Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Võ Văn Kiệt - 'quyển sách' không có trang cuối cùng

 


Đường sách TP.HCM sáng ngày 24.12.2022. Có một khu vực nhộn nhịp khác thường. Rất đông các bạn trẻ là học sinh, sinh viên tò mò ghé xem và rồi đã bị cuốn hút bởi sự kiện và ở lại đến cuối Chương trình giới thiệu tác phẩm "Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân": Cùng trò chuyện với các tác giả và các con của Thủ tướng Võ Văn Kiệt do NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức.

Nhiều câu chuyện thú vị về ông Sáu Dân (tên gọi thân thương nhất đồng bào mến yêu dành tặng cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) được kể. Đó là tâm tình của các chuyên gia, những trí thức hàng đầu, những người từng biết, từng làm việc, từng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng, hành động của ông Sáu Dân, như: bà Phạm Chi Lan, ông Phan Chánh Dưỡng, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà thơ Nguyễn Duy, luật sư Trương Trọng Nghĩa, bà Phạm Phương Thảo, nhà báo Kim Hạnh, nhà báo Thế Thanh, anh Nguyễn Duy Nguyên…

Những chuyện bên lề thú vị

"Tôi có phiên tòa ở Hà Nội buổi chiều nhưng không thể vắng mặt trong sự kiện quan trọng này. Với tôi và nhiều người, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo lớn mà tầm nhìn đi trước trăm năm, mà sự nghiệp còn lưu truyền đến nhiều năm hơn con số ấy", luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết. Ngay sau phần giao lưu của mình, ông vội vã ra sân bay ngay.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, thành viên của Nhóm Thứ Sáu cũng phải chủ trì một sự kiện khác trong sáng cùng ngày và ông đã lùi thời gian lại để có mặt bên cạnh những người yêu mến Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Những người may mắn được làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang nhắc lại kỷ niệm về ông. Từ phải: Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, nhà thơ Nguyễn Duy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, luật sư Trương Trọng Nghĩa, nhà báo Nguyễn Thế Thanh


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vừa bay từ Hà Nội vào với hành trang là bức tranh nghệ thuật ghép lụa vụn chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt do người khuyết tật sáng tạo HTX Vụn Art Vạn Phúc - Hà Nội thực hiện. Bà tặng bức tranh cho đại diện gia đình cố Thủ tướng cùng những câu chuyện rất cảm động, rất nhân văn về người lãnh đạo mà bà tôn vinh là "người thắp lửa".

Và nhà thơ Nguyễn Duy, dù phải chống gậy để đến với buổi họp mặt nhưng ông đã đứng gần 1 giờ đồng hồ để kể lại kỷ niệm những lần gặp ông Sáu, chơi với ông Sáu, uống rượu và đọc thơ cho ông Sáu nghe. Những tràng pháo tay vang lên liên tục khi ông đọc Bán vàng và Đánh thức tiềm lực, hai bài thơ đã góp phần làm cho người ta biết và nhớ Nguyễn Duy đến tận bây giờ. Đọc những điều Nguyễn Duy viết ở Võ Văn Kiệt - trăm năm trong một chữ Dân mọi người càng thấy một ông Sáu Dân khoáng đạt, rộng rãi, hào sảng, vị tha…

Tập sách chỉ hơn 300 trang nhưng đầy nặng tình cảm của 32 tác giả chính thức đến với người đọc tại TP.HCM. Đây là quyển sách ra mắt muộn nhất trong số những ấn phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được bà Tôn Nữ Thị Ninh cảm phục gọi bằng "lãnh tụ" (23.11.1922 - 23.11.2022). Ngồn ngộn sự kiện, mỗi trang viết chất chứa tình cảm yêu quý, kính phục, tiếc thương người lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc, của đất nước; người đã sống có ý nghĩa từng phút từng giây và đến cuối cuộc đời vẫn đau đáu một nỗi niềm thương nước, thương dân.

Nhà thơ Nguyễn Duy (đứng) liên tục nhận được những tràng pháo tay cỗ vũ của mọi người khi nghe ông kể chuyện về Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đọc thơ


Chỉ có thể là ông Sáu Dân

Trong buổi trò chuyện này, mọi người đã kể về những điều chưa từng kể hoặc những điều đã kể rồi nhưng không thể không kể tiếp bởi nó quá đẹp đẽ, quá nhân văn, quá gần gũi. Có cả những điều mà nghe xong thấy cay mắt.

"Ngày đó, sau khi công trình đường dây 500kV hoàn thành, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã căn dặn các cán bộ có trách nhiệm phải quan tâm chăm lo cho anh em công nhân, kỹ sư tham gia xây dựng đường dây và gia đình, con em họ. Đặc biệt, ông dặn đi dặn lại phải hết sức quan tâm đến những đứa trẻ "ngoài luồng", là kết quả tình yêu của các đôi lứa trong những năm tháng gian lao trên công trình, không để chúng bị mặc cảm, thiệt thòi. Suy nghĩ thấu đáo như vậy thì chỉ có thể là ông Sáu Dân" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bồi hồi nhớ lại.

