Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh

 PHẠM VŨ

TTO - Câu nói của Phan Châu Trinh lý giải vì sao tuổi đời không cao nhưng các sĩ phu thời bấy giờ đã gọi ông là “cụ Phan” một cách kính trọng.

Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật -  Ảnh: tư liệu gia đình
Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật - Ảnh: tư liệu gia đình

10s

10s

0:00
00:00

“Tôi xin nói thực với các anh, tôi đã bỏ hai phần ba đời tôi để tìm lấy thuốc mà chữa trị cho nước nhà. Thông minh tôi tuy kém, tài trí tôi tuy hèn, nhưng trong buổi giao thời này tôi có thể dám nói rằng: cái trách nhiệm của nòi giống dân tộc Việt Nam tôi quyết không nhường cho ai cả”.

Câu nói đậm “chất Quảng Nam” của Phan Châu Trinh lý giải vì sao tuổi đời không cao nhưng các sĩ phu thời bấy giờ đã gọi ông là “cụ Phan” một cách kính trọng.

Không nhường cho ai

“Không nhường cho ai” nên tuy đã đỗ phó bảng, đã có một chức quan trong bộ lễ của triều đình Huế nhưng Phan Châu Trinh không cam phận làm quan. Cùng với những nhà Nho yêu nước, ông ngày đêm suy nghĩ, học hỏi hòng tìm một con đường đưa dân tộc thoát vòng nô lệ.

Học đủ cổ thư, ông dành ra nhiều thời gian đọc tân thư và những chuyển biến tư tưởng đã đến từ đây. Ông hướng đến con đường giải phóng bằng tự lực, tự cường, bằng khai mở văn hóa, khai sáng con người, mà trước hết là tự nhìn nhận những yếu kém, thua sút.

Ông viết: “Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường...”.

Có đặt vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, dân trí thật sự mờ tối của năm 1903 mới thấy được giá trị vượt thời đại của lời tự thán minh triết này. Học giả Hoàng Xuân Hãn phân tích: “Sau khi phong trào Cần vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa, xã hội Việt Nam. Cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây. Phan Châu Trinh đã đưa ra một đường lối mới để tìm lối thoát cứu nước...”.

Đường lối mà Phan Châu Trinh tìm ra: “Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Sự giải thoát của chúng ta nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ”.

Tự nhận về mình trách nhiệm lớn lao, “không nhường cho ai”, Phan Châu Trinh từ quan. Mọi hoạt động của ông từ đây chỉ tập trung cho một mục đích: duy tân - con đường mới tươi sáng cho dân tộc, đất nước.

Ông viết Tỉnh quốc hồn ca gửi nhân dân; viết Điều trần gửi Toàn quyền Pháp; viết Chí thành thông thánh, Đông Dương chính trị luận gửi các nhân sĩ trí thức; viết Thư thất điều gửi vua Khải Định; viết Quân trị chủ nghĩa, Dân trị chủ nghĩa nói chuyện với đồng bào; viết báo, làm thơ...

Ông tham gia sáng lập Trường Đông Kinh nghĩa thục, Trường Dục Thanh và nhiều trường khác của các nhà Nho yêu nước, vận động mở tòa báo, vận động bỏ hủ tục, mê tín dị đoan, phổ biến chữ quốc ngữ, lập hội học, hội buôn, hội diễn thuyết... hòng mở mang tri thức, củng cố kinh tế.

Ông động viên từng người dân: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan, biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mong đợi trông cậy ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người hay một chính phủ muốn làm sao thì làm mà mình không hành động, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường”.

Ông Nguyễn Đông Hào, cháu ngoại cụ Phan, chuẩn bị cho lễ giỗ lần thứ 90 tại nhà thờ Phan Châu Trinh ở TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Ông Nguyễn Đông Hào, cháu ngoại cụ Phan, chuẩn bị cho lễ giỗ lần thứ 90 tại nhà thờ Phan Châu Trinh ở TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

 

“Gian nan chi kể việc con con”

Khi những tư tưởng tự lập, tự đấu tranh cho quyền lợi của mình đã thấm vào người dân, cuộc Trung kỳ dân biến chống sưu thuế nổ ra như một quả bom.

