Lời nguyện cầu trên chiếc bè lang thang
10:13 | Thứ năm, 09/03/2023 0Hôm nay tôi dừng chân trên một bè đánh cá của ngư dân. Ở đâu đó, tên lửa, bom đạn vẫn đang rơi trên xứ sở của thế nhân. Ở nơi kia chỗ nọ, những hội nghị thượng đỉnh về điều này, chuyện kia liên quan đến cõi nhân quần diễn ra. Tất thảy là hơi thở của thế giới loài người, cho sự tốt đẹp hoặc những mưu tính xấu xa ở phía trước. Dù dưới dạng thức và mục đích nào thì cũng là hiển thị của cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế giới loài người.
Đấu tranh sinh tồn ở thế giới loài người là khốc liệt nhất, là giành đất, giành miếng ăn, giành lợi lộc hoặc niềm tự hào về phía cộng đồng (đất nước), triều đại hay phe nhóm mình, hoặc cho chính bản thân một đế vương. Tôi giật mình, tạm dừng cuộc lang thang để “cảm” gì đó về loài mình, loài người, về thế giới của mình…
Cảm hứng... lãnh thổ
Thế giới có khó hiểu không? Không có gì ghê gớm hay khó hiểu cả. Nhìn lại tiến trình lịch sử loài người ba vạn năm qua cho đến nay, rốt cuộc ở mọi lãnh thổ (hay quốc gia bất kỳ) nó chỉ là: (1) không gian cho một cộng đồng sinh tồn; (2) cái ăn, việc làm cho chúng sinh trong cộng đồng; (3) phúc lợi được chia cho cộng đồng đó. Mẫu số của nó là bá tánh được hạnh phúc, an toàn, đúng tư cách của con người (khác các loài động vật khác trên dương thế).
Để có không gian sinh tồn người ta phải bảo vệ được lãnh thổ. Để có công ăn việc làm người ta phải tìm cách phát triển kinh tế. Để phúc lợi được chia cho chúng sinh, người ta phải thiết kế bộ máy nhà nước hợp lý để tiết kiệm của cải xã hội làm ra và điều khiển trong sạch việc phân chia đó công bằng.
Và con người xung phong (nhưng thực chất là giành nhau) nhận cái quyền điều khiển cộng đồng đó, từ ngữ đẹp đẽ gọi là lãnh đạo. Bởi đặc điểm đấu tranh sinh tồn đó mà “chiến tranh thì liên miên, liên miên”, hiểu cho tới nơi tới chốn thì nó không bao giờ thôi ở thế giới loài người. Con người nghĩ ra mọi thủ đoạn, mọi cách thức để “giành” và “giữ” cho được sinh tồn đó.
Để giết nhau, con người chế tạo ra những thứ vũ khí sát toàn diệt tận và đặt tên cho nó là những “thế hệ” tên lửa, bom, xe tăng, tàu ngầm mới. Ai không tỉnh táo sẽ nghĩ đó là tài giỏi, “văn minh”, “hiện đại”, ai tỉnh táo thì sẽ nhận ra đó là chỉ dấu man rợ, ghê tởm.
Ảnh: Kiếng Cận
Ở thời hỗn mang, một cộng đồng nhỏ, một nhóm người, hoặc một dòng họ nào mạnh thì lập ra chính quyền trên phần không gian đất đai và bá tánh mà họ sở hữu được thì được gọi là “triều đại”, “vương quốc”, “nhà A, B, C...”. Rồi các nước mạnh tại các châu lục đi làm thuộc địa ngay tại châu lục mình: chiếm lấy, sáp nhập các nước nhỏ xung quanh vào lãnh thổ mình, hoặc biến thành thành bang, tỉnh quận, chư hầu, thần phục (kiểu Trung Hoa, Nga, Ba Tư, Thổ...).
Các nước mạnh nhưng không gian châu lục mình đã chật chội thì đi mở thuộc địa ở các châu lục xa xôi khác (xu hướng phương Tây, như Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp…). Chẳng có quốc gia to mạnh nào mà bằng lòng với phần lãnh thổ mình đang có và không có máu “thuộc địa”. Cả nhân loại chưa bao giờ được thái bình. Cả địa cầu chưa bao giờ chung sống có luật lệ. Đó là dọc dài hỗn mang, cùng đều là man dã, mọi rợ, vị kỷ.
Xã hội loài người chỉ chớm định hình lề lối để chung sống, nghĩa là cùng tồn tại nhưng theo trật tự, quy ước, quy tắc, ngôn từ đơn giản gọi là “luật chơi” mới gần tám mươi năm nay. Lãnh thổ và biên giới các nước được cơ bản định hình kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Cõi người tạm có được trật tự và lối đi để bước đến cái phổ quát cần thiết cho một giống loài để loài người khác những động vật man dã khác. Dù nó chưa thực chất, hoàn hảo hay công bằng, nhưng hình dạng ước ao đó đã lộ ra, và dù chiến tranh thì vẫn cứ xuất hiện trong các nội quốc (nội chiến), tiểu vùng, hay lãnh thổ, nhưng không phải phạm vi toàn cầu.
Tinh thần hợp chủng, tức hướng đến mọi sắc tộc đều chung sống, tồn tại, trân quý sự đa đạng chủng nòi, văn hóa, khác biệt, được lan tỏa khắp nơi, khởi đi từ vùng đất non trẻ nhất, Bắc Mỹ.
