Hơn 20 năm trước, tôi và anh Dũng [1] (mới qua đời hôm 28/2) cùng phục vụ trong một đại học. Tôi ‘trụ trì’ ở khoa y, anh ấy khoa kinh tế. Tôi là ‘ma mới’, còn anh ấy là dân ‘kì cựu’. Tôi trẻ (tôi nghĩ vậy), anh ấy không còn trẻ. Lúc đó, anh ấy chưa bao giờ biết tôi, nhưng rất tận tình giúp chỉ vì tôi là người Việt thứ hai giữ chức giáo sư ở đó, và anh ấy là người đầu tiên [2].
Gs Trần Hữu Dũng (1945 – 2023)
Mới chân ướt chân ráo dọn về Dayton (OH), tôi chẳng có xe cộ đi lại, cũng chẳng biết đường đi nước bước gì hết. Nhưng chỉ 1 ngày sau, tôi được anh ấy giúp đỡ tận tình. Anh chủ động liên lạc tôi làm quen (có lẽ vì người Việt ở đây rất ít) và ngỏ lời giúp đỡ, mà tôi không thể từ chối. Ngày hôm sau, ảnh lái cái xe bán tải (pick-up truck) chở tôi đi mua một cái bàn làm việc và vài đồ đạc nhà bếp. Nhưng chẳng hiểu nghĩ sao, ảnh nói ‘Thôi, tôi cho ông cái bàn của tôi để lấy hên, mua chi tốn tiền’. (Anh ấy luôn gọi tôi là ‘ông’ dù anh lớn hơn tôi cả 10 tuổi).
Rồi chúng tôi về nhà ảnh ở một vùng ngoại ô Dayton. Mới bước vào nhà, tôi kinh ngạc cái ‘cơ ngơi’ mà ảnh nói là ‘Tui ở dưới này nhiên hơn là ở trong office ở trường’. Chữ ‘dưới này’ chính là cái ‘basement’, tức tầng hầm dưới nhà, rất tiêu biểu ở miền Trung Tây nước Mĩ. Nhưng đây không phải là tầng hầm bình thường, mà nó khá rộng như một căn nhà nhỏ ở Úc!
Đóng góp lớn từ cái basement!
Chỉ cần bước vào cái cơ ngơi dưới cái basement của anh ấy là biết ngay đây là một người khoa bảng. Sách vở, tạp chí, tập san khoa học, báo chí la liệt khắp phòng. Hai cái bàn rộng, mỗi cái có 2 cái computer hình như lúc nào cũng mở. Ở góc phòng là cái dàn máy chơi nhạc, nhưng ảnh nói ‘Tui không có thì giờ nghe đâu’. Đây chính là ‘toà soạn’ mà anh Dũng làm trang Viet-studies và trang Arts & Letters Daily ròng rã hơn 20 năm. Chỉ một mình anh, không có phụ tá gì hết.
Rồi hai anh em hì hục khiêng cái bàn gỗ ra xe để chở về nhà tôi, cách đó chừng 10 km. Chở về tới nhà, rồi lại mất cả nửa tiếng đồng hồ để sắp xếp cho hợp lí và hợp tánh tôi. Xong việc, anh Dũng nói ‘Thôi, tui về nghen, chắc lâu lắm mình mới gặp lại.’ Tôi hơi ngạc nhiên là sao anh ấy nói vậy vì mình làm chung trường mà.
Mà, đúng như anh ấy nói, phải cả 6 tháng sau tôi mới gặp anh ấy lần nữa. Lúc đó, tôi mời anh ghé qua cơ ngơi của tôi ở khoa y để trước là khoe anh ấy những thiết bị mà trường trang bị cho nhóm của tôi, và sau là kéo anh đi ăn trưa để trả ơn. Tôi hỏi anh ấy muốn đo mật độ xương không, ảnh nói ‘Thôi, để bà xã tôi đo. Máy của mấy ông phát hiện những bệnh tôi không muốn biết.’ Bà xã anh Dũng là chị Phương Mai. Chị ấy là một quan chức cao cấp (cấp giám đốc) trong trường, mà tôi hay nói đùa là chức vụ và quyền uy còn cao hơn anh ấy.
