Lời tòa soạn: PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống là một trong 25 sinh viên Việt Nam nhận học bổng Colombo Plan du học tại Úc vào cuối năm 1965. Ông là người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất, vào năm 1974 đã sở hữu bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Hàng không ở Viện Đại học Sydney. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống có nhiều cơ hội để tìm tới một vùng đất mới – như không ít người đã lựa chọn, nhưng ông vẫn quyết định ở lại và chung tay phát triển đất nước.
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Tôi nhớ nhất là cảm giác vui mừng khi nhận thấy hòa bình đang đến với đất nước. Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, thời gian 30 năm chiến tranh lớn hơn tuổi đời 28 của tôi lúc đó. Cuộc chiến đau thương lâu dài đã kết thúc, dù có bên thắng bên thua nhưng cuối cùng đất nước đã được hòa bình.
Tôi mừng cho dân chúng Sài Gòn được an lành, không bị chết chóc, và thành phố Sài Gòn được nguyên vẹn, không bị tàn phá. Nếu thời điểm đó, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ nắm quyền chứ không phải Đại tướng Dương Văn Minh thì trận chiến ác liệt đã xảy ra, thành phố Sài Gòn bị tàn phá đổ nát và rất nhiều người chết, cả binh lính hai bên và nhiều dân thường nữa. Vì thế tôi cho rằng chúng ta nên ghi nhận vai trò của Đại tướng Dương Văn Minh trong việc yêu cầu những binh sĩ VNCH ngừng bắn và buông súng. Tôi vẫn còn nhớ lời Đại tướng Dương Văn Minh và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nói trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 10h sáng 30/4/1975 có câu “… để bàn giao cho chính quyền cách mạng”.
Chiều 30/4 tôi từ nhà ở Quận 3 đi thăm mẹ tôi ở Thị Nghè. Nhà tôi có 9 anh em trai, mà 5 người tham gia Quân đội Việt Nam Cộng hoà: một anh bị thương năm 1964 mà gia đình đã được báo tin tử trận nhưng rồi may mắn được cứu sống lại và trở thành thương phế binh, một anh bị thương năm 1966 rồi mất ở Quân y viện Gò Vấp, một anh là Trung sĩ, một anh là binh nhì, một em là Thiếu úy. Hai người anh khác của tôi đã có số quân, chỉ tôi và đứa em trai nuôi chưa có số quân mà thôi. Sau này mẹ tôi có lúc nói rằng nếu chiến tranh tiếp tục thì không biết mẹ tôi mất thêm mấy đứa con trai nữa.
Cũng chiều 30/4 đó tôi đi lên trường Đại học Kỹ Thuật ở Phú Thọ, Quận 10 (tiền thân của trường Đại học Bách khoa Tp. HCM – PV) để xem có điều gì xảy ra cho trường không, vì tôi là người ở vị trí thứ 3 trong ban lãnh đạo nhà trường lúc đó mà người đứng đầu đã đi nước ngoài trước đó mấy ngày. Khi đó đã có một số nhân viên mang băng đỏ đứng ra tổ chức bảo vệ trường. Tôi cũng mừng khi thấy trường vẫn còn nguyên vẹn không bị cướp phá.
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Tôi rất buồn vì nhiều người đã ra đi trước và sau 30/4, trong đó có rất nhiều bà con anh em bạn bè của tôi.
Tôi nhớ cảm giác rất buồn sau buổi họp cuối cùng của Hội đồng Giáo sư trường Đại học Kỹ Thuật. Kết thúc buổi họp thì hầu như mọi người đều ghi tên vào danh sách muốn đi để chuyển đến các Tòa Đại sứ Mỹ, Pháp, Úc… Chỉ có tôi và hai người khác không ghi tên thôi. Lúc đó một người bạn hỏi tôi: “Anh đã được nhận đi nước nào vậy?”. Thấy mọi người như thế, tôi đứng lặng bên cửa sổ rồi tự hỏi: Trời, sao ai cũng đi hết vậy!