“Thế giới mới” hay là sự lừa bịp?
Gần đây xu hướng bất chấp trật tự, xới tung luật lệ, phá vỡ quy tắc văn minh đã bắt đầu hiện ra, trỗi dậy. Nhân loại đang quay lại bản năng và vị kỷ, mông muội, man dã, dù tiện nghi sống thì ở nhà xây, cao ốc, đi lại bằng máy bay, xe hơi, tàu điện ngầm, đều mặc áo veston, váy, đầm và sử dụng internet. Đúng là không thể đưa “rừng” ra khỏi con khỉ.
Lãnh thổ của cộng đồng/quê hương người ta, nhưng phút chốc kẻ khác dùng vũ lực cùng thủ thuật cưỡng chiếm xảo quyệt để “sáp nhập” vào lãnh thổ mình. Một tiền lệ nhỡn tiền đang diễn ra và làm cho mọi quốc gia nhỏ đó đây liên hệ đến số phận mình. Vậy trật tự mới mà vài nước đang khuấy lên là trật tự gì vậy? Thế giới đa cực là bao nhiêu cực? Các cộng đồng bé mọn có còn tồn tại nền văn hóa của họ, thế giới tâm linh, tâm hồn của họ?
Nhân loại cần sự đa dạng về chủng nòi cũng như văn hóa nhưng đây đó có những nước không muốn điều đó. Thậm chí họ muốn viết lại cả lịch sử theo nhu cầu hiện tại và ý chí của họ, dù mọi con người đều biết lịch sử là tất cả những sự thật đã diễn ra trong quá khứ, trên mặt đất, trong từng phận người trước kia.
*
Mới hôm nào quốc gia này đi xâm lược quốc gia kia nhưng không quên mang những bức tranh, cổ vật văn hóa về. Chiến tranh là chết chóc và xâm lược là tàn bạo, nhưng với văn hóa thì vẫn còn sự quý trọng nơi những kẻ xâm lược. Nhưng lại có những quốc gia, khi xâm chiếm những quốc gia khác thì xóa sạch nền văn hóa của nước khác; đốt từ tranh, tượng đến tàng thư, nghĩa là xóa sạch lịch sử lẫn các giá trị của cộng đồng khác để dễ đồng hóa. Phải nhìn rõ bản chất của những kẻ đang bày cuộc chơi mới, những tay chơi lớn, nhìn từ lịch sử xa xưa cho đến đương thời. Nhìn cho rõ tính “thú” ở con người, khát khao và tham vọng vị kỷ.
Đúng lẽ trời đất thì nhân loại sẽ không có đơn cực hay đa cực mà phát triển tự nhiên. Tự nhiên là giao hòa, bình đẳng, không có kẻ trên người dưới, chiếu trên chiếu dưới, không có cả sự tự tôn, niềm tự hào, cái “ngã” riêng của một cá nhân, nhóm người, hay đất nước nào cả. Sự bình đẳng đã bị đánh cắp từ khi có đơn cực. Và nó sẽ càng bị đánh cắp nhiều hơn khi cái bánh đa cực vẽ ra. Thay vì một kẻ dẫn dắt thì giờ vài kẻ xâu xé sự dẫn dắt đó, cho mục đích cùng lợi ích vị kỷ của họ.
Như đã nói, đa cực là điều không bao giờ diễn ra và tồn tại, mà chỉ có vài kẻ “chơi chính” thôi, bởi sẽ có vài nhóm “cửa trên” hay đôi ba cá nhân nào đó tìm cách để đứng trên muôn người từ nỗi thèm khát đỉnh cao và sự thống lĩnh. Điều này không khó hiểu vì ngay cả các loài động vật cũng luôn có con chiếm ngôi đầu đàn để dẫn cả đàn theo, như loài chim khi bay, như con sư tử mạnh nhất trên thảo nguyên, con cá khỏe nhất trong nước, hay đàn kiến dưới đất.
Nghĩa rằng bất cứ loài động vật nào cũng có con đầu đàn, mà con người cũng chỉ là một loài động vật và là loài có nhiều mục đích, tham lam, cơ cầu danh vọng nhất. Bản chất của niềm tự hào, kiêu hãnh đã là đơn cực. Đơn cực là thiên lệch mà đa cực là càng thiên lệch, không còn chuẩn. Một đơn cực có thể (thành) chuẩn nhưng rơi vào vài cực hay đa cực nó sẽ thành loạn chuẩn, bị quậy phá, nếu luật chơi không được tuân thủ, mà tham vọng lãnh đạo nhân loại là “món” quá ngon ở cõi người này!
Nên sẽ không bao giờ có một thế giới mới, mà chỉ là xuất hiện một kiểu đấu tranh sinh tồn mới ở loài người, ở đó sẽ là nhiều mánh khóe, mưu mẹo, tranh giành khác đi, hình thức khác, khốc liệt hơn, nghĩa là đi cùng với nó là một dạng thức thống lĩnh mới (kẻ đứng đầu) và chịu đựng mới (chúng sinh).
Các giống nòi yếm thế sẽ về đâu...
