Sáng nay, thức dậy ở Hà Nội. Ngày mai, chị Phạm Chi Lan hẹn đưa chúng tôi đi thăm làng Bát Tràng. Tôi chưa được vào thăm thôn làng nổi tiếng này, nhưng địa danh Bát Tràng đã gắn bó với ký ức cá nhân : cách đây ba năm, vào một sáng mưa phùn gió lạnh, cùng với nhà văn hóa Hữu Ngọc (năm nay đúng một trăm tuổi) và nhiều anh chị em, chúng tôi đã tới bờ sông Hồng, sát đình làng Bát Tràng để trải một phần di cốt của Georges Boudarel.
Quan hệ cá nhân của tôi với Georges Boudarel bắt đầu ở những năm giảng dạy ở Trường đại học Denis Diderot. Đối với chúng tôi, Boudarel là một trong "ba chàng ngự lâm pháo thủ" (Les Trois Mousquetaires), tên gọi vui mà chúng tôi gán cho ba nhà sử học chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á : Georges Boudarel, Daniel Hémery, Pierre Brocheux. Cũng như trong cuốn tiểu thuyết của A. Dumas, ba người thực ra là bốn. Người thứ tư là Jean Chesneaux, người đi đầu trong nghiên cứu Việt học từ cuối thập niên 1940. Trong suốt mấy thập niên, ba chàng ngự lâm đã đào tạo cả một thế hệ những nhà Việt học "trẻ" đang hoạt động sung sức ở các nước Pháp, Anh, Nhật, Mỹ, Canada, Úc... Hành lang Khoa Toán ngay gần hành lang Khoa Sử, tôi thường chạy sang nghe lóm những xêmina hàng tuần của các anh. Học hỏi nhiều hơn cả, là trong các cuộc đi bộ, ra uống nước tại các quán cà phê chung quanh quảng trường Jussieu. Từ Boudarel, tôi hiểu được hoàn cảnh và tâm trạng hai cụ Phan đầu thế kỷ 20. Từ Hémery và Brocheux, không khí kỳ lạ của thập niên 30 tại Sài Gòn, "hợp tác và đấu tranh" giữa hai nhóm đệ tam và đệ tứ trong nhóm "La Lutte"...
Với riêng Pierre Brocheux, mối quan hệ của tôi gắn bó với hai nhân vật : Hồ Chí Minh (anh là tác giả hai cuốn tiểu sử giá trị nhất, không chỉ đối với riêng tôi), và Henri Van Regemorter, nhà vật lý thiên văn, qua đời cách đây 20 năm (Brocheux vừa cho phép Diễn Đàn đăng lại bài viết của anh về những năm 1950 tại Cư xá quốc tế đại học Paris của Henri). Tất nhiên, còn Georges Boudarel mà chúng tôi chăm sóc từ khi "Bouda" bị bọn cực hữu đả kích (1991-92) và trong suốt những năm ở nhà dưỡng lão.
Sáng nay, khi đọc dòng thư ngắn, báo tin Pierre Brocheux từ trần, tôi thật bàng hoàng. Ba năm cô-vi, chúng tôi ít có dịp hàn huyên. Lần chót, chúng tôi ăn trưa với anh và Daniel Hémery để "báo cáo" về việc trải tro Boudarel xuống dòng Sông Bé, Sông Hồng và ngoài khơi Cửa Đại Hội An cách đây ba năm. Từ đó, Pierre và tôi đôi lần gặp nhau... ngoài chợ. Từ ngày dọn nhà vào nội thành Paris, tôi ở gần chợ Jeanne d'Arc (quận 13), chung quanh nhà thờ Notre-Dame de la Gare. Pierre ở gần quảng trường Italie, cách xa chợ Jeanne d'Arc gần hai cây số, nhưng anh thường tập thể dục bằng cách đi bộ. Mỗi sảng chủ nhật, từ ngày chị Michèle từ trần, ông già độc thân thường đi bộ tới chợ Jeanne d'Arc, và chúng tôi gặp nhau, chuyện trò vài phút.
Trong diễn từ gửi Ban tổ chức giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm 2018 khi anh và Daniel được tặng giải "nghiên cứu Việt học", Pierre tóm tắt cuộc đời và 40 năm nghiên cứu sử học như sau :
“ Cho phép tôi trong vài lời bày tỏ cùng quý vị hành trình cá nhân và nghề nghiệp của tôi. Tôi càng dễ nhạy cảm hơn trong thức nhận về các công trình chép sử của tôi khi nó bắt nguồn từ đất nước mà tôi gọi là đất mẹ của tôi trong khi tổ quốc tôi là đất nước của cha tôi. Nhà Brocheux vốn thuộc một dòng họ vùng Normandie còn mẹ tôi lại thuộc dòng họ Trương mà cái nôi sinh thành là Phan Thiết và sau đó đã di cư về Vĩnh Long.”
