Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Đối thoại Shangri-La: Nhật đẩy mạnh hợp tác về an ninh với ASEAN








Thái Bình
Tình hình Biển Đông trước các hành động xâm lấn của Trung Quốc đã trở thành điểm nóng của Đối thoại Shangri-La năm nay. Ảnh BBC
(TBKTSG Online) - Trong phát biểu khai mạc Diễn đàn về an ninh Đông Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La, diễn ra tối nay 30-5 tại Singapore, dự kiến Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật sẵn sàng thúc đẩy hợp tác về an ninh với các quốc gia ASEAN và Hoa Kỳ để kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển khu vực.
>> TT Nhật: Trung Quốc có thể dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng Biển Đông
Đối thoại thường niên Shangri-La ở Singapore là một diễn đàn quốc tế uy tín, quy tụ các nhà lãnh đạo quốc phòng và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Shinzo Abe là diễn giả chính (keynote speaker) của Đối thoại Shangri-La năm nay, vị trí mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đảm nhiệm tại Đối thoại năm ngoái với bài phát biểu gây ấn tượng mạnh về xây dựng lòng tin chiến lược.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại và có các cuộc thảo luận song phương với bộ trưởng quốc phòng nhiều quốc gia, đặc biệt là với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Nhật báo Sankei Shimbun của Nhật cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tận dụng cơ hội làm diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La năm nay để “nâng cấp hợp tác về an ninh giữa Nhật và các nước Đông Nam Á, với mục tiêu kiểm soát sự hiện diện trên biển ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc ở khu vực”. Tuy không nhắc tên Trung Quốc song trong dự thảo bài phát biểu của mình, ông Abe đã thúc giục tất cả các quốc gia từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng của khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Thủ tướng Abe công bố Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ để giúp khu vực Đông Á và Đông Nam Á duy trì hiện trạng là khu vực tự do đi lại về hàng không và hàng hải.
Thủ tướng Abe cũng nhân dịp này giải thích với các nhà lãnh đạo quốc phòng và an ninh về nỗ lực hiện thời của ông nhằm sửa đổi điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, cho phép Nhật Bản giữ một vai trò lớn hơn trong các hoạt động an ninh toàn cầu, tham gia các hoạt động quân sự liên kết với Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác. “Căng thẳng đang gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương. Tôi muốn gửi một thông điệp tới thế giới về đóng góp tích cực của Nhật Bản cho hòa bình dựa trên sự hợp tác quốc tế”, ông Abe nói, theo hãng tin Kyodo.
Trong một diễn biến liên quan, hai ngày trước, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Học viện quân sự West Point, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đề cao “hành động tập thể” của các đồng minh thay cho việc Hoa Kỳ đơn phương can dự vào các điểm nóng trên thế giới; có nghĩa là Hoa Kỳ kỳ vọng từ nay các đồng minh của Mỹ sẽ giữ vai trò an ninh lớn hơn. Trong những vấn đề không đe dọa trực tiếp tới quyền lợi của Mỹ, “chúng ta phải huy động các đồng minh và đối tác để cùng có một hành động tập thể”, ông Obama nói.
Giới phân tích cho rằng, chính sách mới của Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản gia tăng vai trò về an ninh của mình ở khu vực Đông Á, nơi Trung Quốc đang đơn phương tiến hành các cuộc xâm lấn chủ quyền lãnh thổ của nhiều quốc gia khác, gây căng thẳng và mất ổn định mà cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Trung Quốc và Việt Nam trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa là trường hợp tiêu biểu.
Có nhiều phản ứng khác nhau trước quan điểm của Thủ tướng Shinzo Abe tại Đối thoại Shangri-La. Phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phó Oánh dẫn đầu cực lực lên án Nhật Bản và cho rằng, chính Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc, mới là nhân tố đe dọa an ninh khu vực khi ông Abe cố gắng mở rộng giới hạn của hiến pháp Nhật Bản nhằm tăng cường lực lượng quân sự.
Các nước Đông Nam Á có xung đột về lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông thì ủng hộ Nhật Bản. “Chúng tôi chào mừng đóng góp của Nhật Bản trong việc nâng cao an ninh và ổn định của khu vực, kể cả kế hoạch của Nhật muốn giữ một vai trò lớn hơn về an ninh”, một quan chức quốc phòng cao cấp của Philippines nói với hãng tin Reuters.
Các nước Malaysia, Indonesia thì không muốn chọc giận Trung Quốc vì lo ngại tác động xấu tới quan hệ kinh tế, trong khi các nước nghèo và có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh như Myanmar, Lào và Campuchia thì không muốn thể hiện sự ủng hộ Nhật Bản một cách rõ ràng, lộ liễu.