Lời nói đầu. Năm 1999, với tư cách tổng thống lâm thời, trước khi làm tổng thống chính thức vào năm sau, Putin đã có bài phát biểu như thông điệp thiên niên kỷ[1], phát thảo chương trình hành động của mình để phát triển nước Nga. Putin đã hoạt động cho KGB 5 năm ở Đông Đức, thành phố Dresden, chứng kiến tận mắt nền kinh tế bù lỗ khủng khiếp của nhà nước, và sự kiểm soát xã hội dân sự ngặt nghèo của bộ máy mật vụ Stasis, điều tất yếu dẫn đến sụp đổ, và sau đó đến lược toàn khối Liên Xô. Ông tuyên bố “Ai không tiếc rẽ sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, người đó không có trái tim. Và ai muốn làm sống lại hình thức thể chế trước đây, người đó không có cái đầu.” Rõ ràng, ông tiếc nuối đế chế cũ, và muốn xây dựng nó lại bằng những ý tưởng mới, những thứ ông muốn trình bày như phát thảo trong thông điệp.
Trong thông điệp ông lên án và đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản thời Xô Viết, phản đối mọi loại hình “ý thức hệ nhà nước”, cho rằng “ở đâu có một hệ tư tưởng nhà nước được nhà nước bảo trợ và ủng hộ, thì ở đó, thực tế không có chỗ cho tự do trí tuệ và tinh thần, đa nguyên tư tưởng và tự do báo chí, tức là tự do chính trị”, “chấp nhận các giá trị như quyền tự do ngôn luận, tự do đi ra nước ngoài và các quyền chính trị cơ bản và quyền tự do của con người”. Ông phân bua: “Nga cần một quyền lực nhà nước mạnh và phải có nó. Không phải tôi kêu gọi chủ nghĩa toàn trị. Lịch sử chứng minh mọi chế độ độc tài, mọi hình thức chính quyền độc tài chỉ là nhất thời. Chỉ các hệ thống dân chủ mới là lâu dài.” Ông cũng đưa ra tầm nhìn kinh tế: “Chúng ta sẽ mất khoảng mười lăm năm và tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng hàng năm 8 phần trăm một năm để đạt được mức GDP bình quân đầu người của Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha ngày nay, những quốc gia không nằm trong số các nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Nếu trong cùng mười lăm năm, chúng ta cố gắng đảm bảo tăng trưởng GDP hàng năm 10 phần trăm, thì chúng ta sẽ bắt kịp Anh hoặc Pháp.”
Hai năm sau, trong bài phát biểu của mình tại Quốc hội Đức[2] (thời thủ tướng Gerhard Schröder), Putin còn long trọng khẳng định: “Câu trả lời (cho bài toán của Nga) là rất đơn giản: Dưới ảnh hưởng của quy luật phát triển của xã hội thông tin, hệ tư tưởng chuyên chế Stalin không còn có thể thích ứng cho các ý tưởng dân chủ và tự do. […] Tôi có thể tự tin nói rằng: mục tiêu chính của chính sách đối nội của Nga trước hết là đảm bảo các quyền và tự do dân chủ, nâng cao mức sống và an ninh của người dân.”
Người ta có quyền hỏi, Putin có thật đề cao những giá trị dân chủ như thế hay không, ít ra trong những năm chuyển tiếp? Và nếu thật, thì tại sao ông đã trở thành một nhà độc tài toàn trị sau đó? Hay những lời có vẻ dân chủ đó chỉ là những sự lừa bịp thuần túy để tạo “hào quang” cho một sự đổi mới mà dân chúng đang kỳ vọng sau khi chán ghét chế độ Bolshevik? Thực tế, ông thay chế độ cũ đơn giản bằng “chủ nghĩa Putin” mà nội dung thực thế đi ngược lại những ý tưởng có vẻ dân chủ trong Thông điệp. Mô hình kinh tế-xã hội của ông chỉ là sự kết hợp sự kiểm soát toàn diện kiểu liên xô cũ với chủ nghĩa tư bản đầu sỏ. Ông tiêu diệt mọi đối lập, và kiểm soát gắt gao dư luận. Francis Fukuyama gọi đó là “nhà nước mafia”. Tăng trưởng kinh tế thực tế thấp xa so với mơ ước ban đầu của Putin. Một Putin 15 năm sau khác xa với một Putin 1999 đo lường với những gì ông nói.
