Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

Giáo sư ĐẶNG ĐÌNH ÁNG qua đời GIÁO SƯ ĐẶNG ĐÌNH ÁNG NHÀ TOÁN HỌC VỚI CHIẾC SÁO BẠC KHÔNG CÒN NỮA!

 Trong sự nghiệp của tôi, tình thương là tinh thần dẫn dắt. Cả sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất.

ĐẶNG ĐÌNH ÁNG

Nghệ thuật quan trọng nhất của người thầy là đánh thức niềm vui sáng tạo và nhận thức.

ALBERT EINSTEIN

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

THÂN NHÂN TRUNG

 

GS Đặng Đình Áng (16. 3. 1926− 29. 8. 2020). Ảnh năm 1995 của gia đình

Chúng tôi vô cùng đau buồn xin báo tin Giáo sư Đặng Đình Áng, người thầy, người chồng, người cha, người chú, người bạn đồng nghiệp, sau nhiều năm trọng bệnh đã vĩnh viễn ra đi lúc 10 giờ 07′ sáng ngày 29. 8. 2020, hưởng thọ 94 tuổi. Tuy biết rằng rồi ai cũng phải ra đi, nhưng chúng tôi không tưởng tượng nổi sự mất mát của con người đã hằn sâu trong ký ức của bao nhiêu học trò, của Đại học Khoa học Sài gòn từ hơn nửa thế kỷ, đã dành nhiêu bao nhiêu công lao và tình cảm cao quý cho nhiều nhiều thế hệ sinh viên cũng như đồng nghiệp, và được bao nhiêu người mến thương. Nay GS Đặng Đình Áng đã vĩnh viễn trở về lòng đất mẹ. Ông có lẽ là một trong rất ít nhà giáo dục khoa học của Sài gòn những năm 1960 còn sót lại. Cả một thế hệ từng xây dựng nền đại học Sài gòn lần lượt ra đi.

Đương thời, ông nghĩ về quê hương và con người qua câu nói sâu sắc:

Quê hương là dải đất, có núi có sông, có cây cỏ, có những con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần, nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là các nấm mồ người đã khuất. “Chính tro tàn của người quá cố đã tạo ra quê hương”, một văn hào Pháp, trong một bài thơ bất hủ về tình yêu quê hương, đã thốt ra như vậy.

Giờ đây quê hương có thêm nấm mồ của ông, một đứa con đã sống trọn vẹn và cống hiến với hết cả trái tim của mình cho sự nghiệp giáo dục đất nước và chan hòa trong tình yêu quê hương. Cái tính yêu đời, lạc quan, khoan dung, nhân hậu, tôn trọng người khác, tính nghệ sĩ, tình yêu tha thiết toán học, yêu âm nhạc, yêu quê hương, yêu văn hóa, là những đặc điểm nổi bật ở ông.

Không ai làm toán ở miền Nam trước 75 và cả Việt nam sau 1975 không biết đến GS Đặng Đình Áng. Ông là một người gốc nhà nho, cháu 7 đời của danh-hiền Đặng Đình Tướng, một trong 4 danh hiền thời hậu Lê bên cạnh các bậc danh hiền Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông được đào tạo theo Tây học, là học sinh trường Bưởi đến Tú Tài I, rồi được học bổng Fulbright sang Mỹ học, đậu tiến sĩ năm 1958 ngành hàng không học, cũng là thời điểm thế giới, nhất là Hoa Kỳ bị sửng sốt về vệ tinh Sputnik đầu tiên (1957/58) của Nga được phóng lên quỹ đạo trái đất.

Ông là người đã mang toán học hiện đại vào phía Nam đầu thập niên 60, được giao chức vụ Khoa trưởng Khoa toán của Đại học Khoa học Sài gòn lúc 34 tuổi để làm cuộc cải cách giáo dục toán ở đại học, cùng với cuộc cải cách đại học, phong trào chuyển ngữ cả miền Nam đang diễn ra lúc đó. Ông đã đem ngọn gió mới vào đại học, gây một sự hưng phấn trong các sinh viên toán. Toán học không những được hiện đại hoá mà còn được nâng cấp lên bậc Cao học. Sinh viên được hướng dẫn bước vào đường nghiên cứu và có thể công bố kế quả nghiên cứu của mình ở những tạp chí quốc tế, dưới sự hướng dẫn của vị giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp. Ông vừa dạy, vừa nghiên cứu, vừa tự học thêm. Tinh thần đại học của Humboldt – sự kết hợp nghiên cứu và giảng dạy − thấm đượm ở ông.

GS Đặng Đình Áng là một tấm gương lớn của sự tự học và phấn đấu. Ông đã tự học để thi tú tài I ở Hà nội, rồi Tú Tài II ở Sài gòn, tự học Anh ngữ, rồi tự học tại đại học Kansas để rút ngắn chương trình cử nhân, tiếp tục tự tìm tòi học hỏi khi về Việt nam làm việc, và như thế trong suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của ông. Ông khiêm tốn nói: “Tôi rất thích học, thời Pháp học, thời gian vào Sài gòn học, ở CalTech học, về đây tiếp tục học, bây giờ cũng còn học, học những bậc thầy đi trước”. Đó là một tinh thần tự lập, một đặc tính của những nhà nghiên cứu có sức phấn đấu cao. Điều kiện làm việc của các nhà khoa học Việt nam tuy rất eo hẹp, tài liệu, báo chí khoa học rất khan hiếm, đại học Sài gòn còn non trẻ, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng giáo sư vẫn giữ vững nghiên cứu và ‘đánh thông’ con đường giao lưu với đồng nghiệp nước ngoài, bảo đảm cho nghiên cứu vẫn tiếp tục một cách thành công.

Tấm gương của ông là tận tuỵ chăm sóc sinh viên. Ông nói: “Cả sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất. Muốn nắm vững, bản thân ông thầy phải có đóng góp chứ không thể nhắc lại kiến thức của người khác”. Ông luôn luôn tin tưởng vào con người Việt Nam: “Đây là mảnh đất tốt, rất màu mỡ, rất nhiều hạt giống tài năng” và “Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người Việt nam ta, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò”. Thầy cũng đã có lời khuyên quý giá cho những người trẻ: “Đừng háo thắng mà không đi xa được, việc học cũng giống như chạy marathon 42 km, phải biết giữ sức, những cây số đầu không mấy quan trọng, không học nhồi học nhét, không ham ánh hào quang hão huyền, làm sao để càng về sau càng khổng lồ, đó mới là kết quả thực sự.”

GS là một con người văn hoá và của âm nhạc. “Anh tôi (Đăng Đình Hưng) và tôi là những người đầu tiên trong gia đình đi vào âm nhạc. Chúng tôi cảm thấy âm nhạc chảy trong máu vào lúc chúng tôi tiếp xúc vói nó. Và bây giờ thế hệ của Đặng Hồng Quang, Đặng Thái Sơn tiếp nối.”  Ông say mê tiếng sáo tre từ nhỏ ở làng. Chiếc sáo bạc ông mua ở Mỹ năm 1956 trở thành một người người bạn đồng hành “bất khả ly thân” của ông, giống như chiếc đàn vĩ cầm của Einstein. Ông đã bắt đầu hoà nhạc với Viện Văn Hoá Đức Goethe từ năm 1973. Người ta vẫn thường thấy ông biểu diễn trên sân khấu, nhất là những lúc có hội thảo toán học quốc tế. Ông không những thích âm nhạc riêng cho mình, “mà ông thật sự quan tâm tới đời sống, sinh hoạt âm nhạc, với giới hoạt động âm nhạc tại thành phố này” như nhạc sĩ Đặng Hồng Quang nói. Ông cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc, cựu phó giám đốc nhạc viện thành phố và Đặng Hồng Quang, trưởng khoa bộ môn piano, thành lập nhóm nhạc thính phòng Hoa Sen nhằm tổ chức những buổi hoà nhạc cổ điển cho giới khoa học với sự tham gia của các nhạc sĩ trong và ngoài nước có tính cách nghiệp dư. Mục đích sâu xa của GS là nâng cao và mở rộng trình độ văn hoá trong giới khoa học. Ông cũng là người rất yêu thích văn chương, yêu thích các nhà văn của Tự lực văn đoàn, và những nhà văn cổ điển Pháp.

Thổi sáo năm 2006 lúc ông mừng sinh nhật 80t

Đại diện của báo Tuổi Trẻ tặng hoa và quà

GS là con người Tây học nhưng có một tâm hồn đầy ắp bản sắc Việt nam. “Tôi thổi Mozart bằng tâm hồn Việt. Thổi để không quên dân ca mình. Tôi ăn món ăn nước ngoài cũng bằng dạ dày Việt. Ăn để thấy các cụ nhà ta thật sành…ẩm thực”. Ông là một khuôn mặt đại biểu, một đại sứ của Việt nam trong mắt các đồng nghiệp nước ngoài. Ông luôn luôn hãnh diện làm một con người Việt nam một cách rất tự tin.

