Từ danh sách rút gọn của hạng mục Oscar đến vị trí tượng vàng là khoảng cách vời vợi mà ngay cả đạo diễn lừng lẫy còn khó chạm đến thì nói gì một tên tuổi làm phim non trẻ như Hà Lệ Diễm. Thế nhưng chỉ chừng đó cũng đủ nể phục cô gái người Tày can trường vượt mù sương núi thẳm để thế giới nhìn thấy những tộc người thiểu số.
Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã công bố danh sách rút gọn một số hạng mục Oscar 2023. Đây chưa phải đề cử chung cuộc, các bộ phim có mặt trong danh sách này sẽ trải qua một bước sàng lọc nữa để biết có thể tranh giải trực tiếp không. Đáng chú ý trong danh sách rút gọn, lần đầu tiên phim tài liệu Việt Nam góp mặt ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc, trong top 15 đề cử được chọn ra từ 144 phim tài liệu dự thi, với bộ phim Children of the Mist (Những đứa trẻ trong sương) của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Dự kiến theo giờ Việt Nam, danh sách tranh giải chính thức sẽ công bố ngày 25.1.2023 và lễ trao giải diễn ra ngày 13.3.2023.
Vượt qua sương mù sẽ thấy đường đi
Trước khi được chọn vào danh sách rút gọn Oscar 2023, Những đứa trẻ trong sương đã có hành trình khởi chiếu tại nhiều rạp lớn trên thế giới; tham dự gần 100 liên hoan phim, đoạt hơn 25 giải thưởng, trong đó có nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như: Đạo diễn xuất sắc nhất và Giải đặc biệt của ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay tại liên hoan phim tài liệu quốc tế lớn nhất thế giới Amsterdam 2021 (Hà Lan); Phim tài liệu quốc tế xuất sắc tại liên hoan phim DocAviv 2022 (Israel); Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại liên hoan phim Balimakarya 2022 (Indonesia); Giải thưởng lớn tại liên hoan phim quốc tế về giáo dục 2022 (Pháp);...
Bộ phim dài gần 100 phút này là thể loại phim tài liệu trực tiếp, quay liên tục trong 4 năm (2017 - 2021), phản ánh hành trình tuổi thơ dữ dội của cô bé người Mông tên Di từ tuổi 12 đến 15 ở Sa Pa. Nơi Di sinh sống là một vùng miền núi, tuy gần Tả Phìn nhưng lại được bảo toàn gần như nguyên sơ do không có điều kiện phát triển du lịch. Cộng đồng người Mông tại đây sống khá khép kín với bên ngoài, hiện vẫn giữ nhiều phong tục tập quán của họ, trong đó có tục kéo vợ. Bộ phim phản ánh mặt trái của tục lệ này, bao gồm nguy cơ bắt cóc, buôn bán người...
Tuy nhiên đó không phải câu chuyện về người xấu và nạn nhân. Phim có sự đồng cảm với hai bên khi các thế hệ cùng mắc kẹt trong chính những tục lệ vẫn còn giá trị với cộng đồng. Họ bị giằng xé giữa một tục lệ truyền đời đang tiếp diễn với vấn đề đương đại về bình đẳng giới.
Hà Lệ Diễm phát biểu nhận giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, tại liên hoan phim tài liệu quốc tế lớn nhất thế giới Amsterdam năm 2021. Ảnh: TLNV
Hành trình của Di khi chống lại tục kéo vợ không nguyện ý vào dịp Tết Nguyên đán được mô tả trong phim đầy kịch tính, cho thấy cô gái mới lớn này vừa bướng bỉnh vừa có tư duy độc lập, không muốn biến mình thành một nạn nhân đương nhiên của tục lệ. Bộ phim ghi lại chân thực cuộc sống con người, cảnh quan miền núi Sa Pa một cách đa chiều và đầy cảm xúc, đưa đến cho người xem góc nhìn không phán xét, tôn trọng những phong tục và văn hóa khác nhau. Đúng hay sai, ủng hộ hay phản đối thì chỉ có những người trong cuộc mới thấu thị.
“Tôi có ý định làm bộ phim này từ 2017, khi tham gia chương trình lưu trú và đồng sáng tác nghệ thuật tại các cộng đồng có đại diện thuộc Nhóm tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiếu số, với sự hỗ trợ của viện iSEE. Khi lên Sa Pa tôi được ở nhà Di. Trong một lần theo chân bé lên đồi chơi, chứng kiến cảnh các em ấy hồn nhiên chơi trò kéo vợ, tôi bỗng thấy sợ khi hình dung chỉ vài năm nữa thôi trò chơi của các em có thể trở thành sự thật.
Trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện những câu hỏi khi liên tưởng đến tuổi thơ của mình: Tại sao tuổi thơ lại biến mất? Tại sao mình phải lớn lên? Tại sao phải đối mặt với những vấn đề của người lớn?… Khi đấy tôi muốn làm một bộ phim để lưu giữ những khoảnh khắc rất đẹp của tuổi thơ và tôi bắt đầu quay Di cùng với các bạn nhỏ khác”, Diễm hồi nhớ.
