Lâm Lê
Với nỗi buồn nặng trĩu nhân sinh bay lên từ đống Tro Tàn Rực Rỡ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên một lần nữa mổ xẻ chủ đề quen thuộc: mối quan hệ nhiều bất ổn giữa đàn ông và đàn bà qua ngôn ngữ điện ảnh.
Từ Sống Trong Sợ Hãi (2005), phim điện ảnh đầu tay do chính anh viết kịch bản với sự hỗ trợ của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đến Chơi Vơi (2009) với kịch bản của Phan Đăng Di, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã cho thấy thế mạnh của anh từ việc khai thác mối quan hệ nhiều bất ổn giữa đàn ông và đàn bà, trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của họ.
Trở lại điện ảnh sau hơn một thập kỷ, Tro Tàn Rực Rỡ mang lại cho Bùi Thạc Chuyên một quan sát và trải nghiệm sâu sắc hơn về chủ đề mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà. Lần này, anh có may mắn khi chủ đề đó đã được kết tinh từ văn học qua ngòi bút sắc lạnh của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khi anh mượn nó làm chất liệu để chuyển thể thành điện ảnh.
Bùi Thạc Chuyên tự viết kịch bản từ hai truyện ngắn Củi Mục Trôi Về và Tro Tàn Rực Rỡ với bối cảnh một vùng quê nghèo heo hắt và tù đọng ở miền Tây Nam Bộ. Anh không chỉ chuyển tải không gian văn hóa đậm đặc tính bản địa trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, mà còn soi chiếu nó dưới không gian tâm lý, với những nhân vật như đã chết hoặc quá nhiều thương tổn từ bên trong.
“Phải khóc được thì tôi đâu có đốt nhà” – Nguyễn Ngọc Tư đã viết như vậy qua lời phân trần tỉnh queo của gã đàn ông say xỉn thích đốt nhà trong Tro Tàn Rực Rỡ. Còn trong bộ phim điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên, chứng nghiện đốt nhà của Tam dường như biểu đạt cho sự bất lực của nam tính và thương tổn của đàn ông, trong việc tìm kiếm hạnh phúc với những người đàn bà mà họ yêu thương.
Sự bất lực của nam tính với ẩn dụ của lửa
Gần hai thập niên trước, tôi đã từng bị mê hoặc trước không gian miền Tây Nam Bộ thời thuộc địa và còn nhiều hoang dã, được tái hiện trong bộ phim Mùa Len Trâu (2004) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
Ở đó, những gã đàn ông hoàn toàn bất lực và không làm chủ được bản thân mình, phó mặc cho vòng xoay bất tận của cuộc sống, của thiên nhiên hoang dã. Đây là bộ phim được chuyển thể từ văn học qua hai truyện ngắn (Một Cuộc Bể Dâu và Mùa Len Trâu) trong tập Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam.
Mùa Len Trâu là một bộ phim mang tính “hương xa” (exotic) làm sống lại đời sống hoang dã, bất định và sự lặp lại bất tận của cuộc sống, của sinh tử xảy ra từ thời “thiên địa sơ khai, càn khôn hỗn độn” như mô tả trong truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam.
Trong cuộc chia sẻ với tôi, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh từng nói rằng: “Với Mùa Len Trâu, tôi không bao giờ đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống (the meaning of life), vì đó là việc của các tôn giáo khác nhau. Tôi không có khả năng làm việc đó. Tôi chỉ muốn đưa ra kinh nghiệm của mình về sự hiện hữu (the experience of being alive)”.
“Kinh nghiệm hay trải nghiệm về sự hiện hữu” cũng là điều tôi cảm nhận được khi xem Tro Tàn Rực Rỡ của Bùi Thạc Chuyên. Góc nhìn và quan sát trung dung và đầy tiết chế, thậm chí cực đoan của anh qua việc sử dụng một ống kính duy nhất.
Anh không cố gắng kết luận hay phán xét bất cứ điều gì, chỉ nỗ lực phơi bày lên màn ảnh những gì anh quan sát và nhìn thấy, về cuộc sống của những con người phải vật lộn trong một thế giới đầy ngột ngạt và thương tổn. Để từ đó đi tìm tình yêu và hạnh phúc.
