Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris 27-1-1973: THÀNH PHẦN THỨ BA

 

CAO HUY THUẦN

(Bản dịch: Mỹ-Lộc)



Lời người dịch:


Hiệp Định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27-1-1973 giữa Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ Hà Nội, Chính phủ Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Hiệp Định nói rõ: Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau, để thành lập Hội Đồng Quốc Gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội Đồng sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ.

Ba thành phần ngang nhau để quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam: thành phần thứ ba, được định nghĩa chung chung là gồm các cá nhân và tổ chức không thuộc hai thành phần kia, trở thành trọng tâm và đặc điểm chính của hiệp định. Một hiệp định chấm dứt chiến tranh mà lại đặt một thành phần không có một tấc đất, cũng không có một khẩu súng, dù là súng gỗ, lên địa vị tối thượng, bình đẳng với hai bên tham chiến: chuyện ấy chẳng phải là kỳ lạ, đáng để cho các nhà nghiên cứu lịch sử suy ngẫm hay sao? Hóa ra hòa bình cũng quan trọng cho sự tồn vong của đất nước không kém gì máu xương đã đổ ra để giành lại độc lập. Và hòa bình thì phải thực hiện cùng với những lực lượng hòa bình. Đó là ý nghĩa nằm ngay nơi cái tên của hiệp định Paris: “Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình”.

Hiệp định Paris không chấm dứt được chiến tranh, nhưng vẽ ra được một mô hình chính trị thích hợp cho một giai đoạn lịch sử đầy vinh quang và nước mắt, máu xương trộn lẫn với tình tự dân tộc, trong một khát vọng hòa hợp hòa giải mà thành phần thứ ba tự gánh trách nhiệm như một sứ mạng. Mô hình đó là đề tài để suy nghĩ, bàn luận trong suốt hai năm, mục đích là để góp phần cụ thể hóa những điều khoản căn bản của hiệp định. Ngày nay, trong một bối cảnh hoàn toàn khác, đọc lại những dự phóng tương lai đó, làm sao khỏi bị chê cười là ngây thơ, nhưng chẳng lẽ khát vọng hòa giải hòa hợp cũng là ngây thơ, vẫn là ngây thơ?

Hôm nay, để kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định Paris, chúng tôi dịch và công bố nguyên văn một trong những dự phóng tương lai nói trên của tác giả Cao Huy Thuần, một tên tuổi không xa lạ gì với độc giả lúc ấy và bây giờ, viết vào cuối năm 1974, chưa đăng ở đâu cả. Bài viết, nguyên văn tiếng Pháp là “La troisième composante”, viết cho một tạp chí Pháp, nhưng chưa kịp gửi thì chiến trận dồn dập ào đến, mọi dự phóng lý thuyết đều trở thành vô hiệu. 

Lặng lẽ ngủ yên trong ngăn kéo, chúng tôi  nghĩ nên cho nó hồi sinh như một kỷ niệm tiêu biểu của một thời. Biết đâu có người nghiên cứu lịch sử trong tương lai sẽ quan tâm đến nó.

Xin đọc nó như một tư liệu lịch sử không hơn không kém. Tư liệu thì khô, nhưng khát vọng hòa giải hòa hợp trong đó vẫn còn tươi nước mắt.


***


Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 nói đến "thành phần thứ ba" ở miền Nam Việt Nam như một thực tế chính trị thật sự sống động, nhưng khái niệm về thành phần này còn cần được đào sâu và vóc dáng cần được định nghĩa.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng duyệt lại sự phát triển của thực tế chính trị này và phân tích quan điểm của nó về hiện tình và về tương lai của miền Nam Việt Nam.

Nguồn gốc và phát triển

Hiệp định Genève năm 1954 phân Việt Nam thành hai vùng: vùng bắc vĩ tuyến 17 do chính phủ Hồ Chí Minh kiểm soát, vùng phía nam đặt dưới quyền của chính phủ Bảo Đại rồi Ngô Đình Diệm thay thế ngay sau đó. Năm 1954, người ta tin tưởng rằng sự cạnh tranh hòa bình giữa nam và bắc hướng đến cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 1956 chỉ có thể có lợi cho dân chúng ở hai vùng, bởi vì để thắng phiếu, mỗi chính quyền, nam cũng như bắc, sẽ tranh đua để làm cho người dân thấy rằng chế độ của mình tốt hơn. Niềm hứng khởi buổi ban đầu này đã nhanh chóng nguội lạnh ở miền nam: Ngô Đình Diệm, vừa mới lên cầm quyền, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, đã thành lập một trong những chế độ độc tài ác liệt nhất tại Đông Nam Á. Từ thời điểm đó, bắt đầu xuất hiện các phong trào đầu tiên phản đối chế độ Diệm, một số trong các phong trào ấy vài năm sau đã thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt nam (MTDTGPMNVN) và một số những phong trào khác được dấy lên bởi những người chống cộng vì chống ý thức hệ cộng sản. (1)

Những người chống cộng vì xung khắc ý thức hệ này đã bác bỏ ý tưởng thống nhất với miền Bắc thông qua cơ chế tổng tuyển cử. Họ mơ ước biến miền nam trở thành một Nhà nước tự do và dân chủ theo mô hình phương Tây hoàn toàn thích ứng với văn hóa và tham vọng chính trị của họ. Do đó, sự chống đối của họ đối với chế độ Diệm là phản đối sự độc tài chứ không phải chống lại chính sách chống cộng của Diệm, một sự phản đối phương thức cai trị chứ không phải các mục tiêu sâu xa của chính phủ này, nhằm thiết lập một Quốc gia thân Mỹ trong đó chủ nghĩa cộng sản sẽ bị cấm đoán.

