Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

Đại sứ Bùi Thế Giang nêu 4 điểm đặc biệt về chuyến thăm của Tổng thống Biden

 

(Dân trí) - Đại sứ Bùi Thế Giang đã đưa ra những nhận định về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện.

Bùi ThenThành Đạt
Đại sứ Bùi Thế Giang nêu 4 điểm đặc biệt về chuyến thăm của Tổng thống Biden

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 5/9, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong các ngày 10-11/9. Nhân dịp này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ của Ban Đối ngoại Trung ương.

Đại sứ Bùi Thế Giang nêu 4 điểm đặc biệt về chuyến thăm của Tổng thống Biden - 1

Đại sứ Bùi Thế Giang tham dự lễ động thổ khu phức hợp Đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội hồi tháng 4 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp có chuyến thăm Việt Nam vào dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm này đối với quan hệ Việt - Mỹ?

- Chuyến thăm của Tổng thống Biden trong năm nay sẽ rất có ý nghĩa, không chỉ là kỷ niệm dấu mốc về 10 năm Đối tác Toàn diện. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

Còn nữa, năm nay còn đánh dấu việc chưa đầy 2 tuần sau khi ký kết Hiệp định Paris, Thủ tướng của nước ta khi đó là bác Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập Văn phòng Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) với nhiệm vụ chủ yếu là giúp tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Xét về lý, đây là việc làm theo quy định của Hiệp định Paris. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử hậu chiến tranh của thế giới, đã có mấy quốc gia làm được việc tương tự một cách nghiêm túc và nhân văn như chúng ta đâu. Chúng ta đã đơn phương làm việc này trong suốt 15 năm trên tinh thần thuần túy nhân đạo.

Cho tới năm 1988, Mỹ bắt đầu cùng phối hợp với Việt Nam làm công việc này. Bởi vậy, nhìn khách quan, tôi thấy ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden nên được đặt trong bối cảnh của 3 cột mốc quan hệ song phương ấy.

Về quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, phải nói ngay rằng đây là một mối quan hệ đã phát triển mạnh mẽ về chiều rộng, đúng nghĩa của hai chữ "toàn diện", và hơn thế nữa, đã phát triển cả về chiều sâu.

Không phải vô cớ khi nhiều người Việt Nam và Mỹ, và cả nhiều người ở các nước khác nữa đều nói rằng, nếu xét tới danh sách 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện của Việt Nam, việc Mỹ cho tới nay là quốc gia thành viên thường trực duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới chỉ có quan hệ ở cấp đối tác toàn diện với nước ta hình như là điều gì đó không bình thường.

Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, tất cả các Tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam. Theo ông, chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden có điểm gì khác so với các chuyến thăm trước đó?

- Theo tôi, chuyến thăm này có một số nét riêng, khác các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ trước đây.

Một là, sau 10 năm triển khai mối quan hệ Đối tác Toàn diện, quan hệ hai nước đương nhiên khác trước nhiều, xét từ mọi góc độ, mọi khía cạnh, mọi tầng nấc. So với 10 năm trước, hai bên đã hiểu nhau hơn nhiều, đã tin nhau hơn đáng kể. Và đây là một trong những cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất cho sự khác biệt thứ hai. Đó là, trong 10 năm qua, quan hệ hai bên thực chất hơn nhiều, có hiệu quả hơn nhiều, và có chất lượng cao hơn nhiều.

Ba là, chuyến thăm này là dịp để hai bên cùng nhìn lại quan hệ thời gian qua, nhất là 10 năm qua, tức là nhìn lại lịch sử. Nhưng nhìn lại lịch sử, nói chuyện quá khứ không phải chỉ để ôm giữ lấy lịch sử, níu giữ lấy quá khứ mà chính là để hướng tới tương lai.

Tôi tin rằng hai bên đã nhìn rõ hướng đi trong tương lai, nhìn rõ hướng quan hệ trong thời gian tới. Việc hai bên xem xét để quyết định nâng cấp quan hệ là một trong những việc làm thể hiện tầm nhìn về tương lai ấy.

Thứ tư, quan hệ cá nhân giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden không giống các mối quan hệ khác. Ông Joe Biden khi là Phó Tổng thống đã từng cùng dự cuộc Hội đàm giữa Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Biden đã từng chủ trì cuộc chiêu đãi trọng thị dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hai nhà lãnh đạo đều đã có bài phát biểu với nội dung vừa sâu sắc vừa lý thú tại cuộc chiêu đãi vào trưa ngày 7/7/2015.

Đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII bầu làm người đứng đầu Đảng ta nhiệm kỳ 3, Tổng thống Joe Biden đã gửi thư chúc mừng, mà chuyện này theo tôi là rất hiếm hoi, thậm chí có thể là duy nhất trên thế giới khi Tổng thống Mỹ gửi điện chúc mừng người lãnh đạo một đảng chính trị (mà lại là Đảng Cộng sản Việt Nam) không giữ vị trí nào trong Chính quyền ở một nước khác.

Rồi mới tối 29/3 vừa qua, Tổng Bí thư và Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm rất quan trọng với nhau. Cá nhân tôi cảm nhận cả Tổng Bí thư của ta và Tổng thống Mỹ đều là hai người nhân văn. Và với ngần ấy sợi dây kết nối, tôi tin rằng, không có lý do gì mà hai nhà lãnh đạo sẽ chỉ gặp nhau, làm việc với nhau như hai con người hành chính khô cứng.

Như ông vừa nêu, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trừ Mỹ. Nhiều người đã đề cập tới khả năng hai nước sẽ nâng cấp quan hệ trong thời gian tới. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội này?

- Quan hệ Việt - Mỹ đã đi một bước rất dài trong 10 năm qua; dài hơn rất nhiều so với 18 năm trước đó kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995. Khi câu hỏi có ý thắc mắc này được nêu ra, cũng đã có một câu trả lời nửa nghiêm túc, chính thức, và nửa đùa vui, không chính thức rằng, xét tổng thể, quan hệ Đối tác Toàn diện Việt - Mỹ 10 năm qua về thực chất đã là quan hệ đối tác chiến lược.

Chỉ cần lấy kim ngạch thương mại hai chiều làm một tiêu chí xem xét thôi, tôi nghĩ thời điểm này đã là rất chín để quan hệ ấy được nâng cấp. Còn một khi lãnh đạo hai nước quyết định nâng cấp, có thể có nhiều hình thức, nhiều phương cách để thể hiện sự nâng cấp đó chứ đâu chỉ có riêng hai chữ "chiến lược".

Với tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh của lãnh đạo mà có lẽ ai cũng biết rõ, với tư duy và tấm lòng vì lợi ích quốc gia - dân tộc, tôi tin rằng mối quan hệ vốn đã được xác lập và thực hiện trong 10 năm qua này sẽ được nâng lên như vậy.

Được biết ông từng tham gia vào công tác chuẩn bị và tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ vào năm 2015. Đây là chuyến đi lịch sử và cũng là chuyến thăm đầu tiên từ trước tới nay của một Tổng Bí thư Đảng ta tới Mỹ, tôi rất muốn nghe ông chia sẻ về chuyến đi này, về tính thời sự và ý nghĩa chuyến thăm sau gần một thập niên.

- Tôi được vinh dự tham gia vào công tác tham mưu từ đầu, rồi lại vinh dự được tham gia phục vụ suốt chuyến thăm Mỹ này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Suốt hơn 8 năm qua, tôi luôn nghĩ về chuyến thăm này như là một chuyến thăm đặc biệt đẹp về hình thức tổ chức và có chất lượng rất cao về nội dung.

Những năm qua, có lẽ mọi người đều gọi đó là chuyến thăm lịch sử, nhưng ít người để ý tìm hiểu ai là người đầu tiên dùng từ "lịch sử" để gọi chuyến thăm này. Xin thưa: Đó là cố Thượng Nghị sĩ John McCain, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ.

Buổi sáng ngày 6/7/2015, trước khi chuyên cơ chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hạ cánh tại Mỹ, ông John McCain ra tuyên bố chào mừng và gọi đó là một chuyến thăm lịch sử, ngay khi chuyến thăm chưa chính thức bắt đầu.

Đại sứ Bùi Thế Giang nêu 4 điểm đặc biệt về chuyến thăm của Tổng thống Biden - 2

Đại sứ Bùi Thế Giang cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào năm 2015 thực sự là lịch sử (Ảnh: An Bình).

Nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là lịch sử. Không có điều kiện để phân tích đầy đủ, tôi chỉ xin nói vắn tắt mấy điều bề nổi của chuyến thăm như thế này:

Đó là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ mời người đứng đầu một đảng chính trị cầm quyền nước ngoài thăm chính thức nước Mỹ. Trong cuộc hội đàm, về phía Mỹ, có Tổng thống, Phó Tổng thống và 4 Bộ trưởng là thành viên Nội các (trong Chính quyền Mỹ, có những người cấp Bộ trưởng nhưng không phải là thành viên Nội các). Đây là thành phần tham dự không thường thấy của phía Chính quyền Mỹ khi hội đàm với một đối tác nước ngoài.

Thời gian hội đàm ban đầu dự kiến 45 phút nhưng thực tế diễn ra 95 phút, tức là hơn gấp đôi thời gian dự kiến. Sau hội đàm là tiệc chiêu đãi, ban đầu dự kiến do Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông John Kerry chủ trì, nhưng thực tế lại do ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống chủ trì như tôi nói hồi nãy, với những nội dung trao đổi, phát biểu rất ấn tượng của cả hai nhà lãnh đạo.

Đặc biệt, trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung quan hệ Việt - Mỹ. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong một chuyến thăm cấp cao có tuyên bố chung mang tên là "Tuyên bố tầm nhìn chung" về quan hệ song phương (trước chuyến thăm 5 tuần, Việt Nam và Mỹ đã có bản Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt - Mỹ về quan hệ quốc phòng, do hai Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Ash Carter ký, nhưng đó chỉ là ở cấp Bộ).

Bản Tuyên bố này đã khẳng định lại một câu cực kỳ quan trọng trong bản Tuyên bố chung cấp cao Việt - Mỹ được thông qua khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ tháng 7/2013, đó là: "Hai bên cam kết tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau".

Câu này từ đó tới nay đã trở thành "văn bia", thành truyền thống tốt đẹp giữa hai nước mỗi khi có trao đổi đoàn cấp cao với nhau. Tôi dám tin rằng trong quan hệ đối ngoại của Mỹ, chưa bao giờ có điều tương tự khi trao đổi đoàn cấp cao giữa Mỹ với một quốc gia đối tác nào khác. Đây chỉ là một ví dụ cụ thể cho thấy sự cam kết của Mỹ tôn trọng Việt Nam.

Bản Tuyên bố Tầm nhìn chung này còn có một điểm nữa, rất quan trọng, mà tôi e không nhiều độc giả để ý, đó là việc thay vì cách viết thông thường "hai nhà lãnh đạo" trong các bản tuyên bố chung, bản Tuyên bố này sử dụng những cụm từ như "hai nước", "hai quốc gia"…, cho thấy Chính quyền Mỹ công nhận rằng Tổng Bí thư không chỉ là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta mà còn là nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước, của hệ thống chính trị, và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là đảng lãnh đạo của đất nước. Đây chắc chắn không phải là điều ngẫu nhiên, vô tình.

Ông vừa nhắc tới những dấu mốc trong năm 2023 kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt - Mỹ. Những thành tựu nào được xem là nổi bật nhất trong quan hệ giữa hai nước 10 năm qua, thưa ông?

Nếu nói một cách khái quát nhất, đặt trong bối cảnh của quãng thời gian 28 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, phải nói rằng quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua là một bước tiến dài, dài hơn rất nhiều so với 18 năm trước đó.

Ngay từ tháng 7/2013, bản Tuyên bố chung cấp cao Việt - Mỹ đã đề ra 9 trụ cột trong quan hệ song phương giữa hai nước. Việc đánh giá kết quả quan hệ giữa hai nước trong 10 năm nên được đặt trên chính 9 trụ cột đó. Do không có thời gian, tôi chỉ xin đề cập tới một vài trụ cột như sau.

Trước hết, phải nói về chính trị - ngoại giao: Chỉ 10 năm qua, từ phía ta có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ năm 2017, và đặc biệt là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015. Chưa kể tới tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao của ta với Lãnh đạo cấp cao của Mỹ tại các sự kiện đa phương lớn ở trong và ngoài nước Mỹ, như khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự các hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN, cấp cao G7…

Từ phía Mỹ, nhìn rộng ra, từ sau chuyến thăm nước ta của Tổng thống Bill Clinton tháng 11/2000, đã có chuyến thăm của Tổng thống George W. Bush tháng 11/2006, chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tháng 5/2016, rồi 2 chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tháng 11/2017 (nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC) và tháng 2/2019 (nhân dịp Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều).

