“Từ thời Tổng thống Bill Clinton, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, các tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam. Chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng, Việt Nam quan trọng với Mỹ”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper khẳng định với VietNamNet.
Không ngừng làm bền chặt hơn mối quan hệ hai nước
Ngày 10/9, Tổng thống Mỹ sẽ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta trông đợi gì về sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa hai nước sau chuyến thăm cấp cao này, thưa Đại sứ?
Chúng tôi rất mong được đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm làm trọn vẹn hơn cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tháng 3 vừa qua.
Chuyến thăm cũng là một phần quan trọng của những nỗ lực to lớn hơn trong năm nay, nhằm đánh dấu 10 năm hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện. Chúng tôi nhìn nhận, mối quan hệ Việt -Mỹ theo nhiều cách. Đó là những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo, của tàu sân bay, hay quan hệ thương mại giữa 2 nước đạt gần 140 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 8 trong số các đối tác thương mại của Mỹ, việc Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam…
Bên cạnh việc tăng cường hợp tác kinh tế, chúng ta không ngừng làm bền chặt hơn mối quan hệ giữa người dân 2 nước.
Gần 30.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Mỹ, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số sinh viên theo học ở Mỹ nhiều thứ 5 thế giới và tôi muốn tìm cách để đưa con số này tiếp tục tăng lên. Đại học Fulbright tại TP.HCM đã có thế hệ sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Chúng tôi có Peace Corps với đội ngũ tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội. Chúng ta đang hợp tác tuyệt vời về các vấn đề biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, chúng ta cùng hợp tác trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam. Rất nhiều điều tuyệt vời đã diễn ra trong năm nay, và rất nhiều điều tuyệt vời đã đến với trong mối quan hệ tổng thể giữa hai nước.
Truyền tải thông điệp
Đại sứ có thể nói cụ thể hơn về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden được chuẩn bị thế nào?
Về thông điệp tổng thể, chúng ta thật may mắn khi từ thời Tổng thống Bill Clinton, khi bình thường hóa quan hệ, các tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam. Chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng mối quan hệ của chúng ra rất ý nghĩa.
Giá trị nội tại trong mối quan hệ hai nước vượt xa hơn bất kỳ điều gì có thể nghĩ về mối quan hệ Mỹ và Việt Nam. Trở lại với chuyến thăm, tôi nghĩ trọng tâm là giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển lực lượng lao động công nghệ cao, ứng phó với những thách thức và nắm bắt cơ hội của thế kỷ 21.
Tôi nghĩ, bạn đã nghe được nhiều về hai đất nước chúng ta, về người dân hai nước và về cách chúng ta có thể phát triển mối quan hệ trong tương lai.
Hợp tác y tế vẫn luôn là nét đặc trưng mạnh mẽ trong tình hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam cho dù đó là hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ dịch Covid-19 hay hoạt động phòng chống HIV AIDS.
Vì vậy, theo nhiều cách, chuyến thăm này truyền tải đi thông điệp lớn rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam rất quan trọng.
Những gì chúng ta làm là thể hiện sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị của nhau. Tất cả những điều này sẽ được nhấn mạnh qua chuyến thăm lịch sử. Dĩ nhiên, chuyến thăm đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng sau cùng, kết quả của những nỗ lực này sẽ là rất tuyệt vời đối với cả hai nước.
Theo ông tiềm năng lớn nhất trong quan hệ mà 2 bên cần thúc đẩy mạnh mẽ thời gian tới là gì?
Tôi cho rằng đó sẽ là những lĩnh vực liên quan đến giáo dục. Việc này giúp người dân hai nước thấu hiểu nhau hơn, đồng thời hợp tác để đảm bảo Việt Nam có được lực lượng lao động cần thiết để ứng phó với thách thức và nắm bắt những thời cơ của thế kỷ 21.
Tôi nghĩ, chúng ta sẽ hợp tác trong các vấn đề về môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu, hiện thực hóa nỗ lực của Việt Nam nói riêng và của hai nước nói chung để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Mỹ mong muốn đạt được điều này dù là thông qua hợp tác tài chính, công nghệ hay nguồn nhân lực.
