự quan tâm của báo chí thế giới về thành công trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Đón đầu “cơn bão Cytokine” tử thần
Theo Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS), béo phì làm tăng 40% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19, trong đó “cơn bão Cytokine” thường xảy ra ở những bệnh nhân béo phì. “Cơn bão Cytokine” là một phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích đối với cơ thể từ bên ngoài, làm cho bệnh tiến triển nhanh, tỉ lệ tử vong cao. “Cơn bão Cytokine” tử thần đã tấn công vào hầu hết các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân nặng nhất Việt Nam. May mắn, anh đã được tiếp cận nhanh chóng với các kỹ thuật đỉnh cao, nổi trội nhất là kỹ thuật lọc máu và ECMO. Có sự chuẩn bị chu đáo, dựa trên các hiểu biết về những căn bệnh tương tự trước đó đã giúp Việt Nam thành công.

Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, đầu tháng 5, Đại học Y khoa Georgia ở Augusta (Mỹ) mới công bố một nghiên cứu cho thấy dùng thiết bị lọc máu thay cho lọc thận thông thường sẽ giúp làm dịu “cơn bão Cytokine” ở bệnh nhân Covid-19. Còn hệ thống ôxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể ECMO, khi nhắc về bệnh nhân số 91, các báo nước ngoài luôn phải kèm theo một đoạn giải thích dài. Bởi lẽ, đó vẫn là một kỹ thuật cao, không phải bệnh viện lớn nào cũng làm được, ngay cả các nền y học được coi là tiên tiến hơn Việt Nam.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, bệnh nhân 91 còn được hưởng lợi từ hệ thống cách ly kiểm dịch chặt chẽ của Việt Nam: Hạn chế được số ca, tức hạn chế được số bệnh nhân nặng, cần chăm sóc đặc biệt. Như vậy, Việt Nam mới có thể dốc toàn lực để cố gắng cứu các bệnh nhân nặng.

Ca bệnh Covid-19 nặng nhất Việt Nam này đã được nhiều hãng tin và tờ báo quốc tế chú ý, nhất là khi Bộ Y tế quyết định dùng cả phương án ghép phổi để cứu bệnh nhân. Reuters còn nhấn mạnh việc Việt Nam đã cách ly hơn 4.000 người liên quan đến ổ dịch có bệnh nhân 91, phát hiện thêm 17 bệnh nhân khác và giúp họ hồi phục. Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM – ông Ian Gibbons – đã viết thư cảm ơn các cơ quan y tế Việt Nam vì tận tình chăm sóc viên phi công.

Các bài viết về bệnh nhân 91 trên báo chí quốc tế nhận được khá nhiều bình luận, đa phần là những lời cảm ơn và bày tỏ sự kinh ngạc khi công dân Anh được tận tình cứu chữa ở một quốc gia xa xôi. “Câu chuyện đáng kinh ngạc về Việt Nam, một quốc gia có dân số hơn 90 triệu người, chung đường biên giới với Trung Quốc, và cách họ ngăn chặn virus thực sự gây sốc! “Zero” tử vong! Đây là bệnh nhân nguy kịch nhất của họ. Họ đã dừng nó ở biên giới” – bạn đọc có nickname m4rky4tes (thành phố Reading, Anh), bình luận.

Nguồn: Báo Người lao động