Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm

 

Kỳ 1: Điểm hẹn: Quảng Trị

Giây phút hội ngộ ở sân bay Phú Bài của nhà báo Chu Chí Thành và “người mẫu ảnh” Bùi Trọng Nghĩa​. Ảnh: Triệu Đô.
Giây phút hội ngộ ở sân bay Phú Bài của nhà báo Chu Chí Thành và “người mẫu ảnh” Bùi Trọng Nghĩa​. Ảnh: Triệu Đô.
TP - 45 năm trước họ gặp nhau ở đất lửa Quảng Trị để có được bức ảnh độc đáo. Câu chuyện hội ngộ của họ một lần nữa gây xung động đặc biệt cho người chứng kiến, khiến phải thông tin đầy đủ đến bạn đọc. Bởi đó không còn là chuyện riêng của họ mà là chuyện lớn của đất nước này...

Một ngày đầu năm 2018 dương lịch, ông Bùi Trọng Nghĩa - người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính mà tôi quan tâm viết không chỉ một bài, điện thoại cho tôi: “Đài Truyền hình Quảng Trị mời tôi dự giao lưu nhân 45 năm Hiệp định Paris, có cả anh Tạo anh Thành. Tôi có nên đi không?”.

“KHÚC CA HÒA BÌNH”- MỘT NGUYÊN CỚ

Tạo trong câu của ông Nghĩa tức Nguyễn Huy Tạo - anh bộ đội, người lính còn lại trong ảnh. Còn Thành là Chu Chí Thành - tác giả bức ảnh trứ danh đó, chụp cách nay tròn 45 năm.

Thực ra hồi tháng Năm năm ngoái, ngay khi người viết bài này tìm ra người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính, báo Tiền Phong đã mong sớm tổ chức hội ngộ cho họ. (Xin đọc loạt bài Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính, tháng 5/2017. Cuộc tìm ra người lính Hà Nội thì diễn ra trước đó một năm rưỡi). Báo muốn một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa sau chừng ấy dâu bể, can qua, sau thời gian dài không manh mối hoặc thông tin không chính xác rằng họ đều đã chết. Nhưng rồi vì lý do tôi sẽ đề cập sau, mà chuyện này chưa thể thực hiện sớm.

Thì bây giờ có cơ hội? Nhân một chương trình giao lưu nghệ thuật tên là Khúc ca hòa bình tối 26/1/2018.

'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm-Kỳ 1: Điểm hẹn: Quảng Trị ảnh 1 
'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm-Kỳ 1: Điểm hẹn: Quảng Trị ảnh 2Hai bức ảnh cách nhau 45 năm.

Ông Nghĩa nói trong điện thoại: “Do báo Tiền Phong, do cô mà mọi người biết tôi. Tôi nghĩ nay ai mời, muốn gặp thì tôi đều nên hỏi ý kiến cô, mới gọi là có trước có sau”.

Tôi động viên ông đi, vì nhiều lý do. Ông đã xuôi xuôi thì lại nảy mối lo để vợ đau yếu ở nhà không yên tâm. Họ có con trai 26 tuổi nhưng cậu này đi làm suốt ngày.

Phó Giám đốc Đài Truyền hình Quảng Trị - anh Võ Nguyên Thủy điện thoại  nhờ tôi thuyết phục ông Nghĩa nhận lời vì “hai người lính” chính là điểm nhấn của chương trình Khúc ca hòa bình. (UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp một số dơn vị tổ chức. Truyền hình Quảng Trị và VTV8 đồng sản xuất để phát sóng).

Sau cùng tôi cũng thuyết phục được ông Nghĩa sắm sửa bộ hành ra Quảng Trị một phen. Ở đó ít nhất ngoài Chu Chí Thành còn có tôi từ Hà Nội vào nên vợ con ông nói, thế thì họ hoàn toàn yên tâm. Chả là từ hồi tôi kết nối được hai vị Thành - Nghĩa, họ thỉnh thoảng chuyện trò, thăm hỏi nhau trên điện thoại.

BA NGƯỜI BA MŨI TIẾN VỀ THÀNH CỔ

11 giờ 10 phút trưa 25/1/2018, người Sài Gòn “gộc” Bùi Trọng Nghĩa đáp chuyến bay 1372 của Vietnam Airlines từ TPHCM ra Phú Bài, Huế. Theo kế hoạch, người của truyền hình Quảng Trị sẽ đón ông về Trung tâm Dịch vụ-Hội nghị tỉnh nghỉ ngơi trong khi chờ giao lưu tại Quảng trường Giải phóng.

Trước đó, 19 giờ 30 tối 24/1, nhà báo Chu Chí Thành lên chuyến tàu SE1 khởi hành từ ga Hà Nội. Cũng từ Hà Nội, chiều 25/1 Nguyễn Huy Tạo lên tàu SE9 cùng thủ trưởng cũ - Đại tá Trần Long, sĩ quan tham mưu của Trung đoàn 48 tức Trung đoàn Thạch Hãn đóng tại Quảng Trị thời điểm 1973. Tôi đi ô tô vào.

Ba người ba mũi tiến về thành cổ. Nguyễn Huy Tạo vào muộn nhất do nhà có đại sự. Bùi Trọng Nghĩa lần đầu trở lại Quảng Trị sau 45 năm, chuyến đi mà về sau vợ ông thuật lại với tôi: “Ổng vui lắm”. Còn Chu Chí Thành thì mong cuộc hội ngộ này từ lâu, từ tháng Năm năm ngoái khi nghe thông báo về “đại chương trình, đại kế hoạch” của báo Tiền Phong.

Đến Quảng Trị tối hôm trước, ngay sáng sau tôi cùng mấy anh bạn trẻ quay phim, đạo diễn của Hà Nội và Đài Quảng Trị lên đường đi Huế đón Bùi Trọng Nghĩa. Bởi chúng tôi dự định ghi lại cuộc hội ngộ này một cách xứng đáng.

Muốn có sự đặc biệt, đón tại chân cầu thang máy bay chứ không chỉ ở sảnh, tôi phải nhờ Đình Thắng, Trưởng ban Kinh tế của báo. Thắng theo dõi ngành giao thông vận tải nhiều năm. Thế là chỉ ít phút đã thấy người có chức trách của Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam ngoài Hà Nội điện thoại cho tôi nói đồng ý trợ giúp, đã liên hệ Cảng vụ Huế để chúng tôi có được sự đặc cách.

Tưởng được phép thì cứ thế phi thẳng ra máy bay, hóa ra chúng tôi phải qua kiểm tra an ninh ngặt nghèo trước khi được tổ an ninh hộ tống đến nơi cần đến. Nhờ ít phút thư giãn chờ máy bay hạ cánh mà lần đầu tiên trong đời có dịp ngắm nghía quang cảnh sân bay Phú Bài từng biết qua những trang sách chiến tranh đọc từ hồi bé.

