Trong tập thơ Time Is a Mother (Thời gian là một người mẹ), Ocean Vương thử tìm cách giải đáp về ngôn ngữ – và lịch sử của chính mình.
Paul Mendez, Nothing to Hide Under All This Sun by Paul Mendez | Poetry Foundation
Hoàng Hưng dịch
Là người thành thạo ngôn ngữ thứ hai, một trong những nỗ lực lớn của Ocean Vương là đặt câu hỏi về ý nghĩa đằng sau các thành ngữ và lối tu từ mà người bản ngữ thường coi là hiển nhiên. Vương chia nhỏ những cái đó và làm cho chúng có ý nghĩa. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với tạp chí Fantastic Man, anh ấy cho rằng công việc của mình với ngôn ngữ tiếng Anh chịu ảnh hưởng từ tiếng Việt mà anh ấy gọi là “mang âm điệu… đơn âm tiết”. Như anh ấy giải thích, mỗi âm thanh đều có cuộc sống riêng của nó… nếu bạn là một đứa trẻ Việt Nam lắng nghe trong một gia đình Việt Nam, cuộc sống của bạn phụ thuộc vào từng âm tiết… “Khi tôi nghe tiếng Anh, tôi nhận ra rằng tiếng Việt gần như trở thành một thứ siêu năng lực… Tôi có thể nghe thấy âm nhạc bên dưới mọi thứ”.
Từ tiếng Việt cho tình yêu (love) và sự yếu đuối (weakness) giống nhau: yếu [chỗ này người viết nhận định sai vì không nắm được thanh điệu tiếng Việt – ND]. Càng yêu ai, bạn càng dễ khiến mình phải chịu nỗi đau mất mát.
Nỗi đau mất mát và nguy cơ bạo hành nam giới là trung tâm trong tác phẩm của Vương, bao gồm tập thơ Night Sky With Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu) (2016) và tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) (2019). Bộ sưu tập mới của anh, Time Is a Mother (Penguin Press, 2022), khám phá thêm về đề tài này và các đề tài trở đi trở lại khác: trạng thái của Vương như một nhà văn, một người Mỹ gốc Á, một người con của cha mẹ sống qua chiến tranh ở Việt Nam và trải qua hội chứng hậu chấn thương tâm lý, một “faggot” [từ xúc phạm để chỉ người đồng tính ái nam – ND], một người tị nạn không phải người da trắng, đồng thời là nhân chứng và nạn nhân của bạo lực gia đình. “The Bull” (Bò mộng), mở đầu bộ sưu tập mới, khiến độc giả cảnh giác cao độ với một tình huống nhập nhằng có thể xảy ra theo một trong hai cách. Người nói bắt gặp một nhân vật bí ẩn ở sân sau của mình. Sự vắt dòng tạo ra một cảm giác chuyển động trong đêm yên tĩnh: “Gió / trong các cành cây.” Bóng tối hình thành như một vết bầm tím. Một chỗ vắt dòng khác, “đôi mắt màu xanh/ dầu hỏa”, làm dịu mối đe dọa ban đầu và đồng thời – đối với đôi mắt màu Đen của người nhìn này – củng cố nó.
Dù Time Is a Mother là một bể chứa đau buồn, nhưng đó cũng là một cuộc tìm kiếm sự thật và là không gian để Vương suy ngẫm về lý do tại sao phải viết, tại sao phải tiếp tục sống sau khi “vùi dập nó trong mất mát”, dùng các thành ngữ nói lên sự tàn bạo của người nam da trắng và chiến tranh của Mỹ, biến máu đổ của những thường dân vô tội thành ngôn ngữ thơ. Tiếng Anh, ở đây được ví như cái bóng mà cơ thể bị hành hình treo cổ [lynch] hắt xuống, là ngôn ngữ của trí tưởng tượng và cách thể hiện bản thân của Vương, nhưng không phải nói về mối quan hệ của anh với mẹ mình, người mà cuốn tiểu thuyết Briefly Gorgeous nói tới trong hình thức một bức thư. Cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại bán tự truyện và Vương có nhiều điểm giống với nhân vật chính của nó, Little Dog (Cún Con), bao gồm tiền sử nghiện ngập và lạm dụng. Âm vang của cuốn tiểu thuyết xuất hiện trong “Dear Rose” (Rose thân yêu), một tiếng thét đứt hơi, không có chỗ ngắt, của một bài thơ xuyên qua một cơn bão đạn, giống như Briefly Gorgeous, bắt đầu bằng dòng chữ, hãy để tôi bắt đầu lại và tiếp tục “Pink Rose Hồng mẹ ơi /mẹ có đang đọc cái này bạn đọc/ thân mến bạn có phải là mẹ của tôi chưa / Tôi không thể tìm thấy mẹ nếu không có bạn”.
