Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

SỰ THẬT VỀ ÔNG BẢO ĐẠI

 Trần Anh Đức 


Hôm qua có 1 con bò đỏ quậy tung stt về Bảo Đại của mình. Văn nó đặc SGK, toàn những thông tin mà dân VN ai ai cũng bị nhồi sọ. Từ ngày mấy cái chuồng bò bị giật nước thì vãn cả bò, nên mình muốn bảo tồn con này, cứ để cho nó lảm nhảm xem sao. Nó được thể húc tán loạn, ra điều hiểu biết lắm. Lại có vài anh em thiện lành vào bi bô là mình nên đánh giá sao cho khách quan về Bảo Đại, ý họ là ông này chỉ giỏi ăn chơi đàng điếm, giá áo túi cơm, chứ biết gì đâu!
Thế nên hôm nay mình mới viết stt này, đầu tiên là trích đoạn ông Hoàng Xuân Hãn nói về ông Bảo Đại, thuật lại lời của ông Trần Trọng Kim nhận xét về Bảo Đại nữa. Về ông Hãn thì anh em bò đỏ và thiện lành cần hiểu là ông ấy là 1 người trí thức mà cả 2 chế độ đều tôn trọng, bản thân ông ấy là thiên tả, có vẻ ưa CS hơn là phe Quốc gia, nên đừng nghĩ là ông ấy bịa chuyện.
Đoạn sau của stt là tổng hợp các stt mà mình đã viết về ông Bảo Đại, tất nhiên không phải kiến thức trong SGK, để mọi người có được đánh giá khách quan về nhân vật lịch sử này. Mình chỉ buồn cười mấy bố vào khuyên mình hãy nhìn nhận khách quan, trong khi kiến thức của chính họ lại toàn trong SGK, đúng là trứng đòi khôn hơn vịt!
Dưới đây là trích đoạn ông Hãn trả lời bà Thụy Khuê về nhân vật Bảo Đại:
Người đầu tiên mà tôi gặp trong giới chính thức ấy, về đường chính trị, thì tự nhiên là ông Bảo Đại. Ông Bảo Đại tôi biết từ lúc ông đương còn đi học ở bên này. Ông ở gần nhà tôi đây, đường Lamballe, sau nhà Radio[2]; tôi ở Polytechnique thỉnh thoảng ông Charles, ông ấy gọi dây nói mời tôi lên chơi, gặp để khuyến khích ông Bảo Đại học lúc ấy. Tôi đương còn nhớ, nhiều khi lên ông ấy hỏi một bài toán gì đấy. Tôi giúp ông ấy như thế. Ông ấy rất dễ thương, lúc ấy là một người con giai còn trẻ đẹp, học hành cũng không phải là dốt đâu; qua những câu hỏi tôi biết rằng là người có học cả. Thế rồi, năm 32, ông ấy về bên nhà, nghĩa là họ đưa ông ấy về bên nhà để làm vua, cải cách, rồi đưa các cụ -có năm cụ[3]- đưa về, rồi đưa những ông mới ra làm thượng thư: Ông Phạm Quỳnh ở ngoài Bắc về làm giáo dục. Ông Ngô Đình Diệm đang còn làm tuần phủ trong Phú Yên, đưa về làm Bộ Nội Vụ gì đấy, thì tưởng là có sự cải cách thực. Nhưng thực ra, hồi ấy ông Chatel, ông Pasquier, bên Pháp này thì ông Charles, họ chỉ làm một cách hình thức mà thôi. Giả dối thì cũng không đúng hẳn, nhưng mà người Pháp thì họ hay như thế lắm. Làm cái hình thức, rồi nửa chừng cứ để thế, kết quả là lừa bịp người ta.
Rồi đến năm 34, là hai năm sau, lúc tôi học trường Ponts et Chaussées xong rồi, tôi về. Trước lúc về, tôi có lên thăm ông Charles; ông ấy vẫn ở nhà ông Bảo Đại hồi trước. Tôi hỏi ông Charles có muốn gửi gì về cho Bảo Đại thì tôi cầm về cho. Ông ấy nói có. Ông ấy gửi một gói nho nhỏ như thế này này, tôi biết rằng trong ấy có một cái đồng hồ, tôi đang còn nhớ. Tôi cũng muốn nhân chuyện ấy về qua Huế thăm ông Bảo Đại, có quà của ông Charles gửi về thì vào thăm ông. Ông tiếp tôi. Ông ấy ngồi ì không nói một tiếng nào, hay là cứ nói tiếng một như thế. Sau rồi tôi nói với ông: Tôi ở Pháp về, chưa chắc đã ở lại được đâu. Ông hỏi tại sao, tôi cũng nói: Bên này, chính người Pháp nói với tôi: Về đây, ông bị đè nén, không có thể làm việc được. Nhưng mà những người thanh niên Việt Nam, nhiều người nhìn vào Ngài, về cải cách này, cải cách kia, thì phải làm cái gì, chứ mà ai cũng để ý tới, nhất là thanh niên Việt Nam. Ông ấy chỉ giả nhời tôi một câu, lúc ấy ông chỉ nói: Làm thì làm với ai? Làm với ai? Tôi cũng nói qua là hiện bây giờ họ có đưa ông Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình Diệm về đấy. Ông ấy cũng cười. Ông cười. Ông ấy lắc đầu, rồi thôi. Ông không nói câu nào nữa cả.