Hôm đó chúng tôi quyết định phát bằng tốt nghiệp sớm cho tất cả các sinh viên năm cuối và TS Nguyễn Thanh Toàn là Khoa trưởng đã ký hết các văn bằng này trước khi ra đi. Vài ngày sau tôi là người trao bằng cho các sinh viên đến muộn. Họ nhận bằng trong nước mắt từ biệt. Sau 30/4/1975 những sinh viên năm cuối không trở lại trường nữa.
Tôi chọn ở lại vì tôi đã chọn trở về quê hương năm 1974 cùng vợ con sau gần 9 năm du học ở Úc.
Sau ngày đất nước thống nhất, kinh tế đi xuống, đời sống khó khăn, rồi chiến tranh ở biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc đã làm cho nhiều người nảy sinh tâm lý tuyệt vọng và ra đi nhiều hơn. Nhưng tôi vẫn quyết ở lại quê hương với gia đình với mẹ và anh chị em và bạn bè dù cũng vơi dần một số người. Và dù rất thương cho vợ con tôi phải chịu đựng gian khổ vì tôi nhưng tôi không hề có suy nghĩ phải chi đừng về nước mà ở lại Úc hay đi Anh đi Mỹ. Và như thế cho đến nay, mỗi khi có người hỏi: "Tại sao anh không đi?" thì tôi luôn trả lời: "Anh hãy hỏi tại sao tôi trở về...".
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Khi biết tôi quyết định về Việt Nam năm 1974, nhiều người cũng tỏ ra ngạc nhiên, trong đó có cả Giáo sư trực tiếp hướng dẫn luận án tiến sĩ cho tôi. Ông đưa ra cho tôi nhiều sự lựa chọn, hoặc ở lại Úc tiếp tục phát triển mô hình tính toán khí động lực học áp dụng cho phi thuyền con thoi, công trình khoa học mà tôi làm trợ lý nghiên cứu cho ông suốt sáu tháng trong thời gian chờ nhận bằng, hoặc ông giới thiệu tôi qua một số nước có khoa học hàng không phát triển như Mỹ, Anh… để tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Còn về Việt Nam, ông nói tôi chỉ có thể đi dạy thôi.
Bằng nỗ lực học tập tôi đã thoát khỏi cảnh nghèo nàn cơ cực thời niên thiếu để có một cuộc sống tiện nghi sung túc hơn mình từng mơ ước. Tôi thấy mình thuộc về gia đình, thuộc về đất nước sinh ra mình và không thể tự cướp mình khỏi quê hương để làm kẻ vong thân sống lưu đày trong sung túc ở xứ người được.
Bỏ lại cuộc sống tiện nghi mình có và đã quen sau thời gian dài ở Úc, từ chối tương lai hứa hẹn những thành tích khoa học kỹ thuật mà mình có thể đạt được nếu ở lại Úc hay đi Anh đi Mỹ, tôi cùng vợ con trở về nước giữa năm 1974. Cũng như TS. Lưu Tiến Hiệp từ Úc về trước tôi sáu tháng và cũng như nhiều anh chị khác từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Canada… chúng tôi trở về nước như lời hứa lúc ra đi. Trí thức du học thuộc các thế hệ đàn anh chúng tôi cũng đã làm thế. Dẫu rằng có nhiều người khác ở lại nước ngoài “để có cơ hội phát huy tài năng mình hơn, phục vụ chung cho thế giới, cho nhân loại”.
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Sau ngày đất nước thống nhất, kinh tế đi xuống, đời sống khó khăn. Sau đợt đổi tiền lần đầu, tôi được xếp vào mức lương 75 đồng/tháng mà sau này tôi mới biết là bằng với lương của anh Trung úy công an khu vực tôi ở. Gia đình tôi lúc đó cũng rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn, và vì thiếu ăn nhiều năm tôi giảm mất 15 kg chỉ còn 53 kg như hồi học sinh 18 tuổi. Để có thêm thu nhập cho gia đình, vợ tôi dạy Anh văn ở nhiều tư gia, có nơi phải đi đạp xe gần 10 km.
