"Giáo sư Phạm Biểu Tâm sinh ngày 13/12/1913. Quê quán làng Nam Trung, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình khoa bảng. Cụ cố là Tổng binh Phạm Tấn, gốc miền Nam, quê quán làng Long Phú (Bến Lức, Gò Công), tỉnh Gia Định. Được vua Gia Long vời ra làm quan ngoài Bắc Hà (Ninh Bình và Nam Định). Cụ nội là Phạm Năng Tuần, tước hiệu Hàn Lâm Viên Đại Phu. Cụ khai khẩn và thành lập làng Nam Trung, tỉnh Thừa Thiên cho các quan gốc miền Nam ra Trung. Cụ thân sinh là Phạm Hữu Văn, thi đậu Tiến sĩ khoa Quí Sửu 1913. Làm quan tới chức Bố Chánh tỉnh Thanh Hóa, được thăng Thượng Thư Trị Sứ khi đã về hưu.”
Giáo sư Phạm Biểu Tâm học tiểu học tại Huế, trung học phổ thông tại Vinh, rồi trường Quốc Học Huế, và trường Bưởi Hà Nội.
Suốt thời tuổi trẻ, Giáo sư Phạm Biểu Tâm đã là một hướng đạo sinh, rất hoạt động trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của đất nước. Ông gia nhập tráng đoàn Lam Sơn của Hoàng Đạo Thúy, từ những năm 1930 từng tham dự khóa huấn luyện Tráng tại Bạch Mã, Huế. Có thể nói suốt cuộc đời, ông vẫn gắn bó với phong trào hướng đạo Việt Nam và vẫn cứ mãi là một tráng sinh lên đường
Năm 1932, thầy Tâm theo học Trường Y Khoa Hà Nội, sau Bác sĩ Tôn Thất Tùng một năm. Sau khi tốt nghiệp y khoa, vẫn tiếp tục tình nguyện ở lại làm Nội Trú Bệnh Viện thêm 8 năm. Mãi tới năm 1947 mới trình luận án Tiến Sĩ Y Khoa với đề tài mang tính văn hoá: “Introduction de la Médecine Occidentale en Extrême-Orient / Sự Du Nhập của Y học Tây Phương sang Viễn Đông”.
Nói về đời sống gia đình, Giáo-Sư Phạm Biểu Tâm đã kết hôn với Bà Công Tằng Tôn Nữ Tuyết Lê vào năm 1944, nguyên là nữ sinh trường Đồng Khánh rất cấp tiến. Thầy Cô có năm người con, ba trai hai gái theo thứ tự: Phạm Biểu Trung, Phạm Biểu Chí, Phạm Biểu Kim Hoàn, Phạm Biểu Kim Liên và Phạm Biểu Tình nhưng tên gọi ở nhà thì chỉ là tên các vật liệu trong phòng mổ: Bông, Gạc, Băng, Kim, Chỉ. Thầy cô còn có thêm một dưỡng nữ Trần Thị Hồng.
Năm 1948, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm trúng tuyển kỳ thi Thạc Sĩ Y Khoa [Professeur Agrégé des Universités] tại Paris, đồng thời với Giáo sư Trần Quang Đệ cũng là một bác sĩ phẫu thuật lừng danh tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau này. Trở về nước, thầy Tâm tiếp tục giảng dạy tại Đại Học Y Khoa Hà Nội kiêm Giám Đốc Bệnh Viện Yersin hay còn gọi là Nhà Thương Phủ Doãn cho đến ngày ký kết Hiệp định Genève 1954 phân đôi đất nước.
Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập, cũng khởi đầu ngành Quân Y Việt Nam 1951, Gs Phạm Biểu Tâm có thời gian đảm trách chức vụ Phó Giám Đốc Trường Quân Y với cấp bậc Trung Tá.
