Từ ngày 17 đến 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam công du Mỹ và thăm chính thức Brazil. Từ ngày 17 đến 22-9, Thủ tướng sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ.
Chuyến đi này đặc biệt được chú ý khi Việt Nam và Mỹ vừa quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Vì vậy, đây là dịp rất tốt để truyền tải chính sách của Việt Nam sau khi nâng cấp quan hệ, đồng thời là lúc hai bên, bao gồm các doanh nghiệp về khoa học - công nghệ cao, tranh thủ đẩy mạnh hơn nữa đà phát triển quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội và tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam vào tháng 9-2023 - Ảnh: TUỔI TRẺ - TTXVN
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Tuổi Trẻ từ Washington, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh chuyến công du Mỹ của Thủ tướng đã mở màn triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ông cũng đưa ra những đánh giá sâu sắc về quan hệ Việt - Mỹ, giải đáp những câu hỏi quan trọng về nội hàm của mối quan hệ hợp tác hiện nay…
* Ý nghĩa và nội dung chuyến thăm làm việc tại Mỹ nhân dịp dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính là gì, thưa đại sứ?
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng
ĐẠI SỨ NGUYỄN QUỐC DŨNG: Bên cạnh các hoạt động quan trọng tại Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng tiến hành một loạt hoạt động song phương tại Mỹ, bao gồm San Francisco, thủ đô Washington, và New York. Đây là ba trung tâm lớn nhất của Mỹ lần lượt về công nghệ, chính trị và tài chính; là những điểm đến rất thích hợp đánh dấu các hoạt động đầu tiên trong triển khai Đối tác chiến lược toàn diện, định hướng cho các cơ quan của Việt Nam cũng như Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ khi đi vào những hoạt động hợp tác cụ thể.
Dữ liệu: Nguyên Hạnh, Đồ họa: Ngọc Thành
Với tinh thần đó, Thủ tướng sẽ có các hoạt động với chính quyền, Quốc hội Mỹ, phát biểu chính sách tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, gặp gỡ doanh nghiệp và kiều bào Việt Nam tại Mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và các nghị sĩ tại Washington D.C ngày 19-9-2023 - Ảnh DƯƠNG GIANG
Nhân dịp này, trước hết Thủ tướng sẽ truyền tải thông điệp chính sách của Việt Nam, các ưu tiên của Việt Nam sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, cách nhìn nhận của Việt Nam về thế giới, khu vực... Thứ hai, Thủ tướng làm việc với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp về khoa học, về công nghệ cao của Mỹ, nhằm triển khai các thỏa thuận hai bên đã có được. Đi cùng Thủ tướng sẽ có các doanh nghiệp Việt Nam và các bộ, ngành cũng ở trong lĩnh vực này để có cái nhìn cụ thể hơn. Thủ tướng sẽ đẩy nhanh quá trình đó, không để các thỏa thuận nằm trên giấy, mà phải thực sự đi vào cuộc sống.
Từ trái qua: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tại Washington D.C ngày 19-9. Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez tại Washington D.C ngày 19-9-2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tại Washington D.C ngày 19-9-2023 - Ảnh: VGP - NHẬT BẮC
* Đâu là những điểm nhấn liên quan đến hợp tác kinh tế - đầu tư trong chuyến thăm và làm việc ở Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thưa ông?
Tại San Francisco, Thủ tướng tham dự Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Mỹ thúc đẩy hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo; thăm các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Nvidia, Synopsys và Meta; gặp các doanh nhân người Việt tiêu biểu.
Đến thủ đô Washington DC, Thủ tướng sẽ chủ trì một tọa đàm bàn tròn do Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ tổ chức, có sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn cùng với các bộ, ngành và các doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng cũng sẽ gặp các bộ trưởng của Mỹ như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ.
Tại New York, Thủ tướng sẽ trao đổi chính sách với khoảng 100 doanh nghiệp do ba hiệp hội lớn của Mỹ là Phòng Thương mại Mỹ (USCC), Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và Hội đồng Kinh doanh và Hiểu biết quốc tế (BCIU) đồng tổ chức; tọa đàm bàn tròn với các quỹ đầu tư tài chính; làm việc với các sàn chứng khoán New York và NASDAQ; tham dự tọa đàm chính sách với các chuyên gia kinh tế Mỹ; gặp gỡ Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ; tiếp lãnh đạo của nhiều tập đoàn lớn như Boeing, Apple, Google…
Trong chuyến thăm, Thủ tướng cũng sẽ chứng kiến các hiệp định hợp tác đầu tư, kinh doanh trị giá nhiều tỉ USD giữa các đối tác Việt Nam và Mỹ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các quan chức cấp cao hai nước tại hội đàm chính thức. Mở đầu hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã hỏi thăm sức khỏe của nhau. Tổng bí thư dành lời khen Tổng thống Biden ở độ tuổi 80 vẫn có sức khỏe tốt - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Trong cuộc gặp gỡ báo chí cùng với Tổng thống Joe Biden tại trụ sở Trung ương Đảng ngày 10-9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh rằng việc hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện chỉ là thành công bước đầu. Vậy có nghĩa là sẽ có những thành công nữa? Đại sứ kỳ vọng gì về thành tựu sắp tới trong quan hệ Việt - Mỹ sau khi nâng cấp quan hệ?
