Chưa đầy 1 ngày sau khi Thanh Niên đăng tải, người đàn ông Mỹ gốc Việt - David Vuong Frey (49 tuổi) đã có tin tức về ba mẹ ruột của mình ở TP.HCM với những điều "vượt sức tưởng tượng".
Người dì ruột ở cách TP.San Diego… 2 giờ đi xe
Câu chuyện người đàn ông Mỹ gốc Việt - David Vuong Frey tìm lại gia đình ruột ở Chợ Lớn (TP.HCM) được đăng tải trên báo Thanh Niên thông qua bài viết: “Người đàn ông Mỹ gốc Việt tìm ba mẹ ruột ở TP.HCM: Chạy đua với thời gian vì…”, khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Độc giả đã để lại nhiều bình luận, cầu mong cho phép màu sẽ đến với người đàn ông sống ở đất nước cách chúng ta nửa vòng trái đất.
Chưa đầy một ngày, phép màu đó đã thực sự xảy ra, khi bà Đào Thị Kim Ngọc - người làm chứng trong giấy tờ cho con của ông Vương Văn Bảo (ba ruột của ông David) đã gọi cho anh Đỗ Hồng Phúc (27 tuổi, ngụ TP.HCM) - kiến trúc sư đã hỗ trợ ông David tìm lại thân nhân.
Điều bất ngờ, cuộc gọi ấy lại xuất phát từ tiểu bang California (Mỹ), cách nhà của ông David ở TP.San Diego chừng 2 giờ đi xe. Bà Kim Ngọc xác nhận mình là dì của ông David, và ngày 29.9.1974 đã cùng chồng - ông Huỳnh Công Hiếu ký tên làm chứng để vợ chồng ông Bảo cho cậu con trai vừa mới chào đời.
Kể với người cháu trai, bà Ngọc nói rằng ông Vương Văn Bảo đã mất năm 1976. Đến năm 2012, mẹ ruột của ông - bà Đào Thị Nam cũng mất tại TP.HCM. Cùng với David, họ có 2 người con cũng đang sống tại TP.HCM này. Về phần mình, bà Kim Ngọc đã chuyển sang Mỹ định cư từ lâu.
Cũng theo lời người dì, những ngày còn sống, mẹ ruột ông David đã không thôi mong muốn tìm lại người con mà vợ chồng bà đã đứt ruột cho đi. Bà Nam đã gửi giấy tờ với các thông tin về con để em gái đang sống ở Mỹ tìm kiếm, nhưng không có kết quả.
Ngay sau đó, bà Kim Ngọc đã gửi cho ông David xem giấy khai sinh của mình với những thông tin đã nhuốm màu thời gian. Không còn gì để bàn cãi, bởi tất cả những thông tin về ông đều hoàn toàn trùng khớp đến khó tin.
“Dì nói rằng ngay đến khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn không thôi mong muốn tìm lại tôi. Mọi thứ thật sự nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, khi người dì lại chỉ sống cách nhà tôi 2 giờ đi xe. Trong khi đó, suốt những năm qua, tôi đã về Việt Nam tìm kiếm khi ba mẹ đã không còn trên cuộc đời này nữa", ông xúc động.
Sẽ về Việt Nam một ngày không xa
Ngay khi nhận được thông tin từ anh Đỗ Hồng Phúc, và dùng hết sự can đảm của mình đã gọi cho dì để trò chuyện, David nói rằng trong ông bây giờ có vô vàn những cảm xúc lẫn lộn khó lòng diễn tả hết được bằng lời.
Một mặt, ông vui và hạnh phúc khi đã trả lời được câu hỏi lớn nhất cuộc đời mình, rằng: “Ba mẹ ruột của tôi là ai?”, khi biết mình vẫn còn những người thân ruột thịt. Mặt khác, ông buồn và tiếc nuối vì ba mẹ đã vĩnh viễn không còn tồn tại trên cõi đời này.
Nhìn những bức ảnh của mẹ được dì gửi cho, trái tim của người đàn ông mái tóc hoa râm xốn xang, loạn nhịp như chưa từng có cảm xúc kỳ lạ đến thế. David báo tin cho cô con gái Mea Dao Busch (23 tuổi), khiến chị cũng ngổn ngang những cảm xúc giống ba, vừa vui, vừa xúc động. “Tối nay, có lẽ là một đêm khó ngủ với tôi và gia đình của mình”, người đàn ông Mỹ tâm sự.
Dự kiến cuối tuần sau, khi đã sắp xếp ổn thỏa được công việc, ông sẽ lái xe đến để gặp dì của mình. Với ông, đây là một trong những cuộc gặp gỡ đặc biệt nhất trong đời, khi ông sẽ được giải đáp hết tất cả những thắc mắc mang suốt gần nửa thế kỷ đời người.
