Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Nữ caddie tiết lộ chuyện căng thẳng trên sân golf - Caddie trên sân golf có nhiệm vụ gì?

 Hà Nguyễn

Nhà báo

Được ví như huấn luyện viên, chuyên gia tư vấn riêng cho các tay golf nhưng caddie thường phải làm việc trong vô vàn áp lực và những cạm bẫy khó ngờ.

Làm dâu trăm họ

Nguyễn Ngọc Lan (30 tuổi, TP.HCM) đã làm công việc caddie (nhân viên hỗ trợ, kéo, bảo quản bao đựng gậy đánh golf cho khách trên sân) trong một sân golf tại TP.HCM được 10 năm. Thời gian làm việc linh động, được gặp gỡ nhiều người nổi tiếng… khiến Lan yêu thích và gắn bó với công việc này.

Tuy vậy, Lan cho biết: “Làm caddie không khác gì làm dâu trăm họ. Được ví như huấn luyện viên, chuyên gia tư vấn riêng cho các golfer (người chơi golf) nhưng caddie lại thường xuyên bị khách xem thường, mắng chửi, thậm chí hành hung”.

“Trên sân, chúng tôi không chỉ kéo gậy cho khách mà còn tư vấn cho họ đánh những khoảng cách an toàn, gậy an toàn… Nhưng chúng tôi thường không được xem trọng. Nếu chẳng may gặp khách khó tính hoặc thua độ, chúng tôi bị mắng chửi là chuyện thường xuyên”.

Lan kể có lần phục vụ một tay golf khó tính. Mỗi khi đánh hỏng, người này lại văng tục. Suốt thời gian phục vụ, Lan phải hứng chịu những câu chửi thiếu văn hóa, tế nhị. Thậm chí, có lần cô chứng kiến cảnh một đồng nghiệp của mình bị khách hàng hành hung.

Lan nói: “Sân golf tôi làm việc từng có trường hợp một bạn caddie bị khách hàng dùng gậy hành hung. Những trường hợp như thế phần lớn đều do tính cách khách nóng nảy, thiếu kiềm chế hoặc thua cá cược nên không giữ được bình tĩnh rồi trút giận lên caddie.

Làm caddie rất áp lực. Hôm nào gặp được người khách tốt, vui vẻ thì xem như mình may mắn. Ngược lại, hôm gặp khách khó tính thì chỉ kéo túi gậy thôi, chúng tôi cũng đã rất căng thẳng. Suốt thời gian phục vụ, chúng tôi luôn giữ im lặng, chỉ được lên tiếng khi khách yêu cầu. Tuy nhiên, có lần chúng tôi tư vấn lại bị khách quát nạt, thậm chí xúc phạm”.

Vất vả là vậy nhưng thu nhập của caddie chủ yếu phụ thuộc vào tiền tip (tiền bo) của khách hàng. Caddie được công ty chủ quản trả lương. Tuy nhiên, mức lương ấy khá thấp. Việc khách hàng có thể tác động trực tiếp đến thu nhập của mình khiến những người như Lan cam chịu khi bị mắng mỏ, xúc phạm.

Dù nam hay nữ, các caddie đều phải đối mặt với nhiều áp lực khi làm việc. (Ảnh minh họa: Caddie VietNam).

“Dù không nhiều nhưng vẫn có trường hợp khách hàng đến sân với tâm thế mình là người có tiền, có địa vị, bỏ tiền ra thuê caddie làm việc, phục vụ mình nên có quyền mắng chửi họ. Mỗi golfer có tính cách khác nhau nhưng chúng tôi phải làm hài lòng tất cả khách hàng của mình”, Lan chia sẻ.