Bên cạnh sự khó khăn về vật chất, trong giai đoạn đó, niềm cô đơn trong tôi lớn lên khi bạn bè trí thức cũ vượt biên dần. Trong Hội Trí thức Yêu nước mà tôi tham gia có rất nhiều nhà trí thức lớn của Sài Gòn lúc đó như GS. Lê Văn Thới, GS. Phạm Hoàng Hộ, GS. Phạm Biểu Tâm, GS. Lý Chánh Trung, GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, GS. Trần Kim Thạch, GS. Châu Tâm Luân… Thế rồi, GS. Châu Tâm Luân cũng vượt biên. GS. Phạm Hoàng Hộ đi công tác ở Pháp cũng không về. Rồi GS. Phạm Biểu Tâm cũng ra đi chính thức. Và còn rất nhiều, rất nhiều những trường hợp ra đi như thế. Ở các trường đại học, cứ sau dịp nghỉ Tết hay nghỉ hè là có một số người vượt biên.
Trong mười mấy năm sau đó, nghèo đói, bệnh tật và bão tố tinh thần siết vòng vây tấn công từng người, từng gia đình chúng tôi - những người trí thức đào tạo trong nước cũng như từ nước ngoài trở về. Tôi nhớ về anh bạn Liêu Sanh Oanh Liệt, Tiến sĩ vật lý ở Mỹ về đầu năm 1975 ở Đại học Bách Khoa đã chết vì bệnh tật và trong nghèo khó, anh ôm hoài bão tuổi trẻ xuống suối vàng.
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Ngày nay thì “cửu thập cổ lai hy” 90 tuổi mới hiếm. Bây giờ tôi đã 75 tuổi cũng đã trải nghiệm qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Kể từ 1974 đến nay tôi gắn bó với trường Đại học Bách khoa này gần 48 năm và đã “xoáy” cùng dòng chảy lịch sử của đất nước, để không chỉ chứng kiến mà còn có cả những trải nghiệm buồn vui thậm chí có lúc đắng cay… khi tiếp tục chọn công việc giảng dạy đại học với mong muốn nhân rộng tri thức, sự hiểu biết của mình cho các sinh viên đại học để góp phần phát triển đất nước.
Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình. Tôi có lúc cảm thấy “Thương cho mình và tiếc cho đời”. Thương cho mình vì ôm nhiều hoài bão lớn nhưng lại không có cơ hội để đóng góp như mong ước. Còn tiếc cho đời đã không cho mình cơ hội để đóng góp được nhiều hơn.
Dù sao tôi cũng cảm thấy vui khi trong thời gian 11 năm làm Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, đặt nền tảng cho sự phát triển ngành kỹ thuật hàng không của Việt Nam ở miền Nam và miền Trung.
Tiếp đến, điều khiến tôi rất vui nữa, tôi luôn là “người mở đường”, tiếp sức cho nhiều thế hệ sinh viên. Tôi là người khởi xướng Chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ bắt đầu từ năm 1988. Từ đó đến nay chương trình đã trao 60.000 học bổng với trị giá tổng cộng 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 12 năm gần đây, tôi đã vận động các bạn bè thân quen cũng như các thế hệ học trò của tôi ở trong và ngoài nước ủng hộ Chương trình học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên - Huế, mà gần đây số tiền trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.