Tại thời điểm 1975, những tình cảm đối với quê hương, sinh viên, đại học, đã chiến thắng những câu hỏi đi hay ở. Ông quyết tâm ở lại, chấp nhận chịu đựng và chia sẻ, đóng góp và tiếp tục dẫn dắt các thế hệ sau. Ông tin vào những “thửa đất vàng” của Việt Nam cần được chăm bón tốt hơn. Năm 1980 ông là một trong những người được phong hàm Giáo sư đầu tiên của nước Việt nam thống nhất, cùng với GS Hoàng Tuỵ, Phan Đình Diệu và một số người khác.

Ông đã có hơn 130 công trình nghiên cứu toán học có giá trị được công bố ở nước ngoài, nhiều sách giáo khoa và chuyên đề. Ông đã đào tạo 12 tiến sĩ trong nước có những công trình tương đương với tiến sĩ thế giới. Ông được nhiều đại học Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Đức mời đến đọc thuyết trình, được làm khách mời báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế, và được trao nhiều học bổng nghiên cứu tên tuổi quốc tế. Nhiều học trò ông hiện đang tiếp tục đào tạo sinh viên ưu tú toán để gửi đi du học. Lực lượng toán học ngày càng đông, và rất nhiệt tình lên đường tiếp nối. Một số khác đứng trên bục giảng các trường phổ thông trung học. Năm 1996, để kỷ niệm GS 70 tuổi, một hội nghị quốc tế đã đươc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 30 nhà toán học nước ngoài. Điều đó nói lên sự trân trọng của cộng đồng toán học nước ngoài đối với những đóng góp toán học và uy tín của GS Đặng Đình Áng.

GS Đặng Đình Áng là ngọn cờ toán học ở phía Nam, một cây đại thụ đem bóng mát lại cho nhiều thế hệ phát triển, và tiếp tục ngày càng đông đảo hơn. Ông là người tạo hình cho những tâm hồn toán học đầu tiên Việt nam, thu hút và đánh thức những tài năng có dịp đến với ông. Ông là một nhân cách vượt trội, và là một con người văn hoá, một nghệ sĩ sống hài hòa với vương quốc âm nhạc. Tất cả những gì qua tay ông đều mang tính nghệ thuật. Tư duy, khám phá toán học và sống hài hòa với âm nhạc là những niềm vui của ông, bên cạnh niềm vui được sống hạnh phúc trên quê hương, bên mái ấm gia đình. Ông sống bình dị, nhân hậu, chân thật, vượt lên mọi cái xấu. Gặp ông, thế giới của cái xấu, của sự chối tai tan biến nhường chỗ cho một thế giới hài hoà, trong sáng và thi vị.

Một nhà toán học tiên phong thành đạt, say mê toán học, tận tụy với sinh viên, một tấm gương văn hoá, một nhân cách, một con người nhân hậu, giản dị, một tấm lòng dạt dào tình cảm quê hương, một nhân tố kết nối thế giới: những tố chất đó đã hội tụ trong một con người mà xã hội không phải dễ có được.

Khát vọng của một cuộc hành trình tri thức đến với ông tự bao giờ? Nó đến từ lúc còn bé như ông đã kể cho người cháu ruột, nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn:

Mỗi lần về thăm làng, chú lại ra tắm ở cái hồ lớn, rồi nhìn về núi Trầm. Lúc đó, lại nhớ da diết những ngày còn bé, chú cùng bố Hưng thường ra đấy. Hai anh em cùng nhìn lên núi, mỗi người theo đuổi một ước mơ riêng. Về sau, chú thường tự hỏi: “Có phải chính ngọn núi này đã khơi dậy trong hai anh em những khát vọng ở đời?”

***

Giờ đây chúng tôi vĩnh viễn mất đi một người thầy dẫn dắt, thương yêu và truyền cảm hứng trên đường toán học, một người luôn luôn biết sống trong “hiện tại và bây giờ”, giữ cho mình không gian sống tự do và sáng tạo trước mọi hoàn cảnh khó khăn. Một người thầy luôn luôn vẫn giữ được nét trẻ, hồn nhiên và thánh thiện, như Einstein. Ở ông, tri thức có thể tăng trưởng qua tự rèn luyện, và thực tế luôn luôn là như thế, nhưng nhân cách của ông là cái gì thiên phú, chỉ có phát triển thêm và thăng hoa. Nếu nhà triết học Đức Johann Gottlieb Fichte nói rằng học giả là người nghệ sĩ tự do, freier Künstler, thì ông đúng là mẫu người như thế với sự cảm thụ nghệ sĩ đặc biệt. Và âm nhạc, như Gottfried Wilhelm Leibniz nói, cũng chính là một dạng của toán học: “Âm nhạc là sự thực hành số học ẩn khuất của một tinh thần vô ý thức đang tính toán”. Phải chăng chính cái gen âm nhạc của ông đã có duyên bén rễ sang vương quốc toán học?

Ông không phải là týp người chạy theo vật chất. Ông sống rất đơn giản, và thấy hạnh phúc khi tìm thấy cái lớn lao trong cái đơn giản đó. Ông cũng không chạy theo danh vọng, cái không thay thế được những giá trị tinh thần, đạo đức, văn hóa và tình yêu đích thực đối với toán học và con người, và cái có thể có nguy cơ đánh mất những giá trị đích thực đó. Một con người khoa học đích thực không thể không có cuộc sống đơn giản, nhưng sâu sắc, và đầy lý tưởng.

Ông lao động mà không biết tuổi hưu, không biết khái niệm “về hưu”, không có sự chấm hết tình yêu đối với toán học, vẫn miệt mài nghiên cứu cho đến khi căn bệnh làm cho ông bất lực lao động. Bởi vì với ông, toán học là tiếng gọi chứ không phải là một nghề. Ông là týp người khoa học lý tưởng mà xã hội và văn hóa Việt Nam đang cần tới để xây dựng một nền văn hóa mới. Ông là một con người khoa học tiêu biểu của một quốc gia văn minh và phát triển. Ông là nguyên khí quốc gia.

Xin cám ơn Thầy đã bao nhiêu năm luôn luôn dẫn dắt, uốn nắn, là động lực sáng tạo, niềm vui, là biểu tượng của một nhân cách đẹp đẽ, của con người văn hóa, là sự chia sẻ ngọt bùi trong những năm tháng khó khăn nhất, để cho nhiều thế hệ học làm nhà nghiên cứu, và học làm người. “Thầy ra đi”, như người học trò Trần Thạnh của những năm sau 1975 viết, “nhưng di sản tinh thần Thầy để lại sẽ được các lớp học trò nhiều thế hệ gìn giữ và phát huy, để nền toán học Việt Nam có một chỗ đứng xứng đáng trên diễn đàn toán học thế giới”. “Gương sáng này nhiều anh em”, như người sinh viên trong lứa đầu Phạm Gia Thụ viết, “cũng như tôi, đã và đang theo đuổi, để tiếp tục xây đắp căn nhà toán học Việt Nam, tân tiến nhưng lúc nào cũng nhân ái”.

Trong sự thương tiếc vô hạn, xin mãi mãi cám ơn Thầy, và ghi tâm khắc trí những lời thầy dặn: sống theo tấm gương cao quý của Thầy, có tinh thần tự lực, cố vượt khó khăn, kết nối với thế giới, trung thành với khoa học, sống chia sẻ và chan hòa, và có trách nhiệm đối với quê hương.

Xin vĩnh biệt Thầy.

Nguyễn Xuân Xanh

Thay mặt cho các đồng môn

 

Thông báo lễ tang: Lễ nhập quan: 19h00 cùng ngày. Lễ viếng: chủ nhật ngày 30. 8. Lễ động quan: thứ Hai, 31. 8 lúc 6h30′. Địa chỉ: 162 Điện Biên Phủ, Q. 3, TP HCM

 

(II)

TIỂU SỬ

GIÁO SƯ ĐẶNG ĐÌNH ÁNG

 

1926:

Giáo sư Áng sinh ra ngày 16 tháng 3 tại làng Thuỵ Dương, huyện Chương Mỹ, gần núi Trầm, tỉnh Hà Đông cũ (Hà Tây). GS là cháu 7 đời của cụ Đặng Đình Tướng, một danh-hiền thời hậu Lê. Học trường Bưởi đến hết phổ thông. Tự học để thi Tú tài I ở Hà nội. Tú tài II tại Saigon.

