Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

Giáo sư Văn Tần qua đời: Vị bác sĩ làm việc tới 92 tuổi, thực hiện 30.000 ca mổ

 Giáo sư, bác sĩ Văn Tần, một trong 3 phẫu thuật viên chính của ca tách song sinh Việt - Đức, vừa qua đời. Ông gắn bó với Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) trong suốt cuộc đời thầy thuốc.

Theo thông tin từ gia đình, Giáo sư Văn Tần từ trần hồi 10h15 ngày 4/9, hưởng thọ 92 tuổi. Ông nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ, phẫu thuật viên của hơn 30.000 ca mổ. 
1693835912206blob.jpg

Lễ viếng được tổ chức từ tối 4/9 đến sáng 7/9, hỏa táng tại nghĩa trang thuộc tỉnh Đồng Nai. Tất cả tiền phúng điếu sẽ được đưa vào quỹ từ thiện.

Giáo sư Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1964 và gắn bó với Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) từ năm 1972 đến cuối cuộc đời. Sau khi nghỉ hưu, ông ở lại bệnh viện làm cố vấn chuyên môn, tiếp tục công tác giảng dạy y khoa cho nhiều thế hệ sinh viên, bác sĩ tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TP.HCM.

Hình ảnh vị giáo sư già xuất hiện từ 5-6h sáng đã quen thuộc với các y bác sĩ Bệnh viện Bình Dân suốt những năm qua. Giáo sư Văn Tần luôn giữ thói quen đến thăm bệnh nhân từ rất sớm. Sau đó, ông tham gia họp giao ban chuyên môn cùng bệnh viện. 

Thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, Giáo sư Văn Tần tiếp tục đứng lớp trực tuyến để giảng dạy cho các sinh viên, bác sĩ để cập nhật kiến thức y khoa.

Ước tính đến nay, Giáo sư Văn Tần đã thực hiện trên 30.000 ca phẫu thuật và thực hiện hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học. Ông là một trong 3 phẫu thuật viên chính của ca tách rời song sinh Việt - Đức năm 1988, cùng Giáo sư Trần Đông A, Giáo sư Trần Thành Trai. 
-----------------------------------------------
1693834726435blob.jpg
Tiếp tân tại tư gia thầy Tâm cho buổi học Hậu Đại học Khoá 1972 từ trái: Bs Steven Reeder, Gs Phạm Biểu Tâm, Văn Kỳ Chương, Nguyễn Hữu Chí, Phan Văn Tường, Gs Anatolio Cruz, Gs Norman Hoover, Gs Đào Đức Hoành, Gs Phan Ngọc Dương, Văn Kỳ Nam, Lê Quang Dũng, Nguyễn Khắc Lân, Nguyễn Tiến Dỵ, Văn Tần, Nguyễn Đỗ Duy. (Nguồn: hình tư liệu gia đình Gs Phạm Biểu Tâm.)


 

GS.TS.BS Văn Tần - Tượng đài Ngoại khoa của Bệnh viện Bình Dân và nhiều thế hệ học trò ngành y qua đời

Trái tim của GS.TS.BS Văn Tần - vị bác sĩ tài hoa, người thầy uyên bác được nhiều thế hệ học trò ngành y kính trọng như tượng đài trong lĩnh vực Ngoại khoa đã ngừng đập vào lúc 10h15 ngày 4/9/2023, hưởng thọ 92 tuổi. 

Những di sản đồ sộ để lại cho hậu thế ngành y

Sự ra đi đột ngột của người thầy thuốc tài hoa để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp, bạn bè

Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Thầy thuốc Nhân dân - Văn Tần sinh năm 1938 tại Hải Lăng, Quảng Trị. Ông được tôn vinh là bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam, phẫu thuật gan đứng thứ nhì cả nước và là bác sĩ Việt Nam đầu tiên thực hiện phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm ngực, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng. 

Gần 60 năm tận hiến cho ngành Y và hơn 50 năm gắn bó với Bệnh viện Bình Dân cho đến lúc mất, GS.TS.BS Văn Tần là phẫu thuật viên chính trong hơn 30.000 ca phẫu thuật lớn nhỏ. Điều này đồng nghĩa với từng ấy bệnh nhân vượt qua nỗi đau bệnh tật, thậm chí là “cửa tử”, nhờ đôi bàn tay khéo léo và khối óc tài hoa. 

