bởi Phanxipang
Khắp cả nước ta, dường như chỉ Đà Lạt mới có một con đường mang cái tên rất… khoa học kỹ thuật thế này: đường Nguyên Tử Lực (1). Con đường chạy từ cuối hồ Xuân Hương, dẫn đến một cơ sở độc nhất vô nhị ở Việt Nam: Viện Nghiên cứu hạt nhân mà “hạt nhân” là lò phản ứng. Nơi đây được bảo vệ khá nghiêm ngặt và dĩ nhiên, không phải ai ai cũng đều có thể dễ dàng vào thăm thú. Bởi, kỹ thuật hạt nhân thuộc loại top secret / tối mật!
N |
gất ngưỡng trên độ cao 1.500m so với mặt biển, cách trung tâm thành phố 2,5km về phía bắc – đông bắc, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt rất dễ “bị” quan sát từ nhiều góc độ. Trước hết, đó là một tác phẩm độc đáo được khởi công xây dựng từ năm Bính Thân 1956 theo đồ án thiết kế bởi kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ và các cộng sự Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lâm, Vũ Tòng.
Nổi bật giữa nền xanh của ngọn chủ sơn Lang Bian cùng quần thể núi đồi Lâm Viên trùng điệp, toà nhà chứa lò phản ứng nhô lên như tháp khối trụ tròn xoay cao cỡ 4 tầng lầu. Bao quanh là dãy hành lang và các phòng trệt, mái bằng, tạo thành hình vành khăn, mà toà nhà lò làm tâm điểm. Toàn bộ công trình mô phỏng cấu trúc nguyên tử hydro: một điện tử / electron chuyển dịch xung quanh một hạt nhân.
Phó giáo sư Nguyễn Mộng Sinh – phó giám đốc Trung tâm Phân tích và nghiên cứu môi trường, trực thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt – hào hứng nói với tôi:
– Chọn cấu trúc nguyên tử hydro làm mô hình xây dựng “Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt”, nơi có lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trong cả nước, quả tiềm ẩn nhiều ý nghĩa. Về vị trí, nó là số 1. Về phân loại, nó chiếm ô đầu tiên trong hệ thống tuần hoàn Mendeleev, coi như đơn vị chuẩn. Về quá trình phát triển, nó đánh dấu điểm xuất phát. Mới hay kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã gửi gắm bao kỳ vọng vào đồ án thiết kế. Sau này, cần mở rộng cơ sở, có thể lập thêm dãy nhà tạo vòng cung thứ hai, sao cho chiều cao không che khuất nhà lò trung tâm. Nếu thế thì biến thành mô hình cấu trúc heli, nguyên tử thứ nhì trong bảng phân loại tuần hoàn Mendeleev (2). Cũng hay.
Riêng tôi, tôi cảm thấy đấy là… lò bát quái! Thật vậy. Tác phẩm kiến trúc “siêu công nghiệp” này không có vẻ khô khan, mà hoàn toàn hoà hợp với cảnh quan khí hậu Đà Lạt. Nó vừa mang tính khoa học Tây phương hiện đại, vừa toả nét huyền nhiệm Đông phương cổ truyền. Đây chính là ý đồ của người thiết kế. Theo tập san Xây Dựng Mới tháng 1-1961, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ từng phát biểu trong một cuộc họp báo:
– Toà nhà chứa lò nguyên tử hình ống, toạ lạc giữa một cái cung tròn gồm có các phòng vật lý và hoá học. Khoảng trống giữa toà nhà lò và cung tròn được biến cải thành hoa viên, lập theo hình bát quái. Toàn thể hợp thành một tấm tiêu biểu cho bát quái đồ hình tròn, trong đó có sự kết hợp giữa lối kiến trúc tối tân của thời đại nguyên tử và lối kiến trúc cổ truyền.
Và tôi chuẩn bị vào thăm lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với ý nghĩ rất đỗi buồn cười: mình sắp sửa hoá thân thành Tôn Ngộ Không lọt vô lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân trên cung trời Đâu Suất, cái lò “đốt bằng thứ lửa văn vũ dùng để luyện linh đơn” (3).