1950:

Lập gia đình với Cô Minh Thi

1951:

Một mình vào Saigon, dạy tiếng Anh để sống và tự học.

1953:

Sang Mỹ du học tại đại học Kansas, học bổng Fulbright, học kỹ sư hàng không.

1955:

Tốt nghiệp kỹ sư hàng không tại đại học Kansas; được một giải thưởng của Viện Hàng không học Hoa Kỳ ở Fort Worth, Texas, cho bài báo về dòng chảy nhớt có thể nén được.

1957:

Học tiếp và đậu bằng Thạc sỹ tại Viện CalTech ngành hàng không và toán học.

1958:

Đậu bằng Tiến sĩ về toán cơ học tại Học viện kỹ thuật California (Ph.D., Aeronautics and Mathematics, CalTech) và giảng dạy 2 năm tại đó.

1960:

Trở về VN, được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Toán tại Đại học Khoa học Saigon (tức Khoa toán, lúc đó 34 tuổi, và ông giữ chức này cho đến năm 1975). Bắt tay vào việc cải tổ đào tạo đại học, hiện đại hoá chương trình dạy toán, đưa vào dạy mới những môn như tôpô, đại số hiện đại, giải thích hàm. Cải tổ cách thi “thách đố” cũ đã có lúc đánh trượt gần hết trong số 300 sinh viên chứng chỉ Math Géné (Toán học đại cương). Lúc bấy giờ tất cả giáo sư ngành toán đều là người Pháp.

1965: 

Mở chứng chỉ “toán học thâm cứu” cho bậc sau cử nhân để nâng cao trình độ sinh viên và hướng đi vào nghiên cứu sớm (các sinh viên cử nhân giỏi có thể ghi danh học chứng chỉ này trước khi hoàn thành cử nhân).

1975:

Về những sự kiện lịch sử năm 1975: “Tôi ở lại vì thấy ở đây tôi làm việc được. Tôi tìm thấy niềm vui trong công việc. Trước đây khi tốt nghiệp ở Mỹ, ông cũng quyết định về nước.

1980:

Được nhà nước phong danh hiệu Giáo sư, trong đợt phong giáo sư đầu tiên sau 1975 (chung với GS Hoàng Tuỵ, Phan Đình Diệu).

1988:    

Chủ tịch Hội Toán học Thành phố. Sau này là chủ tịch danh dự.

1995:

Tháng 12, Hội thảo quốc tế mừng sinh nhật 70 tuổi. Lần đầu tiên một Hội nghị Toán học Quốc tế với chủ đề “Giải tích và Cơ học Môi trường liên tục” được tổ chức tại TP HCM, do Hội Toán học Việt Nam và Hội Toán học TP chủ trì, có sự tham gia của 20 nhà toán học nước ngoài, với 45 bài báo cáo có giá trị được xuất bản trong một Proceedings của Hội Toán học TP HCM.

 

Các công bố:

Có hơn 130 bài báo cáo trong lãnh vực giải tích phi tuyến và cơ học được công bố trên các tạp chí toán học trong và ngoài nước. Ông là tác giả của 6 sách chuyên đề trong giải tích và cơ học, trong đó có một quyển với tác giả nước ngoài được xuất bản bởi NXB khoa học Springer (Đức). Ba sách chuyên đề khác đang trên đường hình thành với các đồng nghiệp nước ngoài, một tại Mỹ, một tại Áo, một tại Đức.

Nghiên cứu và giảng dạy ở các đại học nước ngoài:

GS Đặng Đình Áng đã giảng dạy tại nhiều đại học tên tuổi trên thế giới như:

-Senior Research Fellow in Aeronautics, CalTech, 1962.

-Senior Research Fellow in Geophysics, CalTech 1964.

-Associate Geophysisist, UCLA, 1963.

-Visiting Professor of Mathematics, Instituto per le Appliczion del Calcolo     Mauro Picone, Italy, 1984.

-Professeur invité (Mathematiques), Université d’Orléans (1987).

-Visiting Professor of Mathematics, University of Utah (1970, 1988).

-Học bổng Deutsche Forschungsgemeinschaft (DFG Đức) cho một chuyến nghiên cứu 3 tháng tại Đại học Tự do (Freie Universität) Berlin.

-Professeur invité (Mathematiques), Université de Paris 13 (1993).

-Lecturer (Geophysics), University of Cambridge.

-Lecturer (Mathematics) Ecole Politechnique Paris.

-Lecturer (Mathematics), University Tokyo (hai lần).

-Thành viên Ban tổ chức và giảng viên lớp chuyên đề quốc tế về ứng dụng toán học tại Trung Tâm Toán học Quốc tế Stefan Banch, Balan, 1986.

Đào tạo:

Năm 1982 dưới sự hướng dẫn của GS, tiến sĩ toán học đầu tiên (Dương Minh Đức) ở phía Nam tốt nghiệp. Từ đó đến 2006 GS đã đào tạo được tất cả 12 tiến sĩ trong nước, tại đại học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, có trình độ quốc tế về các ngành Giải tích phi tuyến và Cơ học.

Con số này không kể đến các sinh viên đã học với GS rồi đi du học nước ngoài, hoặc những sinh viên cử nhân làm giáo viên trung học.

GS là cố vấn của Trung Tâm Phát triển Công nghệ Thông Tin của Đại học Quốc Gia TP HCM, của Viện Cơ Học Ứng dụng thuộc Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN.

Gia đình: Vợ là Cô Bùi Thị Minh Thy. Có tất cả năm người con: Đặng Thị Minh Thúy, Đặng Đình Lanh, Đặng Đình Hải, Đặng Thị Minh Hà và Đặng Thị Bích Thủy.

Sinh hoạt giao lưu văn hoá: GS đã hoà nhạc với Viện Goethe tại Saigon từ năm 1973, và vẫn còn tiếp. Âm nhạc vừa là sự say mê, vừa là cầu nối văn hoá giao lưu với cộng đồng và thế giới.

 

(III)

Dưới đây là ý kiến, cảm tưởng, nhận định của một số người từng tiếp xúc hoặc đã học với Thầy Áng, góp phần vẽ lên bức tranh về nhân cách và đóng góp của ông.

Giáo sư Phan Đình Diệu viết trong Kỷ yếu mừng GS Đặng Đình Áng 80 tuổi, năm 2006:

Ngay từ cái nhìn gặp gỡ đầu tiên với Anh, tôi đã cảm nhận được có cái gì ấm áp của sự gần gũi, thân thiết như của những người anh em xa nhau lâu ngày gặp lại, mọi cảm giác xa cách gần như tan biến, và câu chuyện của chúng tôi đã qua nhanh những thủ tục xã giao thông thường để đi sâu dần vào những chủ đề của cuộc sống, trao đổi chuyên môn và sự hợp tác chặt chẽ hơn nhằm phát triển nền toán học của nước nhà. Từ chút duyên hội ngộ ban đầu đó, tôi dần quen Anh và vui mừng được cảm nhận nơi Anh sự tinh tế mà thanh thoát trong thú vui tìm kiếm vẻ đẹp của tư duy toán học và cảm thụ nghệ thuật, cái sâu xa mà bình dị trong niềm yêu cuộc đời và đất nước. Và rồi tôi hiểu chính sự thanh thoát bình dị đó đã giúp cho Anh, dù nay đã đến tuổi 80 và hẳn là đã trải qua không ít những nắng mưa của cuộc sống, vẫn còn giữ được vẻ tươi trẻ và cường tráng – tươi trẻ và cường tráng trong sáng tạo toán học, trong niềm say mê nghệ thuật, và cả trong niềm tin vào những gì tốt đẹp của cuộc đời.

Tôi quí trọng và tôn kính Anh vì qua ánh mắt nhìn của Anh tôi cảm nhận được là Anh có một niềm tin âm thầm và vững chắc vào những lựa chọn của chính mình, và chính từ niềm tin đó mà Anh luôn giữ được thái độ khoan dung, nhân hậu đối với cuộc đời, cũng như những tình cảm chân thành, gắn bó với quê hương, đất nước.

Giáo sư Ngô Văn Quế Đại học Montreal viết năm 2006 trong Kỷ yếu:

Đã gần ba mươi năm rồi từ buổi giáo sư Đặng Đình Áng mời tôi tham gia, trình thuyết ở hội thảo toán (séminaire) hàng tuần của giáo sư ở Đại học quốc gia (TPHCM). Đã gần ba mươi năm rồi, thế giới đổi thay, xã hội Việt Nam cũng đổi thay, lên bổng xuống trầm, vàng thau lẫn lộn, phong hoá thay chiều!