Các cộng đồng bé mọn/nước nhỏ hẳn biết việc trước tiên và quan trọng nhất trong quản lý tổ quốc là bảo vệ, gìn giữ không gian sinh tồn của dân tộc mình. Bởi có thể GDP và phúc lợi quốc gia chưa chia đều cho chúng sinh, thể chế chưa hoàn thiện, tham nhũng chưa thể giải quyết xong, nhưng không gian sinh tồn của dân tộc là việc cốt tử sống còn, không có đường lùi, không thể làm lại. Bởi đơn giản, theo quy luật của lòng tham và niềm kiêu hãnh thì không cộng đồng/quốc gia nào khi chiếm được thước đất, thước biển của cộng đồng/nước khác mà tự nguyện mang trả lại. Mười ngàn năm nay lịch sử loài người đã hiển thị rõ ràng điều này.
Nhìn vào hiện hữu để tư duy tương lai.
Nhìn vào cái cụ thể để tư duy cái bao trùm.
Nước giàu chưa hẳn là văn minh hay được tôn trọng, và nước nhỏ không phải là không làm được điều lớn và có được sự nể trọng toàn cầu, ví như Qatar tổ chức World Cup, Israel trong phát triển nông nghiệp và quân sự để bảo vệ không gian cho cộng đồng mình, Phần Lan trong phát triển giáo dục và công nghệ, Hà Lan trong khả năng tồn tại dưới mực nước biển; Thụy Điển, Bhutan hay Singapore trong chia đều của cải xã hội cho chúng sinh... Còn có nơi (địa chỉ) bảo an cho sự toàn vẹn lãnh thổ/ không gian sinh tồn thì các nước nhỏ kia mới tồn tại được và kiến tạo được hạnh phúc thật cùng lẽ sống đúng nghĩa con người cho bá tánh trên xứ sở mình.
Chưa bao giờ thế giới nhiều “bẫy” như bây giờ. Những cái bẫy được tô son phấn: son phấn tăng trưởng, son phấn hạ tầng, son phấn phát triển, giả hình hữu nghị, giả hình ngoại giao, giả hình thương dân các nước (trong khi chính dân nước mình đã được tôn trọng và thương chưa?)... John Adams, chính trị gia, một trong những người lập ra nước Mỹ và đưa nước này độc lập khỏi đế quốc Anh hồi thế kỷ XVIII và cũng là tổng thống thứ hai của nước ấy, đã cảnh tỉnh cho thân phận các nước nghèo yếu khi phải chung sống với nước mạnh hơn: “Người ta có hai cách để chinh phục và nô dịch hóa một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh kiếm. Cách thứ hai là bằng nợ nần”.
Ngày nay, trật tự mới đâu không thấy, chỉ thấy ló dạng một kiểu làm thuộc địa mới, thâm hiểm và man rợ hơn, diễn ra ở khắp các nước nghèo và nhỏ. Trong bối cảnh nhiễu loạn giá trị này, các giống nòi yếm thế sẽ về đâu? Chấp nhận mọi kiểu rối loạn mà kẻ chơi mới khác tạo ra là đang “ổn định” ư?
Ảnh: Tuân Nguyễn
“Ổn định” chỉ thật có khi nó không có nguy cơ và không còn nguy hiểm. Ổn định là công chính trước thế giới, minh bạch, và được phán xét, là đưa ra trước nhân loại, để từ đó được ủng hộ, bênh vực và bảo vệ. Nghĩa là khi quốc gia nhỏ chính nghĩa bị xâm chiếm lãnh thổ hay lãnh hải, phải quyết liệt kiện kẻ xâm lấn kia ra tòa án công lý quốc tế. Kiện, tức là đang bảo vệ, là tự vệ, là tránh chiến tranh, đỡ tốn xương máu, là kiến tạo sự ổn định thật, cho lâu dài, và thêm nữa cũng là đóng góp vào hòa bình cũng như văn minh của nhân loại.
“Ổn định” dựa trên luật lệ và công lý, cách bảo vệ thông minh nhất và chính nghĩa, khi mà nỗ lực ở sự chân thành, hữu hảo và ngoại giao đã không có tác dụng. Là cách để cả thế giới giám sát, để không bị chèn ép tiếp tục hay chơi ăn gian, không bị mất mát thêm, và không bị nuốt chửng, mất sạch.
*
“Trật tự” là gì, đơn giản chỉ là chúng sinh được che chở, bình yên, được tôn trọng tư cách con người, và công bằng, thế thôi. Vậy thì làm khỉ gì có “mới” hay “cũ’. Mấy ngài làm chính trị hay mấy bạn chữ nghĩa salon ngồi nặn bậy nặn bạ ra, gây hoang mang bá tánh, làm phức tạp cái đơn giản, hiển nhiên, như thị.
Thế giới này đã khổ đau nhiều rồi, đừng vì mục tiêu kiêu hãnh dân tộc vị kỷ hay cái ngai của mình mà gây thêm đau khổ cho loài người, làm rối loạn trái đất. Những gì Liên Hợp Quốc thiết lập gần tám mươi năm nay đã tốt lắm rồi, chỉ cần thực hiện nó thực sự, rốt ráo, sòng phẳng, không thỏa hiệp và nương tay, ngoài mục tiêu duy nhất là vì phẩm giá con người và phẩm giá của mọi quốc gia. Nhân loại sẽ phải chuẩn bị một cuộc chơi mới. Đôi kẻ muốn soạn luật chơi mới cho mục đích của mình. “Mới”, nhưng chắc chắn sẽ rất khó hiểu, mà gây rối rắm, ngang trái, đau đầu nhân loại, khó có thuận hòa, bình đẳng, và bất công hơn nhiều. Các cộng đồng nhỏ, nước nhỏ, có nền văn hóa đặc thù lâu đời đa dạng sẽ rất hồi hộp đây.
