Có thể gọi ông là “chính ủy” ông không thích. Bởi vì danh xưng này là chỉ một chức vụ trong quân đội, lại nữa là hình như ta du nhập nó từ Trung Quốc sang, sau chiến dịch biên giới 1950. Còn bởi vì chính ủy là người làm công tác chính trị – tư tưởng trong quân đội, giữ cho sĩ quan và binh lính không đi trật đường ray đã vạch và đã định. Quân đội đề cao kỷ luật, trong đó kỷ luật chính trị – tư tưởng là cao nhất, mạnh nhất, và nghiêm khắc nhất.
Năm 1962 khi vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến lần thứ hai, Nguyên Ngọc lấy bút danh Nguyễn Trung Thành để chiến đấu bằng ngòi bút. Các nhà văn nhà thơ đi B hồi ấy đều phải đổi tên, nhiều người chọn tên vợ con làm bút danh để mang theo tình thương nỗi nhớ từ gia đình, hậu phương, như Nguyễn Ngọc Tấn thành Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh thành Nguyễn Thành Vân, Nguyễn Xuân Thiều thành Nguyễn Thiều Nam. Bút danh Nguyễn Trung Thành của Nguyên Ngọc, theo tôi nghĩ, được đặt để bày tỏ một niềm tin, một quyết tâm, một tấm lòng. Chính dưới tên gọi đó ông đã có bài tùy bút nổi tiếng Đường chúng ta đi khẳng định ý chí tiến công cách mạng của nhân dân Việt Nam trước sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ. Ông kể: ông viết bài tùy bút này như một lời hịch, lời hiệu triệu quân dân, theo gợi ý của đồng chí Võ Chí Công khi đó là chính ủy khu Năm rằng thời chống quân Minh ta đã có bài Bình Ngô thì thời nay chống Mỹ ta cũng cần phải có một bản hùng ca tráng khí như vậy. Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành đã viết với tất cả sự hào hùng lãng mạn của ông và đất nước hồi ấy. Bây giờ đọc lại bài tùy bút đó những ai đã đi qua con đường chiến tranh vẫn thấy xúc động và tự hào. Và tác giả cũng không nghĩ khác thế, tôi chắc vậy, dù thời thế có đổi khác, bởi vì cảm hứng trong bài viết sẽ xuyên suốt toàn bộ hành trạng về sau của ông là cảm hứng nhân dân và dân tộc. Mà dân tộc và nhân dân là trường tồn, là cái gốc.
Nguyên Ngọc chính ủy là vì thế, và như thế. Nhưng cái chất chính ủy trong con người ông là “động” chứ không “tĩnh”, lại được hòa trộn trong máu của một người con Quảng Nam, vùng đất vốn có “gien” phản kháng và phản biện (“Quảng Nam hãy cãi”). Ông hướng tới cái cao cả, cái anh hùng trong chiến tranh, nhưng rất sớm phát hiện “mạch nước ngầm” của hiện thực cuộc sống. Ông không chịu được sự phản bội, cụ thể trong một trận đánh, trong một con người, nhưng rộng ra là đối với một lý tưởng, một sự nghiệp. Trường hợp cuốn tiểu thuyết Đất Quảng của ông vĩnh viễn bị bỏ dở là một thí dụ điển hình. Ông kể: “Hồi ấy tôi đã viết xong tập 1 tiểu thuyết Đất Quảng, đang viết tiếp tập 2, gần xong. Nhưng chính chuyến đi Điện Bàn ấy đã cắt đứt sáng tác của tôi. Anh bí thư xã, là nguyên mẫu nhân vật chính trong tiểu thuyết của tôi, đã đầu hàng địch khi bị chúng khui trúng hầm bí mật. Tất cả cảm hứng sáng tác của tôi bỗng chốc tiêu tan. Tôi đốt bản thảo tập 2. Ông Võ Chí Công biết được. Ông bảo tôi, nửa thông cảm, nửa trách móc: Đấy là nhân vật hư cấu chứ, là nhà văn thì phải biết vượt qua được những tình huống như vậy chứ.” (SGTT, 12/9/2011). Có thể lấy làm tiếc là nhà văn Nguyễn Trung Thành đã bỏ lỡ một cơ hội để xoáy sâu vào một nhân vật như thế, từ người anh hùng thành kẻ đầu hàng, dựng nên một tác phẩm đi sâu và khái quát về cuộc chiến, song chính ủy Nguyên Ngọc đã không chấp nhận được điều này và gạt phăng nó ra khỏi văn chương.
Nhưng vậy là đã xảy ra một “cú sốc” tư tưởng ở đây, nếu có thể nói vậy. Câu chuyện về tiểu thuyết Đất Quảng là vào đầu những năm 1970, từ đó nhà văn Nguyễn Trung Thành hầu như ngừng bút, còn “chính ủy” Nguyên Ngọc ngày càng nhận thức sâu hơn, khác hơn về thực tại– “thực tại” hiểu vừa như một thực tế vừa như một phạm trù triết học. Quá trình nhận thức này sẽ kết tinh lại trong bản “Đề dẫn” ông viết và đọc với tư cách Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam tại hội nghị Đảng viên bàn về sáng tác văn học (11-13/6/1979). Có thể coi đây là một điểm mốc, một bản lề, từ đó “chính ủy” Nguyên Ngọc trở thành nhà tư tưởng Nguyên Ngọc, hơn thế, nhà tư tưởng hành động. Sau hội nghị này ông bị mất đi một vài thứ, nhưng cái được lớn là ông thấy rõ hơn cái hướng tư tưởng của mình, thấy rõ hơn con người, con người cá nhân cụ thể và con người nhân sinh.