Xã hội càng biến dạng, con người càng đổi lốt, tôi lại càng nhớ những buổi hội thảo sao bây giờ quá xa xôi thế. Những giáo sư, những sinh viên đến dự hội thảo để lại bên ngoài những ưu tư đa đoan tức thời. Cảm nhận như vậy, tôi còn tiếc nhớ bao nhiêu hơn nữa những bữa cơm trưa, mỗi khi tôi qua Sài Gòn là chia riêng cùng thày Đặng Đình Áng một mâm bánh cuốn (chính thày tự thân đi mua về) với chả lụa, với nước mắm Phú Quốc nguyên chất cùng mấy chai bia Sài Gòn xanh! Chúng tôi không nói chuyện xa xôi, xã hội chính trị bên ngoài, vì theo tôi, giáo sư Đặng Đình Áng có một triết lý rất rõ rệt là không bận tâm đến những chuyện ngoài đời mà ta không đụng tới được, mà ta không biết rõ những uẩn khúc đen tối…Giáo sư Đặng Đình Áng, toán gia hăng say trong lãnh vực của mình, một thày giáo đạo đức mô phạm. Ở thày có một cái gì căn cơ, bền vững, khiêm tốn trong cái thế giới của mình. Thế giới của văn minh phổ quát (le monde de la civilisation universelle, theo nghĩa của triết gia Paul Ricoeur): khoa học với những sự thật của toàn thể nhân loại, và nếu còn có những gì khác nữa như âm nhạc, thì phải là âm nhạc của Mozart, Beethoven…Thế giới mênh mông tuyệt vời, mà chúng ta mỗi ngưòi phải khiêm tốn biết rằng dù tận tụy tìm hiểu cả đời cũng chỉ có thể đóng góp với một tầm nhìn hạn hẹp trong một khoảng trời nhỏ bé.

Chính cái căn cơ bền vững khiêm tốn đó toả sáng lên những người xung quanh, lên những học trò của thày. Hãy sống nhất quán, chân thành trong thế giới riêng của mình, khát khao tìm hiểu sự thật phổ quát của nhân loại. Nhiều người có thể nghĩ rằng sống như vậy là sống co mình, tù đọng khi xã hội, đất nước đòi hỏi một cái gì lớn lao, thực tiễn hơn. Nhưng khi thiên hạ chạy theo những hoang tưởng phù phiếm, vụ danh vụ lợi đạo đức giả, cúi núp sau những thần tượng bằng đất mạ vàng, biết sống nghiêm túc nhất quán với chính mình thì chính là gián tiếp âm thầm gieo mầm cho những con người của ngày mai biết tìm lại những giá trị thật căn bản gia đình dân tộc, tìm lại phong thái nền nếp của cha ông. Tôi tin rằng những học trò của giáo sư Đặng Đình Áng, nay nhiều người đã là giáo sư tiến sĩ ở các đại học xa gần, thu nhận và sống theo cái gương đó của thày.

Bình thản nghĩ lại, có lẽ tôi còn ưa thích rất nhiều những khoảnh khắc giáo sư Đặng Đình Áng cho tôi nghe tiếng sáo của thày độc tấu hay hoà tấu thính phòng (cùng một hai người thân của Viện Âm Nhạc thành phố HCM). Nhạc Bach, nhạc Haydn…(đặc biệt concerto trio no.3 của Haydn mà thày sở trường ưa chuộng) bay lên thánh thoát làm tôi nghĩ -chắc chắn cũng chỉ là san sẻ những cảm  nghĩ cùng thày- rằng say mê tìm hiểu trong toán học không khác chìm đắm trong âm nhạc, trong một thế giới lãng mạn, thoát ly tục luỵ huyền mặc, bí quẫn hoang tưởng.

Nhà hoạt động chính trị lâu năm, và nhà thơ, Trần Việt Phương (mất 2017), người bạn học thân thiết từ nhỏ với ông, viết trong Kỷ yếu:

Tháng 5 năm 1975, tôi vào thành phố Sài Gòn vừa chính thức mang tên Hồ Chí Minh, người bạn đầu tiên tôi tìm gặp là Áng, bấy giờ cùng vợ ở một căn hộ xuềnh xoàng trong một chung cư trên đường Phạm Ngọc Thạch. Gặp nhau, chúng tôi ôm lấy nhau, và Áng nói với tôi một câu tiếng Pháp: “Mình vẫn luôn theo dõi cậu chặt chẽ đấy nhé”. Sau 31 năm xa cách, hình như giữa chúng tôi không có bất kỳ sự cách xa nào.

Từ đó, những người bạn cùng lớp chúng tôi nhiều lần gặp nhau, lúc ở thành phố Hồ Chí Minh, lúc ở thủ đô Hà Nội, biết bao kỷ niệm xưa, biết bao trăn trở mới, biết bao dự định tương lai, và vẫn “cậu, tớ”, “mày, tao” như thời còn trẻ. Lần đầu tiên về lại thủ đô, Áng xúc động và chúng tôi cảm động nghe Áng nói về vẻ đẹp và sức quyến rũ của mùa thu Hà Nội, gió heo may, nắng hanh vàng, trời se lạnh, và của mùa đông Hà Nội, gió mùa Đông Bắc, sương mù Hồ Tây, mưa phùn bụi trong trời rét ngọt.

Tôi vẫn nhớ giữa những năm gian khó trước thời đổi mới, thỉnh thoảng Áng tự đưa tay hoặc nhờ người chuyển cho tôi một gói quà, lần thì mấy lọ đầy các loại vitamin, lần thì một bịch một cân mì chính. Bao giờ tôi cũng chia cho các bạn cùng lớp, dành phần nhiều hơn cho những bạn thiếu thốn hơn. Đó là tấm lòng của Áng đối với bạn học cũ.

Khi mấy người bạn chúng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh và đến chơi với vợ chồng Áng (vợ Áng là em gái một người bạn cùng lớp chúng tôi), bao giờ cũng có một khoảng thời gian không thể thiếu. Đó là lúc Áng mở nhạc để chúng tôi cùng nghe những bản nhạc giao hưởng của Mozart, của Beethoven, nghe thấm thía trong một sự im lặng hoàn toàn, mà tôi thấy đậm đà văn hoá và có cả chút gì thiêng liêng nữa.

[…]

Có gì dâng hiến nấy, kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của Áng, mình xin tặng Áng mấy câu này:

Chuyện buồn đổ cả xuống sông

Chuyện vui giữ lấy trong lòng mà vui

Quên cay đắng nhớ ngọt bùi

Vi vu tiếng sáo sáng ngời toán cơ

Nợ đời trả mấy cho vừa

Bao nhiêu tận tuỵ cũng chưa đủ đầy

Một đời còn mấy năm đây

Xin đem tâm huyết đêm ngày đền ơn

Cố giáo sư Bùi Trọng Liễu, Paris (mất 2010), viết về ông trong quyển Kỷ yếu:

Tôi chỉ gặp GS Đặng Đình Áng có một lần, cách đây đã lâu lắm (có lẽ vào 1983?), cùng ăn cơm ở nhà học giả Hoàng Xuân Hãn ở Orsay, ngoại ô nam Paris; (mà hôm đó cũng có cả các GS Hoàng Tụy và Phan Đình Diệu và các anh chị em trong Nhóm Toán của Hiệp hội khoa học và kỹ thuật ở Pháp). Chuyện trò làm quen, nhưng không có nhiều thì giờ để trao đổi với ông; tuy vậy lần gặp gỡ duy nhất ấy đã đủ để lại cho tôi một ấn tượng tốt, một thiện cảm lớn, nhất là « tiếng lành đồn xa » về ông, tôi đã được nghe từ nhiều năm trước. Sau đó, cũng có một vài lần ông có nhã ý gọi điện hoặc có thư từ hỏi thăm khi ghé qua Pháp. Hôm nay, góp phần mừng thọ ông 80 tuổi, tôi không viết về thân thế, về sự nghiệp, về tài năng, tài nghệ, về sở thích, v.v., của ông, vì những cái đó, đã có bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp, môn đệ của ông làm tốt hơn tôi. Tôi chỉ xin viết vài lời về Giáo dục Đào tạo. Tôi muốn được nói với ông : « Tôi không chắc là những ý của tôi – người sống ở xa – đã trùng hợp với những ý của Anh – người tại chỗ – nhưng tôi dám chắc rằng Anh đã nhiều năm trăn trở, cố gắng, vật lộn, để đóng góp hết sức mình với nền Giáo dục Đào tạo nuớc nhà. Chúc Anh đủ thì giờ để thấy những kết quả của cuộc chấn hưng – hay ít nhất là cuộc khởi đầu chấn hưng thực sự – của nền Giáo dục Đào tạo, vì đất nước ta có đủ tiềm năng vật chất và trí tuệ để làm việc đó, nếu có sự quyết tâm ».