Trong “Lịch sử của một cựu nhân viên tiệm làm móng trên Amazon”, tác giả bày tỏ lòng tưởng nhớ đơn giản và cảm động đến mẹ của mình, người đã qua đời vì bệnh ung thư. (Mẹ của Vương mất vì ung thư vú vào năm 2019). Bài thơ là danh sách những món hàng mẹ anh mua hàng tháng trong gần hai năm: thiệp cảm ơn cho những khách hàng thân thiết của bà, son môi màu Night Out Red, thuốc tẩy, nhiều gói Advil, và những khoảng thời gian lạnh giá không có hoạt động nào cả. Nó ghi lại sự kết thúc của một việc làm ăn, một cơ thể, một cuộc đời. Mặt hàng cuối cùng là một đôi tất len màu xám – cha của tác giả làm việc trong một nhà máy sản xuất tất. Với việc Vương sử dụng tính quay vòng một cách hiệu quả trong suốt tác phẩm của anh ấy, tôi không thể không nghĩ đến những chú chó bông màu trắng nhỏ trên một đứa trẻ sơ sinh và nhận ra trong Briefly Gorgeous rằng thì hiện tại của Rose, tên mẹ của anh, là rise (đang trỗi dậy). Dưới ánh sáng vụ xả súng ở Atlanta năm 2021, trong đó một người đàn ông da trắng giết chết tám người, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á, tại ba tiệm spa quanh thành phố, bài thơ cũng giống như một bài trầm tư về sự mong manh của mẹ anh, làm việc trong một ngành nghề mà ở đó bà cũng có thể ngẫu nhiên là mục tiêu.
Trong cuốn sách We Should All Be Feminists (Chúng ta, tất cả, nên là những nhà nữ khuynh) (2014), Chimamanda Ngozi Adichie viết, “Chúng ta gây bất lợi lớn cho các bé trai trong cách chúng ta nuôi dạy chúng. Chúng ta bóp nghẹt tính nhân văn của các bé trai. Chúng ta định nghĩa nam tính theo một cách rất hạn hẹp. Nam tính là một chiếc lồng nhỏ, cứng, và chúng ta nhét các bé trai vào trong lồng. Chúng ta dạy các bé trai sợ hãi sự sợ sệt, yếu đuối, dễ bị tổn thương”. Bài 14 dòng “Old Glory” (quốc kỳ Hoa Kỳ) được xây dựng từ những câu nói hàng ngày tưởng như vô thưởng vô phạt, lần lượt xuất hiện như những câu nói của những ông bố thợ tẩy quần áo huênh hoang, sau đó là những người cựu lực sĩ say xỉn tại một câu lạc bộ thoát y. Như Vương đã nhận xét trong một bài luận ở tạp chí Paris Review năm 2019, ngôn ngữ cho thấy “từ vựng của sự chinh phục” lan truyền và ăn sâu vào sự đe dọa một cách thoải mái như thế nào. Bài thơ mở đầu:
Đấm chúng chết đi, anh bạn to lớn. Vào đó đi
súng rực sáng, anh bạn. Bạn đã nghiền nát
tại cuộc biểu diễn. Không, đó là một trận thắng dễ dàng. Không,
một cuộc thảm sát. Tổng giết chóc quá mức cần thiết.
