Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Ngắm 'bức tranh Hà Nội' qua những gánh hàng rong

 

Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Những gánh hàng nặng trĩu mang đủ thức quà cùng những loại hàng cần thiết, từ lâu đã trở thành một phần tất yếu của nhịp sống thủ đô, len lỏi vào từng ngóc ngách và hòa chung hơi thở của của phố thị Hà Thành.
Lịch sử gánh hàng rong? Tại sao nó hình thành? Biểu hiện trong lịch sử…

Ít ai biết được hàng rong có từ bao giờ. Chỉ thấy rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố ngàn năm tuổi này, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét đẹp riêng của văn hoá Hà Thành. 

Từ thế kỷ XVII, các nhà buôn, nhà truyền giáo phương Tây đã đến Thăng Long. Họ gọi thành phố này là Kẻ Chợ vì dân cư đông đúc, chỗ nào cũng thấy kẻ mua, người bán. Chợ không chỉ có ở các phường nghề mà còn họp ở cửa thành, cửa sông, bến đò… Buôn bán nhộn nhịp vì Thăng Long không chỉ là Kinh đô mà còn là thị trường lớn nhất Đại Việt.

Thuở đó, chợ nhiều nhưng họp theo phiên. Theo sứ giả Trung Hoa là Trần Cương Trung sang Việt Nam vào đời Trần đã viết: “Cứ hai ngày chợ họp một lần”. Song các sách chép khác nhau về thời gian. Trong du ký của Dampier, tác giả người Anh này viết: “Ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày”.

Còn Samuel Baron trong cuốn “Miêu tả vương quốc xứ Đàng Ngoài” (xuất bản năm 1683) lại cho rằng “chợ họp tháng hai phiên vào ngày sóc và ngày vọng” (ngày rằm và mùng một). Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ viết: “Ở kinh kỳ, phiên chợ là các ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26, 30”. Chợ phiên không họp từ sáng đến chiều tối, chỉ họp đến quá trưa là vãn người, vãn hàng.

Vì tần suất họp chợ không đều đặn, họp theo phiên đã gây khó khăn cho nhiều người có nhu cầu, chính vì vậy hàng rong đã ra đời. Ngoài ra, đời sống khó khăn, để có tiền trang trải họ buộc phải bán sản phẩm mà không cần chờ đến phiên. Còn có lý do khác cho sự ra đời của hàng rong, rằng người bán hàng rong chủ yếu là người nghèo, không có tiền để trả phí ngồi trong chợ…

Theo thời gian, hàng hoá bán rong đa dạng hơn. Theo tài liệu để lại cho thấy, hàng rong xưa có rất nhiều mặt hàng như tào phớ, kem, quả dâu, mía đã tiện thành khẩu, hay báo… 

Từ năm 1930 đến 1945, hàng rong trở thành đối tượng phản ánh của nhiều nhà văn hiện thực phê phán. Báo “Trung Bắc tân văn” đã đăng truyện ngắn “Hạt ngọc trên phố” của Vũ Sang kể về một bà đầm già ở khu phố nam Hồ Gươm mê món cốm Vòng. Cứ vào mùa, ngày nào bà ta cũng sai con sen gọi cô bán cốm rong đến nhà…

Nữ nhà văn Pháp Hilda Arnhold vô cùng mê tiếng rao của người bán hàng rong và bà đã viết cuốn sách “Bắc kỳ – Phong cảnh và ấn tượng” trong đó tả chi tiết về tiếng rao, thân phận của họ, những người mà theo bà là tầng lớp nghèo trong xã hội.

Để  người mua biết mình bán gì, người bán hàng rong buộc phải rao. Những tiếng rao xưa trở nên quen thuộc giữa chốn Hà thành, nào là bán cá biển, bán bánh, hàn nồi, vá võng, thu mua đồng nát. Trong bộ tranh khắc “Kỹ thuật của người An Nam” (Technique du Peuple Annamite, xuất bản năm 1912), tác giả Henri Oger đã khắc khá nhiều bức liên quan tới hàng rong như: Bán đồ thủ công, thực phẩm.

Khi các khu phố mới được xây dựng ở phía đông và nam Hồ Gươm (ngày nay là phố Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu, Tràng Tiền, Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo…) và phía tây nam (nay là phố Lê Hồng Phong, Cao Bá Quát, Chu Văn An…) đông đúc dân cư là người Pháp và người Việt giàu có thì chính quyền ra lệnh cấm hàng rong không được bán tại những con phố này.

