Nhân kỷ niệm 160 năm ngày sinh bác sĩ Yersin (22-9-1863), Hội Lữ hành Khánh Hòa tổ chức một tour du lịch đặc biệt, không chỉ tham quan các địa danh gắn liền với ông mà còn ôn lại những cột mốc, công lao của vị bác sĩ này.
Từ công viên Yersin bên biển Nha Trang...
Điểm đến đầu tiên là công viên Alexandre Yersin nằm sát bờ biển Nha Trang, sau khi đặt hoa dưới chân tượng của ông, du khách sẽ tản bộ dọc cầu Trần Phú ngắm cảnh sông Cái và biển Nha Trang, với cửa Đại và xóm Cồn...
Cách đó không xa là Bảo tàng Yersin nằm trong khuôn viên Viện Pasteur. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh quý giá từ những lá thư ông gửi cho mẹ đến chiếc kính hiển vi phát hiện vi trùng dịch hạch, chiếc giường mà ông trút hơi thở cuối cùng...
Chỉ tay vào mô hình ngôi nhà bác sĩ Yersin nơi mà người dân trìu mến gọi là "lầu ông Tư", chị Cao Hoàng Đoan Thục, hướng dẫn viên khách tham quan, nói:
"Đây cũng là nơi khám bệnh, tầng trên mái vòm là đài quan sát thiên văn, cứ mỗi lần sắp có bão ông đều treo đèn báo hiệu cho người dân biết, những cơn bão to người dân không có nơi tránh trú thì ngôi nhà của ông lại là nơi cưu mang mọi người… Ngôi nhà của ông được xây sát bờ biển, nơi ông trúng tiếng sét ái tình khi đến vùng đất Nha Trang này".
Đến đỉnh Hòn Bà cao hơn 1.500m
Rời bảo tàng, du khách được đi dọc con đường mang tên Yersin rồi men theo quốc lộ 1 lên đỉnh Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) với độ cao hơn 1.500m. Tại đây có ngôi nhà gỗ mà ông đã cho xây dựng trạm khí tượng, đài vô tuyến điện...
Sau đó đoàn đổ đèo, đi ngược trở về đến Suối Dầu, nơi bác sĩ Yersin đã lập trại nuôi ngựa điều chế huyết thanh để chữa bệnh dịch hạch; phục vụ nghiên cứu khoa học và giúp đỡ người nghèo.
Khoảng lặng trong chuyến đi là khu mộ bác sĩ Yersin. Sau khi qua đời, ông được mai táng theo di nguyện thi hài ông nằm sấp, đầu quay về phía biển như muốn ôm trọn mảnh đất này vào lòng.
Trước lúc nhắm mắt, ông đã nói hai từ "vĩnh biệt" bằng tiếng Việt với các cộng sự của mình. Sau khi nghe những câu chuyện về ông, nhiều nén nhang, bó hoa được du khách kính cẩn đặt trên mộ ông.
Điểm cuối của chặng hành trình, du khách được ghé thăm chùa Linh Sơn Pháp Ấn (nguyên là nhà của bác sĩ Yersin thường ở mỗi khi lên Suối Dầu). Tại đây ông được thờ như một vị thánh vì những đóng góp của ông cho y học, thiên văn... và nhất là tình cảm của ông dành cho người dân Khánh Hòa.
Chị Đinh Thị Hồng Liên (du khách Nha Trang) xúc động nói: "Những chuyến tham quan như thế này giúp tôi hiểu nhiều hơn về cuộc đời của bác sĩ Yersin, mỗi điểm đến là một câu chuyện riêng làm tôi rất ấn tượng. Tôi nghĩ nên phát triển sản phẩm này thành tour văn hóa, hoặc tổ chức là nơi để học sinh về nguồn, tìm hiểu về ông".
Ông Trần Minh Đức - chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa - cho hay: "Sắp tới các thành viên trong hội sẽ thiết kế các tour xoay quanh ông như tour nông nghiệp khi thêm các địa danh ở Cam Lâm như vườn xoài hay liên kết tour Nha Trang - Đà Lạt khi ông còn là nhà thám hiểm khi khám phá ra cao nguyên Lang Biang".
Sẽ xây dựng bảo tàng mới về bác sĩ Yersin
Tại lễ kỷ niệm 160 năm ngày sinh bác sĩ Yersin tổ chức hôm nay 22-9, ông Nguyễn Hải Ninh - bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - đã chia sẻ những thông tin mới liên quan đến việc thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng Yersin, góp phần cho việc tuyên truyền, quảng bá được nhiều hơn, thiết thực hơn về bác sĩ Yersin.
"Sắp tới chúng tôi sẽ có những kế hoạch để xây dựng nên bảo tàng về bác sĩ Yersin. Trước tiên là sẽ tổ chức thi tuyển về kiến trúc của bảo tàng, bên cạnh đó là lên kế hoạch cho việc trưng bày hiện vật, tư liệu liên quan đến bác sĩ Yersin" - ông Ninh nói.
Dịp này, Hội những người ái mộ bác sĩ A. Yersin đón nhận bằng tôn vinh giá trị di sản bác sĩ A. Yersin của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và trao tặng 50 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh khuyết tật.
Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943) là một bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ, đã dành phần lớn cuộc đời làm việc tại Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà vi khuẩn học, một thương nhân trong lĩnh vực y tế công cộng. Ông đã có những đóng góp to lớn và trong vai trò là một bác sĩ, ông được người dân Việt Nam yêu quý, mến mộ.
Ông là người phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis).
Yersin cũng tham gia thành lập trường y khoa đầu tiên của Đông Dương, hiện là Trường đại học Y Hà Nội, vào năm 1902. Tại đây, ông đảm nhận vai trò hiệu trưởng trong hai năm đầu tiên.
Trong số những thành tựu mà bác sĩ Yersin đạt được phải kể đến việc ông thành lập các công ty sản xuất kháng huyết thanh bệnh dịch hạch ở Ấn Độ và Việt Nam. Ông là người nhập giống cây canh ki na và trồng để sử dụng tại Việt Nam, mở đồn điền trồng cây cao su và xuất khẩu. (TRẦN HOÀI)