Viện nghiên cứu hạt nhân- (Trung tâm nghiên cứu nguyên tử DALAT)
Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt là công trình hiện đại do Mỹ viện trợ, được chọn lựa xây dựng trên một ngọn đồi rộng 11ha, nằm ở phía đông bắc trung tâm Đà Lạt. Công trình này được dư luận báo chí đương thời quan tâm giới thiệu rộng rãi cả trong và ngoài nước.
Đồ án Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt dược xây dựng từ năm 1958, do KTS Ngô Viết Thụ đảm nhận cùng các KTS phụ tá: KTS Nguyễn Mỹ Lộc, KTS Phạm Quỳnh Lân, KTS Vũ Tòng. Người Mỹ cung cấp một đồ án kiểu mẫu, theo đó lò nguyên tử sẽ đặt trong một toà nhà vuông nối tiếp là những khối chữ nhật dành cho các phòng vật lý và hoá học.
KTS Ngô Viết Thụ đã phát biểu trong một cuộc họp báo:
KTS Ngô Viết Thụ đã phát biểu trong một cuộc họp báo:
“. . . Đã có sáng kiến sửa đổi hình thức bên ngoài các toà nhà để trước hết được thích hợp với phong cảnh đồi núi xung quanh và sau là để phù hợp với nền văn minh cổ truyền của chúng ta. Vì vậy nên toà nhà vuông chứa lò nguyên tử đã trở thành hình ống, toạ lạc giữa một cái cung tròn gồm có những phòng vật lý và hoá học. Khoảng trống giữa khung tròn và toà nhà hình ống chứa lò nguyên tử đã được biến thành một biểu tượng cho bát quái đồ, hình tròn trong đó có sự kết hợp giữa lối kiến trúc tối tân của thời đại nguyên tử và lối kiến trúc cổ truyền”.
Lời nói đó nói lên ý đồ sáng tạo của các nhà kiến trúc: kết hợp hài hoà giữa công năng công trình kiến trúc với cảnh trí thiên nhiên của Đà Lạt.
Lò nguyên tử TRIGA Mark II hình tròn, bán kính 10m, nhô lên với một khối hình ống có điểm những trụ đứng mảnh chia nhỏ mặt tường lớn khô khan. Xung quanh hạt nhân trung tâm đó là những hạng mục kiến trúc xen kẽ cách ly bằng thảm cỏ vườn hoa, nối kết với nhau nhờ những đường hành lang theo hình tròn và đường trục xuyên tâm.
Lò phản ứng VNR-1 (Viêt Nam Reactor-1), được đưa vào vận hành từ tháng 3-1963 với công suất 250 KW, là loại lò TRIGA Mark II do hãng General Atomic của Mỹ chế tạo.
Ba mục tiêu chính của lò là nghiên cứu, huấn luyện, sản xuất đồng vị (chữ viết tắt TRIGA gồm: T-Training, R - Research, I - Istope production, GA - General Atomic). Diện tích xây dựng công trình gần 2000m2, kinh phí xây dựng khoảng 22.000.000 đồng (tiền Sài Gòn cũ); giá trị thiết bị nhập là 700.000 US$...(trích từ Tạp chí XDM B. 75....).
Sau ngày giải phóng, trên cơ sở cũ, Viện Nghiên cứu hạt nhân được thành lập theo Quyết định số 64/CP ngày 26-4-1976 của Thủ tướng Chính phủ. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, sự tài trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Nhà nước ta đã đầu tư công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân từ 1997-1983. Ngày 20-3-1984, lò phản ứng với tên mới IVV-9 chính thức đi vào hoạt động với công suất 500 kW, tăng gấp hai lần so với trước.
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chua-the-xay-trung-tam-hat-nhan-o-da-lat-2977379.html
-----------------------------------------
Ngày 20-3 tại Đà Lạt, Viện Năng lượng nguyên tử VN và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã kỷ niệm 30 năm ngày khôi phục, mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20-3-1984 - 20-3-2014).
Tin bài liên quan
- Xây Lò phản ứng hạt nhân mới: Lo vỡ quy hoạch Đà Lạt (26/03)
- Kỷ niệm 30 năm khôi phục lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (21/03)
- 500 triệu USD xây trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử (19/03)
- Giám sát việc “lão hóa” lò phản ứng hạt nhân (26/11)
- Nhật không kiểm tra an toàn thiết bị hạt nhân xuất khẩu (14/10)
Tại buổi lễ, viện đã đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba do Chủ tịch nước tặng, ghi nhận những đóng góp cho sự phát triển chung của khoa học, công nghệ hạt nhân, y học, công nghệ sinh học...