Nhiều cạm bẫy

Để đối mặt với những áp lực ấy, caddie phải học hỏi, thích nghi từng ngày. Trước khi trở thành “huấn luyện viên, chuyên gia tư vấn riêng” cho golfer, caddie phải trải qua khóa đào tạo ít nhất 3 tháng. Trong 3 tháng này, caddie được đào tạo luật của môn thể thao quý tộc, một số kỹ thuật, điều lệ của công ty…

Sau 3 tháng, caddie tiếp tục tự tích lũy kinh nghiệm chơi golf bằng cách học lỏm trong quá trình huấn luyện viên dạy golfer mới. Lan chia sẻ: “Khi ra sân, chúng tôi đi theo các thầy dạy khách mới chơi. Các thầy chỉnh, hướng dẫn khách như thế nào thì chúng tôi học lỏm".

“Chúng tôi quan sát kỹ năng thầy dạy cho khách rồi ghi nhớ, tích lũy và biến nó thành kinh nghiệm của mình. Sau đó, chúng tôi dùng những kinh nghiệm học lỏm được hỗ trợ cho khách hàng mình phục vụ khi cần. Khách ưng ý thì chúng tôi có cát-xê cao và ngược lại”.

Tuy vậy, không phải caddie nào cũng được các golfer tìm đến vì khả năng tư vấn, hướng dẫn cách chọn gậy, vị trí đánh tốt nhất… Nhiều caddie được chọn vì ngoại hình ưa nhìn, hấp dẫn của mình.

Ngọc Lan chia sẻ: “Là caddie có thể không đẹp lắm nhưng phải có ngoại hình. Nghề của chúng tôi, ai xinh, ai trẻ, ai tốt thì nhiều khách đặt lịch, mời phục vụ. Những ai có ngoại hình khiêm tốn hơn hoặc ít duyên dáng hơn thì chỉ đi theo lượt hoặc chờ người khác không thể ra sân để mình thế chân thôi”.

Cũng từ quy luật bất thành văn này, caddie phải đối mặt với nhiều cạm bẫy hơn. Ngọc Lan không ngại chia sẻ việc nhiều caddie bị khách nam dụ dỗ, quấy rối tình dục thậm chí đặt vấn đề “bán vốn tự có”.

Ngược lại, nhiều caddie cũng bị sự giàu có của khách hàng mình phục vụ làm mờ mắt để trở thành những “kẻ thứ ba”, “bồ nhí”…

Lan nói: “Chuyện caddie nam, nữ bị khách hàng là đại gia của mình dụ dỗ, quấy rối tình dục không thiếu. Thậm có trường hợp caddie chủ động câu kéo, dụ dỗ lại khách hàng của mình.

Những trường hợp này thường rơi vào các caddie chưa có gia đình và ham mê vật chất. Họ đến với công việc này với mục đích chính là kiếm tiền một cách nhanh chóng.

Đó là những "con sâu làm rầu nồi canh" và khiến cái nghề nhiều vất vả của chúng tôi ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, vẫn có trường hợp caddie và golfer đến với nhau vì đam mê môn thể thao này và họ yêu nhau, trở thành vợ chồng”.

Cái giá phải trả của một caddie cao cấp: Tiết lộ người trong cuộc

Vũ LụaNhà báo

Là một caddie cao cấp, Gia Lệ kể cho phóng viên hai câu chuyện ngắn xảy ra tại nơi làm việc của cô.

Vị khách khó tính

Nghiêm Gia Lệ là cô gái quê Quảng Đông (Trung Quốc). Ở quê cô đã có sân golf từ lâu và nhiều người ở quê nghĩ rằng, làm caddie là một công việc rất tốt. Vì vậy, vào năm 2001, mẹ Gia Lệ đã chi hơn 3.800 tệ (gần 13 triệu đồng) gửi cô đến một trường dạy đánh golf ở địa phương để học cách trở thành caddie. 

Sau khi tốt nghiệp, Gia Lệ được nhận vào một sân golf ở Quảng Đông với tư cách là caddie.