2
Kỹ sư Dương Quang Tân gốc Trà Vinh, hiện phụ trách phòng An toàn bức xạ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, thân mật trao cho tôi một lô “bảo bối”:
– Trước khi thâm nhập vào “vùng nghiêm ngặt”, anh Phanxipăng cần nghiên cứu kỹ các chỉ dẫn thiết yếu về an toàn bức xạ. Nên nắm vững các tính chất và tác động sinh học của bức xạ ion hoá, bức xạ gamma, bức xạ đặc trưng, bức xạ hãm, bức xạ hạt, bức xạ röntgen, v.v. Sự nguy hiểm của bức xạ là ở chỗ con người không phát hiện được bằng giác quan, do đó dễ sinh chủ quan, coi thường hoặc thiếu cảnh giác. Nhưng cũng chớ lo lắng thái quá. Khuyến cáo của ICRP (4)đã nhấn mạnh: “Bức xạ ion hoá cần được xử lý với sự thận trọng hơn là sự sợ hãi, và nguy cơ của chúng cần được đặt trong bối cảnh chung với những loại nguy cơ khác.”
Tôi hỏi:
– “Vùng nghiêm ngặt” gồm những nơi nào?
Kỹ sư Tân đáp:
– Lò phản ứng và các phòng hoá xạ, phòng Kiểm xạ, phòng Phân tích và kích hoạt, phòng Bảo quản các thanh nhiên liệu, phòng Điều khiển và đo liều, phòng Hút khí thải. Cả “nhà mồ” bên ngoài lò nữa.
– “Nhà mồ”! Gì ghê rợn vậy?
– Cách gọi nôm na nơi “quàn” chất thải phóng xạ í mà.
– Các bức xạ có tác động sinh học ra sao?
– Cấu tạo cơ thể gồm nhiều tế bào của nhiều mô khác nhau. Thành phần chủ yếu của tế bào gồm 4 nguyên tố chính là hydro, carbon, nitơ, oxy, cùng nhiều nguyên tố khác với tỉ lệ ít hơn. Khi tương tác với cơ thể, bức xạ gây nên sự kích thích và ion hoá các nguyên tử của các chất cấu thành tế bào. Bức xạ có thể trực tiếp giết chết tế bào bằng hiệu ứng vật lý, nhưng chủ yếu gây hại cho cơ thể qua hiệu ứng hoá học. Nếu nhiều tế bào bị thương tổn nghiêm trọng, cơ thể không phục hồi nổi, con người sẽ mắc các bệnh bức xạ lành tính hoặc ác tính. Tác hại của các bức xạ lên các tế bào sinh dục lại có nguy cơ gây những hậu quả di truyền đến thế hệ con cháu, rất khó lường!
– Đã nhiều năm làm công tác an toàn bức xạ, anh thấy điều gì chưa… an?
Kỹ sư Tân nhíu trán:
– Kỹ thuật hạt nhân đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tương lai, nước ta còn xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Vậy mà đến nay, Việt Nam chưa có một bộ Luật Hạt nhân. Chỉ có Pháp lệnh Kiểm soát bức xạ do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự thảo. Năm ngoái (1994), dự thảo đến lần thứ 10 rồi nhưng vẫn chưa được Nhà nước chính thức phê duyệt và ban hành!
3
Tiến sĩ Vũ Như Ngọc – thư ký Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt – đưa tôi băng qua dãy hành lang cong, hẹp, vắng hoe. Dừng lại. 4 chữ đỏ chói trên nền vàng đập vào mắt: Coi chừng phóng xạ! Một cảm giác chờn chợn bỗng xuất hiện khi tôi liên tưởng đến đại hoạ Tchernobyl xảy ra năm 1986 tại Ukraina từng làm rúng động dư luận toàn cầu.
– Từ tháng 5 đến tháng 8-1986, trạm quan trắc son khí và rơi lắng phóng xạ ở đây đã phát hiện các nhân phóng xạ nhân tạo: Ru103, Ru106+Rh106, Sb124, I131, Cs134. Đấy chính là hậu quả của đại nạn Tchernobyl, phát hiện được do rơi lắng toàn cầu.