Trong “American Legend” (Truyền thuyết Mỹ), diễn giả của Vương có thể đưa cha anh đến gần anh hơn chỉ bằng cách đâm vào chiếc xe mà họ đang ngồi, dường như giết chết ông. Anh ấy đang “lái xe / với ông già của tôi. Một ngày lãng phí / để dành cho làn khói cobalt / khép lại quanh ta. / Chúng tôi đang trên đường đi giết / con chó của chúng tôi, Susan.” Màu xanh cobalt là chất phấn, mềm được sử dụng trong đồ sứ Trung Quốc, nhưng bản thân cobalt có màu xám bạc, vì vậy thời tiết thay đổi ngay trên đầu người đọc khi diễn giả vô tình mà cố tình biến bánh xe quá cứng thành một chiếc kẹp tóc ở tốc độ cao:
[…] Khi màu sắc xoay tròn
qua kính chắn gió, kim loại
hoang dã leng keng
vai của chúng tôi, ẩm ướt
bất ngờ ấm áp
ở khắp mọi nơi, ông đâm sầm
vào tôi &
chúng tôi đã ôm nhau
lần đầu tiên
trong nhiều thập kỷ […]
tôi đã làm việc ấy để giữ
cha tôi, để giải phóng
con chó của tôi.
Như gợi ý trong “Ars Poetica as The Maker” (Nghệ thuật Thơ như Đấng Sáng tạo), Vương viết để sở hữu một cái gì đó mà anh đã không thể kiểm soát, để thuần hoá một cái gì đó thành sự dịu dàng, để than thở về những mất mát không cần thiết: “Vì cánh bướm vàng / chập chờn trong bùn đen / là một từ / mắc cạn bởi ngôn ngữ của nó.” Chủ nghĩa tượng trưng màu sắc nhấn mạnh nỗi trăn trở thường trực của tác giả với thân phận của mình như một “người khác” và lưỡng cảm của anh về nghề cầm bút: “Bởi ai cũng biết nỗi đau màu vàng, nén vào chữ Mỹ, hoá thành vàng”. Trong văn hóa Việt Nam, màu vàng kim là màu của tự do. Màu trắng – tượng trưng cho sự thuần khiết, minh bạch và cái chết – xuất hiện khắp nơi trong những trang sách này, từ thiên thần tuyết mà diễn giả tạo ra trong “Snow Theory” (Lý thuyết Tuyết), như thể làm mẹ anh sống lại, đến tuyết mà cộng sự của anh xúc trong khi diễn giả nướng bánh mì, suy tư về một công thức do bà của đối tác của anh ấy truyền lại, khuyến khích anh ấy “đánh trứng cho đến khi có màu vàng hạnh phúc”, như trong “Nothing” (Không có gì). Màu đen – đại diện cho cái ác – báo hiệu mối quan tâm về môi trường. Hài âm đập thình thịch của câu “inkwell black oil wrung through your father’s fingers after a day beneath the Buick” (dầu đen như mực vắt qua ngón tay của cha bạn sau một ngày bên dưới chiếc Buick) cho thấy sự tàn nhẫn của các công ty dầu mỏ. Trong “The Last Prom Queen in Antarctica” (Nữ hoàng vũ hội cuối cùng ở Nam Cực), diễn giả tuyên bố, “Tôi muốn / chăm sóc hành tinh của chúng ta / vì tôi cần một / nghĩa địa đẹp.”
Vương chiêm ngắm những chấn thương đã ghé thăm trên những cơ thể Da đen và da nâu (và theo cách nói của anh ấy là da vàng) nhân danh màu da trắng và nơi nền văn hóa bá quyền bị lật đổ. Khi còn nhỏ ở Việt Nam, mẹ của anh, một cô gái có màu da sáng có thể “được coi như” da trắng (cho đến khi cô cất tiếng nói), đã bị những kẻ bắt nạt bôi cứt bò để biến bà thành màu da “đúng”. Trong phần lớn công việc của mình, Vương tạo ra một liên minh của những người không phải là người da trắng, trong đó người Mỹ gốc Phi, AAPI (người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương) và những lịch sử bản địa kết nối với nhau. Ví dụ: trong một cảnh cảm động trong Briefly Gorgeous, nhà thờ Da Đen chào đón mẹ của anh ấy và trong một cảnh khác, bánh thánh trở thành một phần trong chế độ ăn của gia đình. Trong Time Is a Mother, “The Punctum” được trình bày dưới dạng một đoạn văn xuôi giống như một bia mộ, ghi nhận cuộc sống của “hơn 350 vụ giảo hình treo cổ (lynching) được ghi chép sơ sài ở California [từ năm 1830 đến năm 1935], nạn nhân chủ yếu là dòng dõi người Mexico, người Trung Quốc và người Mỹ bản địa”. Diễn giả tự ràng buộc mình với những di sản bạo lực này:
Không có gì để che giấu dưới mặt trời chói chang này. Và tay bạn di chuyển lên cổ họng, để đảm bảo rằng bạn vẫn là người nói, rằng tiếng Anh vẫn là sự thất bại được nhớ đến của bạn. Rằng nó không đọng lại thành một vũng đen như mực dưới chân bạn. Bạn cảm thấy đau ở cổ họng vì lịch sử đã chứng minh hộp sọ nằm trong tay những kẻ đào mộ thường là thứ nằm sau khuôn mặt bạn.