Đúng như Tổng bí thư đã nói, đây là thành công bước đầu, bởi đây là bước mở ra, tạo ra những khuôn khổ, những hành lang, dư địa để bộ máy vận hành. Còn bộ máy đó vận hành hiệu quả đến đâu chính là điểm quyết định thắng lợi tiếp theo. Đường không mở, xe sẽ không đi được. Đường mở rồi, ta phải quyết tâm đi đến đích.
Triển vọng chung hiện nay là khuôn khổ quan hệ mới sẽ đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Việt Nam đang hướng tới khoa học công nghệ, các mảng mũi nhọn như bán dẫn, công nghệ cao, nhưng bên cạnh đó còn là năng lượng, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn... Sự hỗ trợ của Mỹ có lẽ sẽ giúp Việt Nam thuận lợi hơn.
Để đạt được điều đó, Việt Nam sẽ cần nhân lực tương ứng và Mỹ có thể hỗ trợ khoản này. Doanh nghiệp Mỹ cũng rất quan tâm. Sắp tới đây, có rất đông doanh nghiệp muốn gặp khi đoàn Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Mỹ. Họ cũng đang chuẩn bị khẩn trương để vào Việt Nam.
* Thoạt nhìn, việc nâng cấp mối quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" có thể gây chú ý trên mặt báo. Nhưng đối với người lâu năm trong công tác ngoại giao, khái niệm "Đối tác chiến lược toàn diện" có những nội hàm gì? Một mối quan hệ với tên gọi như vậy sẽ dẫn tới thay đổi nào trong mối quan hệ giữa hai nước, thưa đại sứ?
Quan điểm về "bậc" là rất tương đối. Với phương châm coi trọng tất cả các bạn bè, đối tác, chúng ta quan niệm trong quan hệ không có thứ bậc. Tôi cũng nhiều lần nói với Mỹ và các nước rằng tên gọi chỉ để xác định nội hàm mối quan hệ.
Hai nước đã kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Sau 10 năm ấy, hai bên nhìn nhận kết quả hợp tác đã tốt, chín muồi để nâng cấp thành "Đối tác chiến lược toàn diện". Đây là một quá trình rất hợp lý, phản ánh thực tiễn sự phát triển của quan hệ.
Nhóm làm việc Mỹ và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm nhân chuyến thăm của Tổng thống Biden - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ
Trên thế giới hiện nay, giới học giả, nghiên cứu quan hệ quốc tế cũng chưa có khái niệm thống nhất và phổ quát về định nghĩa thế nào là quan hệ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược hay Đối tác chiến lược toàn diện. Theo cách hiểu của chúng ta, thứ nhất, "toàn diện" được hiểu là mối quan hệ trên rất nhiều mặt, là sự tổng hợp về nhiều phương diện hợp tác. Khi đưa chữ "chiến lược" vào, ta muốn nhấn mạnh rằng mối quan hệ toàn diện ấy có thể mang tới tầm chiến lược. Tầm chiến lược ở đây là đáp ứng các lợi ích thiết thực, quan trọng, ổn định, lâu dài.
Lợi ích chiến lược cao nhất của Việt Nam luôn luôn là hòa bình, ổn định và phát triển, đảm bảo vị thế của Việt Nam và cục diện quan hệ đối ngoại rộng mở, cùng có lợi với tất cả các đối tác... Quan hệ với Mỹ cũng nhằm vào các mục tiêu ấy.
Việc hai bên từng bước bình thường hóa quan hệ, rồi đi đến Đối tác toàn diện và bây giờ là Đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa vô cùng lớn, không chỉ đối với hai nước. Cộng đồng quốc tế sẽ nhìn vào và thấy một hình mẫu, một niềm hy vọng về hòa giải, đối thoại.
* Thế giới đang bàn rất nhiều về vai trò của đất hiếm đối với ngành bán dẫn và công nghệ tương lai. Theo đại sứ, việc thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ sẽ mang tới thời cơ và thách thức nào cho Việt Nam trong việc nắm bắt xu thế của thế giới?
Chúng ta sở hữu cái gì thì đó là một lợi thế của chúng ta. Theo đánh giá của giới khoa học, ước tính trữ lượng đất hiếm của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, nhưng khai thác rất khó vì yếu tố môi trường và khoa học công nghệ. Chúng ta cần có trình độ nhất định để làm việc đó, nên cần có sự hợp tác.