Anh Ngọc thông báo vậy, rồi thêm:
– Theo bảng phân loại biến cố hạt nhân của IAEA (5) thì có 7 mức. Mức 1 “bất bình thường” là mức thấp nhất, có thể gọi mức “dưới thang”. Mức 2 “sự cố”. Mức 3 “sự cố nghiêm trọng” như trường hợp Vandallos (Tây Ban Nha, 1989), chất phóng xạ thoát ra ngoài vượt giới hạn cho phép, các nhân viên bị chiếu xạ quá liều (6). Mức 4 “tai nạn chủ yếu nơi đặt” như trường hợp Saint-Laurent (Pháp, 1980). Mức 5 “tai nạn với nguy cơ rủi ro ra bên ngoài” như trường hợp Three Mile Island (Hoa Kỳ, 1979) hoặc Windscale (Anh, 1987), các sản phẩm phân hạch thoát ra ngoài với hoạt độ phóng xạ tương đương hàng trăm đến hàng nghìn TBqI131. Mức 6 “tai nạn nghiêm trọng”. Mức 7 “đại nạn”, thoát ra ngoài một phần lớn kết cấu của vùng hoạt lò phản ứng, bao gồm hỗn hợp các sản phẩm phân hạch phóng xạ sóng ngắn và sóng dài, có khả năng ảnh hưởng sức khỏe con người trên địa bàn rộng, vượt khỏi biên giới một quốc gia, gây hậu quả lâu dài về môi trường. Biến cố mức 7 từ trước đến nay chỉ “nổ” một vụ duy nhất là Tchernobyl.
Trước khi tiến sâu vô khu vực nhà lò, chúng tôi cởi giày, xỏ đôi dép nhựa trắng và khoác lên người chiếc blouse màu vàng. Trong túi áo blouse có gắn liều kế cá nhân để kiểm soát tổng liều chiếu xạ vào cơ thể. Ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nhân viên làm việc tại các phòng ban khác, thường mặc blouse trắng; riêng những người hoạt động trong khu vực liên quan đến tác động của bức xạ đều mặc blouse vàng. Các trang thiết bị trong khu vực này cũng được sơn vàng. Và nhiều tấm biển vàng có vẽ một chấm tròn đỏ giữa ba hình hao hao cánh quạt màu đỏ, kèm 4 chữ đỏ chói cứ liên tục xuất hiện: Coi chừng phóng xạ!
4
Trên thế giới có 2 dạng lò phản ứng khác nhau:
1. Lò phản ứng năng lượng đặt trong các nhà máy điện nguyên tử có nhiệm vụ cung cấp nhiệt lượng khổng lồ để sản xuất điện.
2. Lò phản ứng thí nghiệm lại sử dụng các hạt bức xạ như neutron, alpha, beta, gamma, v.v., để nghiên cứu ứng dụng vào nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Cả 2 dạng lò đều “nhâm nhi” loại nhiên liệu đặc biệt là uranium 235. Chỉ cần 1 gam (7) U235, khi phân hạch hoàn toàn, đủ giải phóng năng lượng khủng khiếp: 1MW/ngày, tức là 24.000kWh. Ở Việt Nam, với mức tiêu thụ điện bình quân như hiện nay thì chừng ấy năng lượng đủ cung cấp cho mỗi người dân xài thoải mái vài… trăm năm.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là lò phản ứng thí nghiệm có tính an toàn nội tại cao, mang nhãn hiệu Triga – Mark II do hãng General Atomic của Hoa Kỳ thiết kế và chế tạo với công suất nhiệt 250kW. Trước kia, lò sử dụng nhiên liệu có độ giàu 20% U235 pha trộn ở dạng hợp kim với 91% zirconium và 1% hydro theo khối lượng. Ngày 24-2-1963, lò đạt trạng thái tới hạn (8) và sau đó 1 tuần, được đưa vào hoạt động chính thức theo các mục tiêu: huấn luyện, nghiên cứu, sản xuất đồng vị phóng xạ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh thuở bấy giờ ngày càng ác liệt, lò chỉ vận hành đến năm 1968. Rồi các thanh điều khiển và nhiên liệu bị tháo gỡ, mang đi khỏi Đà Lạt, chấm dứt hoàn toàn khả năng hoạt động của lò.