Trong giai đoạn đầu này của đối lập, việc nhằm vào sự độc tài của Diệm nơi những người trí thức “tư sản" là hết sức hạn chế vì nó chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ các chính trị gia tư sản Sài Gòn. Phải đợi đến năm 1963, với sự nổi dậy của “phong trào Phật giáo", sự chống đối Diệm mới trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn có khả năng lật đổ nhà độc tài. Công lao của phong trào Phật giáo là đã vượt qua mục tiêu chống đối của các chính trị gia tư sản: sự chống đối bây giờ không còn chỉ là chống độc tài của Diệm - và sau đó là các tướng lĩnh - mà còn là, và chính là chống chính sách chống cộng của các chính phủ miền Nam. Lý do rất đơn giản: cái mà các chính phủ này gọi là “đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản” thực chất chỉ là một chiến dịch qui mô nhằm loại trừ mọi hình thức chống đối, bất kể là cộng sản hay không, nhằm thiết lập một quyền lực tuyệt đối. Có mối quan hệ khắng khít giữa chủ nghĩa chống cộng và chế độ độc tài, cái trước vừa là cái cớ vừa là nền tảng cho cái sau. Để đánh bại chế độ độc tài, cần phải tấn công vào chính nền tảng của nó, nghĩa là vào cái gọi là chính sách chống cộng mà trên thực tế, chỉ là nguồn gốc của lợi dụng, lợi dụng chống cộng để đàn áp mọi chống đối.

Do đó, sự đối lập, trong giai đoạn thứ hai, đã đi rất xa so với giai đoạn đầu: nó không còn đặt vấn đề về thể chế hay chính phủ mà là về chính bản chất, lý do tồn tại, tính hợp pháp của chế độ. Sự chống đối không còn như trong giai đoạn đầu, nghĩa là chống đối trong lòng chế độ, mà là chống đối về cả chế độ. Từ thời điểm đó, người ta có thể nói rằng một miền Nam thứ ba vô hình đã nảy nở trong lòng một bộ phận lớn dân chúng, những người không thuộc MTDTGPMNVN nhưng không coi chính phủ Sài Gòn là hợp pháp. Sự chống đối tận gốc rễ này, năm 1966 bất ngờ làm rõ lên hình ảnh một miền Nam thứ ba vừa nói khi quân đoàn 2 đóng bản doanh ở Đà Nẵng đứng về phía quần chúng, tự đặt mình trong tình trạng ly khai với chính quyền Sài Gòn. Với Huế và Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung ở trong tư thế ly khai bất ngờ mà đến do chiến trận giữa quân đội với quân đội của cùng một phe. Cả Mỹ lẫn Sài Gòn đều sợ chiến tranh ly khai sẽ xảy ra nên cả hai hợp tác để đưa một lực lượng hùng hậu Thủy quân lục chiến ra Đà Nẵng dẹp ly khai và đàn áp dân chúng.

Một dạo trước khi Hiệp định Paris được ký kết, trong dân chúng đã lan truyền những lời đồn đãi Hoa Kỳ và Hà Nội đã đạt được một thỏa thuận, theo đó các tỉnh miền Trung vốn vẫn ngầm nổi dậy chống lại Sài Gòn, sẽ bị tách khỏi miền Nam và đặt dưới sự quản lý của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt nam (CPCMLTCHMNVN) nhằm đổi lấy một lệnh ngừng bắn. Những tin đồn này, cần nói rõ, là vô căn cứ. Nhưng sự kiện nó tồn tại chứng tỏ một cách hùng hồn rằng một bộ phận lớn dân chúng không chấp nhận chế độ Sài Gòn là chính đáng và hơn thế nữa, các tỉnh miền Trung lúc bấy giờ được coi là căn cứ địa của một miền Nam Việt Nam khác, của những người chống đối không cộng sản.

Giai đoạn thứ ba nhấn mạnh hơn nữa đến tinh thần xa lánh chế độ Sài Gòn. Giai đoạn này bắt đầu với sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến. Chế độ Thiệu, vốn đã bị dân chúng oán ghét, nay lại càng bị buộc tội đã làm mất độc lập quốc gia vì đã mở cửa cho một quân đội viễn chinh Mỹ với hơn 500.000 quân lính. Sự phẫn nộ này được cảm nhận rõ nơi các trí thức cấp tiến, những người duy nhất có thể lên tiếng chống lại ảnh hưởng ngoại bang, trong lúc các phong trào chống đối của dân chúng đã trở nên rối ren sau vụ đàn áp năm 1965-66.