Tiết trời Huế hôm ấy, 25/1/2018 se se lạnh. Nhà báo Chu Chí Thành mặc áo khoác màu xám còn tôi vận quần bò và áo khoác bò cho có vẻ dã chiến, năng động so với tuổi. Trên tay ông Thành khư khư chiếc áo khoác màu đen. Chả là trước đó, hỏi han hành trang của ông Nghĩa, được biết ông không hề có áo ấm do lâu lắm có đi xa đâu, tôi nói với ông Thành, có thể chuẩn bị món quà nhỏ này không. “Yên tâm, không chỉ áo ấm mà tôi sẽ mang vài chiếc sơ-mi tặng cậu ấy”. Bây giờ, sợ ông Thành cũng hay quên đồ như mình nên tôi khuyên cứ để áo trong ô-tô khỏi ôm ra máy bay cho khổ, tay ông còn bận máy ảnh, và chỉ lạnh ít phút thôi, từ máy bay bước xuống lại lên xe buýt ra sảnh luôn mà.

GẶP LẠI

Thế rồi chiếc máy bay màu xanh dương điểm họa tiết hoa sen cũng nhô lên khỏi ngọn cây, từ từ lăn bánh trên đường băng rồi quành về hướng chúng tôi đứng. Tổ an ninh nhắc chúng tôi không được nôn nóng. Sợ mất an toàn.

Được phép, mấy chàng quay phim lập tức cùng Chu Chí Thành áp sát cầu thang. Tôi nói, cứ túm tụm cửa trên thế này, nhỡ ông “hành khách đặc biệt” lại chọn cửa dưới thì sao. Nên là quyết định đi về phía ấy và dặn nhớ để ý, thấy tôi vẫy thì liệu mà chạy lại!

Cuối cùng cũng thấy người Sài Gòn bước xuống trong chiếc áo pul xanh quần tây thẫm. Bèn ra sức vẫy mấy ông trẻ nhưng họ chả thèm để mắt như đã hẹn! Quay với chả kiếc! Về sau họ kể: Đang mỏi cổ ngóng, với máy móc lỉnh kỉnh trên tay thì thấy một người đàn ông bước xuống hỏi Đón ông Nghĩa phải không? Đoán đây là ông Phú- thành viên ban tổ chức, người được Đài Quảng Trị thông báo sẽ bay cùng ông Nghĩa nên họ tưởng ông Nghĩa đi ngay sau. Ông Phú hóa ra là Trình Quang Phú, người nổi tiếng ở Phú Yên mà tôi từng gặp vài bận.

 Từ bậc cầu thang cao cao, hành khách Nghĩa nhận ra tôi, có vẻ ngỡ ngàng xong cũng nở nụ cười ấm áp bước xuống đường băng. Muốn nhường giây phút quan trọng cho hai nhân vật chính với sự chứng kiến của các loại ống kính nên tôi lui đi, chả nói gì mấy chỉ cười chào là chính.

Sau này vợ ông Nghĩa kể, ông cực bất ngờ khi thấy hai “đại nhà báo” hiện ra ở Phú Bài. Ông cứ tưởng về đến Quảng Trị chúng tôi mới gặp nhau!

'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm-Kỳ 1: Điểm hẹn: Quảng Trị ảnh 3 Trên xe buýt ra sảnh sân bay.

Nhìn thấy người nổi tiếng Chu Chí Thành, ông Nghĩa cười tươi tiến đến, tay chỉ vào ông Thành rồi ra dấu với tôi, ý là nhận ra ai đây rồi! Ông Thành cũng nhanh nhẹn tiến lại ôm vai người quen cũ, tíu tít: “Nhận ra anh à? Qua ảnh hay thấy động tác thì nhận ra? Em ra được đây là mừng quá rồi. Khỏe nhỉ, tốt quá. Ôi trời, bốn nhăm năm rồi...”.

Ông Nghĩa nói nhận ra ông Thành nhờ ảnh (in báo). Nom ông xúc động ra mặt. Ông Thành chủ động ôm vai, bắt tay còn ông Nghĩa dùng cả hai tay để bắt lại tay ông Thành. Có lúc, hai người đồng thời chỉ sang tôi theo một cách mà tôi hiểu vì sao. Đúng là cơ duyên đã khiến tôi gặp được từng người- Thành, Nghĩa để rồi hôm nay lại được chứng kiến cảnh ngộ cảm động này.

Ông Thành ôm vai ông Nghĩa trước, chìa tay ra trước còn ông Nghĩa dùng cả hai tay để bắt (lại) tay ông Thành. Về sau ông Thành kể lại với tôi: “Nghĩa siết tay tôi rất chặt”.

Xe bon trên đường phố Huế bình yên. Người Sài Gòn càng lúc càng phấn khích, cứ quay trái quay phải, nhấp nhổm chỉ nơi đó nơi kia, ôn lại kỷ niệm tới Huế hồi trai trẻ, đi chơi với bạn bè ở sân banh Tự Do, cửa Thuận An, Mang Cá; đá bóng phía An Hòa, An Cựu...Sân bay Phú Bài thì ra vô thường xuyên nhưng đều trước 1975 chứ từ đó tới nay, tịnh không trở lại Huế lần nào.

Bữa cơm hội ngộ của chúng tôi diễn ra ở 38 Nguyễn Lương Bằng cắt phố Tố Hữu. Nghe các ông trẻ quay phim và Chu Chí Thành kể lại lý do không thể “túm” được ông Nghĩa đi từ cầu thang máy bay xuống để mà ghi hình, tôi kết luận: “Cuối cùng tôi vẫn có duyên với chàng Nghĩa nhất!”.

Với anh bộ đội Tạo thì lại không duyên được bằng.

Được biết tàu của ông Tạo sẽ vào ga Đông Hà tờ mờ sáng 26/1, tôi không cần để chuông báo thức cũng vùng dậy rất sớm, rồi 3h kém 15 sang gõ cửa phòng ông Thành- Nghĩa. Ông Thành nhổm dậy bảo: Tàu đến muộn 1 tiếng nên cứ nghỉ ngơi thêm đi. Đúng một tiếng sau lại sang thì gọi không được. Ngạc nhiên xuống sảnh đợi đến 20 phút mới biết tất cả họ- đạo diễn, quay phim đã lẳng lặng đi không gọi mình như đã hẹn, còn ông Thành và Nghĩa nghe ai đó giải thích linh tinh thế nào mà tưởng tôi tự dưng lại chọn ngồi nhà, khiến ông muốn lộn lên phòng tìm tôi đành thôi. Tôi cáu quá. Đánh đường vào đây có phải để ngủ đâu, đi chơi đi bời đâu. Tôi đã đi Huế đón ông thủy quân lục chiến thì đương nhiên với ông bộ đội cũng vậy, vả lại chúng tôi đã mong chờ cuộc này từ năm ngoái!