Trong vài năm sau đó, ngoài làm việc ở sân golf Quảng Đông, Gia Lệ còn làm việc tại một số sân golf ở Hải Nam và được gọi là một caddie cao cấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pxfuel

Nói về cảm xúc khi làm caddie, Gia Lệ kể cho phóng viên hai câu chuyện ngắn xảy ra tại nơi làm việc của cô. 

Một lần, một vị khách đến nghỉ dưỡng và chơi golf 21 ngày tại Meishi Golf. Trong những ngày đó, Gia Lệ là người phục vụ anh ta. 

Vị khách rất nghiêm túc. Tuần đầu tiên anh ta giữ nguyên khuôn mặt lạnh lùng, không nói không rằng. Gia Lệ có chút lo lắng, sợ vị khách này là người khó phục vụ. Cô không dám nói đùa, chỉ cố gắng làm thật tốt công việc của mình. 

Một tuần sau, Gia Lệ dần dần phát hiện ra rằng mặc dù khách hàng này không nói nhiều nhưng anh ta là một người tốt. Đôi khi, cô nhận ra vị khách đang có tâm trạng không tốt, nhưng anh ta chỉ chơi hết mình và không bao giờ nổi giận với Gia Lệ. 

Vài lần anh ta chơi quá giờ ăn trưa, chỉ dừng lại một chút để ăn bánh quy và bánh gạo nhưng anh ta luôn mang thêm một phần và đưa cho Gia Lệ. Chi tiết nhỏ này đã khiến Gia Lệ cảm động đến tận bây giờ.

“Tất nhiên, không phải vị khách nào cũng biết tôn trọng và hiểu caddie”, cô gái nói thêm. Đôi khi các caddie sẽ cảm thấy rất buồn khi gặp phải những khách hàng cá tính, mất bình tĩnh và vô lý.

Gia Lệ cho biết có lần cô gặp một khách hàng và người này khiến cô rất buồn. 

Khi vị khách đang chơi, Gia Lệ báo cáo hướng gió và tốc độ cho khách dựa trên kinh nghiệm của mình, đồng thời đưa cho khách một số lời khuyên về cách chơi. 

Vậy nhưng, vị khách lại nổi giận, mắng mỏ Gia Lệ và nói rằng anh ta sẽ báo cáo với quản lý của cô về cách cô phục vụ. Gia Lệ chỉ biết xin lỗi nhưng cô cảm thấy rất ấm ức vì thực sự cô không làm gì sai.

Gia Lệ nói với phóng viên rằng làm caddie rất vất vả vì họ thường đi trên cỏ ướt và không được ăn uống đúng giờ. Nhiều caddie mắc các bệnh nghề nghiệp như viêm khớp và bệnh dạ dày. Ngoại trừ những ngày trái mùa, caddie rất ít khi được nghỉ ngơi, ngày lễ càng nhiều, khối lượng công việc của caddie càng lớn. 

Đối với caddie nữ, cái giá phải trả sẽ cao hơn một chút. Những cô gái ban đầu xinh đẹp trắng trẻo sẽ trở thành "cô gái da đen" khi họ trở thành caddie. 

Việc đi bộ với cường độ cao trong thời gian dài đã khiến bắp chân của các cô gái to lên, khiến họ không còn dám mặc váy.

Tuy nhiên, đối với các caddie, điều họ sợ nhất là sự khó hiểu, không đồng tình của khách. Nếu mỗi khách hàng có thể thấu hiểu caddie hơn một chút, caddie chắc chắn sẽ làm việc tốt hơn và vui vẻ hơn.

Trải nghiệm ở cạnh ngôi sao

Mặc dù Tá Siêu chỉ mới 23 tuổi nhưng anh đã làm caddie được hơn 4 năm.

Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, Tá Siêu đến Hải Nam (Trung Quốc) làm bồi bàn trong một quán bar. 