Hãy nhớ lại những năm cận kề trước và sau mốc 1975. Chiến tranh đi đến hồi kết với tất cả sự khốc liệt của nó, và hiện thực cuộc sống cũng bắt đầu phơi bày những mảng sáng tối nghịch cảnh mà nguyên nhân không chỉ do chiến tranh. Rất nhanh khi cuộc chiến chấm dứt, những người cầm bút tỉnh táo và nhân văn đã thấy có sự “trật khớp” giữa cái viết hiện hành và thực tế, giữa trang văn và số phận con người. Thứ “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” từng được tụng ca, đề cao giờ không hợp thời nữa. Phải thay đổi. Bản “Đề dẫn” của Nguyên Ngọc, theo lời ông kể, đã được viết ra từ những suy nghĩ nung nấu trong chiến tranh, cho tới khi ông sang Campuchia tận mắt thấy thảm cảnh diệt chủng của bè lũ Pol Pot gây ra cho chính dân tộc này thì những suy nghĩ đó trở nên cấp thiết và chín muồi. Ông có sự bừng thức tư tưởng. Văn học nói sâu xa là tư tưởng. Và không có tư tưởng nào biện hộ được sự chính đáng của nó trên sự khốn cùng của con người. Cùng với hai bài viết của Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến, bản “Đề dẫn” đã làm thành một sự kiện văn học sử được gọi là “vụ 79”.
Hãy đọc lại Nguyên Ngọc nhà tư tưởng văn học của năm 1979.
“Nhìn lại những tác phẩm văn học được viết ra trong thời kỳ này, chúng ta thấy mặt đấu tranh xã hội, − tức là mặt chuyển động trong chiều sâu của hiện thực, − được phản ánh còn mờ nhạt. Dường như lịch sử được tái tạo lại trong văn học mới còn chủ yếu ở những đường nét lớn chung nhất của nó, trên các sơ đồ chung nhất của nó; còn ở những tần số rung động sâu xa, tinh vi của nó thì chưa rõ rệt. Trong văn học, lồ lộ khá rõ là số phận chung của cả dân tộc, cả đất nước, nhưng còn số phận riêng của từng người, từng thành viên trong đội ngũ lớn đó thì còn khá sơ lược, giản đơn. Mặt yêu nước nổi bật lên, − và đây là một chỗ mạnh của văn học ta thời kỳ này như đã nói ở trên, − nhưng mặt đấu tranh xã hội thì không rõ bằng. Tính thơ lý tưởng của cuộc chiến đấu được biểu hiện khá mạnh, nhưng còn tính sần sùi phức tạp của đời sống thì yếu hơn. Cho nên tính hiện thực của văn học có bị hạn chế.”
Đó là khi ông nhận định về một thời đã qua. Còn đây là lúc này:
“Khi một người cầm bút giao động, ấy là khi anh ta giao động về nhân vật trung tâm của mình, về con người lý tưởng của mình. Khi anh ta bắt đầu nghi ngờ con người ấy trong hiện thực, hoặc ít ra là anh ta bối rối về họ, từ đó mà giảm lòng tin yêu ở họ. Cái lòng tin yêu vốn phải cháy bỏng, niềm khao khát đến cháy bỏng về con người, có cái ấy thì mới bắt đầu có cảm hứng sáng tạo nghệ thuật chân chính, mạnh mẽ. Dĩ nhiên người nghệ sĩ không phải cứ chờ cho đến khi con người trong hiện thực đã thật hoàn hảo, suôn sẻ, khi ở họ cái tốt, cái đẹp đã hiện ra thật lồ lộ, minh bạch… thì mới tin và yêu họ. Nếu vậy thì nói cho cùng còn cần gì đến nghệ thuật và người nghệ sĩ nữa. Chúng tôi nghĩ nhiệm vụ của nghệ thuật không chỉ là ở chỗ biểu hiện hiện thực như nó đã có, một hiện thực tĩnh tại, mà chính là ở chỗ mô tả hiện thực như là một cái gì có thể thay đổi được và bồi dưỡng lòng tin, sự khát khao mãnh liệt muốn thúc đẩy sự thay đổi ấy. Phải chăng lúc này có hiện tượng không ít phổ biến là người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở chính điều mình viết ra. “Người là muối mà chính người lại không mặn thì biết lấy gì để muối người”. Văn học, nói theo một cách nào đấy, là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có thể có văn học lớn.”
Từ đó về sau, như một lẽ tự nhiên, Nguyên Ngọc đi sâu vào tư tưởng. Chính ủy là người truyền dẫn tư tưởng của người khác, cái tư tưởng đã có, đã định hình, đó là người đi trên một con đường đã vạch sẵn. Nhà hoạt động tư tưởng là người khởi động và sáng tạo tư tưởng, là người đi tìm, khai phá. Cũng như là lẽ tự nhiên, lối đi tư tưởng đã đưa Nguyên Ngọc đến văn hóa. Đúng hơn là ông đã đi từ văn hóa đến tư tưởng, khác với những người làm tư tưởng từ chính trị. Ông đã từ văn hóa nghệ thuật đến văn hóa tư tưởng. Ở đây có sự thôi thúc của lịch sử, khi đất nước mở cửa hội nhập đòi hỏi phải có những trang bị hiểu biết về nhân loại, của nhân loại, và cũng trong hoàn cảnh là nhân loại ngày càng ý thức rõ hơn, sâu hơn về văn hóa như một thành tố không thể thiếu của phát triển, nhất là phát triển bền vững, và như một cái khung nghiên cứu cho mọi chuyên ngành, liên ngành, vì xét cho đến cùng thì tất cả mọi hoạt động tinh thần và thực tiễn của con người đều là tạo nên văn hóa và chịu sự chi phối của văn hóa. Thời thế (hay hoàn cảnh?) đã cho Nguyên Ngọc phát huy nhiều nhất, cao nhất toàn bộ khả năng con người tư tưởng-văn hóa trong ông, nhờ ở óc tư duy và vốn ngoại ngữ ông sẵn có. Đây chính là thời kỳ phát lộ ở ông dịch giả Nguyên Ngọc.