Như vậy người ta đã nhận thấy vai trò chủ yếu của báo chí đối lập với sự cộng tác của các giáo sư, luật sư, dân biểu, nghị sĩ, trong đó có những trí thức thiên chúa giáo tiếng tăm. Kể từ khi nền độc lập quốc gia bị đe dọa, những tranh cãi về ý thức hệ giữa “chủ nghĩa quốc gia” và “chủ nghĩa cộng sản” bị gạt qua một bên để kêu gọi cùng nhau đoàn kết trong tinh thần yêu nước trước sự thống trị của ngoại bang. Sự chống đối chế độ Sài Gòn đã từng bùng lên trong hàng triệu phật tử và sinh viên nay càng mạnh mẽ hơn với sự ủng hộ của các trí thức thiên chúa giáo; từ đó chiến dịch mới xoay quanh hai chủ đề chính: hòa bình và độc lập. Sự chống đối trước 1966 mang tính chất một cuộc nổi dậy của dân chúng. Sự chống đối từ đây nhằm tiến đến một hạt nhân chính trị bao gồm các chính trị gia và trí thức không phân biệt khuynh hướng tôn giáo. Cốt lõi chính trị này và cơ sở quần chúng mà nó dựa vào đã tạo thành cái mà sau này được chính thức gọi là "thành phần thứ ba". Thành phần này khác biệt rõ ràng với lực lượng ủng hộ Thiệu về lập trường đối với cuộc chiến: trong khi những người ủng hộ chế độ Sài Gòn tiếp tục thúc giục diệt cộng bằng mọi cách kể cả chiến tranh dù lệ thuộc quân đội nước ngoài, "thành phần thứ ba" đòi hỏi hòa bình qua các cuộc đàm phán, nền độc lập bằng nỗ lực tự chủ và tạm ngưng khẩu chiến về ý thức hệ để đất nước tránh khỏi ảnh hưởng của các cường quốc.

Giai đoạn thứ tư hoàn thành quá trình phát triển được ghi nhận kể từ năm 1963 trong ý nghĩa nó khẳng định một thực thể chính trị thứ ba, đó là lực lượng hòa bình. Một ý tưởng mới chiếm ưu thế trong giai đoạn này: ý tưởng hòa hợp và hòa giải dân tộc được Giáo hội Phật giáo đưa ra từ năm 1969 và sẽ được chấp thuận bởi hiệp định Paris. Ý tưởng này đã triệt tiêu lý do tồn tại của chế độ chống cộng ở Sài Gòn. Hòa giải dân tộc giả định rằng tất cả các hệ tư tưởng, kể cả chủ nghĩa Mác, phải tồn tại hợp pháp trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam và chế độ sẽ được thành lập ở đó sẽ khác về cơ bản với chế độ hiện hữu vì có sự tham gia của những người Cộng sản. Hòa giải dân tộc, chủ đề đấu tranh mới này của thành phần thứ ba, do đó đã trở thành một liều thuốc chống lại chủ nghĩa chống Cộng, chủ nghĩa của Sài Gòn từ năm 1954.


Mười năm đấu tranh và chiến tranh, từ 1963 đến 1973, đã cho phe đối lập không vũ trang ở miền Nam Việt Nam một sức mạnh chính trị riêng biệt và một chủ đề đoàn kết quốc gia nhằm giải quyết xung đột giữa "những người quốc gia" và "những người cộng sản". Thành phần thứ ba không đơn giản là một xu hướng chống lại cả hai, CPCMLTCHMNVN và ông Thiệu, như một số người vẫn nói : định nghĩa này không đầy đủ vì nó chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực nới chỗ đứng của lực lượng thứ ba. Lực lượng thứ ba còn có một mặt tích cực : trong khi tự xưng mình là không cộng sản, lực lượng thứ ba hình dung một thay đổi triệt để về thể chế và muốn biến miền Nam thành một vùng đất mà các hệ tư tưởng khác nhau cùng chung sống. Đây là tiêu chí thực sự để phân biệt thành phần thứ ba với một số hình thức chống đối mà ông Thiệu gặp phải nơi những người từng thuộc phe phái của ông ấy. Không thể coi những người này là "thành phần thứ ba" được bởi vì họ vẫn còn tìm cách lật đổ ông Thiệu để thanh lọc và củng cố chế độ Sài Gòn chứ không phải là thay thế nó bằng một chế độ mới. Hình thức chống đối này là một phần trong chiến lược của cánh hữu, một cánh hữu tất nhiên thông minh hơn ông Thiệu, nhưng cánh hữu thì vẫn là cánh hữu.

Chúng tôi đã nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Giáo hội Phật giáo trong sự hình thành của thành phần thứ ba mà họ là cái khung chính yếu. Là nạn nhân của chế độ thuộc địa của Pháp, bị ông Diệm đàn áp, bị chế độ quân phiệt hiện hữu căm thù, Phật giáo chỉ còn có thể tự phát triển bằng cách góp phần xây dựng một xã hội trong đó chiến tranh và sự bất khoan dung bị xóa bỏ.

Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh đến sự đóng góp của những người trí thức cấp tiến phật giáo lẫn thiên chúa giáo trong việc định hình một nền chính trị mới của xu hướng thứ ba. Giáo hội Phật giáo và trí thức tiến bộ phải làm việc trong một môi trường đô thị không che giấu sự ghê tởm đối với chế độ hiện hữu, nhưng vì nhiều lý do tâm lý và lịch sử, họ còn sợ hãi chủ nghĩa cộng sản và dễ nghe những luận điệu chống cộng đôi lúc quá ấu trĩ và không hề có tí cơ sở giá trị nào. Chính quyền Sài Gòn đã tìm cách nuôi dưỡng và khai thác sự e ngại này đối với chủ nghĩa cộng sản nhằm mục đích ngăn cách một bộ phận của tầng lớp trung lưu thành thị khỏi các phong trào đòi hòa bình. Họ đã đạt được điều này ở một mức độ nào đó nhờ đàn áp các phương tiện nói lên tiếng nói đối lập.

