Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022

 

TTO - Năm 2022, giới văn hóa nghệ thuật Việt Nam có nhiều mất mát khi tiễn đưa thiền sư Thích Nhất Hạnh và những tên tuổi lớn của văn chương, âm nhạc, điện ảnh... Tác phẩm và di sản của họ còn ở lại.

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 1.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ra đi là mất mát lớn của nhân loại năm 2022 - Ảnh: Plumvillage.org

TikTok VN Awards 2022
tiktok.com
Tìm Hiểu Thêm

Những mất mát lớn

Đầu năm 2022, giới đạo hữu đón nhận tin buồn khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch vào ngày 22-1 tại tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là biểu tượng của đối thoại và hòa giải qua 2 thế kỷ. Sự nghiệp của sư ông làng Mai không giới hạn trong hoạt động Phật học và xã hội, ông còn là một thi sĩ, nhà văn hóa nghệ thuật, nhà chính luận, nhà khảo cứu...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là tác gia lớn của văn hóa Việt Nam với những tác phẩm được tái bản nhiều lần như: Đường xưa mây trắng, Nẻo về của Ý, Việt Nam Phật giáo sử luận, Quyền lực đích thực, Thiền tập cho người bận rộn, Trái tim mặt trời...

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 2.

Di sản của thiền sư Thích Nhất Hạnh còn sống mãi với hậu thế - Ảnh: Oprahdaily.com

Không lâu sau đó, nhà thơ Y Phương - tác giả bài thơ Nói với con - đột ngột qua đời tại Hà Nội vào tối ngày 9-2. Ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - tưởng nhớ Y Phương vì là "một tài năng đặc biệt và một nhân cách lớn".

Ngày 20-3, biên kịch Hoàng Tích Chỉ - tác giả của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội - cũng rời đi, hưởng thọ 90 tuổi. Với tài năng, nhiệt huyết và trách nhiệm, biên kịch Hoàng Tích Chỉ là người nghệ sĩ bám sát hiện thực.

Ông cùng nhiều nghệ sĩ có mặt ở chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cho ra những trang viết phản ảnh hiện thực.

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Ngọc Châu ra đi ở tuổi 55 - Ảnh: Facebook nhân vật

Trước đó, nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời vào sáng 17-3, ở tuổi 55. Với Cô Tấm ngày nay, Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân..., âm nhạc của Ngọc Châu được nhiều đồng nghiệp nhận định là đẹp đẽ, hiền lành và trong sáng như con người anh. Ca sĩ Hồng Nhung nhận xét: "Đó là những bài hát không có tí gợn nào của nỗi buồn, chỉ có những lời ca tưng bừng, đẹp, hiền hòa và rực rỡ như mùa xuân, như thiên nhiên".

Mất mát không dừng tại đó, trong vòng một tháng, ba nhạc sĩ nổi tiếng sinh năm 1936 là Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung, Hồng Đăng đều ra đi.

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 4.

Hai nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (trái) và Văn Dung vào năm 2010 - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mất vì bệnh phổi. Ông là tác giả của Xa khơiTiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xuân về trên bản...

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định là nhạc sĩ lão thành có công xây dựng nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, bằng những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, có sức lôi cuốn và trường tồn trong lòng người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Văn Dung là nguyên chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhạc sĩ của những hành khúc cho thanh niên, cho tuổi trẻ của đất nước, như Những bông hoa trong vườn Bác, Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đường Trường Sơn xe anh qua...

Nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi vì tuổi cao sức yếu. Trước khi mất, ông nhận Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Ông là tác giả Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát... Hồng Đăng là người hào hoa, lịch thiệp, dí dỏm, gắn bó với Hà Nội. Ông có khả năng toàn diện về khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu, ca khúc.

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Hồng Đăng giành giải thưởng cho tình yêu Hà Nội trước khi qua đời - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Trong cùng tháng 5, ba cái tên ở ba lĩnh vực: văn học, âm nhạc và điện ảnh cũng lần lượt qua đời.