Cho dù là bối cảnh hoang dã thời thuộc địa trong văn chương của Sơn Nam qua Mùa Len Trâu, hay bối cảnh hiện đại trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư qua Tro Tàn Rực Rỡ, cuộc sống của người dân ở vùng sông nước Nam Bộ này dường như không mấy đổi khác.
Ta không thể biết sự khắc nghiệt của sinh tồn hay sự lặp lại của cuộc sống tù đọng, bế tắc biến họ trở thành những con người như thế - “nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau, nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà”.
Ta chỉ biết rằng, đó là một thế giới của những con người không có khả năng tìm thấy hạnh phúc, vì phải chịu đựng sự khổ hạnh quá lâu.
Sự gắn kết hai truyện ngắn Củi Mục Trôi Về và Tro Tàn Rực Rỡ trong một bộ phim dường như càng làm nhân lên cái đời sống đầy trắc trở và bất ổn trong mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà. Khổ hạnh hầu hết đều đến từ sự bất lực của những gã đàn ông dường như đã “chết từ bên trong”, đến mức không thể mang lại hạnh phúc cho những người đàn bà của bọn họ.
Ngôi chùa Thổ Sầu “nghèo đến mức người xa về không biết nên gọi là chùa hay nhà” – nơi trú ẩn tạm thời của Khang (Thạch Kim Long) - gã đàn ông với một quá khứ “tội đồ” tìm về để sám hối với kinh kệ. Mặc cho người đàn bà khùng từng là nạn nhân của hắn lảng vảng quanh chùa để tìm kiếm một ánh mắt của hắn đủ để cứu vớt cả một quá khứ tủi nhục của cô.
Hay xóm Thơm Rơm tù đọng buồn bã, nơi có hai gã đàn ông Tam (Quang Tuấn), Dương (Lê Công Hoàng) câm lặng, chôn chặt lòng mình trong men rượu hoặc chạy trốn lênh đênh giữa biển khơi để không phải đối diện với những thực tại mà bọn họ muốn chối bỏ.
Từ sự bất lực hoặc trốn chạy thực tại đó, cách hành xử của những gã đàn ông càng lúc càng vô tình và nghiệt ngã. Đó là sự ghẻ lạnh vô cảm của gã chồng kết hôn không vì tình yêu (Dương) đến chứng nghiện đốt nhà của Tam sau một biến cố gia đình. Anh ta là kẻ chỉ tìm thấy sự khoái cảm hay được giải phóng những ẩn ức bất lực của mình qua những đám cháy rực rỡ, mà không bao giờ nhìn thấy tình yêu câm lặng và hi sinh của vợ mình (Nhàn).
Nguyễn Ngọc Tư đã viết trong truyện ngắn: “Như mọi đàn ông ở cái xó quê này, họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm”. Bùi Thạc Chuyên thì đặt người xem vào chính cái bối cảnh đó từ góc độ một người quan sát - để được nhìn thấy một “trải nghiệm của sự hiện hữu,” về những mối quan hệ đầy bất ổn giữa đàn ông và đàn bà qua ngôn ngữ điện ảnh tiết chế của anh.
“Chứng nghiện đốt” của Tam hoàn toàn có thể lý giải dưới góc độ “Tâm bệnh học,” thường được gọi là với cái tên khoa học là “pyromania” thuộc nhóm “rối loạn kiềm chế xung động” từng được y khoa lý giải.
Trong văn chương, Nhà văn Nhật Haruki Murakami từng mổ xẻ nó qua truyện ngắn Đốt Nhà Kho (Barn Burning) và sau đó đã được đạo diễn Hàn Quốc Lee Chang Dong chuyển thể thành bộ phim xuất sắc Burning (2018).
Tất nhiên, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Murakami hay đạo diễn Lee Chang Dong và Bùi Thạc Chuyên không cố lý giải chúng dưới góc độ “Y khoa hiện đại,” họ chỉ mượn nó như một ẩn dụ về việc giải tỏa những kìm nén, bức bối của nội tâm nhân vật khi bọn họ không thể diễn đạt thành lời sự bất lực của mình.