Nhưng tình hình đã đổi khác từ lúc có hiệp định Paris và đặc biệt là từ mùa thu năm ngoái khi phe đối lập mạnh dạn xuất đầu lộ diện và truyền bá những ý tưởng mới. Chủ đề hòa giải dân tộc đang nhanh chóng được khẳng định. Bằng mọi cách, người ta nghĩ rằng chung sống với những người cộng sản, tuy có rủi ro nhưng vẫn còn ngàn lần thích hơn hoàn cảnh chiến tranh, tham nhũng và những khó khăn kinh tế đã dìm tầng lớp trung lưu thành thị vào cảnh khốn cùng càng lúc càng đen tối.

Như thế, môi trường thành thị dần dần hòa nhập với đông đảo quần chúng trong cùng một khát vọng nhiệt thành mong hòa bình được thực hiện, và các lực lượng hòa bình thay chỗ các lực lượng vũ trang. Thành phần thứ ba đã không nói sai sự thật khi họ khẳng định là đông đảo quần chúng ủng hộ họ trong công cuộc tranh đấu cho hòa bình và hòa giải.


Đấu tranh cho hòa bình


Hòa bình vẫn luôn luôn cần phải đạt được bất kể các hiệp định hòa bình. Một nhiệm vụ đặc biệt gian khổ vì sự ủng hộ ngoan cố của Hoa Kỳ đối với ông Thiệu và chính sách háo chiến của ông ta. Nhưng ngay ở điểm này, tình hình cũng đã khá hơn. Tại Hoa kỳ, ông Ford phải đương đầu với sự chống đối quyết liệt ở Quốc hội, rõ ràng đối nghịch với sự ủng hộ kéo dài cho chế độ Sài Gòn. Về phần ông Thiệu, ông ta là đối tượng cho những chỉ trích ngày càng gay gắt ngay từ những người thiên chúa giáo bảo thủ mà từ lâu nay vẫn là chỗ dựa của chế độ, đây là một điều thật bất ngờ. Chiến dịch chống ông Thiệu đã chiếm lĩnh đời sống chính trị tại Nam Việt nam kể từ mùa thu năm 1974. Hai phong trào quần chúng lớn dẫn đầu cuộc đấu tranh này là, một của phật giáo, “Lực lượng hòa giải dân tộc" (2), và một của thiên chúa giáo, “Phong trào chống tham nhũng" (3). Hai phong trào quần chúng này được trợ lực bởi nhiều tổ chức tranh đấu trong đó thiên chúa giáo và phật giáo thể hiện sự cộng tác chân thành, mỗi phong trào tranh đấu cho một lĩnh vực đặc biệt hoặc một phạm trù xã hội được chọn. Khác xa với sức mạnh chớp nhoáng của phong trào phật giáo chống Ngô đình Diệm năm 1963, chiến dịch chống lại ông Thiệu bây giờ được điều phối tốt hơn, chuẩn bị tốt hơn cho một trận đánh lâu dài.

Ở đây, trong trận đánh này, chúng ta cần phải phân biệt giữa lập trường của thành phần thứ ba và lập trường của những lực lượng khác không phải là một phần của họ.

Thành phần thứ ba kiên quyết yêu cầu ông Thiệu phải từ chức ngay lập tức và nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Paris. Trái lại, “Phong trào chống tham nhũng” của Linh mục Trần Hữu Thanh có một thái độ rất mơ hồ về hai vấn đề cơ bản trên. Đối với ông Thiệu, Linh mục Thanh không tiếc lời chỉ trích, nhưng ông không bao giờ tuyên bố rõ ràng về sự ra đi ngay lập tức của nhà độc tài. Theo giới quan sát ở Sài Gòn (4), mọi thứ cho thấy ông không chống việc ông Thiệu tiếp tục nắm quyền cho đến ngày hết nhiệm kỳ tổng thống (tháng mười 1975). Đối với hiệp định Paris, ông cho rằng đó là giải pháp duy nhất cho vấn đề Nam Việt Nam, nhưng dường như ông muốn kèm thêm một điều kiện tất yếu theo ý ông là củng cố chế độ Sài Gòn. Chính lý do này giải thích cách ông ấy chỉ trích ông Thiệu, người mà ông cáo buộc là do tham nhũng và không đủ năng lực, đã làm suy yếu phe chống cộng, đến mức không thể hoạch định một cuộc đấu tranh chính trị với CPCMLTCHMNVN trong khả năng cùng tồn tại ở thời điểm này. (5)

Sự khác biệt giữa lập trường của thành phần thứ ba và phong trào của Linh mục Thanh không cản trở các phật tử và những người thiên chúa giáo bảo thủ có những hành động chung chống lại mục tiêu chung của họ: ông Thiệu. Tuy rằng giới phật tử thì quá biết cái chính sách “củng cố chế độ Sài Gòn” này đã luôn luôn được áp dụng mà không đem lại kết quả nào khác hơn là một chế độ độc tài và tham nhũng. Thành phần thứ ba nghĩ rằng chỉ có thi hành hiệp định Paris một cách trung thực và không chậm trễ mới có thể cứu miền Nam Việt nam ra khỏi chiến tranh và chế độ độc tài.

Xu hướng nào trong hai xu hướng này sẽ chiếm ưu thế trong những ngày sắp đến?