Về hình ảnh sương mù trong phim, Diễm cho biết ngày còn đi học cấp một ở quê nhà Bắc Kạn, đường đến trường bé xíu và phải lội bộ xuống núi tầm ba, bốn cây số trong màn sương phủ trắng. Có những ngày sương mù dày đặc như một bức tường chắn hết đường đi. Cô thấy sợ, không dám bước tiếp mà quay về nhà. Cứ thế cô nghỉ học suốt. Bố mẹ biết được bắt phải đến trường.
“Lúc đó tôi rất sợ sương mù nhưng không thể không đi. Bước ra khỏi nhà, tôi lấy hết sức can đảm bước vào màn sương ấy và nhận ra rằng, mình cứ đi từ từ sẽ nhìn thấy con đường phía trước từng chút, từng chút một.
Từ đó tôi bớt sợ sương mù. Khi làm phim Những đứa trẻ trong sương tôi đã nghĩ đến cảm giác vượt qua màn sương ấy. Sương mù trong phim cũng là một nhân vật…”, Diễm chia sẻ.
Điện ảnh cho cơ hội sống cuộc đời khác
Hà Lệ Diễm là người Tày, sinh năm 1991 ở Bắc Kạn. Cô gái có làn da trắng và giọng nói trong veo lớn lên ở bản Bung, từ nhỏ đã được ông nội là giáo viên cấp một cho đọc nhiều sách.
Những buổi chiều tan học sớm, trẻ em vùng cao thường lân la bên Diễm để được nghe cô kể chuyện. Học xong cấp ba, Diễm thi vào Khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội) với suy nghĩ sẽ được đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều thú vị và kể cho mọi người.
Thế nhưng ra trường đi làm một thời gian, cô cảm giác mình đang lạc đường. Rồi cơ may đưa Diễm đến với khóa học làm phim năm 2012 tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh và Trại sáng tác phim tài liệu Varan Vietnam năm 2016, từ đây Diễm quyết định đi theo con đường làm phim tài liệu độc lập.
Gia tài 10 năm làm phim của Diễm chỉ mới có 3 tác phẩm, ngoại trừ Giường xinh là bài tốt nghiệp khóa học làm phim tài liệu Varan Vietnam năm 2016, còn lại hai phim đều đoạt giải: Con đi trường học - phim tài liệu đầu tay Diễm tự làm một mình các vai trò sản xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim... khi còn là sinh viên đại học và đã đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2013 (năm đó không có giải Vàng).
Phim kể về một người mẹ đơn thân người Dao sống tại một ngôi làng biệt lập ở đông bắc Việt Nam từng phải chịu đựng HIV lây nhiễm từ người chồng nghiện ma túy. Điều may mắn là đứa con duy nhất của cô không nhiễm HIV, nhưng càng lớn lên, em càng ít cơ hội đến trường. Mỗi ngày, cô đạp xe chở con hơn 10 km đến trường.
Bé Di trên poster phim Những đứa trẻ trong sương - lần đầu tiên Việt Nam có phim được chọn vào danh sách rút gọn Oscar 2023 hạng mục Phim tài liệu xuất sắc
Còn Những đứa trẻ trong sương có sự hỗ trợ sản xuất, dựng phim của vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, hậu kỳ bởi Purin Pictures và White Light Studio (Thái Lan)... “Tính cách tôi hơi khép kín nên phim tài liệu hợp với tôi hơn, vì để thực hiện không tốn quá nhiều tiền và cũng không phải làm việc với quá nhiều người.
Phim tài liệu có những cảnh mà không một bộ phim điện ảnh nào có thể dàn dựng được bởi nó đi ra từ đời sống. Tôi thấy vui khi được gặp những con người thật, được sống trong không gian của họ, bối cảnh của họ. Tự nhiên có cơ hội sống một cuộc đời khác, như một con người khác, ở một chiều không gian khác, đó là một trải nghiệm rất thú vị mà không nghề nào khác có thể làm được”, Diễm bày tỏ.
Diễm cho biết mình thích các đề tài về trẻ con, phụ nữ hoặc mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. “Ngoài những chỗ cũ, gần đây tôi cũng đi Tây Nguyên và miền Tây xem có gì hay. Dù chưa có dự định cụ thể, tôi vẫn cứ đi và nhìn ngắm...”, Diễm chắc giọng.
Hà Lệ Diễm trong những ngày lên Sa Pa thực hiện phim tài liệu độc lập. Ảnh: TLNV
Còn quá sớm để nhận định kết quả Oscar 2023 cho Những đứa trẻ trong sương, cũng như thành tựu điện ảnh trong tương lai của Hà Lệ Diễm. Ngay cả cô cũng không muốn mình phải mang vác quá nhiều kỳ vọng khi đi tiếp con đường nhọc nhằn làm phim tài liệu trực tiếp, bởi: “Mỗi phim có một số phận riêng, phim này có thể được nhiều người quan tâm hơn nhưng phim sau biết đâu không được quan tâm lắm…”.
Tuy vậy, dù có thế nào thì với một cô gái Tày sinh ra và lớn lên giữa muôn trùng thiệt thòi của những tộc người thiểu số, việc Hà Lệ Diễm nỗ lực vượt qua những “sương mù” học hành, định kiến, kỳ thị để có được cơ hội phát triển bình đẳng như bao người trẻ, được làm phim theo cách của mình, được thế giới nhìn thấy và gọi tên thì cô cũng đã rất xứng đáng để được nhận một “Oscar nghị lực”.
Nguyễn Khải
*Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2023