Đến ngày 20-3-1984, sau 19 tháng khôi phục và mở rộng, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tái hoạt với công suất nhiệt được nâng gấp đôi: 500kW. Hiện tại, nhiên liệu dùng cho lò là loại VVR – M2 có độ giàu 36% U235. Tính tới tháng 11-1994, lò đã vận hành 14.570 giờ ở công suất danh định, sản xuất chất phóng xạ đạt tổng giá trị 912Ci. Lò được vận hành chủ yếu theo 2 chế độ: cứ 3 tuần 1 đợt 75 giờ, hoặc 4 tuần 1 đợt 100 giờ liên tục. May sao, lò đang chạy đúng dịp tôi ghé thăm và tìm hiểu.
Chúng tôi vào phòng điều khiển. Các nhân viên vận hành đang ngồi chăm chú theo dõi hàng loạt màn hình và côngtơ (9). Trên một màn hình, những hoạt động diễn ra trong nhà lò đều được phản ánh trực tiếp nhờ 4 camera đặt từ 4 góc và ghi nhận đồng thời. Các hệ thống kỹ thuật luôn ở trong tình trạng “sẵn sàng tác chiến” như hệ phát hiện hở thanh nhiên liệu, hệ báo động chống kẻ gian lẻn vào kho uranium, hệ báo động chống khủng bố đột nhập phòng điều khiển, v.v.
Qua khỏi phòng điều khiển, bể lò hiện ra. Ấy là một thùng nhôm, dày 6,35mm, cao 6,26m, đường kính 1,98m, được bao bọc chung quanh bằng bêtông (10). Trên bể lò có tấm thép dày 15cm làm nhiệm vụ cản xạ.
Tôi chậm rãi leo cầu thang hẹp, lên bể lò, bật nắp và quan sát vùng hoạt qua khung kính chì hình tròn.
Vùng hoạt chính là trái tim của lò phản ứng. 7 thanh điều khiển cắm thẳng đứng, song song với 100 bó nhiên liệu VVR – M2 được bố trí như tổ ong quanh cái bẫy neutron. Vành phản xạ graphite dày 30cm bao bọc vùng hoạt. Toàn bộ vùng hoạt và vành phản xạ nằm trong bể nước cất tinh khiết dưới độ sâu 5m. Nước vừa là môi trường làm chậm neutron, vừa là chất tải nhiệt, lại là chất phản xạ và có tác dụng sinh học.
Tôi cắc cớ hỏi:
– Đã có bao giờ lò này trở chứng chửa? Giả thiết sự cố bục ra gặp lúc êkíp (11) vận hành ngủ gật thì…
Một nhân viên cười đáp:
– Yên chí. Việc điều khiển lò hoạt động bình thường hoặc dập lò trước nguy cơ xẩy ra sự cố là một quá trình tự động. Sự can thiệp của con người có thể không cần thiết, trừ phi chức năng của hệ thống điều khiển bị sai hỏng.
Bản tổng kết các trường hợp dập lò ngoài kế hoạch từ năm 1984 đến năm 1994 ghi rõ: đã có 146 lần, trong đó 96 lần do mạng lưới điện (12), 23 lần do thiết bị hỏng hóc, 32 lần do lỗi của con người. Trường hợp đáng chú ý nhất vào năm 1987, một thanh an toàn tự trồi lên ngoài ý muốn. Trục trặc nọ được khắc phục kịp thời. Chiếu theo bảng phân loại biến cố hạt nhân do IAEA ban hành thì trong 146 lần dập lò vừa nêu, chỉ có 7 lần thuộc mức 1 “bất bình thường”, chủ yếu vì “mất điện lưới, chuyển mạch diesel không làm việc”, còn tất cả đều xếp mức zéro. Như thế, cho đến nay, sự hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chưa gây ảnh hưởng gì đáng kể liên quan đến an toàn của nó cũng như của con người và môi trường xung quanh.
5
Tổng giám đốc IAEA là ông Hans Blix đã đánh giá lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt: “Đây là lò phản ứng được khai thác có hiệu quả nhất trong các quốc gia đang phát triển.”
Mặc dầu bé tí (13) nhưng nhờ lò phản ứng và các công cụ khoa học khác, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng đạt nhiều thành tựu mỹ mãn. Như điều chế các đồng vị và dược chất phóng xạ, cung cấp cho ngành y tế dùng để chẩn đoán và điều trị hàng nghìn ca (14) bệnh hiểm nghèo. Như dùng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ, xác định quá trình sa bồi lớp đáy khu vực cửa sông nhằm tìm ra nguyên nhân cản trở các luồng tàu vào cảng Hải Phòng – một vấn đề gây “nhức đầu” Bộ Giao thông Vận tải lâu nay. Như chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân chuyên dụng, cung ứng cho nhiều cơ quan trong nước với giá thành rẻ gấp 4 lần hàng ngoại nhập.