Thế là câu chuyện xong xuôi, rồi tôi ra về.
Sau, đến lúc tôi đi dạy, lúc ấy tôi làm xong quyển Danh Từ Khoa Học, khoảng năm 1942, 43 gì đó; tôi vào chấm thi bachot[4] ở Huế, nhân tiện tôi lên thăm ông ấy, đưa cho ông cuốn sách của tôi mới in ra. Tôi nói: Tôi có cuốn này, biếu Ngài, để Ngài xem. Thấy bộ ông ấy buồn lắm. Trông ông ấy buồn lắm và ông ấy không dám nói một cái gì hết cả. Mà hồi ấy, người Nhật đã ở đấy nhiều rồi đấy. Ông ấy chỉ cám ơn, thế thôi.
Rồi đến lúc đảo chính Nhật, một hôm tôi ở Hà Nội, nghe tin radio biết rằng ông ấy giao cho ông Phạm Quỳnh liên lạc với người Nhật để đổi mới gì gì đấy. Đợi mãi hơn một tuần không thấy có tin gì mới hết cả. Chúng tôi nhiều người nóng ruột lắm. Chính ở Bắc, anh em có mượn một người đi vào Huế dò tin tức, người ta đi xe đạp từ Hà Nội về Huế, lúc ấy tầu hỏa bị đứt đoạn, đi lại khó lòng lắm. Đến lúc trở về đây thì cũng chỉ biết tin vừa vừa thôi, rằng hình như ông ấy giao cho Phạm Quỳnh, nhưng Phạm Quỳnh không làm gì cả. Rồi bây giờ ông nói: Để ông ấy lấy chính quyền lại để làm cái gì. Lúc ấy anh em cũng mong đợi đấy. Lập tức tôi tiếp được thư ở trong Huế ra, mời tôi vào để hỏi ý kiến, và mượn tôi giao lại hai thư, một cái cho Phan Anh, một cái cho Vũ Văn Hiền, nói rằng ông Bảo Đại muốn gặp để hỏi ý kiến. Rồi sau cùng được biết là ông Hoàng Trọng Phu với các quan trường khác như ông Vi Văn Định cũng được mời, nhưng ông Vi Văn Định không đi. Chúng tôi, ba người và hai ông quan nữa đi vào[5]. Ông Bảo Đại hỏi ý kiến chúng tôi, thì người nào cũng nói rằng mời cụ Ngô Đình Diệm, vì ông Ngô Đình Diệm, là người của Nhật nó tin cậy từ trước. Ông muốn việc gì thì ông Diệm có thể giúp ông được.
.....
À, cụ Kim cũng cho biết rằng cụ nhận được cái giấy của ông Bảo Đại, mời cụ về để hỏi ý kiến; cũng nhân tiện để có thể về thăm bà con và ở lại Việt Nam, cho nên cụ cũng nhận về, chứ cụ nói với tôi như thế này này: "Cái thằng Bảo Đại nó ngốc lắm, gặp nó làm gì!" Cụ nói với tôi rõ ràng như thế.
Tôi nói: "Mình nghe tiếng thì thế, mà sự thực chưa chắc đã thế đâu. Cụ có thì giờ thì cụ cứ gặp đi, rồi cụ hãy nói sau." Cụ bảo: "Thế nào tôi cũng phải ở lại đây vài ngày, nhất là vợ tôi đã tới đây. Tôi sẽ gặp." Cụ giả nhời cho Phạm Khắc Hòe rằng cụ sẽ nhận lời gặp. Rồi cụ ra về với cụ bà và người con gái.
Sự thực thì Nhật nó nắm chuyện này ở trong tay, nó biết cả. Chính họ mời cụ Kim về, họ đưa máy bay về Sài Gòn, rồi đưa máy bay ra Tourane[10]. Trong khi ấy, cụ bà cũng xin đi thăm cụ ông ở Bangkok thực. Vì có cơ hội ấy nên Nhật cho cái vé tầu đi; về tới Huế cùng đúng một ngày như thế, chứ không phải là ngẫu nhiên mà gặp hẳn. Chuyện gia đình của cụ Kim như thế là tạm ổn.