Ngày 9-5, nhà văn Linda Lê mất tại Pháp ở tuổi 59. Chị là nhà văn gốc Việt số một tại Pháp với những tác phẩm như Sóng ngầm, Vượt sóng, Tiếng nói, Thư chết, Lại chơi với lửa, Vu khống...

Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch nhận xét văn chương Linda Lê có chủ đề lớn về cái chết và sự tự mổ xẻ đến tận cùng về căn tính Việt. Dịch giả Bảo Chân viết Linda Lê là một tác giả đương đại lớn trên văn đàn Pháp với văn phong đẹp và sâu sắc.

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 6.

Linda Lê, nhà văn gốc Việt số một tại Pháp - Ảnh: LE MONDE

Ngày 10-5, gia đình nhạc sĩ Cung Tiến xác nhận thông tin ông đã qua đời tại California (Mỹ). Các nhạc phẩm nổi tiếng của ông là Hương xưa, Vang vang trời vào xuân, Lệ đá xanh, Kẻ ở, Mắt biếc, Đôi bờ, Nguyệt cầm, Khói hồ bay, Thuở làm thơ yêu em, Vết chim bay…

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét nhạc Cung Tiến gợi nhớ đến các tác phẩm kinh điển hàn lâm, nhưng đồng thời có chất tiêu dao khi hoài niệm về quá khứ, những vẻ đẹp văn hóa, phong tục, nỗi luyến tiếc về tình yêu thuở hoa niên.

Đến giữa tháng 5, nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương của Biệt động Sài Gòn, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ ra đi vì tuổi cao sức yếu.

Những đại thụ rời đi

Nửa sau 2022, nhiều tên tuổi của giới văn nghệ Việt Nam liên tiếp rời đi, để lại những khoảng trống lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 7.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ - đại thụ cuối cùng của nền tân nhạc Việt Nam

Vào tháng 8, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ - đại thụ cuối cùng của nền tân nhạc Việt Nam - từ giã cõi đời ở tuổi 102.

Sinh thời, ông được xem là một trong những nhạc sĩ tiền chiến tiên phong của nền tân nhạc với những ca khúc như: Giáo đường im bóng, Quanh lửa hồng, Giấc mơ xưa, Qua bến năm xưa, Nhắn gió chiều, Chiều tà, Trên đường về, Nhớ quê...

Không lâu sau đó, nhà văn - nhà biên kịch Ngụy Ngữ, dịch giả - nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký - người Việt Nam đầu tiên viết văn bằng chân, nhạc sĩ Vinh Sử hay còn gọi là "ông vua nhạc sến" đều qua đời trong cùng tháng 9.

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 8.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký trong vòng tay học trò - Ảnh: TỰ TRUNG

Cuối tháng 9, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký từ giã cuộc đời ở tuổi 75. Ông là tấm gương nghị lực vượt lên số phận, truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò và bạn đọc. Câu chuyện của ông được ghi lại trong các cuốn tự truyện Tôi đi học, Tôi học đại học và Tâm huyết trao đời.

Trong tháng 10, học giả An Chi và nhà thơ Ngô Văn Phú cũng qua đời. Học giả An Chi - Võ Thiện Hoa là người thiết tha yêu tiếng Việt, giờ đây đã mãi mãi "rong chơi miền chữ nghĩa".

Nhà thơ Ngô Văn Phú là tác giả của bài thơ Mây và bông với những câu thơ quen thuộc: "Trên trời mây trắng như bông / Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây / Những cô má đỏ hây hây / Đội bông như thể đội mây về làng”.

Những mất mát lớn của văn hóa nghệ thuật năm 2022 - Ảnh 9.

Nhà văn Lê Lựu - "cánh chim báo bão" - đã rời cõi tạm - Ảnh: NAM KHÁNH

Tháng 11, nhà văn Vũ Hùng, nhạc sĩ Lê Ánh Dương, nhà văn Lê Lựu, nhạc sĩ - NSND Trọng Bằng đều kết thúc cuộc dạo chơi trần thế.

Nhà văn Lê Lựu là tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Mở rừng, Ranh giới. Đây là mất mát lớn của văn chương Việt Nam.