Ông có một cơ bản tiếng Pháp vững, và trên hết là một lòng say mê đọc và truyền bá tri thức nhân loại cho đồng bào mình. Ông ý thức sâu sắc và rõ ràng về ý nghĩa và tác động to lớn của dịch thuật đối với việc làm giàu có và kích thích phát triển nền văn hóa nước nhà. Từ đó ông coi dịch thuật là một hoạt động chính yếu của mình để góp phần cho công cuộc “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” mà ông là một người tích cực cổ súy và thực hiện. Sự nghiệp dịch thuật của Nguyên Ngọc có hai phần. Phần thứ nhất là dịch về văn chương. Ông đã dịch các công trình lý thuyết của Roland Barthes (Độ không của lối viết), Jean Paul Sartre (Văn chương là gì), Milan Kundera (Nghệ thuật tiểu thuyết; Những di chúc bị phản bội), dịch tiểu thuyết của Atiq Rahimi (Nhẫn thạch). Phần thứ hai là dịch về dân tộc học, chủ yếu là các công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, vùng đất đã trở thành máu thịt của ông đang khiến ông đau đáu cho hiện tại và tương lai của nó. Các sách dịch này dưới bút hiệu Nguyên Ngọc đều có chất lượng cao, có thể nói là bảo đảm được yêu cầu “tín, đạt, nhã” của một bản dịch, do dịch giả hiểu kỹ vấn đề của tác phẩm, đồng cảm và chia sẻ được với tác giả, và nhất là tài năng hiểu, và sử dụng, và sáng tạo tiếng Việt. Nhờ đó, các dịch phẩm của ông khi xuất bản đã được đón đọc tức thì và đã có tác dụng lớn đến nhiều người ở nhiều ngành nghề. Dịch văn chương là khó, dịch các nghiên cứu, lý thuyết càng khó, bởi tính chất chuyên môn của vấn đề, bởi sự phức tạp của thuật ngữ, bởi độ so lệch từ ngôn ngữ nguồn đến ngôn ngữ đích. Nguyên Ngọc nắm vững tiếng Pháp và tiếng Việt, ham thích văn bản trước khi dịch, và nhất là có lòng khao khát nóng bỏng muốn chia sẻ cái đọc được của mình cho rộng rãi mọi người, vì thế ông đã lao động dịch thuật vừa say mê vừa nghiêm túc để cho ra những bản dịch sát đúng nhất đến mức có thể với nguyên bản, lại vẫn thanh thoát, trong sáng ở tiếng Việt. Đọc những dịch phẩm của ông, dù là về văn chương hay về dân tộc học, đều cảm nhận thấy chất văn, hơi văn trong cách dịch, cách diễn đạt chuyển ngữ. Ông đã truyền được cho người đọc cả tinh thần, cảm hứng của người viết và người dịch. Và đó là một thành công.
Nói tới Nguyên Ngọc hiện nay là nói tới những phát biểu, kiến nghị, việc làm trên nhiều lĩnh vực quan trọng của xã hội, ở cả tư cách công dân, tư cách nhà tư tưởng, nhà văn hóa. Viết đến đây tôi nghĩ có lẽ gọi Nguyên Ngọc là nhà văn hóa thì đúng hơn cả vì văn hóa bao trùm, thấu triệt toàn bộ các hoạt động của ông. Ông lên tiếng, bằng lời nói, bài viết, về những vấn đề cấp bách mang tính sống còn của đất nước hiện nay với tất cả nhiệt huyết nồng nàn và đau đớn, có khi phẫn nộ nữa, mà người tiếp nhận có thể đồng tình hay không, chấp nhận hay không, nhưng phản bác lại thì phải có tầm hiểu biết văn hóa, lịch duyệt văn hóa, và phải có nỗi lòng đau đáu thường trực như ông với dân, với nước mới có thể. Trong ông, vẫn có một “chính ủy”: tin những điều mình nghĩ là đúng. Trong ông, vẫn có một sĩ phu xứ Quảng: sẵn sàng xuống đường cùng nhân dân. Trong ông, vẫn có một nhà văn: tin vào người đọc. Trong ông, vẫn có một chàng trai: ham đi, ham cái mới. Trong ông, luôn có một trí thức: biết nghĩ bằng cái đầu của mình, biết dấn thân.
- Theo đuổi sự khác biệt
- Quốc hoa
- Bàn về sự ấu trĩ
- Những sáng tạo nâng giá trị lúa gạo
- Hệ thống quản lý vắcxin của Việt Nam đạt chuẩn WHO
Trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ trên mặt trận. Họ sống, chiến đấu, chia sẻ đến tận cùng những gian khổ, thử thách, hy sinh của người lính trên chiến trường. Nhiều người đã ngã xuống. Nhiều tác phẩm được viết bằng máu.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ trên mặt trận. Họ sống, chiến đấu, chia sẻ đến tận cùng những gian khổ, thử thách, hy sinh của người lính trên chiến trường. Nhiều người đã ngã xuống. Nhiều tác phẩm được viết bằng máu.
Trong tác phẩm “Cuộc hành quân gian lao và vĩ đại”, nhà văn- nhà phê bình Ngô Thảo đã phác hoạ lại sống động bức tranh hoạt động nghệ thuật của một thời kỳ cao đẹp, bi tráng mãi mãi không phai mờ ấy. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo điện tử Tổ Quốc một lần nữa giới thiệu với bạn đọc bài viết đó…
Giữa điệp trùng những lớp người nhiều thế hệ, nhiều dáng vẻ, nhiều binh chủng sôi nổi và hào hùng bước vào một chiến dịch lớn được thể hiện trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, cuốn tiểu thuyết vào loại trội nhất trong loạt tiểu thuyết in những năm gần đây, tôi chú ý đến mấy nhân vật đặc biệt. Không là nhân vật chính, không đi đến tận cùng cuốn sách, nhưng sự có mặt của họ gợi ta nghĩ đến cách sống, trưởng thành và hoạt động của cả một lớp người trong những năm chống Mỹ.