Có một giai đoạn các mặt hàng bán rong đã dần thưa thớt. Sau ngày tiếp quản Thủ đô (10-10-1954), hàng rong ít hơn vì chính quyền yêu cầu người nhập cư về quê làm nông nghiệp khi họ đã được chia ruộng đất. Hay tại giai đoạn Mỹ đánh phá miền Bắc, hàng rong cũng ít do chiến tranh và hàng hóa khan hiếm. Tuy nhiên, tại các bến tàu, bến xe, trên các tuyến tàu điện vẫn có một lượng người bán rong, họ bán đồ dùng sinh hoạt như: Rút dép, dây chun, bấc đèn, kim băng, lơ tẩy… cùng cao dán nhọt, dầu nóng…

Tuy nhiên, xuôi về hiện tại, bán rong lại xuất hiện nhiều hơn, mặt hàng đa dạng hơn, phương tiện cũng thuận tiện hơn. Không chỉ là hình ảnh quang gánh, khoác vai quen thuộc, giờ đây hàng rong còn hiện hữu với xe đạp, xe đẩy đi khắp phố phường. Tiếng rao đêm vẫn còn, nhưng người bán chẳng còn vất vả rao bán như xưa, giờ đây, họ dùng loa để rao hàng. 

Hàng rong xuất hiện ở mọi ngõ ngách. Trên đường phố Hà Nội chúng ta dễ dàng bắt gặp những gánh rau, gánh hoa quả, đồ ăn, thức uống được bán rong. Cho đến các nhu cầu khác như cắt tóc ven đường, cắt chìa khoá, xỏ khuyên tai. Quen thuộc nhất là những gánh hoa chở hương sắc đi khắp mọi nẻo đường.

Tuổi thơ nhiều người Hà Nội lớn lên với tiếng rao hàng, tiếng xe đạp kẽo kẹt, hình ảnh quang gánh tần tảo của bà của mẹ. Hồi bé mê gánh hàng rong đến thế, lớn lên cũng chẳng bỏ được. Chiều đi làm về, nếu lỡ chạy xe qua một gánh hàng rong, cũng ráng ngoái lại nhìn xem ở trong đó có gì. 

“Ai bánh chưng bánh giò bánh rợm nào!”, “ai xôi lạc xôi vừng xôi dừa nào!”… Từ sớm tinh mơ, những tiếng rao đã đánh thức những con phố tĩnh mịch. Đủ thứ quà và mặt hàng thiết yếu từ ngoại thành được chở trên những gánh hàng xuôi về những tuyến phố tấp nập. 

Những tiếng rao lảnh lót trên từng góc phố với những sắc thái và nhịp độ khác nhau, dần dần trở thành những thanh sắc không thể tách rời của phố thị. Có những tiếng rao đơn giản như một sự kéo dài lời thông báo, có tiếng rao nghe có chút giằng xé và vần điệu như câu hát trong vở chèo, có tiếng rao thoăn thoắt gieo vần nhịp đầy hóm hỉnh như kế thừa những lối nói vè dân gian cổ… 

Những tiếng rao đi cùng những gánh hàng rong không chỉ đơn thuần là một sự mời gọi. Trong những tiếng rao ấy, những người bán hàng gợi lên một thứ gì rất đời, bụi bặm và lặng lẽ.  Đó không chỉ là gánh hàng phục vụ đời sống, mà còn là gánh hàng mưu sinh với ban trăn trở, niềm mơ ước và hy vọng về một cuộc sống khấm khá và đủ đầy hơn.

Thưởng thức quà hàng rong cũng là một phong cách riêng biệt của Người Hà Thành. Riêng về điều này, Thạch Lam lại viết: “Trong một ngày, không lúc nào là không có hàng quà. Mỗi giờ là một thứ khác nhau; ăn quà cũng là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bạn ấy, mới là người sành ăn.

Hà Nội chuyển mình trên những gánh hàng rong. Người ta có thể nhìn thấy phố thị đang chuyển mùa dựa trên sự thay đổi của những gánh hàng khắp các góc phố. Vào hạ là khi trên yên xe đạp của các chị, các mẹ chất đầy những búp sen hồng ngát nở rộ, thu sang khi cúc nhuộm vàng góc phố, chớm đông là những đóa họa mi trắng và thạch thảo tím e ấp giữa khí trời se lạnh.

Gam màu của những gánh hàng rong lại hợp vẻ rêu phong và cổ kính của thành phố này đến lạ. Vài ba đôi quang gánh, thúng mủng, những chiếc ghế nhựa, những chiếc xe đạp cũ kỹ càng làm nổi bật những tòa nhà với tường sơn vàng sơn màu năm tháng, những ô cửa màu xanh rêu và những tán cây rợp bóng mỗi con đường. 

Hà Nội có mùi hương thơm lừng, hoài niệm và gây thương từ những gánh hàng rong. Mùi hương từ những thức quà len lỏi trong không khí và xâm chiếm khứu giác người qua đường trước cả khi ta nghe thấy tiếng rao vọng lại. 