Trong rất nhiều ca đại phẫu do GS.TS.BS Văn Tần đảm nhiệm, nổi tiếng nhất là trường hợp mổ tách rời cặp song sinh dính nhau Việt - Đức, song hành cùng GS Trần Đông A và GS Trần Thành Trai. Ca phẫu thuật huyền thoại tách rời hai anh em diễn ra ngày 4/10/1988, trở thành dấu mốc son trong lịch sử y học Việt và được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. 

Một đời tất bật cho sự nghiệp y khoa, song lúc sinh thời, GS.TS.BS Văn Tần luôn khiêm nhường cho rằng, sự đóng góp của ông, cho người bệnh vẫn chỉ là “hạt cát giữa biển khơi”. Bởi thế, dù từng giữ chức Phó Giám đốc bệnh viện, nhưng với vị bác sĩ bình dân niềm vui lớn nhất là mỗi ngày được khám, điều trị, phẫu thuật cho người bệnh. 

Dù đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục ở bệnh viện làm công tác chuyên môn. Từ khi dấn thân vào ngành Y, quan điểm của GS.TS.BS Văn Tần kiên định: Có mặt bất cứ khi nào người bệnh cần, bất kể đó là đêm khuya, lễ tết hay cuối tuần. Ông có mặt đều đặn ở bệnh viện vào lúc 5h sáng, ưu tiên đi thăm bệnh, bắt đầu từ bệnh nặng tới bệnh nhẹ, rồi mới bắt đầu họp giao ban chuyên môn sáng với ban giám đốc và các bác sĩ.

Cây đại thụ cần mẫn, giản dị 

Dù tuổi cao, GS.TS.BS Văn Tần vẫn tham gia báo cáo tại Hội thảo CISE 2023 của Bệnh viện Bình Dân

Song song với sự nghiệp y khoa lẫy lừng ghi dấu bằng hàng chục ngàn ca phẫu thuật lớn và hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, GS.TS.BS Văn Tần còn là người thầy mẫu mực với sự nghiệp giảng dạy trong suốt gần 60 năm.

Nhiều thế hệ sinh viên y khoa học tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) được lĩnh hội kiến thức từ người thầy uyên bác, hiền lành nhưng vô cùng nghiêm khắc. Bài học đầu tiên mà thầy giáo Văn Tần dạy các học trò của mình là bài học về đạo đức, hướng về người bệnh. Với ông, người bác sĩ cần phải đặt y đức lên hàng đầu, song song với việc nâng cao kiến thức chuyên môn. 

Cuộc đời vị giáo sư tựa như một cuộc chạy việt dã đường trường, kiên định, bền bỉ và có chiến thuật, thực hiện tuần tự những việc cần làm cho người bệnh, cho các thế hệ học trò. Ông kiên định với bệnh nhân, thuỷ chung với tôn chỉ “Không mổ dịch vụ, không mở phòng mạch tư. Bệnh nhân dù giàu hay nghèo, chỉ ưu tiên điều trị cho người bệnh nặng trước”. 

Ông bền bỉ với học trò. Những kinh nghiệm thực tiễn được GS.TS.BS Văn Tần đúc kết trong 6 thập kỷ còn đi vào từng trang sách, mang vào từng bài giảng cho thế hệ sinh viên y khoa - những người sẽ thay ông nối tiếp y đức, chữa bệnh cứu người. 

Với tư duy của một nhà khoa học, GS.TS.BS Văn Tần luôn có cái nhìn rộng mở, không giới hạn bản thân và sẵn sàng tìm hiểu những điều mới thay vì kháng cự. Do vậy, ngay cả khi COVID-19 ập đến, ông vẫn đều đặn đứng lớp trực tuyến, để kiến thức không bị tắc nghẽn vì đại dịch. Tất cả đều là tâm huyết của người thầy để lại cho thế hệ kế cận.

Ngược lại, với bản thân, ông cần mẫn và giản dị, không một phút dư thừa trong cuộc sống hằng ngày. Đó là lịch trình mấy mươi năm mà ai cũng biết “nếu không ở phòng mổ, không đang dạy học, không thăm bệnh thì chắc chắn đang xem sách, soạn bài trong phòng làm việc”. Đó là những bữa ăn dân dã gói gọn trong cặp lồng cơm “tri kỷ”. Đó là chiếc điện thoại bàn cũ đặt ở góc nhỏ trên bàn làm việc. Đó là niềm vui mộc mạc quanh mảnh vườn trĩu quả và ngôi nhà nhỏ sau giờ làm…

Thời gian của GS.TS.BS Văn Tần dừng lại, nhưng kho tàng thư về y học Thầy đóng góp cho ngành Y sẽ còn mãi cho các thế hệ mai sau, hiện diện trong nhiều tập sách, trong nhiều công trình nghiên cứu. 