KỲ 2:

'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm: Chuyện ở chốt Long Quang

TP - Họ đã trở lại chốt Long Quang ở xã Triệu Trạch nổi tiếng - nơi 45 năm trước diễn ra cuộc hòa hợp chóng vánh giữa hai đội quân, dẫn đến có cú bấm máy lịch sử. Một sự trở lại xứng đáng.

Phút chạm mặt đầu tiên

Sự cố đưa đón khiến tôi không được tận mắt chứng kiến cảnh anh bộ đội lần đầu gặp lại người lính Việt Nam cộng hòa nhưng ráp nối lời kể của mỗi người và xem lại đoạn phim thì được biết cuộc chạm mặt này cũng xuôi xẻ cả.

'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm: Chuyện ở chốt Long Quang ảnh 1Phút chạm mặt đầu tiên của hai người lính ở ga Đông Hà rạng sáng 26/1/2018. (Bên phải là ông Nguyễn Huy Tạo, bên trái: Bùi Trọng Nghĩa. Đứng giữa là Đại tá Trần Long, Chủ nhiệm Trinh sát của Bộ tư lệnh Cánh Đông năm 1973). Ảnh: CHU CHÍ THÀNH..

Trong đêm, Bùi Trọng Nghĩa và Chu Chí Thành đi dọc đường ray ga Đông Hà đón hai người lính Hà Nội. Đại tá Trần Long được Đài Quảng Trị mời theo gợi ý của Nguyễn Huy Tạo vì ông Long cũng rất nặng tình với mảnh đất Quảng Trị. Tôi hay trêu ông là “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong” (thơ Trần Nhân Tông) vì cứ có dịp là ông lại ôn chuyện chiến trường hết sức say sưa.

Họ nói gì phút đầu gặp mặt?

Đương nhiên là hỏi thăm sức khỏe, hỏi có nhận ra (nhau) không? “Anh ra khi nào?”- ông Tạo hỏi. Còn ông Nghĩa: “Nghe nói anh bận lắm. Vậy vô đây là mất công mất việc của anh. Nhưng anh vô được là quí rồi. Anh em mình còn sống đến giờ này là mừng rồi, tưởng đâu...”.

 Trước đó, buổi trưa, trên ô tô từ Huế về Quảng Trị tôi cứ đùa ông lính Sài Gòn rằng có nhận ra nhiếp ảnh gia Thành thật không đấy, hay nãy giờ lại tưởng đang hội ngộ anh bộ đội?

Hơn 4 giờ sáng về đến khách sạn, trời tối mịt nhưng họ không ngủ lại, mà bốn người đàn ông ngồi trong phòng của hai người lính Hà Nội đến sáng bạch, hỏi han, kể chuyện gia đình, chuyện chiến trường... Ông Tạo tả: “Hai ông anh nói hết phần hai thằng em!”.  

Tôi, ông Thành, ông Tạo và ông Long đều từng gặp nhau ở Hà Nội. Riêng tôi gặp ông Nghĩa ở Sài Gòn 7 tháng trước. Với “hai thằng em” thì đây là giây phút đầu tiên của họ!

Long Quang - Cảnh đó người đây

Về xã Triệu Trạch, người đón chúng tôi là ông Phan Tư Kỳ, nguyên xã đội trưởng thời điểm 1972-1973. Một cựu du kích nữa - Lê Quốc Thạnh. Nom gương mặt khắc khổ, dáng đi bộ tất tả, dáng đạp xe của ông Kỳ và bộ quần áo xanh ông mặc trên người thì ngỡ như ông chưa ra khỏi cuộc chiến.

Nguyễn Huy Tạo phăm phăm đi trước, nói với Chu Chí Thành: “Em sẽ chỉ cho anh (nơi họ gặp nhau xưa) vì vừa đến đây em đã có cảm giác được dẫn đường” (bởi đồng đội của ông).

Nói Triệu Trạch “nổi tiếng” bởi là một địa bàn bỏng rẫy thời chiến tranh. Nhà nước phong “xã Anh hùng” từ 1976, còn chốt thép Long Quang được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia. Chốt thép Long Quang chính là thôn Long Quang của xã - mắt xích quan trọng, vị trí tiền tiêu bảo vệ Cửa Việt trong đội hình phòng ngự của Bộ Tư lệnh Cánh Đông, hỗ trợ phía đông cho lực lượng bảo vệ thị xã -Thành cổ.

'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm: Chuyện ở chốt Long Quang ảnh 2Bức ảnh nổi tiếng, chụp 45 năm trước.
'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm: Chuyện ở chốt Long Quang ảnh 3Bức ảnh hội ngộ mà nhiều bạn đọc hẳn mong chờ. Ảnh: DPV.
Trong trí nhớ của Chu Chí Thành, Long Quang - chốt tiền tiêu của cả hai phía, trước khi ông đến vào đầu năm 1973 là nơi giao tranh quyết liệt “nhưng sau khi quân giải phóng bẻ gẫy các đợt lấn chiếm của phía Sài Gòn thì khá yên ổn. Tuy nhiên hai bên vẫn bố phòng nghiêm ngặt. Phía Sài Gòn dựng lô cốt dã chiến, bao tải cát chạy dài theo công sự. Phía quân giải phóng thì giao thông hào chạy suốt tuyến. Rõ nhất là những quả đạn DKB rải dài dọc tuyến như công khai cảnh báo đối phương”.

Du kích Thạnh, sau hòa bình làm Bí thư Đoàn xã, rồi Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã kể về những trận quyết tử  bảo vệ vùng giải phóng. Dân quân du kích như ông phối hợp bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực của Trung đoàn 64 và 48 thuộc Sư đoàn 320b, Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 đẩy lùi các cuộc phản kích mang biệt danh “Sóng Thần” 36, 37, 39 và 45 của phía bên kia.

'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm: Chuyện ở chốt Long Quang ảnh 4Nhà báo Chu Chí Thành tặng bức ảnh kỷ niệm cho "hai chú em" và cựu xã đội trưởng Phan Tư Kỳ (áo xanh). Ảnh: DPV.

