Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

Giáo sư Toán học nào từng là tướng tình báo?

 Ông là điệp viên đơn tuyến, từng sang Pháp du học để có bằng cấp khoa học, về nước tạo vỏ bọc vững chắc trong giới thượng lưu và trí thức Sài Gòn.

1/5. Giáo sư Toán học duy nhất nào của Việt Nam là tướng tình báo nổi tiếng?

58% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

GS Nguyễn Đình Ngọc sinh năm 1932 ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là điệp viên đơn tuyến thuộc Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. 

Bác sĩ Nguyễn Đình Kim, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, em của ông Ngọc, kể những năm 1950, khi đang học bậc tú tài, anh trai ông được tuyển chọn học lớp đào tạo điệp viên ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, rồi được giao trà trộn vào dòng người di cư vào Nam, hoạt động đơn tuyến.

Ông Ngọc sẽ phải học lên, giành học bổng sang Pháp du học để có bằng cấp khoa học, về nước tạo vỏ bọc trong giới thượng lưu và trí thức Sài Gòn. Năm 1955, ông đến Pháp, tốt nghiệp ba bằng kỹ sư về các ngành Thủy văn - Khí tượng, Đóng tàu và Viễn thông; hai bằng tiến sĩ về Địa lý và Toán học, trở thành người Việt Nam hiếm hoi làm giáo sư giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng của Pháp. Ông cũng từng làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học cao cấp (IHES) ở Pháp.

Năm 1966, tổ chức điều ông trở lại miền Nam với hoạt động công khai là giáo sư của trường đại học. Nhà toán học nổi tiếng này sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tình báo đã được phong quân hàm thiếu tướng công an nhân dân Việt Nam năm 1994.

 

Thiếu tướng, GS Nguyễn Đình Ngọc nhân dịp 70 tuổi năm 2002. Ảnh: Phạm Quang



 

2/5. Giáo sư mang bí danh gì?

54% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Kim, em của Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, bí danh của anh trai ông là Diệp Sơn. Bí danh này được ghép từ tên cha ông, Nguyễn Đình Diệp, và người em trai xấu số tên Sơn đã mất lúc 3 tuổi.

GS Nguyễn Đình Ngọc. Ảnh: Tư liệu Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam

3/5. Ông là giáo sư của trường đại học nào sau khi về nước năm 1966?

81% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Theo Hà Nội Mới, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc về nước tháng 2/1966, được chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm vào vị trí giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM ngày nay). Do mối quan hệ công việc và xã hội, ông nắm được nhiều thông tin quan trọng và đã cung cấp tin tức tình báo chiến lược dưới bí danh Diệp Sơn. 

Cuối năm 1994, ông được phong quân hàm thiếu tướng rồi làm Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia Công nghệ thông tin; Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Tây Đô, Cần Thơ và là ủy viên Hội đồng quản trị trường Đại học dân lập Thăng Long.

 

GS Nguyễn Đình Ngọc (ngồi giữa, bế một em nhỏ) cùng các giảng viên khoa Toán, trường Đại học Khoa học Sài Gòn, năm 1972. Ảnh tư liệu



 

4/5. Ông được gọi là:

23% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Theo báo Quân đội Nhân dân, trong những năm ở Đại học Khoa học Sài Gòn, Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc có cách sống khác người.

Ông mặc xuề xòa và hầu như bốn mùa chỉ đi giày da cao cổ. Ông đi làm bằng xe đạp và cả ngày chỉ ăn một bữa chiều. Giáo sư không ngủ giường mà nằm trên những tờ báo được trải ở sàn nhà. Người ta gọi ông là "giáo sư lập dị" nhưng chính cách sống đó lại là vỏ bọc an toàn cho Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc.
 

Nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc trên trang bìa tiểu thuyết chân dung “Đơn tuyến” của nhà báo - nhà văn Phạm Quang Đẩu. Ảnh: Lê Tiên Long

5/5. Giáo sư từng bị Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA lùng ra tung tích?

63% người chơi trả lời đúng câu hỏi này

Vài tháng trước ngày 30/4/1975, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc có dấu hiệu bị lộ khi hai sĩ quan CIA người Mỹ đã tới văn phòng của ông ở trường đại học. Sau cuộc gặp, ông Ngọc nhận định phía Mỹ đã nghi ngờ, theo dõi từ khi ông ở nước ngoài nhưng chưa đủ bằng chứng. Chúng muốn ông cộng tác "hai mang" nhưng thất bại. Ông sau đó đã báo cáo sự việc này với cấp trên.

Trung tướng Nguyễn Phước Tân, tức Hai Tân, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Công an nhân dân đã khẳng định, đồng chí Nguyễn Đình Ngọc hoạt động đơn tuyến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, đã lập được nhiều chiến công có tầm chiến lược.