NĐT: Sau sự kiện 30/ 4, chúng ta đã chứng kiến những sự hàn gắn giữa chính những người Việt Nam với nhau. Từ góc nhìn của mình, ông thấy rằng quá trình đó đã diễn ra như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Từ vị trí và góc nhìn của mình tôi thấy quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải hòa hợp dân tộc cần phải diễn ra nhanh hơn nữa. Chủ động cho quá trình này phải ở “bên thắng cuộc” và phải thực tâm vì lợi ích lâu dài của đất nước. Và hòa hợp dân tộc phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Hãy xem xét những gì xãy ra ở Đại học Bách khoa như một case study để rút ra những bài học. Theo tôi thấy thì những đại học khác ở Miền Nam Việt Nam cũng tương tự Đại học Bách khoa. Vào năm 1995, các trường đại học này chỉ làm Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tức từ chối quá khứ trước 1975. Qua đấu tranh và thuyết phục thì đến năm 2007 có lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM, tức là thừa nhận lịch sử trường tính từ năm 1957. Tuy nhiên những gì xảy ra trên Hội trường chỉ là từ 1975 mà thôi. Những người là Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng từ 1957 đến 1975 không hề được nhắc đến. Mà PGS.TS Lưu Tiến Hiệp và tôi là 2 Phó Hiệu trưởng cũ của trường đã bàn giao cho Ban Quân quản năm 1975 cũng không được nhắc đến, mặc dù chúng tôi có trong Hội trường. Ngày kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Bách Khoa cũng tương tự như thế. Trang web của trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM cũng chỉ có đầy đủ các vị lãnh đạo Trường, Khoa… từ sau 30/4/1975 mà thôi.
Trí thức Việt kiều rất nhiều nhưng tham gia giảng dạy ở Đại học Bách khoa không tới 5 người, tức không tới 5% lực lượng giảng dạy của trường. Rất nhiều cựu giáo sư và cựu sinh viên trước 1975 của trường đã thành công trong công tác giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài nhưng hầu như không có ai được đón tiếp ở trường Đại học Bách khoa cả, ngay cả TS Nguyễn Thanh Toàn ở cương vị Hiệu trưởng năm 1975 cũng không được tiếp đón chính thức khi TS Toàn về Việt Nam và có vào thăm trường.
Tôi là nguyên Phó Hiệu trưởng năm 1975 của trường tiền thân của Đại học Bách khoa Tp. HCM rồi sau 2 năm từ 1975 – 1977 làm Phó Trưởng Khoa Cơ khí, rồi trở về làm giảng viên và cuối cùng chức vụ cao nhất của tôi sau đó là Chủ nhiệm Bộ môn.
Ở một trường đại học, một tỉnh hay trên bình diện quốc gia, quá trình hòa hợp hòa giải phải được chủ động khởi xướng bằng lời nói bằng hành động có thực chất chứ không phải chỉ là lời nói “ngoại giao” kêu gọi đoàn kết chung chung. Cần phải thúc đẩy để quá trình hòa giải hòa hợp tiến nhanh hơn nữa, để đất nước phát triển nhanh hơn nữa.
NĐT: Là một trong những người tiên phong trong việc mở ngành học Kỹ thuật Hàng không ở Việt Nam, hành trình của ông và cộng sự diễn ra như thế nào trong buổi đất nước đầy những khó khăn?
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Sau khi hoàn tất chương trình Thạc sĩ Hành chánh công MPA ở Harvard rồi trở về nước, tôi làm việc bán thời gian cho Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam năm 1995 với mức lương 1.500 USD/tháng. So với đồng lương giảng viên mà tôi vẫn nhận từ trường hằng tháng, thì khoản thu nhập này khá hậu hĩnh. Đúng lúc đó thì GS. Trương Minh Vệ, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM đề nghị tôi xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không.