Dmitry Medvedev, người thế vai mang tính giai đoạn cho Putin, khi lên làm tổng thống, đã có phát biểu tại Duma Nga: “Nhà nước của chúng ta là nhà tuyển dụng lớn nhất, nhà xuất bản tích cực nhất, nhà sản xuất giỏi nhất, quan tòa của chính nó, đảng của chính nó, và cuối cùng là công chúng của chính nó. Một hệ thống như vậy hoàn toàn không hiệu quả và chỉ tạo ra một thứ: Tham nhũng”! Ông mô tả nền dân chủ của Nga là “yếu ớt”, để nói nhẹ nhàng hơn, và nền kinh tế là “sơ khai”.
Nếu Putin thực hiện những gì ông đã trình bày trong thông điệp thiên niên kỷ, thì chắc giờ này nước Nga có thể nằm trong cộng đồng EU với nền kinh tế rất phát triển, hoặc gần như thế.
Ai ngờ? Nhưng điều đó có thể hiểu được, nếu chúng ta biết rằng mảnh đất của dân tộc bất hạnh Nga là như thế, lúc nào cũng bị một kiểu sa hoàng thống trị từ mấy thế kỷ qua. Trong khi chậm lắm các chế độ quân chủ phong kiến châu Âu thay đổi sau những cuộc chinh phục của Napoleon, ngay cả nhà nước phong kiến Nhật Bản cũng thế, thì chế độ Sa hoàng vẫn “vững như bàn thạch”. Người dân Nga từ lâu đã bị mất sức đề kháng, mang trong mình cái người ta gọi “tâm lý nô lệ”[3], dễ bị trị, tự an phận và phủ phục chấp nhận số phận như định mệnh. Hai từ phổ biến trong ngôn ngữ của Nga là smirenie (khiêm nhường, phục tùng) và sud’ba (định mệnh). Lần này Putin không cần đến ý thức hệ để làm chiêu bài, vì chiêu bài cũng đã mất hết tác dụng. Các sa hoàng trước đây cũng không cần chiêu bài. Họ thống trị bằng bàn tay sắt trực tiếp. Các thuộc cấp của sa hoàng cũng chỉ là nô lệ của ông ta. Nhà quan sát quý tộc Pháp Astolphe de Custine thế kỷ 19 đã từng nhận xét: “Một nông dân vùng ngoại thành Paris còn có nhiều tự do hơn một nhà quý tộc Nga”.
Các Tsar của Nga là những kẻ sung sướng khi thấy những người khác bị hành hạ, đau khổ, và hạ nhục dưới quyền lực của mình, một loại masochism trong tâm lý học. Các sa hoàng chỉ đổi vai, nhưng chưa đổi bản chất. Nhà triết học Nga Petr Chaadaev từng viết “Tất cả mọi thứ ở Nga đều mang dấu ấn của chế độ nô lệ, phong tục, khát vọng, khai sáng, ngay cả tự do nếu nó có trong môi trường này”. Năm 1854 giữa chiến tranh Crimea, ông đã từng mô tả Nga:
Nước Nga là một thế giới hoàn toàn riêng biệt, quy phục ý chí, tính khí bất thường, ý nghĩ kỳ quặc của một người duy nhất, cho dù tên anh ta là Peter hay Ivan, không quan trọng – trong mọi trường hợp, yếu tố chung là hiện thân của tính chuyên quyền tùy tiện. Trái ngược với tất cả các luật lệ của cộng đồng loài người, Nga chỉ đi theo hướng nô dịch chính mình và nô dịch tất cả các dân tộc láng giềng.[4]
“Rule of law” là xa lạ ở Nga. “Không phải luật phát trừng phạt một công dân đã làm gì sai trái, mà đó là một người cha trừng phạt một đứa con không nghe lời.”