Dù không phải người tổ chức trực tiếp, thực dân Pháp vẫn đày Phan Châu Trinh ra Côn Lôn (tức Côn Đảo - PV) vì nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của ông. Phan Châu Trinh điềm tĩnh đón nhận thử thách cùng các đồng chí mình, những ngón tay quen dùng bút lông điềm tĩnh cầm búa đập đá, điềm tĩnh ngâm ngợi: “Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi kể việc con con”.

Sau khi được thả trước thời hạn nhờ can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, bị quản thúc ở Mỹ Tho, Phan Châu Trinh vận động để được đưa sang Pháp, mục đích không ngoài việc tiếp tục học hỏi cái hay, cái mới để tiếp tục công cuộc “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”. Sau 14 năm ở xứ người, ông lại trở về say mê tiếp tục cuộc duy tân.

Hơn 80 năm sau, bà Phan Thị Minh (tức Lê Thị Kinh), cháu ngoại của ông, đã hai lần sang Pháp, ăn ngủ ở thư khố, Cục Lưu trữ quốc gia để sao lục, dịch thuật hàng ngàn trang tư liệu gồm thư trao đổi giữa nhà cầm quyền Pháp và Đông Dương về Phan Châu Trinh, những báo cáo của mật thám Pháp được giao theo sát từng hoạt động của ông và bạn bè, đồng chí từng ngày, từng giờ, những bản thảo mà mật thám đã lấy được...

Bà Phan Thị Minh (Lê Thị Kinh), cháu ngoại cụ Phan, hơn 20 năm sưu tầm tư liệu, nghiên cứu về Phan Châu Trinh. Bà hiện sống tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng - Ảnh: Tự Trung
Bà Phan Thị Minh (Lê Thị Kinh), cháu ngoại cụ Phan, hơn 20 năm sưu tầm tư liệu, nghiên cứu về Phan Châu Trinh. Bà hiện sống tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng - Ảnh: Tự Trung

Tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng đầy những báu vật bằng giấy ấy, bà Minh run run xúc động kể: “Khi tôi 1 tuổi, được mẹ bồng vào Sài Gòn thăm ông ngoại (bà Minh là con bà Phan Thị Châu Liên, con gái lớn của cụ Phan - PV).

Ấy là những ngày cuối cùng của cụ Phan, cũng là những ngày ít ỏi mẹ tôi được gần cha mình. Cả đời cụ bôn ba hoạt động khiến các con gái gần như lớn lên trong cảnh không cha...

Tôi được cha mẹ giao lại những bản thảo mà cụ Phan đã mang theo bên người khi ông ra Bắc, vào Nam, sang Pháp, và đến lượt cha mẹ tôi khổ công gìn giữ: nào rang gạo chống ẩm, rang hồ tiêu chống mối, bỏ vào chum sành chôn giấu mỗi khi chạy bom đạn... Bắt tay vào nghiên cứu cụ ở tuổi 70, nhiều thông tin khiến tôi phải rớt nước mắt”.

Quả là muốn rớt nước mắt khi đọc những báo cáo của mật thám: việc chấm sửa ảnh kiếm không đủ chi phí, Phan Châu Trinh dọn sang chỗ khác để tiết kiệm tiền thuê nhà; Phan Châu Trinh ốm nặng không đủ sức đi làm sau khi nghe tin con trai mất...

Và những kết luận khách quan đượm phần kính nể của Sở mật vụ Pháp: “Phải công bằng mà thừa nhận cuộc sống của Phan Châu Trinh là đáng kính trọng. Y mang tinh thần dân tộc rất cao mà y không hề giấu giếm với các đồng bào y ở đây và cả với những người Pháp...”.

14 năm ở Pháp, vật lộn với cuộc mưu sinh, với những mùa đông lạnh giá không đủ thức ăn, sưởi ấm, với ngôn ngữ và văn hóa xa lạ, với quan điểm chính trị khác nhau của những người cùng yêu nước, với những mất mát, đau khổ riêng tư...