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chính thức hoạt động ngày 3-3-1963 với công suất 250kWt theo công nghệ của Mỹ (TRIGA Mark II). Đến năm 1975, toàn bộ thanh nhiên liệu được tháo dỡ và gửi trả về Mỹ. Đến ngày 20-3-1984, lò hoạt động trở lại với công suất gấp đôi thiết kế ban đầu (500kWt) dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Đến ngày 4-7-2013, toàn bộ nhiên liệu có độ giàu cao đã được tháo dỡ đưa về Nga dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.
Từ thời điểm khôi phục hoạt động, mỗi tháng lò phản ứng hạt nhân hoạt động 1-2 lần để sản xuất đồng vị phóng xạ nhằm điều chế biệt dược phục vụ y học, nghiên cứu các ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đào tạo chuyên gia.
MAI VINH
Xây Lò phản ứng hạt nhân mới: Lo vỡ quy hoạch Đà Lạt
26/03/2014
TT - Để bảo vệ quy hoạch chung, tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị dời vị trí dự kiến đặt lò phản ứng hạt nhân mới (công suất gấp 30 lần lò đang hoạt động) ra xa TP Đà Lạt 22km.
Ngày 25-3, trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chính thức đề nghị đưa lò phản ứng hạt nhân mới có công suất gấp 30 lần lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay ra khỏi TP Đà Lạt.
Phó thủ tướng đã đề nghị Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch.
Lò phản ứng hạt nhân mới nằm trong dự án Trung tâm Nghiên cứu công nghệ nguyên tử Việt - Nga, có vốn đầu tư 500 triệu USD do Chính phủ Nga hỗ trợ tín dụng, dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2015 nhưng đến nay sau hai năm, các bên vẫn chưa thống nhất được địa điểm.
Dời xa TP Đà Lạt 22km
Địa điểm ban đầu được Bộ Khoa học - công nghệ đề xuất nằm trong khuôn viên của Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (P.12, Đà Lạt) có diện tích hơn 100ha, phía chuyên gia Nga đã đến Đà Lạt khảo sát, đồng ý tuy nhiên tỉnh Lâm Đồng chưa đồng thuận.
Đây là lần thứ hai lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lên tiếng kể từ khi dự án này được Chính phủ thông báo với tỉnh vào năm 2012 và là lần đầu tiên kể từ khi dự án này được phía nhà thầu xây dựng là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) công bố chính thức vào giữa tháng 3-2014.
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa cho rằng nên dời lò hạt nhân mới mà Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng ở Đà Lạt ra xa thành phố khoảng 22km.
Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, ông Hòa cho rằng: “Chúng tôi không chống lại quyết định của Chính phủ, nhưng tôi cho rằng lò phản ứng mới có công suất lớn này sẽ làm hư quy hoạch chung Đà Lạt mà Thủ tướng đã phê duyệt vào năm 2002. Trong quy hoạch này mọi thứ chúng tôi đã chuẩn bị ổn định rồi”.
Trả lời câu hỏi về việc có ý kiến cho rằng ông Hòa nhiều lần kiến nghị dời lò hạt nhân do ảnh hưởng đến những dự án phê duyệt trước đó, ông Hòa trả lời: “Chẳng có dự án nào cả, đây là quy hoạch chung và ý chung của nhân dân thôi”.
Ông Hòa khẳng định nếu Chính phủ đồng ý dời dự án xây lò hạt nhân ra khỏi Đà Lạt thì tỉnh sẽ thống nhất bố trí bất kỳ khu đất nào Chính phủ muốn dọc tỉnh lộ 723 (nối Đà Lạt - Nha Trang). Cự ly mà tỉnh này đề nghị là cách xa Đà Lạt tối thiểu 20km.
Lo lắng không có cơ sở?
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh - nguyên phó giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, ủy viên ban chấp hành Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng - cho rằng: “Tôi không bình luận về việc quy hoạch sẽ bị phá vỡ do xây dựng lò nghiên cứu hạt nhân, tuy nhiên tôi cho rằng lo lắng này không có cơ sở, do lò hạt nhân mới này sẽ nằm chung diện tích đất có sẵn đang dùng cho Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp thuộc Viện Năng lương nguyên tử Việt Nam”.
Còn PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết có thể tỉnh Lâm Đồng lo sợ xuất hiện thêm lò phản ứng hạt nhân mới với công suất gấp 30 lần lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện hữu sẽ ảnh hưởng đến du lịch Đà Lạt và các dự án đã quy hoạch trước đó.
Nhưng nhìn nhận lại, có thêm một trung tâm nghiên cứu công nghệ hạt nhân tại Đà Lạt thì lợi nhiều hơn mất, thúc đẩy khoa học công nghệ của tỉnh phát triển.