Xin nhớ rằng Mỹ là cựu thù của Việt Nam, và Mỹ là một siêu cường. Ngoài nhiều chục chuyến thăm cấp Bộ trưởng, việc chỉ trong vòng 10 năm có ngần ấy chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao là điều rất đáng nói.

Một trụ cột nổi bật khác là kinh tế - thương mại. 10 năm qua đã chứng kiến tốc độ phát triển chưa từng có của quan hệ kinh tế - thương mại trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ nói riêng, và cũng rất hiếm thấy trong quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta nói chung.

Đơn cử, chỉ trong năm 2022, dẫu có đến một nửa năm vẫn còn Covid-19 hoành hành, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, và dẫu đại dịch này gây ảnh hưởng tiêu cực cực kỳ to lớn đối với nội bộ của mỗi nước, nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 123,86 tỷ USD, trong đó Việt Nam được hưởng thặng dư 94,91 tỷ USD. Chắc hẳn ai cũng thấy giá trị thương mại, kinh tế, tài chính thể hiện qua mấy con số này là rất lớn. Nhưng đối với cá nhân tôi, có lẽ đó chưa phải là quan trọng nhất.

Điều quan trọng nhất là kim ngạch thương mại ấy đồng nghĩa với việc hàng triệu người có công ăn việc làm, gia đình họ có thu nhập, con cái họ có điều kiện học hành, từ đó góp phần để xã hội trật tự, ổn định.

Hợp tác Việt - Mỹ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, biến đổi khí hậu… cũng rất đáng kể. Ngay trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, sự hợp tác song phương đã đạt được nhiều tiến triển. Chỉ cần đọc tin do tờ Công an Nhân dân phát về cuộc Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hôm 30/6 vừa qua, những người quan tâm theo dõi quan hệ Việt - Mỹ hẳn cũng thấy được nhiều điều.

Hay chuyến thăm cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua của Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Linda L. Fagan, trong đó hai bên trao đổi thực chất về hợp tác song phương, nâng cao năng lực cho Cảnh sát Biển Việt Nam trong bối cảnh tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, là một ví dụ cụ thể về sự hợp tác trên nền của quan hệ Đối tác Toàn diện Việt - Mỹ.

Đại sứ Bùi Thế Giang nêu 4 điểm đặc biệt về chuyến thăm của Tổng thống Biden - 3

Đại sứ Bùi Thế Giang trả lời phỏng vấn báo Dân trí (Ảnh: An Bình).

Một lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng là giải quyết hậu quả chiến tranh. Trong 48 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh, 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện, hai bên đã làm được rất nhiều việc trong giải quyết hậu quả chiến tranh.

Hồi nãy, tôi đã nói về một trong 3 dấu mốc của năm 2023 này là hợp tác trong việc  tìm kiếm người Mỹ mất tích. Thực ra phải nói thêm là phía Mỹ, cả Chính quyền, Quốc hội, cựu chiến binh, các tổ chức phi Chính phủ… cũng đã tích cực cung cấp thông tin, tư liệu và hỗ trợ về kỹ thuật để chúng ta tìm kiếm các cán bộ, chiến sỹ hi sinh trong thời gian chiến tranh.

Rồi sự hợp tác giữa hai nước trong xử lý bom mìn, vật liệu chưa nổ sau chiến tranh (UXO) và chất độc da cam/dioxin nữa mà các cơ quan truyền thông đã đăng tải tin tức khá nhiều.

Đó chỉ là một vài ví dụ cho thấy sự hợp tác giữa hai nước rất đáng kể, có thể coi là dấu ấn.

Việt Nam và Mỹ có chế độ chính trị khác nhau và từng là cựu thù, theo ông lý do nào khiến hai nước có thể vượt qua những trở ngại lớn như vậy để phát triển quan hệ song phương?

Nếu nhìn từ góc độ của Việt Nam, theo tôi, ngoài truyền thống dân tộc, sự nhân văn, bao dung mà chúng ta luôn đề cao và thực hiện trong quan hệ với mọi quốc gia từng là thù địch với ta, có lẽ phải nói đến lợi ích quốc gia - dân tộc.

Từ Đại hội X, văn kiện chính thức của Đảng ta đã nói đến khái niệm lợi ích quốc gia - dân tộc. Và đến Đại hội XIII, khái niệm này được nêu một cách chính xác, toàn diện và đầy đủ, là "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi". Đây chính là mục tiêu tối thượng, chỉ đạo, dẫn dắt chủ trương, đường lối và hoạt động đối ngoại của cả hệ thống chính trị.