Cũng tương tự như thế, Putin đánh Ukraine là vì “thằng em ngỗ nghịch” muốn sống độc lập tự do, khác với thể chế áp bức của Putin, vì thế phải bị “trừng trị”. Theo tổng thống Zelensky, chính sự áp bức của Nga (đọc: Putin) đã không cho phép người Ukraine lựa chọn tương lai của họ. Dân Ukraine không muốn quay về cái thế giới Nga áp bức và chuyên quyền dưới sự thống trị của một sa hoàng dù dưới tên gì. Chính sự áp bức độc tài của Putin tại nước Nga không muốn dung thứ các quốc gia lân cận sống và phát triển trong tự do, vì Putin lo sợ ảnh hưởng của nó lên Nga, lên Belarus, chư hầu của Nga, khi Ukraine có nhiều mối quan hệ lịch sử và văn hóa với hai quốc gia này. Nhà báo kiêm tác giả nổi tiếng Nga Alexander Nevzorov đã viết trên tài khoản Instagram của mình gần đây: “Trong hai mươi năm qua, Nga hoàn toàn không bận rộn gì ngoại trừ việc chế tạo tên lửa, xe tăng, bom, tuyên truyền, duyệt binh và phô trương sức mạnh quân sự của mình. Sự tôn sùng Stalin đã thành hiện thực… mọi thứ ở Nga đều hướng tới chiến tranh và các phụ kiện của nó. Mọi thứ khác liên quan đến cuộc sống đều bị bỏ rơi. Trong lòng nước Nga, một cỗ máy chiến tranh hoàn hảo đã phát triển.” Đây có lẽ là đặc trưng của Putin. Một dân tộc yếu đuối có thể dễ dàng trở thành miếng mồi của chủ nghĩa toàn trị hay tân-phát-xít hoàn toàn bị thao túng. Người ta đã so sánh Berlin thế kỷ 20 với Moscow thế kỷ 21.
Người ta có thể tin vào một thành viên của cơ quan mật vụ KGB khét tiếng thay đổi thế giới quan của mình để trở thành một con người dân chủ? Có thể có trong một thoáng nào khi Putin chứng kiến cảnh sụp đổ của đế chế xô viết. Nhưng cuối cùng ông cũng bước vào vết xe đổ của những người đi trước. Chúng ta cũng nhớ rằng Robespierre từng là một người dân chủ và “bái lạy” tự do. Nhưng ông đã cho hành quyết cả ngàn người sau đó.
đã hoàn thành những người theo chủ nghĩa tự do, rằng họ đã cầu nguyện cho tự do. Nhưng họ sẵn sàng hành quyết hàng nghìn người để không ai ngăn cản họ cầu nguyện.
Thực tế, với thông điệp này, Putin đã tự viết ra bản án dành cho chính mình sau này. Nhưng sự đáp trả mạnh mẽ của thế giới trong những ngày qua mới là bản án đích đáng dành cho sự vĩ cuồng của ông.
Dưới đây là một số đoạn trích của Thông điệp.
Nguyễn Xuân Xanh
Viết vội trong những ngày chiến tranh ở Urkaine (3/3/2022)
NỘI DUNG DIỄN VĂN (Trích đoạn)
Việc thiếu vốn đầu tư và thái độ không thích hợp đối với các đổi mới sáng tạo đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc sản xuất các mặt hàng có khả năng cạnh tranh trên thế giới về mặt giá cả-chất lượng. Các đối thủ nước ngoài đã đẩy Nga đặc biệt lùi xa trên thị trường hàng hóa dân dụng chuyên sâu về khoa học. Nga chỉ chiếm chưa đến 1% các mặt hàng như vậy trên thị trường thế giới, trong khi Mỹ cung cấp 36% và Nhật Bản, 30% trong các mặt hàng đó.