Mùi phở gánh nồng nàn, mùi cốm “thơm mát của bông lúa non” của Thạch Lam, mùi sen êm dịu, thanh sạch và tinh khiết, mùi bánh rán mật nức mũi từ đường phên… Tất cả tạo nên một mùi hương khiến ai ở gần cũng phải mềm lòng thưởng thức, khiến ai xa cũng nhớ, cũng muốn táp vào một gánh hàng quà vặt ngay tắp lự. 

Nhưng Hà Nội chỉ được cảm nhận trọn vẹn nhất khi ta thưởng được vị của những thức quà trên gánh hàng rong. Hàng rong ở nơi nào cũng có, nhưng hiếm nơi đâu có thể sở hữu được cái đậm đà của quà hàng rong đất kinh kỳ. Như Thạch làm từng tự tin mà khẳng định: “Cũng là thứ bún chả chẳng hạn,cũng rau ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cá mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi”. Đó là sức hút riêng của thức quà Hà Nội không thể lý giải mà chỉ có thể chiêm nghiệm được.

Từ những câu rao ngày xưa như “Ai mài dao kéo đây… Ai mài dao kéo nào…” cho đến những câu rao gần gũi hơn như “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon, hai ngàn một ổ”… “Ai bánh bao nóng nào… Bánh bao nóng đây”… “Tôi là bánh khúc đây”… gánh hàng rong vẫn tồn tại và sống cùng Hà Nội theo năm tháng, dù cho Hà Nội có thay da đổi thịt từng ngày, dù cho nhịp sống đô thị càng trở nên nhanh hơn, hối hả hơn. Dù ngày hay đêm, dù trời nắng hay trời mưa, ta vẫn luôn dễ dàng bắt gặp hình ảnh tần tảo của các bà, các mẹ cùng những thúng hàng đầy ắp thức quà thơm ngon trên các con phố lớn ở Hà Nội.

Từ rất lâu rồi, hình ảnh những gánh hàng rong cùng những tiếng rao đã trở thành một phần của bức tranh Hà Thành. Đi vào văn chương, gánh hàng rong xuất hiện trong “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thanh Lam với vẻ đẹp rất mộc, hay trong “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, cái hồn của những gánh hàng rong hòa quyện trong cái hồn, cái nét của Hà Nội.

Tuy nhiên, tại nơi phố thị sầm uất với những sự thay đổi nhanh chóng, nhà nhà mọc lên như nấm, công nghệ hiện đại thay thế thói quen của con người như đọc báo giấy…, tại sao những gánh hàng rong vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay?

Đầu tiên, khó có thể phủ nhận được sự tiện lợi của việc thưởng thức Hà Nội thông qua việc dừng chân ở những gánh hàng rong. Bên cạnh đó, so với những sản phẩm được bán trong nhà, có không gian vật lý rộng lớn với chỗ ngồi được bày trí sẵn, giá thành những món ăn của những gánh hàng rong không quá cao, phù hợp với tâm lý người Việt.

Và quan trọng hơn hết, người Việt Nam nói chung hay người Hà Nội nói riêng từ xưa đã ưa chuộng văn hóa ăn uống vỉa hè. Ngồi ăn một gói xôi vào buổi sáng sớm cho kịp no bụng, hay làm một ly trà đá vỉa hè tán ngẫu với bạn bè… đã là những hoạt động rất đỗi quen thuộc, và thậm chí còn trở thành một phần của cuộc sống của rất nhiều người dân Hà Nội.

Theo xu hướng phát triển của đô thị hiện đại, các gánh hàng rong được cho là làm giảm đi vẻ đẹp của thành phố hiện đại. Vấn đề có nên ủng hộ việc duy trì các gánh hàng rong hay không cũng được đề cập không ít song song với việc phát triển đô thị Hà Nội. 

Đối với nhiều người, tình yêu Hà Nội không chỉ là tình yêu với con người nơi đây, với những nét đẹp vốn có tại mảnh đất thủ đô như Hồ Tây, cầu Thê Húc màu son… mà còn yêu cả vẻ đẹp bình dị mà rất thân quen của những gánh hàng rong. Và, với chiếc xe đạp cũ, cùng những thùng hàng nặng trĩu… tất cả là kế sinh nhai của những người bà, người mẹ tần tảo lặng lẽ mang lại những thức quà thơm ngon và góp những hình ảnh rất “Hà Nội” vào trong bức tranh về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

"Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ Đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình."

Trích lời bài hát “Nhớ về Hà Nội” – Nhạc sĩ: Hoàng Hiệp

  • Thực hiện:
  • Nội dung: Mai Anh, Thu Huyền, Đàm Diện 
  • Ảnh/Video: Đàm Diện, Diệu Linh, Tiến Đạt
  • Design: Đào Linh, Hải Ngân, Quỳnh Trang
  • Biên tập: Hào Nguyễn

Nguồn: Vietnam+