Trên chiếc bè lang thang thế này, tôi không nghiêng về cực xu hướng nào cả, ngoài giá trị phổ quát đắc lý cho hạnh phúc con người, mà tôi cảm nhận như thị về thế giới loài người của tôi mà tôi đang sống, và những ảnh hưởng của nó vào hơi thở, cọng rau, con cá, chai nước, lít xăng, cũng như tâm hồn tôi.
Tôi không ngại sự chết, vì khi đã dám chọn cuộc sống bơi đánh cá giữa giông gió thiên tai khắc nghiệt từ vũ trụ thế này thì không có cái gì ở cõi người làm cho tôi e ngán, chẳng còn cái gì là to tát, quan trọng nữa, kể cả thân xác này.
Bởi tôi thương yêu loài người của tôi.
Nguyễn Hàng Tình
Chiến tranh: thuộc tính của loài người?
16:17 | Thứ bảy, 30/04/2022 0
Lịch sử trị vì thiên hạ và tranh đoạt, giành ngôi đã nhuốm máu con người kể từ khi xã hội bộ tộc rã đi và biến chuyển thành xã hội có tổ chức (nhà nước). Các loài động vật khác không có điều này và không đủ trí để làm điều này. Vì vậy chuyên chế hay đắc cử từ việc bỏ phiếu của bá tánh cũng là nhắm đến hình thức hòa trộn giữa “uy quyền” và “phục vụ” ở chiếc ngai dù gọi dưới tên gọi nào: thiên tử, vua, nữ hoàng, tổng thống hay chủ tịch, thủ tướng. Dù là chức phận hay uy quyền, “phục vụ” hay “cai trị”, khiêm nhường hay kiêu hãnh thì cũng là kẻ bề trên của muôn dân. Từng tình huống xuất hiện sẽ có ý nghĩa khác nhau ở vị trí đó, có thể là người phụng sự, người có bổn phận, là anh hùng, nhà lãnh đạo, hoặc là kẻ đoạt được thiên hạ, nắm được ngôi vương. Thì cứ gọi theo nhu cầu về xu hướng dưới những lớp vỏ ngôn ngữ.
Dù gọi dưới lớp vỏ ngôn ngữ nào, gọi khéo léo và mỹ miều đến thế nào thì chiến tranh cũng là “tìm và diệt” giữa người với người. Những thiên niên kỷ, thế kỷ trước, nếu loài người “tìm và diệt” nhau thì ở giai đoạn này không cần săn tìm nữa mà ở từ xa bấm nút đã giết được nhau, giết được nhiều người hơn, làm loài người ở đó hoảng loạn hơn và cõi người tan hoang rộng hơn. Dù gọi bằng tên gì thì bản chất ấy ở loài người cũng là tính “săn”. Các loài thú cũng đi săn, nhưng nó săn cho từng bữa ăn, còn loài người “săn nhau” cho muôn trùng mục đích. Mà khi còn thuộc tính “đi săn” đó, “ tìm và diệt” đó thì tính “thú” trong con người chưa bao giờ mất đi.
Càng về sau, cách thức mà loài người “săn” nhau càng man rợ hơn. Xưa một mũi tên lướt đi hạ sát một người, nay một tên lửa đạn đạo bay ra hàng loạt người tại chỗ tan mạng và hàng tỷ người chấn động tâm trí lẫn nhức nhối con tim. Xưa rình rập trong những cánh rừng, nay rình rập nhau trên từng mét không gian. Xưa tấn công nhau ở rừng, thảo nguyên, nay cứ nhằm đô thị (nơi con người sống tập trung và kết tụ thành tựu của loài người) mà tấn công…
Hiểm họa chiến tranh hạt nhân vừa trở lại với nhân loại. Trong ảnh: một vụ thử hạt nhân ở Thái Bình Dương. Ảnh: TL
Khi loài người hiểu biết càng nhiều, trí tuệ càng cao và kỹ thuật công nghệ càng tinh vi thì độ man dã càng biến dạng nâng lên theo tỷ lệ đó. “Giết nhau” mà cũng gọi là “hiện đại”, “nghệ thuật chiến tranh”, “công nghiệp chiến tranh”, “kỹ nghệ chiến tranh”, “học thuyết chiến tranh”, “triết lý chiến tranh”… Rồi phải đẻ ra đủ các khái niệm chiến tranh khác nhau để chỉ bản chất của từng chủng loại chiến tranh đó. Rõ ràng con người không phải loài thượng đỉnh mà là loài hiếu chiến đến độ... thượng đỉnh.
Cả thế giới, giờ quốc gia nào cũng có trường đào tạo việc đánh nhau và những viện nghiên cứu tác chiến, chiến tranh. Có những quốc gia còn cho công dân mình đi làm “nghề lính đánh thuê”. Con người trực tiếp đánh nhau. Con người ủy nhiệm con người đánh nhau. Cả trái đất thành “thùng” thuốc súng. Các loài khác không lố nhố, không luôn chuẩn bị cho chiến tranh và lo sợ nhau như loài người.
*
Loài người luôn muốn thay đổi trật tự ổn định hiện có của loài người, mà để thay đổi trật tự đó thì phải “chiến”, không ngại “chiến”. Ở Đại Tây Dương người ta lập liên minh quân sự. Ở Bắc Băng Dương, chỗ con người không thể thường trú, người ta lao đến giành phần bởi khoáng sản bên dưới. Ở Thái Bình Dương, người ta đòi chia đôi đại dương ấy...