Chính lợi ích quốc gia - dân tộc theo cách hiểu này đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa, hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với tất cả các nước khác, trước hết là các nước láng giềng, các nước lớn, trong đó có Mỹ. Nói đơn giản và vắn tắt là như vậy, yếu tố truyền thống dân tộc kết hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc đã khiến Việt Nam chủ động bình thường hóa và mở rộng quan hệ với Mỹ.

Nhìn từ phía Mỹ, tôi thấy cũng vì lợi ích của Mỹ mà Mỹ cần và muốn quan hệ với nước ta, đến với nước ta. Và cái sự "cần", sự "muốn" này đã gặp một bầu không khí, một môi trường thuận lợi khi không chỉ người dân Mỹ, mà cả giới lãnh đạo Chính quyền, Quốc hội và quân đội Mỹ mỗi lần tới Việt Nam, gặp người Việt Nam, kể cả những người vợ mất chồng, mẹ mất nhiều con trong chiến tranh, đều luôn cảm thấy ngạc nhiên khi không bị chào đón bằng sự uất hận, căm thù.

Họ nói với nhau về một Việt Nam "không quên, nhưng tha thứ". Tôi hay nói với các đối tác Mỹ rằng, trong 100 năm của thế kỷ 20, đất nước Việt Nam chỉ có 6 năm thực sự hòa bình với nghĩa rộng nhất của từ "hòa bình", tức là không có "chiến tranh", bắt đầu từ tháng 2/1994 khi Chính quyền Mỹ dỡ bỏ bao vây, cấm vận - một cuộc chiến không tuyên bố thời hậu chiến - với Việt Nam.

Không găm giữ trong lòng sự uất hận, căm thù, ấy là bản chất nhân văn, bao dung, độ lượng của con người Việt Nam. Tôi tin rằng đa số người dân Việt Nam đều nhìn nhận quan hệ Việt - Mỹ, và không chỉ quan hệ Việt - Mỹ, dưới góc độ nhân văn như vậy.

Theo ông, dư địa nào để làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai nước?

- 9 trụ cột mà hai bên nhất trí khi xác lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện là nền cơ bản. Cần đưa quan hệ trên 9 trụ cột đó đi vào chiều sâu hơn, thiết thực, cụ thể hơn và với tầm nhìn dài hơi hơn. Nhu cầu của Việt Nam trong hợp tác, phát triển vì lợi ích quốc gia - dân tộc, và nhu cầu của Mỹ trong khẳng định vai trò và thúc đẩy lợi ích, đó là cơ sở khiến hai nước sẽ chủ động tìm ra nhiều dư địa để phát triển quan hệ.

Ví dụ, kim ngạch thương mại song phương lớn như thế nhưng đã hết chưa? Tôi cho rằng còn lâu mới hết, vì đây là hai nền kinh tế bù trừ cho nhau, chứ không cạnh tranh và loại trừ lẫn nhau. Chỉ riêng việc đó thôi đã là một tín hiệu quan trọng cho thấy quan hệ kinh tế - thương mại còn khả năng phát triển rất lớn, rất nhiều và lâu dài trong tương lai.

Hay khoa học - công nghệ là một ví dụ khác. Riêng trong bối cảnh của Covid-19 trong mấy năm trước, rồi an ninh, chính trị toàn cầu có những biến động lớn trong 2-3 năm vừa qua, chúng ta đã thấy số lượng gia tăng các doanh nghiệp của Mỹ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đến Việt Nam.

Đoàn đông đảo hơn 50 doanh nghiệp Mỹ sang thăm Việt Nam cuối tháng 3 là một biểu hiện sinh động của nhận xét này. Tất nhiên việc đó không ngẫu nhiên và đòi hỏi 2 chiều. Mỹ có nhu cầu, đánh giá cao và mong muốn vào Việt Nam, nhưng phía ta cũng phải có khung pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh thế nào, năng lực của bản thân các doanh nghiệp và cả nền kinh tế thế nào để đứng được trên đôi chân của mình, hợp tác với Mỹ một cách độc lập, sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi.

Hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - công nghệ là vậy. Hợp tác trong các lĩnh vực khác cũng vậy. Đương nhiên, đó là suy nghĩ về phía chúng ta, nhưng về phía Mỹ, với tư cách một quốc gia phát triển, đi trước về trình độ, giàu có hơn về nguồn lực, Mỹ cần dành ưu tiên ưu đãi thỏa đáng cho chúng ta, là một cách thiết thực để góp phần "vượt lên quá khứ, hướng tới tương lai".

Hồi nãy tôi có nói tới lĩnh vực giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề chất độc da cam/dioxin. Hợp tác Việt - Mỹ đã đạt một số kết quả rất đáng khích lệ trong vấn đề này.

Đã hoàn thành việc tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Đang xử lý vấn đề này tại sân bay Biên Hòa. Ngay với sân bay A Lưới, chúng ta đang chủ động tự xử lý nhưng Mỹ đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ. Rồi còn sân bay Phù Cát ở Bình Định nữa…

Đó là chưa kể liên quan tới con người. Đã sang thế hệ thứ 4 người Việt Nam bị lây nhiễm chất độc da cam/dioxin. Việc xử lý đòi hỏi không chỉ chính sách, cơ chế, hay tình thương, mà còn cần cả tiền, cả phương tiện, thiết bị, và cả kỹ thuật, công nghệ.

Và cũng như tôi nói hồi nãy, ngoài chất độc da cam/dioxin, còn vấn đề bom mìn, vật liệu chưa nổ (UXO), rồi một vấn đề rất lớn nữa là người mất tích trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có hơn 180.000 bộ hài cốt của cán bộ, chiến sĩ hy sinh chưa được định danh.

Sau hơn 48 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, hơn 180.000 bộ hài cốt đang kêu gọi được chú ý nhiều hơn, nỗ lực cao hơn để xử lý có kết quả hơn và với tốc độ nhanh hơn.

Đảng, Nhà nước, các cơ quan chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân trung ương và địa phương của Việt Nam, tóm lại là cả xã hội Việt Nam đều rất quan tâm tới những việc này. Nhưng khi ra khỏi chiến tranh, để khắc phục tàn tích chiến tranh và phát triển, chúng ta có quá nhiều vấn đề phải làm trong lúc đất nước như một người vừa qua cơn trọng bệnh kéo dài, phải vừa chữa trị bệnh tật vừa dần cố gắng phục sức, nên việc giải quyết hậu quả chiến tranh chỉ là một trong số vô vàn việc mà Việt Nam đã làm nhưng chưa xong.

Vì vậy, chúng ta rất cần sự hợp tác quốc tế. Mỹ chính là một bên cần và có thể hợp tác với chúng ta trong lĩnh vực này. Tôi tin rằng Mỹ nhận thức được trách nhiệm của họ và đã có nhiều nỗ lực, với kết quả cho tới hiện nay là tích cực.

Tất nhiên, chúng ta mong muốn hơn thế và yêu cầu Mỹ làm nhiều hơn nữa. Đây là một trong những lĩnh vực còn nhiều dư địa để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa một khi quan hệ giữa hai nước được nâng cấp.

Hay trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tháng 6 vừa qua đánh dấu khóa đầu tiên sinh viên của Đại học Fulbright Việt Nam tốt nghiệp. Tới đây, khuôn viên chính thức của trường sẽ được khai trương ở Thủ Đức, TPHCM.

Điều kiện khách quan ấy, dẫu chỉ là cơ sở vật chất thôi, nhưng sẽ là cơ hội lớn để trường thu hút sự chú ý của không chỉ người học, người dạy của trường mà cả các nhà hỗ trợ về nội dung, các nhà đầu tư, những người hợp tác và hỗ trợ về tài chính góp công, góp của đưa trường phát triển.

Việt Nam ta luôn được xếp thứ hạng cao trong danh sách những quốc gia có nhiều du học sinh tại Mỹ. Họ sẽ là những thế hệ tương lai xây dựng đất nước. Tôi lại nhớ việc Bác Hồ kính yêu trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes ngày 01/11/1945 đã từng đặt vấn đề gửi khoảng 50 thanh niên Việt Nam ưu tú sang Mỹ học tập.

Nay, với chỉ riêng con số hơn 30.000 du học sinh Việt Nam theo học tại các trường của Mỹ cũng đủ để cho thấy tầm nhìn của Bác rất xa, rất sáng và đang được thế hệ con cháu của Người thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn báo Dân trí!