Các bạn trẻ trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một trong những tác giả của quyển sách Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân


Từng làm Phó bí thư rồi Bí thư Thành Đoàn TP.HCM những năm ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy, bà Phạm Phương Thảo gọi ông Võ văn Kiệt là "người truyền dẫn cảm hứng, truyền dẫn cảm xúc thế hệ". Bà nhắc lại buổi nói chuyện của Bí thư Thành ủy ở Tao Đàn, sau đó là lễ xuất quân "lên rừng, xuống biển" của Lực lượng Thanh niên xung phong. "Bí thư Thành ủy rất quan tâm đến thanh niên, ông hay tham gia các cuộc họp của Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên".

Bà Thảo nhớ mãi Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ TP.HCM tổ chức năm 1979. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt ngồi chủ tịch đoàn. Xong đại hội, ông nói với bà Phạm Phương Thảo: "Chưa bao giờ ngồi chủ tịch đoàn mà ấn tượng như lần này". Là bởi trong thành phần chủ tịch đoàn của đại hội có một thành viên là Bảy "đầu bò". Bảy "đầu bò" là một em thiếu niên vào đời sớm được Đội Thiếu niên giáo dục mà tiến bộ, trở thành cháu ngoan Bác Hồ.

Sau đó Bí thư Thành ủy đã đích thân đến thăm nhà Bảy "đầu bò" trong một con hẻm nhỏ, nói chuyện với em và gia đình suốt 2 tiếng đồng hồ, cho sửa sang lại nhà của em. Bảy "đầu bò" sau này đã trở thành một công dân tốt như lời hứa với Bí thư Thành ủy. "Vào thời chúng tôi, tuổi trẻ thành phố nói riêng và thế hệ trẻ nói chung rất có niềm tin vào ông Sáu Dân"- bà Phạm Phương Thảo khẳng định.

Anh Nguyễn Duy Nguyên (phải) gặp lại nhà báo Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, tờ báo đã có bài viết về anh năm 1980


Với ông Phan Chánh Dưỡng, có một kỷ niệm vui mà ông nhớ mãi. Lần đầu ông và 2 thành viên khác trong Nhóm Thứ Sáu được mời ra Hà Nội để trình bày đề án Các biện pháp chủ động về giá cả tín dụng thường được biết với tên gọi dễ nhớ là “Giá - Lương - Tiền”. Họ đi bằng tàu hỏa.

Ra tới nơi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi: "Trên đường ra đây thấy có gì lạ không?". Ông Dưỡng trả lời: "Thấy đã bỏ ngăn sông cấm chợ". Thủ tướng hỏi tiếp: "Còn thấy gì lạ nữa không?". Ông chợt nhớ đến chuyện trên đường đi có ngang qua một bến cảng đúng lúc một chuyến hàng là xe LADA vừa nhập về. Ông bèn kể lại những điều mình trông thấy: 24 chiếc xe ở phía Nam anh em nhận xe xong là đổ xăng nổ máy chạy về Nam luôn, còn 2 chiếc ở phía Bắc thì được cẩu lên xe tải chở về.

Nghe xong ông Vũ Quốc Tuấn (trợ lý của Thủ tướng) bật cười: "Các anh ở miền Nam chịu bao cấp mới có vài năm nên khi được cởi trói thì chạy được liền, còn miền Bắc tụi tôi sống trong bao cấp tới mấy chục năm, giờ được mở ra, cái chân còn tê nên chưa chạy ngay được". Câu nói đùa ấy đã làm cho không khí buổi gặp gỡ thật vui vẻ cởi mở; phá tan sự ngờ vực, nghi kỵ giữa chuyên gia hai miền Nam- Bắc.

Ông Sáu Dân chính là nhịp cầu để kết nối họ với nhau.

Đông đảo người tham dự Chương trình giới thiệu tác phẩm Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân: Cùng trò chuyện với các tác giả và các con của Thủ tướng Võ Văn Kiệt


"Tôi gọi ông Sáu Dân là lãnh tụ"

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh nhớ lại lần đầu cùng ông Sáu Dân tham dự diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ năm 1990. Khi ấy ông Võ Văn Kiệt làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Trước khi đoàn lên đường, bà Ninh được gọi đến để hỏi ý kiến về cái cà vạt mà ông Võ Văn Kiệt sẽ đeo khi xuất hiện tại hội nghị. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam cử đại biểu ra "ăn nói" với thế giới nên phải chỉn chu mọi thứ. Bà Ninh kể: "Tới lúc ra nước ngoài rồi tôi mới thấy cái cà vạt chẳng còn là vấn đề phải bận tâm vì cái thần thái, trí tuệ mà ông Võ Văn Kiệt biểu hiện ở đó đã khiến các đoàn phương Tây phải nể trọng. Ông Sáu nhận ra ngay vấn đề là Việt Nam phải đi cùng thế giới chứ không thể cứ đóng cửa tự cô lập.