Tại phòng Điện tử hạt nhân, tôi chứng kiến các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật phân tích huỳnh quang tia X để xác định hàng đống mẫu quặng từ nhiều nơi gửi về. Một cục đất lấy được ở Khe Hoa – Khe Cao trong bể than Nông Sơn thuộc tỉnh Quảng Ninh được đưa vào máy, chỉ sau 1 phút, trên phổ kế đã hiển thị kết quả khiến tôi suýt reo lên: uranium. Một hòn đá lấp lánh ánh kim được đưa vào máy, kết quả hiện ngay trên màn hình: vonframid, một loại khoáng hiếm. Cô kỹ thuật viên trẻ rút chiếc nhẫn vàng đang đeo, cho máy xác định xem sao: 96% vàng, còn lại là bạc. Được biết giàn máy cồng kềnh kia sắp được “mini hóa” gọn nhẹ dễ xách tay, thuận tiện cho các doanh nghiệp vàng bạc đá quý sử dụng, và các đoàn địa chất có thể dễ dàng tự xác định mẫu quặng ngay giữa chốn thâm sơn cùng cốc.
Tại Trung tâm Nghiên cứu và phân tích môi trường, phó giáo sư Nguyễn Mộng Sinh cho biết:
– Tính đến nay, Trung tâm đã hợp đồng với nhiều đơn vị để phân tích định lượng trên 25.000 mẫu với hơn 125.000 chỉ tiêu, gồm các loại mẫu địa chất (60%), môi trường (20%), sinh vật (10%), nông hóa thổ nhưỡng (5%), vật liệu công nghiệp (2%). Xin kể mẩu chuyện vui vui. Năm ngoái, 1994, đoàn khảo cổ tổ chức khai quật Cát Tiên – khu văn hóa du lịch Phù Nam – phát hiện được cổ vật linga (15) bằng chất liệu khác thường. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Lâm Đồng đích thân mang cổ vật đến nhờ Trung tâm giám định nhưng yêu cầu phải giữ nguyên trạng cổ vật. Đút linga vào kênh chiếu mẫu trong lò phản ứng là xong ngay. Khổ nỗi, cái của quý kia to dài quá cỡ! Tập tọe theo Hồ Xuân Hương, tớ bèn có thơ rằng:
Cái lò tôi có một lỗ sâu
Vẫn không thể cho linga vào lọt
Tôi lo quá, toát mồ hôi hột
Biết làm sao giám định tỏ tường?
Thôi, đành dùng biện pháp khẩn trương
Nhúng vô nước mà xem tỉ trọng
Phương pháp đơn sơ lại vô cùng đúng
Cân đo xong, số liệu rõ rành rành
Của quý kia làm bằng khối thạch anh
Một vật hiếm, xưa nay chưa hề thấy!
Một điều lý thú: Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là nơi có đông đảo nhà khoa học rất say mê hoạt động… văn nghệ. Ngoài công tác chuyên môn, phó giáo sư Nguyễn Mộng Sinh “ghiền” làm thơ, chụp ảnh, chạm khắc. Tiến sĩ Vũ Như Ngọc sáng tác loạt ca khúc dạt dào tình cảm, trong đó có chùm bài hát về quê hương Hải Phòng. Kỹ sư Nguyễn Văn Hùng là giọng nam trung giật huy chương bạc hội thi đơn ca tỉnh Lâm Đồng. Kỹ sư Lê Văn Công là cây bút văn xuôi thỉnh thoảng xuất hiện với bút danh Lê Hoài Nam (16). Lại có một khoa học gia tên tuổi, từng đăng thơ trên báo chí nước ngoài, thường âm thầm sáng tác ảnh nghệ thuật, nhưng quá kín tiếng về “mảng miếng tinh tế” này khiến ít người biết, kể cả người cùng cơ quan. Đó là tiến sĩ Trần Hà Anh – đại biểu Quốc hội kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
6
Tôi yêu cầu được viếng “nhà mồ”. Chuyên viên đảm trách thải phóng xạ là kỹ sư Nguyễn Thị Năng xoe tròn mắt:
– Ôi, danh bất hư truyền. Quả là Phanxipăng rất máu… phiêu lưu mạo hiểm. Anh mặc áo bảo hộ vào, rồi đi nhé.
