Phán quyết về tranh chấp biển Đông (hay biển Hoa Nam) giữa hai nước Philippines và Trung Quốc được Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế tại La Haye (Hà Lan) đưa ra ngày hôm qua 12/07. Trên bài báo về vụ tranh chấp này trên báo Asia Sentinel, hai học giả chuyên về tranh chấp biển Đông là David Brown và Dương Danh Huy tổng kết các quyết định trong phán quyết của tòa:
- Phạm vi các quyền lịch sử của Trung Quốc liên quan đến vùng biển trong đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra trên biển Đông đã hoàn toàn tiêu biến khi Trung Quốc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1996;
- Các đảo nhỏ, đảo đá và bãi cạn trong khu vực quần đảo Trường Sa theo luật quốc tế không tạo ra các khu vực đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zones – EEZ) hay thềm lục địa xung quanh các đảo và bãi cạn này. Vì thế không có nước nào có quyền dùng các đảo và bãi cạn mà họ đang chiếm hữu trong khu vực quần đảo Trường Sa làm cơ sở để đòi thêm chủ quyền vượt qua giới hạn 12 hải lý sẵn có của mỗi đảo và mỗi bãi cạn này;
- Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho việc đòi quyền trên lãnh hải trong khu vực đường chín đoạn (hay đường lưỡi bò) và theo đó việc áp đặt đường chín đoạn này xâm phạm vào khu vực đặc quyền kinh tế vốn có của Philippines;
- Liên quan đến hai vị trí thuộc quần đảo Trường Sa là đá Vành Khăn (Mischief Reef) mà Trung Quốc đang chiếm đóng, và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là nơi Trung Quốc đang bao vây không cho nước nào tiếp cận, Tòa tuyên cả hai vị trí quan trọng này đều thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines;
- Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS thông qua việc sử dụng các tàu chấp pháp (law enforcement vessels) theo một cách nguy hiểm, gây ra rủi ro va chạm với các tàu thuyền Philippines;
- Việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong biển Đông gây ra thiệt hại không thể bù đắp cho môi trường biển và vi phạm các quy định của UNCLOS về chống ô nhiễm môi trường biển.
Phán quyết mạnh mẽ và có phạm vi ảnh hưởng rộng này đã lập tức gây tiếng vang trên thế giới và tạo ra những phản ứng đa dạng từ các nhà bình luận.
Vùng tranh chấp và các nước có liên quan (Nguồn ảnh: visiontimes.com)
Chủ nghĩa pháp quyền quốc tế lên ngôi hay căng thẳng khu vực bùng nổ?
Báo New York Times của Mỹ đăng một bài ý kiến do chính ban biên tập báo này chắp bút tranh luận rằng phán quyết về tranh chấp biển Đông là một phép thử cho chủ nghĩa pháp quyền (rule of law) trên bình diện quốc tế, đồng thời là phép thử cho chính tinh thần thượng tôn pháp luật của nhà nước Trung Quốc.
Trong khi hoan nghênh và công nhận tầm quan trọng quốc tế của phán quyết này, New York Times cũng đồng thời công nhận là Tòa Trọng Tài Thường Trực không có công cụ chấp pháp hay chế tài để bắt Trung Quốc công nhận và thi hành phán quyết của tòa này. Báo này viết:
“…Ý nghĩa của việc này chưa rõ ràng. Trong hoàn cảnh Trung Quốc có quyền lợi lớn trong việc giao thương hòa bình với phần còn lại của thế giới, sẽ là rất ngu xuẩn nếu ông Tập Cận Bình quyết định đưa ra các hành động theo hướng khiêu khích vốn có thể làm bùng nổ căng thẳng trong khu vực mà theo đó sẽ dẫn đến va chạm quân sự với các nước láng giềng hay với Hoa Kỳ, Các hành động trả đũa ví dụ như đẩy mạnh việc xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough, hay tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên phần lớn khu vực biển Đông, sẽ mang nhiều rủi ro.