Đó là nhà thơ Thái Văn. Anh thuộc lớp người có mặt trong quân ngũ suốt hai cuộc kháng chiến. Anh đã qua những năm đầu đánh Pháp trên những chiến lũy Hà Nội. Suốt chín năm, anh có mặt trong nhiều chiến dịch lớn với cương vị người cán bộ chính trị một đơn vị chiến đấu. Những vần thơ anh làm ngày ấy đã có một vị trí nhất định trong vốn tri thức mà mỗi người lính trẻ được chuẩn bị trước khi ra mặt trận bây giờ. Và những năm đánh Mỹ, anh lại vẫn dẻo dai bám sát người chiến sĩ. Cùng ra trận với họ hôm nay, hẳn là anh lại sẽ có thêm cảm hứng cho những bài thơ mới, hay hơn.
Đến nữa là Lữ, một chiến sĩ thông tin dũng cảm và nổi bật ở cách cảm nhận đời sống đầy thi vị. Anh tiêu biểu cho một bộ phận lớp trẻ: Hăng hái, giàu nhiệt tình lý tưởng, giàu nghị lực nhưng cũng có những ham mê bồng bột. Từ giã những lớp học tuổi thơ để vào bộ đội không phải là hiện tượng lạ đối với tuổi trẻ khi đất nước bị ngoại xâm. Nhưng cái cách của Lữ thì không phải ai cũng làm: đốt sách, đốt nhật ký những năm đi học với ý nghĩ: Phải từ giã hết, phải ném vào lửa hết, phải ném vào lửa bằng hết tất cả mọi thứ sách vở và bản thân những thằng học trò như mình cũng cần phái ném vào lửa (trang 71). Trong truyện, rồi Lữ đã hy sinh trên một cao điểm ở mặt trận, khi tất cả trong anh mới là một khả năng mơ hồ. Nhưng bao nhiêu kiểu người như Lữ đang còn trong đội ngũ, trong vị trí chiến đấu. Họ đã, đang và sẽ là những người tham gia ngày càng đông đảo vào đội ngũ văn nghệ trẻ trung và đầy triển vọng trong quân đội.
Đó còn là Hiền và đội văn công phục vụ mặt trận. Những năm vừa qua, cả với các diễn viên, tuổi trẻ, tài năng, hạnh phúc, tình yêu riêng đến con đường nghệ thuật, phần lớn gần như đều được định đoạt, đều gắn bó với mảnh đất ta quen gọi: chiến trường.
Gạt ra ngoài phần không chặt, không chu đáo trong bố cục câu chuyện, thì có thể qua họ mà thấy được phần nào hoạt động, con đường đi và cách làm việc của đội ngũ văn nghệ trong quân đội những năm cả nước đánh Mỹ.
*
* *
Nhớ lại thời gian đầu sau cuộc kháng chiến chín năm. Từ các chiến trường, các đơn vị, một số cán bộ, chiến sĩ yêu văn nghệ đang hoạt động nghiệp dư được tập họp, bồi dưỡng và tổ chức thành lực lượng văn nghệ chuyên nghiệp. Có văn học, lại có âm nhạc và hội họa, có cả ca múa và kịch. Sau này, còn có thêm điện ảnh. Dần dà, với sự chuẩn bị đó, mà kịp đến khi bước vào chống Mỹ; trong quân đội đã có cả một binh chủng văn nghệ sung sức, vững vàng, được trang bị khá đầy đủ cả về năng lực và tư tưởng, cả về trình độ chuyên môn cũng như mức độ quen thuộc các chiến trường. Cũng là sự tình cờ, nhưng tập họp trong lực lượng ấy có người của khắp miền đất nước, khắp các đơn vị. Chẳng hạn đội ngũ văn học: Từ các đơn vị chủ lực cơ động và các quân khu phía Bắc có Chính Hữu, Thanh Tịnh, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Vũ Cao, Hồ Phương, Mai Ngữ, Hải Hồ... Sau này là Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách, Nguyễn Trọng Oánh... ở Khu Năm có Nguyên Ngọc, Lưu Trùng Dương, Lê Khâm... và Nam Bộ góp mặt với Nguyễn Ngọc Tấn, Hoàng Văn Bổn, Xuân Miễn... Từ những vùng quê khác nhau họ đem vẻ đẹp riêng của quê mình xây nên vẻ đẹp chung của vườn văn nghệ quân đội cả nước.
Đội ngũ sáng tác âm nhạc, hội họa, biểu diễn và điện ảnh, cũng có một sự hình thành tương tự. Những năm sau hòa bình 1954, có sự phân bố lại lực lượng, một số các anh chuyển ra công tác ở các cơ quan Nhà nước, như Đỗ Nhuận, Hoàng Vân trong nhạc, Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích trong họa, Lê Khâm, Hoàng Cầm, Vũ Tú Nam về văn...
Đội ngũ văn nghệ trong quân đội được kiện toàn và phát triển qua các thời kỳ đấu tranh tư tưởng gay gắt trong văn nghệ để xây dựng một nền văn nghệ mới phục vụ sự nghiệp xây dựng một quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, phục vụ đắc lực hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Nhớ lại những sáng tác của giai đoạn 1954-1964, ta dễ nhận thấy: dù đề tài chống Pháp vẫn được chú ý đúng mức, những đề tài xây dựng bộ đội trong hòa bình và nhất là đấu tranh thống nhất đất nước được đặc biệt chú ý. Đọc lại tác phẩm của các tác giả, quê ở miền Nam, hay do nhiều lý do, tự nhận miền Nam như quê hương sáng tác của mình, chúng ta sẽ hiểu rõ tình cảm, tâm trạng của một lớp người ở vào thời điểm lịch sử đặc biệt ấy. Có một câu thơ giản dị mà chân thực:
Càng nhớ miền
(Tế Hanh)
Đó là một nỗi nhớ thiết tha, thường trực và nóng bỏng. Chẳng hạn những trang viết trong Trăng sáng và Đôi bạn của Nguyễn Ngọc Tấn. Nam Bộ không phải là quê hương của anh - anh sinh ở Nam Hà - nhưng anh đã lớn lên ở đấy! Từ đó, anh gặp cách mạng, tham gia kháng chiến. Một phần đời - có thể là phần chủ yếu - của anh đã diễn ra ở đấy. Những người thân yêu còn ở lại. Cũng là lẽ tất nhiên từ nơi đó ra đi, anh lại sẽ trở về. Khi ra đi anh là một người lính. Tám năm sau trở về, anh là một nhà văn quân đội, như lối ta vẫn gọi bây giờ.