Năm 1954, Giáo-Sư Phạm Biểu Tâm đã cùng gia đình di cư vào Nam, được đề cử làm Giám Đốc Bệnh Viện Bình Dân mới xây cất xong trên đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, đồng thời cũng là Trưởng Khu Ngoại Khoa tại bệnh Viện này. Đa số nhân viên y tế từ nhà thương Phủ Doãn di cư vào Nam đều trở lại làm việc tại bệnh viện Bình Dân. Đây cũng là một bệnh viện giảng huấn trực thuộc trường Đại Học Y Nha Dược duy nhất của Miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Khi Đại Học Hỗn Hợp Pháp Việt được người Pháp trao trả lại cho Việt Nam [11.05.1955], Giáo-Sư Phạm Biểu Tâm được đề cử làm Khoa Trưởng, và là vị Khoa Trưởng đầu tiên của Trường Đại Học Y Dược Sài Gòn [Faculté Mixte de Médecine et Pharmacie].
Năm 1962, Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ / American Medical Association [AMA] đã viện trợ một ngân khoản lớn cho Việt Nam để xây cất một Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa với tiêu chuẩn hiện đại tại đường Hồng Bàng, Chợ Lớn, gồm một Trường Y Khoa [giai đoạn I] và một Bệnh Viện thực tập [giai đoạn II]. Lễ đặt viên đá đầu tiên do Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ tọa.
Sau biến cố 1963, Gs Phạm Biểu Tâm tiếp tục ở lại với Trường Y Khoa cho đến tháng 3 năm 1967, khi tướng Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương đã đơn phương ký sắc lệnh giải nhiệm chức vụ Khoa Trưởng của Gs Phạm Biểu Tâm để thay thế bằng một Uỷ ban 5 người, đây cũng là lần đầu tiên ở miền Nam chính trị can thiệp vào nền tự trị đại học. Từ nhiệm chức Khoa trưởng, thầy Tâm vẫn cứ ẩn nhẫn, tiếp tục công việc của một Giáo sư Giải phẫu, giảng dạy và điều trị mổ xẻ tại Khu Ngoại Khoa B Bệnh viện Bình Dân.
Cùng lúc với Dự án của Hiệp Hội Y khoa Hoa Kỳ / AMA Project, kết hợp với trường Y khoa Sài Gòn để cải tiến các bộ môn từ khoa học cơ bản tới các khoa lâm sàng như nội khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, giải phẫu, gây mê, quang tuyến… với kế hoạch vừa huấn luyện tại chỗ vừa gửi nhân viên giảng huấn sang tu nghiệp tại các Đại học Hoa Kỳ. Đây là giai đoạn thầy Tâm đã bỏ ra rất nhiều công sức để phát triển chương trình đào tạo thêm nhân viên giảng huấn Khoa Giải phẫu cho trường Y khoa.
Sự hợp tác giữa giáo sư Henry Bahnson danh tiếng từ Đại học Pittsburgh và Gs Phạm Biểu Tâm tại Bệnh viện Bình Dân được coi là thành công nhất trong số những chương trình được AMA bảo trợ.
Sau 1975, Giáo sư Phạm Biểu Tâm vẫn sống hết lòng cho y nghiệp, thương mến chăm sóc bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo, hay màu sắc chính trị nào. Thầy Tâm tiếp tục công việc dìu dắt giảng dạy nhiều thế hệ sinh viên y khoa. Như từ bao giờ, thầy Tâm thâm trầm, nhưng cương nghị, làm nhiều và ít nói. Trong nghịch cảnh, thầy không bao giờ biểu lộ sự giận dữ, vẫn nhỏ nhẹ nhưng thâm thuý và sâu sắc, câu nói giản dị của thầy vẫn cứ mãi được truyền tụng trong đám môn sinh: “cố gắng làm việc, lấy chăm sóc bệnh nhân làm nhiệm vụ trước mắt của người thầy thuốc.”
Năm 1984, Giáo sư Phạm Biểu Tâm buộc phải nghỉ hưu ở tuổi 71 sau một cơn tai biến mạch máu não/ stroke với liệt nửa người trái. Không có cơ hội hồi phục, năm 1989 Giáo sư Phạm Biểu Tâm đã phải rời bỏ quê hương yêu dấu, nơi mà Giáo sư đã dâng hiến gần trọn cuộc đời cho người bệnh, cho nền y học Việt Nam, để sang đoàn tụ với các con tại Hoa Kỳ.
Giáo sư mất ngày 11 tháng 12 năm 1999 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi."
(Theo tư liệu gia đình và tư liệu của học trò của thày Tâm là Ngô Thế Vinh)