Thành ra tâm trạng tôi lúc đó khá phân vân. Nếu tiếp tục tham gia Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tôi có cơ hội truyền tải kiến thức về kinh tế thị trường, nghiên cứu và đóng góp ý kiến về mặt chính sách. Còn nhận lời xây dựng và phát triển Bộ môn Kỹ thuật Hàng không thì sẽ rất mệt, bởi quá nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, giáo trình, giảng viên… đều thiếu trong khi thời gian chuẩn bị khá gấp gáp. Tôi quyết định nhận lời vì tôi là người duy nhất ở Trường Đại học Bách Khoa và ở miền Nam lúc đó có trình độ hiểu biết đáng kể về kỹ thuật hàng không, và đây là cơ hội để tôi đóng góp về chuyên môn khoa học kỹ thuật. Cuối năm 1995 tôi hoàn tất đề án mở ngành đào tạo kỹ thuật hàng không rồi Bộ môn Kỹ thuật Hàng không được thành lập ngày 18/4/1996, trực thuộc Ban Giám hiệu.
Trong vòng bốn tháng đầu, tôi vừa biên soạn chương trình chi tiết các môn học, vừa kêu gọi những anh em Việt kiều ở nước ngoài hỗ trợ tài liệu. Tháng 8 năm 1996 nội dung chương trình đào tạo được phê duyệt, thì tháng 9 chúng tôi tuyển sinh khóa I. Những năm học đầu tiên diễn ra hết sức khó khăn do thiếu thốn các trang thiết bị dành cho việc dạy và học thậm chí mỗi khi làm thí nghiệm, sinh viên không được thực hiện trực tiếp mà phải xem trên các băng video được bạn bè tôi gửi từ nước ngoài về.
Mặc dù học tập trong điều kiện thiếu thốn như vậy nhưng cả sinh viên và các thầy cô đều cố gắng hết sức. Trong 11 năm làm Chủ nhiệm Bộ môn, qua quan hệ và uy tín của mình tôi đã viết thư giới thiệu cho hơn 100 người trong tổng số 284 kỹ sư hàng không tốt nghiệp được học bổng học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ ở các nước Pháp, Singapore, Hàn, Nhật, Indonesia, Úc, Mỹ. Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, trong 2 năm đầu chỉ có tôi là giảng viên duy nhất, đến năm 2007 thì có 2 PGS, 7 TS mới và 2 ThS. Các TS và ThS này đều là cựu sinh viên hàng không được học bổng du học nước ngoài trở về.
NĐT: Là người thường xuyên tham gia ý kiến về các vấn đề trong lĩnh vực hàng không nhiều ý kiến của ông đi thẳng vào những vấn đề gai góc, thậm chí đi ngược lại với ý kiến số đông hay khiến nhiều người không vừa ý, ông có cảm thấy lo lắng về điều đó?
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Tôi hiểu Đạo Phật là Đạo của Từ bi, của Trí tuệ, của Dũng khí nên tôi lấy Bi Trí Dũng làm châm ngôn cho hành động của mình. Từ bi theo tôi là thương người, thương dân mình, thương nước mình nên thấy điều gì lợi cho đất nước thì cố mà làm, thấy gì hại cho đất nước thì cố mà cản.
Tôi hiểu biết về kỹ thuật hàng không khi học Tiến sĩ ở Viện Đại học Sydney, tôi cũng hiểu về chính sách công khi học Thạc sĩ ở Viện Đại học Harvard nên tôi thấy mình có trách nhiệm đóng góp ý kiến về chính sách hàng không.
Có một câu chuyện vui thế này. Khi thấy tôi đưa những lý lẽ để yêu cầu thu hồi đất sân golf Tân Sơn Nhất cho sân bay, cũng có người lo lắng cho tôi. Đại tá phi công Từ Để, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, có lần nhắc tôi đề phòng: “Anh đi xe gắn máy ngoài đường cần nhìn trước ngó sau cẩn thận nhé.” Người có trí không do dự, người có dũng không sợ hải, người có đức không lo âu. Tôi tin vào luật nhân quả nên không lo âu.
