Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

Giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi và công trường Quách Thị Trang: Tái lập niềm tin thuận dân và thuận thiên

 


Không chỉ tái lập những hình ảnh mang hồn cốt di sản của Sài Gòn và tạo thêm tiện nghi tinh thần cho đời sống đô thị mà còn góp phần tái lập và khẳng định lâu dài yếu tố thuận dân và thuận thiên cần được ưu tiên thực thi trong quản trị và phát triển thành phố.

Những ngày cận Tết Quý Mão, thật bất ngờ người dân Sài Gòn và du khách được thấy vòng xoay ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi đã “xoay” được rồi! Trước cửa chính chợ Bến Thành không còn cảnh mặt đường ngổn ngang hay công trường ga Metro bít bùng.

Bên cạnh Đường Hoa và Đường Sách vừa được khai trương, nhiều người đủ các lứa tuổi nhộn nhịp đến đây để thưởng ngoạn, chụp hình kỷ niệm với hai “cột mốc ký ức” trung tâm Sài Gòn xưa đang được tái hiện.

Người dân đi chơi thưởng ngoạn công trường Quách Thị Trang trước cửa chính chợ Bến Thành (ảnh chụp 11 giờ 30 trưa 17.1.2023)


Với giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, giờ đây, cả xe hơi, xe máy, xe chở khách du lịch đều có thể đi lại vòng quanh hồ nước hoa Sen. Đường đi lối lại trở nên thông suốt từ đường Lê Lợi hướng lên Nhà hát Thành phố và đường Đồng Khởi và ngược lại từ đường Đồng Khởi băng đến chợ Bến Thành và công trường Quách Thị Trang. Trên đường Nguyễn Huệ cũng thế, xe từ Bến Bạch Đằng có thể đi thẳng đến trụ sở UBND TP.HCM, hoặc rẽ qua đường Lê Lợi một cách dễ dàng.

Đơn giản là vậy nhưng để “xoay” trở lại như xưa đường hướng giao thông ở giao lộ quan trọng này, chính quyền thành phố đã mất hơn 7 năm!

Trong 7 năm qua, người dân thành phố và những người yêu Sài Gòn không thể không nhói lòng khi bỗng dưng mất đi một cảnh quan mỹ lệ lâu đời. Bản thân giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi hình thành từ cuối thế kỷ 19, còn được gọi là “bồn kèn” và rồi “bùng binh cây liễu” - cái tên ra đời những năm 1970.

Giữa giao lộ là bồn phun nước, cũng là chiếc hồ nhỏ được xây dựng từ năm 1942, với kiểu dáng duyên dáng. Vậy mà, vào năm 2016, với lý do xây mới phố đi bộ Nguyễn Huệ và làm đường hầm Metro, chính quyền thành phố đã cho phá bỏ bồn phun nước và đóng lại vòng xoay. Nơi đây trở thành sân khấu nhạc nước của phố đi bộ Nguyễn Huệ, khiến xe cộ không thể qua lại mặc dù nhạc nước chỉ biểu diễn cuối tuần.

Từ đấy, giao thông hàng ngày ở khu vực này và chung quanh càng trở nên căng thẳng, nhất là vào dịp cuối tuần hay lễ hội. Xe cộ lui tới phải tản ra các đường nhỏ khác gây thêm ách tắc, khó chịu. Thời may, đến năm 2019, có lẽ thấy sân khấu nhạc nước không ích lợi nhiều và còn vì một số lý do khác, chính quyền đã cho xây bồn phun nước mới, ở giữa có biểu tượng hoa sen hồng. Tuy vậy, vòng xoay vẫn “chưa xoay”, xe cộ qua lại thường xuyên loay hoay tìm lối khác.

Xe cộ bắt đầu qua lại chung quanh hồ nước hoa sen tại giao lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi (ảnh chụp 11 giờ trưa 17.1.2023)


Trong khi đó, cũng vào bảy năm trước, công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành trở thành công trường thi công đường hầm và nhà ga Metro. Vòng xoay của giao lộ tại đây bị các tường rào bít bùng, chỉ có thể giao thông hạn chế.

Thêm nữa, tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang ở giữa giao lộ bị dời đi. Tượng nữ sinh Quách Thị Trang được đưa về gần bên tượng Trần Văn Ơn tại công viên Bạch Tùng Diệp, trước cửa Bảo tàng Thành phố. Còn tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn cỡi ngựa, thương thay, bị đặt chơ vơ và tạm bợ trong công viên Phú Lâm. Theo những phác thảo ban đầu, một cửa lớn của Metro sẽ trổ lên ngay giữa giao lộ, đồng nghĩa với việc tượng đài sẽ không còn chỗ.