Trong “Toy Boat” (Chiếc thuyền đồ chơi) dành riêng cho Tamir Rice, một chiếc thuyền nhựa màu vàng trôi trên biển đen, mà tôi đọc là biểu tượng của Đại Tây Dương như một nấm mồ cho vô số người da đen đã trốn thoát – hoặc bị vứt bỏ khỏi – quá trình nô dịch trong những chuyến bị đưa qua Đại Tây Dương sang miền Đất Mới. Như đã được ghi chép rõ ràng, dưới “con mắt duy nhất đè xuống chúng tôi,” như Vương viết trong “The Punctum”, nỗi đau khổ của người Da Đen được tiếp thị như một trò giải trí dưới hình thức các thi thể bị treo cổ. Những người da đen và da nâu (và da vàng) đã gánh trên vai gánh nặng của cuộc chiến tranh và nạn diệt chủng toàn cầu trong khi cơ thể đầy thương tích của họ đã bị xóa sổ. Như Little Dog đã nói trong Briefly Gorgeous, “Sự thật là, tôi lo lắng rằng họ sẽ bắt được chúng tôi trước khi họ hiểu được chúng tôi.”
Đối với tất cả sự đau buồn, các nhà văn phải có được một sự tự do và quyền lực nhất định sau khi mất cha mẹ, và chắc chắn, họ có được không gian để suy ngẫm. Trong “Rise & Shine” (Mọc lên và chiếu sáng), diễn giả tự nhận mình là “đứa con tử tế” vì đã làm nước mắm theo cách mẹ dạy, nước mắm thực chất là sự thối rữa của cả con cá chết, cái chết trở thành thức ăn, cái cách mà cái chết của cha mẹ, bạn bè và những người yêu của diễn giả duy trì sự khám phá nỗi đau buồn này. Bài thơ cũng đề cập đến chứng nghiện: “Cạo 8,48 đô la cuối cùng / từ lọ thủy tinh. / Số tiền tip đáng giá ngày làm việc của bạn / ở tiệm làm móng. / Đủ cho một cú. Đủ / ngon lành / đến trưa nhưng / đôi tay này đã / mờ đi”.
Người ta có thể gọi tác phẩm của Vương là tự truyện hư cấu (autofiction), nhưng theo suy nghĩ của tôi, nó gần như “tự lý thuyết” (autotheory) bằng cách kết hợp những câu chuyện của dòng mẫu hệ với phương thức thú tội của riêng anh ấy, trong khi suy ngẫm, với những tham chiếu thường xuyên đến Barthes, đến tự nhiên, trạng thái đồng tính ái, bạo lực, chiến tranh và ngôn ngữ… Autotheory là một chủ đề mà nhà văn Lauren Fournier gần đây đã mở rộng để mô tả thói quen của các nghệ sĩ và nhà văn theo chủ nghĩa nữ quyền – Maggie Nelson và Audre Lorde, trong số những người khác – để đưa trải nghiệm sống vào trung tâm các khung nghệ thuật quan trọng của họ. Các nhà phê bình nam đã từng coi trọng cái Tôi trong giới phê bình mà quên rằng Saint Augustine, Nietzsche và Freud đều là những người ủng hộ autotheory từ rất lâu trước khi thuật ngữ này được đặt ra vào năm 1997. Vì vậy, điều quan trọng là các nhà văn di dân phải gánh vác trách nhiệm kể chuyện,vì hậu duệ của họ, những người có thể không thể hoặc không sẵn sàng nói cho chính mình, vì e rằng họ sẽ vô tình tuân thủ diễn trình tẩy xóa.
