Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Tiễn biệt ông Đoàn Mạnh Giao: Nhớ cái đêm mất ngủ của ông Bộ trưởng



VietTimes – Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao vừa qua đời ở tuổi 80. VietTimes đăng bài viết này như một lời tiễn biệt!

Ông Đoàn Mạnh Giao - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Ông Đoàn Mạnh Giao - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Nhiều chuyến công cán ở xứ người, do công việc mà cánh báo chí chúng tôi có mối quen biết với ông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao. Ông thường hỏi han chúng tôi về cả sinh hoạt và công việc. Hỏi han chẳng phải chiếu lệ.

Ông biết chúng tôi có nhiều hạn chế không được tiếp cận với nguồn tin một cách ngọn ngành, đầy đủ nên thường chủ động gặp để bổ sung thêm. Quen lệ như thế, nên cánh báo chí thường làm cái việc quấy phiền ông trước.

Bữa sáng ở quầy buffet của khách sạn, nhác thấy cái quầng mắt của vị 'Đổng lý văn phòng', tôi biết ông không được đẫy giấc. Cả ngày công việc cuốn mỗi người đi ào ào. Mãi đến đêm chúng tôi mới lại ngồi được với nhau. Nhưng thời gian cũng chỉ đủ tàn cho hai điếu thuốc.

Đêm Washington DC

Chả phải là do lệch múi giờ và cốc cà phê hồi tối họp mặt với anh em báo chí tháp tùng đoàn thăm của Thủ tướng nhân ngày 21-6. Cũng chả phải những ngáng trở bộn bề của công việc và những phát sinh tình thế. Lại càng chả phải như có ý kiến cho rằng Mỹ và Việt Nam ngày mai khó mà ra được Tuyên bố chung, bởi Mỹ chỉ làm việc ấy với những đồng minh thân cận của mình (?!).

Hồi tối, trong cuộc gặp cởi mở với anh em báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã bộc bạch rằng tất tật những công việc chuẩn bị cho cuộc hội đàm ngày mai đã được cả hai bên cố gắng hoàn tất và yêu cầu đặt ra cho chuyến đi đã gần đạt được, và ngày mai chỉ còn là thủ tục mà thôi.

Vậy mà loay hoay mãi, mí mắt vẫn cứ đơ đơ. Tầm này là 4 giờ chiều bên kia bờ đại dương, giấc ấy bây giờ là khó!

Tới lúc này tôi mới nhận ra cái rèm cửa kéo ra tự khi nào và cửa sổ ở tầng mười bảy này vượt lên trên những kiến trúc có vẻ như nhằng nhịt phía bên dưới mà chếch về phía một khoảng trời bao la của Washington D.C. Lệch một bên trời xứ lạ là vầng trăng cữ rằm của nước Mỹ, mà đêm càng nghiêng về ban ngày càng hằn lên cái quầng sáng ngó thảng thốt như kiểu gác non Đoài.

Đã sang ngày 21, tức 16 âm theo lịch ta. Với tay tắt hết đèn trong phòng, tức thì cái giường tôi đang nằm chợt toã tượi thứ ánh sáng như leo lét lành lạnh của trăng non. Bất chợt, cái thứ ánh sáng kia như từ vô thức bỗng ập về.

...Chả riêng tôi ngó vầng trăng rằm trên đất Mỹ. Mỗi người nghĩ mỗi kiểu rồi thì thao thức. Ông 'Đổng lý Văn phòng Chính phủ' Đoàn Mạnh Giao ngay trong chuyến đi ấy đã có những sẻ chia, bộc bạch vào cái đêm trăng mất ngủ ấy ở xứ Hoa Kỳ.

Vầng trăng đúng cữ rằm ở xứ người lơ lửng ngoài kia dường như vằng vặc hơn, bởi xứ này bụi bặm cũng ít.

Tâm trí ông chợt hướng về vầng trăng bầm đỏ ngày ấy ở một cung chặng Trường Sơn của những năm bảy mươi khi ông là một cán bộ được biệt phái vào chiến trường.