Long Quang xưa chang chang cồn cát. “Cây thì chỉ có cây dương”- ông Tạo nhớ vậy. Còn nay, nơi đây là một dãy đê chắn cát, với rừng phòng hộ trồng tràm hoa vàng. “Đã đến đã thấy đã chụp ảnh”- trí nhớ của anh bộ đội Tạo cộng hưởng với chỉ dẫn của hai du kích khiến tất cả chúng tôi cuối cùng dừng chân tại một góc của khu rừng phòng hộ và rú, ngoài tràm còn có cây tự nhiên mọc lúp xúp. Đó là nơi diễn ra cú bấm máy lịch sử 45 năm trước! Mấy tấm bia mộ này hồi đó chưa có, mà đất này chính là nơi đặt sân khấu của đoàn văn công năm ấy- ông Phan Tư Kỳ cho biết.

Lại nói chuyện văn công. Ngay những phút đầu gặp mặt, anh bộ đội Tạo đã hỏi anh lính Sài Gòn Nghĩa có nhớ chuyện văn công hát Tiếng đàn Ta lư (trong những ngày hòa hợp ngắn ngủi đó - xem bài Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính, báo Tiền Phong tháng 2/2016 và loạt bài Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính, 5/2017).

Ông Tạo kể lại điều từng kể với tôi rằng cho đến sau này ông vẫn muốn gặp lại ông trưởng đoàn văn công. Ngay hồi đó ông đã hỏi vì sao cho hát Tiếng đàn Ta lư đầy nhạy cảm thì ông trưởng đoàn trả lời Các anh đánh giặc bằng súng đạn còn chúng tôi đánh giặc bằng tiếng hát.

Phan Tư Kỳ vừa gặp chúng tôi, lập tức ôn chuyện Tiếng đàn Ta lư: “Miềng lúc đó hơi dở. Lúc đó có cả đại úy, thiếu tá của hắn sang, mà miềng lại hát Anh thắng trận miền Tây Khe Sanh. Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy...Hát có hơi mạnh. Nên hắn bỏ hắn chạy cha nó mất...”.

Ông vừa nói vừa cười, cứ nhắc đi nhắc lại dù chưa ai hỏi. Ông Tạo bèn nhìn tôi nói “Thấy chưa”. Tôi: “Nhỡ chỉ là do ông ấy trót đọc báo Tiền Phong (có kể chi tiết này) thì sao”. Và hỏi thẳng ông Kỳ điều đó. Ông khẳng định mình không thể quên: “Lúc nớ lẽ ra ta nói hòa một tí thì hay hơn là hát Tiếng đàn Ta lư”. 

Theo Đại tá Long, giai đoạn đó Đoàn văn công Quân khu 5 hay diễn ở đây. Du kích Thạnh thì kể, Tiếng đàn Ta lư ông cũng được nghe, và là Đoàn văn công Trị Thiên Huế hát. Nhưng có hát đúng bữa hai người lính chụp ảnh không thì ông “không biết”. Chắc đây là bài tủ được biểu diễn nhiều lần. Ông Thạnh tả văn công vừa hát vừa chỉ xuống phía thủy quân lục chiến: “Một hai ba bốn năm sáu ngàn, tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia...”.

Hôm nay, hai du kích ngẩn ra khi nhà báo Thành, phút ban đầu, chỉ hai đàn ông trung niên Tạo - Nghĩa, hỏi biết ai đây không, có nhận ra không. Khó. Dù theo ông Kỳ và Thạnh: “Du kích bọn tôi cũng hay ra chơi với thủy quân lục chiến trong ngày hòa hợp, y như bộ đội”.

Không thể nhớ hết những gương mặt từng gặp 45 năm trước nhưng các cựu du kích thừa nhận hai người đàn ông trước mặt nom giống hệt ảnh. Những người khác cũng tò mò ngắm nghía họ xong rồi so sánh đối chiếu với ảnh và thích thú chỉ ra sự tương đồng.

Chỉ vào ảnh, ông Kỳ hồn nhiên gọi “anh giải phóng” “thằng thủy quân lục chiến”. Ông Nghĩa cười “Thì biết rồi”. (Ý nói vấn đề là bây giờ thấy thế nào kia? Có đúng hai người chụp ảnh hồi đó không).

Trong túi ông Thành có một cuộn dày mang từ Hà Nội vào, giờ là lúc ông mở ra: Ảnh Hai người lính, Tay bắt mặt mừng phóng to, để tặng người trong cuộc và hai cựu du kích.

Chung quanh chỉ có đất cát, có cỏ cây chen lá đá chen hoa nên ông Thành đặt ảnh xuống đó.  Lần lượt họ- ông Thành, ông Nghĩa, ông Tạo quỳ xuống ký tên lên hai bức ảnh. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quên cảnh này. Bởi không hề đơn giản để có được nó, dù Bắc Nam liền một dải gần nửa thế kỷ nay. Và kể cả khi tôi đã lần lượt tìm ra rồi kết nối ba người họ.

Chiều hôm trước thì là một cuộc hội ngộ thú vị nữa mà tôi sẽ kể ở phần sau. Cả chuyện “hai người lính” đã trở thành nhân vật đinh trong chương trình Khúc ca hòa bình như thế nào.

  

Cuối cùng họ cũng có bức ảnh hội ngộ tuyệt vời sau 45 năm. Như nhiều bạn đọc mong mỏi. Không khí thật đặc biệt, với sự tham góp rôm rả của những người chứng kiến. Nào là tay đặt đâu, mắt nhìn đâu cho giống bức ảnh hồi xưa; rồi bối cảnh đã chuẩn, đúng vị trí ngày xưa chưa, cây lá chung quanh đủ đẹp thơ mộng chưa. Vân vân.

Và không chỉ nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành được dịp bấm bức ảnh mong chờ bấy lâu mà những người khác cũng không muốn bỏ lỡ. Như tôi chớp được một lô: Khoảnh khắc hội ngộ của tất cả họ chứ không chỉ hai người lính. Một trong số bức tự nhiên nhất là ảnh chính của bài báo này.

Chỉ vài tháng trước khi tôi chụp Hai người lính, thị xã Quảng Trị tan hoang. Hai người thực sự đã bước ra từ cõi chết. Chính lúc đấy họ hồn nhiên sung sướng nhất- như  Huy Tạo nói: vốn là người lính chỉ biết nhằm đối phương mà bắn nhưng giờ hòa bình rồi, không phải làm công việc đó nữa.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng. Lúc này là giờ phút thể hiện sự bao dung của người chiến thắng. Không hề nghĩ người cầm súng bên kia thù địch với mình nên tôi đã chụp bức ảnh và giữ đến giờ. Đời người ta, chỉ một khoảnh khắc cũng rất ý nghĩa. Nhất là khoảnh khắc đặc biệt thì nó quyết định tư tưởng, tâm thế của một người, nhân cách của họ. Ai trong đời có những giây phút quan trọng mà quyết định đúng đắn thì người đó rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy tôi là một trong những người hạnh phúc.