Trong Tro Tàn Rực Rỡ, ngọn lửa đó còn là sự biểu đạt cho nỗi thèm khát của những con-đàn-bà-được chồng nhìn thấy.
Khao khát “được nhìn thấy" và tình yêu của đàn bà
Tro Tàn Rực Rỡ có lẽ giống với nhiều bộ phim khác của Việt Nam ở một điểm khi xây dựng những hình mẫu người phụ nữ thường mạnh mẽ và có khả năng chịu đựng cao hơn nhiều so với đàn ông. Tình yêu và sự nhẫn nại, bao dung của những người đàn bà, đôi lúc thật khó hiểu, đôi lúc lại như một sự cứu rỗi cho những người đàn ông mà họ yêu.
Ba người đàn bà trong Tro Tàn Rực Rỡ, là Hậu (Bảo Ngọc Doling) - cô vợ trẻ với một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với tình yêu đơn phương, Loan “khùng” (Hạnh Thúy) - người đàn bà không chịu lớn sau một biến cố chấn động của quá khứ vẫn đem lòng yêu gã đàn ông đã hại đời mình, cuối cùng là Nhàn (Phương Anh Đào) – người đàn bà mất tất cả sau một thảm kịch của gia đình. Tất cả họ đều phải chịu chung một bất hạnh khi không được người đàn ông mà họ yêu thương đáp lại.
Nhưng khác với sự chối bỏ hay trốn chạy của những gã đàn ông khi đối diện tổn thương, những người đàn bà vẫn nhẫn nại và chịu đựng để chờ ngày được “nhìn thấy.” Với Hậu, những lá thư cô viết cho chồng mà như độc thoại với chính mình. Đó là cách cô vợ trẻ bày tỏ tình yêu của mình với Dương, gã đàn ông đến với cô qua một nhầm lẫn với hình bóng của Nhàn.
Còn Loan “khùng,” những lần lảng vảng quanh chùa Thổ Sầu và thậm chí chửi bới, hù dọa gã đàn ông từng hại đời mình chỉ để một lần được gã một lần dám nhìn thẳng vào cô. Ở Nhàn, cái nhìn si mê của cô qua những lần đốt nhà của Tam dần dần giống như một cuộc “hiến tế” nghiệt ngã, để hy vọng từ đống tro tàn rực rỡ ấy, tình yêu của cô sẽ được Tam nhìn thấy.
Những chất liệu đầy ẩn ức và thậm chí dữ dội ấy được Nguyễn Ngọc Tư mô tả với những ngôn từ đầy tinh giản và sắc lạnh trong hai truyện ngắn chưa đầy 20 trang sách. Còn trong bộ phim điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên, chúng thậm chí còn được tiết chế hơn nữa qua những khung hình trung cảnh, hạn chế tối đa kịch tính, ngay cả ở những chất liệu kịch tính nhất. Anh giữ cho ống kính quan sát của mình ở một ví trí nhất định, không quá xa nhưng cũng không tiến lại gần, đủ để khán giả thấy những mảnh đời trôi dạt của những người đàn bà vò võ chịu đựng trong những nỗi cô đơn thầm lặng và những bi kịch của kiếp nhân sinh.
Bộ phim dĩ nhiên không lóe lên một tia hy vọng hay niềm vui nào. Nhưng ngay cả nỗi buồn và thậm chí bi kịch của nó cũng được kể lại một cách tỉnh rụi, như cuộc đời vốn vậy.
Hai hình ảnh có vẻ tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ nhất của bộ phim là ngọn lửa cuối cùng thiêu rụi ngôi nhà và chiếc xuồng tắc ráng của Hậu rời khỏi những kênh rạch nhỏ để vươn ra biển khơi. Cho dù ta không biết điều gì sẽ chờ đợi cô ở phía trước.
Chất thơ từ những mê hoặc của lửa
Trong Mùa Len Trâu, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh sử dụng nước – với sự chuyển động, phân rã và hồi sinh của nó như một biểu tượng để mô tả cuộc sống vô định và hoang dã của đời sống miền Tây Nam Bộ những năm đầu thế kỷ.