“Nhà mồ” y hệt cái nhà kho, tường và mái đều lợp tôn, nằm đìu hiu ở một góc quạnh quẽ nơi một vùng cỏ áy bóng tà. Tất cà “xác” phóng xạ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đều quy tập về đây. Sau khi phân loại và xử lý , các chất thải phóng xạ đã thu gom bị bêtông hóa trong tứng thùng phuy dung tích 200 lít rồi xếp xuống hầm sâu 4m. Nữ kỹ sư Năng nói:
– Hiện Viện chưa đủ thiết bị xử lý thải lỏng một cách hoàn chỉnh, nhưng cũng phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu thải phóng xạ mức độ thấp. Còn xử lý rắn thì đảm bảo, tuy nhiên quá tốn kém. Để xi măng (17) hóa 1m3 nước thải, chi phí lên tới 2 ~ 3 triệu đồng. Mỗi năm, ở đây phải “khâm liệm” 100 ~ 100m3 chất thải lỏng. IAEA đang đầu tư kinh phí giúp Viện xây dựng dự án thải phóng xạ nhằm đảm bảo các yêu cầu phát triển trong tương lai.
Trong “nhà mồ”, hàng loạt thùng phuy “ướp xác” phóng xạ xếp lớp cứ như những cỗ quan tài dựng đứng, đợi chờ cần cẩu chuyển xuống “âm ti”. Thật ra, đây chỉ là trạm lưu giữ trung hạn. Sau này, khi tìm được địa điểm thích hợp để làm nghĩa trang chất thải phóng xạ quốc gia, các thùng phuy này sẽ được đưa đến chon hủy vĩnh viễn ở đấy. Chị Năng tiếp:
– Cùng với việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử, một nghĩa địa như thế chắc chắn phải được lập ra. Song, hiện tại, không phải chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu, công nghệ thải phóng xạ, nhất là xử lý loại hoạt độ cao, vẫn còn là vấn đề hóc búa!
7
Viện trưởng Trần Hà Anh gốc miền Trung nước ta, sang Pháp từ niên thiếu. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý hạt nhân ở Đại học Orsay, ông đã có nhiều hoạt động khoa học hữu hiệu trong lĩnh vực nguyên tử năng thế giới. Là một trí thức nặng lòng yêu nước nên năm 1978, lúc toàn quốc gặp khó khăn nhiều mặt, ông vẫn mạnh dạn đưa cả gia đình “quy cố hương” với nhiệt tình góp phần xây dựng ngành khoa học hạt nhân cho xứ sở. Ông cất giọng nhỏ nhẹ, chân thành:
– Hơn 10 năm qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã tiến hành công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong điều kiện eo hẹp về kinh phí lẫn cơ sở vật chất, nhưng cố gằng đạt nhiều kết quả được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, với tư cách lãnh đạo Viện, chúng tôi vẫn nơm nớp lo lắng trước các nguy cơ thường xuyên đe đọa…
– Ý ông muốn đề cập đến các sự cố có khả năng xảy ra ở lò phản ứng chăng? Tháng 11-1994, trong cuộc hội thảo tổ chức ngay tại đây, một báo cáo khoa học đã báo động về sự lão hóa của lò phản ứng, đặc biệt là thùng lò bằng nhôm sau hơn 3 thập niên tồn tại trong môi trường nước và phóng xạ đã có biểu hiện bị ăn mòn. Lại nghe rằng lò từng bị rỉ nước vòng II nhiều lần, chẳng biết hư thực ra sao?
– Ồ, không! Không chỉ chúng tôi, mà nhiều đoàn chuyên gia quốc tế đến đây khảo sát đầu khẳng định: hệ thống an toàn bức xạ của lò cực kỳ tốt. Điều khiến chúng tôi băn khoăn lo lắng là yếu tố tụt hậu, là nguy cơ rò rỉ chất xám kìa. Dù môi trường thiên nhiên và xã hội ở đây rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, dù từ tháng 2-1993 cán bộ công nhân viên của Viện được hưởng thêm phụ cấp đặc biệt về an toàn bức xạ (18), nhưng bình quân thu nhập cả tháng chưa được 500.000 đồng/người, thử hỏi làm sao Viện giữ vững đội ngũ, nhất là những cán bộ có chuyên môn giỏi, trong khi cơ chế thị trường chi phối quá mạnh?!