 Cựu phóng viên chiến trường CHU CHÍ THÀNH

KỲ 3:

Gặp o du kích Triệu Trạch, và chuyện đoản khúc hòa bình


Tay bắt mặt mừng hôm nay: Bà Chiến chỉ vào mình trong ảnh chụp 45 năm trước. Người cầm ảnh là nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, còn lại là ông Nghĩa. Ảnh: CHU CHÍ THÀNH. (Trong ảnh, Bùi Trọng Nghĩa bắt tay o Chính còn Nguyễn Huy Tạo khoác vai Nghĩa. O Chiến đứ
Tay bắt mặt mừng hôm nay: Bà Chiến chỉ vào mình trong ảnh chụp 45 năm trước. Người cầm ảnh là nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, còn lại là ông Nghĩa. Ảnh: CHU CHÍ THÀNH. (Trong ảnh, Bùi Trọng Nghĩa bắt tay o Chính còn Nguyễn Huy Tạo khoác vai Nghĩa. O Chiến đứ
TP - Đó là o du kích trong ảnh “Tay bắt mặt mừng” chụp cùng thời điểm “Hai người lính”, cũng rất độc đáo. Cho nên cuộc hạnh ngộ này cũng thật tuyệt. Đoản khúc hòa bình tươi rói thì chính là thời khắc xuất hiện của “Hai người lính” trong chương trình “Khúc ca hòa bình” kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris khiến khán giả một phen “quá ngạc nhiên, kỳ lạ thật”.

TAY BẮT MẶT MỪNG 

Gặp o du kích Triệu Trạch, và chuyện đoản khúc hòa bình ảnh 1

Cựu du kích Trương Thị Chiến.

Tối 26/1/2018, chương trình  Khúc ca hòa bình diễn ra ở Quảng trường Giải phóng, Nhà hành lễ Bến dâng hương và Hoa đăng bờ Nam sông Thạch Hãn, cạnh Thành cổ Quảng Trị và dòng Thạch Hãn - giới tuyến chia cắt hai miền sau Hiệp định Paris 1973.

Là chuỗi hồi ức về sự kiện 45 năm trước - Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, chương trình được phối hợp bởi ba đơn vị: UBND tỉnh Quảng Trị, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển Du lịch Hoài niệm về Chiến trường xưa và Đồng đội.

Trên ô tô từ Triệu Tài trở về, ông Nghĩa ôn loạt chuyện chiến đấu bốn mấy năm trước, có lúc nói với tôi: “Hồi đó chúng tôi được trang bị không thiếu gì. Các cô đó ăn gì mà đánh tụi tôi? Thế mà họ vẫn đánh. Nên tôi rất nể sợ họ”. (“Ăn gì” trong câu ông nói, là lối diễn đạt kiểu như “tuổi gì” bây giờ. “Tuổi gì” mà đòi nọ kia).

Hôm đó, hai người lính đã lần đầu hội ngộ trước công chúng! Trả lời câu hỏi của MC về bối cảnh ra đời những bức ảnh độc đáo, cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành nhớ lại:

“Tôi chụp ảnh Hai người lính và Tay bắt mặt mừng với tâm thế một phóng viên đã chụp Hà Nội chiến thắng B52 năm 1972. Tôi cực kỳ xúc động khi chứng kiến chốt Long Quang năm 1973, lính Cộng hòa và Quân giải phóng vẫy nhau, chuyện trò. Tôi thấy ông Nghĩa đây - lúc đó tôi chưa biết tên - bắt tay một nữ du kích của chúng ta mà đến hôm nay tôi mới biết tên là o Chính, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch. Ngạc nhiên và trong lòng dâng lên một tình cảm lạ lùng. Vì sao những người này hôm qua bắn nhau mà hôm nay lại tay bắt mặt mừng như vậy...”.

Thông tin về o Chính - nhân vật trong ảnh Tay bắt mặt mừng, ông Thành vừa biết chỉ một ngày trước.

Trong ảnh, tôi đếm có 5 người lính Cộng hòa, 3 anh bộ đội và 2 nữ du kích. Bức này chụp trước Hai người lính một chút. Bộ đội Tạo ảnh này cũng khoác vai chàng thủy quân lục chiến Nghĩa, còn Nghĩa bắt tay một nữ du kích đội mũ tai bèo. Góc chụp không cho thấy đầy đủ gương mặt cô nhưng vẫn rõ nụ cười, cũng tươi như nụ cười của Nghĩa.

Phó Giám đốc Đài Truyền hình Quảng Trị - Võ Nguyên Thủy kể: Đọc loạt bài độc quyền về hai người lính trên Tiền Phong, nảy ý tưởng mời các nhân vật dự chương trình, anh đã cử phóng viên đi tìm hai du kích trong ảnh Tay bắt mặt mừng và chỉ tìm được với sự giúp đỡ của cựu xã đội trưởng Phan Tư Kỳ người Triệu Trạch. Tiếc rằng một trong hai cô đã mất.

Chiều 25/1/2018 chúng tôi về Triệu Tài, xã lân cận Triệu Trạch để gặp cô du kích còn lại. Bà giờ không ở Triệu Trạch. Huyện Triệu Phong có 18 xã đều bắt đầu bằng “Triệu”.

O du kích đã mất - người bắt tay anh lính thủy quân lục chiến Nghĩa tên là Chính. O Chiến đứng cạnh o Chính. Ông Kỳ đứng loanh quanh đó nhưng không vào ảnh- bà Chiến cho biết. Góc chụp không rõ mặt chỉ rõ vóc dáng thanh xuân nhưng bà Chiến lập tức chỉ vào ảnh xác nhận đó là mình.

 O du kích 19 xuân xanh trong ảnh giờ ở tuổi 64, vẻ mệt mỏi song vẫn còn dấu vết thời xuân sắc. Từ hai tuần trước, Trương Thị Chiến- tên của bà, đã biết sẽ có người về tìm mình, đâm ra “căng thẳng” từ đó. Dần dà theo đà câu chuyện bà mới giãn nở, mỗi lúc một tươi hơn.

Bà kể: “Hồi đó nghe lệnh ngừng chiến mừng lắm. Nghĩ không còn chiến tranh bên nào cũng vui hết. Tôi với chị Chính nhiều lần gặp, nói chuyện với phía bên kia, họ đối xử đàng hoàng lắm như bộ đội mình. Có người còn khóc. Kêu tụi tôi là “em”. Tụi tôi gặp họ hỏi han chuyện gia đình, cũng làm cả việc binh vận...”.

Gặp o du kích Triệu Trạch, và chuyện đoản khúc hòa bình ảnh 2Tay bắt mặt mừng (Trong ảnh, Bùi Trọng Nghĩa bắt tay o Chính còn Nguyễn Huy Tạo khoác vai Nghĩa). Ảnh: Chu Chí Thành.