Trong gần 3/4 thế kỷ qua, nước Nga sống dưới dấu hiệu của việc thực thi học thuyết cộng sản. Sẽ là một sai lầm nếu không nhìn thấy và càng không thể phủ nhận những thành tựu không thể nghi ngờ của thời đó. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn hơn nếu không nhận ra cái giá quá đắt mà đất nước của chúng ta và người dân của họ phải trả cho cuộc thử nghiệm của chủ nghĩa Bolshevist. Hơn nữa, [sẽ là một sai lầm] nếu không hiểu sự vô ích lịch sử của nó. Chủ nghĩa cộng sản và sức mạnh của Xô Viết đã không làm cho nước Nga trở thành một quốc gia thịnh vượng với một xã hội phát triển năng động và những con người tự do. Chủ nghĩa cộng sản đã thể hiện một cách sinh động thái độ không thể tự phát triển vững chắc của nó, khiến đất nước chúng ta tụt hậu dần so với các nước tiên tiến về kinh tế. Đó là một con đường dẫn đến một con hẻm mù mịt, cách xa dòng chảy chính của nền văn minh.
Nga đã sử dụng hết giới hạn của mình cho những biến động chính trị và kinh tế xã hội, những cơn đại hồng thủy và những cải cách triệt để. Chỉ những kẻ cuồng tín hoặc các lực lượng chính trị hoàn toàn thờ ơ và lãnh đạm với nước Nga và người dân nước này mới có thể kêu gọi một cuộc cách mạng mới. Dù là theo các khẩu hiệu cộng sản, dân tộc-yêu nước hay cấp tiến-tự do, đất nước của chúng ta, nhân dân của chúng ta sẽ không chịu đựng được một cuộc tan vỡ triệt để mới. Khả năng chịu đựng và khả năng tồn tại và tiếp tục nỗ lực sáng tạo của quốc gia đã đạt đến giới hạn: xã hội sụp đổ về kinh tế, chính trị, tâm lý và đạo đức.
Kinh nghiệm của những năm 90 cho thấy một cách sinh động rằng sự đổi mới thực sự của đất nước chúng ta mà không tốn kém quá nhiều là không thể được đảm bảo bằng một thử nghiệm đơn thuần trong điều kiện của Nga với các mô hình và phương án trừu tượng lấy từ sách báo nước ngoài. Việc sao chép một cách máy móc kinh nghiệm của các quốc gia khác cũng sẽ không đảm bảo thành công.
Tôi muốn trích dẫn các tính toán được thực hiện bởi các chuyên gia. Chúng ta sẽ mất khoảng mười lăm năm và tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng hàng năm 8 phần trăm một năm để đạt được mức GDP bình quân đầu người của Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha ngày nay, những quốc gia không nằm trong số các nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Nếu trong cùng mười lăm năm, chúng ta cố gắng đảm bảo tăng trưởng GDP hàng năm 10 phần trăm, thì chúng ta sẽ bắt kịp Anh hoặc Pháp.
Trên thực tế, đây là lý do tại sao tôi nghĩ rằng thuật ngữ “hệ tư tưởng nhà nước” được một số chính trị gia, nhà xuất bản và học giả ủng hộ là không hoàn toàn phù hợp. Nó tạo ra những liên tưởng nhất định với quá khứ gần đây của chúng ta. Nói đúng ra, ở đâu có một hệ tư tưởng nhà nước được nhà nước bảo trợ và ủng hộ, thì ở đó, thực tế không có chỗ cho tự do trí tuệ và tinh thần, đa nguyên tư tưởng và tự do báo chí, tức là tự do chính trị.