Chắc chắn rằng giọng điệu chống cộng trắng trợn của Linh mục Thanh làm hài lòng người Mỹ. Người Mỹ lại càng an tâm về việc duy trì ông Thiệu; họ đã làm đủ mọi cách trong hai năm qua để ngăn cản một sự thay đổi đột ngột ở Sài Gòn. Nhưng ngay cả nếu khi xu hướng bảo thủ chiếm ưu thế đi nữa, thành phần thứ ba cũng sẽ thắng trong trận chiến quyết định bởi vì trở ngại chính của hòa bình - ông Thiệu - sẽ bị loại bỏ.


Các kế hoạch trong tương lai

Nếu ông Thiệu bị bắt buộc phải rời bỏ quyền lực, chính phủ kế nhiệm sẽ không thể nào tiếp tục không đếm xỉa đến hiệp định Paris vô thời hạn. Việc thi hành hiệp định sẽ mở ra một kỷ nguyên chính trị mới ở Nam Việt nam. Thành phần thứ ba sẽ nhận định về tương lai như thế nào?


Bầu cử

Điều 12 của hiệp định ngày 27 tháng 1 năm 1973 quy định sự thành lập một Quốc hội hòa giải và hòa hợp dân tộc trong đó có ba thành phần ngang nhau, và có nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử. Tất cả đều phải bắt đầu từ đó. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Sẽ tổ chức bầu cử gi? Có phải là bầu cử tổng thống? Hay bầu cử quốc hội? Hiệp định không nói đến điểm này. Có một cuộc tranh cãi giữa đoàn đại biểu Sài Gòn và CPCMLTCHMNVN. Sài Gòn đề nghị bầu cử tổng thống còn CPCMLTCHMNVN đòi hỏi bầu cử quốc hội lập hiến, cơ quan này sẽ có quyết định tối cao về thể chế tương lai.

Theo thành phần thứ ba, đề nghị của Sài Gòn không hợp lý và không thể nào được coi là nghiêm túc. Hiệp định Paris thực sự đã chấm dứt việc xem Sài Gòn như là một chính quyền hợp pháp và hợp hiến cho toàn thể Nam Việt Nam. Hiệp định đã dự định một phương thức thay đổi thể chế. Hoặc là, theo tập quán dân chủ hơn cả, soạn thảo ra một bản Hiến pháp là công việc của một Quốc hội được bầu lên, thể hiện ý muốn của dân chúng. Trong trường hợp Nam Việt Nam, đây là giải pháp khả thi duy nhất, bởi vì điều 9b của hiệp định 1973 đã nói rõ rằng “toàn dân Nam Việt Nam sẽ tự quyết định lấy tương lai chính trị Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử …”

Đề nghị bầu tổng thống trước khi dân chúng quyết định thể chế cho tương lai, như cách Sài Gòn làm, đơn giản chỉ là đặt cái cày đi trước con trâu.


Hệ thống hiến pháp


Lý lẽ cho phép tin rằng, sẽ có một Quốc hội lập hiến, Quốc hội này, sau khi hoàn tất nhiệm vụ, có khả năng trở thành một Quốc hội lập pháp để tránh các cuộc bầu cử quá gần nhau. Bất kỳ chế độ nào được Quốc hội lập hiến thông qua sẽ được đánh dấu bằng một việc lần đầu được giới thiệu ở miền Nam Việt Nam, cụ thể với thực quyền của một Nghị viện trong việc tiến hành các công việc của đất nước (6).

Cho đến nay, ta chỉ thấy ở Sài Gòn những nghị viên bù nhìn được đưa lên chỉ với mục đích để người nước ngoài và đặc biệt là dư luận Mỹ thấy một bộ mặt dân chủ bề ngoài. Các cuộc bầu cử được dàn dựng hoặc diễn ra trong những điều kiện đáng ngờ, những nhà độc tài - từ Diệm đến Thiệu - chưa hề gặp khó khăn nào trong việc thiết lập một đa số tuyệt đối trong Nghị viện khi phê chuẩn các quyết định. Điều này sẽ không xảy ra trong tương lai vì hai lý do: trước hết, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra dưới sự giám sát quốc tế (điều 9b); thứ hai, các cuộc bầu cử sẽ chỉ được tổ chức khi mà các quyền tự do dân chủ đã được bảo đảm (điều 11). Được bầu trong những điều kiện dân chủ, Nghị viện đầu tiên sau chiến tranh sẽ là nơi thể hiện các mối quan hệ thực sự giữa các thế lực chính trị và là nơi sẽ vạch ra đường lối của chính phủ.

Thành phần thứ ba sẽ có cương vị nào trong một Nghị viện như thế? Nói cách khác, có thể nào đoán trước được kết quả của những cuộc bầu cử trong tương lai không?


Tương quan lực lượng và bầu cử


Không có một tài liệu nào có giá trị có thể cho biết được con số dân chúng dưới quyền kiểm soát của CPCMLTCHMNVN cũng như chính quyền Sài Gòn.

Điều mà chúng ta nhận thức được là, do hoàn cảnh chiến tranh, số người sống trong những vùng lãnh thổ Sài Gòn cai trị đông hơn trong những vùng do CPCMLTCHMNVN kiểm soát. Giả sử rằng, tất cả dân chúng trong vùng CPCMLTCHMNVN đều bầu cho ứng cử viên của họ, ngay cả trong trường hợp này, CPCMLTCHMNVN vẫn chỉ chiếm được thiểu số trong Nghị viện. Đối với những ứng cử viên họ đưa ra trong vùng Sài Gòn kiểm soát, ít nhất chúng ta có thể nói rằng họ khó mà thắng nổi các đối thủ của họ.