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Tôi thấy là mình là một trường hợp khá hiếm, một trí thức được đào tạo theo mô hình của phương Tây từ chế độ cũ còn lại. Và khi đất nước thống nhất, tuổi đời của tôi còn trẻ để có thể tiếp tục tham gia vào quá trình xây dựng đất nước. Là người trí thức, tôi hiểu về trách nhiệm của mình do đó tôi không nghĩ về việc nghỉ hưu hay không nghỉ hưu. Với tôi, còn sức là sẽ còn tiếp tục kiên trì đóng góp ý kiến vì “biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa”.
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống: Tôi là người… gieo hạt trước gió!
(Dân trí) - Mới thôi mà đã một giờ/ Mới thôi mà đã một ngày/ Và mới thôi đã… 40 năm! TS Nguyễn Thiện Tống mở đầu buổi chuyện trò với PV Dân trí vào một ngày đầu năm 2015…
Thoáng đó, kể từ thời điểm năm 1974 - khi còn là một vị tiến sĩ trẻ từ “trời Tây” trở về, với tấm bằng Tiến sĩ Kỹ thuật hàng không trong tay, đến nay đã tròn 40 năm ông “trụ lại” với quê hương. Cũng ngần ấy thời gian, ông đã trải qua công tác giảng dạy, quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cống hiến trong đa dạng các mảng hoạt động, phần lớn liên quan đến giáo dục, đào tạo....
Song, ông lại chỉ gắn liền với duy nhất một nơi: trường Đại học Kỹ thuật (ở Phú Thọ) thuộc Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức, trường đó cũng là tiền thân của trường Đại học Bách khoa TPHCM ngày nay.
Chính ngôi trường này, gần 40 năm ông đã “xoáy” cùng dòng chảy lịch sử của đất nước, để không chỉ chứng kiến mà còn có cả những trải nghiệm buồn vui thậm chí có lúc đắng cay… trên con đường khẳng định năng lực, kiên định bản lãnh của một trí thức.
Sài Gòn - TPHCM, qua những “mảnh ghép” hồi tưởng
Buổi Giao thời - trong sự hoang mang của không ít bạn bè, đồng nghiệp và cho đến mãi sau này, nhiều người hỏi tôi: “Tại sao đã chọn Ở LẠI?” - Tôi chỉ cười, vì với tôi đúng hơn phải hỏi tại sao lại TRỞ VỀ? - TS Nguyễn Thiện Tống trầm tư nhớ lại…
Tôi đã chọn TRỞ VỀ quê hương ngay trong thời điểm cuộc chiến đang khốc liệt (giữa năm 1974). Vậy hà cớ gì, chưa đầy một năm sau, khi đất nước được hòa bình, quê hương thu về một mối (năm 1975) tôi lại… RA ĐI (?!) - vị tiến sĩ giải thích thêm: Vào thời điểm những năm 1974, khi sở hữu tấm bằng Tiến sĩ ngành Hàng không của “trường Tây” như ông cũng đồng nghĩa với việc đã cầm trong tay thị thực VISA để có thể sinh sống một cách chính danh, với cuộc sống đầy đủ về vật chất và một tương lai hứa hẹn về nghiên cứu khoa học ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, gia đình tôi (lúc đó tôi đã có vợ và một cậu con trai) vẫn chỉ mong muốn trở về quê hương dù khi đó đang còn chiến tranh.
Bởi, suy cho cùng mình vốn là con dân nước Việt. Tôi biết, mình thuộc về đất nước sinh ra mình và không thể tự cướp mình khỏi quê hương để làm kẻ vong thân sống kiếp lưu đầy - dù sống trong sung túc, ở xứ người…
Khi trở về quê hương vào cuối những năm 1974, có khá nhiều cơ hội nghề nghiệp cho tôi chọn lựa. Nhưng tôi đã quyết định ở lại Sài Gòn và chính thức trở thành Phụ tá Khoa trưởng đặc trách nghiên cứu phát triển và sinh viên vụ của Trường Đại học Kỹ Thuật (ở Phú Thọ) của Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức vào đầu năm 1975.