Dùng sức mạnh vũ khí để nói chuyện chia chác. Địa cầu là của chung, nhân loại là của chung mà cứ như của riêng vài nước, của vua chúa, chủ tịch, tổng thống. Khái niệm mới ưa dùng: “lợi ích chiến lược quốc gia” trong răn đe vũ trang hiện đại, nhiều khi chỉ là sản phẩm điêu ngoa của mấy ngài làm chính trị, chỉ vài người, chứ vòng đời con người độ 80 năm thì họ cần được hạnh phúc ngay ở quỹ thời gian quý báu ít ỏi đó chứ hơi đâu để ý mấy thứ vẽ vời mơ hồ, xa xôi.
Đơn cử như hồi thế kỷ XII-XIII, thường dân Mông Cổ đâu cần lãnh thổ nước mình phải trải dài từ thảo nguyên Đông Bắc Á sang những xứ mà họ không cần canh tác, chăn nuôi hay nhu cầu đặt chân đến ở châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á... nhưng Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) vẫn cứ chinh phục, vó ngựa tung hoành, giẫm nát bất chấp đạo đức, lương tri.
Trái đất như miếng hamburger của những mưu đồ và tham vọng vị kỷ, mà chẳng bao giờ chấp nhận sự chia đều.
*
Giải trừ quân bị là giấc mơ xa vời, dĩ nhiên nó không bao giờ đạt đến được ở cõi người, với đặc tính của con người ngày càng tha hóa đến cùng cực.
Loài người biến loài người thành trò chơi - trò chơi chiến tranh. Trò chơi và danh dự, sự tồn tại và nỗi đau, lương tri và quỷ sứ, đạo đức và giả hình. Bất hợp lý và vô lý. Mọi thứ đều nhân danh. Trong những “vỏ bọc lợi ích”. Khắp địa cầu, những giá trị phổ quát của con người luôn bị đánh cắp, ăn gian, bỏ qua hoặc chà đạp.
Những thiên niên kỷ, thế kỷ trước, nếu loài người “tìm và diệt” nhau thì ở giai đoạn này không cần săn tìm nữa mà ở từ xa bấm nút đã giết được nhau, giết được nhiều người hơn, làm loài người ở đó hoảng loạn hơn và cõi người tan hoang rộng hơn.
Đơn giản vì loài người ngày càng tham lam hơn và tàn bạo hơn. Sự va chạm của các nền văn hóa chỉ là “gia vị” kèm theo của món “chiến tranh”. Có dân tộc xuất phát là dân du mục cũng bỗng một ngày muốn trở thành cư dân hải đảo. Vậy là tìm cách chiếm nuốt vùng biển của các dân tộc hải đảo khác. Đó đây có quốc gia dân số chỉ hơn trăm triệu người, lãnh thổ rộng mênh mông, trong ngày phải trải qua 11 múi giờ, tài nguyên bao la vậy mà vẫn muốn ngậm thêm đất đai lẫn ảnh hưởng vào các quốc gia lân cận.
Xâm lược hay tự vệ, chính nghĩa hay phi nghĩa thì cũng phải giết nhau, đánh nhau, bại và thắng, đau khổ và tự hào. Giết người bỗng trở thành “công việc” nghiêm túc và trò chơi chính quy!
*
Con người yêu quê hương của mình và không muốn mất quê hương.
Nhưng con người cứ muốn con người quy phục, cúi đầu, phụ thuộc. Các nước lớn gầm gừ nhau. Các nước nhỏ dõi theo tiếng gầm gừ đó mà định liệu. Nước “chiếu trên” và nước “chiếu dưới”. Các nước “chiếu dưới” ấp ủ ngoi lên, mơ nước lớn “sẽ vô tư và thật lòng với mình”, mà nhất là giấc mơ bình đẳng, công bằng và được tôn trọng.
Sự tử tế và ân oán cùng lúc tràn ngập khắp nơi giữa những cá nhân, giữa những nhóm người, giữa những cộng đồng, giữa những quốc gia. Trong sâu thẳm, các quốc gia không tin nhau, hoặc không tin nhau hoàn toàn.
Nghiệt ngã thật.
Nguyên nhân của chiến tranh thì đơn giản, bao thời nay, chỉ là “miếng ăn” và “sở hữu”. Đó là bản năng. Và bản năng thì mãi mãi. Khi còn là loài vượn đã thế và lúc thành người (đứng lên và đi được hai chân) càng thế. Trên mặt đất, xã hội loài người khác xã hội các loài khác đơn giản chỉ là trong cuộc sinh tồn nó có luật, lệ, quy ước. Gọi là luật để sống, hoặc luật chơi gì cũng được. Nhưng thực tế thì loài người luôn có thiên hướng chơi trật với luật, chà đạp lên luật, ít tôn kính luật.
Quê hương của người ta, bạn chơi trò chơi nã phi đạn tầm xa hàng ngày vào những đô thành. Nhà của người ta, bạn bảo muốn chơi và tiếp ai hay theo cách thức nào phải theo ý muốn của bạn. Tổ quốc của người ta, người ta có trách nhiệm bảo vệ nó, mà để bảo vệ thì phải có quân đội, quốc phòng, thì bạn yêu cầu người ta không được có quân đội. Thế giới con người thảm hại đến mức thế này rồi sao?