Đấu tranh để được về nước, ông chỉ còn kịp tổ chức hai cuộc diễn thuyết giữa Sài Gòn. Tài liệu của Sở mật thám Nam kỳ còn ghi rõ: “Tối 27-11-1925, mặc dù bị sốt rất cao, Phan Châu Trinh vẫn quyết thực hiện buổi diễn thuyết thứ hai nhằm tăng thêm uy tín của ông ở Nam kỳ...”.

Hôm ấy ông đã chỉ ra: cần phải thay chế độ quân trị bằng dân trị. “Dân trị tức là pháp trị. Quyền hạn và bổn phận của mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc nhà nước hay người thường đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi, tự do bước tới bao nhiêu cũng được, không ai ngăn trở cả”.

Các nhân sĩ ở miền Trung, Hà Nội nức lòng chờ Phan Châu Trinh ra diễn thuyết, nhưng rồi ông đã không vượt qua được số phận...


Nên hiểu “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh”

Kỉ niệm 95 năm Ngày mất của Nhà Cách mạng Phan Châu Trinh (24/3/1926 – 24/3/2021), mời các Bạn đọc bài viết dưới đây!
Nên hiểu “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” của Nhà Cách mạng Phan Châu Trinh như thế nào?
Phan Châu Trinh (1872-1926) là một nhà cách mạng kiệt xuất, người tiên phong cổ vũ Dân chủ ở Việt Nam, người đã đề xướng đường lối cứu nước bất hủ: “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh”.
Phan Thành Khương (VH-HTK)
***
Nói một cách vắn tắt thì “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” là mở mang nhận thức, tri thức của Dân; chấn hưng ý chí, chí khí, khí phách của Dân; làm cho đời sống của Dân được đầy đủ, hùng hậu.
1. Mở mang nhận thức, tri thức của Dân: Mất nước không phải vì thực dân mạnh mà vì ta yếu. Mà cái yếu nhất của Dân ta chính là nhận thức, tri thức, trình độ văn hóa, trình độ khoa học – kĩ thuật của Dân ta quá thấp kém, quá lạc hậu, quá lỗi thời. Muốn cứu nước, phải dựa vào Dân. Do đó, phải mở mang tri thức, nhận thức của Dân. Cụ thể là phải mở mang hiểu biết của Dân về lịch sử, về địa lí, về quyền và nhiệm vụ của Công Dân, về khoa học – kĩ thuật, về công nghệ và phải xóa bỏ những hủ tục, những mê tín dị đoan. Trường học, các cơ sở dạy nghề có vị trí hàng đầu trong công cuộc “khai Dân trí”.
2. Chấn hưng ý chí, chí khí, khí phách của Dân: Trước sức mạnh vật chất áp đảo của thực dân, một bộ phận Dân chúng đã mất tự tin, đã trở nên bạc nhược, ươn hèn, cam chịu. Vì vậy, khơi dậy ý chí, chí khí, khí phách của Dân là cực kì quan trọng. Sức mạnh tinh thần càng quan trọng hơn khi phải “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”. Trước hết, phải làm cho Dân thấy rõ lẽ phải, chính nghĩa của mình, thấy rõ truyền thống anh hùng – bất khuất của Dân tộc. Trên cơ sở đó, Dân sẽ tự tin, tự hào, dũng cảm đương dầu với mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì lẽ phải, vì chính nghĩa của Dân tộc, của Tổ quốc!
3. Làm cho đời sống của Dân được đầy đủ, hùng hậu: Ông bà ta thường hay nói: “Có thực mới vực được đạo” (Tục ngữ). Công cuộc “khai Dân trí, chấn Dân khí” chỉ có kết quả vững chắc khi biết làm cho đời sống của Dân được đầy đủ, hùng hậu. Cụ thể là phải làm cho Người Dân có ăn, có mặc, có cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn, hùng hậu hơn. Muốn được vậy thì phải phát triển sản xuất, cải tiến kĩ thuật, không ngừng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Các trường dạy nghề, các cơ sở sản xuất đã được thành lập ở Quảng Nam và các nơi khác chính là để “hậu Dân sinh”.
Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, khi Người Dân còn khá mơ hồ về quyền và nhiệm vụ của mình, khi khoa học – kĩ thuật còn lạc hậu, khi mê tín dị đoan còn tác oai tác quái, khi không ít người e sợ bọn bành trướng và bá quyền Bắc Kinh, khi đời sống của đại bộ phận Dân chúng còn khó khăn, vất vả thì chủ trương “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” của nhà cách mạng Phan Châu Trinh vẫn còn phù hợp, vẫn còn đúng đắn, vẫn còn cần thiết, vẫn còn mới mẻ.
Phan Châu Trinh, từ hơn 100 năm trước, đã “lấy Dân làm gốc”, đã cổ vũ Dân chủ, Dân quyền, đã vạch ra đường lối cứu nước bằng chủ trương “khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh”. Đó là một đường lối cứu nước đúng đắn, mẫu mực!
Ninh Thuận, 23-02-2017
PHAN THÀNH KHƯƠNG
Ảnh: Chân dung Nhà Cách mạng Phan Châu Trinh, tranh vẽ của Họa sĩ Trần Thế Vĩnh.

“Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” dưới lăng kính Việt Nam đương đại

29 Tháng sáu, 2021

Trong khuôn khổ buổi lễ họp mặt cựu học viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) được tổ chức tại Hội An trong tháng Tư vừa qua, các lứa cựu học viên và học viên của Trường đã có dịp lắng nghe và trò chuyện với nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà văn hóa Nguyên Ngọc về tư tưởng và dấu ấn thời đại của Phan Châu Trinh. Sau 95 năm ngày mất, những giá trị tư tưởng Phan Châu Trinh vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, khiến thế hệ trí thức trẻ đời sau còn trăn trở.

Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh

Phan Châu Trinh (1872-1926) là một trong những lãnh tụ của phong trào Duy tân trong thập niên đầu thế kỷ 20. Sau khi được tiếp cận Tân thư – tức Sách mới – chứa đựng những tư tưởng chính trị của phương Tây và thế giới thời bấy giờ, Phan Châu Trinh đã hình thành tư tưởng canh tân đất nước, làm cho nước mạnh dân giàu, nhằm tránh bị nước ngoài đô hộ.

“[Phan Châu Trinh] nói rằng, điều kỳ lạ là ta có một nước rất văn minh cai trị ta trong suốt cả gần một thế kỷ nhưng ta không học được cái gì của họ cả. Ông cho rằng phải đi học đối thủ của mình để trở nên ngang bằng họ, khi đó làm bạo lực cách mạng hay tìm cách giành lại hòa bình thì mới tính sau,” nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ. Đối với Phan Châu Trinh, điều kiện quan trọng nhất để giành được độc lập là ta phải có một đất nước phát triển, phải “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cùng nhà Văn hoá Nguyên Ngọc trao đổi với các học viên FSPPM.

Có rất nhiều văn bản đề cập đến việc Phan Châu Trinh chú tâm nhất đến “khai dân trí”, tức cải tổ lại nền giáo dục, dạy những tri thức mới, mở mang đầu óc con người. Thế nhưng theo nhà văn Nguyên Ngọc, Phan Châu Trinh rất coi trọng “hậu dân sinh”: “Ông quan niệm về con người mà chúng ta xây dựng … trước hết là phải có nghề, thứ hai là phải biết kinh doanh, thứ ba là phải có tinh thần mạo hiểm phiêu lưu”.

Đây chính là điểm khác biệt về mặt tư tưởng của Phan Châu Trinh đối với các bậc sĩ phu cùng thời. Đối với Phan Châu Trinh, để tránh bị lệ thuộc vào nước ngoài, ta cần phải chấn hưng nghề nghiệp, nâng cao tiềm lực kinh tế, tài chính của đất nước. Ông cho rằng một người tiến bộ phải là một người có nghề bởi chỉ khi ta có thể tự lực, ta mới tự chủ, mới “chấn dân khí” được.

Mình không nên nghĩ cái nào trước cái nào sau đối với mối quan hệ của Khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh. Để thoát khỏi thân phận nô lệ của một đất nước bị đô hộ, chúng ta phải phát triển kinh tế, mở mang văn hóa, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường sức mạnh của đất nước. Chúng ta cần xây dựng một nguồn nhân lực mới, có khả năng triển khai những tư tưởng sáng tạo, cấp tiến. Thiếu vắng giai cấp này, Việt Nam không thể phát triển thành một cường quốc được.