Một năm sau, Tá Siêu chuyển sang làm caddie. Tá Siêu rất vui khi làm công việc này vì anh yêu thích nó. Sau giờ làm việc, caddie có thể chơi golf miễn phí miễn là không ảnh hưởng đến cuộc chơi của khách. 

Ngoài ra, có một lợi thế khác khi trở thành caddie: bạn có thể thường xuyên gặp gỡ những người nổi tiếng và ngôi sao khác nhau, thậm chí có cơ hội trở thành caddie cho một ngôi sao. Bản thân Tá Siêu từng phục vụ diễn viên nổi tiếng Triệu Bổn Sơn và nhiều siêu mẫu trong đó có siêu mẫu Tạ Đông Na.

“Tôi làm caddie cho Triệu Bổn Sơn cách đây hai hoặc ba năm”, Tá Siêu nhớ lại.

Ngày hôm đó đi làm, Tá Siêu bất ngờ vì vị khách chính là Triệu Bổn Sơn, người mà anh thường thấy trên tivi. 

Tá Siêu rất vui khi được làm caddie cho Triệu Bổn Sơn. Triệu Bổn Sơn chơi golf không giỏi nhưng anh rất dễ gần và hài hước. Trong khi chơi, nam diễn viên nổi tiếng thỉnh thoảng nói đùa khiến bầu không khí trở nên thoải mái và vui vẻ.

Làm caddie cho siêu mẫu Tạ Đông Na là một cảm giác hoàn toàn khác. Ngay khi đứng cạnh Tạ Đông Na, Tá Siêu lập tức cảm thấy rất khó chịu. 

Tạ Đông Na quá cao, Tá Siêu, người cao 1,72m, đứng cạnh cô vẫn thấp hơn nửa cái đầu. Tạ Đông Na đã quen với tình huống này từ lâu, nhưng Tá Siêu thực sự không quen. Anh phải ngước lên khi nói chuyện với Tạ Đông Na.

Ngay sau đó, Tá Siêu đã tìm ra một giải pháp tốt cho vấn đề. Khi Tạ Đông Na chơi, Tá Siêu cố gắng đứng ở một nơi cao. Bằng cách này, lợi dụng địa hình, Tá Siêu cuối cùng không cần phải ngẩng đầu lên để nói chuyện. Tá Siêu nói rằng trong ấn tượng của anh, Tạ Đông Na chơi golf rất giỏi, thích cười và ăn vặt.

Đã làm caddie được 4 năm, Tá Siêu có một ý tưởng rõ ràng hơn về sự phát triển trong tương lai của mình. 

Tá Siêu nói anh thích công việc này và anh muốn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, caddie là nghề không thể làm cả đời. Vì vậy, bây giờ Tạ Siêu đang học kiến ​​thức quản lý, với hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành người quản lý sân vận động.

Theo Sohu

Caddie trên sân golf có nhiệm vụ gì?

Tú LinhNhà báo

Caddy golf hay caddie là tên gọi chỉ những nhân viên phục vụ trên sân golf. Họ hỗ trợ người chơi golf và có nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Thuật ngữ "caddie" bắt đầu từ đâu?

Từ caddie bắt nguồn từ tiếng Pháp “le cadet”, có nghĩa là “cậu bé” hoặc em út trong gia đình. Thuật ngữ này được sử dụng trong tiếng Anh vào những năm 1600 và biến thể thành cady, caddy, cadie hoặc caddy. Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những người khuân vác hoặc cậu bé làm việc vặt ở các thị trấn Scotland vào thế kỷ 18. 

Vào giữa thế kỷ 19, các từ điển định nghĩa mang gậy đánh golf là công việc chính của caddie.

Tuy nhiên ngày nay, caddie không chỉ có nhiệm vụ mang theo gậy đánh golf cho khách mà còn làm rất nhiều công việc khác nhau. 

Nhiệm vụ chính của caddie trên sân golf

1. Trao gậy cho người đánh golf

Vào giữa thế kỷ 19, các từ điển định nghĩa mang gậy đánh golf là công việc chính của caddie.