"Lần này có lẽ ghé quê cậu đấy" - người phụ trách bật mí.

Quê? Đoàn Mạnh Giao sinh năm 1944 sinh ở bến Nam Giao xứ Huế nên cái tên được đeo bám. Nhưng lần ấy có dịp hầu chuyện với thân phụ ông - cụ Đoàn Trọng Truyến, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (cũng hơi bị hiếm, có hai cha con cùng Thượng thư đồng triều - đều là Đổng lý văn phòng của chính thể). Cụ cười mà rằng, tên người con trai đặt vậy còn thêm nghĩa dựa theo một điển tích do các ông trong họ Đoàn đặt cho.

Nhưng đoàn cán bộ gồm những kỹ sư chuyên ngành chế tạo vũ khí, trong đó có Đoàn Mạnh Giao - nguyên giảng viên, Phó chủ nhiệm khoa Cơ điện, Học viện Kỹ thuật Quân sự - không vô thẳng Mặt trận Huế, mà thuộc B3 phải trực tiếp chạm mặt với những trận đánh phá ác liệt của bom đạn Mỹ.

Đếm ấy cũng gần rằm. Vầng trăng đột ngột quăng lên khi nắng vừa tắt trông cũng trong trẻo như vầng trăng nước Mỹ ngoài cửa sổ kia. Nhưng chỉ được một chốc. Không gian như vỡ vụn trong tiếng gầm của máy bay phản lực. Rồi các loại các cỡ bom ập xuống. Lửa bom đỏ khé ở cung đường trước mặt.

Vầng trăng thoắt biến. Mãi khi ngớt bom, trăng mới loè nhoè hiện ra nhưng như méo mó, thoắt bầm đỏ như máu.

Năm, sáu chiếc cáng hối hả ngược trở xuống. Đơn vị nữ Thanh niên xung phong đảm bảo cung đường này hồi chiều mà ông gặp, tuyền độ măng tơ mười tám, mười chín, liệu ai đang phải nằm trên những chiếc cáng kia?

Tiễn biệt ông Đoàn Mạnh Giao: Nhớ cái đêm mất ngủ của ông Bộ trưởng ảnh 1

Ông Đoàn Mạnh Giao trong một chuyến công cán.

Đêm cứ lùi sâu mãi. Chập chờn thoáng tới thoáng lui những nếp nhăn trên khuôn mặt của người cha cao niên. Những nếp nhăn ấy lại càng như đẽo như tạc trong những đêm ông mở cửa cho cha. Cụ thường trở về nhà rất muộn trong những năm giá -lương - tiền ấy. Biết bao lao tâm khổ tứ cùng đồng sự của mình nghĩ cách sao đó chắp nối cho vừa khít hai đầu tháng của những người làm công ăn lương trong những năm tháng nhọc nhằn khốn khó. Có ai nói đấy nhỉ, Đoàn Trọng Truyến, Đoàn Mạnh Giao, hai cha con thượng thư đồng triều. Đồng cái nhọc, chung cái lo thì có! Ông như người tiếp sức cho cha già. Có điều trên đường chạy ấy, vẫn đường chạy đó, bây giờ ông được đất nước, được thể chế tiếp thêm những tố chất mới để cùng dân tộc đồng hành mau hơn.

Rồi để đến một cái mốc chứ chưa phải là cái đích như ở Washington DC đêm nay. Và ngày mai là ở Nhà Trắng. Nơi đó sẽ diễn ra cuộc hội đàm giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Việt Nam!

Ông ngồi bật dậy, động thái thường ngày mỗi khi đang nghỉ ngơi mà phải quyết định một công việc gì.

Vầng trăng xứ người vẫn kia nhưng chẳng thể thay thế vầng trăng bầm đỏ trong ông ngày ấy. Và vẫn vẹn nguyên trong ông những nếp răn khó nhọc của người cha, mà chả riêng ông, của cả dân tộc như đẽo như tạc vào một thời! Hãy cất giữ cũng như phải gìn giữ mãi mãi những điều linh thiêng ấy. Có lẽ nó là thứ hành trang đeo bám mãi cùng ông?