“ Lịch sử trải nghiệm sống của tôi ghi khắc trong một lịch sử được chia sẻ giữa tổ quốc tôi và đất mẹ của tôi, một lịch sử khi thì tối tăm và đau đớn song lại có lúc màu mỡ. Được cảm hứng bởi một chủ nghĩa Marx ngầm hiểu tôi đã bắt đầu các tìm tòi của mình bằng nghiên cứu về kinh tế và xã hội Việt Nam, các vùng nông thôn và các thành phố (châu thổ sông Cửu Long, những người lao động ở thành phố và các đồn điền, giai cấp tư sản). Từng bước đi tới trong việc phân tích và diễn giải các cấu trúc và các trạng huống, tôi nhận ra những biến đổi xã hội, văn hóa và chính trị, được thực hiện ở cấp độ tập thể và ở cấp độ cá nhân. Trong những sắc thái đó, tôi quan sát vai trò của trào lưu cải cách và hiện đại hóa mà Phan Châu Trinh là người dẫn đầu và người truyền cảm hứng hăng say. Định hướng ưu trội trong viết sử đó của tôi không đánh giá thấp cũng không đẩy lùi vào bóng tối tính năng động của trào lưu cách mạng vì độc lập của Việt Nam: tôi đã viết hai cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh người chủ trương phương pháp ngược với phương pháp cải cách của Phan Châu Trinh nhưng vận động và cứu cánh cuối cùng tương hợp với Phan Châu Trinh.”
Chiều nay được tin lễ hỏa táng Pierre Brocheux sẽ cử hành ngày 2.1.2023 tại Nghĩa trang Père Lachaise, nơi cách đây 20 năm chúng tôi tạm biệt “anh Henri” Van Regemorter, 19 năm Georges Boudarel. Ở bên kia trần thế, anh sẽ gặp lại người anh và người bạn chí cốt, gặp lại người bạn đời chung thủy Michèle Brocheux. Các anh chị biết rằng họ sống mãi trong tâm khảm những người ở lại.
Hà Nội, 27.12.2022
Nguyễn Ngọc Giao
Pierre Brocheux
(1931-2022)
Chúng tôi vừa được tin nhà sử học Pierre Brocheux, giải thưởng Việt Nam học của Quỹ Phan Châu Trinh năm 2018 (*), đã từ trần ngày 25 tháng 12 năm 2022, thọ 91 tuổi.
Lễ hỏa táng sẽ cử hành lúc 13g30 ngày thứ hai 2.1.2023 tại Crématorium du Père Lachaise, 71 rue des Rondeaux, 75020 Paris.
Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với gia đình và đông đảo bạn bè của ông.
Diễn Đàn
(*) Diễn từ nhận giải của Pierre Brocheux. Xem thêm bài viết của Nguyễn Ngọc Giao trong mục Nhân vật của báo này
DIỄN TỪ NHẬN GIẢI
GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2018
Pierre Brocheux
(Giải Việt Nam học)
Thưa Bà Chủ tịch,
Thưa Quý Bà và Quý Ông,
Các bạn thân mến,
Quỹ Phan Châu Trinh đã đưa lại cho tôi một vinh dự thật lớn lao khi trao cho tôi giải thưởng năm 2018 của Quỹ. Quỹ đã trao thưởng cho một công trình sử học viết và nói, khiêm nhường về mọi mặt nhưng chân thực. Vì sao tôi đã cống hiến 37 năm cuộc đời nhà giáo và nghiên cứu của tôi cho lịch sử của dân tộc Việt Nam và số phận của quốc gia Việt Nam, còn lâu mới xong?
Cho phép tôi trong vài lời bày tỏ cùng quý vị hành trình cá nhân và nghề nghiệp của tôi. Tôi càng dễ nhạy cảm hơn trong thức nhận về các công trình chép sử của tôi khi nó bắt nguồn từ đất nước mà tôi gọi là đất mẹ của tôi trong khi tổ quốc tôi là đất nước của cha tôi. Nhà Brocheux vốn thuộc một dòng họ vùng Normandie còn mẹ tôi lại thuộc dòng họ Trương mà cái nôi sinh thành là Phan Thiết và sau đó đã di cư về Vĩnh Long.
Lịch sử trải nghiệm sống của tôi ghi khắc trong một lịch sử được chia sẻ giữa tổ quốc tôi và đất mẹ của tôi, một lịch sử khi thì tối tăm và đau đớn song lại có lúc màu mỡ. Được cảm hứng bởi một chủ nghĩa Marx ngầm hiểu tôi đã bắt đầu các tìm tòi của mình bằng nghiên cứu về kinh tế và xã hội Việt Nam, các vùng nông thôn và các thành phố (châu thổ sông Cửu Long, những người lao động ở thành phố và các đồn điền, giai cấp tư sản). Từng bước đi tới trong việc phân tích và diễn giải các cấu trúc và các trạng huống, tôi nhận ra những biến đổi xã hội, văn hóa và chính trị, được thực hiện ở cấp độ tập thể và ở cấp độ cá nhân. Trong những sắc thái đó, tôi quan sát vai trò của trào lưu cải cách và hiện đại hóa mà Phan Châu Trinh là người dẫn đầu và người truyền cảm hứng hăng say. Định hướng ưu trội trong viết sử đó của tôi không đánh giá thấp cũng không đẩy lùi vào bóng tối tính năng động của trào lưu cách mạng vì độc lập của Việt Nam: tôi đã viết hai cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh người chủ trương phương pháp ngược với phương pháp cải cách của Phan Châu Trinh nhưng vận động và cứu cánh cuối cùng tương hợp với Phan Châu Trinh.