Xã đội trưởng Kỳ kể hồi đó cử hai o Chính- Chiến giao lưu với phía bên kia phần vì “tụi hắn đẹp gái”. Binh vận có khác, có nét “mỹ nhân kế”. Ông Nghĩa nhớ lại: “Hồi đó gặp nói chuyện với bốn, năm o du kích, o nào cũng đẹp hết!”.

Nhà báo Thành trêu: “Nghĩa ngày trước chưa thì bây giờ bắt tay o Chiến đi. Ông này khôn thật, ngày đó đã chọn bắt tay Bí thư (o Chính)”. Ông Nghĩa bảo hồi đó không hề biết mình đã chụp ảnh này, bắt tay trò chuyện với các o du kích.

Và thế là sau 45 năm, họ lại tay bắt mặt mừng, chuyện cũ chuyện mới. Cuộc này thiếu anh bộ đội Tạo do ông Tạo sáng sau mới vào. Những người còn lại trong ảnh, họ là ai và ở đâu bây giờ? Có thể tìm được họ như đã tìm thấy ông Tạo và Nghĩa, o Chính và Chiến không?

O Chính sau thời gian làm Bí thư Triệu Trạch thì về quê chồng ở Gio Linh sống. Đau yếu nên bà mất hai năm trước. Còn bà Chiến bệnh tim nên chỉ làm được việc nhẹ. Gặng mãi bà mới cho biết cuộc sống bấy nay khó khăn với bốn đứa con. Cha bà bị bắt và tra tấn, bị bắn hồi 1968. “Là con liệt sĩ, bà có được hưởng ưu tiên nào”- tôi hỏi và bà lắc. Có lẽ liệt sĩ ở Quảng Trị, ấy sự thường? Ông Kỳ xác nhận: “Hắn (Chiến) tội lắm, thiệt thòi”. Xác nhận cả chuyện cha bà là liệt sĩ Trương Hiệu, hy sinh năm 1968.

Còn tôi nghĩ sẽ có ngày trở lại thăm cựu du kích Chiến để nghe chuyện một cách đầy đủ hơn bởi ánh mắt đó, gương mặt lúc tươi lúc héo đó đọng lại trong tôi. Và bởi câu chuyện gia đình bà- tham chiến và ra khỏi chiến tranh ra sao, cũng là một phần câu chuyện bi tráng của đất nước này. Như chuyện “hai người lính”.

“QUÁ NGẠC NHIÊN”, “TUYỆT VỜI”

Gặp o du kích Triệu Trạch, và chuyện đoản khúc hòa bình ảnh 3Cuộc hạnh ngộ trên sân khấu chương trình "Khúc ca hòa bình". Từ phải qua: Nhà báo Chu Chí Thành, ông Bùi Trọng Nghĩa, ông Nguyễn Huy Tạo, và MC của chương trình.
Gặp o du kích Triệu Trạch, và chuyện đoản khúc hòa bình ảnh 4Vẻ nồng nhiệt của các chuyên gia rà phá bom mìn Anh, Mỹ sau khi chứng kiến ba nhân vật của chúng ta giao lưu. (Người bắt tay là ông Nghĩa). Ảnh: DPV.

Trước khi đến với Khúc ca hòa bình, theo chân đồng nghiệp địa phương chúng tôi chầm chậm leo những bậc thang lên Đài tưởng niệm Trung tâm Di tích Thành cổ Quảng Trị để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Thời tiết se se quện khói hương nghi ngút và sự thành kính tạo thành một không gian và không khí trầm mặc rất Quảng Trị.

Cuộc giao lưu với Hai người lính diễn ra khoảng giữa chương trình với lời giới thiệu trang trọng: “Trên bờ sông Thạch Hãn nơi chúng ta đang đứng đây, ngay khi Hiệp định Paris 1973 có hiệu lực đã diễn ra những hình ảnh  đẹp xúc động về tình cảm dân tộc, về hòa hợp Bắc - Nam...”.

Màn hình phát cảnh hội ngộ của họ ở sân bay Phú Bài và ga Đông Hà. Khán giả tặng ba người đang ngồi trên sân khấu tràng vỗ tay trước khi nghe họ kể lại kỷ niệm 45 năm trước, và cả mới hai hôm nay thôi.

Khoảng 40 chuyên gia rà phá bom mìn người nước ngoài đang làm việc tại Quảng Trị là khách mời của chương trình kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris. Ngồi hàng ghế ngay sau “hai người lính” là các chuyên gia Mỹ và Anh. Thấy vẻ chăm chú của họ, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị - ông Trần Khánh Phôi bèn tiến lại giải thích lai lịch ảnh Hai người lính đang làm nền cho cuộc hội ngộ của chính họ trên sân khấu. Các chuyên gia nghe xong trầm trồ tiếng Anh: “Quá ngạc nhiên, kỳ lạ thật!”. Và khi ba nhân vật trở về hàng ghế của mình, họ đồng loạt đứng dậy tươi cười, trang trọng bắt tay ông Thành, Tạo, Nghĩa và lại xuýt xoa: “Tuyệt vời!”.

Song như đã nói, không hề dễ dàng để có sự tuyệt vời này, và đó là chuyện sẽ kể ở kỳ sau.

Trước khi đến đây tôi hỏi ông Nghĩa có e ngại gì không thì ông tỏ ra rất tự tin, nhất là khi tôi dặn ông cứ nghĩ sao nói vậy y như lúc nói chuyện với tôi và ông Thành, chỉ có điều phải đẩy tốc độ lên vì có truyền hình trực tiếp và tiếp sóng 10 đài khác. Sau ông cho biết lên đó xúc động quá thành ra không nói được mấy, càng không nói nhanh được.

Còn ông Tạo cũng phát biểu “rất xúc động”:

“Thời đấy rút từ mặt trận Thành cổ về giữ chốt ở Long Quang, chúng tôi là những người lính mười chín đôi mươi được Đảng Nhà nước và các trường cấp một, hai, ba dạy cho mình lòng yêu nước, vào chiến trường giải phóng miền Nam. Khát vọng rất lớn lao. Hiệp định Paris có hiệu lực là lúc tôi lần đầu nhìn được bộ mặt và con người thật của những người cầm súng đối diện thì thấy họ cũng như mình, cũng là thanh niên trai trẻ... 45 năm, hôm nay ngồi đây rất xúc động, khó nói hết tâm trạng...”.

Ông kể về phút đầu hội ngộ: “Anh em tôi gặp nhau 4 giờ sáng nay, ngồi đến sáng hẳn để tâm sự, chủ yếu hỏi cuộc sống hiện tại, gia đình, con cái. Tôi kể về gia đình tôi, anh Nghĩa cũng kể chuyện gia đình cho tôi nghe. Tôi mong mọi gia đình ở Việt Nam đều được hưởng hòa bình và giữ vững nó cho đời đời con cháu mai sau...”.