Có hai khuynh hướng đối đầu nhau trong các vùng của Sài Gòn: cánh hữu và thành phần thứ ba. Kết quả của sự đối đầu này sẽ như thế nào? Nếu nhìn đến kết quả của các cuộc bầu cử đã từng diễn ra ở miền Nam, ta thấy rõ một thực tế rất thú vị: ở Sài Gòn và các thành phố lớn, các ứng cử viên đối lập thắng phe chính quyền, trong khi phe chính quyền lại thắng lớn ở các thành phố nhỏ và làng mạc mặc dầu sự bất mãn của người dân ở những nơi này lại nghiêm trọng hơn. Điều này rất dễ giải thích. Trong các thành phố lớn và thủ đô, nơi có nhiều quan sát viên ngoại quốc sẵn sàng tố cáo những gian lận bầu cử, phe đối lập được hưởng lợi từ hoàn cảnh thuận lợi này, họ có thể có một ít tự do để đi vận động tranh cử và kiểm soát kết quả bầu cử. Trong các thành phố nhỏ và các làng mạc, nơi hoàn toàn không có báo chí quốc tế, chính quyền có thể áp dụng mọi biện pháp để ứng cử viên của họ được thắng cử.

Từ những kinh nghiệm này, ta có thể rút ra kết luận sau đây: nếu phe đối lập được tự do tranh cử (điều 11), nếu sự giám sát quốc tế được thi hành thực sự (điều 9b), nếu các quyền tự do dân chủ được bảo đảm (điều 11), phe đối lập với ông Thiệu chắc chắn sẽ thắng trong các cuộc bầu cử trong tương lai (7).

Do đó, ta có thể dự đoán không ngại sai lầm là trong ba xu hướng chính trị sẽ được đại diện trong Nghị viện đầu tiên sau chiến tranh, CPCMLTCHMNVN và thành phần thứ ba sẽ là những yếu tố quan trọng nhất.

Với cách hiểu ấy về các tương quan lực lượng, bản chất chế độ tương lai rồi sẽ như thế nào?

Bản chất chế độ tương lai

Lập trường của Hà Nội và của CPCMLTCHMNVN là rõ ràng và nhất quán về vấn đề này.


Lập trường của Hà Nội và CPCMLTCHMNVN


Trong các đề xuất hòa bình của mình, họ cho rằng Miền Nam Việt Nam sẽ dân chủ, trung lập và hòa bình. “Trung lập" nghĩa là gì về mặt chính trị trong nước? Hà Nội và CPCMLTCHMNVN không nói nhiều về điểm này, họ chỉ nói rằng, tương lai chính trị của Nam Việt Nam sẽ do người dân quyết định thông qua các cuộc bầu cử tự do. Tuy nhiên, ta có thể nắm được một số tuyên bố nhất định của các nhà lãnh đạo, các tuyên bố đó tiết lộ những quan tâm và ý định của họ. Hai ví dụ:

Ngày 11 tháng 9 năm 1972, CPCMLTCHMNVN, trong các đàm phán hòa bình, đã đưa ra một tuyên bố dài trong đó có đoạn: Nếu Washington “tôn trọng thực sự quyền tự quyết của người dân Nam Việt Nam và đàm phán nghiêm chỉnh để giải quyết một cách hòa bình vấn đề Nam Việt Nam, CPCMLTCHMNVN sẵn sàng đi đến một hiệp định theo đó, miền nam sẽ không bị áp đặt dưới một chế độ cộng sản hoặc một chế độ do Mỹ tài trợ.” (8) Nói một cách khác, chế độ có được theo tuyên bố này giống một cách lạ lùng chế độ mà thành phần thứ ba hằng mơ ước, nghĩa là một chế độ độc lập với nước ngoài và tiến bộ nhưng không cộng sản. Tuyên bố của CPCMLTCHMNVN cũng tái khẳng định thêm rằng chính phủ hòa hợp dân tộc sẽ không bị “chi phối bởi bên nào của hai bên”. (9)

Dư luận thành thị không tin rằng sự trung lập do CPCMLTCHMNVN đề nghị sẽ tồn tại lâu dài.

Người ta lo sợ một sự thay đổi ghê gớm của chính phủ liên hiệp, một “coup de Prague", kiểu đảo chánh hòa bình để lật đổ chế độ dân chủ ở Tiệp Khắc năm 1948, hay một sự thống trị rất nhanh chóng của khuynh hướng cách mạng. Nhưng đây không phải là ý kiến của ông Phạm văn Đồng, Thủ tướng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và đây là ví dụ thứ hai mà chúng tôi nói đến. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Le Monde vào giữa năm 1972, nhà lãnh đạo Hà Nội tuyên bố: “Miền Bắc và miền Nam là cùng một nước với hai kiểu xã hội hoàn toàn khác nhau. Miền Nam sẽ phải chuyển đổi dần dần để giảm bớt những khác biệt này, rồi với thời gian, thống nhất đất nước sẽ tự nó đến. Thời gian sẽ là một yếu tố quyết định. Để thành công, cần phải có một lịch trình khá mềm dẻo.” (10)

Thế nên, Hà Nội không vội vàng gì. Từ một phân tích rất thực tế, lãnh đạo miền Bắc chấp nhận miền Nam vẫn giữ trung lập trong một thời gian khá dài. Nhưng sự trung lập theo tầm nhìn của những nhà lãnh đạo miền Bắc sẽ không đứng yên một chỗ mà sẽ diễn tiến. Trước yêu cầu phát triển kinh tế, miền Nam sẽ từng bước một tiến gần đến chủ nghĩa xã hội và do đó sẽ càng ngày càng xích lại gần miền Bắc hơn.