“Tôi thật lòng biết ơn anh Đỗ Hồng Phúc, biết ơn báo Thanh Niên và mọi người đã lan tỏa thông tin này, để tôi có được tin tức tốt lành hôm nay, hay chính xác hơn là một phép màu. Tất nhiên, có thể cần một cuộc xét nghiệm ADN để khẳng định. Tôi không thể chờ đợi hơn một ngày gần nhất để trở về Việt Nam thăm lại những người anh em ruột của mình cũng như gặp gỡ những người ơn đã giúp đỡ tôi trên hành trình này", ông David nói.
Lại thêm một trường hợp nữa tìm kiếm thành công, anh Đỗ Hồng Phúc nói rằng mình vui và hạnh phúc khi giúp được ông David đã giải đáp được câu hỏi lớn trong cuộc đời của mình. Dù có chút tiếc nuối, khi ba mẹ ông đã không còn, nhưng anh chàng kiến trúc sư tin rằng, việc tìm gặp được những người thân ruột thịt là điều ý nghĩa đối với cuộc sống của người đàn ông Mỹ.
“Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục hành trình mà mình đã theo đuổi gần 3 năm qua. Tôi sẽ tiếp tục xác minh thêm trường hợp của anh David với những người thân ở TP.HCM và sẽ thông báo cho anh ấy ngay khi có tin tức", anh nói thêm.
Người đàn ông Mỹ gốc Việt tìm ba mẹ ruột ở TP.HCM: Chạy đua với thời gian vì…
Tuổi đời tóc đã hoa râm, người đàn ông Mỹ - David Vuong Frey (49 tuổi) đang chạy đua với thời gian tìm lại ba mẹ Việt Nam khi đã để lại ông một mình từ thuở mới lọt lòng.
Theo đó, câu chuyện ông tìm lại ba mẹ ruột của mình ở TP.HCM khiến nhiều người không khỏi xúc động và cầu mong một phép màu sẽ xảy ra với người đàn ông Mỹ gốc Việt có trái tim ấm áp.
Đứa trẻ bị bỏ rơi năm nào…
Một buổi tối muộn ở thành phố miền duyên hải San Diego (tiểu bang California), ông David đã dành thời gian kể cho tôi nghe về khát khao tìm lại gia đình ruột của mình - nỗi đau đáu mà ông mang đằng đẵng suốt hàng thập kỷ qua.
Người đàn ông Mỹ này là một trong hàng ngàn những đứa trẻ Babylift được đưa đến California gần nửa thế kỷ trước và được một gia đình người Mỹ nhận nuôi.
Theo những giấy tờ còn được giữ gìn chu đáo, ông David tên tiếng Việt là Vương Quốc Nhựt, sinh ngày 8.9.1974 tại TP.HCM.
Ngày 29.9 cùng năm, ông Vương Văn Bảo, sinh ngày 20.3.1944 tại khu vực Chợ Lớn (Q.5, Sài Gòn), cha ông đã đứt ruột cho con để hi vọng có một tương lai tốt hơn.
Dưới đây, là những dòng chia sẻ của người cha đau đớn đến xé lòng: “Vì hoàn cảnh gia đình, tôi không đủ phương tiện để có thể nuôi con tôi. Tôi bằng lòng giao con cho hội nuôi dưỡng và tìm gia đình cha mẹ nuôi ngoại quốc cho con, cầu cho con tôi có một tương lai tốt đẹp sau này. Tôi ý thức được rằng việc cho con hoàn toàn có lợi cho con tôi nên tôi không đòi hỏi một chi phí nào. Hơn nữa, khi tôi ký giấy này, tôi không còn quyền gì trên con tôi nữa".
Giấy tờ cho con được sự chứng nhận của cơ quan chính quyền xã Bình Hòa (thuộc Q.Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Sau năm 1975, xã này sáp nhập với xã Thạnh Mỹ Tây thành Q.Bình Thạnh, TP.HCM ngày nay), với sự đồng ý của bà Đào Thị Nam (mẹ) và ông Huỳnh Công Hiếu, bà Đào Thị Kim Ngọc làm chứng.
Từ ngày được ba mẹ người Mỹ nhận nuôi, ông David có một cuộc hạnh phúc và đủ đầy với cô em gái là con ruột của ông bà. Cha nuôi của ông là một quân nhân, nên tuổi thơ của ông là những ngày thay đổi môi trường sống liên tục, từ California, Arizona đến cả Texas.
“Lớn lên, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc trở lại Việt Nam, hay thậm chí là có thể tìm thấy gia đình của mình. Nơi mà tôi ở cũng không có nhiều người Việt sinh sống, tôi chưa bao giờ thử món ăn Việt Nam cho đến khi tôi ở độ tuổi 21. Ngày tôi chuyển đến California khi đã tốt nghiệp trung học, cuối cùng tôi đã gặp một phụ nữ Việt Nam tại một tiệm tóc đã từng cắt tóc cho tôi, và cuộc sống của tôi cũng thay đổi từ đây”, ông nhớ lại.