Khó cho ngành hạt nhân...
Ông Điền cho biết nếu đưa lò phản ứng hạt nhân mới ra xa Đà Lạt thì rất bất lợi trong việc thu hút và đào tạo nhân lực hạt nhân vốn đang thiếu.
Ông nói: “Lôi kéo cán bộ giỏi về Đà Lạt không phải dễ, đằng này còn phải đưa cán bộ cách xa trung tâm, e sẽ khó khả thi. Đặc thù của nghiên cứu hạt nhân không giống như các công chức khác, giờ giấc làm việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác liên quan đến kỹ thuật của ngành nên cán bộ có thể đi sớm, về trễ nên quá xa gia đình của họ cũng rất khó khăn”.
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh phân tích rằng việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới để nghiên cứu tại Đà Lạt an toàn hơn những vị trí khác về kết cấu địa chất và nhiệt độ tối ưu cho hoạt động ổn định của lò phản ứng công nghệ Nga, điều này các bên liên quan đã khảo sát kỹ.
Ông cho rằng tỉnh Lâm Đồng đẩy nhà lò ra xa trung tâm Đà Lạt sẽ khó cho nhà lò mới cần khoảng 300 kỹ sư có kinh nghiệm điều hành lò phản ứng.
Ông phân tích: “Hiện nay cả nước có 600 chuyên gia hạt nhân, nhưng số có thể vận hành lò hạt nhân chỉ khoảng 120 người, tập trung toàn bộ tại Đà Lạt. Gần như toàn bộ nhân lực hiện nay của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phải được tăng cường cho hoạt động của lò mới sau khi xây dựng xong. Bộ Khoa học - công nghệ khi khảo sát đã cho rằng đây là lý do lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện hữu và lò đang chuẩn bị xây dựng không được quá xa nhau”.
Ngoài ra, ông Sinh còn cho rằng sự có mặt của lò phản ứng hạt nhân mới sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của Khu nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt nằm ngay cạnh địa điểm xây dựng nhà lò mới.
“Chuyện bình thường” Trước việc tỉnh Lâm Đồng đề xuất đưa Trung tâm Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Việt - Nga cùng nhà lò phản ứng ra khỏi Đà Lạt, ông Vyacheslav Pershukov, thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc Rosatom, cho rằng việc xuất hiện một nhà lò phản ứng hạt nhân tại TP Đà Lạt, nơi tập trung đông trí thức là chuyện bình thường. Ông nhấn mạnh đây là nhà lò nghiên cứu có công suất nhỏ, khác với những lò công suất lớn phục vụ điện hạt nhân. Lò sẽ dùng công nghệ mới nhất. Ông nói: “Nếu nhìn ra các nước trên thế giới, thì các bạn sẽ thấy rằng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân hầu như được đặt ở tất cả các thủ đô và thành phố lớn. Chúng không chỉ được đặt ở Matxcơva (Nga) và Saint Petersburg (Nga) mà cả ở Vienne (Áo), Paris (Pháp) và nhiều thành phố khác. Các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân được xây dựng ở những trung tâm nơi có các nhà khoa học và nhà nghiên cứu. |
Lò mới công suất gấp 30 lần lò đang hoạt động Trong một cuộc trao đổi mới đây, ông Vyacheslav Pershukov cho biết Nga và Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng Trung tâm Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Việt - Nga trị giá 500 triệu USD. Hiện nay, chuyên gia hai bên đã thống nhất được nhiệm vụ của trung tâm: nghiên cứu vật liệu sau chiếu xạ, điều chế đồng vị phóng xạ, ứng dụng công nghệ hạt nhân vào phát triển nông nghiệp, đào tạo nhân lực vận hành các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Qua đó xác định trung tâm gồm một tổ hợp hai trung tâm tại Đà Lạt hoặc vùng phụ cận và Hà Nội. Trung tâm tại Lâm Đồng gồm một lò phản ứng mới với công suất 15 MW, gấp 30 lần so với lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các phòng nghiên cứu thực nghiệm phóng xạ. Trung tâm tại Hà Nội thực hiện các nghiên cứu trên máy tính và trên các hệ thống mô phỏng thời gian thực về phản ứng hạt nhân, hoàn toàn không liên quan đến những vật liệu chứa phóng xạ. Các nghiên cứu được hoàn thành tại đây sẽ được thực nghiệm tại Đà Lạt. Đội ngũ làm việc ở hai cơ sở khoảng 400-500 người. Dự kiến đến năm 2020 sẽ vận hành hệ thống nhà lò phục vụ các nghiên cứu và đào tạo nhân lực. |
MAI VINH
Chưa thể xây Trung tâm hạt nhân ở Đà Lạt
Bộ Khoa học Công nghệ và tỉnh Lâm Đồng chưa đạt được sự đồng thuận nên dự án xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân chưa được triển khai, chờ quyết định của Thủ tướng.
Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với lò phản ứng nằm ở trung tâm thành phố dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong 10 năm nữa. Để thay thế, Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân (Trung tâm) sẽ được thành lập nằm cách Viện 12 km, trong đó trọng tâm là lò phản ứng hạt nhân mới.
Khi Trung tâm ra đời, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện tại có thể chấm dứt sứ mệnh lịch sử sau hơn 50 năm hoạt động. Toàn bộ nhân lực của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hiện nay sẽ được chuyển về Trung tâm.
Mô hình Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân. |
Ngày 12/11/2012, Bộ Khoa học Công nghệ và Nga ký hiệp định liên Chính phủ về xây dựng việc Trung tâm trên. Dự án này có tổng vốn đầu tư là 500 triệu USD do Nga hỗ trợ. Trong Trung tâm này, một lò hạt nhân mới có công suất khoảng 15MWt, gấp 30 lần công suất định danh của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay sẽ được xây dựng, với công nghệ hiện đại, an toàn.
Theo kế hoạch, năm 2014 Trung tâm trên sẽ được khởi công xây dựng, nhưng gần năm nay, Bộ Khoa học và tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Địa điểm được Bộ chọn là khu đất hơn 100 ha ở tiểu khu 151A, phường 12, cách trung tâm Đà Lạt 12 km. Bộ đã làm tờ trình gửi Thủ tướng về việc này và trong phiên họp thường trực ngày 4/1/2013, Chính phủ đã nhất trí đề xuất của Bộ.
Tuy nhiên, đại diện tỉnh Lâm Đồng cho rằng, địa điểm mà Bộ đề xuất chưa hợp lý, vì đây là khu vực có dân cư, quá gần với trung tâm thành phố Đà Lạt, có thể gây tâm lý lo sợ cho người dân và du khách.
Vì vậy, Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị địa điểm nên được xây dựng cách trung tâm Đà Lạt khoảng 30-40 km, trong đó địa điểm khả thi nhất là xã Đa Nhim, cách trung tâm thành phố 32 km, trên trục lộ Đà Lạt - Nha Trang.
"Việc xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân ở Đà Lạt đặt ra vấn đề tâm lý xã hội nhiều hơn vấn đề an toàn", ông Hòa nhấn mạnh tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây.
Vị trí xây dựng lò phản ứng mới của Bộ và tỉnh Lâm Đồng. |
Sau khi khảo sát, Bộ cho rằng địa điểm mà Lâm Đồng đề xuất cách nơi Bộ chọn khoảng 18 km. Theo báo cáo của Bộ thì khu vực này cơ sở hạ tầng chưa phát triển, việc đi lại còn khó khăn. Việc Trung tâm quá xa thành phố sẽ khiến cho việc hoạt động không mang lại hiệu quả cao, vì không đảm bảo hạ tầng thiết yếu, không thu hút được nhân tài..
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, nếu di dời Trung tâm ra khoảng 30 km thì Trung tâm sẽ không thu hút được cán bộ, chuyên gia giỏi đến nghiên cứu, cũng như sẽ khó phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, trường đại học trong triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển điện hạt nhân và số tiền 500 triệu USD sẽ đầu tư không hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Thành để thu hút cán bộ giỏi cho ngành điện hạt nhân, cần tạo điều kiện thuận lợi chứ không "xua đuổi" họ đến những nơi hẻo lánh.
Theo ông Thành, việc xây dựng Trung tâm hạt nhân ở Đà Lạt sẽ giúp Lâm Đồng có nhiều lợi thế bởi Viện Năng lượng nguyên tử có hơn 250 cán bộ nghiên cứu, và sẽ thu hút các chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài nước tới nghiên cứu, đào tạo nhân lực.
Về lý do không an toàn mà Lâm Đồng đưa ra, ông Thành nói: "Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đang hoạt động ở trung tâm thành phố hơn 30 năm nay, chưa gây ra ảnh hưởng gì tới cuộc sống người dân và khách du lịch".
Mới đây, ngày 11/4, tại kỳ họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội, vấn đề địa điểm để xây dựng Trung tâm một lần nữa được nhắc đến. Tuy nhiên quyết định của hai bên là không thay đổi.
Báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Trung tâm, Bộ trưởng Khoa học Nguyễn Quân nói: "Việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới hiện đã quá chậm. Tất cả sẽ chờ quyết định của Thủ tướng để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất có thể".
Hương Thu