Bây giờ nói đến chuyện cụ ông. Cụ ông, ngay sáng hôm sau thì Phạm Khắc Hòe đưa vào thăm ông Bảo Đại. Ở nhà, tôi đợi. Tôi còn nhớ ông Bảo Đại cho tôi ở đằng sau cung nhà vua. Có một khoảng đất rất rộng, trong đó có một cái camp d'aviation[11]. Tây nó đổi ra thành cái vườn thí nghiệm của Sở Canh Nông. Trong có một cái nhà. Hồi xưa chắc là chủ Sở Canh Nông, người Pháp, ở đấy. Sau này thì họ làm nhà khách. Tôi được ở đấy. Tôi đợi cụ Kim ở trong cung đi ra xem thế nào. Đến lúc ra, cụ gặp tôi, cụ bảo: "Lạ lắm!"
- Chuyện gì lạ?
- Tôi vào gặp ông Bảo Đại, nghĩa là ông ấy biết hết cả các chuyện chứ không phải là ngốc như người ta nói. Cụ Kim nói với tôi thế.
Hết trích.
Chú thích:
Đoạn trên có nói về việc ông Bảo Đại có thực hiện 1 số cải cách khi chấp chính, cụ thể như sau:
Ông ấy tự bỏ các nghi lễ rườm rà giữa vua với quan như quỳ lạy, đi giật lùi...để mối quan hệ vua tôi bình đẳng hơn, như ở các nước châu Âu. Ông thay thế các vị thượng thư già bởi những người trẻ, có tư tưởng tân tiến, Tây học, như Phạm Quỳnh (chưa từng làm quan) làm thượng thư bộ Học và Ngô Đình Diệm (khi đó mới 32 tuổi) làm thượng thư bộ Lại...
Ông bỏ tục đa thê của vua và chủ động tìm vợ là bà Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái 1 đại điền chủ ở Nam Kỳ, theo Công giáo và phong làm hoàng hậu (các vua trước, ngoài Gia Long, đều không lập hoàng hậu).
Thực ra ông Bảo Đại còn muốn cải cách nhiều hơn, nhưng bị người Pháp cản trở, chính ông Diệm phải từ chức vì bất mãn với người Pháp (đã không đồng ý cải cách và tăng quyền tự trị cho người Việt). Vì thế ông Hãn mới nói đến câu của Bảo Đại: "Làm thì làm với ai? Làm với ai?"
Trong hoàn cảnh đó, người Pháp chỉ muốn BĐ ăn chơi, săn bắn và không làm gì cả. Sau này phía CS dựa vào những thực tế này để tuyên truyền rằng ông ấy chỉ biết ăn chơi đàng điếm. Trong hoàn cảnh không có vây cánh đủ mạnh thì đành chịu vậy. Cơ hội đến khi Nhật đảo chính Pháp, ông Bảo Đại chủ động tìm cách móc nối với người Nhật để thoát Pháp. Lúc đó ông Phạm Quỳnh không thể tiếp tục làm việc do là người rất thân Pháp, nên BĐ mới nghĩ tới ông Diệm, lúc đó thân Nhật.
Tóm lại, muốn hiểu kỹ về Bảo Đại thì nên đọc hồi ký Con rồng An Nam của ông ấy cùng hồi ký Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim, hồi ký Việt Nam Máu lửa của Nghiêm Kế Tổ...để có thêm góc nhìn đa chiều.
Hi vọng anh em đọc lời ông Hãn, ông Kim sẽ hiểu ra nhiều điều về ông Bảo Đại.
Dưới đây là 1 số stt mình đã viết về Bảo Đại:
Một số đạo dụ của vua Bảo Đại về tự do, dân chủ thời Đế quốc VN
Việc ông HCM định "trả lại quyền lực" cho ông Vĩnh Thụy
Tuyên cáo độc lập của vua Bảo Đại
Quốc gia VN là gì?
Ba lần làm nguyên thủ của Bảo Đại
Ông Bảo Đại sướng hay khổ?
Vua Bảo Đại có tự nguyện thoái vị?
Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, bản full không che. Đa số mọi người chỉ được biết có 1 câu trong này thôi.
Bài phát biểu khi quay lại VN nhậm chức Quốc trưởng của ông Bảo Đại
Bức thư gửi De Gaulle của Bảo Đại
Bức thư gửi Truman và De Gaulle của Bảo Đại