Thành phần thứ ba nghĩ gì về sự trung lập trong quan điểm chủ nghĩa xã hội này?


Lập trường của thành phần thứ ba


Lập trường của đại diện thành phần thứ ba về vấn đề then chốt này không nhiều. Một số người có ý kiến cho rằng sự trung lập của miền Nam Việt Nam nên là một phần của kế hoạch lớn hơn cho Lào, Campuchia và toàn bộ Đông Nam Á (11). Bằng cách liên kết tương lai nền trung lập của Việt Nam với Đông Dương - trừ VNDCCH - và các nước Đông Nam Á, hầu như người ta đang hướng đến một sự đảm bảo quốc tế mà nếu không có sự đảm bảo này thì một số người cho rằng miền Nam sẽ không ổn định. Ý tưởng này không được các nhà lãnh đạo thực tế hơn chia sẻ, những người này ít dựa vào sự đảm bảo quốc tế hơn là sự ủng hộ của quần chúng.

Dù thế nào đi nữa, ai cũng nhận thức rõ ràng rằng miền Nam cần có những cải cách tận gốc và một chính sách cách mạng về phát triển kinh tế và xã hội để đưa người dân thoát khỏi bất công và khốn cùng. Do đó, dưới mắt của thành phần thứ ba, chế độ miền Nam phải là một chế độ tiến bộ, thậm chí là xã hội chủ nghĩa (nhưng không phải là cộng sản), trong mọi trường hợp nghiêng về một lý tưởng công lý được cánh tả thừa nhận. Nói cách khác, tính trung lập của miền Nam, trong bối cảnh này, không phải chỉ chuyển hóa như chính phủ miền Bắc đề xướng. Sự khác biệt duy nhất giữa quan điểm của miền Bắc và quan điểm của đại diện thành phần thứ ba là: nếu miền Nam phải tiến gần lại với miền Bắc thì thành phần thứ ba mong muốn chính miền Bắc cũng phải nỗ lực tiến gần hơn đến miền Nam nhằm thống nhất đất nước.


Làm sao để bảo đảm trung lập?


Chúng tôi đồng ý ít nhất ở một điểm: sự trung lập của miền Nam không phải là một điểm cố định đứng giữa hai cực. Trái lại, nó phải được hình thành theo hướng tiến hóa của xã hội miền Nam nhằm đạt được công bằng và tiến bộ.

Nguyên tắc thì được công nhận như thế, nhưng để thực hiện sẽ có nhiều vấn đề tế nhị. Cánh hữu chê trung lập, họ tố cáo đó là một chiến lược khôn khéo của những người Cộng sản để nói chuyện với miền Nam. Họ cho rằng, trung lập chỉ là một mồi nhử nếu như nó không đồng thời được áp dụng ở miền Bắc. Luận điểm này không được thành phần thứ ba chấp nhận bởi vì theo họ, trung lập chỉ xảy ra ở những nơi có xung đột như Campuchia, Lào và Nam Việt Nam. Nhưng thành phần thứ ba, do bản chất, còn lâu mới trở thành một khối đồng nhất. Một phần trong số đó - trung hữu - có nguy cơ sẽ bị cánh hữu lôi cuốn nếu thái độ của CPCMLTCHMNVN không khiến họ tin tưởng. Vì vậy, sự khoan dung và tôn trọng lẫn nhau là những điều kiện bắt buộc phải có cho sự hợp tác chân thành với mục tiêu củng cố hòa bình và độc lập và thúc đẩy chính sách tiến bộ.

Thiếu những điều kiện này, cánh hữu sẽ được củng cố, thành phần thứ ba tan vỡ, sự phân cực sẽ hồi phục và sẽ phá hủy sự thỏa hiệp cần thiết. Cho dù đứng trên quan điểm chính trị hay xã hội, thành phần thứ ba đều tạo nên cơ sở thiết yếu cho trung lập như vừa được định nghĩa.

Làm sao để bảo đảm sự khoan dung và tôn trọng lẫn nhau (điều 12)? Làm sao để xóa bỏ hận thù (điều 11), thực hiện tinh thần không loại trừ lẫn nhau (điều 12)? Giáo hội Phật giáo trong nhiều thông điệp của mình đã khuyến nghị nên làm dịu bớt những xung đột ý thức hệ mà họ xem là một phần nguyên nhân gây ra chiến tranh. Điều này có nghĩa là mỗi bên phải từ bỏ ý thức hệ mà họ đã chiến đấu cho đến nay? Hoàn toàn không phải. Khuyến nghị của Phật giáo phải được hiểu theo nghĩa của nó về chủ trương khoan dung cho rằng chúng ta tôn trọng ý kiến của người khác và không tìm cách làm cho ý kiến riêng của mình thắng bằng cách loại bỏ ý kiến của người khác. (12) “Chiến thắng không đòi hỏi cái chết của kẻ khác; vinh quang không được lập trên sự nhục nhã của kẻ bại trận” (13), đó là triết lý chính trị và là triết lý thông thường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo các phật tử, tinh thần hiểu biết thân thiện và tôn trọng tự do tư tưởng này cần phải hướng dẫn các nhà lãnh đạo có khuynh hướng chính trị khác nhau trong kinh nghiệm sống chung với nhau.