Như vậy, khi ga Metro hoàn thành, người dân Sài Gòn và du khách có thể sẽ gặp một giao lộ mới toanh, không còn chút gì hình ảnh của một cảnh quan lịch sử đã khắc sâu từ thập niên 1960. Và thế là, lại thêm một nỗi đau cho người yêu Sài Gòn khi cùng một lúc trông thấy những “cột mốc ký ức” thân thương kế cận nhau, tức tưởi “biến mất” đồng loạt như công viên Chi Lăng, khu thương xá Eden, khu thương xá Tax, “bùng binh cây liễu”, công trường Lam Sơn, lư hương tượng đài Trần Hưng Đạo…

Từ ấy đến nay, trên mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, nhiều người dân và chuyên gia đã liên tục lên tiếng yêu cầu phải nhận thức được giá trị của những kiến trúc và cảnh quan lịch sử ấy. Do vậy, nhiều người đề nghị chính quyền cần có cách thức bảo vệ, tôn tạo và kể cả tái tạo, trong khi xây dựng mới hay chỉnh trang đô thị.

Bùng binh chợ Bến Thành - công trường Quách Thị Trang năm 2010. Ảnh: Hiếu Minh


Và rồi, cuối cùng, những tiếng nói chân thành đã được lãnh đạo mới của chính quyền thành phố lắng nghe và đồng thuận. Vào tháng 3.2022, lư hương vốn có của tượng đài Trần Hưng Đạo tại Bến Bạch Đằng đã tái an vị trọng thể tại vị trí cũ. Hai tháng sau, UBND thành phố đã quyết định tái lập “bùng binh cây liễu” và công trường Quách Thị Trang. Sau sáu tháng hoạch định và thi công, quyết định này đi vào hiện thực.

Việc chính quyền tiếp thu ý kiến người dân và sửa sai như thế là hành động đúng đắn và kịp thời, không thể để chậm hơn nữa. Những quyết định kể trên không chỉ tái lập những hình ảnh mang hồn cốt di sản của Sài Gòn và tạo thêm tiện nghi tinh thần cho đời sống đô thị. Chúng còn góp phần tái lập và khẳng định lâu dài yếu tố thuận dân và thuận thiên cần được ưu tiên thực thi trong quản trị và phát triển thành phố.

Vòng xoay giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi Tết Con Mèo 2010 khi vẫn còn thương xá Tax


Hiện tại, xem ra việc tái lập hoàn toàn khung cảnh xưa ở công trường Quách Thị Trang và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi vẫn chưa hoàn chỉnh và còn nhiều câu hỏi phải nêu lên:

Chưa rõ tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang có được di dời và dựng lại như cũ trước chợ Bến Thành. Đặc biệt, tượng Trần Nguyên Hãn bấy lâu đặt tạm ở công viên Phú Lâm có được tu bổ hay tái tạo như thế nào?

Giao thông chung quanh vòng xoay tại đây sẽ giữ như cũ? Hay chỉ duy trì một giao lộ nhỏ? Một phần mặt đường rộng lớn trước cửa chính chợ Bến Thành, phải chăng sẽ được sử dụng như phố đi bộ? Còn tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, đã có phương án dựng lại chiếc hồ nước và bồn phun nước theo kiểu dáng xưa, kể cả những cây liễu yêu kiều hay chưa?

Những câu hỏi này, chúng tôi xin chuyển đến cấp có thẩm quyền và những cơ quan chức năng như các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải trả lời sớm. Rất mong sau Tết Quý Mão, người dân sẽ được biết thông tin công khai về các phương án sửa đổi hay chỉnh trang tại hai nơi trên.

Chính việc minh bạch thông tin và hỏi ý kiến dân đã và sẽ giúp chính quyền các đô thị tránh được những sai phạm hay thiếu sót trong việc xây dựng, sửa đổi và chỉnh trang các kiến trúc cũng như các cảnh quan công cộng. Đó cũng là biện pháp phải có mà các Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và Luật Di sản cũng như nhiều văn bản pháp lý của chính phủ đã quy định, nhưng thường bị lãng quên hay chỉ thực hiện qua loa.

Bài và ảnh: Phúc Tiến