Thực tế là phán quyết này tạo cơ hội mới cho việc giải quyết các tranh chấp hàng hải theo một cách hòa bình. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ông Thôi Thiên Khải, trong khi chỉ trích phán quyết này, vẫn cho biết là Bắc Kinh sẵn sàng thương lượng. Các nước trong khu vực trước nay vẫn tỏ ra loạng choạng trước sức ép từ Trung Quốc. Đây là lúc để họ bỏ qua các tranh chấp quyền lợi của mình để cùng Philippines tuyên bố ủng hộ phán quyết hay nếu cần thiết thì tự đưa tranh chấp của họ ra tòa…”
Báo New York Times đồng thời cho biết Hoa Kỳ tuy là bên không có liên quan trong các tranh chấp biển Đông, nhưng vẫn sẽ đóng vai trò gìn giữ hòa bình và duy trì việc giải quyết tranh chấp bằng pháp luật tại khu vực này.
Chia sẻ nhiều quan điểm giống báo New York Times, nhưng đồng thời nỗ lực nhìn vụ việc từ cái nhìn của phía Trung Quốc, trong bài báo đăng trên Philippine Star, cựu ngoại trưởng Philippine ông Roberto R. Romulo viết:
“…Chắc rằng Trung Quốc phải đặt nặng cách mà thế giới sẽ nhìn nhận họ bởi vì danh tiếng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến khả năng của nước này trong việc tạo ảnh hưởng lên tình hình chính trị và kinh tế trong khu vực cũng như toàn cầu.
Trung Quốc không thể mãi mãi gây thù địch với các nước láng giềng nếu họ muốn các nước này chấp nhận những nguyện vọng quốc gia chính đáng của Trung Quốc. Nếu tiếp tục gây hấn, Trung Quốc sẽ bị các nước láng giềng tiếp tục hợp lại tìm cách giới hạn các tham vọng của Trung Quốc.
Đấy chính là lý do tại sao những màn chào mới gần đây của Trung Quốc với các nước láng giềng không thành công, ví dụ như khuôn khổ “Một Vành Đai, Một Con Đường”, một nỗ lực hồi sinh Con Đường Tơ Lựa cổ xưa mà trong đó Trung Quốc đã có những cam kết đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng. Khuôn khổ này đã không nhận được sự ủng hộ nhiều như Trung Quốc đã mong đợi. Ngay cả mô hình Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (Asia Infrastructure Investment Bank) mà Trung Quốc đề xuất không chỉ nhận sự ủng hộ yếu ớt mà còn gặp cả sự phản đối.
Bằng cách tuân thủ pháp quyền (rule of law), Trung Quốc có cơ hội để gạt sang bên hình ảnh của họ như một con sói đội lốt cừu…”
Ông Romulo cũng đồng thời kêu gọi cộng đồng các nước ASEAN đoàn kết tiếp tục tạo sức ép lên Trung Quốc, ép nước này tuân thủ luật pháp quốc tế.
Với cách tiếp cận giống ông Romulo trong việc cố gắng suy xét ảnh hưởng của phán quyết biển Đông từ cái nhìn chủ quan của Trung Quốc, giáo sư chính trị học Edward Friedman của trường đại học Wisconsin, đưa ra hai phỏng đoán trong trả lời phỏng vấn báo Foreign Policy:
“… Phán quyết này có thể thổi thêm sức mạnh cho các lực lượng bên trong nội bộ Bắc Kinh vốn đang tranh cãi là hệ thống quốc tế hiện nay do Hoa Kỳ tạo ra để phục vụ các lợi ích của Hoa Kỳ và vì thế hệ thống đó không phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc theo đó có thể trở nên sô-vanh chủ nghĩa hơn, hiếu chiến hơn và theo khuynh hướng xét lại hơn.
