Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ giày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta. Anh em ta hãy gắng mà làm đi.
Phan Châu Trinh
Phan Châu Trinh (9 tháng 9, 1872 – 24 tháng 3, 1926, 53 tuổi)
Tháng 9 năm 2022 kỷ niệm ngày sinh của cụ Phan Châu Trinh lần thứ 150. Nếu hỏi ai là những nhà giáo dục – educator – của dân tộc Việt Nam, thì có thể trả lời: Phan Châu Trinh là một trong những người đó. Ông biết trước mình sẽ thất bại, vì tư tưởng của ông không “hợp khẩu vị” của người Việt Nam lúc bấy giờ.
Phan Châu Trinh sống đồng thời với nhà đại văn hào Maxim Gorki (1868-1936), cũng là một nhà giáo dục và hiểu biết thâm sâu dân tộc Nga, và từng có những “ý tưởng không hợp thời” vào những năm đầu thế kỷ 20. Những gì ông viết ra về dân tộc Nga đều “có lửa”, xuất phát từ những nhận thức chiều sâu về dân tộc ông, một dân tộc rất tài hoa nhưng mang trong tâm hồn những vết tích của một văn hóa rất lạc hậu:
Dân tộc này phải còn nỗ lực rất nhiều để đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không dứt của văn hóa, tinh thần nô lệ đã hằn sâu trong nó phải bị tẩy sạch đi.
và trên cái nền văn hóa lạc hậu, những nhà kiến trúc xã hội mới dễ bị thất bại như Phan Châu Trinh (cũng như Tôn Dật Tiên ở Trung Hoa):
Người ta không yêu mến những con người mạnh mẽ trên đất nước Nga, cho nên những con người đó không sống lâu được trong đất nước chúng ta. Cuộc đời không yêu anh ta, văn chương cũng thế; nó tìm mọi cách có thể được để làm liên lụy ý chí mạnh mẽ của anh ta vào những mâu thuẫn, đẩy nó vào cái xó đen tối của ngõ cụt, hạ thấp nó xuống ngang bằng các điều kiện sống ô nhục để rồi hạ thủ nó. Người ta không đi tìm và yêu mến người chiến đấu, người kiến trúc của những hình thái mới của cuộc sống, mà yêu người ngoan ngoãn để nhận vào mình những tội nhẹ đáng ghét của những người tầm thường.
Ông nói về con người mới:
Cuộc cách mạng có thể tự giải phóng và tinh luyện được con người phải diễn ra trong nội tâm của nó và chỉ có thể đạt được khi con người đã được rủ sạch khỏi meo mốc và bụi bặm của những tư tưởng lỗi thời còn sót lại.
Xem thêm Maxim Gorki:
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/maxim-gorki-thu-gui-ban-doc/
Quyển sách sau đây nói về cuộc tranh đấu của Phan Châu Trinh cho độc lập dân tộc, cũng như những cố gắng đánh thức người Việt Nam, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, như điều kiện tiên quyết, có thể được xem là tác phẩm kỷ niệm sinh nhật thứ 150 của ông, rất đáng đọc. Sách được in tại Nxb Trẻ năm 2018, và sau một thời gian bị giữ lại vì lý do kỹ thuật để hoàn chỉnh, nay đã được phát hành ra thị trường, Xin giới thiệu với bạn đọc:
Xem bài giới thiệu chi tiết:
Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh tại Quận Tân Bình
Đám tang cụ Phan Châu Trinh tại Sài Gòn năm 1926