Sống, học tập, rèn luyện trong tình yêu thương đùm bọc của miền Bắc, nhưng với các anh, miền Bắc là hậu cứ của người đi xa, là bệ phóng cúa mỗi người bay tới; đâu phải là chiếc nôi để có thể ngủ yên khi một nửa nước với những người thân yêu đang sống đau đớn trong tay thù?
Bởi vậy, mà không ít người tìm mọi cách, để được có mặt trong đoàn quân đầu tiên bước vào cuộc hành quân gian lao và vĩ đại của những năm đánh Mỹ.
Từ năm 1959, Võ Trần Nhã đã theo đơn vị tập kết trở về Nam Bộ.
Năm 1961, Thu Bồn - Hà Đức Trọng về chiến trường cũ Khu Năm. Dạo đó các anh vẫn còn là những người lính chiến đấu.
Năm 1962, Nguyên Ngọc về lại với các nhân vật trong Đất nước đứng lên. Và ít lâu sau ta được đọc những sáng tác mới của anh ký tên Nguyễn Trung Thành.
Cùng chuyến đi đó, không có thời gian chuẩn bị - bởi anh đã tự chuẩn bị từ lâu rồi - Nguyễn Ngọc Tấn vội vã bay về với Nam Bộ thân yêu - mảnh đất đợi về. Từ nơi đó, anh đã gửi ra những sáng tác đặc sắc, nhưng tùy bút sôi nổi, những truyện ký và cả tiểu thuyết ký tên Nguyễn Thi.
Cùng đồng thời còn có Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Chí Trung, Anh Đức, Phan Tứ, Bùi Minh Quốc, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý có mặt ở chiến trường.
Mười năm, thời gian giữa hai cuộc đụng độ lớn trực tiếp với hai tên đế quốc đầu sỏ, đối với giới văn nghệ, có ý nghĩa như một thời gian chuẩn bị tích cực. Khi chiến tranh lại lan ra cả nước, lực lượng văn nghệ đã được bài binh bố trận khắp mọi chiến trường, khắp mọi địa phương từ cực Bắc tới cực
*
* *
Tôi vẫn còn giữ được tờ báo Văn nghệ đăng bài tùy bút đầu tiên ký tên Nguyễn Trung Thành: Đường chúng ta đi. Dạo đó là vào khoảng giữa năm 1965, miền Bắc vừa bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 của giặc Mỹ. Bằng giọng văn hùng hồn, bay bổng mà vẫn trầm lặng, sâu sắc, qua suy nghĩ một người lính trước đêm ra trận, tác giả nói với chúng ta, sau mười năm của thời kỳ mới:
Không biết có nơi nào nữa trên trái đất này, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến như vậy không? Giá như chúng ta minh họa lịch sử thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu? (...) Ôi, dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa bốn nghìn năm chúng ta đứng dậy và cất tiếng nói (...) Cuộc ra trận lớn đó kéo dài đã mười năm nay... Ba nghìn sáu trăm ngày chúng ta từ trong ngục tối đi ra, từ trong cái chết vùng dậy. Ôi, mười năm, có những năm đã tưởng chừng không còn gượng dậy được nữa, những năm đen tối mịt mùng. Mười năm bằng một cố gắng phi thường chúng ta chuyển bóng tối thành ánh sáng, chuyển đêm thành ngày, chuyển cái chết thành cái sống, thất bại thành chiến thắng, chuyển tiếng kêu trong tù ngục thành tiếng hát chứa chan yêu đời và tự tin.
Vào giờ phút đó, người lính và cả nhà văn hẳn không thể biết rằng, trước mặt anh là mười năm với những hy sinh lớn lao, những nỗ lực lớn lao hơn mới tới ngày toàn thắng. Nhưng điều đó, có hề chi. Bởi vì, chúng ta đã tìm ra con đường đi đến thắng lợi: Mười năm sống mãi với kẻ thù, chúng ta mở lấy một lối đi. Tiếp đó, khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền
Đoàn văn công Quân đội nhân dân tới Tây Nguyên năm 1967. Trước họ, các nhạc sĩ đã lên đường. Vũ Trọng Hối có những bài hát hay đầu tiên về Trường Sơn (Bước chân trên dải Trường Sơn, Đường tôi đi dài theo đất nước); mấy năm sau, Huy Thục tác giả Vì miền Nam (viết cho đàn bầu) đã có Đàn Ta lư, Suối La La lại cũng là Lê Anh Chiến của Người con gái Pa Kô, Trọng Loan tác giả Người Châu Yên em bắn máy bay, cũng là Hương Lan tác giả Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng, Huy Du của Anh vẫn hành quân, Đường chúng ta đi cũng là Huy Cầm của những ca khúc về Đường 9. Doãn Nho, Nguyên Nhung... nhiều lần có mặt ở mặt trận. Các họa sĩ đi vẽ ở chiến trường. Quang Thọ lấy tên là Quang Sơn, Thanh Tâm ký tên Huỳnh Biếc; Văn Đa, Dương Viên, Huy Toàn có mặt ở nhiều trận địa phòng không. Các tác giả viết kịch Đào Hồng Cẩm, Nguyên Vượng, Tào Mạt, Sĩ Hanh bám sát tuyến lửa Khu Bốn. Chu Nghi hy sinh ở mặt trận Khe Sanh. Và trong văn học, bên cạnh các anh bám sát lâu dài ở chiến trường như Nguyễn Trọng Oánh dưới tên Nguyễn Thành Vân, Trúc Hà dưới tên Nam Hà, Xuân Thiều với Nguyễn Thiều Nam, Phạm Ngọc Cảnh với Vũ Ngàn Chi, còn có những tên chỉ thấy xuất hiện một thời kỳ, gắn với một tập sách: Trần Mai Nam, bút hiệu của Hữu Mai ký trước Dải đất hẹp, Hồ Huế bút hiệu của Hồ Phương ký trước một số bút ký viết về Huế, Lê Hoài Đăng bút hiệu của Xuân Sách ký trước tập truyện ngắn Đường đi tới chiến công, và tập thơ Trong lửa đạn in chung với Ngô Bằng Vũ tức Ngô Văn Phú. Những tên đó gắn với mỗi chuyến đi. Vượt lên trên trách nhiệm, đi chiến trường với nhiều người, như một nhu cầu tình cảm bức xúc và tha thiết. Tiền tuyến như là một chỗ đứng mà ở đó anh có thể tự hào nói to lên, tự tin, tiếng nói của mình, với tư cách một người nghệ sĩ.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà các phương tiện thông tin đặc biệt phát triển. Không cần di động, ở một điểm nào đó, chỉ cần biết lắng nghe, anh có thể biết khá đủ tình hình đất nước, tình hình mọi vùng trên thế giới. Một người làm văn nghệ, ở một nơi thôi, vẫn có thể tiếp xúc với nhiều người khá dễ dàng. Một diễn viên hát, ngâm thơ chẳng hạn. Tới trước phòng bá âm của đài phát thanh thôi, đồng chí đã có thể yên lòng: tiếng hát, giọng ngâm của mình ngày đêm đang tới với các chiến sĩ trên đường hành quân, đang vượt trọng điểm, ở một cánh rừng xa, sau trận đánh hay trên cả những chốt tiền tiêu. Đó là một cách hiện diện.