Có điều kiện chuyện trò với ông có lẽ cũng là điều thú vị. Hiềm nỗi ông quá khem thời giờ. Những cuộc gặp không lâu thường chỉ trên máy bay. Mỗi chuyến đi xa như thế, với ông dường như là một sự câu thúc. một sự day dứt.

Chẳng hạn trên chặng đường trời dài dặc lúc sang Mỹ, khi ông nhập cùng cánh báo chí chúng tôi lúc chuyện vãn ở phía đuôi máy bay. Mà đâu có được chuyện vãn hay dông dài. Những gì đang bộn bề dưới mặt đất kia hình như có sức kíu néo ghê gớm với những con người đang lơ lửng trên trời này. Khi nhân cả bọn nói đến vị thế các nước nghèo, ông cũng chia sẻ với chúng tôi theo cái cách của ông: Ta là nước nghèo, là một nước đang phát triển đang trên đường theo nghĩa đen đến với một nước giàu, một nước đã đạt được cái tầm phát triển nhưng phải theo cái kiểu, cái lý của nó.

Rồi hình như ông chia sẻ với chúng tôi bằng câu nói của Thủ tướng Phan Văn Khải trên đất Mỹ mười mấy năm trước khi đang là cương vị Phó Thủ tướng tại khoá họp 48 đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. New York ngày 16 tháng 10 năm 1993.

Hàng trăm nước với hàng tỷ con người đang đứng trước nguy cơ tụt hậu trước bước tiến chung của nhân loại. Trong khi sự giàu sang và của cải lại tập trung trong tay một số nước phát triển. Sự chênh lệch ngày càng tăng về trình độ phát triển cùng với gánh nặng chồng chất về nợ nước ngoài khiến các nước đang phát triển luôn bị thua thiệt trong quan hệ thương mại. Đó là một thực tế chứa đựng những thách thức tiềm tàng đối với an ninh và ổn định khu vực quốc tế.

… Trật tự thế giới được tạo lập trên cơ sở tôn trọng quyền của mỗi dân tộc được làm chủ vận mệnh cuả mình. Hợp tác bình đẳng để gìn giữ hoà bình cùng nhau góp phần giải quyết các vấn đề chung của thế giới. Nhu cầu về một môi trường quốc tế hoà bình ổn định và mở rộng hợp tác để phát triển là mẫu số chung về lợi ích của các nước lớn cũng như nhỏ không phân biệt chế độ chính trị xã hội khác nhau. Mẫu số chung ấy cho phép giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp đang còn tồn tại thông qua thương lượng.

Gắn điều kiện chính trị với viện trợ và hợp tác là trái với nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi trong quan hệ quốc tế lành mạnh…

Một mạch như thế, ông nheo nheo mắt nhìn chúng tôi. Dường như để cánh báo chí tham khảo thêm nghĩ thêm mà câu thúc hơn nhưng mà tự tin hơn trong chuyến đi như thế này, những chuyến nước nghèo sang với nước giàu!

Tiễn biệt ông Đoàn Mạnh Giao: Nhớ cái đêm mất ngủ của ông Bộ trưởng ảnh 2

Cái bắt tay lịch sử giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống George W. Bush, đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, sau 10 năm bình thường hóa.

Cuộc hội đàm lịch sử

Cuộc hội đàm đã diễn ra như nó phải diễn ra. Mặc dù người đứng đầu Chính phủ cũng như ông và những người dự Hội đàm đã lường, đã biết trước nội dung nhưng ông cũng như mọi người không ngờ thời gian đã kéo dài thêm tới hai mươi bảy phút.

"Tại sao kéo dài?" - ông nhớ khi mới ra khỏi Phòng Bầu dục, tức thì một nhà báo (chắc có quen thân) đã ập ngay một câu hỏi với một quan chức Mỹ dự hội đàm như thế, chúng tôi có nhiều điều để nói với nhau!"