Giã từ cõi tạm, GS.TS.BS Văn Tần làm tròn trách nhiệm trao truyền kiến thức của người Thầy - đào tạo được nhiều thế hệ học trò có tầm, có tài và đã để lại cho thế hệ sau những bộ sách có giá trị, làm tròn sứ mệnh - tận tâm với người bệnh. 

Lễ viếng cố giáo sư sẽ bắt đầu từ 19h30, thứ 2 (ngày 4/9/2023) đến 5h, thứ 5, ngày (7/9/2023). Theo di nguyện của Thầy và mong muốn của gia đình, tất cả tiền phúng điếu sẽ được dùng làm quỹ từ thiện. 

AloBacsi xin kính cẩn nghiêng mình, trân trọng cảm ơn GS.TS.BS Văn Tần vì những tháng ngày kiên trì không mệt mỏi cống hiến cho ngành y, cho bệnh nhân. 

 

GS.TS.BS Văn Tần sinh năm 1938. Quê quán người tộc Văn Nhì Hải Lăng-Quảng Trị.

  • Năm 1963: Tốt nghiệp Cử nhân Sinh lý
  • Năm 1965: Tốt nghiệp Bác sĩ Nội Trú
  • Năm 1967: Tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa
  • Năm 1975: Tốt nghiệp sau đại học về Ngoại chung, Lồng ngực-Tim mạch tại các trường: Đại học Y Sài Gòn-Đại học Y Pittsburg. USA (1972-1975).
  • Năm 1992: Phong học hàm Phó Giáo sư
  • Năm 2007: Phong học hàm Giáo sư

Sinh thời, GS.TS.BS Văn Tần đảm nhiệm các vị trí:

  • Phó Chủ tịch hội Ngoại tim Mạch-Lồng Ngực Việt Nam
  • Chủ tịch phân hội Nội soi Lồng Ngực Việt Nam
  • Thành viên BCH các hội: Ngoại Khoa, Ung Thư, Khoa học Tiêu hóa, Gan, Mật Quốc Gia Việt Nam
  • UV-BCH Hội Ngoại Đại Trực Tràng-Đông Nam Á (ASCS)
  • Hội viên các Hội quốc tế: Nội Soi Châu Á-Thái Bình Dương (ELSA); Phẫu thuật mạch máu Pháp (SCV); Ngoại khoa Thế giới (ISS); Chấn thương và săn sóc đặc biệt Thế giới (IATSIC)…


GS.TS.BS Văn Tần có những công trình nghiên cứu cấp Cơ sở, Cấp Thành phố, Cấp Hợp tác quốc tế. Hơn 350 bài báo cáo trong các báo cáo trong nước và quốc tế.

Với thành quả lao động sáng tạo không mệt mỏi, GS.TS.BS Văn Tần được nhà nước CHXHCNVN trao tặng nhiều huân chương, Huy chương và nhiều bằng khen về lao động sáng tạo cao quý vào các năm: 1988, 1989, 1994, 1995, 1996, 2004, 2005…

Ngoài ra, được phong tặng các danh hiệu: Thầy thuốc Ưu Tú (năm 1997); Thầy thuốc Nhân Dân năm (2005); Anh hùng Lao động (năm 2006)…

 
GS Văn Tần - đại thụ ngoại khoa đã ra đi

Trong hơn 60 năm gắn bó với nghề y, GS-TS-BS, Thầy thuốc Nhân dân Văn Tần đã để lại nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị và trở thành cẩm nang của nhiều thế hệ y - bác sĩ

Hồi 10 giờ 15 phút ngày 4-9, GS-TS-BS Văn Tần, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), từ trần; hưởng thọ 92 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại cho các thế hệ học trò sự hụt hẫng, tiếc thương người thầy thuốc một đời hết lòng vì học trò, ân cần với người bệnh.

Tận tâm với nghề

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 4-9, GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết đó là ngày đau buồn của không chỉ riêng ông mà còn toàn thể công nhân viên chức của Bệnh viện Bình Dân.