Chiều 30/4/1975 - tại Sài Gòn, ngay khi những tiếng súng cuối cùng đã ngừng hẳn, tôi đã có mặt tại sân trường ĐH Kỹ Thuật (nay là ĐH Bách khoa TPHCM) với trách nhiệm là một trong hai người lãnh đạo của trường còn ở lại để chuẩn bị cho việc bàn giao cho Ban Quân quản trong những ngày sau. Rồi tôi trở lại công việc giảng dạy cho đến lúc về hưu và thậm chí cho mãi đến bây giờ (trong việc thỉnh giảng) thì tôi hầu như cũng chỉ gắn liền liên tục và duy nhất với ngôi trường này - Có lẽ đó là duyên tiền định! Vị tiến sĩ hóm hỉnh.
40 năm làm nghề và những ĐƯỢC - MẤT
Nay, khi Sài Gòn - TPHCM tròn 40 năm tuổi, tôi đã gần cái tuổi “thất thập - cũng đã trải nghiệm qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống… - TS Nguyễn Thiện Tống tiếp: Cũng đã có một đồng nghiệp của cô thắc mắc với tôi như điều cô vừa hỏi - “Có bao giờ ông cảm thấy hối tiếc… Và điều gì khiến ông hài lòng nhất trong quyết định trở về và gắn bó với quê hương?” - Xin thưa, có đôi chút ngậm ngùi, có chút buồn nhưng chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình.
Tôi mạn phép “cải biên” một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (cũng là một người bạn vong niên của tôi) để trả lời câu hỏi này, đó là “Thương cho mình và Tiếc cho đời”. Thương cho mình vì ôm nhiều hoài bão lớn nhưng lại không có cơ hội để đóng góp như mong ước. Còn tiếc cho đời đã không cho mình cơ hội để đóng góp được nhiều hơn.
Đến 90% thời gian trong sự nghiệp của mình, tôi gắn liền với nghiệp “trồng người”. Tôi vẫn tự thấy mình rất giống logo người ta vẫn thường in trên từ điển Pháp, đó là hình ảnh của một cô gái đang đứng gieo hạt trong gió. Còn tôi, tôi đã và đang “gieo hạt” kiến thức, “tiếp lửa đam mê “ và “tiếp sức tài lực” cho các thế hệ sinh viên. Song, trong công việc này tôi cũng có phần ngậm ngùi khi nhận thấy, mình là người “vô sinh” về mặt đào tạo nghiên cứu sinh! Bởi, với trình độ Tiến sĩ từ năm 1974 và học hàm Phó Giáo sư từ 1991, cho đến nay tôi vẫn chỉ tham gia đào tạo ở bậc đại học mà chưa có cơ hội thể hiện năng lực đào tạo các bậc tiến sĩ. Và ẩn sau ngậm ngùi ấy là cả một câu chuyện dài, phần nào chịu ảnh hưởng của lịch sử dân tộc…
Còn hài lòng ư? Tôi hài lòng với quyết định trở về và trụ lại với quê hương. Tôi đã biết tận dụng những cơ hội đó để đóng góp cho quê hương nhiều hơn. Những đóng góp đó rất cụ thể: Tôi là “kiến trúc sư trưởng” là người mở ngành học Kỹ thuật Hàng không, tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên vào năm 1996, tại Đại học Bách khoa TPHCM. Cùng với việc “thiết kế” ngành học là khoảng thời gian 12 năm tôi làm việc ở vị trí Chủ nhiệm bộ môn (1996-2007). Giai đoạn này tôi hài lòng vì được lãnh đạo công nhận và được thể hiện năng lực bản thân theo đúng lĩnh vực mình đam mê và được đào tạo bài bản.