Ông những muốn san sẻ thêm cùng ký giả Mỹ nọ rằng, thường những cuộc hội đàm mà vượt quá thời gian quy định nếu không muốn nói là kéo dài thường là những cuộc hội đàm chất lượng cao.

Rồi cuộc họp báo sau hội đàm cũng nhanh chóng kết thúc. Ông biết Chánh văn phòng Nhà Trắng có thể chả phải là người bủn xỉn thời giờ nhưng bố trí khít quỹ thời gian như thế là vừa vặn cho Thủ tướng ta cùng Tổng thống Bush nói được với các nhà báo những điều cốt yếu của cuộc hội đàm, của Tuyên bố chung.

Mối quan hệ hai nước sẽ là quan hệ đối tác trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau... Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại WTO. Tổng thống Bush sẽ sang thăm Việt Nam vào cuối năm sau nhân dịp Hà Nội tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ngay bây giờ trên thinh không kia, ông biết đang chằng chịt những làn sóng với các tần số khác nhau hối hả truyền đi khắp thế giới nội dung Tuyên bố chung Việt Mỹ.

Ông nhìn quanh và bỗng nhận ra Tổng thống Bush đang đứng với Thủ tướng Phan Văn Khải trước Vườn Hồng của Nhà Trắng. Khu vườn này đã được viết hoa bởi đã đi vào lịch sử là nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với các nguyên thủ trên thế giới. "Mỗi lúc căng thẳng tôi thường đi dạo ở Vườn Hồng này. Ngài biết không, nhiều lần tôi còn trực tiếp cắt cỏ ở Vườn Hồng này đấy" - Tổng thống Bush đang ngửa lòng bàn tay, một động thái quen thuộc thường thấy trên tivi mỗi khi ông Tổng thống thứ 43 này của Hoa Kỳ chuyện trò thân mật với ai đó.

Ông nhìn quanh. Không thấy một nhà báo nào quanh đó! À, phải rồi họ không được phép nán lại. Ông thầm nghĩ, giá như hình ảnh này, hình ảnh Tổng thống Bush đứng với Thủ tướng Phan Văn Khải ở Vườn Hồng mà truyền đi bởi một hãng thông tấn nào đó, một cái tít, một cái tựa, chẳng hạn như thông điệp từ Vườn Hồng thì sẽ thế nào nhỉ? Nhưng ông chợt mỉm cười cho ý nghĩ bất chợt nảy sinh từ hình ảnh bất chợt ngẫu hứng kia... Ông đâu phải là nhà báo! Hình như hơn sáu phút gì đó cho hình ảnh bất chợt này diễn ra.

Lúc về khách sạn, một thành viên dự hội đàm ngồi xe cuối cùng khi rời Nhà Trắng có nói lại với ông rằng Tổng thống Bush có nán lại vẫy tay. Động thái mà ông đọc đâu đó trên một tờ báo nước ngoài rằng hiếm khi xảy ra với Tổng thống Bush mỗi khi tiếp khách.

Ông Đoàn Mạnh Giao sinh ngày 27.10.1944, tại xã Phú Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; trú quán tại ngõ 35 Phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội; nguyên: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối I cơ quan Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XI tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung, Thiếu tá, Trợ lý - Cục Liên lạc Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, đã từ trần hồi 8 giờ 6 phút, ngày 28.1.2023 (tức ngày 7 tháng giêng năm Quý Mão), tại nhà riêng, hưởng thọ 80 tuổi.

Ông Đoàn Mạnh Giao đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân Chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và phần thưởng cao quý khác.

Lễ viếng tổ chức vào hồi 7 giờ 00 phút, thứ Năm, ngày 2.2.2023 tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ Truy điệu và đưa tang vào hồi 10 giờ 20 phút; An táng cùng ngày tại Công viên Tưởng niệm Thiên Đức, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ./.

Xuân Ba

(Rút từ cuốn MỘT TUẦN NƯỚC MỸ)