Một lần nữa tôi nghĩ tôi sẽ nhớ mãi đoản khúc hòa bình đó- trước, trong và sau cuộc hội ngộ lịch sử: Thời khắc ba người rời ghế tiến lên sân khấu trong nền nhạc Cỏ non thành cổ của Tân Huyền mà hôm nay nghe sâu lắng hơn hẳn ngày thường: Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/ Bình minh Thành cổ cỏ mềm theo gió đưa/Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ... Họ giao lưu xong, Bài ca thống nhất của Võ Văn Di vẫn với giọng hát Phạm Phương Thảo vang lên da diết mà hào hùng: Biển trời quê ta. Rộn vang tiếng ca. Bắc Nam một nhà vui một nhà vang tiếng hò khoan...

____

Kỳ 4: Chuyện nước mình


Vẻ nồng nhiệt của các chuyên gia rà phá bom mìn Anh, Mỹ sau khi chứng kiến ba nhân vật của chúng ta giao lưu. (Người bắt tay đứng bên trái là ông Nghĩa).
Vẻ nồng nhiệt của các chuyên gia rà phá bom mìn Anh, Mỹ sau khi chứng kiến ba nhân vật của chúng ta giao lưu. (Người bắt tay đứng bên trái là ông Nghĩa).
TP - Chuyện nước mình, đó là chuyện phân ly đau đớn không chỉ trong chiến tranh mà thôi...

MUỘN CÒN HƠN KHÔNG

Ba năm trước, tôi đọc trên báo lớn nọ chuyện Hai người lính và việc truy tìm nhân vật trong ảnh. Đến đoạn này thì muốn chảy nước mắt: “Sáng 21/4 ô tô chở đoàn cựu binh đến Long Quang. Phan Tư Kỳ mang ảnh chạy ra đưa đoàn. Hơn 20 người lính C5 chuyền tay, ai cũng nói anh bộ đội quen mặt nhưng không nhớ người nào. Trưa cùng ngày, bức ảnh được những cựu binh này chuyển đi tất cả các ban liên lạc của Trung đoàn 48 tại các tỉnh thành qua đường internet”.

Ở loạt bình luận phía dưới, tôi chú ý dòng viết rằng anh bộ đội trong ảnh còn sống, là lính của trung đội, đại đội, tiểu đoàn nọ. Trong khi bài báo nói đã tìm ra nhân vật nhưng anh mất 6,7 năm rồi.

Lập tức tôi đoán người viết kia chính là anh bộ đội dù chẳng ghi rõ tên tuổi, địa chỉ. Là anh, nhưng không muốn xuất hiện?

Sau đó lần đầu gặp cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnhViệt Nam Chu Chí Thành nhân chuyện bài vở liên quan đến Hội, tôi nói với ông ý nghĩ của mình rằng anh bộ đội chắc còn sống, vậy có tin tức gì ông nhớ báo cho tôi.

Cuối 2015, ông Thành thông báo có một cựu binh tìm đến nhà ông để ôn chuyện chiến trường, ngờ ngợ ông hỏi và người đó nhận mình chính là anh bộ đội trong ảnh!

Thế là tôi viết bài Những tình tiết mới trong bức ảnh “Hai người lính” mà nhiều bạn đọc đã biết. Đó là lần đầu tiên nhân vật bộ đội xuất hiện công khai sau nhiều năm đắn đo.

Gặp Nguyễn Huy Tạo tôi hỏi ông đã thông tin việc mình còn sống dưới bài báo Tuổi Trẻ đúng không. Ông gật đầu.

Sau đó một năm rưỡi, khi tôi cất công tìm được nhân vật còn lại- người lính thủy quân lục chiến, lãnh đạo cơ quan muốn sớm tổ chức hội ngộ cho họ, ở TPHCM sau đó có thể cả Quảng Trị, Hà Nội. Bởi báo cho đây là câu chuyện đầy ý nghĩa, lại kết thúc có hậu một cách bất ngờ. Vả lại cũng để thỏa mong muốn của nhiều bạn đọc- những người gọi đây là “câu chuyện hòa giải hay nhất” họ được đọc được biết.

Chu Chí Thành mong cuộc này đã đành mà Bùi Trọng Nghĩa- “mùa thu nay khác rồi”, nghĩa là không còn phong kín lòng mình như trước.  Lăn tăn hóa ra lại ở Nguyễn Huy Tạo.

Ngay lần đầu tôi gặp vào cuối 2015, ông Tạo dù cởi mở kể kỷ niệm chụp ảnh Hai người lính nhưng vẫn ngần ngại, băn khoăn rằng sự xuất hiện của mình đã hợp thời chưa hay để một thời gian nữa. Và rồi năm ngoái, khi tôi xác quyết với ông: nhân vật còn lại trong ảnh, không nghi ngờ gì nữa, chính là Bùi Trọng Nghĩa, ông vẫn hồ nghi.Tôi nói “vậy càng nên gặp xem có đúng không”.

Ông Tạo nói ông ý thức được giá trị bức ảnh, cũng biết nhiều người quan tâm số phận các nhân vật. Nhưng ông bận đi ngoại tỉnh liên miên với các dự án kinh tế sau khi về hưu. Tôi biết ông không bận đến thế, đến mức khó thu xếp thời gian để câu chuyện Hai người lính khép lại một cách hoàn hảo. Và nói đùa với ông Thành rằng tình hình này khéo chỉ  có Chu Chí Thành và Dương Phương Vinh hội ngộ Bùi Trọng Nghĩa thôi!

“Hai người lính” hội ngộ lịch sử sau 45 năm, Kỳ 4: Chuyện nước mình ảnh 1Cuộc hạnh ngộ ở Quảng trường Giải phóng  mà cựu du kích Thạnh tả “đi đâu cũng nghe bà con bàn tán”. Từ phải qua: Nhà báo Chu Chí Thành, ông Bùi Trọng Nghĩa, ông Nguyễn Huy Tạo, và MC của chương trình. Ảnh: DPV.

Ông Tạo chưa muốn hội ngộ ngay phần vì lo đồng đội còn sống biết đâu lại không bằng lòng. “Nhưng chính ông kể bạn bè, chiến hữu và gia đình đọc loạt bài Tiền Phong đều không chút phàn nàn, và sau này xem ti vi chương trình ông gặp ông Nghĩa ở Quảng Trị họ đều khen cơ mà?” “Đúng thế, họ thích lắm, nhưng...”.