Nhưng với những người mình yêu thương, có thể nào chỉ bằng lòng với một sự gặp gỡ như vậy! Và các đoàn văn công đã liên tục ra mặt trận. Tường Vi, Trần Chất, Minh Nguyệt, Kim Cúc... đã hát tận đôi bờ sông Pô Kô, Sa Thầy, trên nhiều đỉnh dốc nổi tiếng của Đường 9, Trị Thiên, Tây Nguyên, có lúc hát qua máy điện thoại cho vài chiến sĩ giữ chốt, canh ngầm trọng điểm.
Đối với các nhà văn cũng vậy, chỉ cần gặp vài nhân chứng, qua vài người kể, bằng với vốn sống, trình độ của mình, họ đủ sức viết những cuốn sách hàng trăm trang. Bởi, có thể nào cùng lúc có mặt ở khắp mọi chiến trường. Song không mấy ai bằng lòng với lối ghi chép từ phương xa ấy. Đây còn là vấn đề của lương tâm, của tình cảm, của niềm tin lớn của người cầm bút. Bởi thế, người đọc đã quý biết bao nhiêu những Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải, Dải đất hẹp của Trần Mai Nam, Cuộc chiến đấu trên mặt đường của Xuân Thiều... Và quý trọng, ân cần với từng tác phẩm, từng trang viết của các tác giả từ miền Nam gửi ra: Nguyễn Thi, Võ Trần Nhã, Nguyễn Thành Vân từ Nam Bộ, Nam Hà từ Cực Nam, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Liên Nam... từ Khu Năm trong văn; hay những bài hát của Xuân Hồng, Phan Chí Thanh, Hà An, Phạm Minh Tuấn, Lư Nhất Vũ ở Nam Bộ; Phong Kỳ (Phương Giao), Trọng Thủy ở Khu Sáu; Thanh Anh, Trịnh Hữu Khánh, Văn Chừng, Tố Hải, Phan Huỳnh Điểu, Phan Hải ở Khu Năm; Thanh Phát ở Tây Nguyên; Thuận Yến, Phương Nam, Hoàng Phú từ Trị Thiên - Huế. Rất nhiều xương máu, mồ hôi, công sức đã đổ để có được những sáng tác đó và để nó xuất hiện được trước mắt người đọc.
Nhìn lại thành tựu văn nghệ quân đội những năm chống Mỹ, dễ thấy những cuốn sách, bài hát, bức họa, vở kịch được hoan nghênh từng thời kỳ, thường là những sáng tác ra đời trong hoặc kế sau một chuyến đi.
Trong văn học, đó là trường hợp ra đời của những ký sự mặt trận. Ngay cả tiểu thuyết, gần như cũng chỉ là những ấn tượng trực tiếp, những ghi nhận rút ra sau một thời gian tham gia chiến dịch, đi về một địa phương, ba cùng với một đơn vị. Kiểu như các tiểu thuyết Ra đảo, Đường trong mây, Chủ tịch huyện và cả Chiến sĩ của Nguyễn Khải; Thôn ven đường của Xuân Thiều; Dòng sông phía trước của Mai Ngữ cũng như Những người cùng tuyến của Hải Hồ. Cả Dấu chân người lính, tiểu thuyết được xem là giàu chất tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu cũng gắn rất chặt với những ngày tác giả theo một đơn vị vào chiến dịch Khe Sanh.
Người đọc đón nó như một bài tường thuật, một bản báo cáo bổ sung. Nếu như sau vài phút vồ vập ban đầu, rồi người đọc, người xem lại mong đợi một sáng tác nào hơn thế thì cũng không sao. Bởi các tác giả cũng đã bắt đầu những chuyến đi mới, chuẩn bị có những sáng tác mới rồi.
Cái khác nhau giữa các tác giả, phần lớn vẫn là phạm vi thực tế, địa phương chiến sự mà tác giả thể hiện. Sau đó mới là cách nhìn chủ quan của từng người. Phần ít nữa còn lại để phân biệt các tác giả mới là phong cách, cách hành văn, vốn từ ngữ, câu chữ. Trong các sáng tác đó, các tác giả luôn khiêm tốn tự nguyện làm người truyền đạt tới người đọc càng trung thành, xác thực, càng nhanh, càng nhiều hình ảnh của thực tế càng tốt.