Tôi phản đối việc khôi phục hệ tư tưởng nhà nước chính thức ở Nga dưới mọi hình thức. Không nên có một “hòa hợp” dân sự cưỡng bức trong một nước Nga dân chủ. Thỏa thuận xã hội chỉ có thể là tự nguyện.
Phần lớn người Nga thể hiện sự khôn ngoan và trách nhiệm hơn nhiều chính trị gia. Người Nga muốn có sự ổn định, tự tin vào tương lai và khả năng lập kế hoạch cho bản thân và cho con cái của họ không phải trong một tháng mà trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ tới. Họ muốn làm việc trong một tình hình hòa bình, an ninh và một trật tự lành mạnh dựa trên luật lệ. Họ muốn sử dụng các cơ hội và triển vọng mở ra bởi sự đa dạng của các hình thức sở hữu, doanh nghiệp tự do và quan hệ thị trường.
Chính trên cơ sở đó, nhân dân ta đã bắt đầu nhận thức và chấp nhận những giá trị phổ quát siêu quốc gia, những cái đứng trên trên cả lợi ích xã hội, nhóm hay dân tộc. Nhân dân của chúng ta đã chấp nhận các giá trị như quyền tự do ngôn luận, tự do đi ra nước ngoài và các quyền chính trị cơ bản và quyền tự do của con người. Mọi người đánh giá cao rằng họ có thể có tài sản, được tham gia vào công việc kinh doanh tự do và xây dựng của cải cho riêng mình, v.v., v.v.
Niềm tin vào sự vĩ đại của nước Nga. Nga đã và sẽ vẫn là một cường quốc. Nó được điều kiện hóa bởi những đặc điểm không thể tách rời của sự tồn tại địa chính trị, kinh tế và văn hóa của nó. Chúng quyết định tâm lý của người Nga và chính sách của chính phủ trong suốt lịch sử của nước Nga và chúng không thể không làm như vậy hiện tại.
Nhưng tâm lý người Nga nên được mở rộng bằng những ý tưởng mới. Trong thế giới hiện nay, sức mạnh của một quốc gia với tư cách là một cường quốc được thể hiện nhiều hơn ở khả năng đi đầu trong việc tạo ra và sử dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo mức độ phúc lợi của người dân cao, bảo vệ an ninh một cách đáng tin cậy và duy trì lợi ích của quốc gia đó trên đấu trường quốc tế, hơn là sức mạnh quân sự của nó.
Xã hội Nga hiện đại không đồng hóa một nhà nước mạnh mẽ và hiệu quả với một nhà nước độc tài. Chúng ta đã đánh giá cao lợi ích của nền dân chủ, một nhà nước dựa trên luật lệ, và tự do cá nhân và chính trị. Đồng thời, người dân cũng bị báo động trước sự suy yếu rõ ràng của quyền lực nhà nước. Công chúng trông đợi vào việc khôi phục vai trò hướng dẫn và điều tiết của nhà nước ở một mức độ cần thiết, tiến hành chuyển từ truyền thống và tình trạng hiện tại của đất nước.
Đoàn kết xã hội. Có một thực tế là sự phấn đấu cho các hình thức hoạt động mang tính tập thể luôn chiếm ưu thế hơn chủ nghĩa cá nhân. Tình cảm gia đình đã ăn sâu vào xã hội Nga. Phần lớn người Nga quen kết nối những cải thiện trong điều kiện của họ với sự hỗ trợ và giúp đỡ của nhà nước và xã hội hơn là bằng những nỗ lực, sáng kiến và sự khéo léo của họ trong kinh doanh. Và rất lâu nữa thói quen này sẽ chết đi.