Chẳng biết chị xa quê hương bao lâu, nhưng chị nói tiếng Việt y như người miền Tây, không một chút pha tiếng Anh. Có một điều tôi nhớ hoài là chị Mai nấu ăn rất ngon. Một hôm anh ấy mời tôi về nhà vì chị Mai muốn đãi tôi một bữa ăn theo hương vị miền Tây. Thời đó, anh em gốc Việt trong vùng rất khó gặp nhau, một phần là do công việc, một phần khác là ở cách nhau khá xa. Thành ra, gặp nhau trên bàn cơm là lí tưởng nhứt. Cho tới giờ, tôi vẫn nhớ món cá kho chị ấy nấu, ngon ơi là ngon. Đó là lần thứ ba tôi gặp anh Dũng. Và, cũng là lần cuối!
Một thời gian sau, tôi ‘tậu’ được một chiếc xe Honda (do anh bạn LTT) để lại, và làm quen khá nhiều bạn ở Ohio, và không có dịp gặp anh một lần nữa. Sau này tôi không ngờ họ đều là những người thành danh. Tôi quen vợ chồng anh NVT, anh ấy là một tiến sĩ và kĩ sư giữ chức quan trọng trong ngành điện lực, còn chị là giáo sư về nông nghiệp. Từ anh NVT, tôi quen vợ chồng anh LTT ( người tôi hay gọi vui là dân ‘Thái Lọ’), lúc đó là một postdoc từ Anh sang làm việc ở Ohio State University. Rồi Vũ Gs Vũ Quốc Phóng (đã qua đời vài năm trước) và Gs Phạm Hữu Tiệp, một ngôi sao toán học. Đặc biệt, tôi hay qua lại với các anh P (cựu sĩ quan VNCH, đã qua đời) và anh T (cựu sĩ quan không quân VNCH và lúc đó là captain gốc Việt đầu tiên của hãng hàng không American Airlines). Các anh sĩ quan lúc nào cũng cảnh báo tôi rằng anh Dũng là ‘thân cộng’, các anh ấy thậm chí còn nói thẳng trước mặt tôi là ‘mày cũng thân cộng’, nhưng các anh vẫn vui vẻ bù khú nhau trên bàn tiệc, không hề phân biệt. Tôi không bao giờ nói nhận xét đó cho anh Dũng biết. Tôi thật sự kính trọng các anh cựu sĩ quan VNCH. Cuối tuần nào tôi cũng lái xe hàng trăm cây số ghé thăm bạn bè và … ăn nhậu.
Chiếc xe ‘huyền thoại’ Honda Civic của tôi ở Ohio trong mùa đông, tuyết đóng đầy hết xa và bãi đậu xe.
Nhưng ‘mựu sự tại nhân, thành sự tại thiên’, vì một lí do riêng, tôi đành quay trở về Úc trong sự nuối tiếc của bạn bè và đồng nghiệp. Kể từ đó, tôi chỉ gặp anh Dũng qua mạng và email. Có lần chúng tôi soạn ‘Bản ý kiến’ gởi cho các vị có quyền thế trong nước [3] và anh Dũng là một trong 12 người tham dự soạn thảo. Rồi email càng lúc càng thưa, có khi cả vài năm mới có một liên lạc. Nghe tin anh ấy qua đời, tôi thật sự sốc nhưng không quá ngạc nhiên ở cái tuổi của anh và căn bệnn tiểu đường anh mắc đã lâu.
Người uyên bác và viết hay
Anh Dũng là người đọc nhiều và ‘tiêu hoá’ thông tin rất nhanh, nên có kiến thức uyên bác. Tính uyên bác của anh thể hiện rất rõ trong các bài viết trên báo chí trong nước. Không chỉ trong chuyên môn, anh ấy còn là một nhà báo thứ thiệt. Anh có một năng lực sàng lọc thông tin rất tuyệt vời, một độ nhạy cảm rất cao để nhận ra những bài báo cần đọc và lan truyền mà tôi nghĩ khó ai có thể bằng anh. Những bài anh chọn không hẳn là những bài hay, hay những bài mà anh ấy đồng tình, mà chỉ là tư liệu. Anh tâm sự rằng “Có những bài buồn cười hay dở quá thì tôi cũng bỏ vô để anh em đọc chơi cho vui. Mục đích là tôi muốn giới thiệu cho bạn bè những bài tôi đọc mỗi ngày”.