… nay “chạy đua thời gian" tìm ba mẹ
Người phụ nữ Việt Nam ông gặp ở San Diego (California) đã mời ông về TP.HCM để gặp gia đình cô ấy và đó là lần đầu tiên cậu trai trẻ David trở lại Việt Nam. Nếu ông nhớ không lầm, đó là năm 2006.
Lần đầu về lại quốc gia nơi mình được sinh ra, ông cảm giác thân thuộc đến vô cùng. Ông nói rằng mình thích Việt Nam, thích Sài Gòn, yêu con người và văn hóa. Cũng từ đây, khát khao tìm lại gia đình ruột cũng bắt đầu lớn lên trong ông.
Kể từ lần đó, ông David đã 4 lần quay trở lại TP.HCM để tìm lại gia đình ruột của mình ở khu vực Chợ Lớn. Nhưng may mắn đã không mỉm cười với người đàn ông Mỹ. Lần cuối ông trở lại đây là năm 2019, cũng vì khát khao lớn nhất của cuộc đời, nhưng đã không có phép màu nào xảy ra.
“Tôi muốn tìm lại gia đình ruột thịt của mình vì tôi luôn nhớ văn hóa và gia đình Việt Nam. Tôi lớn lên trong một gia đình người Mỹ và tôi chưa bao giờ sống cạnh người châu Á cho đến khi tôi chuyển đến California. Tôi cũng có một cô con gái 23 tuổi và tôi muốn cô ấy gặp gia đình chúng tôi ở Việt Nam trước khi cha mẹ tôi qua đời. Đó thực sự là một cuộc đua vì tôi biết thời gian của tôi để tìm ba mẹ không còn nhiều! Gia đình người Mỹ của tôi rất lo lắng khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên. Nhưng giờ đây, cả ba mẹ tôi, em gái và con gái tôi đều ủng hộ tôi trên hành trình tìm lại cội nguồn", ông xúc động bày tỏ.
Chị Mea Dao Busch (23 tuổi, con gái ông David, tên được lấy theo họ mẹ) hiện đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại một cơ sở phục hồi chức năng tâm thần, với vai trò là giám sát viên.
Cô con gái tâm sự bản thân rất tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt Nam, và hết lòng ủng hộ ba trên hành trình tìm lại ông bà nội ruột. Chị vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm lần đầu cùng ba về lại Việt Nam hồi năm 2019, để rồi yêu đất nước quê cha lúc nào không hay. Mea tin rằng một ngày nào đó phép màu sẽ xảy ra, ước mơ của ba sẽ sớm trở thành sự thật.
“Nếu con được gặp lại ba mẹ, con sẽ…”
Đi qua những đổi thay và thăng trầm của đời người, ông David nói rằng, mình không hề giận ba mẹ đã bỏ rơi mình. Bởi ông biết vì hoàn cảnh nên họ mới làm như vậy. Ông cũng nói chính nhờ ba mẹ cho ông đi, đã giúp ông có được cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy như hôm nay.
“Nếu được gặp lại ba mẹ, dù chỉ một lần thôi, điều đầu tiên con xin nói với ba mẹ rằng con cảm ơn ba mẹ đã sinh con ra trên cuộc đời này. Con nhớ và yêu ba mẹ nhiều lắm!”, ông nhắn nhủ với đấng sinh thành của mình, thông qua báo Thanh Niên.
Truờng hợp của ông David được anh Đỗ Hồng Phúc (28 tuổi, ngụ TP.HCM) - vị kiến trúc sư nổi tiếng trong việc hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài tìm kiếm nhân thân tại Việt Nam nhận hỗ trợ. Anh cho biết bản thân vô cùng xúc động trước khát khao tìm lại gia đình ruột của người đàn ông Mỹ.
Với kinh nghiệm của mình, anh Phúc nói rằng đây là một trường hợp khả quan khi thông tin của gia đình đều được thể hiện rõ trong giấy tờ cho con. “Theo giấy tờ, tôi qua địa chỉ nhà của ông Huỳnh Công Hiếu - người làm chứng, nhưng họ đã bán nhà đi từ lâu. Chỉ mong rằng thông tin này được lan tỏa, đặc biệt tới bà con ở khu vực Chợ Lớn nói riêng và TP.HCM nói chung để ba mẹ hoặc người thân của ông David có đọc được thì liên hệ”, anh hy vọng.
Ai có thông tin về gia đình ông David Vuong Frey vui lòng liên hệ với anh Đỗ Hồng Phúc qua số điện thoại: 0569.305.323. Vô cùng biết ơn!