Dữ liệu: Nguyên Hạnh, Đồ họa: Ngọc Thành
Sẽ rất có lợi cho cả hai bên nếu chúng ta hợp tác với các đối tác có thế mạnh trong các lĩnh vực mà ta chưa có. Họ cần các nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung, và họ có công nghệ để giúp việc khai thác trở nên hợp lý.
* Vậy, đối với phía Mỹ, Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong tiến trình này, đặc biệt khi Mỹ đặt phát triển công nghệ làm ưu tiên?
Không phải chỉ Việt Nam không tự mình làm được nhiều thứ, mà cả những nước phát triển như Mỹ cũng có những cái không thể tự làm. Vì thế mới có nhu cầu hợp tác.
Vào thời điểm này, chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều bất ổn, nước nào cũng muốn đảm bảo lợi ích quốc gia, muốn tự làm nhiều thứ để giảm phụ thuộc vào nước khác. Mỹ muốn tăng cường sự chủ động, tự chủ, vì vậy muốn thu hút các doanh nghiệp chính của Mỹ cũng như nước khác đầu tư vào Mỹ, tăng cường sản xuất công nghệ cao trên đất Mỹ. Nhưng họ cũng hiểu chắc chắn phải cần hợp tác. Và Việt Nam là một đối tác được Mỹ chọn để hợp tác trong các nỗ lực trên.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng tại Tọa đàm về ngành công nghiệp bán dẫn và tiềm năng hợp tác Việt Nam - Mỹ ở bang Arizona vào tháng 8-2023 - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ
Có nhiều cách lý giải về vai trò của Việt Nam. Nhưng trước hết phải nhìn vào tiềm lực của Việt Nam. Nếu Việt Nam không có tiềm lực thì dù muốn đến mấy Mỹ cũng sẽ không chọn.
Nguồn lực của Việt Nam là con người - điểm quan trọng nhất. Chúng ta có những người trẻ năng động, trí tuệ, rất phù hợp với các ngành công nghệ cao như bán dẫn. Thêm vào đó, Việt Nam rất chủ động và sẵn sàng cho các cơ hội mới. Chính điều này khiến doanh nghiệp Mỹ cực kỳ ấn tượng với Việt Nam.
Một thế mạnh của Việt Nam là lĩnh vực điện tử. Các doanh nghiệp công nghệ điện tử đã đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, ví dụ Samsung (Hàn Quốc), Sony (Nhật Bản) và các công ty Mỹ. Việc phát triển bán dẫn ở Việt Nam sẽ phục vụ rất tốt cho các ngành điện tử này.
Một điểm quan trọng nữa là tầm nhìn và quyết tâm của Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam ưu tiên cao cho sự phát triển của khoa học công nghệ và xác định đây là một trong những trụ cột, mũi nhọn để Việt Nam phát triển.
* Giữa thời điểm toàn cầu có nhiều thách thức, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách đối ngoại và ưu tiên phát triển của Việt Nam và Mỹ, thưa đại sứ?
Tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, nhưng điều quan trọng là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng chung, lợi ích chung của tất cả các nước. Mục đích của chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn có ba điểm như tôi đã nêu. Đầu tiên là hòa bình, ổn định. Thứ hai là phát triển thịnh vượng. Thứ ba là nâng cao vị thế của đất nước. Chính sách đối ngoại của chúng ta hướng vào các mục đích đó.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng rất nhất quán về chủ trương độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả, hội nhập sâu rộng, là thành viên có trách nhiệm với thế giới. Chúng ta quyết tâm phát triển quan hệ với tất cả các nước và không chọn phe. Quan hệ Việt - Mỹ cũng như việc nâng cấp cũng nhất quán với đường lối đối ngoại ấy: thêm bạn, bớt thù, hợp tác đôi bên cùng có lợi, không chỉ với hai bên mà còn có lợi cho cả bạn bè xung quanh, khu vực, và thế giới.
Song điều quan trọng trước mắt chính là vị thế của Việt Nam. Qua việc nâng cấp quan hệ, vị thế của Việt Nam sẽ được coi trọng hơn ở cả khu vực và trên thế giới.
Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng đã có nhiều thăng trầm, khi hai nước có quá khứ rất đặc biệt. Ngoài Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến tranh cục bộ dài nhất, ác liệt nhất trong thế kỷ 20 là giữa Mỹ và Việt Nam. Do đó, việc Việt Nam và Mỹ từ cựu thù trở thành bạn bè, và nay là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau có thể là nguồn cảm hứng về sức mạnh của hòa giải, hợp tác, góp phần củng cố thêm xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển như trên tôi đã nói.