Đó cũng là trường hợp xuất hiện các bài hát hay về Trường Sơn của Vũ Trọng Hối, về Trị Thiên, Đường 9 của Huy Thục, Trọng Loan, Huy Du, Nguyên Nhung, về bộ đội cao xạ của Nguyễn Đức Toàn, về xe tăng và Quả bom câm của Doãn Nho.
Các sáng tác đó góp phần động viên chiến sĩ ngay khi nó ra đời. Bản thân sự có mặt của văn nghệ sĩ bên cạnh người chiến sĩ đã là một nguồn động viên: ở chiến trường người nghệ sĩ được coi như là sứ giả của hậu phương. Có ai quên được những phút tiếp xúc cảm động, những lời nói chân thành của các chiến sĩ ở tuyến trước trong dịp được ân cần đón tiếp các đoàn văn công, văn nghệ sĩ. Biểu diễn hay, có sáng tác tốt, tất nhiên là quý. Nhưng, nếu anh vừa qua cơn sốt, giọng hát không được chuẩn; sau một chặng đường hành quân dài, bước múa chị không được linh hoạt, uyển chuyển; do vội vàng, không có sự yên tĩnh cần thiết cho đồng chí có sáng tác kịp thời về chính chúng tôi thì cũng không sao. Có mặt bên nhau đã là quý rồi. Bởi các anh, các chị cũng đi hết đoạn đường gian khổ, ác liệt chúng tôi đi bằng đôi chân của mình; cũng mang nặng hệt chúng tôi, có thể còn hơn, bởi những đạo cụ, phục trang biểu diễn, cùng ăn những bữa cơm trạm tự nấu với nắm lá tai voi, bát canh môn thục, món xào măng nứa, măng tre thiếu muối như chúng tôi. Hoàn cảnh ấy đã là một sự chuẩn bị tinh thần rất thuận lợi cho người biểu diễn, cho người sáng tác. Ai càng đi xa, càng đi nhiều, càng gần gũi đơn vị, càng được hưởng nhiều hơn sự bao dung, sự đón đợi đẹp đẽ ấy. Thành ra cái giá trị lớn nhất, trước nhất, quan trọng và chủ yếu của mọi sáng tác trong những năm chiến tranh là giá trị của những bằng chứng về sự có mặt của văn nghệ sĩ bên cạnh người lính ở mọi điểm lửa của cuộc chiến đấu. Giá trị của từng tác phẩm, trước hết vẫn là giá trị một thứ nhân chứng, tài liệu, tư liệu, số liệu chính xác kiểu thực mục sở thị, mắt thấy tai nghe, truyền thanh tại chỗ. Các giá trị khác cũng bắt nguồn từ đó, trên cơ sở đó mà bàn tới. Cách sáng tác theo những chuyến đi như thế là chỗ mạnh đã thành truyền thống của mọi ngành văn nghệ, kể cả văn học những năm chống Mỹ. Có thể xem đây cũng là dấu hiệu sự trưởng thành về trình độ nghề nghiệp của người chiến sĩ văn nghệ. Nhớ lại những năm chống Pháp, không phải số đông Văn nghệ sĩ đều có được những sáng tác kịp thời, tức thì, ngay tại chỗ mà có giá trị như ngày nay. Một số tài năng trẻ được chú ý chủ yếu cũng là nhờ vào sự có mặt kịp thời này. Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Lê Lựu, Triệu Bôn, Phạm Ngọc Cảnh... đang là những tác giả đầy triển vọng. Trong tình hình sáng tác như thế, việc xây dựng một lực lượng văn nghệ của từng chiến trường, từng địa phương là có ý nghĩa và đặc biệt cần thiết.
*
* *
Trong Liên hoan phim Việt
Nguyễn Thi ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn, mùa xuân Mậu Thân khi trong tay anh đang cầm một khẩu súng, và trong ba lô có mấy tập truyện ký viết dở.
Thành ra, vấn đề đặt ra trực diện, thường xuyên, trước hết với người nghệ sĩ ở chiến trường vẫn là cách sống, thái độ sống. Giải quyết đúng, tốt, anh sẽ có thành tựu, có tác phẩm. Dĩ nhiên còn có vai trò của tài năng, của điều kiện làm việc cụ thể. Nhưng, với những ai chỉ biết bo bo giữ mình - dưới nhiều hình thức - thì có thể viện ra hàng trăm lý do để bào chữa, để nói rằng việc văn chương còn để dành cho ngày mai, khi có điều kiện. Có thế mới thấy quý sức làm việc của Nguyễn Thi. Hàng loạt tác phẩm của anh, có tác phẩm viết ngay trong những hoàn cảnh ngặt nghèo giữa những ngày gian khổ nhất, vẫn như chuỗi ngọc sáng được liên kết bởi lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh chính nghĩa, vào thắng lợi cuối cùng, vào chủ nghĩa anh hùng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tin vào tình nghĩa giữa những con người, vào sự tất thắng của đạo lý. Điều đó toát ra từ Người mẹ cầm súng, Những sự tích ở đất thép, từ phần một tập truyện Ước mơ của đất và cuốn tiểu thuyết mãi mãi dừng lại ở phần mở đầu: Ở xã Trung Nghĩa. Điều đó cũng đúng với Nguyễn Trung Thành trong Đường chúng ta đi, Những người anh hùng Điện Ngọc, Rừng xà nu, Đất Quảng...
Là một người trong cuộc, các anh đã chia sẻ đến tận cùng những gian khổ, khó khăn của người lính chiến trường: đói thiếu, đạn bom và cũng không khỏi có lúc bi đát, tưởng như đã kiệt sức. Không phải chỉ trước năm 1960. Không phải chỉ năm 1966-1967, không chỉ sau 1968, mà còn kéo dài tận 1971-1972. Nhưng ở mọi thời kỳ, các anh đã kiên định, giữ vững đội ngũ, giữ vững tinh thần để tiếp tục đi lên. Và những trang sách, các sáng tác văn nghệ, phần quý giá nhất trong đóng góp của mỗi người, vẫn óng ánh niềm tin, tràn đầy tình yêu và dạt dào sức sống.