Hoặc là, phán quyền này trái lại có thể thổi thêm sức mạnh cho các lực lượng bên trong nội bộ Bắc Kinh vốn từ lâu đã tranh luận rằng một sự thay đổi của Bắc Kinh từ chủ trương “ẩn mình kín đáo” thời Đặng Tiểu Bình sang chủ trương thời Hậu Đặng (sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008, được hiểu là cho rằng đã đến thời Hoa Kỳ mạt và sự thăng tiến của Trung Quốc là không thể cản được) với phong cách quả quyết hơn không phục vụ được cho các lợi ích của Trung Quốc tại Châu Á Thái Bình Dương, mà còn đang khiến cho các nước trong khu vực này đoàn kết lại cùng nhau, kể cả trong sự sẵn sàng quân bị, để chống lại Trung Quốc tại một nơi mà các lãnh đạo đảng cho rằng chính là khu hàng xóm của Trung Quốc…”
Trong một cái nhìn bi quan về phản ứng của Trung Quốc, tác giả Pornpimol Kanchanalak trên báo The Nation của Thái Lan so sánh việc quấy phá và chèn ép các nước láng giềng tại biển Đông của Trung Quốc với việc áp dụng học thuyết Monroe của chính phủ Hoa Kỳ trong các thế kỷ 19 và 20 tại khu vực Châu Mỹ La Tinh vốn được Hoa Kỳ xem là “sân sau” của nước này.
Học thuyết Monroe khẳng định Hoa Kỳ phải tích cực dùng sức mạnh quân sự và chiêu trò ngoại giao để duy trì “phạm vi ảnh hưởng” (sphere of influence) trong khu vực Châu Mỹ La Tinh để đảm bảo là các quyền lợi chính trị kinh tế và an ninh quốc phòng của Mỹ không bị đe dọa. Học thuyết này đã dẫn đến việc Hoa Kỳ can thiệp lật đổ nhiều chính quyền chính đáng do dân bầu tại một số nước Châu Mỹ La Tinh và tạo bất ổn trong các nước này.
Trung Quốc đang có “học thuyết Monroe” của chính họ tại biển Đông? (Nguồn ảnh: fineartamerica.com)
Đặt giả định Trung Quốc cũng sẽ muốn đảm bảo “phạm vi ảnh hưởng” tại khu vực biển Đông, Kanchanalak cho rằng Trung Quốc sẽ không đơn giản là co vòi trước áp lực quốc tế sau phán quyết biển Đông mà họ sẽ nâng cao sức ép dẫn đến căng thẳng dâng cao trong khu vực biển Đông – chính kịch bản xấu mà báo New York Times đã nhắc đến ở trên.
Tuy nhiên Kanchanalak cũng xác nhận học thuyết Monroe và chính sách của Trung Quốc tại biển Đông có những khác biệt cơ bản về mục đích và mục tiêu. Đồng thời tầm quan trọng của khu vực biển Đông rất khác với tầm quan trọng của khu vực Châu Mỹ La Tinh: biển Đông là nơi hàng năm có khoảng 50% lượng hàng hóa thế giới phải đi ngang qua và có tới 10 triệu tấn dầu được chuyển qua gần khu vực này mỗi ngày.
Tầm quan trọng quốc tế của biển Đông vì thế có thể đảm bảo là tính chất của sức ép quốc tế lên Trung Quốc sẽ khác tính chất của sức ép quốc tế lên Hoa Kỳ trong vấn đề Châu Mỹ La Tinh.
Không trực tiếp đáp lại bài viết của Kanchanalak và cũng không đề cập thẳng đến học thuyết Monroe, giáo sư Andrew Erickson của Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Trung Hoa thuộc trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ (U.S. Naval War College) khẳng định trong một bài phỏng vấn với Hiệp Hội Quan Hệ Ngoại Giao Mỹ rằng:
“…Quan điểm thế kỷ 21 của [Tòa Trọng Tài Thường Trực] về việc phải có luật pháp ràng buộc cả nước mạnh lẫn nước yếu chính là ‘bức tường thành‘ chống lại các nỗ lực của Trung Quốc muốn kéo khu vực hàng hải này vào một “phạm vi ảnh hưởng” theo kiểu thế kỷ 19…”
Nói cách khác, dù có hay không có Tòa Trọng Tài Thường Trực trên đời thì Trung Quốc vẫn sẽ muốn áp đặt một “phạm vi ảnh hưởng” của họ tại biển Đông. Chính nhờ có Tòa Trọng Tài Thường Trực cùng những nỗ lực minh định và áp đặt pháp luật quốc tế của Tòa này mà Trung Quốc mới phải đối mặt với một ảnh hưởng kiềm tỏa nhất định, vốn là thứ không tồn tại để kiểm soát Hoa Kỳ tại Châu Mỹ La Tinh những thế kỷ trước.