Vì thế mà luôn có chiến tranh ở nơi này, chỗ kia.
Vì thế mà trái đất chưa bao giờ bình yên!
*
Con người hiện đại được đến trường hay đi nhà thờ, thánh đường, nhà chùa, nhưng ít khi làm theo lời Chúa, Phật. Các nước bắt chước nhau đưa Thượng đế vào hiến pháp và bảo quốc gia mình nằm dưới Chúa Trời, như một cam kết tuân thủ về phụng sự, giá trị và đạo đức trước vũ trụ, nhưng họ không vận hành quốc gia như ý muốn thiện lành công chính của Thượng đế.
Thế giới loài người luôn là vậy đó.
Vì thế mà mọi thứ luôn âm ỉ hoặc căng như dây đờn.
Vì thế mà ở đâu nhân tâm cũng luôn loay hoay, động loạn.
Còn sống, con người còn ham cầu, tranh giành và khát vọng mọi thứ. Mà thứ nào cũng là mầm mống của đánh nhau. Chỉ lúc chết con người ta mới kết thúc điều đó. Con người hay quái vật, tiền nhân buổi quá vãng nếu có tái sinh cũng không còn nhận ra đây là “loài mình”! Nếu bênh vực những trận chiến tàn khốc thì nói sao đây với những con người đã tan xương nát thịt và nỗi lòng những người bỗng chốc thất lạc quê hương, mất mát tất cả thành quả lao động bao năm!
Những gì còn lại trên một con phố ở Ukcraine sau khi bị hỏa lực Nga phá hủy, 4.2022. Ảnh: AP
Cái man dã sẽ luôn “săn”, nghĩa là “tấn công” cái văn minh. Cái văn minh sẽ luôn “săn” cái man dã. Đặc tính này sẽ không buông tha nhau và không bao giờ nhường nhịn nhau. Câu nói khủng khiếp đối với tính nhân bản chỉ có thể xuất hiện trong xã hội loài người: “Muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”. Vậy nên thi nhau chế tạo ra những vật dụng để giết người và chạy đua vũ trang. Thêm một cuộc chiến là thêm một sự xấu hổ, tiếp tục những trang sử đen tối được vẽ lên trên mặt mũi loài người.
Dù không muốn nói ra nhưng con người ai cũng nhận thấy những người ưa phát động chiến tranh và bắn giết đều có biểu trạng ánh mắt và khuôn mặt thường giống nhau.
Nhiều khi tôi chợt nghĩ nếu đức Phật, đức Jesus, đức Muhammad có mặt ở thời điểm này của lịch sử loài người thì các ngài sẽ có thái độ thế nào với dương gian này và giải bài toán cụ thể của loài người ra sao?
Chưa bao giờ loài người thật sự yêu thương loài mình rốt ráo. Ôi cái loài mọi thứ thanh lành chỉ diễn ra ở chót lưỡi, còn hành động cụ thể thì chống lại trái tim và lội ngược lại những gì diễn ra trên môi! Cộng đồng loài người vừa bảo vệ mình và vừa hủy diệt mình. Cả hai đều là nhiệm vụ, theo quy luật mà tạo hóa giao.
Nghiệt ngã thật.
*
Loài người ngày nay đang như là những “bộ tộc” mới ở đô thị, thành phố. Những “bộ tộc mới” được trang hoàng bởi bê tông, tiện nghi và công nghệ. Thực chất nhìn rốt ráo sẽ nhận ra chỉ là cái thuộc tính “thú” đã mang hình thái khác trong việc cộng sinh và tồn tại mà thôi. Nó tinh vi, ranh ma, màu mè hình thức, đầy kỹ xảo, với đạo đức giả điêu luyện hơn thôi.
Ai sẽ khóc cho loài người ngày mai? Hay rốt cuộc, rất đơn giản nhưng siêu phàm là tư tưởng trong tôn giáo cổ xưa Véda rồi Bà La Môn giáo ở Ấn Độ đã chỉ ra bản chất của vũ trụ (mà loài người và cõi người là một phần nhỏ trong đó) là một vòng tròn của phá hủy - sinh thành - bảo dưỡng, nghĩa là ba cực này nhất thể trong một sinh thực, là luôn diễn ra như vậy. “Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ ba sẽ sử dụng vũ khí nào, nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ tư sẽ sử dụng gạch đá!” - ý của con người thông minh nhất thế kỷ XX, Albert Einstein, là loài người sẽ man dã trở lại như người thời tiền sử mông muội kia.
Làm ơn tin tôi đi, là rằng con người chỉ hiền lành khi không tham lam và ít dính tới lợi ích. Khi đó “chiến” sẽ ít lại. Mà làm sao nó có thể ít lại được?
Dưới vòm trời tự nhiên này, loài động vật nào cũng có chiến tranh trong cuộc đấu tranh sinh tồn, nhưng mức độ man dã, tàn khốc và tuyệt đối của nó khác với loài tự cho là văn minh, hiện đại, thượng đẳng: loài người.
Hai năm qua, nhân loại tang thương, náo loạn và rã rời vì dịch bệnh truyền nhiễm (Covid-19) mà chưa rõ là thiên tai hay nhân tai. Trong trạng thái chưa hoàn hồn đó, năm nay nhân loại bày trò mới, đẩy loài mình cùng trái đất vào cuộc rúng động, khủng hoảng, đau thương, đảo loạn thêm cho một thứ chiến tranh vừa cũ vừa mới.