Với vị trí của mình, tôi đã có cơ hội “tiếp sức, tiếp lửa” thông qua việc giảng dạy trực tiếp đồng thời là người kêu gọi nguồn lực, tài trợ học bổng cho rất nhiều thế hệ sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không được đào tạo tại ĐH Bách khoa TPHCM cũng như tiếp tục được du học ở các nước Âu, Mỹ…
Tiếp đến, điều khiến tôi rất vui, đó chính là tôi luôn là “người mở đường” - Tôi là một trong những người khởi xướng Chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ. Tiền thân của chương trình này là Chương trình học bổng do Hội Khoa học Kỹ thuật gia Việt Nam tại Úc tài trợ (thông qua tôi) với 12 suất học bổng đầu tiên dành cho học sinh lớp 12 tại TPHCM (không phân biệt gia cảnh). Và đây chính là Chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ nhất. Những năm gần đây từ 2009 đến 2014, tôi đã kêu gọi các bạn bè thân quen cũng như các thế hệ học trò của tôi ở trong nước và ở Úc, Pháp, Mỹ… để tài trợ Chương trình học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên Huế, mà riêng năm 2014 số tiền đã trên 450 triệu đồng.
Lạc quan với Sài Gòn - TPHCM ở độ tuổi 40 “cái xuân xanh”!
Như quy luật của tạo hóa, của đất trời, mỗi mùa xuân tới vạn vật như tươi xanh hơn, tràn đầy sức sống hơn... Với tôi, mùa xuân này - khi Sài Gòn - TPHCM tròn 40 năm xây dựng và phát triển với khá nhiều những công trình mang dấu ấn, thì tôi cũng sắp bước vào tuổi thất thập. Tuy tuổi đã “xế chiều” nhưng tôi vẫn rất lạc quan và cảm thấy yêu đời hơn mỗi độ Xuân về.
Đặc biệt, với nền giáo dục nước nhà, tôi vẫn mong ước được nhìn thấy những thành quả từ sự đổi mới. Để những đổi mới ấy đến nhanh hơn, gần hơn thì giáo dục cần có “TRIẾT LÝ GIÁO DỤC”. Theo đó, với từng cá thể, giáo dục cần chú trọng đến việc trang bị lý tưởng và khả năng tư duy độc lập của mỗi học sinh, sinh viên… Còn ở tầm vĩ mô, “mấu chốt” thành công của quyết sách giáo dục, hiện không còn nằm ở Ý TƯỞNG nữa, bởi cũng đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, chìa khóa thành công của một quyết sách đúng đắn vào thời điểm hiện nay phụ thuộc vào phương cách quản trị nguồn lực sao cho hợp lý. Việc này đòi hỏi tiêu chỉ sử dụng nhân lực của “người cầm trịch” phải cởi mở hơn để có thể quy tập mọi nguồn lực tri thức để biến thành sức mạnh tri thức toàn diện…
Tôi vốn là dân khoa học, nên tôi tin rằng lượng biến sẽ kéo theo chất biến! Và tôi mong những quyết sách của sự nghiệp “trồng người” sẽ thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt sẽ giúp nguồn tri thức Việt được khơi dậy và phát triển ấn tượng hơn, góp phần hiệu quả vào công cuộc xây dựng, phát triển cho sự phồn thịnh của đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống là một trong 25 sinh viên Việt Nam nhận học bổng Colombo Plan du học tại Úc vào cuối năm 1965. Ông là người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất, vào năm 1974 đã sở hữu bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Hàng ở Viện Đại học Sydney. • Ông du học Hoa Kỳ với học bổng Fulbright năm 1992 và tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Hành chính công tại trường Kennedy thuộc Viện Đại học Harvard - Hoa Kỳ năm 1994. Ông đã tham gia từ lúc bắt đầu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam năm 1995. • Vào những năm đầu của thập niên 90 cũng như nhiều đợt lấy ý kiến xây dựng cho Luật Giáo dục Việt Nam sau này, ông đều nằm trong số những chuyên gia giáo dục uy tín được mời đóng góp ý kiến. |
Việt Khuê