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Khí hậu John Kerry đã đến Việt Nam vài lần. Đây là lĩnh vực rất quan trọng mà chúng ta có thể hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất về vấn đề này.
Mỹ là quốc gia đóng góp lớn nhất cho Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng. Và tôi nghĩ, chúng ta sẽ có các cuộc hội đàm để tối ưu hóa sự hợp tác nhằm đáp ứng được những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đặt ra cho mình.
Chặng đường 28 năm
Nhìn lại chặng đường 28 năm qua, và nhất là tròn 10 năm hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, Đại sứ cảm nhận thế nào về những thành tựu hai nước có được trong các trụ cột hợp tác?
Đó chắc chắn là đầu tư thương mại. Trong những thành tựu rõ ràng nhất, kim ngạch thương mại hai chiều đạt tới 140 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh quan hệ 2 nước trước kia. Con số này tăng tới tăng đến 360% kể từ khi chúng ta bắt đầu mối quan hệ đối tác toàn diện.
Chúng ta chứng kiến sự đầu tư của các công ty Việt Nam vào Mỹ, cũng như các công ty Việt Nam xuất hiện trên thị trường chứng khoán Mỹ. Đây đều là những tín hiệu thực sự về mối liên kết ngày càng gia tăng giữa nền kinh tế hai nước. Đó là thành tựu lớn, có được nhờ công sức của cả Mỹ và Việt Nam.
Những nỗ lực của cả hai nước trong lĩnh vực khí hậu cũng rất to lớn và sẽ còn phát triển hơn nữa.
Một lần nữa, dù là thông qua hợp tác tài chính, hợp tác kỹ thuật, giáo dục, chúng tôi rất vui khi có nhiều bạn trẻ Việt Nam và có thể cả những sinh viên trong còn quá trẻ muốn học tập tại Mỹ. Chúng tôi tự hào rằng có nhiều gia đình đặt niềm tin vào nền giáo dục Mỹ và sẵn sàng gửi con mình du học tại Mỹ.
Không chỉ riêng bậc đại học, sau đại học, chúng tôi còn triển khai nhiều chương trình nhiều chương trình nhỏ hơn. Ví dụ, Chính phủ Mỹ có các chương trình mà thanh thiếu niên có thể đến Mỹ trong vòng 1 tuần hoặc vài tháng. Đây là cơ hội để những người trẻ ở Việt Nam hoặc Mỹ có cơ hội để đi và học nhiều hơn nữa về đất nước của nhau.
Đó là điều thực sự cần thiết vì mọi thứ chúng ta hợp tác đều dựa trên nền tảng được xây dựng bởi mối quan hệ giữa con người với con người, dựa trên sự hiểu biết và niềm tin.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 35 năm cùng tham gia hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Đây là nỗ lực tuyệt vời và đầy tính nhân đạo đến từ Việt Nam và tôi biết có hàng trăm nghìn người Mỹ vô cùng biết ơn những gì các bạn đã làm.
Chúng tôi vài năm trước cũng đã triển khai một sáng kiến nhằm giúp đỡ các bạn trong hoạt động tìm kiếm các trường hợp quân nhân mất tích trong chiến tranh, thông qua việc sử dụng nghiên cứu lưu trữ cũng như phân tích ADN. Hy vọng, chương trình này sẽ giúp khép lại những nỗi đau của nhiều gia đình Việt Nam, theo cách mà những nỗ lực của Việt Nam đã và đang giúp đỡ các gia đình Mỹ.
Hai bên còn thực hiện các nỗ lực khác như rà phá, tháo dỡ bom mìn, dù là ở sân bay Đà Nẵng hay sân bay quân sự Biên Hòa với hy vọng dọn sạch bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; hỗ trợ những người khuyết tật. Đây đều là những nỗ lực đã diễn ra từ trước, trong quá trình bình thường hóa quan hệ, giúp thiết lập nền tảng của sự tin tưởng giữa hai đất nước, điều mà đến nay vẫn tiếp tục đem lại lợi ích cho cả hai.
* Phần tiếp theo: Việt - Mỹ cùng thiết lập nền tảng cho sự phát triển mạnh hơn trong tương lai