Một kĩ năng của anh mà tôi thấy giới trẻ nên học: viết lách. Dù xa quê hương đã lâu, nhưng anh viết văn bằng tiếng Việt còn hay hơn nhiều nhà báo trong nước. Bài nào anh viết cũng hay, gãy gọn, và dùng chữ chính xác. Trong bài “Phiếm Luận Về Danh Xưng Với Học Vị, Học Hàm“, anh mô tả sự ngượng ngùng của giới khoa học ở nước ngoài khi về Việt Nam:
“Khi mới từ nước ngoài trở về Việt Nam, không ít người có cảm giác lạ lẫm khi đọc báo thấy những trí thức khoa bảng luôn được kèm theo danh hiệu Giáo Sư (GS), Phó Giáo Sư (PGS), Tiến Sĩ (TS), và nhất là khi những danh hiệu này đi kèm nhau: GS TS, PGS TS. Thậm chí, nhiều bạn đã có tiến sĩ, là giáo sư ở nước ngoài, cảm thấy ngượng ngùng, bối rối khi ‘được‘ gọi như vậy trên các phương tiện truyển thông đại chúng, không liên hệ gì đến học thuật, ở Việt Nam. Hơi ngượng, khá bối rối, nhưng rồi lại không dám yêu cầu báo chí không gọi là tiến sĩ vì như thế lại e bị hiểu lầm là lập dị, là ‘kênh kiệu ngược‘ (reverse snobbery).”
Trên mạng, anh tận tuỵ điểm báo mỗi ngày, và đối với những bài đáng chú ý, anh hay kèm theo một vài câu dí dỏm, có khi châm biếm, nhẹ nhàng. Anh hay châm biếm những quan chức trong nước hay nổ, trong đó có ông NTN là ‘đối tượng’ anh thích chọc ghẹo.
Mặc dù bị chận ở trong nước, hai trang Viet-studies và Arts & Letters Daily là ‘thức ăn thông tin’ quí báu cho rất nhiều người. Từ nhà báo, văn nghệ sĩ, đến quan chức nhà nước, ai cũng đọc hai trang đó, nhưng có lẽ họ không bao giờ dám trích dẫn. Tôi hay nói với bạn bè rằng hai trang Viet-studies và Arts & Letters Daily là đóng góp lớn nhứt và có ý nghĩa nhứt của anh cho giới học thuật ở Việt Nam. Có thể nói rằng qua hai trang đó anh đã đem lại ‘ánh sáng’ cho biết bao người. Dù không ở trong nước, tôi vẫn tự xem mình là một người mang ơn anh Trần Hữu Dũng.
Trong đời, có những người mình chỉ gặp vài lần nhưng họ để lại những ấn tượng sâu sắc. Đối với tôi, anh Dũng là một người như thế: chỉ gặp nhau 3 lần, nói năng chẳng mấy lời, nhưng tôi nhớ hoài. Nhớ cái tánh điềm đạm và dí dỏm, nhớ cách xưng hô ‘ông’ mà anh dành cho tôi, và nhớ những câu bình luận hóm hỉnh trên trang web của anh. Từ nay, công chúng không còn dịp để thưởng lãm những bình luận như thế.
Xin mượn cái note này để nói lời cảm ơn anh đã cho tôi những thức ăn tinh thần mỗi ngày. Xin chia buồn cùng chị Phương Mai và các cháu về sự mất mát quá lớn này. Tôi cầu nguyện hương hồn anh siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.
___
[1] Anh Dũng đã là người kín tiếng, ít khi nào nói về gia đình mình. Tôi chỉ biết anh sanh năm 1945 và là con trai của Bs Trần Hữu Nghiệp, người gốc Bến Tre. Năm 1963, anh ấy đi du học ngành kĩ sư điện tử và vật lí, rồi về Việt Nam làm việc ở Đà Lạt. Năm 1972, anh ấy lại đi du học tiến sĩ ngành kinh tế tại Đại học Syracuse. Sau 1975 thì anh ít về Việt Nam.
[2] Lúc đó, anh Dũng đã là ‘Associate Professor’ của khoa kinh tế trong một thời gian dài, và được nhiều người nể trọng. Còn tôi mới vào thì chỉ là ‘Assistant Professor’ nhưng một năm sau thì thăng lên ‘Associate Professor’. Đó là nơi đầu tiên tôi và các đồng nghiệp có được tài trợ từ NIH để làm nghiên cứu về sự tăng trưởng của xương. Người tuyển tôi là Giáo sư gốc Úc Alex Roche, sau này ông qua đời ở tuổi 95.
[3] https://ykien.tapchithoidai.org/anYKien.htm
Bản tin VitalSigns của Khoa Y (WSU) chào đón ‘ma mới’ (là tôi)