Nga cần một quyền lực nhà nước mạnh và phải có nó. Không phải tôi kêu gọi chủ nghĩa toàn trị. Lịch sử chứng minh mọi chế độ độc tài, mọi hình thức chính quyền độc tài chỉ là nhất thời. Chỉ các hệ thống dân chủ mới là lâu dài. Dù có khuyết điểm gì đi nữa, nhân loại vẫn chưa nghĩ ra thứ gì cao siêu. Quyền lực nhà nước mạnh ở Nga là một nhà nước liên bang dân chủ, dựa trên luật lệ và có tính khả thi.
Xu hướng toàn cầu là một quyền lực hành pháp mạnh hơn. Không có gì ngạc nhiên khi xã hội nỗ lực kiểm soát nó tốt hơn để ngăn chặn sự tùy tiện và lạm dụng chức quyền. Đây là lý do tại sao cá nhân tôi chú ý đến việc xây dựng quan hệ đối tác giữa quyền lực hành pháp và xã hội dân sự, để phát triển các định chế và cấu trúc của cơ quan này (xã hội dân sự), và tiến hành một cuộc tấn công tích cực và cứng rắn lên tham nhũng.
Trong khi thiết lập quy mô và cơ chế hoạch định cho hệ thống điều tiết nhà nước, chúng ta phải được hướng dẫn bởi nguyên tắc: Nhà nước phải ở nơi cần thiết và khi cần đến; tự do phải ở nơi nó cần và khi nó được yêu cầu.
Chúng ta đòi hỏi một chính sách đầu tư kết hợp cơ chế thị trường thuần túy với các biện pháp hướng dẫn của nhà nước.
Đồng thời, chúng ta sẽ tiếp tục làm việc để tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nói một cách thẳng thắn, sự trỗi dậy (đất nước) sẽ kéo dài và khó khăn nếu không có vốn nước ngoài. Nhưng chúng ta không còn nhiều thời gian cho việc này. Do đó, chúng ta phải làm hết sức mình để thu hút vốn nước ngoài vào đất nước.
Theo đuổi một chính sách công nghiệp năng động. Tương lai của đất nước, chất lượng của nền kinh tế Nga trong thế kỷ 21 sẽ phụ thuộc trước hết vào sự tiến bộ trong các lĩnh vực dựa trên công nghệ cao và sản xuất hàng hóa thâm dụng khoa học. Ngày nay, 90% tăng trưởng kinh tế được đảm bảo nhờ sự ra đời của các thành tựu và công nghệ mới. Chính phủ sẵn sàng theo đuổi chính sách kinh tế ưu tiên phát triển các ngành dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và tiến bộ công nghệ.
Nhất quán hội nhập nền kinh tế Nga vào cơ cấu kinh tế thế giới. Nếu không, chúng ta sẽ không đạt đến mức độ tiến bộ kinh tế và xã hội cao đã đạt được ở các nước công nghiệp phát triển.
Nước Nga đang ở giữa một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của mình. Lần đầu tiên trong vòng 200-300 năm qua, nó đang phải đối mặt với một mối đe dọa thực sự là trượt xuống vị trí thứ hai, và thậm chí có thể là thứ ba, của các quốc gia trên thế giới. Chúng ta sắp hết thời gian để loại bỏ mối đe dọa này. Chúng ta phải căng mọi lực lượng trí tuệ, vật chất và đạo đức của dân tộc. Chúng ta cần phối hợp làm việc sáng tạo. Không ai sẽ làm điều đó cho chúng ta.
Tham khảo:
[1] https://pages.uoregon.edu/kimball/Putin.htm
[2] https://www.bundestag.de/parlament/geschichte/gastredner/putin/putin_wort-244966
[3] Xem Daniel Rancour-Laferriere, The Slave Soul of Russia. New York University Press, 1995.
[4] Xem William J. Dobson, The Dictator’s Learning Curve. Anchor Books, 2012.
Xem thêm:
[5] Francis Fukuyama, Identity. The Demand for Dignity and the Politics of Resentment. Picador 2018.
[6] Astolphe de Custine, Russische Schatten. Prophetische Briefe aus dem Jahre 1839. Franz Greno, 1985.