Không thời điểm nào tốt hơn thời điểm này để chúng ta cùng suy ngẫm lại tư tưởng Phan Châu Trinh. Với mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một siêu đô thị sáng tạo, để Việt Nam trở thành một quốc gia cường thịnh vào năm 2045, chúng ta cần quan tâm phát triển sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia hơn nữa. Chỉ khi “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, Việt Nam mới có thể khẳng định vị thế trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright chia sẻ.

Tư tưởng Phan Châu Trinh và sứ mệnh chấn hưng giáo dục

Phan Châu Trinh là một con người cô đơn. “Phan Châu Trinh cực kỳ sáng suốt nhưng thất bại là tất yếu vì ông đã đi trước thời đại khoảng 200-300 năm”, nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét. Vì lẽ đó, hậu thế cần phải tìm hiểu căn cốt tư tưởng Phan Châu Trinh, phải học từ thất bại của ông thì mới có thể chuyển hóa xã hội và phát triển Việt Nam trở thành cường quốc.

Phan Châu Trinh là một trong những nhân vật đáng chú ý nhất trong lịch sử và văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông, một vĩ nhân có tầm nhìn xa trông rộng, đã hiểu thấu những vấn đề nan giải mà dân tộc Việt Nam thời bấy giờ cần sửa đổi. Đấy là lý do tại sao tư tưởng chủ đạo của ông chính là phải đào tạo nên mẫu hình của con người thời đại mới, ham hiểu biết, không ngừng học hỏi, có tinh thần mạo hiểm, có chí tự lực tự cường và hết lòng phụng sự đất nước.

Phải chăng hậu thế chúng ta, dù đã đạt được những thành công nhất định trong công cuộc giành lại độc lập chủ quyền, vẫn chưa đưa Việt Nam phát triển đúng tầm như Phan Châu Trinh đã kỳ vọng? Theo nhà văn Nguyên Ngọc, thế hệ người Việt Nam hôm nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng lạc hậu với thế giới, chưa hoàn toàn hòa nhập được vào dòng văn minh chung. “Chúng ta có một nền giáo dục chưa xứng tầm với dân tộc và đất nước này”, nhà văn Nguyên Ngọc nhìn nhận. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng “giáo dục không phải muốn là thay đổi ngay được, không phải muốn là xóa đi làm lại”.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng thay đổi là bất khả thi. Trong thời đại ngày nay, những tư tưởng của Phan Châu Trinh càng có ý nghĩa thời sự hơn bao giờ hết. Quan niệm học tập để nâng cao trình độ hiểu biết nhưng phải gắn với thực hành cũng chính là quan niệm mà những trường, lớp, các cơ sở giáo dục cần đặt lên làm ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng một tầng lớp “con người mới”. Chúng ta cần dạy và được dạy những lý thuyết hiện đại và tri thức toàn cầu, nhưng đồng thời, ta cần có sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam để có thể áp dụng những kiến thức này một cách hiệu quả. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể trở thành những con người “biết suy nghĩ, chọn lựa, và có trách nhiệm với chọn lựa của mình” chứ không đơn thuần là một con người “công cụ”.

Tư tưởng đó cũng chính là “chiếc la bàn” định hướng quá trình phát triển của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. Qua một phần tư thế kỉ, Trường đã góp phần ươm tạo những thế hệ người Việt mới – hơn 1500 cựu học viên – những người lãnh đạo và quản lý đang kiến tạo những thay đổi tích cực trong cộng đồng của họ – trong các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức học thuật và xã hội trên khắp cả nước. Những giá trị mà Trường FSPPM dày công vun đắp – chính trực, công tâm, dung hợp, sáng tạo, trách nhiệm, và phản biện trên tinh thần xây dựng – đã trở thành niềm tự hào của cộng đồng Fulbright cũng như tạo cảm hứng cho các cộng đồng học thuật khác ở Việt Nam theo đuổi con đường cải cách, chấn hưng giáo dục.

Thạch Thảo