"Cách đây hơn 48 năm, lúc đó tôi mới vào nội trú thì GS Văn Tần đã là Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Bình Dân. Tôi đã học được rất nhiều từ thầy. Ông không chỉ là thầy thuốc giỏi, mát tay mà còn tận tâm với nghề, đồng nghiệp, học trò. Dù ngày hay đêm, chỉ cần đàn em mời tham vấn những ca cấp cứu khó, thầy đều không từ nan" - bác sĩ Nghĩa bày tỏ.

GS Văn Tần - đại thụ ngoại khoa đã ra đi - Ảnh 1.

Lúc sinh thời, GS Văn Tần là cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Bình Dân (TP HCM). Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Theo bác sĩ Nghĩa, GS Văn Tần là người yêu thích nghiên cứu khoa học. Ông đã viết gần như mọi chủ đề về ngoại khoa. Riêng phình động mạch chủ bụng, GS Văn Tần là người số 1 ở Việt Nam với số ca mổ nhiều nhất nước.

GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP HCM): “Một biểu tượng cao quý của ngành ngoại khoa đã tắt. Cùng với mọi công nhân viên chức của bệnh viện, tôi trân trọng cúi đầu trước sự ra đi mãi mãi của thầy với lòng thương tiếc khôn nguôi”.

"Tôi vẫn nhớ tường tận nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh đã được thầy cứu và cũng không thể nào kể hết số ca bệnh mà thầy đã phẫu thuật. Với mọi bệnh nhân, thầy luôn tận tụy và chu đáo trong điều trị" - bác sĩ Nghĩa nói.

Chị Trần Bích Vân, điều hành Khoa Tổng quát 3 Bệnh viện Bình Dân, tâm sự vẫn không thể nào quên được hình ảnh một người bác sĩ giàu lòng nhân ái, luôn tận tâm với bệnh nhân. Đây cũng là cảm nhận của chị Ngô Thị Kim Hoàn, hộ lý - người 25 năm gắn bó tại Bệnh viện Bình Dân. Chị Hoàn chia sẻ thầy là một người mẫu mực, tốt bụng và mong rằng sau này khi con mình học ngành y sẽ noi theo gương thầy.

Tấm gương y đức

Nhắc đến GS Văn Tần, TS-BS Lâm Văn Nút, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), luôn nhớ hình ảnh người thầy uyên bác nhưng rất giản dị. "Thầy là người có chuyên môn cao, rất tận tâm với nghề; nhiệt tình, tâm huyết với sinh viên. Dù trải qua hàng ngàn ca mổ nhưng trước cuộc phẫu thuật thầy rất kỹ lưỡng, bài bản, ngăn nắp. Ví dụ, chỉ cần biết ngày hôm sau có ca mổ là thầy sẽ nắm được công việc của từng người trong ê-kíp như bác sĩ gây mê, bác sĩ mổ, điều dưỡng…" - bác sĩ Nút chia sẻ.

Bác sĩ Nút cho biết hồi tháng 3-2023, ông cùng một số đồng nghiệp đến thăm GS Văn Tần. Dù bệnh nhưng chỉ cần nghe học trò đến thăm và nói về nghề, ông tươi tắn hẳn.

"Tình yêu dành cho chuyên môn với thầy chưa bao giờ tắt. Thầy có thể ngồi say sưa chia sẻ về nghề với học trò. Khi đó, thầy vui mừng khi những tâm tư về bệnh lý mạch máu được gỡ bỏ. Bởi chuyên ngành mạch máu ngày càng phát triển, giúp cho người bệnh bớt nặng nề hơn sau các cuộc phẫu thuật, hiệu quả điều trị tốt hơn" - bác sĩ Nút kể.

Theo bác sĩ Nút, GS-TS-BS Văn Tần không chỉ là thầy của nhiều thế hệ bác sĩ về mặt chuyên môn mà còn là tấm gương tận tụy với nghề, với người bệnh. "Không chỉ riêng tôi mà nhiều thế hệ học trò đều sẽ luôn xem thầy là tấm gương để học hỏi, không ngừng hoàn thiện và phát triển nhằm hướng tới đích cuối cùng trị bệnh cứu người" - bác sĩ Nút tâm sự.

Linh cữu của GS-TS-BS Văn Tần được quàn tại số 99 đường 19, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM. Lễ nhập quan lúc 18 giờ 30 phút ngày 4-9.

Lễ viếng từ 19 giờ 30 phút ngày 4-9 đến 5 giờ ngày 7-9. Lễ động quan vào lúc 6 giờ ngày 7-9. Hỏa táng tại Hòa Lạc Viên - Hoa viên Nghĩa trang Sala Garden (Tân Hiệp, Long Thành, Đồng Nai).