Giáo sư Nguyễn Mộng Giao (TP Hồ Chí Minh):

Các học trò của Giáo Sư Đặng Đình Áng kể rằng: Khi vừa bảo vệ thành công luận án Tiến Sỹ Toán ở Mỹ về nước, GS Đặng Đình Áng đã có công lao lớn trong việc đổi mới chương trình ở khoa Toán Đại học Sài Gòn lúc đó. Nhờ những cải cách của GS Áng mà hàng loạt môn Toán mới được đưa vào giảng dạy. Bằng cử nhân giáo khoa thư ra đời, nhiều bất hợp lý trong thi cử được khắc phục ….. Công lao của GS Áng là nhờ ở những cải cách này đã đào tạo được hàng loạt các nhà toán học và cơ học, nhiều người còn làm việc hiệu quả cho đến ngày nay. Có lẽ công lao này nên được ghi lại trong lịch sử phát triển của toán học và cơ học Việt Nam. Bởi làm được điều đó không chỉ đòi hỏi tài năng mà phải là người có tâm huyết với nghề, có nhãn quang rộng, biết cách thuyết phục người khác …..

Quang Hải, GSTS, Nghệ sĩ nhân dân, viết trong Kỷ yếu:

Tôi nhớ lại một lần ra Hà Nội, tôi đến thăm ông Đặng Đình Hưng, có lẽ là lần chót trước ngày ông qua đời (1990). Tôi có nhắc về mối giao tình của tôi với ông Áng, ông Hưng tỏ vẻ bằng lòng. Ông nói rằng rất tự hào vì dòng họ Đặng từ các cụ tổ Đặng Đình Tướng, Đặng Trần Côn đến sau này luôn có những người làm rạng danh non sông Việt Nam. Niềm tự hào của ông Hưng là vô cùng chính đáng, vì có những Đặng Đình Áng, Đặng Thái Sơn, Đặng Hồng Quang hôm nay đã là những người kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông cha.

Nguyễn Đình Trí, GSTS Đại học Bách Khoa Hà Nội viết trong Kỷ yếu :

Là một nhà toán học có uy tín trong và ngoài nước, là một người sống chân tình, cởi mở với bạn bè, anh Áng có quan hệ hợp tác và cộng tác với nhiều nhà toán học có tiếng ở nhiều nước. Anh có nhiều công trình viết chung với các đồng nghiệp quốc tế, với học trò. Anh được mời giảng tại nhiều trường đại học trên thế giới, được mời đọc báo cáo mời tại các hội nghị khoa học quốc tế và cũng mời được nhiều nhà tóan học có uy tín của các nước đến Việt Nam dự các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, làm việc với các nhà toán học của Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế đó, tôi thấy anh Áng được bạn bè quốc tế đặc biệt yêu mến và tôn trọng. Tôi nhớ tại hội nghị cơ học quốc tế tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 12 năm 1996 nhân dịp anh Áng tròn 70 tuổi, học trò của anh, bạn bè đồng nghiệp, cả bạn bè quốc tế đến rất đông để dự hội nghị và để chúc mừng anh. Buổi bế mạc hội nghị đó thật là vui và cảm động. Tất cả các thành viên của hội nghị, đặc biệt các đồng nghiệp quốc tế, đã dành cho anh những tình cảm chân thành và sâu sắc.

Anh coi sự nghiệp của anh là sự nghiệp đào tạo, mà đào tạo đại học phải gắn liền với nghiên cứu khoa học, người thầy giáo đại học phải có đóng góp cho khoa học. Với quan niệm như thế anh đã có những kết quả nghiên cứu đích thực, được cộng đồng những người làm công tác khoa học thừa nhận.

Là một thầy giáo, anh rất quan tâm đến sinh viên, đến thế trẻ. Anh đã hướng dẫn cho không ít sinh viên, cán bộ khoa học trẻ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Các cán bộ đó cũng đã trưởng thành, có người tiếp tục phát triển kết quả nghiên cứu theo hướng của anh. Tuổi đã cao nhưng anh vẫn tiếp tục nghiên cứu và có kết quả nghiên cứu, vẫn tiếp tục hướng dẫn sinh viên và cán bộ trẻ nghiên cứu toán học.

Phạm Gia Thụ, nguyên giáo sư Đại Học Moncton, Canada, viết trong Kỷ yếu 2006 :

Tôi chỉ gặp lại Thầy đầu năm 91, khi được cử về công tác ở Tổng Cục Thống Kê Hà Nội. Sau buổi công tác tôi đã bay ngay vào Saigon để gặp lại Thầy và vài bạn cũ. Lại thăm Thầy ở căn nhà khi xưa trên đường Điện Biên Phủ, tôi bồi hồi gặp lại một người thầy năm xưa với mái tóc nay đã bạc trắng, nhưng vẫn tráng kiện, vẫn ân cần, vui vẻ và nhất là vẫn hăng say khi bàn về toán và khảo cứu. Tôi có cảm tưởng như là thời gian tuy có gây vài thay đổi trên người thầy, nhưng đã ngừng trôi đối với những tình cảm và liên lạc của thầy với các học trò cũ. Đặc biệt tôi cảm phục thầy hơn nữa khi biết là, dù gặp nhiều khó khăn trong việc tìm và đọc tài liệu để nghiêng cứu viết bài, thầy và các học trò vẫn có đều đều bài đăng báo trong những năm đất nứơc có rất ít liên lạc khoa học với bên ngoài. Từ ngày đó đến nay tôi đã về nước rất nhiều lần, và mỗi lần tôi lại có dịp lại thăm thầy để đựơc hân hạnh dùng chung với thầy một bữa cơm, vài lon bia, đôi tách trà, để giữ ngọn lửa toán học thiêng liêng những năm 60 luôn luôn cháy trong lòng tôi.

Để kết luận, Thầy Áng, một toán học gia tài năng, một người thầy tận tụy, một đàn anh khả kính và một con người tình cảm, đã đến với chúng ta khi chúng ta còn non dại trên đường sự nghiệp. Thầy đã không quản ngại dìu dắt rất nhiều anh chị em chúng ta trong hơn 40 năm qua.  Gương sáng này nhiều anh em, cũng như tôi, đã và đang theo đuổi, để tiếp tục xây đắp căn nhà toán học Việt Nam, tân tiến nhưng lúc nào cũng nhân ái.

Giáo sư Nguyễn Hữu Anh và Đặng Đức Trọng (2011):

Bài học thứ 3 mà tôi muốn nhắc đến là cách xử thế tuyệt vời của Thầy. Thầy luôn luôn giúp đỡ mọi người, không chỉ riêng học trò của mình qua các việc như là nhận xét một luận án, tham gia hoặc chủ trì Hội đồng chấm luận án Tiên sĩ cấp Nhà nước, và đăc biệt là tích cực ủng hộ họ trong các cuôc họp của Hội đông ngành Toán. Mặt khác, Thầy luôn luôn vun đắp và mở rông các mối quan hệ bạn bè. Từ tình bạn lâu đời với GS L. Knopoff ở UCLA, GS E. Hewitt ở Washington State University, hay GS D. Daykin ỡ Nanyang University, nay là ĐH Quốc gia Singgapore vào những năm 50, 60, đến các quan hệ bạn bè mới sau này như với các GS Alain Phạm, K. Smith, R. Gorenflo, …, Đối với họ, Thầy không chỉ là bạn bè mà còn là cộng tác viên trong những công trình nghiên cứu Toán học. Kể cả những người chỉ thoáng gặp qua Thầy như GS P. Cartier, cố GS M. Boujot, họ luôn giữ tình cảm trìu mến với Thầy nhiều năm sau này.

Trong nước, Thầy là một trong số ít nhà Toán học được giới Toán học cả hai miền quý mến. Từ cố GS Lê Văn Thiêm trước đây đến các GS Nguyễn Đình Trí, Phan Đình Diệu và sau này các GS Nguyễn Duy Tiến, Hà Huy Khoái, Trần Văn Nhung, Ngô Việt Trung và Nguyễn Hữu Việt Hưng, họ luôn nhắc đến Thầy với lòng quý trọng.

Có lẽ để đạt được kết quả này, ở Thầy đã tỏa ra tinh thần thân ái bao la. Đây có thể do ảnh hưởng của Nho gia, mặc dù Thầy theo tân học. Nổi trội nhất trong ảnh hưởng của Nho giáo, qua cách xử thế của Thầy, có lẽ là Đạo Trung Dung. Thật vậy, ở Thầy, Đạo Trung Dung đã được thể hiện một cách tự nhiên và đúng mực nhất. Có lẽ nhờ vậy mà Thầy luôn luôn giữ được thăng bằng, thoát khỏi các cuộc mâu thuẫn kéo dài để có thể tập trung vào chuyên môn. Khi nói đến một con người, Thầy luôn nhìn thấy khía cạnh tốt đẹp ở họ hơn là chỉ nghĩ đến điều xấu. Thầy hay nói “arsenic tuy là một chất độc, nhưng vẫn được dùng để chữa răng”.