Viện trưởng Trần Hà Anh tạm ngưng câu chuyện vì phải giải quyết một trường hợp xin chuyển công tác. Tôi tranh thủ hỏi phó tiến sĩ Đinh Sĩ Hiền, phó trưởng phòng Điện tử hạt nhân:
– Nếu chuyển về công ty, xí nghiệp ở các đô thị lớn, thì với nghiệp vụ đặc biệt của mình, quý anh có thể kiếm được mỗi tháng bao nhiêu?
– Tối thiểu phải 2 triệu rưỡi, chưa kể tiền thưởng. Một số người còn được trả lương 5 ~ 6 triệu đồng, anh Phanxipăng ạ.
– So với các nơi khác, đây hẳn có những ưu thế riêng chứ?
– Lò phản ứng hạt nhân là công cụ thực nghiệm mà cả nước chẳng đâu có, trừ Đà Lạt. Công tác ở đây, thỉnh thoảng được xuất ngoại ngắn hoặc dài hạn đễ hội họp, tham quan khoa học, hoặc tu nghiệp theo các kênh của IAEA như fellowships, training courser, wordshops. Thú thật, đa số anh chị em ở đây đều yêu khoa học. Nhưng, có thực mới vực được… hat nhân chớ!
Chuỗi số liệu mà anh Hiền nêu rất đáng suy nghĩ:
– Chỉ tính phòng Điện tử hạt nhân thì năm 1984 biên chế 29 cán bộ, trong đó có 3 phó tiến sĩ, nay đã “bốc hơi” quá nửa, chỉ còn 14 người, trong đó trơ trụi 1 phó tiến sĩ mà thôi!
– Nhu cầu năng lượng – Viện trưởng Trần Hà Anh tiếp – là vấn đề đang đặt ra hết sức gay gắt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với chiến lược quốc gia về phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, chậm nhất là đến năm 2015, nước ta sẽ có nhà máy điện nguyên tử. Do đó, với lò phản ứng duy nhất trên toàn quốc, rõ ràng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt giữ vai trò rất quan trọng đối với công tác chuẩn bị: khảo sát quy hoạch, xây dựng hệ thống các phương pháp khoa học, phát triển các kỹ thuật hạt nhân, lập chương trình đào tạo trong nước và hợp tác quốc tế, v.v. Cuối tháng 7-1995, Thủ tướng Chính phủ vào thăm và làm việc, có nói rằng chính giai đoạn này mới thực sự là “thời vận” của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Chúng tôi đã trình bày dự án chống xuống cấp, chống nguy cơ tụt hậu, chống rò rỉ chất xám. Muốn thực hiện thành công dự án đó, cần có ít nhất 3,5 triệu USD. Thủ tướng hứa sẽ quan tâm giải quyết sớm. Chúng tôi tin rằng đời sống cán bộ nhân viên ở đây sẽ được cải thiện thỏa đáng, và Viện sẽ đủ điều kiện phấn đấu tăng cường tiềm lực để đáp ứng hữu hiệu các yêu cầu về khoa học kỹ thuật hạt nhân của nước nhà.
8
Trời quang. Mưa tạnh, Bỗng ầm một tiếng nổ long trời lở đất. Phụt lên giữa không trung cột khói tựa cây nấm khổng lồ. Hàng trăm người chết ngay tại chỗ! Từng đoàn nạn nhân sống sót lê lết trên thành phố đổ nát hoang tàn!
Đó là hình ảnh bom nguyên tử tàn phá Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản vào ngày 6 và 9-8-1945, cách nay tròn 50 năm, được các đài truyền hình phát đi phát lại đúng lúc tôi rời lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Cũng trong thời gian này, làn sóng biểu tình phản đối Pháp thử nghiệm hạt nhân đang dâng ồ ạt ở nhiều quốc gia.