Có những đồng chí ngã xuống thì nhiều đồng chi khác còn lại đã trưởng thành và đội ngũ được bổ sung bằng lực lượng tại chỗ, lực lượng chi viện. Và giờ đây, trong ngày toàn thắng, chúng ta vui mừng trước một đội ngũ văn nghệ lớn mạnh, đông về quân số, vững vàng về tư tưởng và một năng lực nghệ thuật đầy hứa hẹn. Lực lượng chuyên nghiệp có tổ chức, tài năng đã được thử thách. Lực lượng nghiệp dư chắc chắn, đủ sức làm những việc lớn, và lực lượng văn nghệ quần chúng đông đảo, có chất lượng, có những tài hoa mà đến người làm văn nghệ chuyên nghiệp cũng phải ao ước.
Lớp trẻ sung sức, trình độ đồng đều, thuộc nhiều quân chủng, binh chủng, nhiều đơn vị, bằng sáng tác của mình, đang tổ chức thành một đội ngũ mới trong văn học nghệ thuật. Thực ra, thì phần lớn vẫn chưa thiên hẳn về một thể loại nào, vẫn còn trong quá trình vừa viết vừa tìm hiểu mình, vừa học hỏi. Lớp người kế tiếp này chắc sẽ mang lại những sắc vẻ mới cho văn nghệ quân đội những năm tới.
*
* *
Đối với mỗi người viết văn, làm thơ, sáng tác nghệ thuật, thì những năm vừa qua dù là qua hai cuộc kháng chiến hay chỉ mới có mặt trong cuộc kháng chiến mười năm gần đây, dù anh đã có nhiều tác phẩm được đánh giá cao hay chỉ mới được vài ba trang viết hứa hẹn phải được xem như thời kỳ gieo hạt. Sắp tới đây sẽ là mùa gặt. Mỗi người sẽ gặt được một mùa trái đúng với công sức mình đã bỏ ra để chăm bón, gieo trồng.
Giữa lực lượng đã có đó đến những thành tựu cụ thể bằng tác phẩm, kinh nghiệm cho thấy, có vai trò quan trọng của công tác tổ chức.
Chúng ta hết lòng hy vọng là rồi trong hàng triệu những người lính đã qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, những người hôm nay chưa hề cầm bút, sẽ xuất hiện những tài năng lớn, những người có thể mang lại cho nền nghệ thuật dân tộc những tác phẩm có một tầm cỡ lớn về văn học cũng như hội họa, âm nhạc, sân khấu... Nhưng dù lòng tin đó có cơ sở vững chắc đến đâu, thì vẫn không thể coi nhẹ việc tổ chức để có những tác phẩm phản ánh chân thật, hùng hồn cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc bốn mươi năm qua, với lực lượng những chiến sĩ văn nghệ đã có hôm nay.
Bây giờ, thì mỗi người ít nhiều đều đã có vốn sống về các chiến dịch, các mặt trận; hiểu biết về nhiều quân, binh chủng. Vấn đề là, khi lùi xa thực tế đó về thời gian, cũng là lúc người viết phải dựa vào những ấn tượng, hiểu biết, những tình cảm đã thu nhận được từ những tháng năm ấy mà sáng tạo nên những tác phẩm có thể xa các sự kiện cụ thể, kém tính chính xác về chi tiết, tên người, tên đất, nhưng sẽ gần hơn cuộc sống của người lính những năm đất nước chiến đấu giành độc lập.
Dĩ nhiên, mỗi người sẽ xây dựng tác phẩm bằng vào vốn sống của mình. Nhưng cũng sẽ là một thiếu sót nếu chỉ yên lòng với vốn sống đã có. Hoàn cảnh mới không chỉ đem lại điều kiện thời gian cho tác giả hoàn thành những tác phẩm đã chín muồi mà những năm qua, vì thiếu thời gian, chưa thể hoàn thành được.
Chiến tranh kết thúc, thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến đấu giành một nước Việt
Muốn thế mỗi người phải tự thoát ra khỏi lối làm việc cũ. Tạo một lối nghĩ, lối làm việc mới, một cái nhìn xuyên suốt cuộc chiến đấu cả về bề sâu và bề rộng. Muốn sáng tác hôm nay viết về thực tế hôm qua không chỉ là một thứ khai thác vốn cũ, một lối hoài cổ, tưởng không có cách nào hơn! Muốn tác phẩm mình vẫn là bạn đồng hành của người chiến sĩ ở những mũi nhọn mới của cuộc sống, tưởng không có lối nào ngắn hơn!
Đó là vinh dự lớn cũng đồng thời là trách nhiệm tinh thần mà mỗi người làm văn nghệ trong quân đội sẵn sàng tự nguyện nhận lấy như đã tự nguyện làm một chiến sĩ cầm súng những năm đất nước có chiến tranh.
Ngô Thảo
Trong đoạn trích “ Đường chúng ta đi” – SGK Ngữ văn 7 tập 1, trang 72, Nguyên Ngọc có viết: " Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè, e thẹn như khoé mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch, duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng… Có lẽ không phải là một người con gái đã hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát. Tiếng ngân nga dội lên từ lòng đất, ở trong đó một góc vườn có đôi cây sầu đông và một giàn bầu đong đưa quả nặng, một ngày đã xa, mẹ ta đã chôn nhúm rau của ta thưở ta mới lọt lòng."
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.
Câu 2: Trong đoạn văn có nhiều từ láy, em hãy chỉ ra một số từ láy và cho biết nó có tác dụng gì trong việc thể hiện tình cảm của nhà văn.
Câu 3: Dựa vào đoạn trích trên, kết hợp với những hiểu biết về xã hội, em hãy viết đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày cảm nhận của mình về tình yêu đối với quê hương đất nước.