Lê Lựu là người mang đến sự đột phá cho văn học Việt Nam sau năm 1975 khi đưa nó ra khỏi biên giới, kêu gọi hòa bình, hàn gắn. Ông đưa cuộc đời mình lên trang giấy một cách sâu sắc nhất thông qua nhân vật Giang Minh Sài của Thời xa vắng.

Tháng 12, giới văn nghệ lại phải tiễn đưa nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nhà thơ Thạch Quỳ, đạo diễn Tống Thành Vinh, nhà thơ - "dị nhân" Văn Thùy, nhà văn Trần Huy Quang do bệnh tật và tuổi già. Họ để lại những mất mát lớn lao không chỉ với gia đình mà còn với khán giả, bạn đọc cả nước.

Điện ảnh, sân khấu tiễn đưa các minh tinh, nghệ sĩ gạo cội

Đầu năm 2022, vào tháng 2, sau mười mấy năm trời bệnh tật và sống khó khăn, nghệ sĩ Hoàng Lan ra đi ở tuổi 63.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Đáng - nữ nghệ sĩ cải lương tuồng cổ xuất sắc - qua đời tại Mỹ. Ngọc Đáng là con của hai nghệ sĩ tài danh Tư Minh và Ngọc Xứng của đoàn hát Phụng Hảo (do nghệ sĩ nhân dân Phùng Há thành lập). Bà có sắc vóc đẹp, giọng khỏe, hay và trình thức thể hiện cải lương tuồng cổ điêu luyện.

Nghệ sĩ Thanh Tú - người nổi tiếng với vai Nhuận Điền trong vở cải lương Bên cầu dệt lụa - qua đời tại TP.HCM.

Vào tháng 3, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng bất ngờ qua đời ở tuổi 38, sau thời gian chống chọi với bạo bệnh. Anh là đạo diễn thuộc thế hệ 8X nổi bật trên thị trường điện ảnh, là tác giả các phim 12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy, 100 ngày bên em, Anh trai yêu quái.

vu ngoc phuong

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng ra đi khi tuổi đời còn trẻ và còn nhiều nhiệt huyết với điện ảnh - Ảnh: Facebook nhân vật

Vào tháng 9-2022, giới điện ảnh tiễn đưa minh tinh Thẩm Thúy Hằng, một trong tứ đại mỹ nhân Sài Gòn ngày trước và là minh tinh của điện ảnh miền Nam trước 1975, với biệt danh "người đẹp Bình Dương".

tham thuy hang

Minh tinh Thẩm Thúy Hằng đã về cõi vĩnh hằng - Ảnh: Tư liệu

Tháng 10, nghệ sĩ Bích Thủy - "nàng Thu Cúc" trong vở Hàn Mạc Tử - qua đời.

Nghệ sĩ Hà Mỹ Liên - người con của một gia đình nghệ thuật, là em gái của nghệ sĩ Thanh Điền và là chị gái nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân - qua đời tại Pháp.

Nghệ sĩ Hà Văn Trọng - đạo diễn kiêm diễn viên truyền hình, sân khấu, điện ảnh nổi tiếng, là đồng đạo diễn phim Số đỏ - qua đời ở tuổi 86. Ông là một trong những diễn viên chính của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông từng đóng các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng trong các vở kịch, phim lịch sử như vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Lê Duẩn.

Tháng 11, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn - người chuyên vào vai những ông già khắc khổ trên màn ảnh nhỏ trong các phim như Đất và người, Những ngọn nến trong đêm, Lều chõng, Nếp nhà, Cưới đi kẻo ế... - qua đời ở tuổi 83.

Từng hàng người lặng im tiễn thiền sư Thích Nhất HạnhTừng hàng người lặng im tiễn thiền sư Thích Nhất Hạnh

TTO - Lễ tâm tang của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã diễn ra trong không khí yên tĩnh. Chỉ có tiếng cầu kinh từ những môn đồ, tăng ni, phật tử nhẹ nhàng thành tâm tiễn sư ông Làng Mai về niết bàn.

LÊ GIANG - TRẦN MẶC