Bài học cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến là nhân sinh quan lạc quan của Thầy. Có lẽ nhờ đó mà Thầy đã vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống đầu những năm 60 thế kỷ trước và năm 1975, khi Thầy có cơ hội xuất cảnh ra nước ngoài, nhưng đã chọn ở lại với đất nước, với học trò và đồng nghiệp. Chính nhờ tinh thần lạc quan mà Thầy đã vượt qua được những lúc khó khăn nhất trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước đầu những năm 80. Trong lúc điều kiện làm việc không thuận lợi, Thầy vẫn vui vẻ dạy học trò và hàng ngày lấy việc đi bộ ra chợ làm thú vui nho nhỏ. Thầy cũng đã đem tinh thần lạc quan đến cho nhiều học trò của mình. Những năm gần đây, khi ngồi uống rượu vang với tôi, Thầy hay nói “mình ở đây sướng thật!”

Và có lẽ cũng với tinh thần lạc quan đó, Thầy đã lấy các buổi hòa nhạc, nhất là các buổi hòa nhạc của Câu lạc bộ Hoa sen để tô thêm nét đẹp cho các kỳ Hội nghị Quốc tế mà Thầy đứng ra tổ chức. Ở Thầy việc thổi sáo đã được nâng lên từ thú vui tao nhã thành một nghề chơi cũng lắm công phu.

về toán học:

Xin nhắc lại rằng, Thầy vốn là một kỹ sư hàng không và được đào tạo về Toán Ứng dụng (Cơ học Môi trường liên tục) ở tại Học viện Công nghệ California CalTech. Tuy nhiên, đầu những năm 60 thế kỷ trước Thầy về Saigon dạy học, và để mang đến cho anh em chúng tôi những kiến thức mới về Toán Lý thuyết lúc bấy giờ qua các môn Topo, Giải tích Hàm, Giải tích Thực, Thầy đã phải cố gắng tự nghiên cứu rất nhiều. Quả thực anh em chúng tôi trong thế hệ sinh viên đầu tiên, đã rất thích thú tiếp thu những kiến thức mới này, và nhất là phương pháp dạy học bình dị của Thầy: Thầy luôn luôn khuyến khích anh em chúng tôi tự học, tự nghiên cứu hơn là nhồi nhét kiến thức, kết quả là cả chục sinh viên đã dược Thầy trực tiếp hoặc gián tiếp gửi đi đào tạo tiếp ở nước ngoài và đã đạt được những thành công nhất định.

Đến những năm 70, ở tuổi bước qua “tứ thập nhi bất hoặc” để đi vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, Thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu sang lãnh vực Giải tích Toàn cục, Lý thuyết Điểm Bất động và Phương trình Vi-tích phân. Kết quả là một lọat luận án Tiến sĩ đầu tiên do Thầy hướng dẫn đã ra đời, trong đó luận án của GS Dương Minh Đức là luận án Tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ ở phía Nam sau năm 75.

Sang những năm 80 của thế kỷ trước, dù đã bước vào tuổi 60, Thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu. Lần này Thầy chuyển hướng sang nghiên cứu về Phương trình Đạo hàm riêng, giải quyết những Bài toán ngược, Bài toán không chỉnh. Hơn phân nửa các công trình nghiên cứu của Thầy đã được công bố trong giai đoạn này. Trong số những người bảo vệ luận án Tiến sĩ trong giai đoạn này và tiếp tục nghiên cứu thành công có thể kể đến Đặng Đình Hải và Lê Khôi Vỹ, hiện đang giảng dạy ở Mỹ và Đăng Đức Trọng, hiện là Trưởng Khoa Toán – Tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh.

Cuối cùng ở tuổi 70 sang 80, các công trình về Phương trình của Thầy Áng đã hướng tới với Cơ học, tình yêu đầu đời của mình. Thầy đã cùng các học trò và đồng nghiệp công bố trên 20 bài báo trong đó sử dụng công cụ Phương trình tích phân phi tuyến, phương trình đạo hàm riêng để giải các bài toán thú vị trong Cơ học và Địa Vật lý.

Cũng cần nói thêm các kết quả to lớn Thầy đã đạt được đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nền Toán học ở miền Nam, và qua đó góp phần phát triển nền Toán học của cả nước. Thật vậy trong những năm 50 của thế kỷ trước, khi Trường Đại học Khoa học Saigon còn phôi thai, nước Pháp tuy có gởi sang ta những Giảng viên Toán giỏi, nhưng họ chủ yếu dạy cho sinh viên Việt Nam cách học để thi cử. Thầy Áng đã đào tạo một đội ngũ các nhà nghiên cứu trình độ cao về lĩnh vực Bài toán ngược và Phương trình Đạo hàm riêng. Giám Đốc ĐHQG Tp. HCM luôn mong mỏi hình thành được các trường phái nghiên cứu khoa học của ĐHQG có đẳng cấp quốc tế. Giáo sư Đặng Đình Áng đã thành công trong việc xây dựng một trường phái như vậy về bài toán ngược và phương trình đạo hàm riêng tại Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp. HCM. Vì xuất thân là kỹ sư hàng không, lối giảng dạy của thầy Áng mang tính ứng dụng rất cao. Vì thế, trường phái Toán học tại Tp. HCM có đặc điểm lớn là hướng rất mạnh sang lĩnh vực Ứng dụng Toán học.

Riêng Nguyễn Hữu Anh viết trong Kỷ yếu 2006:

Tôi may mắn là một trong những sinh viên của Giáo sư Đặng Đình Áng có điều kiện được học với Giáo sư những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực, không chỉ về Toán.

Còn nhớ năm học 1963 – 64, khi mới học năm thứ nhất (chứng chỉ Toán Đại cương Lý, MGP) ở ĐH Khoa học và ĐH Sư phạm Saigòn, chúng tôi thường để ý thấy một thầy trung niên ung dung đi ngang qua sân trường, một tay cầm cặp, một tay cầm ống pipe với vẻ mặt lúc nào cũng tươi vui. Anh em bảo nhau rằng đấy là GS Đặng Đình Áng sẽ dạy chúng tôi nhiều vấn đề rất mới trong năm thứ hai (chứng chỉ Tính Vi tích phân, CDI). Vì thế khi vừa thi xong MGP, chúng tôi đã vội đến văn phòng Ban Toán để mua hai tài liệu Tích phân Lebesgue và Không gian Banach mà các anh học trước đã ghi lại được từ các bài giảng của Giáo sư. Đến khi học CDI, quả thật chúng tôi đã bị choáng ngộp bởi những kiến thức và phương pháp mới. Sau này chúng tôi được biết để có thể truyền thụ cho chúng tôi những kiến thức mới về Toán Lý thuyết, Thày đã phải cố gắng rất nhiều, vì Thày đã được đào tạo từ một kỹ sư Hàng không rồi Tiến sĩ và Post-Doct về Toán Ứng dụng (Cơ học Môi trường liên tục). Trong điều kiện gần như phải làm việc một mình nhưng Thày cũng rất quan tâm tìm kiếm các sinh viên giỏi và tạo điều kiện cho họ vươn lên. Việc hình thành các lớp Cử nhân tài năng sau này cũng xuất phát từ một ý tưởng của Thày. Tuy nhiên phương pháp của Thày là tạo điều kiện cho học trò tự học hơn là nhồi nhét kiến thức. Trong giờ bổ túc kiến thức ở ĐH Sư phạm, Thày thường ngồi nghe anh em chúng tôi tự giải các bài toán khó, thỉnh thoảng mới đưa ra vài lời bình luận. Đấy có lẽ cũng là thói quen nói ít làm nhiều của Thày. Có lẽ cũng do thói quen này mà Thày rất ngại họp hành. Gặp những phiên họp có nhiều người nói dông dài, Thày thường lẳng lặng bỏ ra ngoài. Thày cũng rất ngại khi có người đề cập đến ý nghĩa chính trị của những việc Thày làm, ngay cả khi những việc này mang một ý nghĩa chính trị rất sâu xa. Trước năm 75, khi có người hỏi tại sao Thày không chủ biên một quyển Danh từ Toán học cho miền Nam, Thày nhẹ nhàng nhắc rằng ngoài Bắc đã có một quyển, nếu chúng ta lại làm sẽ khó cho việc thống nhất thuật ngữ Toán học sau này. Sau năm 75 Thày vẫn ở lại với quê hương mặc dù có điều kiện ra đi. Thày vẫn phụ trách Ban Toán, rồi Bộ môn Giải tích để tiếp tục đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên với hàng chục luận án Tiến sĩ. Thày vẫn đứng ra làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học TP Hồ Chí Minh. Thày có lẽ thuộc số ít những nhà Toán học Việt nam nhận được sự quí trọng và yêu mến của đồng nghiệp ở cả hai miền. Thày là một trong số những nhà Toán học được Nhà nước phong Giáo sư trong đợt đầu tiên.

