(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Hội nghị “Nâng cao kỹ năng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, các cấp lãnh đạo của Sở thông tin và truyền thông đã đề ra những giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Vì thế, ngày 27/12/2022 vừa qua, Hội nghị thực tiễn "Nâng cao kỹ năng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" đã được tổ chức. Tại đây, sự tham gia của các đại diện đến từ Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng nhiều doanh nghiệp cung cấp nền tảng, giải pháp trong cùng lĩnh vực, nhằm bàn luận và đưa ra các hướng đi cải thiện những vấn đề cấp bách hiện nay.
Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố, Việt Nam có 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và đối với trẻ từ 14-15 tuổi con số này tăng lên 93%. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên môi trường mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro phổ biến như tiếp cận với những nội dung độc hại (khiêu dâm, bạo lực…), bị phát tán thông tin cá nhân, thông tin riêng tư của trẻ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống. Cho đến việc bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau, hay thậm chí sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc VNCERT/CC (Cục An toàn thông tin) nhấn mạnh: "Đây là lúc để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản phẩm, ứng dụng bảo vệ, hỗ trợ trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Đồng thời, là dịp để nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và cả xã hội trong việc sử dụng công nghệ đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng".
Theo Quyết định số 830/QĐ-TTg, được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt, tạo nên chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Với quyết định này đã mang đến những mục tiêu chung, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, nhằm hướng tới bảo vệ trẻ em khỏi các tác động tiêu cực từ không gian mạng.
Đưa ra giải pháp cụ thể, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, VNCERT/CC nêu rõ: "Việc cần làm là phải rà soát, bổ sung quy định của pháp luật về các chính sách bảo vệ trẻ em. Đồng thời, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng như vai trò giám sát chặt chẽ của gia đình đặc biệt là các bậc cha mẹ. Thêm vào đó, thiết lập, duy trì và nâng cao mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng là vấn đề cần được ưu tiên.."
Có thể thấy hiện nay, các sản phẩm ứng dụng để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em Việt Nam tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo vẫn còn chưa phổ biến. Vẫn đang còn thiếu những sản phẩm dễ sử dụng, phù hợp với đặc thù người Việt Nam. Vì thế tại buổi Hội nghị, các công ty liên quan cũng như lĩnh vực an ninh mạng gồm TikTok, GOSU, Cyberapply, CyRadar và SCS đã đưa ra các biện pháp bảo vệ trẻ trên môi trường mạng như "Giải pháp Wifi an toàn, bảo vệ toàn diện các thiết bị trong gia đình", "Bảo vệ thiết bị đầu cuối, điểm chặn quan trọng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng".
Đồng thời tại buổi Hội nghị, các lãnh đạo cũng như các công ty đã tổ chức bàn thảo chuyên sâu về những vấn đề thực tế, những khó khăn vướng mắc. Từ đó, đưa ra các biện pháp, sáng kiến để tạo ra cơ chế phối hợp giữa các bên trên môi trường số nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có các báo cáo vi phạm về an toàn của trẻ em trên không gian mạng.
Có thể nói, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế các em kết nối mạng internet mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại như hiện nay.