Montesquieu đã thiết lập một tiêu chuẩn về những đức tính khác nhau đặc trưng cho mỗi chế độ chính trị. Ở Nam Việt Nam, sự hiểu biết thân thiện và tôn trọng lẫn nhau là những đức tính cần thiết để có thể thực hiện được hòa giải và trung lập được sống còn.

Phải thừa nhận rằng đấu tranh chính trị sẽ rất căng thẳng trong tương lai, nhưng nếu chúng ta hành xử với chủ đích chắc nịch là sẽ loại bỏ những người khác, nếu chúng ta xem sự đấu tranh chính trị trong tương lai giống như “sự tiếp tục cuộc chiến dưới một hình thức khác", thì chắc chắn hòa bình sẽ không thấy đâu mà thay vào đó, một cuộc chiến khác sẽ bắt đầu (14).

Điều đó có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận và tôn trọng tất cả mọi ý kiến, mọi lập trường, mọi luồng tư tưởng? Như vậy thì sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ, một kẻ thù khác của trung lập. Một trí thức miền Nam, ông Lý Chánh Trung, một trong những đại diện đích thực của thành phần thứ ba, đã nhìn rõ vấn đề khi ông nhấn mạnh tính cách dân tộc của sự hòa giải (15): ta không hòa giải với những lực lượng phản dân tộc, những người dựa vào ngoại bang để bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình dù phải hy sinh lợi ích quốc gia. Ta cũng không thể hòa giải với những lực lượng muốn hãm lại sự phát triển của xã hội miền Nam tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn. Hòa giải, cũng giống như trung lập, cần phải có ý nghĩa và mục đích. Đó chính là ý nghĩa mà tuyệt đại đa số nhân dân mong muốn.

Mục đích đó chính là sự tiến bộ. Nói cách khác, trung lập và hòa giải cần phải đặt cơ sở trên sự nhất trí được thành lập từ sự đồng thuận giữa các khuynh hướng và được dân chúng thừa nhận.

Ta có thể đặt tên cho chế độ chính trị dựa trên sự đồng thuận như vậy không? Vị trí thức vừa được trích dẫn đã gọi đó là “dân chủ tiên tiến" (16). Ông nói, không chắc đó là chế độ lý tưởng cho những người cách mạng, cũng không phải cho những người bám vào “bảo vệ tự do"; nhưng đó là chế độ duy nhất có thể mang lại tiến bộ và công bằng đồng thời tôn trọng các quyền tự do cơ bản và thực hiện hòa giải (17). Bằng cách thành lập phong trào chính trị mới của họ, các phật tử đang chuẩn bị dùng tất cả sức nặng của lá phiếu, văn hóa, xã hội và chính trị của mình trong việc thiết lập và củng cố một chế độ như vậy.


Cao Huy Thuần

(Cuối năm 1974)


Chú thích:


  1. Nhóm nổi tiếng nhất là “nhóm Caravelle”, tên gọi một nhóm nhỏ trí thức đã họp lại ở khách sạn Caravelle để soạn thảo và công bố một tuyên ngôn chống chính phủ.

  2. Chủ tịch là Thượng nghị sĩ Vũ Văn Mẫu

  3. Đứng đầu là linh mục Trần Hữu Thanh

  4. Xem Hương Khê, “Đức Cha Thanh và phong trào chống tham nhũng", báo Đứng Dậy số 65, 66, Giáng sinh 1974

  5. nt

  6. Xem nghiên cứu của chúng tôi trong “Perspectives Sud Vietnamiennes”, công trình tập thể này sẽ được Trung tâm nghiên cứu xã hội học của Đại học Amiens xuất bản năm 1975.

  7. Một chính khách rất nổi tiếng, Thượng nghị sĩ Vũ Văn Mẫu đã có con tính như sau: Nếu ông Thiệu tranh cử tổng thống thì ông ta sẽ không được nhiều phiếu hơn 20%, cùng lắm là 25% (Phỏng vấn giữa ông Vũ Văn Mẫu và Đại sứ Nhật tại Sài Gòn - 13-3-1974).

  8. Le Monde 12-9-1972

  9. nt

  10. Le Monde 18-5-1972

  11. Tuyên bố của tướng Dương Văn Minh do hãng Reuter ở Sài Gòn đưa tin, 22-8-1973

  12. Xem bài viết của chúng tôi “Phật tử và hòa giải dân tộc" (“Les Bouddhistes et la Réconciliation Nationale”), Croissance des Jeunes Nations, tháng 7 và 8 1972

  13. Thông điệp của Viện Hóa Đạo, 6-5-1974

  14. Lý Chánh Trung, “Thử đặt vấn đề hòa giải dân tộc”, Điện Tín 24 và 27-4-1974

  15. nt

  16. nt

  17. Chúng tôi cũng chủ trương quan điểm tương tự trong bài “Perspectives Sud Vietnamiennes" được trích dẫn ở trên.