Người ta hy vọng rằng sự thức tỉnh văn hóa của mỗi thế hệ kế tiếp sẽ nhẹ nhàng hơn là “mảnh đạn găm vào não tôi, thứ được gọi là học hỏi,” như Vương viết trong “Dear Sara” (Sara thân mến), câu trả lời cho câu hỏi về sự vô ích của việc viết lách của một cô cháu gái bảy tuổi đặc biệt sớm phát triển. Trong “No One Knows the Way to Heaven” (Đường lên trời không ai biết) xuất hiện trên trang dưới dạng hai cột văn bản ghép vào nhau với những khoảng cách không đều nhau ở giữa, giống như những đôi tình nhân say mê ủ ấm cho đứa trẻ chưa chào đời, Vương giao tiếp với đứa con trai tương lai có thể sẽ không bao giờ được sinh ra; như anh ấy quan sát, cuộc sống chỉ là một lối vào cổng mà mọi người đi qua, quá khứ là một căn phòng và thế giới bên kia là một căn phòng khác. Mặc dù mẹ anh ấy được hoài thai từ một lần quan hệ duy nhất với một gã John người Mỹ vô diện, “khi một người đàn ông và một người đàn ông làm / tình, họ chỉ / làm tình. Thế là đủ / cho anh, nhưng không đủ / cho em”.
Khái niệm về một “gia đình được chọn” rất phức tạp bởi vì nó là điểm hạ cánh thuận tiện cho thuyết dị chuẩn hóa và bởi vì các gia đình đã thường xuyên và trong một thời gian dài đổ chất độc vào cuộc sống của những người đồng tính ái. Trong cuộc phỏng vấn cho báo Fantastic Man, Vương nói về cộng đồng người đồng tính ái giàu có mà anh là thành viên ở Northampton, Mass., nơi mọi người sử dụng kỹ năng, kiến thức và chuyên môn của mình để giúp đỡ lẫn nhau và nơi tổ chức các chuyến tàu chở đồ ăn cho những người gặp khó khăn. Trong những bài thơ này, gia đình và cộng đồng đôi khi tìm thấy sự hiện thực hoá ẩn dụ trong tự nhiên. Cây cối, một mô-típ lặp đi lặp lại, “trông giống như những ông nội đang cười trong mưa.” Với hệ thống rễ ăn sâu của mình, cây cối vẫn tồn tại ngay cả khi đã chết, nơi chúng là chủ của hệ sinh thái, quấn vào nhau. Để đối phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như ung thư và khủng hoảng thuốc phiện, Vương nhớ lại các nhà thơ của đại dịch AIDS, chẳng hạn như Essex Hemphill và Thom Gunn. Có một cảm giác rõ ràng về sự đánh giá lại và một giọng điệu trầm lắng, có lẽ, mang âm hưởng của thiền toả (lockdown meditation). Trong nhiều bài thơ, những suy nghĩ tản mạn kết hợp lại với nhau như những bức ghép dán của những đồ vật được tìm thấy, tạo ra cảm giác xa lạ và gợi lên cách thức hoạt động của tâm trí khi những tác nhân bên ngoài gợi ra những suy nghĩ và ký ức ngẫu nhiên. Như thể, đã tận mắt nhìn thấy cấu trúc sự tồn tại của con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi qua bệnh tật và nghiện ngập, người nói lưu giữ những hình ảnh và quan sát rời rạc như mảnh đạn bay giữa các vụ đụng xe, ký ức chiến tranh di truyền và vết sẹo thời thơ ấu của anh. Đôi khi cũng có cảm giác như thể anh ta đang bước vào tâm trí của kẻ gây hấn, với những câu nói như bắn súng hoa cà, như “Đứng lại, tôi là kẻ thua cuộc trên con đường chiến thắng”. Vương đã nói về việc “áp lực của việc tạo ra đôi khi làm hỏng nỗ lực tìm hiểu” và rằng “nếu không có cuốn sách nào khác từ đây trở đi thì cũng không sao.” Sau khi dồn hết nỗi đau vào tác phẩm hay nhất của mình cho đến nay, dòng cuối cùng của Time Is a Mother, “& tôi đã được tự do”, sẽ tạo nên một cái kết phù hợp.