Năm nay khi Thày sang tuổi Đại Thọ 80, chúng ta lại bắt gặp một Cụ Đồ, vẫn còn hăng say nghiên cứu Toán, vẫn được sự hâm mộ của nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước qua việc đăng ký dự Hội nghị Toán quốc tế mừng ngày sinh thứ 80 của Thầy. Chúng ta sẽ lại bắt gặp một Nhạc sĩ sáo nghiệp dư nhưng rất chuyên nghiệp. Chắc do mãi bận nhiều công viêc, Thầy đã quên mất năm nay là kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Mozart. May là trong lần hai Thầy trò ngồi nhắm rượu vang gần đây nhất, tôi đã tình cờ nhắc đến, và Thày nhất quyết sẽ chơi một bài của Mozart trong chương trình hòa tấu nhân Hội nghị Quôc tế cuối năm.

Tiến sĩ Lê Quang Ánh (California), người đề tặng cho Thầy hai quyển sách của ông về những câu chuyện lịch sử toán rất hay mới được xuất bản tại Việt Nam, nói về người thầy của mình:

Biết là sẽ có ngày này sớm hay muộn thôi, nhưng nghe tin thầy sắp ra đi tôi thấy lòng chùng lại, tiếc là không có mặt để đưa tiễn thầy. Tôi học thầy niên khóa 1964-1965.  Chính thầy đã làm cho tôi mê thêm bộ môn Toán mà tôi vốn ưa thích.  Chính thầy là người mở đường đưa thế hệ chúng tôi vào không gian Toán mới, kịp với thế giới. Nhìn lại mới thấy hai thập niên 1960- 1970 thầy đã đào tạo bao nhiêu giáo sư Toán cho miền Nam. Công này không hề nhỏ đối với nền Giáo dục thời ấy. Con người của thầy thật thông minh lại độ lượng, thầy có đủ phẩm chất của một người thầy lớn của chúng ta. (Tháng 4, 2018)

Giáo sư Dương Minh Đức (TP Hồ Chí Minh):

Năm tôi vào học 1969, lớp MGP có lối 500 sinh viên và đổ môn này lối 60 sinh viên, còn sau đó một số người sang học Đại học Sư Phạm… Các năm sau đó cũng tương tự. Sau 1975, Thầy Áng hầu như không dạy cử nhân chỉ hướng dẫn Tiến sỉ. Tôi có một số ý tưởng về Thầy Áng như sau:

   – Là người mở đầu cho toán học hiện đại cho Miền Nam Việt Nam. Tập hợp và xây dựng đội ngũ giảng viên Việt Nam đủ sức thay thế các giảng viên Pháp về Toán cho Ban Toán học của Đại học Khoa Học Sàigòn.

   – Góp phần đoàn kết toán học hai miền Bắc Nam sau năm 1975.

   – Mở rộng hợp tác quốc tế về Toán trước và sau năm 1975.

   – Truyền dạy cho học trò không những kiến thức toán học, mà còn nhân cách làm người thầy trong xã hội, tấm lòng thương học trò đi sau, lòng tin vào khả năng đóng góp cho đất nước của toán học. (Tháng 4, 2018)

Trần Thạnh, GS toán tại Đại học New South Wales, Sydney, viết cho Kỷ yếu năm 2006 với những lời lẽ rất cảm động về tình thầy trò sâu sắc của thầy Áng:

Trong hoàn cảnh xã hội còn lắm điều làm bận lòng những nhà khoa học, làm trì hoãn sự phát triển, cái gì đã giúp Thầy quên đi những điều buồn phiền để gắn chặt Thầy với mảnh đất quê hương? Theo tôi, có lẻ đó là tình yêu với cái vĩnh cửu, với toán học. Còn nhớ trong những tháng năm vất vả đó, khi cả thầy lẫn trò phải chật vật với miếng cơm manh áo mỗi ngày, Thầy luôn luôn nhắc nhở chúng tôi không được bỏ làm toán. Trong một dịp Tết ở nhà Thầy vào một năm của thập niên 80, bên tách trà và dĩa mứt, Thầy đã tâm sự với lũ học trò chúng tôi “Nạn đói năm 1945 tại miền Bắc thật khủng khiếp. Năm đó Thầy đang học trung học. Nhà chỉ còn chút đỉnh gạo, chỉ đủ nấu cháo cho người già và cho anh của Thầy lúc đó sức khoẻ rất yếu. Thầy phải ra vườn đào củ này củ nọ ăn cho đở đói. Nhưng Thầy vẫn làm toán.” Lời Thầy theo tôi trong suốt những năm tháng sau đó, cả trong những năm đầu khó khăn khi mới ra nước ngoài. Nhiều người khuyên tôi thôi đừng học toán nữa. Tin học lúc đó đang rất thịnh hành, thu hút nhiều người học, với nhiều hứa hẹn công ăn việc làm lương bổng cao. Nhớ lời Thầy tôi chọn ở lại với toán. Trong những năm đầu sau khi tốt nghiệp tôi làm nghiên cứu tại các trường đại học ở Úc, nhưng chưa tìm được việc làm với biên chế chính thức (permanent). Thầy biết tin viết thư sang “Việc làm bây giờ ở đâu cũng khó, ngay cả ở Mỹ. Cái tạm bợ và cái vĩnh cửu”. Tôi hiểu được rất nhiều qua lời nhắn nhủ ngắn ngủi đó. Từ nghìn xưa, chính lòng đam mê với cái đẹp của tư duy toán học, hơn là những cám dỗ vật chất, là chất men để nuôi dưỡng trí tuệ con người.

Nhưng có lẻ khó hơn là trong hoàn cảnh khó khăn như vậy làm thế nào để nuôi dưỡng niềm đam mê đó trong thế hệ trẻ. Không phải chỉ bằng những khẩu hiệu suông, mà bằng những việc làm cụ thể. Có lẻ cần ôn lại thầy trò chúng tôi đã dạy và học toán như thế nào trong giai đoạn đó. Sách giáo khoa và sách nghiên cứu thiếu thốn. Tạp chí khoa học là món hàng xa xỉ. (Tiếc thay điều này hiện nay vẫn chưa khá hơn bao nhiêu, dù rằng nguồn vật chất xã hội dồi dào hơn trước rất nhiều. Lắm khi của cải xã hội lại được đầu tư không đúng chỗ, có khi không lành mạnh cho xã hội.) Chúng tôi phải chép tay các tài liệu mà Thầy có được. Lúc đó kiểu máy photocopy có thể chụp sách như hiện nay là hoàn toàn xa lạ với xã hội Việt Nam. Phong cách làm việc của Thầy vẫn rất khoa học trong hoàn cảnh đó. Thầy hẹn tôi đến nhà Thầy, thường là vào buổi chiều. Tôi ngồi chép ngay tại phòng khách nhà Thầy, trong khi Thầy đang ngồi suy tư, có lẻ đang tìm lời giải cho một bài toán nào đó. Tuyệt đối không được mang sách hay tài liệu của Thầy về nhà, vì ngoài Thầy ra còn nhiều học trò khác cần những tài liệu đó. Không thể để các tài liệu quý báu đó mất đi do sự lơ đễnh của của một người, làm ảnh hưởng đến việc học và nghiên cứu của nhiều người khác. Thường tôi ngồi chép độ khoảng một giờ là Thầy bảo ngưng, đem về học, hôm khác chép tiếp. Đối với Thầy, đúng hẹn là vô cùng quan trọng. Tôi thường đến sớm 5 phút vì sợ trễ, nhưng không dám vào ngay. Tôi đứng ngoài cửa căn nhà đường Duy Tân, nghe tiếng sáo của Thầy vọng ra. Bản nhạc vừa dứt thì cũng vừa đúng giờ tôi phải bấm chuông. Nhiều lần như vậy, sau đó Thầy biết ý. Vừa xong bản nhạc là Thầy ra mở cửa. Cũng vừa giờ hẹn.