Tòa có thể không có công cụ chấp pháp, nhưng tòa đã chỉ rõ ra luật là gì và nói rõ là Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế – chính Luật Biển mà bản thân Trung Quốc đã chấp nhận tuân theo từ năm 1996. Thời mà các cường quốc theo chủ nghĩa bá quyền ‘tung hoành’ nhất chỉ với vũ lực đơn phương và các học thuyết kiểu học thuyết Monroe của Hoa Kỳ, luật quốc tế chưa phát triển đến mức có một hệ thống luật thành văn rõ ràng mang tính ràng buộc (cho dù chỉ mới ở mức độ hình thức) và một tòa án có thẩm quyền rõ rệt trên nội dung luật như thời nay trong trường hợp phán quyết về biển Đông.
Quan điểm trên có lẽ chính là quan điểm của giáo sư Peter Dutton, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Trung Hoa thuộc trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, thể hiện trong trả lời phỏng vấn báo Foreign Policy:
“…Phán quyết này [của Tòa Trọng Tài Thường Trực] sẽ có một sức mạnh xác lập quy tắc mà về lâu về dài sẽ và nên ảnh hưởng đến cách tất cả các nước tư duy về biển Đông trong tương lai. Rốt cuộc thì sức mạnh của phán quyết trong vụ việc này không nằm ở việc nó có thể được trực tiếp thi hành hay không, mà nằm ở việc nó sẽ chắc chắn sẽ thay đổi nhận thức về quyền và về những hành vi sai trái trên biển Đông. Sự ép buộc bằng vũ lực sẽ không còn có thể tồn tại mà không phải chịu các trừng phạt đạo đức.
Ngay cả trong một cách gián tiếp, phán quyết này sẽ đóng vai trò nền tảng cho việc phát triển các thương lượng song phương. Phán quyết này đã thu hẹp một cách rõ rệt phạm vi của những gì được xem là thỏa đáng và hợp lý và theo đó sẽ giúp các bên tiến gần hơn tới một giải pháp cuối cùng cho các khác biệt giữa họ…”
Có cách để bắt Trung Quốc tôn trọng phán quyết?
Có vẻ chính “sức ép quốc tế”, tuy nghe có vẻ mông lung, lại là chìa khóa cho vấn đề nan giải đó là không có công cụ chấp pháp hay chế tài để bắt Trung Quốc công nhận và thi hành phán quyết về biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Rappler, luật sư Paul Reichler, người đứng đầu nhóm luật sư đại diện cho Philippines trong các phiên xử thắng lợi tại Tòa Trọng Tài Thường Trực khẳng định: việc chấp hành phán quyết có hay không và tới mức nào tùy thuộc rất lớn vào mức độ mạnh mẽ trong việc khẳng định quyền của mình trước Trung Quốc của các nước bị ảnh hưởng trong khu vực biển Đông.
Luật sư Paul Reichler (Nguồn ảnh: amti.csis.org)
Cũng trong vấn đề vai trò của sức ép quốc tế lên Trung Quốc, trong bài báo trên báo Asia Sentinel, các học giả David Brown và Dương Danh Huy chỉ ra rằng:
“… Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực tạo ra một nền tảng vững chãi cho các nước Mỹ, Úc, Ấn Độ và các quốc gia khác vốn đặt nặng quyền tự do hàng hải trong một khu vực có thể nói là tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới để các nước này ủng hộ một cách mạnh mẽ hơn Philippines, Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Cho tới nay, theo một cách đúng đắn, các nước lớn này vẫn khá dè dặt trong việc đưa ra ủng hộ của họ vì nguyên tắc các nước ngoài khu vực không được chọn phe trong các cuộc tranh chấp biển Đông….”
Phán quyết biển Đông của tòa tự nó vì thế có thể khó mà ép Trung Quốc chấp hành, tuy nhiên nó giúp đưa ra một lý do chính đáng và một nền tảng pháp lý rõ ràng cho cả các nước nhỏ và cả các nước lớn trong việc tạo sức ép lên Trung Quốc: giúp đảm bảo pháp quyền quốc tế, đồng thời bảo vệ an ninh và tự do hàng hải khu vực.
./.