Caddie có trách nhiệm đưa đúng gậy golf cho người chơi golf khi họ thực hiện cú đánh. Caddie cần biết sự khác biệt giữa gậy sắt, gậy gạt, gậy gỗ… Họ cũng cần phải biết cấu hình đánh số khác nhau được sử dụng với một số gậy nhất định.

2. Giữ sạch gậy và dụng cụ chơi golf

Caddie phải giữ cho gậy đánh golf bóng và các thiết bị khác sạch sẽ trong suốt trận đấu.

Họ nên mang theo các loại khăn khác nhau và các sản phẩm tẩy rửa thích hợp. Các caddie phải đảm bảo bóng được làm sạch trước mỗi lần phát bóng và trước mỗi lần thực hiện cú gạt bóng khi bóng đã ở trên mặt cỏ.

3. Có đủ kiến ​​thức về golf

Caddie cần biết tất cả các thuật ngữ chơi golf và luật chơi. Họ cũng cần biết các thiết bị chơi golf và gậy cần thiết để sẵn sàng trả lời các câu hỏi của khách chơi cũng như đưa ra lời khuyên cho họ. 

4. Biết rõ về sân golf

Trước khi làm caddie, bạn nên tìm hiểu thêm về sân golf. Caddie cần biết “vị trí của vùng đất” và nơi có thể có bẫy và vùng nước để giúp khách chơi tránh. Họ cũng cần biết vị trí của các điểm đánh dấu ngoài giới hạn.

5. Biết khoảng cách đến green

Người chơi golf sẽ thường xuyên hỏi caddie của họ khoảng cách đến green (vùng cỏ bao quanh hố golf, cỏ ở khu vực này thường mịn và ngắn để giúp bóng dễ lăn vào hố) là bao xa. Vì vậy một caddie phải có khả năng sử dụng các điểm đánh dấu khoảng cách khác nhau trên sân golf và biết cách tính khoảng cách từ quả bóng đến mặt cỏ.

Đồng thời, caddie cũng đảm nhận nhiệm vụ nhìn hướng bóng để chỉ cho khách, nhất là những người mới và chưa có nhiều kinh nghiệm về golf.

6. Cào hố cát

Caddie phải dọn dẹp các hố cát sau khi người chơi golf lấy bóng ra. 

7. Sửa và thay thế các vết bóng trên sân golf

Trong quá trình chơi, người chơi có thể làm bong tróc các mảng cỏ trên sân. Và lúc này, caddie có nhiệm vụ thay thế chúng bằng cách lấy các khối bị bong, đặt chúng lại đúng vị trí ban đầu. 

8. Quan sát quả bóng khi khách chơi đánh

Caddie phải dọn dẹp các hố cát sau khi người chơi golf lấy bóng ra. 

Caddies nên theo dõi hướng bóng đi khi người chơi đánh. Họ cần có khả năng biết chính xác hướng bóng đi và rơi xuống. Người nhặt bóng sẽ sử dụng nhiều điểm đánh dấu và cột mốc khác nhau để giúp theo dõi vị trí của quả bóng, ngay cả khi họ không thể nhìn thấy nó, chẳng hạn như khi rơi vào bẫy cát.

9. Làm quen với phong cách của người chơi

Các caddie nên làm quen với cách đánh của khách chơi golf để có thể đưa ra lời khuyên giúp họ đánh bóng một cách chính xác nhất. Việc tư vấn gậy phù hợp cho mỗi khách chơi cũng là kĩ năng rất cần thiết của caddie.

Ngoài ra caddie còn có nhiệm vụ che nắng, cung cấp nước uống, khăn lau và cổ vũ khách chơi. Họ liên tục phải theo sát khách chơi để sẵn sàng hỗ trợ đồng thời nhắc nhở khách tuân thủ các quy định của sân golf và luật chơi.

Theo Foresightsports