Hóa ra ông có rất nhiều cái nhưng. Ông muốn tránh cho mọi người, ông e ngại cơ quan đoàn thể làm khó người thân của ông. Rồi ý Đảng lòng dân nữa bởi như ông biết, có chủ trương hòa giải đâu, “thượng tầng” đã thay đổi gì đâu. Vân vân. “Anh ơi, bây giờ mà coi nhẹ hòa hợp mới là lạc hậu đấy. Nhiều năm trước Bộ Ngoại giao đã muốn mang ảnh Hai người lính sang Quận Cam để chứng minh từ năm 1973 đã có chủ trương hòa giải dân tộc. Chu Chí Thành kể như vậy” “Đó là Bộ Ngoại giao. Một số cơ quan khác không biết thế nào”, ông Tạo vẫn phân vân.

“Hai người lính” hội ngộ lịch sử sau 45 năm, Kỳ 4: Chuyện nước mình ảnh 2Ba nhân vật của chúng ta trước giờ giao lưu ở Quảng trường Giải phóng. Phía sau họ là các chuyên gia rà phá bom mìn của Anh, Mỹ. Ảnh: DPV.

Dù muộn, cuối cùng ba nhân vật của chúng ta đã có cuộc hạnh ngộ mà theo dư luận bà con Quảng Trị thì “hay và lạ quá”. Nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Triệu Trạch- Lê Quốc Thạnh thuật lại: “Họ bàn tán mấy hôm liền, khắp nơi” (sau khi chứng kiến trực tiếp hoặc qua ti vi).

 TỪ ĐƯỜNG CHIẾN TRẬN ĐẾN “NHỮNG CON ĐƯỜNG NAM BẮC NỞ HOA”

Ngày 29/12/1972, Mỹ ngừng ném bom Hà Nội. Chưa đầy một tháng, Hội nghị Paris ký kết, hòa bình đã trong tầm tay. Vừa cưới vợ, phóng viên TTXVN Chu Chí Thành lên đường vào Quảng Trị với hai nhiệm vụ: Ghi lại cuộc trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn và phản ánh việc thi hành Hiệp định Paris ở tuyến giáp ranh.

Trong chiến tranh ông Thành nhiều lần tới Vĩnh Linh nhưng chưa một lần vượt sông Bến Hải sang bờ Nam. “Việc tiếp xúc thật sự với những người lính Sài Gòn, chụp được bốt gác của họ, khuôn diện của họ, sinh hoạt của họ là công việc hấp dẫn với một phóng viên trẻ như tôi”- ông nói.

Nguyễn Huy Tạo quê gốc Hà Nội nhưng theo cha mẹ sống ở Hải Phòng và Nam Định trước khi tình nguyện vào chiến trường với lý tưởng trong sáng, chiến đấu dũng cảm, bị thương ở đầu và vai nên được ra Hà Nội học ngay trong năm 1973, đi trọn con đường binh nghiệp và định cư Hà Nội từ bấy đến giờ. Còn Bùi Trọng Nghĩa quê gốc Bình Định nhưng ông bà cha mẹ sống ở Sài Gòn từ thập kỷ 20 thế kỷ trước. Lớn lên, mang thân phận đặc biệt hơn mình tưởng, ông đi vào cuộc chiến mà về sau quá mừng khi thoát ra, “lẽ ra xanh cỏ”.

“Hai người lính” hội ngộ lịch sử sau 45 năm, Kỳ 4: Chuyện nước mình ảnh 3Từ phải qua: Các ông Phan Tư Kỳ, Bùi Trọng Nghĩa, Chu Chí Thành, Nguyễn Huy Tạo, Lê Quốc Thạnh. Ảnh: DPV.

Từ Nam Định, Hà Nội vào và từ Sài Gòn ra- đường chiến trận khiến họ có cuộc gặp định mệnh 45 năm trước tại đất lửa để rồi bây giờ tay bắt mặt mừng. Đến Quảng Trị lần này, nhà báo Thành và người mẫu ảnh Nghĩa chung phòng khách sạn, tha hồ chuyện! Có lúc ông Thành cho biết “Nghĩa vừa kể rất hay về cuộc tháo chạy ở Đà Nẵng tháng 3/1975”. Tôi bảo ông Nghĩa kể tôi nghe với. Nghe xong thấy đúng là “Tháng Ba gẫy súng”. (Tên hồi ký của Cao Xuân Huy- trung úy thủy quân lục chiến). Ông còn kể những chuyện như: hồi đó lính tráng được phát pa-tê ngon lắm nhưng ông “nuốt không nổi, mấy ngày không hết một hộp”. (Vì mất tinh thần). 

Nước mình lạ lắm. Một nhà hai chiến tuyến, lòng người đôi ngả là thường. Như chuyện nhà du kích Chiến trong ảnh Tay bắt mặt mừng- nhân vật kể ở kỳ trước. Cha bà Chiến theo cách mạng, không chịu chỉ hầm cán bộ nên bị tra tấn, bắn chết trong khi hai bác ruột của bà có 5 con trai thì ba anh con bác cả đều đi lính Việt Nam cộng hòa. “Ba anh tội lắm, người tốt. Hồi 1966-1967 mỗi khi các anh về làng là ông thân tôi lại khuyên nhủ, mấy con à, về đây đi cách mạng với chú. Các anh nói con lạy chú, cực như chú tụi con chịu không nổi, chui bờ lủi bụi, mỗi khi lính về chú trốn dưới hầm nhịn ăn hai, ba ngày. Con xin chú cho con đi, con đi lính nhưng không hại ai cả. Năm 1968 ba tôi bị bắn, các anh mang xác về và bảo lãnh để mẹ tôi hàng tháng không phải lên đồn trình diện nữa”.

Ruột thịt của ông Nghĩa cũng có người theo cách mạng. Và ông thực sự mang thân phận “đặc biệt hơn mình tưởng” nhưng đó là chuyện dài chưa định kể lúc này.

Dịp 30/4 năm ngoái, báo nọ nhắc chuyện chỉ nước mình mới có: Thời khắc bàn giao chính quyền trưa 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh hỏi “Em trai tôi thế nào”. Em của ông theo phe đối phương.

Vô số giai thoại trong chiến tranh. Vô số khúc bi tráng. Vô số nỗi đau và niềm tiếc nuối, nhất là những cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ. Những định kiến, hờn giận, tổn thương cả đời. Sự phức tạp éo le khiến khó xử cả đời...

Hòa giải, hòa hợp hay chẳng bao giờ? Những ai có thể giải đáp điều mà những người như Nguyễn Huy Tạo băn khoăn? Làm thế nào để “những con đường Nam Bắc nở hoa” như lời Trịnh Công Sơn hát lên từ thuở Ca khúc da vàng mấy chục năm trước?

(còn nữa)

____

Kỳ 5: cho cuộc hòa giải một cơ hội