Nghiệt ngã thay!
Nguyễn Hàng Tình
Loài người "tiến hóa" đến đâu rồi?
10:08 | Thứ tư, 26/05/2021 0
- Những khung cửa sổ trong cơn đại dịch
- Đại dịch Covid-19 và cơ hội thay đổi
- Bệnh dịch và số phận của con người xã hội
Dịch bệnh đang diễn ra là thách thức của tạo hóa đối với loài người, với tư cách một sinh vật. Tôi chưa nhiễm COVID-19. Nhưng không biết khi nào, với tình hình hiện nay ở dương gian. Mặt đất rúng động. Nhân loại khủng hoảng sự sinh tồn. Nước giàu, nước nghèo; xứ sở nông nghiệp hay công nghiệp; gần xích đạo hay xa xích đạo; hải đảo hay lục địa; da trắng hay da màu; có tôn giáo hay không tôn giáo, đều lắc lư, bất an. Nghĩa là đồng loại tôi trên khắp địa cầu cùng chao đảo, dù đất nước tôi có nhẹ hơn nhiều nước khác nhờ khéo chống đỡ.
Giờ, cứ nhấc máy gọi cho ai thì cũng được lời khuyên nhắc ngay trong điện thoại từ Bộ Y tế cho việc phòng giữ sức khỏe và chống lại dịch bệnh. Hàng quán vừa làm ăn vừa cẩn thận với sinh tử. Cô bác nông dân vừa đi mua phân bón vừa giãn tránh gần người lạ. Nhìn thấy cô bác bán bó rau, thau cá ở chốn thanh bình xó núi, xó rừng mà còn thường trực cái khẩu trang trên miệng, chợt cảm nhận về một nỗi lo. Đôi lứa yêu nhau vừa ân ái vừa cảnh giác COVID-19. Chẳng sinh hoạt nào còn bình thường, và chẳng ai còn làm việc tự tại, vui sống an nhiên, kể cả các em thơ.
Nhìn truyền hình thế giới chuyển tải cảnh đốt người la liệt như đốt rác và không đủ củi để đốt người ở Ấn Độ, Nepal mà nghĩ không biết trái đất này có còn là thế giới của loài người, loài thượng đẳng nữa không. Siêu vi rút này vô hình nhưng nó tấn công vào loài người trực tiếp, đồng loạt, và gây thảm kịch nhỡn tiền.
Đến lúc này hầu như không còn quốc gia nào “thoát”. Trong lịch sử xã hội loài người, chưa bao giờ bệnh viện dã chiến mọc lên khắp thế giới như thế này. Chiến tranh thảm khốc thế giới thứ I, thứ II, hay chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ ở các thế kỷ phong kiến trước đó nữa chỉ xảy ra ở từng cặp nước lân bang, thuộc địa, từng vùng, hoặc châu lục là tang thương chứ không vừa tang thương vừa gieo rắc nỗi sợ hãi trong từng sinh phận người trên dương gian như thế này, kể cả nơi hẻo lánh nhất.
Giữa biển dịch đây đó trái tim nhân hậu bừng sáng, tình yêu thương, sự sẻ chia vẫn nở hoa khắp nơi. Những đùm bọc và những bỏ rơi. Những trong sáng và những mưu đồ. Những vô tư và những mặc cả. Thường dân chết. Bác sĩ chết. Tỷ phú chết. Nghệ sĩ chết. Tổng thống, thủ tướng lâm bệnh. Nghĩa là người giàu hay người đang nắm trong tay cả nền y tế cũng chết. Sự “ra đi” nào cũng trong nháy mắt. Các nước kêu than. Các nước hợp tác. Các nước chửi nhau. Lòng nhân ái lên ngôi và lý trí lên ngôi cao hơn. Trí tuệ con người bị giằng xé. Tâm hồn con người bị giằng xé.
Hỏa táng người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: The New York Times
Giữa trùng vây dịch bệnh con người vẫn nghĩ về vũ trụ, tạo hóa, tâm linh, thế giới siêu nhiên, và đoàn người vẫn hành hương về với các đền thờ Hindu ở Ấn Độ. Giữa một nền y học tiên tiến của loài người hiện đại ở thế kỷ này và sự dồn ép của dịch bệnh, người ta vẫn thành kính làm lễ cầu nguyện cho người vừa tắt thở ngay trong bệnh viện. Nghĩa là vẫn nhận thấy con người nhỏ bé trước vũ trụ, tạo hóa.
Thảm cảnh diễn ra ở mọi ngóc ngách của xã hội loài người. Hệ thống chính phủ trên toàn thế giới vất vả lèo lái điều khiển xã hội, kinh tế, y tế, bảo vệ sinh mạng cộng đồng mình. Không chỉ những người đã “ra đi”, những con người còn sống sót tròng trành trong cuộc mưu sinh, mất việc làm, đói ăn, đổ vỡ, cùng kéo theo những bi kịch thầm kín về gia đình, bản thân mà không ai có thể chui vào từng sinh phận để mà biết được. Nghĩa là, trước vũ trụ, sinh phận con người là trò chơi có tổng bằng 0.
*
Hẳn loài người ai nấy đều đang thức tỉnh ra nhiều điều trên mặt đất.
