TPO - “Hãy suy nghĩ cách viết thế nào để bài phát biểu phải bám sát đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thể hiện cho khéo đừng làm cho nước lớn cảm thấy bị mất thể diện, người dân nghe được và kẻ địch thì không thể lợi dụng chống phá”, Đại tá Vũ Văn Khanh nhớ mãi lời căn dặn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Độc lập, tự chủ và đa dạng hóa quan hệ
Kể từ lần đầu tiên cử sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ) vào tháng 6/2014, đến nay, Việt Nam đã cử 786 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện sứ mệnh đặc biệt. Kết quả ấn tượng này có sự đóng góp to lớn và chỉ đạo sâu sát của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao Quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho 2 sĩ quan đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan, ngày 24/10/2019. Ảnh: Nguyễn Minh |
Nói về những đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trên lĩnh vực GGHB LHQ, góp phần vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, ngay từ trong thời bình, Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu quốc tế (Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng), cho biết: Với trọng trách là Trưởng ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn sâu sát trong chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt cho lực lượng Quân đội tham gia hoạt động này.
Theo ông Khanh, ở thời điểm hiện nay, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam đã trở thành nền nếp, nhưng cách đây khoảng hơn một thập kỷ, đây còn được coi là vấn đề nhạy cảm và có không ít những ý kiến trái chiều trong các cơ quan chức năng và xã hội.
“Trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo, anh Vịnh luôn nhấn mạnh, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ là một quyết định quan trọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, nhằm góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng. Qua đó, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một thành viên của LHQ”, ông Khanh nhớ lại.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tiễn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam lên đường tới Nam Sudan, ngày 1/10/2018. Ảnh: Yến Nhi |
Ông Khanh cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã cử 786 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia sứ mệnh cao cả này tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ. Trong đó, có 5 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 2 Đội công binh. Các sĩ quan của Việt Nam đều được Phái bộ và LHQ đánh giá cao, đáp ứng tốt các yêu cầu công việc tại Phái bộ trên nhiều cương vị như sĩ quan tham mưu, sĩ quan liên lạc, sĩ quan thông tin tình báo, quân y hay quan sát viên quân sự…
Đại tá Vũ Văn Khanh kể: Trong cuộc hội đàm trực tuyến sáng ngày 10/7/2020 giữa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Phó Tổng thư ký LHQ Atul Khare, ông Atul Khare chúc mừng những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19, trong đó có lực lượng GGHB đang được triển khai tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Ông Atul Khare cũng khen ngợi các sĩ quan Việt Nam, bên cạnh trình độ chuyên môn, còn tạo được dấu ấn tại các Phái bộ thông qua các hoạt động như dạy học cho trẻ em địa phương, hướng dẫn người dân bản địa tăng gia sản xuất, vệ sinh phòng dịch, may khẩu trang cấp phát miễn phí cho đồng nghiệp quốc tế và người dân để phòng chống dịch…
Không để nước lớn cảm thấy bị mất thể diện
Là người gắn bó nhiều năm với “mặt trận” nghiên cứu chiến lược về đối ngoại quốc phòng, Đại tá Vũ Văn Khanh cho biết ông có may mắn được làm việc và tháp tùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh một số chuyến công tác trong và ngoài nước.
“Trong chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng, anh Vịnh luôn trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để đẩy mạnh thông tin đối ngoại quốc phòng nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng”, ông Khanh kể.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, tổ chức tại Singapore, tháng 6/2016. Ảnh: B.T |
Theo ông Khanh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nhận định, công tác thông tin đối ngoại quốc phòng góp phần phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, giúp dư luận bên ngoài hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam qua nhiều kênh và bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn còn có những hiểu lầm về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là đối với một số kiều bào ta ở nước ngoài mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin.
“Vì vậy, anh Vịnh luôn yêu cầu các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình Quân đội cần phải tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung làm cho công tác tuyên truyền đối ngoại ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Anh Vịnh cũng luôn nhấn mạnh công tác phối hợp giữa đối ngoại quốc phòng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành, địa phương trong hoạt động đối ngoại”, ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, bằng nhãn quan chiến lược của mình, tướng Vịnh cho rằng nhiều vấn đề trong hợp tác quốc tế không thể chỉ giải quyết bằng các hoạt động đơn lẻ, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều cấp, tạo sự tập trung thống nhất và sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, cần tạo sự nhất trí cao trong nhận định tình hình thế giới, khu vực, chiều hướng các quan hệ quốc tế, từ đó đề xuất chính sách và hành động thống nhất.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân), tháng 5/2018. Ảnh: Mai Thắng |
Ngoài sâu sát trong công tác chỉ đạo, tác phong làm việc dân chủ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng là điều gây ấn tượng mạnh mẽ đối với Đại tá Vũ Văn Khanh. Trong các cuộc họp, tướng Vịnh luôn chú ý lắng nghe ý kiến phát biểu của các thành viên khác và đề nghị mọi người hãy nói hết suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó. Ông không bao giờ áp đặt ý kiến hay suy nghĩ của mình đối với người khác.
“Có một lần sau cuộc họp bàn về chuẩn bị nội dung bài phát biểu của lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham gia một hội nghị quốc tế, anh Vịnh gọi chúng tôi ở lại thêm vài phút và nói rằng: Nội dung cần trình bày trong bài phát biểu thì các em nghe rồi (anh ấy thường gọi chúng tôi thân mật như vậy ngoài giờ làm việc). Hãy suy nghĩ cách viết thế nào để bài phát biểu phải bám sát đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thể hiện cho khéo đừng làm cho nước lớn cảm thấy bị mất thể diện, người dân nghe được và kẻ địch thì không thể lợi dụng chống phá”, ông Khanh hồi tưởng lại.
Tác phong làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng
Đại tá Vũ Văn Khanh cho biết: Tác phong làm việc tỉ mỉ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thể hiện ở việc trau chuốt từng câu, từng chữ trong các văn kiện quốc phòng cũng như các bài phát biểu tại các hội nghị và diễn đàn quốc tế.
Trong hai lần biên soạn Sách trắng Quốc phòng (2009 và 2019), ông Khanh đã chứng kiến tướng Vịnh đọc và cho ý kiến sửa chữa các bản dự thảo Sách trắng Quốc phòng không dưới 20 lần; lần nào cũng có bút tích góp ý, sửa chữa.
Trong các lần tham dự và phát biểu tại các hội nghị và diễn đàn quốc tế, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn có thói quen lắng nghe, theo dõi các bài phát biểu của các nước khác để cần thiết có thể điều chỉnh nội dung phát biểu của mình dù chỉ vài chữ, nhất là những nội dung nhạy cảm.