Ông không phải chính trị gia, không phải chính khách nhưng người ta lắng nghe ông, thoạt đầu là tò mò, sau đó là thích thú. Ông không hỏi về thương mại, về pháp luật mà hỏi về chính sách cán bộ - vấn đề mấu chốt của mọi cuộc cải cách. Ông là một người không có điều kiện học hành trường lớp đàng hoàng nhưng cái tầm của ông rất cao. Tôi nể ông Sáu từ đó và khi trả lời báo chí phương Tây, tôi gọi ông là lãnh tụ".

Từ phải (thứ hai và thứ tư): Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và bà Phạm Phương Thảo (nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM), cùng các khách mời giao lưu tại Sự kiện. Ảnh: Thanh Niên


Một câu chuyện khác mà nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm ấy kể lại là lần bà được phân công liên lạc với ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên phó thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông Hảo rất khó tánh nhưng chịu về giúp Việt Nam là vì nể ông Kiệt. Còn ông Kiệt biết ông Hảo chính là người không cho phép mang kho vàng ra khỏi nước trong sự kiện 30 tháng Tư, ông cho đó là hành động của một người yêu nước nên quý trọng. Hai tâm hồn yêu nước vì lẽ đó mà gặp nhau. Bà Ninh nhớ lại: "Có lần ông Kiệt nói với tôi phải chi mời được một người nước ngoài về làm thống đốc ngân hàng thì hay biết mấy. Thế mới hay suy nghĩ của ông rất thoáng, đi trước thời đại rất xa…".

Hiện diện trong buổi gặp gỡ còn có một nhân vật đặc biệt: Anh Nguyễn Duy Nguyên, nhân vật trong bài viết "Chuyện con trai người sĩ quan Việt Nam Cộng hòa". Anh kể lại câu chuyện của mình: "Khi đó tôi 18 tuổi. Tôi rất xúc động khi nghe câu nói của bác Kiệt: Không ai chọn cửa để sinh ra. Câu nói ấy khiến tôi quên đi mặc cảm và càng nỗ lực học hành. Bức thư tay của bác Kiệt gởi bác Phạm Hùng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ) xin cho ba tôi, một sĩ quan đang học tập cải tạo, được về đoàn tụ gia đình đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi không bao giờ quên ân tình đó và tâm nguyện sẽ đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước. Dẫu hiện tại xã hội đã có nhiều biến động, có người vầy người khác, nhưng tôi vẫn tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, như đã tin bác Võ Văn Kiệt".

Bà Phạm Chi Lan (phải) trao tặng bức tranh chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt do các trẻ khuyết tật Hà Nội thực hiện, cho gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt


Cũng như lần gặp trước đây ở Hà Nội, lần này tại Sài Gòn, nhà báo Vũ Kim Hạnh, người biết ông Sáu Dân rất sớm và từng có nhiều thời gian làm việc bên cạnh ông cho rằng "Dường như mỗi chúng ta đều có ông Sáu Dân trong một phần cuộc đời mình. Tôi muốn đeo đuổi những cuộc trò chuyện về ông Sáu vì thật sự đến giờ chúng ta vẫn chưa biết hết, hiểu hết về con người này".

Giống như nhà báo Vũ Kim Hạnh, nhiều người nói cho đến giờ ông Sáu Dân vẫn còn là một ẩn số. Nhưng với tôi, ông là quyển sách không có trang cuối cùng…

Một ngày hạnh phúc

Cùng chồng và cháu trai có mặt trong buổi gặp gỡ, bà Võ Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xúc động bày tỏ: "Trong lần ra mắt sách tại Hà Nội cũng như lần này tại TP.HCM, được gặp gỡ, được nghe những câu chuyện của các cô chú, anh chị về ba, tôi càng hiểu và tự hào. Suốt cuộc đời ông không có lợi ích riêng tư nào ngoài lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Hôm nay tôi thật sự hạnh phúc khi thấy rất nhiều người dân thành phố mang tên Bác, nơi ba tôi đã gắn bó một phần quan trọng của cuộc đời mình đã dừng lại, lắng nghe.

Càng hạnh phúc hơn khi thấy rất nhiều em học sinh, sinh viên còn rất trẻ đã mua sách, đọc sách và bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề quan trọng của xã hội, của đất nước. Điều đó cho chúng ta hy vọng để bước tới".

Lệ Thủy