* Đóng góp vào thu xếp chuyến thăm, đại sứ có cảm xúc gì khi chứng kiến quan hệ Việt - Mỹ đạt cột mốc mới?
Có lẽ chưa bao giờ tôi có nhiều cảm xúc, ở nhiều cung bậc khác nhau như vậy. Trước tiên, tất nhiên là sự vui mừng vì đây là một sự kiện được mong đợi và phấn đấu từ lâu. Đây cũng là mục tiêu tôi mong muốn từ những ngày đầu sang nhận nhiệm kỳ. Nhưng điều này hoàn toàn không mang tính cá nhân, mà là của đất nước, là những mong muốn từ lâu của các nhà lãnh đạo và nhiều thế hệ. Không vui sao được khi đây là sự đền đáp của vài chục năm qua.
Thứ hai, đó là sự xúc động. Đây không phải niềm vui của riêng tôi, không chỉ của riêng Việt Nam, mà cũng là sự phấn khởi của các đồng nghiệp phía Mỹ. Họ cảm thấy đây là một điều kỳ diệu thành hiện thực.
Sẽ luôn là sự xúc động mỗi khi niềm vui hay nỗi buồn được chia sẻ. Khi đạt được việc nâng cấp quan hệ, các đồng nghiệp Mỹ và Việt Nam đều vô cùng phấn khởi vì chúng ta cùng nhau đạt được những điều tưởng chừng rất khó, phải vượt qua rất nhiều thứ, vượt qua cả một quá trình lâu dài, trong đó có hy sinh, mất mát, để sau cùng đạt được thành tựu như hôm nay.
Dữ liệu: Nguyên Hạnh, Đồ họa: Ngọc Thành
Còn một cảm xúc nữa rất thực tế mà tôi cũng muốn chia sẻ. Đó là cảm xúc vừa tự hào, lại vừa ngậm ngùi. Nhìn lại lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, mới tự hỏi vì sao lại phải lâu tới vậy, phải khó nhọc tới như thế. Đã cách đây hàng chục năm khi Bác Hồ gửi thư cho phía Mỹ và đề nghị hai nước cần có một quan hệ đầy đủ. Đã gần 80 năm trôi qua. Trong gần 80 năm ấy biết bao giai đoạn đau thương, hy sinh, mất mát. Vì vậy khi nhìn lại, ta lại hỏi vì sao điều này không đến sớm hơn.
* Đại sứ và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc tiếp nhận thông tin và thu xếp cho chuyến thăm của Tổng thống Biden? Câu chuyện nào đáng nhớ nhất trong giai đoạn này?
Khó khăn thì rất nhiều. Nhưng trước hết, điểm thuận lợi là ý chí, mong muốn từ cả hai phía, và chắc chắn không thể thiếu sự ủng hộ từ lãnh đạo hai nước. Chính sự chỉ đạo, quyết định và tin tưởng của lãnh đạo đã tạo thuận lợi cho cá nhân tôi và Đại sứ quán.
Thế nhưng để bắt tay vào thì đúng là khó khăn vô vàn. Đầu tiên là nếu nâng cấp chắc chắn phải có sự kiện cấp cao, phải có một chuyến thăm. Không hề dễ dàng, vì phải chọn thời điểm phù hợp, trong khi chương trình của lãnh đạo ta và Mỹ đều rất bận rộn, đặc biệt khi cùng lúc ấy họ phải tính toán trong tương quan với các mối quan hệ khác.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi hai nhà lãnh đạo bước vào hội đàm tại Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh: TTXVN
Đến khi có chuyến thăm thì phải chú ý tới rất nhiều đến công tác chuẩn bị về nội dung, lễ tân, báo chí, an ninh, hậu cần..., yêu cầu đặt ra rất cao đòi hỏi rất nhiều thời gian chuẩn bị và phối hợp giữa hai bên. Trong khi đó, đã bàn về lợi ích thì không phải lúc nào hai bên cũng trùng nhau, hoặc có trùng nhau thì chưa hẳn trùng ở cùng mức độ và ưu tiên như nhau.
Khi đàm phán với nhau thì có lúc cũng căng thẳng, nhưng lại cũng rất thiện chí. Khi hiểu nhau, đôi lúc chúng tôi là hai đội đàm phán song thực chất hai bên đều cùng hướng tới một mục đích chung, muốn tìm điểm đồng thuận trong lợi ích. Cả hai phía cùng nhau chuẩn bị cho chuyến thăm hai bên, cùng nhau đạt được những điểm chung có thể thỏa mãn lãnh đạo hai bên, hai nước, đảm bảo lợi ích hai nước… Với tâm thế và cách tiếp cận thiện chí như vậy, mọi việc tự nhiên sẽ thuận lợi hơn.
* Xin cảm ơn đại sứ.