Thời sự chủ lưu hàng ngày là dịch bệnh. Nghĩa là thông tin về cái bất hạnh, chứ không phải về hạnh phúc. Là “ngoại giao” thứ chết chóc (ngoại giao vaccine coronavirus, là máy thở, máy tạo ôxy, thiết bị y tế...), tranh thủ cơ hội để gây ảnh hưởng, tạo lợi thế, gài nhau, đưa nhau vào thế phụ thuộc; là nhăm nhe mở rộng lãnh thổ; là dọa nạt, ức hiếp các nước nhỏ, và so kè, hơn thua giữa các đại cường.
Nhân loại đang đặt phẩm giá lên hàng đầu hay của cải ngập mặt, cơ cầu lợi ích vặt tầm thường nhất thời, dù khi khép mắt đều giống như nhau ở thể hữu cơ và chẳng mang thứ gì ra đi.
Trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc với đồng loại đó, tên lửa, phi đạo, tàu chiến, tập trận, duyệt binh... vẫn diễn ra ở nhiều đại dương, từ mặt biển đến trên trời. Cứ như con virus kia bỗng trở thành “con tin” cho những toan tính của loài người hiện đại. Nó cho thấy con người nhỏ nhoi, mong manh, nhưng cũng đầy tham lam, ích kỷ và hung dữ. Nên nhớ, văn minh không phải là sáng chế ra những loại vũ khí siêu đẳng (mục đích của nó nhắm vào chính loài người), hay chinh phục vũ trụ (vì nó chỉ nhằm thỏa mãn lòng tham vô tận) mà phải là sự tăng trưởng nhân tính và sống chan hòa, thuận lành với trời đất. Văn minh cũng không phải là thành tựu gia tăng năng suất lao động và của cải vật chất ngập ngụa cõi người, mà rằng mọi thứ ấy có làm cho loài người an toàn, sống thanh bình hơn và không làm tổn hại đến nhau cũng như hủy diệt không gian sống, thiên nhiên không?
Khả năng “chinh phục” thiên nhiên và khả năng tạo ra của cải vật chất là cực đối khác của cực tăng trưởng nhân tính với tư cách loài có trí tri tốt nhất, mà cực thứ hai mới là thước đo phẩm giá của loài người (so với các loài khác trong thế giới tự nhiên). Nếu ai bảo loài người là chủng loài văn minh, thì hãy nhìn thẳng vào “chân dung” thực chất hiện tại của loài này.
*
Rồi, thì những ngày giỗ ở Ấn Độ, Brazil... sau này cho những người thân đã ra đi vì COVID-19 sẽ nhớ về nó như một nỗi oan cừu, mối hận. Người ta sẽ hận, vì những cái chết hàng loạt ấy không đến vì bom rơi đạn nổ mà từ một loại virus, và không biết virus đó từ đâu mà ra. Triệu triệu cái chết dễ dàng và oan uổng kia giao trách nhiệm lại cho những người còn sống, không phải là công việc của lương tâm nữa mà là việc cứu lấy chủng loài (Homo Sapiens - con người hiện đại). Nó không phải là chuyện giỡn chơi. Nó là thảm kịch nhân loại, tại một giai đoạn lịch sử của loài người. Nó là chuyện sống còn của cả nhân loại. Nó không được phép cho qua. Nó là công việc bình thường của một loài đã tiến hóa, loài duy nhất trên trái đất có nền giáo dục, đặt ra vấn đề đạo lý, và có tôn giáo tín ngưỡng, có tổ chức xã hội toàn loài.
Thời điểm này, chống dịch, và cứu người là trước hết, cấp gấp. Ấy là phần ngọn. Nhưng phần sống còn cho lâu dài, là phải nhìn thấy căn nguyên của nó. Loài người đang muốn chinh phục và đặt chân lên thêm nhiều hành tinh xa xôi khác trong Thái dương hệ thì việc tìm ra căn nguyên của chủng virus này nơi mặt đất để cứu nhân loại (và không để tạo ra tiền lệ) dĩ nhiên chẳng khó. Cả xã hội loài người không thể là trò chơi trên chiếc bàn gỗ vài ba mét vuông trong phòng làm việc của dăm ba chính trị gia hay một hai nhóm người nhỏ nào đó ở một hai vùng đất cho những mục đích hay tham vọng vị kỷ nguy hiểm. Nó đang đòi hỏi tính nhân bản, thực hành trí tuệ, và sự chân chính (nếu thật có) của loài người. Nó là câu trả lời cho câu hỏi loài người là loài nhân ái hay man rợ, dũng cảm hay nhu nhược, tài trí hay mông muội, hữu minh hay vô minh, thượng đẳng hay chỉ là một loài thú biến hóa bản năng và không thể lột được cốt chất hoang dã xa xưa.
Câu hỏi về “văn minh” lơ lửng trên đầu nhân loại.
Nhân loại đang đặt phẩm giá lên hàng đầu hay của cải ngập mặt, cơ cầu lợi ích vặt tầm thường nhất thời, dù khi khép mắt đều giống như nhau ở thể hữu cơ và chẳng mang thứ gì ra đi.
Tôi thương chủng loài của tôi làm sao, dù họ ở đâu trên mặt đất này và tôi cũng chưa từng đi đâu khỏi quê hương mình.
Từ rừng hoang thanh vắng an lành tôi bước ra phố thị để rã lòng và ngồi viết những dòng rỗng không này. Nhìn xung quanh, cô bác ai cũng dính khẩu trang trên mặt - hình ảnh mà trước năm 2020, tôi nào có thấy...
Nguyễn Hàng Tình