Để khuyến khích tôi không ngừng học toán, tránh lãng phí thời giờ và sức khoẻ vào việc dạy luyện thi kiếm thêm tiền, Thầy đã có những việc làm rất cụ thể. Từ sau năm 1981 Thầy được phép ra nước ngoài công tác, nối lại những mối quan hệ trong nghiên cứu trước kia của Thầy. Sau mỗi chuyến đi Thầy đều có quà cho học trò. Khi thì là một xấp vải may quần, thứ hàng xa xỉ thời bấy giờ. Có khi là một chai thuốc bổ Thầy mua từ Pháp hoặc Mỹ (ngày ấy tôi ốm như không còn có thể ốm hơn). Lắm khi là tiền mặt, nhiều hơn nhiều so với đồng lương tháng của tôi lúc đó, lương của một giảng viên chính thức ở đại học. Sau mỗi chuyến công tác nước ngoài, Thầy cũng thường dẫn đám học trò đi ăn. Những dịp như vậy chúng tôi lại được nghe những mẩu chuyện lý thú về chuyến đi của Thầy. Những bài toán mà Thầy và người đồng sự ở nước ngoài không giải ra trong suốt chuyến công tác, nhưng cuối cùng lời giải lại đến với Thầy khi ngồi trên chuyến bay trở về. Chính những việc làm cụ thể này, chứ không phải những khẩu hiệu, là nguồn động lực thúc đẩy lớp trẻ vươn lên với thời đại.

Tư tưởng Nho giáo sắp vai trò của người thầy ở hàng thứ hai trong bậc thang giá trị mà một con người cần tuân thủ: “Quân – Sư – Phụ”. Tư tưởng này ngày nay không còn hợp thời. Văn hoá Việt Nam có một khung giá trị riêng, gần gũi hơn, tình cảm trìu mến hơn. “Công Cha – Nghĩa Mẹ – Ơn Thầy”.

Và tiếp theo, tháng 4, 2018, ông viết:

Dù đã biết trước cuộc sống của một con người không có được cái vô cùng của toán học, thật bàng hoàng khi nghe tin từ người đàn anh khả kính, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, rằng Giáo sư Đặng Đình Áng sắp sửa ra đi. Vậy là người Thầy của đại đa số những người làm toán ở Sài gòn trong những thập niên cuối của thế kỷ trước sắp vĩnh viễn đi vào cõi vô cùng của nhân sinh và tri thức.

Công ơn của Thầy đối với cá nhân tôi, tôi đã một lần ghi xuống trong tập Kỷ Yếu “Trong Ngần Bóng Gương” năm 2006. Có lẽ còn lâu lắm các thế hệ sinh viên Việt Nam mới có được một người thầy với một khối óc uyên bác và con tim nhân hậu như thế. Thầy là một trong những người đã đặt nền tảng toán học cho miền Nam Việt Nam, không chỉ với kiến thức sâu rộng, mà còn với con tim yêu thương luôn lo toan cho sự phát triển của các thế hệ học trò.

Như một linh cảm báo trước, mới cách đây hai tuần khi đang làm việc tại Mathematisches Forschungsinstitut Oberwolfach (MFO, Viện Nghiên Cứu Toán ở Oberwolfach, Đức quốc), một điều gì đó thôi thúc tôi đi tìm bút tích của Thầy, vì tôi biết Thầy đã đến viện này một lần vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Những lần trước đến làm việc ở đây, tôi chưa hề có ý định đó. Sau nhiều đêm tìm kiếm trong thư viện của MFO tôi tìm được bút tích của Thầy ghi lại trong quyển sách tóm tắt các bài thuyết trình hội nghị ở đây. Thầy đã tham dự hội nghị về phương trình vi phân (Gewöhnliche Diferentialgleichungen) tại đây từ ngày 26.03.1989  đến ngày 01.04.1989. Nhìn lại nét chữ quen thuộc rất đặc trưng của Thầy, trong đêm khuya vắng, trong tôi dâng lên một niềm xúc cảm. Ký ức về những năm tháng còn học hỏi dưới sự dìu dắt của Thầy chợt trở về.

Thầy ra đi, nhưng di sản tinh thần Thầy để lại sẽ được các lớp học trò nhiều thế hệ gìn giữ và phát huy, để nền toán học Việt Nam có một chỗ đứng xứng đáng trên diễn đàn toán học thế giới. (Tháng 4, 2018)

Bút ký của GS Áng tại Viện toán học Đức Oberwolfach năm 1989

Hồ văn Hoà, một cựu sinh viên và cựu nhân viên của trường Đại Học Khoa Học Saigon viết từ Úc:

Thầy Đặng Đặng Áng, một Giáo sư nhân từ. Tôi không phải học chuyên Toán, không được hân hạnh là một học trò trực tiếp của Thầy Áng, nhưng rất cảm phục Thầy khi đọc được đôi bài khảo cứu của Thầy và nhất là kính mến lòng nhân từ và giúp đỡ của Thầy khi nhận ngồi trong Ban Giám Khảo buổi trình Luận án Tiến sĩ quốc gia của tôi ngày 17 tháng Ba năm 1975. Trước đó, Thầy đã đọc qua luận án của tôi và đã đề nghị vài sửa đổi cho hoàn mỹ. Ban Giám khảo gồm có Giáo sư Cao Xuân Chuân, Giáo sư Nguyễn Chung Tú và Giáo sư Đặng Đình Áng. Nay thì cả ba Giáo sư trong Ban Giám Khảo đều đã quá vãng. Tôi xin đốt nén hương và báo cáo với quý Thầy là luận án mà quý Thầy đã thảo luận và phê chuẩn cũng đã được Ủy Ban Đánh Giá Bằng Cấp Hải Ngoại ở thủ đô Canberra, Úc Châu, cho là tương đương với bằng PhD ở các Đại học Úc.

 

(IV)

Một số hình ảnh lịch sử

Siên toán của GS, chụp trên khuôn viên Đại học Khoa học Sài gòn đầu 1960

Thầy Áng với sinh viên toán những năm đầu khi thầy từ Mỹ về

GS Đặng Đình Áng và nhiều người làm toán miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

tại Hội nghị toán học toàn quốc lần đầu tiên năm 1977 tại Hà Nội

Giáo sư Đặng Đình Áng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1977 tại Hà nội.

Người bên tay phải khuất mặt phải là Giáo sư Lê Văn Thiêm.

GS Áng (bên trái) trong Hội Nghị Cơ học lần III tại Huế, năm 1982,

với GS Tạ Quang Bửu (thứ hai trái) và GS Trần Đại Nghĩa (giữa)

Tại Hội nghị Quốc tế về Giải tích hình học và Cơ học 1993, Stanford, Hoa Kỳ

 

 

GS Đặng Đình Áng với hai thành viên của ban nhạc Hoa Sen năm 2000

Giáo sư Đặng Đình Áng trình diễn Thiên Thai trong một buổi

sinh hoạt với Văn Cao và Trịnh Công Sơn tại tư gia cuối 90.

Trong một lá thư gửi cho Đặng Đình Áng, Văn Cao viết:

“Anh Áng thân mến! Tôi và Đặng Đình Hưng mới được nghe đàn flute của anh qua băng – Âm thanh tốt quá và cổ điển quá…. Thèm được nghe đàn của Áng vào một ngày nào đó tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tiếng sáo của Áng khá đậm và khá trữ tình. Mến quá. Gửi lời thăm chị và các cháu. Hẹn gặp lại. 14-2-1977 – Văn Cao”.

 

GS Đặng Đình Áng (trái) đón cháu Đặng Thái Sơn tại sân bay Nội Bài vừa

đoạt giải nhất Chopin 1980 trở về trong vinh quang và vui sướng tột cùng.

Người đứng giữa là Bộ trưởng Thông tin và Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu.

 

Sinh nhật thứ 80 với cựu sinh viên năm 2006, có lẽ sự kiện vui nhất

Thầy Áng và cô Minh Thi cắt bành sinh nhật

Mừng sinh nhật thứ 90 của GS Đặng Đình Áng, tháng 3, 2015.

Rất cảm động những tình cảm mà các học trò đã dành cho thầy.

Ảnh bìa của số Kỷ yếu mừng thọ 80 GS Đặng Đình Áng

Năm 2006 các học trò và bè bạn tổ chức mộ số sự kiện kỷ niệm thầy Áng 80 tuổi, như tiệc mừng sinh nhật, một chương trình phỏng vấn trên đài phát thanh HTV của thành phố, và đặc biệt xuất bản một số Kỷ yếu để ghi lại cuộc đời hoạt động khoa học, đào tạo và tình cảm được dành cho ông như một món quà sinh nhật. Đây là lần vô cùng vui của thầy, cô. Trong Ngần Bóng Gương là tên đặt số kỷ yếu của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, bạn chí thân của ông. Bà làm một bài thơ trong đó bốn câu cuối:

Mong Người trọn vẹn ước mơ,

Chúc Người tuổi hạc đang chờ ngoài trăm.

Tám mươi như ánh trăng rằm,

Lung linh huyền ảo Trong Ngần Bóng Gương.