Còn ở Tro Tàn Rực Rỡ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dường như chọn nước và lửa như sự cộng hưởng lại như hai mặt đối lập, để nói đến sự tàn lụi và tái sinh của những người đàn ông và đàn bà trong một thế giới quá nhiều đổ vỡ.
Với góc nhìn trung lập và sử dụng hình ảnh tối giản để kể chuyện, Bùi Thạc Chuyên để cho mạch tự sự của bộ phim được phát triển một cách nhịp nhàng với nhịp điệu tự nhiên, chậm rãi.
Khán giả được tiếp cận với những cảnh sinh hoạt thường ngày của những người đàn ông, đàn bà trên sông nước rồi dần dần đến gần hơn. Nhưng không bao giờ quá gần – để được nhìn thấy những biến cố, bi kịch và đổ vỡ không thể hàn gắn giữa bọn họ.
Đồng nhất với ngôn ngữ điện ảnh được đạo diễn thiết lập ngay từ đầu một cách chặt chẽ, họa sĩ thiết kế bối cảnh Lê Văn Thanh và quay phim của đạo diễn hình ảnh K’Linh mang lại cho Tro Tàn Rực Rỡ những khung hình tràn ngập chất thơ và sự mê hoặc. Kể cả là ở những khung cảnh buồn hiu hắt và tụ đọng nhất của xóm nghèo Thơm Rơm, hay những đại cảnh rộng lớn hơn ở nửa sau bộ phim.
Càng về cuối, màu sắc của phim càng được tiết chế với một màu xám buồn bã, như ẩn ý cho sức sống và sự chịu đựng của những người phụ nữ ngày càng lụi tàn theo thời gian. Và chúng chỉ thực sự sáng bừng lên bằng ngọn lửa cháy rực rỡ được tái hiện tuyệt đẹp trên phim. Đó là ngọn lửa của sự hủy diệt, nhưng cũng là ngọn lửa của sự hồi sinh.
Khi thứ ánh sáng rực rỡ ấy được chiếu sáng bừng lên trên gương mặt và đôi mắt của Hậu, ta biết rằng đã có một sự thức tỉnh ở bên trong cô.
Chất thơ và sự mê hoặc của ngọn lửa trong Tro Tàn Rực Rỡ vì vậy là một cứu cánh cho tình yêu của người phụ nữ, như hành trình ra biển của Hậu ở cuối phim.
Ngay trước khi ra rạp tại Việt Nam, Tro Tàn Rực Rỡ đã giành chiến thắng với giải Khinh Khí Cầu Vàng (Montgolfiere d'or) tại LHP quốc tế Ba châu lục tại Pháp (Nantes Three Continents Festival). Đây là một trong những LHP quốc tế uy tín và có tuổi đời hơn 40 năm, được thành lập để tôn vinh những bộ phim xuất sắc đến từ các nền điện ảnh thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Giải Khinh Khí Cầu Vàng đã từng được trao cho nhiều tên tuổi lớn của điện ảnh châu Á như Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan - 2 lần), Giả Chương Kha (Trung Quốc - 2 lần), Hirokazu Koreeda (Nhật Bản), Bi Gan (Trung Quốc)... Năm ngoái, giải phim hay nhất thuộc về đạo diễn Nhật Bản Ryûsuke Hamaguchi với bộ phim Wheel of Fortune and Fantasy. Và năm 2022, giải thưởng cao nhất thuộc về Tro Tàn Rực Rỡ của Bùi Thạc Chuyên.
Đây cũng là lần đầu tiên, một bộ phim đến từ Việt Nam giành chiến thắng cao nhất tại LHP Quốc tế Ba châu lục. Bộ phim được BGK tôn vinh chất thơ đầy mê hoặc và những giá trị thẩm mỹ cùng phong vị bản địa được tái hiện đặc sắc qua ngôn ngữ đậm tính tác giả của đạo diễn.
Lâm Lê
Nguồn: Trang web Vietcetera, https://vietcetera.com/vn/tro-tan-ruc-ro-su-bat-luc-cua-dan-ong-va-khao-khat-duoc-thay-cua-dan-ba
Đọc Tro tàn rực rỡ , truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư trên Viet-Studies : http://www.viet-studies.net/NNTu/NNTu_TroTanRucRo.htm