Sức mạnh nguyên tử là con dao hai lưỡi. Nhân loại cố bẻ gẫy lưỡi gây chiến, chỉ giữ lại lưỡi phục vụ hòa bình. Những ứng dụng khoa học hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế quốc dân đã và đang đem lại cho nhiều xứ sở. Dễ thấy nhất là điện năng. Nếu năm 1954, nhà máy điện nguyên tử đầu tiên xuất hiện tại Ovninsk (Nga), thì 3 thập niên sau, đã có 374 lò phản ứng năng lượng đã được đưa vào hoạt động tại 56 nước; đến cuối năm 1972, con số lò phản ứng trên toàn thế giới đã tăng lên 424, phát tổng công suất điện chiếm 17% tổng sản lượng điện toàn cầu. Một tài liệu mới đây của IAEA cho biết hiện đang có 72 nhà máy điện nguyên tử được tiếp tục xây dựng ở 18 nước mà khu vực Á Đông đạt tiến độ rất mạnh – đặc biệt là Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa, Ấn Độ.
Kinh nghiệm chỉ ra rằng năng lượng hạt nhân là phương tiện tối ưu để sản xuất điện sạch, tức không gây hại sức khỏe, khó tác động xấu đến mội trường.
Tôi ngoái nhìn lò bát quái ẩn hiện trong sương mù Đà Lạt. Cái lò bỗng phình ra, nở lớn gấp nghìn lần, và phát sáng. Ấy là nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sắp khánh thành vào đầu thế kỷ XXI qua trí tưởng tượng của tôi.
VIII-1995
_________________
(1) Kỳ thực, với trường hợp này, ở Việt Nam, Đà Lạt chẳng phải là trường hợp duy nhất. Thành phố Vũng Tàu có đường Viba.
(2) Hiện đã xây xong gần một nửa vòng cung thứ hai, gồm các phòng Viện trưởng, phòng khách, phòng họp, v.v.
(3) Trích tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân; bản Việt dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.
(4) ICRP: International Commission on Radiological Protection / Uỷ ban An toàn bức xạ quốc tế.
(5) IAEA: International Atomic Energy Agency / Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế.
(6) Liều cá nhân vượt mức 50mSv.
(7) Gam phiên âm danh từ gramme. Danh từ tiếng Pháp này hình thành bởi danh từ tiếng Hy Lạp gramma. Gam là đơn vị đo khối lượng, được viết tắt g, bằng 1/1.000kg.
(8) Trạng thái tới hạn là lò tự duy trì phân hạch dây chuyền.
(9) Côngtơ phiên âm từ compteur. Trong tiếng Pháp, danh từ này xuất phát bởi động từ compter có nghĩa đếm.
(10) Bêtông phiên âm danh từ Pháp ngữ béton.
(11) Êkíp phiên âm danh từ Pháp ngữ équipe.
(12) Chỉ cần điện nháy 1/10 giây là lò tự dập.
(13) Các nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan và Indonesia đã có lò 10MW, gấp 20 lần công suất của lò Đà Lạt.
(14) Phiên âm danh từ Pháp ngữ car và Anh ngữ cas.
(15) Linga có nguồn gốc tiếng Phạn लिङ्गं / lingam, có nghĩa “dấu hiệu”, là biểu tượng của Shiva – 1 trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Linga tượng trưng dương tính, thể hiện thành khối trụ, cách điệu sinh thực khí nam, thường được đặt trên yoni. Yoni tượng trưng nữ tính, cách điệu sinh thực khí nữ.
(16) Lê Văn Công / Lê Công chào đời năm 1958 tại Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Cựu học sinh chuyên toán trường Phan Đình Phùng. Năm 1976, tốt nghiệp cấp 3. Năm 1981, tốt nghiệp khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giai đoạn 1981 – 2004, công tác tại phòng An toàn bức xạ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Năm 1987, cưới vợ là giáo viên Trần Thị Kim Tính. Năm 1997, tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du. Từ năm 2008 đến nay, làm Tổng biên tập tạp chí Lang Bian.
(17) Tiếng Pháp: ciment. Tiếng Anh: cement.
(18) Mức phụ cấp cao nhất là 30% lương thực tế.
● Phanxipăng
Đã đăng tạp chí Thế Giới Mới 150 (11-9-1995)
In trong sách Cốt cách mùa xuân của Phanxipăng (NXB Thuận Hóa, Huế, 1997)